Cô Lâu Quái Kiệt

Chương 21: Đồng Chung thực, Đồng Chung giả



Đêm đã vào canh ba, bóng trăng sáng vằng vặc, khắp ngọn Kỳ Bàn phong mông lung như được phủ lên một lớp sương lạnh.

Chung quanh không nghe một tiếng côn trùng, không một tiếng chim đêm, mà chỉ có ngọn gió lạnh thổi rì rào, nghe như tiếng rên rỉ của một kẻ sắp chết.

Giữa bãi đá tảng ngổn ngang nằm về phía trái ngọn núi, có một cặp mắt sáng ngời đang ngó đăm đăm về phía đỉnh núi.

Kẻ có đôi mắt sáng ngời ấy chính là Gia Cát Ngọc, người đã đến đúng theo lời hẹn.

Thời gian trôi qua từng giây từng phút một, trên đỉnh núi vẫn chẳng hề trông thấy một bóng người nào. Gia Cát Ngọc đã bắt đầu sốt ruột. Chả lẽ...?

Chàng đang lo ngại đối phương sẽ thất hẹn, thì bỗng có tiếng chéo áo giũ trong gió nghe rèn rẹt, vọng đến bên tai.

Âm thanh ấy nghe rất khác lạ, người am hiểu võ công vừa nghe qua, là đã biết đối phương chính là một cao thủ võ lâm, chứ không phải tầm thường.

Nhưng, một cao thủ võ lâm khi đã rèn luyện võ công đến mức cao tường tuyệt đỉnh rồi, thì tất cả các hành động đều phải đi đến mức độ không gây ra một tiếng động khẽ nào mới phải, thế tại sao đối phương phi thân lướt đi lại để chéo áo giũ rèn rẹt trong gió như vậy?

Chả lẽ kẻ đó không phải là kẻ mà chàng đang chờ đợi?

Ủa? Mà đây mới thực là lạ. Vì tiếng rèn rẹt ấy bỗng dưng lại im hẳn. Kế đó, chàng lại nghe có những âm thanh hết sức mơ hồ như một làn gió nhẹ thoảng qua trên mặt nước, khiến chàng không thể nhận xét được âm thanh ấy xuất phát từ hướng nào.

Đúng thế. Như vậy mới đáng gọi là một cao thủ bậc nhất trong võ lâm. Nhưng tại sao hành động của người đó lại hoàn toàn khác biệt, y như hai người. Hay là...?

Chàng chưa tự tìm được câu giải đáp, thì trên ngọn núi Kỳ Bàn phong bỗng có bóng người chập chờn, và xuất hiện...

Khi nhìn kỹ được đối phương, thì không khỏi giật nảy mình, suýt nữa buột miệng kêu thành tiếng.

Người ấy là ai thế?

Thì ra, người đó chính là Đồng Chung đạo nhân, kẻ vừa được phong là Huyết Hải Võ Tướng.

Chàng trông thấy lão ta râu dài quá bụng, mình mặc một chiếc áo dài đen chấm đất, tay trái bưng một chiếc chuông đồng cũ kỹ, loang lổ từng đốm đen xanh và đang óng ánh dưới ánh trăng bạc.

Lão ta hẹn mình đến đây để làm gì? Ta nên bước ra gặp lão ta chăng?

Gia Cát Ngọc đang băn khoăn nghĩ ngợi thì bỗng thấy Đồng Chung đạo nhân đưa mắt ngắm lên bầu trời, rồi lại co một ngón tay nhắm búng thẳng vào chiếc chuông đồng cũ kỹ.

Boong. Một tiếng ngân trong trẻo và cao vút đến tận mây xanh. Giữa đêm khuya và giữa vùng núi đồi hoang dại này, tiếng chuông lẳng lặng vang mãi không dứt.

Tiếng chuông của lão còn đang ngân dài thì bỗng tại phía chân núi lại có một tiếng chuông thứ hai ngân lên.

Đây là tiếng chuông hồi âm chăng?

Không. Tiếng chuông ấy hơi rè, không trong trẻo như tiếng chuông của Đồng Chung đạo nhân.

Chẳng lẽ trong võ lâm lại có một cao thủ thứ hai nào sử đồng chung nữa hay sao?

Đúng thế, không sao một tí nào cả. Bên dưới ngọn Kỳ Bàn phong lại có một bóng người xuất hiện. Bóng người ấy lướt đi nhẹ nhàng như đàng vân giá vũ, nhắm ngay ngọn núi vượt thẳng lên.

Bóng người ấy cũng mặc áo màu đen, cũng râu dài quá rún, cũng bới một búi tóc cao trên đỉnh đầu, trong tay cũng đang cầm một chiếc đồng chung. Chẳng phải là Đồng Chung đạo nhân, một trong Càn Khôn ngũ bá mà lại có người dám mạo nhận, thực đây là một chuyện chưa từng nghe xảy ra trong đời. Nhưng, hai người ấy trông y hệt như nhau, ai thực ai giả chẳng làm sao nhận xét được. Hơn nữa, người hẹn với chàng đến đây, lại là người nào?

Gia Cát Ngọc cảm thấy hoang mang, không hiểu ra sao cả.

Trong khi Gia Cát Ngọc còn đang ngơ ngác, thì tâm trạng của Đồng Chung đạo nhân cũng nào có khác chi chàng?

Một người đến trước, mình mặc áo đen, râu dài quá rún, cũng búi tóc cao trên đỉnh đầu...

Và một người đến sau cũng mình mặc áo đen, râu dài quá rún, cũng búi tóc cao trên đỉnh đầu...

Cả hai đều giống nhau, giống y hệt như nhau. Nhưng, duy có một điểm khác nhau, chính là chiếc chuông đồng trên tay họ.

Chiếc chuông đồng cũ kỹ trên tay người đến trước đang lấp lánh màu tím ngắt, nhưng chiếc chuông đồng của người đến sau thì ánh vàng chói rực, khiến ai nhìn đến cũng hoa mắt.

Không khí chung quanh, bỗng trở thành im lặng và nặng nề hơn.

Giữa hai lão già ấy, tựa hồ đều đang kinh ngạc trước hình dáng và ăn mặc của đối phương. Hai lão ta không ngớt đưa mắt nhìn nhau, và sắc mặt cũng không ngớt thay đổi. Cuối cùng, bỗng cả hai đều cất tiếng cười nhạt.

Giữa hai tiếng cười ấy, Gia Cát Ngọc đã nhận ra được, người hẹn chàng đến địa điểm này, chính là Đồng Chung đạo nhân vừa đến sau.

Khi tiếng cười vừa dứt, thì cả hai lại “Hừ” lạnh lùng, rồi đồng thanh hỏi :

- Các hạ là ai?

Cả hai đều suốt ruột muốn biết đối phương là nhân vật nào, nên đã đồng thanh cùng đặt ra một vấn đề giống hệt nhau.

Cả hai dừng lại trong giây lát, rồi lại đồng thanh đáp rằng :

- Ta là Đồng Chung đạo nhân đây.

Hai câu hỏi cũng như hai câu trả lời, đều không khác một tiếng nào. Cả hai lại cùng nói lên một lúc, y như hai kép hát đang hát trên sân khấu. Gia Cát Ngọc đứng ngoài nhìn xem, thấy thế suýt nữa bật cười thành tiếng.

Liền đó, vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, lại cất tiếng cười nhạt nói :

- Mấy năm qua, bần đạo không dấn bước giang hồ, thực chẳng ngờ cái tên Đồng Chung đạo nhân lại bị người ta mạo nhận.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước, cất giọng lạnh lùng phì cười, nói :

- E rằng kẻ giả mạo chính là cát hạ chứ không phải tôi.

- Cát hạ lấy chi để làm bằng chứng?

- Thử hỏi cát hạ có biết chiếc “Đoạn Trường chung” này xuất xứ từ đâu chăng?

- Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, bèn thu tất cả binh khí của lục quốc mang về đúc thành mười hai tượng người bằng thép, và sau đó dùng vàng, y ra lệnh cho một người thợ nổi tiếng, tên là Mộng Châu Sinh lo đúc một cái chuông. Nhưng, nấu suốt ba ngày bằng lửa đỏ, mà số vàng ấy vẫn không chảy. Sau đó, Mộng Châu Sinh phải bước vào lò để hiến thân thì việc đúc chuông mới thành công. Nhà vua bèn mang chiếc chuông đó đến treo tại cung A Phòng, và ban cho vợ của Mộng Châu Sinh giữ chức vụ đánh chuông hàng ngày. Vì thấy chiếc chuông thì nhớ đến người chồng năm xưa, nên vợ Mộng Châu Sinh quá ư đau đớn, gào khóc luôn ba ngày ba đêm, đứt ruột mà chết. Chính vì vậy, nên chiếc chuông ấy mới được gọi là “Đoạn Trường chung”. Đến khi nhà Tần bị mất, thì chiếc chuông đó lại rơi vào tay Hạng Võ, rồi lại truyền đến nhà Hán. Vào năm thứ hai thời Hán Vũ Đế, có vị thủy tổ của phái Quát Thương là Hoành Đạo chân nhân dẹp yên được giặc Hung Nô, nhưng không chịu nhận quan chức của nhà vua ban, nên nhà vua lấy chiếc chuông ấy để biếu cho ông ta...

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước vừa nghe qua, thì bỗng cất tiếng cười to ha hả, nói :

- Đúng lắm. Đúng lắm. Vậy xin hỏi chiếc đồng chung trong tay của ông kia có phải là vật quý giá của đời nhà Tần để lại hay không?

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, lộ vẻ giật mình, đáp :

- Không phải.

- Ha ha, chiếc đồng chung của ông là vật giả như vậy thì chính con người của ông nào lại có thực được?

- Những vật chung quanh con người, có nhiều lúc không làm thế nào giữ nó mãi bên cạnh, mà không bị thất lạc.

- Thế chiếc đồng chung của ông bị thất lạc trong trường hợp nào?

- Ba năm trước đây, tôi đã tặng nó cho một người ở Lục Chiếu sơn, thuộc vùng Vân Nam.

- Ông tặng nó cho ai?

- Tôi tặng nó cho một người đàn bà bệnh hoạn yếu đuối.

- Ha ha ha, bửu kiếm thì tặng cho liệt sĩ, cũng như phấn sáp thì phải tặng cho giai nhân, vậy cát hạ lại mang một chiếc chuông đồng biếu cho một người đàn bà đã già nua bệnh hoạn để làm gì? Chả lẽ cát hạ định cho bà ta dùng để chèn hòm hay sao?

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau tựa hồ như tức giận qua câu nói ấy, nên liền bước hẳn đến trước ba bước, gằn giọng đáp :

- Chiếc đồng chung của bần đạo là một chiếc đồng chung giả, vậy chẳng lẽ vật trong tay của ông kia lại là một vật thực hay sao?

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước liền cười ha hả, nói :

- Đấy là giả hay thực, cát hạ nhìn qua chắc cũng tự biết rồi.

Lão ta vừa trả lời, nhưng cũng vừa xô mạnh cánh tay trái ra, tức thì chiếc đồng chung cũ kỹ liền bay vèo về phía trước.

Dưới ánh trăng sáng, chiếc đồng chung ấy lập lòe màu sáng tím ngắt, bay tới nghe vèo vèo, kình khí ồ ạt rung chuyển cả màng tai.

Chỉ qua sức xô ra của lão ta, cũng đủ biết nội lực trong người của lão mạnh đến mức nào, quả không dám xem thường được.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau trông thấy thế, bèn cất tiếng cười lạnh lùng, rồi đưa thẳng chưởng phải lên chụp tới rồi hạ thấp xuống, thế là, lão ta đã xiết cứng được chiếc chuông đồng vào trong tay. Lão ta đưa lên nhìn kỹ một lượt, thì đôi mắt bỗng tràn đầy ánh sáng kinh dị.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước bèn cất giọng lạnh lùng cười khanh khách, khiến cho vị Đồng Chung đạo nhân đến sau không ngớt biến đổi sắc mặt.

Qua tình trạng ấy, không cần hỏi ai cũng đủ biết được chiếc chuông đồng nọ, chính là một chiếc chuông đồng của đời nhà Tần trước kia. Như vậy, giữa hai vị Đồng Chung đạo nhân này, ai thực ai giả, cũng có dựa vào chiếc chuông đồng trên tay họ mà quyết định được.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau lộ vẻ trầm ngâm một lúc khá lâu, và cuối cùng liền cất tiếng cười nhạt, rồi vung mạnh cánh tay ra, khiến chiếc chuông đồng xoay tròn và bay thẳng lên không, rít gió nghe vèo vèo, chỉ trong nháy mắt là đã bay cao ngoài mười trượng.

Chiếc chuông đồng ấy khi bay lên thì thật là nhanh, nhưng khi bắt từ trên rơi trở xuống, lại chậm chạp một cách lạ lùng. Nó phiêu diêu một cách nhẹ nhàng trên khoảng không, trông chẳng khác nào một cánh hoa đang bay trước gió.

Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức kinh hãi, ngay đến vị Đồng Chung đạo nhân đến trước cũng không khỏi biến hẳn sắc mặt. Nhưng, liền đó, lão ta lấy lại được sự bình tĩnh ngay, vung chưởng lên đỡ lấy chiếc đồng chung đang từ trên cao rơi trở xuống.

Khi chiếc đồng chung đã rơi đến tay của lão ta, thì đôi chân của lão ta dường như bị lún mạnh xuống đất, đến cả đôi vai cũng khẽ dao động, tựa hồ trình độ nội công còn kém hơn vị Đồng Chung đạo nhân đến sau nửa bậc.

Nhưng, đấy chỉ là những hiện tượng xảy ra rất nhanh chóng, nếu không để ý nhìn thì không làm thế nào nhận thấy rõ được.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau chừng đó mới cất tiếng cười nhạt nói :

- Chiếc đồng chung của ông quả đúng là bảo vật của đời Tần để lại, và ông cũng có thể là Đồng Chung đạo nhân thật sự. Nhưng, ông đã là người của phái Quát Thương, vậy tại sao vị Chưởng môn của phái ông bị chết dưới tay của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, thế mà ông lại không hề có ý nghĩ phục thù, trái lại, còn đi làm tay sai cho kẻ thù một cách không biết nhục nhã?

Lời nói ấy hết sức hữu lý. Gia Cát Ngọc nghe qua thì đã đoán biết được hai việc bí ẩn trong chuyện này.

Việc thứ nhất, là vị Đồng Chung đạo nhân đến trước chính là người đã từng đánh nhau với chàng một lần, và hiện đang giữ chức vụ Huyết Hải Võ Tướng.

Việc thứ hai, vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, chắc chắn là người đã giúp cho đệ tử của Cái bang đánh chết một số cao thủ của Huyết Hải Địa Khuyết.

Nhưng, giữa hai người, ai là Đồng Chung đạo nhân thật, ai là Đồng Chung đạo nhân giả?

Chàng băn khoăn mãi, nhưng không làm sao dám xác định cho được.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước bỗng cất tiếng cười to rằng :

- Vì đại nghĩa mà diệt trừ người thân, đấy là lời dạy của người xưa. Lục Nhất đạo trưởng, Chưởng môn phái Quát Thương, đã cãi lại mệnh lệnh của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, vị thiên tử của võ lâm, thì dù có chết cũng chưa đáng tội, vậy làm thế nào nói được đến chuyện phục thù?

Những lời ngụy biện ấy khiến Gia Cát Ngọc vừa nghe qua cũng không khỏi mắng thầm lão ta, là một con người vô liêm sỉ.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, liền ngửa mặt cười nhạt, nói :

- Hạng người hèn mạt như ông, quả là hạng người vô cùng bỉ ổi. Vậy, nếu giờ đây bảo ai thật ai giả, thì không có bằng cớ chi để xác nhận, chi bằng ông hãy đỡ ít thế võ của tôi tất sẽ biết.

Nói đoạn, lão ta liền vung chiếc chuông đồng ra, tức thì ánh sáng vàng kim lóe lên đầy trời, nhắm ngay Đồng Chung đạo nhân kia thẳng tới.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến trước bèn cất giọng sâu hiểm cười ngạo nghễ, rồi xoay người lại, vung chiếc đồng chung trong tay quét nhẹ trở ra.

Khi hai chiếc đồng chung va chạm vào nhau, thì liền nghe một tiếng ngân dài đinh tai nhức óc, khiến núi đồi tựa hồ đều lắc lư, cát đá bay tung mịt mù, kình phong cuốn ào ào không ngớt, chẳng khác gì bão táp nổi lên giữa biển khơi.

Sức mạnh ấy, thực từ trước đến nay chưa từng thấy nhân vật nào trong võ lâm có thể gây ra được. Ngay đến cả Gia Cát Ngọc cũng phải chắt lưỡi thán phục khôn cùng.

Bởi thế, sau khi kinh ngạc và sau khi nghe tiếng chuông ngân đã dứt, thì chàng bèn đưa mắt nhìn lên, và không khỏi lại kinh ngạc...

Thì ra, khung cảnh trước mắt lại diễn biến hết sức lạ lùng. Cả hai vị Đồng Chung đạo nhân đứng sững nhìn nhau, trong khi hai chiếc chuông cũng dính chặt với nhau giữa không trung, chứng tỏ họ đang dùng chân lực để quyết đầu một trận sống chết.

Gió đêm thổi lồng lộng, tiếng côn trùng kêu rả rích, dưới ánh trăng khuya vằng vặc, Gia Cát Ngọc đã nhận rõ được diện mục của hai đối phương. Tuy gương mặt của hai người trông rất giống nhau, nhưng thái độ thì hoàn toàn khác nhau.

Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, có vẻ rất nghiêm trang, nhân từ. Tuy lão ta rất có thể là một người mạo danh kẻ khác, nhưng qua thái độ và nghi dung của lão ta, khiến cho người chung quanh tự nhiên có một sự kính nể.

Trong khi đó, vị Đồng Chung đạo nhân đến trước, trên sắc mặt lại có những nét rất hung ác và nham hiểm. Tuy chiếc đồng chung của lão ta là một chiếc đồng chung thực, và do đó, lão ta rất có thể là vị Đồng Chung đạo nhân thực, nhưng Gia Cát Ngọc đối với lão ta hoàn toàn không có một tí thiện cảm.

Núi đồi hoàn toàn hoang vắng.

Đêm khuya hoàn toàn phẳng lặng.

Tuy bên ngoài xem khung cảnh chung quanh có vẻ rất yên lành nhưng kỳ thực thì bên trong đang ngấm ngầm chứa một trận xô xát trời long đất lở, và nếu xảy ra, thì thực hậu quả không ai làm sao tưởng tượng nổi.

Hai hàm râu bạc phếu của hai đối phương không ngớt bay phất phơ theo chiều gió. Hai chiếc đạo bào màu đen phồng to lên như một quả bóng bơm đầy hơi...

Trên đầu của hai người đều bốc khói trắng. Trên hai vầng trán cũng đang lấm tấm mồ hôi.

Và quả tim của hai người cũng...

Tóm lại, sự giằng co của hai người đã đến giai đoạn quyết liệt, chỉ cần kéo dài thêm một khoảng thời gian độ dùng xong một chén trà nữa, là có thể quyết định được sự thắng bại giữa hai bên.

Xem ra, vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, tựa hồ như là một người giả mạo, thế nhưng lão ta lại có thể dùng chân lực để đấu thẳng với vị Đồng Chung đạo nhân thật suốt một khoảng thời gian dài, thì đã thấy võ công của lão ta quả thật cao cường đến mức khiếp sợ.

Ông ấy là ai? Tại sao ông ấy lại đi mạo nhận danh hiệu của Đồng Chung đạo nhân? Ông ta có thể duy trì được bao lâu nữa? Chẳng lẽ ông ấy có ý hẹn với mình đến đây, để chờ khi ông ta bị nguy cấp thì mình sẽ tiếp tay với ông ta chăng?

Phải. Vị Đồng Chung đạo nhân giả này, nếu đem so sanh với Đồng Chung đạo nhân thật, thì dễ thiện cảm hơn nhiều, vậy nếu ông ta không thể đối địch nổi với vị Đồng Chung đạo nhân thật, thì ta tất sẽ...

Ta nên ra tay giúp đỡ ông ta chăng?

Trong khi chàng còn đang đắn đo nghĩ ngợi, thì thực trạng trước mắt thay đổi dần. Kình phong bỗng dấy động càng mạnh mẽ hơn, gió rít vèo vèo nghe rõ mồn một.

Vị Đồng Chung đạo nhân thật sắc mặt liền biến đổi hẳn, hai khóe miệng khẽ rung động, trong khi chiếc đồng chung cũ kỹ lốm đốm ten xanh của lão ta cũng đang dao động không ngớt như một trái sen đang nhấp nhô trên sóng biếc.

Chàng lại đưa mắt nhìn về phía vị Đồng Chung đạo nhân giả, thì thấy sắc mặt ông ta vẫn bình tĩnh như thường, chòm râu bạc trước ngực không ngớt phất phơ theo chiều gió, đôi chưởng đang đỡ chặt lấy chiếc đồng chung chói rọi ánh vàng kim, dốc hết toàn lực đè về phía đối phương...

Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức vui mừng, bất giác thở phì ra một hơi nhẹ nhõm.

Bỗng nhiên, giữa bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, bất thần lại có tiếng chéo áo giũ rèn rẹt trong gió.

Gia Cát Ngọc bỗng lóe lên một ý nghĩ trong đầu óc và hiểu rằng tiếng chéo áo mà chàng nghe được khi vừa mới đến đây chắc chắn là tiếng chéo áo của người này. Và khi đã đến địa điểm, thì người này dừng chân đứng lại, mà chỉ còn một mình Đồng Chung đạo nhân lướt tới, nên âm thanh mới trở thành mơ hồ như chàng mới nghe.

Nghĩ thế, chàng liền vọt mình bay lên như một con chim khổng lồ nhắm ngọn Kỳ Bàn phong lướt thẳng tới.

Cũng may là sự ứng biến của chàng hết sức nhanh nhẹn, nên mọi việc cũng rất kịp thời...

Vì khi thân hình chàng từ giữa lưng chừng trời sa xuống sắp đến nơi, thì ở phía sau ngọn núi đã xuất hiện một bóng người mặc áo đạo sĩ, nhanh nhẹn vung cây phất trần trên tay lên, nhắm ngay lưng của vị Đồng Chung đạo nhân giả điểm tới.

Những sợi tơ vàng trên chiếc phất trần rít gió nghe vèo vèo, giương thẳng như những sợi lông nhím, nhắm chụp thẳng vào chín đại huyệt của đối phương.

Thế võ ấy, nếu điểm trúng vào đối phương, thì chớ nói chỉ là con người mà ngay đến như sắt thép, hoặc những pho tượng đúc bằng đồng đi nữa, e cũng khó vẹn toàn thân xác được.

Vị Đồng Chung đạo nhân giả, tuy đang ở vào thế ưu thắng hơn, nhưng cũng không làm thế nào dám thu chân lực về ngay. Bởi thế, xem ra ông ta chắc chắn không làm sao tránh khỏi bị chiếc phất trần của đối phương điểm trúng. Ông ta vì vậy đang cảm thấy tiến thoái lưỡng nan, trong lòng cũng không khỏi kinh hoàng thất sắc...

Gia Cát Ngọc trông thấy vị Đồng Chung đạo nhân giả đang lâm vào thế hiểm nguy như chỉ mành treo chuông, thì liền cất tiếng hú dài, rồi vung hai chưởng đánh mạnh vào khoảng không, nhanh như chớp tấn công bất thần vào vị đạo sĩ nọ.

Đấy mới thật là hại nhân nhân hại.

Tuy Gia Cát Ngọc vì quá hối hả nên không sử dụng hết toàn lực, nhưng thế đánh của chàng cũng hất mạnh vị đạo sĩ, khiến cho ông ta phải loạng choạng thối lui năm bước dài.

Khi vị đạo sĩ ấy nhìn rõ kẻ bất thần xuất hiện trước mặt mình, chính là một gã thư sinh tuổi vừa mới mười bảy mười tám thì không khỏi hết sức kinh ngạc, gằn giọng nói :

- Thí chủ là ai?

- Tôi chính là Thiên Nhai Du Tử Gia Cát Ngọc đây.

Đạo sĩ ấy liền biến hẳn sắc mặt nói :

- Giữa ta và vị chủ nhân Kim Cô Lâu ngươi không oán không thù, thế thì tại sao lại can thiệp vào chuyện riêng của phái Quát Thương ta?

Gia Cát Ngọc chưa kịp trả lời, thì bỗng nghe một tiếng “xoảng” ngân dài, tức thì cả hai vị Đồng Chung đạo nhân liền vung tay phi thân bay bổng lên cao...

Vị Đồng Chung đạo nhân thật vị thế đã bị hất bắn ra sau đến ba thước. Vị Đồng Chung đạo nhân giả cũng bị dao động mạnh đôi vai, nhưng liền rùn chân đứng vững lại...

Hai người đưa mắt nhìn nhau trân trối một lúc lâu thì vị Đồng Chung đạo nhân bỗng cất tiếng cười to, như muốn xé màng tai mọi người chung quanh.

Tiếng cười vừa dứt thì sắc mặt ông ta trở thành lạnh lùng như băng giá, quay về phía lão đạo sĩ vừa ra tay đánh lén, quát rằng :

- Ông là ai thế?

Vị đạo sĩ ấy liền hừ một tiếng lạnh lùng, nói :

- Ta là Lục Hợp, giữ chức vụ Chưởng môn đời thứ mười tám của phái Quát Thương đây.

Vị Đồng Chung đạo nhân giả nghe thế, không khỏi lộ sắc ngạc nhiên, bất thần trấn tới một bước, hỏi rằng :

- Lời nói ấy có đúng sự thật không?

- Làm sao lại không đúng sự thật được?

- Vậy Ngọc Phù đâu?

Lục Hợp đạo nhân cất tiếng cười, rồi nhanh như chớp thò tay vào áo lấy ra một chiếc ngọc phù bằng bạch ngọc, trên tròn dưới vuông rộng, độ hai ngón tay, dài độ ba tấc, bên trên có chạm một cành trúc thướt tha, và tại góc phía trái, có bốn chữ đỏ “Cao phong lượng tiết”.

Vị Đồng Chung đạo nhân giả nét mặt không ngớt thay đổi.

Lục Hợp đạo nhân cười lạnh lùng nói :

- Ngươi nếu quả là đệ tử của phái Quát Thương thì chả lẽ lại không nhận ra chiếc “Ngọc Phù trúc lệnh” này?

Vị Đồng Chung đạo nhân giả tỏ ra đắn đo trong giây lát, liền chấp tay cúi lạy, rồi nhanh như chớp quay mình bỏ chạy bay đi...

Chiếc Ngọc phù ấy, tựa hồ là tín vật của Chưởng môn phái Quát Thương. Nó hoàn toàn không có chi chứng tỏ là chiếc Ngọc phù giả, như vậy, địa vị Chưởng môn của lão đạo sĩ này cũng hoàn toàn không có điều chi khả nghi nữa. Vị Đồng Chung đạo nhân đến sau, dù cho đã có rời bỏ ngôi chùa khá lâu, nhưng đối với một người có thể lên giữ chức vụ Chưởng môn, thì nào phải là một nhân vật tầm thường, thế mà lão ta lại không được biết, vậy đủ thấy lão ta là một người giả mạo, chứ không còn chi ngờ vực nữa.

Song, dù vị Đồng Chung đạo nhân ấy là thật hay giả, Gia Cát Ngọc vẫn có thiện cảm đặc biệt với ông ta. Bởi thế, chàng vừa trông thấy ông ta lao mình lướt đi, thì chàng cũng nhanh nhẹn phi thân đuổi theo ngay.

Thân pháp của hai người đều nhanh nhẹn như điện xoẹt, hơn nữa, vì đồi núi nhấp nhô, cây dại hoang tàn, Gia Cát Ngọc lại chậm hơn một bước, nên không làm sao đuổi theo kịp lão ta nữa. Trong khi chàng còn đang băn khoăn nghĩ ngợi, thì bỗng có tiếng nói vọng đến bên tai rằng :

- Thằng bé kia, ngươi không cần đuổi theo ta nữa, số người trong Huyết Hải rất gian manh sâu độc, võ công lại rất quái dị, chỉ có sức của hai ta thì e rằng không làm chi được. Vậy, ta sẽ đi tìm vị Thạch Cổ hòa thượng, còn ngươi hãy mau nhờ hai vị huynh trưởng của ngươi tìm cho được Cùng Thần và Túy Quỷ, và đến trước ngày rằm tháng tám, thì chúng ta sẽ hợp mặt nhau tại Kinh Thần tự.

* * * * *

Tại chân trời phía Đông, ánh bình minh đã ló dạng, từ phía xóm xa đã nghe tiếng gà gáy sáng.

Ánh triều dương cũng đã bắt đầu nhô cao.

Lúc ấy, giữa núi rừng hoang vắng, chỉ còn lại một mình Gia Cát Ngọc đứng trơ trọi mà thôi.

Bóng mặt trời đã lên đến ngọn núi phía Đông, khoác lên cho vạn vật một bộ áo vàng kim lóng lánh.

Tại Đại Biệt Sơn, tựa hồ như xảy ra một biến cố to tát chi. Nếu chẳng phải thế, thì đâu lại có người kéo đi đông thế này?

Số người ấy, gồm đủ các thành phần, có tăng nhân, có người trần tục, mà cũng có cả đạo sĩ. Có điều lạ là khi họ vừa nhìn thấy Gia Cát Ngọc thì mặt liền biến sắc, quay đầu đi nơi khác, rồi hối hả bước nhanh.

Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức lấy làm lạ...

Chẳng những chàng lấy làm lạ mà thôi, đồng thời, chàng lại băn khoăn không làm thế nào tìm hiểu được nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng ấy?

Bởi thế, trong lòng chàng không khỏi bực mình, và định nếu gặp kẻ nào có thái độ như thế nữa thì sẽ túm lấy họ hỏi cho rõ ràng mới nghe.

Chàng tiếp tục đi tới một trượng, rồi hai trượng...

Ngay lúc ấy, bất ngờ có một lão già trên dưới năm mươi tuổi từ phía sau một ngọn đồi đi ra, và khi bốn tia mắt của hai bên vừa nhìn thẳng vào nhau, thì sắc mặt của lão già ấy biến sắc hẳn, vội vàng cúi gằm mặt xuống, định rảo bước bỏ đi nhanh...

Nhưng, Gia Cát Ngọc đã vung tay ra, định chụp lấy lão ta.

Song, trong khi chàng chưa kịp hành động, thì trong óc bỗng lại có một ý nghĩ khác, nên liền đứng yên lại đấy, cau chặt đôi mày có vẻ trầm tư nghĩ ngợi...

Vì lão già ấy có một khung mặt quen thuộc. Da mặt của lão ta nhăn nheo, chẳng khác nào một miếng đất hoang vu lồi lõm, đôi mắt nhỏ của lão ta chiếu ngời ánh sáng lạnh lùng. Chàng nhớ dường như mình đã có gặp lão ta ở đâu rồi?

Ồ. Phải, chắc chắn là lão ta rồi. Hừ...

Cùng một lúc với tiếng “Hừ” lạnh lùng ấy, thân hình chàng đã nhanh nhẹn lao thoát tới, rồi đáp xuống trước mặt của lão già như một vì sao sa.

Lão già ấy kinh hoàng biến sắc, nhanh nhẹn nhảy lùi ra sau hai bước, rồi cất giọng run run nói :

- Ngươi chặn đường của lão phu để làm gì?

Gia Cát Ngọc không trả lời, đôi mắt của chàng sáng quắc như hai đốm lửa, đưa chân bước từ từ về phía lão già...

- Ngươi muốn gì?

Giọng nói của lão già tuy tỏ ra cứng cỏi, nhưng thật sự thì âm thanh đã run run, đôi mắt đã láo liên ngơ ngác, chứng tỏ trong lòng của lão kinh hoàng đến tuột độ.

- Ông sợ chi thế?

Gia Cát Ngọc đã cất tiếng hỏi đối phương. Giọng nói của chàng vừa lạnh lùng vừa cứng rắn, lại sắc bén như một lưỡi dao.

Lão già nghe qua câu hỏi, thì trong lòng lại càng kinh hãi hơn, nhưng gắng gượng ưỡn ngực lên, to tiếng nói :

- Rõ là trò cười, ngươi có chi mà lão phu phải sợ?

- Hừ, nếu ông không sợ, thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn.

- Dễ dàng hơn? Ngươi định làm gì?

- Tôi muốn ông trả lời cho tôi mấy vấn đề.

- Nếu ta không nói thì sao?

- Câu hỏi của vị chủ nhân Kim Cô Lâu, thì có ai lại dám không trả lời?

- Kim Cô Lâu. Ngươi... ngươi bảo...

- Ông còn nhận ra tôi chứ?

- Ta, không khi nào quen biết với ngươi.

- Trước đây ba năm, kẻ đã truy đuổi theo vợ yếu con thơ của Bát Đẩu thư sinh, tại vùng sa mạc Đại Hoa Bích, chẳng phải chính là ông sao?

Thực không sai tí nào cả, lão già này chính là người mà kẻ thù của gia đình chàng, đã phái ra truy đuổi theo hai mẹ con chàng. Bởi thế, khi lão ta vừa nghe qua câu nói của Gia Cát Ngọc, thì sắc mặt đã tái xám như đất, nhanh nhẹn lùi ra sau hai bước, hai hàm răng khua nghe lạch cạch, nói :

- Không... phải tôi đâu.

Lão ta định chối phăng đi, nhưng khi nhìn thấy tia mắt sắc như dao của Gia Cát Ngọc thì trong lòng không khỏi rờn rợn, nên liền cúi gầm đầu xem như đã mặc nhiên thừa nhận.

Gia Cát Ngọc lại đưa chân bước tới trước hai bước, quát rằng :

- Ai đã phái ông đi như thế?

- Chính ta... tự ta đi mà thôi.

- Khéo nói ba láp. Nếu ông có ý muốn dối gạt vị chủ nhân của Kim Cô Lâu thì hãy coi chừng tôi sẽ làm cho ông phải nếm mùi đau khổ, dở sống dở chết.

- Đấy là... Hàn Thất đã sai tôi.

- Hàn Thất. Có phải là gã đàn ông to lớn tràn đến tấn công tôi đấy không?

- Đúng thế.

- Hiện giờ hắn ta ở đâu?

- Hắn ta đã bị Mạc Sầu Tiên Tử đánh chết ở vùng Hàn Hải rồi.

- Mạc Sầu Tiên Tử là ai thế?

- Tôi không được biết.

- Bà ta hiện giờ ở đâu?

- Tôi cũng không hiểu.

- Lúc ấy, ông thấy bà ta bỏ đi về hướng nào?

- Tôi... trông thấy bà ta mang theo Gia Cát phu nhân, cùng cưỡi trên mình một con kim ưng, bay thẳng về hướng Đông.

Gia Cát Ngọc hỏi đến đây, thì đã đoán ra ba việc. Việc thứ nhất, là bộ xương khô mà những con kên kên tranh nhau xỉa thịt chính là gã Hàn Thất đã bị Mạc Sầu Tiên Tử giết chết. Việc thứ hai là Mạc Sầu Tiên Tử, chắc chắn chính là sư phụ của Liễu Thanh cô nương. Việc thứ ba là nơi cư ngụ của Mạc Sầu Tiên Tử, rất có thể nằm tại chân núi Hạ Lan sơn.

Như vậy, có lẽ những lời nói của lão già này đều là những lời nói thành thực.

Nhưng, nếu lão ta bảo chính Hàn Thất đã sai khiến lão ta, thì thực hết sức khó tin.

Gia Cát Ngọc nào phải là một thằng ngốc, vậy chàng làm thế nào nghe được câu nói ấy?

Bởi thế, chàng cất tiếng cười nhạt bảo :

- Tôi xem ông có lẽ đã chán hết muốn sống nữa rồi phải không? Trước đây, khi Hàn Thất tràn đến tấn công tôi, tôi nghe rõ ràng ông quát to ngăn hắn lại, bảo hắn chớ quên lời dạy của Bang chủ. Tôi hỏi ông, Bang chủ mà ông nói đó là ai?

Lịnh ông ta dạy như thế nào?

- Bang chủ... ông ấy...

- Ông ấy là ai?

- ...

Bỗng ngay lúc ấy, có tiếng chéo áo giũ trong gió, và tiếng cười nhạt bất thần vọng tới. Tức thì, có ba bóng người ăn mặc theo đạo sĩ, từ trên cao đáp nhanh xuống như một làn gió bốc.

Ba vị đạo sĩ ấy đều ngoài năm mươi tuổi, trong tay mỗi người đều cầm một ngọn “Thiết Như Ý” dài độ hai thước, chiếu ánh thép lóng lánh. Người cầm đầu trán trợt, lưỡng quyền gồ cao, mặt lạnh như băng. Khi lão ta đáp yên trên đất, thì liền đưa ngang ngọn “Thiết Như Ý”, rồi cất giọng the thé cười nhạt, nói :

- Gia Cát Ngọc, ngươi còn nhớ bần đạo không?

Gia Cát Ngọc ngước mắt nhìn lên, mỉm cười nói :

- Có chuyện chi thì hãy nói ngay ra, tại hạ không có rảnh để nói dong dài những chuyện bá láp ấy với ông.

- Hừ, ngươi nói phải lắm. Bần đạo là Vi Trần Tử, dẫn hai Phiêu Bình Tử và Tiêu Dao Tử đi khắp đó đây, hầu tìm ngươi để thanh toán món nợ máu của sư huynh ta, là Phù Du Tử trước kia.

- Ha ha, tốt nhất là ông nên đi tìm hiểu kỹ thêm, Phù Du lão đạo đã bị ai sát hại thì đúng hơn.

- Ngươi chính là nha trảo của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, cả giới giang hồ ai cũng biết rõ, vậy bần đạo còn đi tìm hiểu làm gì nữa?

Lời nói ấy, quả là một sự phỉ báng nặng nề, nên Gia Cát Ngọc vừa nghe qua, liền tràn nhanh tới trước hai bước, quát rằng :

- Ông nghe ai nói thế?

- Chỉ cần căn cứ vào “Huyết Thủ lệnh” mà ngươi đã để lộ trên ngọn núi Quát Thương sơn còn không đủ nữa hay sao?

- Ha ha, nha trảo của Huyết Hải? Với bọn ngờ nghệch như các ông, thì dù cho ta có là nha trảo của Huyết Hải đi chăng nữa, thử hỏi các ông làm thế nào đòi lại được món nợ máu ấy cho biết?

- Nợ máu thì phải trả bằng máu, chúng ta đây nào sợ ngươi chối bỏ hay sao?

Liền đó, cuồng phong dấy động ào ào, những ngọn “Thiết Như Ý” liền lóe lên ba đóa thép sáng ngời, nhằm ngay lồng ngực của Gia Cát Ngọc công thẳng tới.

Gia Cát Ngọc bèn vung chưởng đánh thẳng trở ra...

Bỗng nhiên, chàng thấy lão già khi nãy, đã nhân cơ hội nghìn năm một thủa đó, nhanh nhẹn ngắm ngay vùng đồi núi hoang dã, bỏ chạy đi mất.

Đứng trước tình trạng đó, chàng không khỏi cân nhắc hai đối phương, xem bên nào quan trọng hơn. Bởi thế, chàng liền thu thế võ trở về, bất thần thối lui ra năm bước.

Nhưng, số lão đạo của phái Thái Sơn nào chịu để cho chàng bỏ đi, nên bèn quát to một tiếng, tức thì Phiêu Bình Tử và Tiêu Dao Tử liền nhanh nhẹn vung ngọn Thiết Như Ý lên, công thẳng tới.

Gia Cát Ngọc trông thấy lão già kia đã lẩn khuất vào giữa núi đồi trùng điệp, thì không khỏi hết sức cuống quít, nên vội vàng lấy hơi Đan điền, đánh mạnh ra ba chưởng.

Tức thì, cuồng phong dấy động ào ào, kình lực cuốn thẳng tới như sóng bổ, khiến ba vị đạo sĩ của phái Thái Sơn đều bị đẩy lui ra sau mấy bước.

Gia Cát Ngọc bèn hú lên một tiếng dài, rồi nhanh nhẹn vọt người bay thẳng lên không, sử dụng ngay đến thân pháp “Vân Long Cửu Chuyển” có một không hai trên đời, nhắm ngay hướng lão già vừa bỏ chạy, truy đuổi theo.

Thân pháp của chàng tuy rất mau, nhưng vì đuổi theo quá muộn nên vừa lướt tới nơi, thì chỉ còn thấy đâu đâu cũng cổ thụ cao chọc trời, bóng râm mát dịu, và lão già kia chẳng khác nào một con chim đã sợ cung, một con cá đã lọt lưới, chạy bay đi mất tự bao giờ rồi.

Phải tìm cho kỳ được. Chàng nhất định phải tìm cho ra lão ta mới nghe.

Trong khi chàng vừa mới cất bước bỏ đi, thì bỗng nghe có tiếng hát vọng đến tai. Giọng hát ấy nghe nhừa nhựa không rõ ràng, tựa hồ như đấy là tiếng của người đang say rượu, và cũng tựa hồ như tiếng người đang ngáy ngủ.

Bởi thế, chàng bất giác liền đưa chân bước về hướng có tiếng hát ấy...

Ồ, thì ra nơi ấy là một vùng sơn cốc. Bên trong sơn cốc tuy vách đá trơn láng như đẽo gọt, nhưng phong cảnh lại xinh đẹp như tranh. Nhưng, tiếng hát vừa rồi đã im lặng, không còn nghe nữa.

Qua một lát sau, tiếng hát ấy lại vọng đến lần thứ hai. Và lần này thì giọng hát lại ấm áp vang rền, tựa hồ như có thể xuyên thủng cả vách đá.

Tiếng hát của ai thế? Chẳng lẽ đó là tiếng hát của những người tiều phu trong núi?

Tiếng hát rằng :

Tam Dậu tiên sinh thật đáng thương,

Núi hoang không rượu nhớ quỳnh tương.

Nên thèm rỏ dãi tuôn thành suối,

Và biến thành sông chảy bốn phương.

Mấy câu hát ấy thực hết sức hài hước, vì nó đã miêu tả tâm trạng thèm rượu của một bợm ghiền thật là lâm ly, khiến Gia Cát Ngọc nghe qua không khỏi phì cười.

Nhưng giọng hát của người ấy nghe sang sảng như tiếng sắt thép va chạm vào nhau, rõ ràng là một cao thủ hiếm có trong võ lâm. Bởi thế, chàng không khỏi giật nảy mình.

Chàng đưa mắt chú ý nhìn, thì đã biết tiếng hát ấy xuất phát từ bên dưới đáy sâu, nên liền vung hai tay lên, rồi ngắm những cụm trúc rậm rạp bay thẳng xuống.

Sau khi chàng đã phi thân lướt đi chẳng bao lâu, thì tại nơi miệng sơn cốc lại có ngoài mười bóng người bất thần xuất hiện. Số người dẫn đầu chính là ba vị đạo sĩ thuộc phái Thái Sơn, và người đi kế đó là một lão già khỏe mạnh, tay cầm một chiếc quạt xếp sườn bằng thép, và phía sau lão già ấy là một đám nhân vật võ lâm đủ hạng tuổi, cao thấp không đều nhau.

Lão già cầm chiếc quạt xếp trong tay, sau khi đã tiến vào sơn cốc, thì liền xếp chiếc quạt nghe một tiếng “xoạt”, rồi đánh nhẹ vào lòng bàn tay nói :

- Vi Trần đạo huynh, thằng ranh ấy có phải chạy vào sơn cốc này thực không?

Vi Trần đạo nhân hơi đưa cao ngọn Thiết Như Ý trong tay lên nói :

- Chẳng sai tí nào cả.

- Ha ha, Thiết Phiến Tẩu ta nếu không lột da rút gân được hắn thì thật không còn xứng đáng đối với tổ tông của phái Chung Nam, và lại càng không xứng đáng với vong hồn của Nhị Tuyệt Tiên Ông sư huynh. Nầy đạo trưởng, chúng ta hãy vào lục soát mau.

Người đông thì ta cũng trở thành bạo dạn, bởi thế, cả đoàn người ùn ùn tràn thẳng vào sơn cốc để truy tìm Gia Cát Ngọc.

Thiết Phiến Tẩu chạy nhanh như bay, và khi vừa đến bức vách đá ở bên trái, thì bỗng nghe một tiếng ho bất thần vọng đến bên tai. Lão ta bèn nhanh nhẹn ngước mặt ngó lên thì trông thấy dưới một tảng đá to có một miệng hang cao vừa đầu người, nên liền phá lên cười to nói :

- Thằng ranh đáng chết kia, ngươi trốn vào cái hang chuột thì tưởng là đã yên thân rồi hay sao? Nếu ngươi thức thời vụ, thì hãy chường mặt ra cho ta, tất được lão phu cho ngươi được chết toàn thây.

Lão ta kêu to lên như thế, nên ngoài mười bóng người kia, đều ùn ùn tràn đến. Một người trong bọn phi thân lướt đến trước tiên, là một lão già râu ria xồm xoàm, ăn mặc theo người rừng núi, thân hình to lớn. Lão này trợn to đôi mắt, rồi cất giọng lạnh lùng cười khanh khách nói :

- Thiết Phiến huynh cần gì phải nói dài dòng với hắn, tôi không tin thằng bé này có tài nghệ bao nhiêu, vậy hãy để Mục Dã Thần Canh tôi xông vào trong ấy, kéo cổ nó ra là được.

Thế là Mục Dã Thần Canh Điền Trưởng, Tiền Đường Ngư Phụ Giang Triều, Tứ Minh thư sinh Khổng Càn Phu, và Thiên Đài Tiều Tử Khổng Vân Sơn, tức bốn người hợp lại xưng danh hiệu là Đông Hải tứ hữu, liền xăn tay áo lên, định tràn vào sơn động ấy.

Bỗng nhiên, lại có bóng người lao vút đến liên tiếp, thì ra, đấy là hai gã đàn ông to lớn, từ phía sau tràn tới. Trong khi thân hình họ chưa đứng yên trên mặt đất, thì đã cất tiếng cười to ha hả nói :

- Điền đại hiệp, xin hãy chậm đã.

Mục Dã Thần Canh bèn dừng chân đứng lại, cất giọng bực tức nói :

- Nhị vị có điều chi chỉ giáo?

- Giết gà thì cần chi đến dao mổ bò, đối phó với tên tiểu tặc ở trong cái hang chuột này, thì chỉ cần đến sức của hai anh em chúng tôi là đủ rồi.

Nói đoạn, hai người bèn đưa đôi chưởng lên, che chở ngang lồng ngực, rồi rùn người xuống, nhắm ngay bên trong sơn động tràn thẳng vào.

Lúc bấy giờ, ba vị đạo sĩ của phái Thái Sơn, và mười nhân vật võ lâm khác, hết thảy đều dồn hơi xuống Đan điền, đưa mắt nhìn chòng chọc vào cửa động, sẵn sàng đối phó...

Một bước... hai bước... ba bước...

Và, hai người ấy chưa kịp bước đến bước thứ tư, thì bỗng nhiên “hự” một tiếng lạnh lùng, rồi nhất loạt nhảy lui trở ra nhanh như bay, đồng thời bắt từ trên cao rơi đánh phịch xuống đất cách xa miệng sơn động ba trượng, mũi mồm đều trào máu tươi, chết ngay tức khắc.

Tất cả mọi người chung quanh, ai nấy đều kinh hoàng sửng sốt.

Liền đó, bỗng có một tiếng gầm to, tức thì, Thiết Phiến Tẩu đã xòe chiếc quạt ra, che ngang lồng ngực, rồi tràn thẳng vào sơn động ba bước. Lão ta bất thần quạt mạnh chiếc thiết phiến trong tay ra gây thành một luồng kình lực mạnh mẽ, trong khi thân người lại nhân đó tràn tới ba bước nữa.

Tiếp đó, mọi người lại nghe một tiếng gầm to thứ hai, tức thì, Thiết Phiến Tẩu lại sử dụng đến cả chưởng lẫn chiếc quạt trong tay. Lão ta vung quạt quét mạnh vào khoảng không hai lượt, và cùng một lúc, lão ta đánh bồi ba chưởng. Thế là, một tiếng nổ ầm thực to liền vang động lên, và thân người của lão ta cũng lại bị hất bay ra khỏi sơn động.

Khi đôi chân của lão ta vừa đứng yên trên đất, thì bỗng ụa to một tiếng, rồi hộc ra một ngụm máu tươi. Lão ta nhanh nhẹn ngồi bẹp xuống đất, không nói chi cả, mà chỉ nhắm nghiền mắt lại, để lo vận dụng chân lực và điều hòa hơi thở, chữa trị vết nội thương.

Thương thế của lão ta hết sức quái dị, tuy miệng trào máu tươi, nhưng sắc mặt không hề tái nhợt, mà trái lại, còn đỏ như gấc, trông như một miếng thịt heo quay.

Tất cả mọi người đều đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau, nhưng đều im thin thít...

Không khí hết sức trầm lặng. Khung cảnh hết sức nặng nề. Mọi người ai nấy cũng cảm thấy kinh sợ như quả đất sắp đến hồi hủy diệt...

Gió núi thổi lồng lộng, bóng cây rừng không ngớt oặt òa, máu tươi loang lổ mặt đất, tim người không ngớt nhảy thình thịch...

Thời gian chậm chạp trôi qua, giữa một bầu không khí nặng nề ngột ngạt...

Cuối cùng, Mục Dã Thần Canh quay mặt lại, nhìn thẳng vào ba vị đạo sĩ phái Thái Sơn nói :

- Xin ba vị đạo huynh hãy lược trận giúp cho già, để già xông vào bên trong xem thử.

- Sư thúc, sao chú lại...?

Câu nói ấy đã từ cửa miệng của một gã đàn ông trên dưới ba mươi tuổi thốt ra. Y nói chưa dứt lời, nhưng đôi tia mắt đã tràn đầy ánh sáng van xin. Không cần phải nói rõ cũng đủ biết gã đàn ông ấy muốn ngăn cản không cho Mục Dã Thần Canh liều lĩnh xông vào sơn động.

Chẳng phải thế hay sao? Khung cảnh này quả thật ai cũng phải khiếp sợ.

Thế nhưng, Mục Dã Thần Canh là một trong Đông Hải tứ hữu, là nhân vật có tên tuổi trong võ lâm, thì thử hỏi đã lỡ nói ra rồi, lại thay đổi lời nói được hay sao?

Bởi thế, lão ta bèn mạnh dạn khoát tay, rồi xoay mặt một cách quả quyết, có vẻ đầy nghĩa hiệp khí khái, đưa chân bước thẳng vào sơn động.

Những vị đạo sĩ của phái Thái Sơn đưa mắt nhìn nhau một lượt, và cũng liền có một sự quả quyết trong bụng. Họ cùng đưa chân tràn tới, nối gót theo Mục Dã Thần Canh, đi thẳng vào sơn động ấy...

Bốn bóng người, đang mang theo bốn con tim phập phồng hồi hộp, và bốn bầu máu nóng sục sôi, cẩn thận đưa chân bước từng bước một.

Một bước. Hai bước. Ba bước...

Và, bốn người đã tiến được đến bước thứ tám rồi. Do đó, tất cả những người đang đứng bên ngoài lại càng hồi hộp hơn. Tất cả bọn họ đều giương to đôi mắt, nhìn chòng chọc vào sơn động không hề chớp, để theo dõi mọi sự diễn biến sắp xảy ra.

Tiếng bước chân của bốn người ấy không ngớt nện mạnh lên mặt đá trong sơn động, vang lên thành những âm thanh nặng nề nghe rõ mồn một. Cả bọn họ lại tiến thêm được hai bước nữa.

Thế là, bọn họ bắt đầu đưa chân bước tới với bước thứ mười một. Nhưng, bàn chân của họ vừa mới đưa lên, thì Mục Dã Thần Canh đã bất thần kinh hoàng kêu lên thành tiếng...

Tiếng kêu của lão ta rất ngắn ngủi, nhưng lại rất to. Lão ta chỉ kêu có bốn tiếng, nhưng nó kinh khủng không kém chi một ngọn núi lửa đang bùng nổ, khiến ba lão già đi ở phía sau không ngớt kinh hoàng, run rẩy toàn thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện