Phía Bên Kia Nửa Đêm

Chương 2: Chicago 1919-1939



Bất kỳ một thành phố lớn nào cũng có một hình ảnh riêng biệt, một đặc điểm riêng để tạo cho nó có một dấu ấn riêng, đặc sắc. Chicago trong những năm 1920 là một thành phố khổng lồ, năng động, không lúc nào yên, còn mang tính nguyên sơ, thiếu sự lịch thiệp, dường như một chân của nó vẫn còn ở thời kỳ dã man với những đại tướng công đã góp phần tạo dựng ra nó như William B. Ogden và John Wentworth, Cyrus mỉm cười Cormick và Philip Armours và Gustavas Swifts và Marshall Fields. Đó là lãnh địa của giới gangster chuyên nghiệp như Hymie Weiss và Scarface Al Capone.

Một trong những kỷ niệm xa xưa nhất mà Catherine Alexander còn nhớ được đó là việc ba cô đã đưa cô vào quán rượu có sàn nhà phủ mạt cưa, rồi ông đặt cô lên một chiếc ghế đầu cao đến chóng mặt. Ông gọi một cốc bia cỡ bự cho ông và một ly nước ngọt Green River cho cô. Lúc đó cô mới lên năm tuổi, cô nhớ ba cô rất lấy làm tự hào khi những người lạ mặt xúm quanh trầm trồ khen ngợi cô. Bọn họ gọi đồ uống và ba cô thanh toán cho tất cả bọn họ.

Cô nhớ cô đã ép sát người cô vào cánh tay ông, chỉ sợ ba cô đi đâu mất. Ông mới trở về thành phố đêm hôm trước, và Catherine biết chắc là không bao lâu nữa ông sẽ lại đi biệt. Ông là người chào hàng nay đây mai đó, ông giải thích cho cô hiểu công việc của ông đưa ông tới những thành phố xa xôi, ông phải xa hai mẹ con cô mỗi lần mấy tháng trời thì ông mới có thể mang về những món quà đẹp.

Catherine cố vật nài mặc cả với ông rằng nếu ông ở nhà với cô, cô sẽ không đòi quà nữa. Ba cô đã cười, bảo cô là cô khôn sớm, nhưng rồi ông lại đi và phải sáu tháng sau cô mới được gặp lại ông. Trong những năm đầu bấy giờ, người mẹ mà cô trông thấy hàng ngày với cô lại dường như một người mơ hồ, không có hình thù rõ ràng, trong khi người cha mà cô chỉ gặp đôi ba lần ngắn ngủi lại là hình ảnh sống động, rõ ràng đến lạ thường. Catherine nhớ ông là một người điển trai hay cười, luôn luôn bông đùa thoải mái, với những cử chỉ ấm áp độ lượng. Những dịp ông trở về nhà là vào những ngày hội lớn, với rất nhiều quà cáp, niềm hân hoan cùng với nỗi ngạc nhiên đầy lý thú.

Khi Catherine lên bảy, ba cô bị mất việc, và cuộc đời của họ chuyển theo một hướng mới. Họ rời Chicago, dọn đến ở Gary, bang Indiana, tại đây ba cô bán hàng cho một tiệm kim hoàn. Catherine được vào trường tiểu học. Cô quan hệ thận trọng và xa cách những đứa trẻ khác và sợ các giáo viên, vì vậy họ lại tưởng sự rụt rè cô độc của cô là do cô kiêu căng. Tối tối ba cô lại về nhà cùng ăn tối, và lần đầu tiên trong đời Catherine cảm thấy họ thực sự là một gia đình giống như mọi gia đình khác. Vào ngày chủ nhật, cả ba người thường đi ra bãi biển Miller, thuê ngựa để cưỡi trong vài giờ dọc theo những cồn cát. Catherine rất thích sống ở Gary, nhưng họ chuyển đến đây mới được sáu tháng thì một lần nữa ba cô lại mất việc, họ lại chuyển về Harvey là một khu ở ngoại ô Chicago. Đang giữa năm học, Catherine là một học sinh mới, cô lại phải chia tay với những bạn mới quen ở trường cũ và trở thành một đứa trẻ cô độc ở trường mới. Bọn học sinh đã cố kết với nhau thành những nhóm riêng thường xán đến gần cô học sinh mới để trêu chọc rất tàn nhẫn.

Trong mấy năm tiếp sau, Catherine giữ một thái độ thờ ơ mà cô coi là tấm mộc để giúp cô chống lại sự tiến công của các trẻ khác. Khi tấm mộc này bị chọc thủng, cô chống lại bằng một sự thông minh sắc bén, đầy châm biếm. Cô chỉ có ý muốn đẩy những kẻ quấy rầy cô ra xa để cho cô được yên thân, thế nhưng việc này lại mang đến một hiệu quả bất ngờ khác. Cô làm việc cho tờ báo nhà trường và trong bài viết đầu tiên của cô về buổi trình diễn nhạc của các bạn cùng lớp cô, cô viết: "Tommy Balden biểu diễn một bài độc tấu trômpét ở hồi hai, song anh đã làm nổi đình đám". Dòng viết này được mọi người nhắc đi nhắc lại và hết sức ngạc nhiên là Tommy Belden đã đến tìm cô ở phòng hoà nhạc ngay ngày hôm sau và bảo với cô rằng theo anh ta câu viết đó đặc sắc.

Trong giờ Anh ngữ, các học sinh được giao cho đọc truyện Thuyền trưởng Horatio Hornblower. Catherine rất ghét truyện này. Trong bài viết của cô nhận xét về cuốn truyện có câu: "Chiếc hải thuyền của ông còn tệ hơn cái thòng lọng của ông" và ông giáo của cô - Một người thích đi thuyền vào những ngày cuối tuần - đã cho cô điểm ưu. Các bạn học cùng lớp bắt đầu nhắc đến những nhận xét của cô và chẳng bao lâu sau, cô nổi tiếng là một học trò thông minh của trường.

Năm đó Catherine mười bốn tuổi, cơ thể cô phát triển nở nang sớm trở thành thiếu nữ. Cô thường đứng ngắm mình trong gương hàng giờ liền, suy nghĩ không biết làm cách nào chặn được nguy cơ mà cô đã nhận ra được. Cô tiềm tàng trong người vóc dáng của Myrna Loy, cô gái đã từng làm cho bao nhiêu đàn ông chết mê chết mệt, nhưng trước tấm gương cô hết sức căm ghét hình ảnh một cô gái có mái tóc đen rối bù mà cô không làm thế nào chải chuốt được một cặp mắt xám nghiêm nghị, một chiếc miệng dường như mỗi ngày một rộng hoác ra và một chiếc mũi hơi hếch một chút. Có lẽ cô cũng không đến nỗi xấu xí, cô tự nhủ vậy, song mặt khác cô biết sẽ không ai dám đánh cuộc là cô sẽ trở thành minh tinh màn bạc. Cô phùng má, liếc mắt đưa tình, cố tưởng tượng xem có thể làm người mẫu được không. Không xong. Cô xoay sang tư thế khác.

Đôi mắt mở to, vẻ mặt háo hức, miệng cười thân ái. Cũng không được. Cô không thuộc loại hoa hậu toàn nước Mỹ.

Cô chẳng là cái gì cả. Thân hình cô có thể coi là tạm được, cô khăng khăng nghĩ như vậy, song không có gì là đặc biệt. Tất nhiên có một điều cô cần hơn bất cứ thứ gì trên đời đó là phải khác đời, phải là nhân vật gì đó, phải được người ta nhớ đến và không bao giờ, không bao giờ, không đời nào chết được.

Mùa hè cô mười lăm tuổi, Catherine vớ được cuốn Khoa học và sức khoẻ của Mary Baker Eddy. Hai tuần liền sau đó, mỗi ngày một giờ, cô đứng trước gương, thầm mong hình cô trong gương sẽ trở nên xinh đẹp hơn. Cuối thời kỳ đó cô chỉ thấy phát hiện ra một sự thay đổi duy nhất là ở cằm cô mới có một cái mụn cóc và trên trán cô thêm một cái mụn nữa. Cô bỏ cả kẹo, cả sách của Mary Baker Eddy và cả việc ngắm hình mình trong gương.

Catherine cùng gia đình lại dọn về Chicago ở trong một căn hộ nhỏ, tiêu điều phía bắc thành phố ở đường Rogers Park nơi giá tiền thuê nhà thấp. Đất nước đang chìm đắm trong tình trạng suy thoái. Bố của Catherine làm việc thì ít mà uống lại nhiều, bố mẹ cô thường xuyên cãi cọ nhau khiến cô phải bỏ đi khỏi nhà. Cô thường ra bãi biển cách đấy sáu dãy nhà, cô đi dọc bờ biển và để cho ngọn gió trong lành ve vuốt thân hình gầy guộc của cô. Cô bỏ ra nhiều giờ ngắm nhìn cái hồ nước xám xao động, cô cảm thấy có một ham muốn tuyệt vọng mà cô không biết xác định đó là cái gì. Nhiều lúc cô muốn được nhấn chìm trong một cơn sóng lớn đau đớn đến phát cuồng.

Catherine đã tìm ra Thomas Wolfe, và chính cuốn sách của ông giống như hình bóng trong gương của một nỗi luyến tiếc êm dịu tràn ngập lòng cô, song đó lại là nỗi buồn trước một tương lai chưa hề xảy ra, dường như một lúc nào, ở đâu đó, cô đã sống một cuộc đời tuyệt diệu và vẫn ngong ngóng được sống lại cuộc đời đó. Cô bắt đầu có kinh nguyệt, và trong lúc cô có những chuyển biến về thể chất để thành người phụ nữ, cô hiểu rằng những nhu cầu, ước muốn của cô, sự đau đớn dằn vặt không phải là thuộc về thân xác và nó không liên quan chút nào với tình dục.

Đó là một ước nguyện mãnh liệt và cấp bách đòi hỏi phải được thừa nhận, phải nâng cô lên cao hơn hàng tỉ người nhung nhúc khắp thế giới này, để cho mọi người ai cũng phải biết đến cô, để mỗi khi cô đi ngang qua, người ta phải nói "Catherine Alexander vĩ đại… đấy!". Vĩ đại về nỗi gì? Đó là vấn đề. Cô không biết cô cần cái gì, cô chỉ biết rằng cô day dứt muốn đạt được nó mà thôi. Vào những buổi chiều thứ bảy, khi cô có đủ tiền, cô thường đi đến nhà hát State và Lake hoặc tới rạp mỉm cười Vickers hoặc rạp Chicago để xem phim. Cô hoàn toàn đắm chìm trong thế giới kỳ ảo, tinh quái của Gary Grant và Jean Arthur, vui cười với Wallace Beery và Mane Dressler và đau khổ trước những tai hoạ đầy lãng mạn của Bette Davis. Cô cảm thấy gần gũi với Irene Dunne còn hơn cả mẹ đẻ của cô.

Catherine đang học những năm cuối cùng tại trường trung học Senn và chiếc gương - kẻ thù đáng ghét của cô - Cuối cùng lại trở thành người bạn thân thiết. Cô gái trong gương có khuôn mặt linh hoạt, đầy hấp dẫn. Mái tóc cô đen như mun(1) và làn da cô mềm mại, trắng ngà. Nét mặt cô đều đặn, thanh tú, với cái miệng có nụ cười cởi mở, nhạy cảm và cặp mắt xám đầy vẻ thông minh. Cô có một thân hình đẹp, ngực nở căng, chắc nịch, hai bên hông cong mảnh và đôi chân thanh nhỏ. Hình dáng cô có vẻ gì đó kiêu kỳ khác đời mnà chính cô cũng không cảm thấy được, dường như hình ảnh trong gương của cô có một nét độc đáo mà chính cô khong có. Cô cho rằng đó chính là một phẩn của cái phong cách tự vệ mà cô vẫn giữ được từ những ngày đầu tiên đi học.

Thời kỳ suy thoái đã đẩy cả đất nước đến chỗ ngày một thêm khốn đốn. Bố của Catherine liên tục tham gia các cuộc buôn bán lớn, song dường như không bao giờ thành đạt được ông không ngừng xây hoài bão, phát minh ra những thứ đồ dùng mới, hòng mang lại hàng triệu đô-la. Ông nghĩ ra một bộ kích lắp ở phía trên các bánh xe ô tô và chỉ cần chạm vào một nút bấm trên bảng đồng hồ là có thể hạ được bộ kích xuống. Song không có một nhà sản xuất xe hơi nào quan tâm đến việc đó. Ông lại làm ra một cái bảng điện quay tròn liên tục để quảng cáo bên trong các cửa tiệm.

Những cuộc gặp gỡ đầy lạc quan rộ lên một thời gian ngắn ngủi, sau đó phát minh này bị lãng quên.

Ông vay tiền của người em là Ralph ở Omaha để trang bị cho một chiếc xe tải đi chữa giày dép lưu động quanh vùng. Ông đã dành nhiều giờ trao đổi dự án này với Catherine và mẹ cô. Ông giải thích:

- Lần này nhất định chắc ăn. Tưởng tượng mà coi: thợ giày đến tận cửa nhà thì còn gì bằng? Chưa ai làm việc này bao giờ. Hôm nay tôi có một xe lưu động chữa giày, đúng không? Chỉ cần mỗi ngày làm được hai mươi đô-la, mỗi tuần một trăm hai mươi đô-la. Hai xe tải sẽ mang về hai trăm bốn mươi đô-la. Trong vòng một năm anh sẽ có hai chục chiếc xe nữa. Thế là hai ngàn bốn trăm đô-la một tuần. Một trăm hai mươi ngàn đô-la là một năm. Song đó mới chỉ là bước đầu…

Hai tháng sau cả gã thợ giày lẫn chiếc xe tải biến mất tiêu, và thế là kết thúc một giấc mơ nữa.

Catherine hy vọng sẽ được vào trường đại học tổng hợp Nothwestern. Cô đứng đầu trong số học sinh được học bổng ở lớp, thế nhưng giành được học bổng ở trường đại học còn khó hơn nhiều và ngày đó đang đến gần.

Catherine biết đã đến lúc cô phải rời trường và kiếm việc làm cả hai buổi. Cô sẽ tìm công việc thư ký, song cô quyết tâm sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ sẽ mang lại cho cuộc đời cô một ý nghĩa phong phú, tuyệt diệu. Chỉ có điều là cô không biết giấc mơ cũng như cái ý nghĩa kia nó sẽ ra sao, điều đó khiến cô càng thêm buồn ngán đến rã rời. Cô tự nhủ có lẽ cô đang để cho tuổi xuân rực rỡ qua đi.

Dù sao chăng nữa, thời kỳ này cũng thật đáng nguyền rủa. Một đứa nhãi ranh như mình, chưa đáng phải để cho tuổi thanh xuân trôi qua phí hoài, cô chua chát nghĩ.

Cả hai thằng con trai cho rằng chúng yêu Catherine. Đứa thứ nhất là Tony Korman, một ngày nào đó sẽ vào làm ở hãng dịch vụ luật của cha hắn, thằng này thấp hơn Catherine đến ba chục phân. Hắn có nước da tái mét, đôi mắt cận thị ươn ướt nhìn cô đầy sùng mộ. Đứa thứ hai là thằng Dean Mc Dermott, béo ị, vẻ bẽn lẽn, có nguyện vọng trở thành nha sĩ. Và tất nhiên còn phải kể cả Ron Peterson, song hắn thuộc loại riêng. Ron là một ngôi sao bóng đá của trường trung học Senn, mọi người đều bảo rằng hắn cầm chắc một học bổng giành cho vận động viên ở trường đại học rồi. Hắn cao lớn, vai vuông, có dáng vẻ của một tài tử được hâm mộ và dễ dàng trở thành một chàng trai nổi tiếng khắp trường.

Có một điều duy nhất khiến cho Catherine thường xuyên xa cách Ron, đó là việc hắn tỏ ra không thèm đếm xỉa đến sự tồn tại của cô. Cứ mỗi lần cô đi ngang qua hắn ở hành lang nhà trường, tim cô lại bắt đầu đập loạn xạ. Cô cố nghĩ ra một cách gì khôn khéo và đầy thách thức để khiến hắn phải ngỏ lời hẹn với cô. Thế nhưng cứ mỗi lần đến gần hắn, lưỡi cô lại cứng đơ và cả hai đứa lại im lặng đi ngang qua nhau. Catherine so sánh một cách tuyệt vọng: cứ như con tầu tuần dương Nữ hoàng Mary đi ngang qua chiếc xà lan cũ rích vậy.

Vấn đề tài chính ngày càng trở nên gây gắt. Tiền nhà ba tháng chưa trả được, song lý do duy nhất họ chưa bị đuổi là vì bà chủ nhà mê ông bố của Catherine và say những dự án cùng phát minh kỳ vĩ của ông. Nghe ông nói, Catherine cảm thấy buồn da diết. Ông vẫn giữ thái độ vui vẻ lạc quan, nhưng cô có thể thấy được mặt trái đã lung lay. Đã hết sức hấp dẫn, vô tư lự, đầy kỳ ảo ở những điều mà ông thường dùng nó để đem lại không khí vui vẻ. Ông gợi cho Catherine liên tưởng đến một người đàn ông trung niên có tâm hồn của một đứa trẻ luôn luôn mơ tưởng những chuyện cổ tích trong tương lai huy hoàng để che giấu những thất bại tơi tả của quá khứ. Đã nhiều lần cô chứng kiến việc ba cô thết tiệc cho hàng tá người tại nhà hàng Henrici, sau đó lại vui vẻ kéo từng người khách ra một chỗ để mượn tiền thanh toán hoá đơn của nhà hàng và tất nhiên cộng thêm cả tiền puốcboa rất hậu hĩnh. Luôn luôn phải hậu hĩnh, bởi vì ông còn phải giữ tiếng.

Nhưng dù đứng trước những việc làm như vậy và dù cho cô biết rõ ba cô là một người cha rất hờ hững, vô tâm đối với cô, Catherine vẫn thấy mến yêu con người đó. Cô yêu mến cái lòng nhiệt tình và nghị lực lạc quan giữa một xã hội đầy những người chỉ thấy nhăn nhó, sưng sỉa. Trời đã phú cho ông đức tính như vậy và ông lúc nào cũng luôn luôn hào phóng với đức tính đó.

Suy cho cùng, Catherine nghĩ, dù với những mộng tưởng hão huyền không bao giờ thực hiện được, ông vẫn còn hơn cô là người luôn sợ hãi không dám mơ ước gì.

Vào tháng Tư, mẹ của Catherine đã chết vì một cơn đau tim. Đây là lần đầu tiên cô giáp mặt với cái chết. Bạn bè, láng giếng kéo đến chia buồn kín đầy căn phòng nhỏ bé, họ thì thào tỏ lời thương xót trước tấn bi kịch của gia đình này.

Cái chết đã làm cho thân hình mẹ của Catherine trở thành nhỏ bé, méo mó không còn nhựa sống, hoặc cũng có thể chính sự sống đã biến bà thành con người như vậy, Catherine nghĩ. Cô cố nhớ lại những kỷ niệm cô đã cùng san sẻ với người mẹ, những phút chung tiếng cười, những giờ chung nhịp tim héo hắt. Nhưng hình ảnh vui tươi, nhiệt tình hồ hởi của ba cô cứ luôn luôn xen vào. Dường như cuộc sống của mẹ cô chỉ như một cái bóng nhợt nhạt lùi dần trước ánh sáng rực rỡ của ký ức. Catherine ngắm nghía hình hài như bằng sáp của mẹ trong cỗ quan tài, bà mặc một chiếc áo dài đen giản dị với chiếc cổ áo trắng, cô nghĩ cuộc đời bà thật lãng phí. Bà đã sống vì cái gì? Những tình cảm nhiều năm trước đây trong Catherine lại trỗi dậy, đó là quyết tâm phải trở thành một người có tên tuổi, phải để lại một dấu vết trên cõi đời này, vì vậy cô quyết sẽ không chấm dứt cuộc sống trong một nấm mồ vô danh, khiến cho người đời không hề biết tới hoặc quan tâm đến việc đã có một cô Catherine Alexander từng sống, chết và trở về với đất.

Ông chú của Catherine là Ralph, cùng với vợ là Pauline đã bay từ Omaha đến dự lễ tang. Chú Ralph nhỏ hơn ba cô đến mười tuổi và hoàn toàn khác hẳn người anh.

Chú ấy làm nghề bán thuốc qua bưu điện và rất thành đạt ông là một người to bè, cái gì cũng vuông vức, vai vuông, cằm vuông và Catherine tin rằng cả đầu óc của ông cũng vuông. Bà vợ thì luôn mồm ríu rít như sáo. Họ là những người tử tế. Catherine biết chú cô đã cho ba cô vay mượn rất nhiều tiền, song cô cảm thấy cô khác với họ. Họ giống mẹ cô ở chỗ họ là những người không có hoài bão.

Sau lễ tang, chú Ralph bảo chú ấy muốn bàn với cha con cô một chuyện. Họ ngồi trong phòng sinh hoạt nhỏ xíu, Pauline đi đi lại lại mang tới những chiếc khay cà phê và bánh ngọt.

- Tôi biết lâu nay anh vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính - Chú Ralph nói với ba cô - Anh là người hay mơ mộng, trước đây lúc nào cũng vậy. Nhưng anh là anh của tôi. Tôi không để anh chết chìm. Hai vợ chồng tôi đã bàn tính chuyện này. Tôi muốn anh đến làm việc cho tôi.

- Ở Omaha?

- Anh sẽ có cuộc sống khá, ổn định, cả anh và Catherine sẽ sống với chúng tôi. Nhà chúng tôi còn rộng.

Catherine thấy não nề. Omaha ư? Thế là chấm dứt mọi mộng ước của cô rồi còn gì.

- Chú để tôi suy nghĩ đã - Ba cô đáp.

- Chúng em sẽ về chuyến tàu lúc sáu giờ - Chú Ralph nói - Anh hãy cho chúng em hay trước khi chúng em ra về.

Khi cha con Catherine còn lại một mình, ông cằn nhằn:

- Omaha ư? Bố đánh cuộc là nơi đó đến một cửa hiệu hớt tóc tử tế cũng không có.

Song Catherine hiểu rằng cái cảnh mà ông đang tạo ra chẳng qua là vì lợi ích của cô thôi. Có hiệu hớt tóc tử tế hay không, ông cũng không còn cách lựa chọn nào khác.

Cuối cùng cuộc sống đã dồn ông vào chân tường. Không biết rồi đây khi ba cô phải an phận với một công việc cố định, đơn điệu làm theo giờ giấc, thì tinh thần của ông sẽ ra sao đây? Ông sẽ như một con chim rừng bị giam cầm, sẽ vùng vẫy đập cánh vào chiếc lồng, chết mòn mỏi trong cảnh tù túng. Còn phần cô, cô sẽ phải quên đi cái chuyện đến trường tổng hợp Northwestern. Cô đã đệ đơn xin học bổng, song vẫn chưa thấy hồi âm. Chiều hôm đó, ba cô gọi điện báo cho người em biết rằng ông chấp nhận công việc.

Sáng hôm sau Catherine đến thầy hiệu trưởng để báo cáo cho ông biết về việc cô xin chuyển trường về Omaha.

Lúc đó ông đang đứng sau bàn làm việc và chưa kịp để cô nói, ông đã lên tiếng trước:

- Thầy chúc mừng em, Catherine ạ, em đã được cấp học bổng toàn phần để vào trường đại học Northwestern.

Đêm đó hai cha con Catherine bàn cãi hết lẽ và cuối cùng đi đến quyết định rằng ông vẫn sẽ chuyển về Omaha còn Catherine vào trường Northwestern và sống trong ký túc xá nhà trường. Thế là mười ngày sau, Catherine đưa tiễn ba cô ra ga Phố La Salle. Lúc ba cô ra đi, cô cảm thấy nỗi buồn cô đơn da diết, cô buồn vì phải chia tay với người mà cô yêu quý nhất đời, thế nhưng đồng thời cô lại nóng lòng muốn cho con tầu chóng lìa xa bởi cô cảm thấy hào hứng thích thú khi nghĩ rằng rồi đây cô sẽ được tự do và lần đầu tiên trong đời cô sống độc lập. Cô đứng trên sân ga, ngắm nhìn khuôn mặt ba cô ép chặt vào cửa kính tầu để cố nhìn với theo một lần cuối. Người đàn ông điển trai thiểu não này vẫn chân tình tin rằng một ngày kia ông sẽ nổi đình đám.

Trên đường từ ga về Catherine nhớ ra một chuyện và cười ngất. Để đưa ba cô đến Omaha với một công việc tuyệt vọng như vậy, ba cô đã phải đặt trước cả một phòng khách.

Ngày nhập trường Northwestern gây cho cô một niềm phấn chấn vô bờ bến. Đối với Catherine ngày đó mang một ý nghĩa đặc biệt mà cô không thể diễn tả bằng lời. Đó chính là chiếc chìa khoá giúp cô mở cửa đi vào tất cả những mộng ước và những tham vọng không tên đã từng cháy bỏng trong cô bấy lâu nay. Cô nhìn quanh gian phòng họp to lớn đang có hàng trăm sinh viên xếp hàng điểm danh. Cô nghĩ thầm: Rồi sẽ đến ngày các người biết ta là ai. Các người sẽ nhận ra là: "Tôi đã từng cùng học một trường với Catherine Alexander". Cô đã ghi tên tham dự số lượng lớn nhất các khoá học người ta cho phép và cũng được tiếp nhận vào một ký túc xá. Cũng sáng hôm đó cô tìm được việc làm thủ quỹ vào các buổi chiều tại một quán ăn bình dân gần khu vực nhà trường. Lương của cô là mười lăm đô-la mỗi tuần, mặc dù không đủ cho cô chi tiêu xa xỉ, nhưng cũng đỡ cho cô tiền sách vở và những thứ nhu yếu khác.

Gần giữa năm thứ hai đời sinh viên, Catherine phát hiện ra rằng có lẽ cô là con gái còn trinh trắng duy nhất trong toàn trường. Trong những năm trưởng thành cô cũng đã được nghe lõm bõm đôi ba câu chuyện của người người lớn tuổi hơn cô bàn về quan hệ nam nữ. Kể ra cũng lý thú, và cô thấy hết sức lo sợ rằng cảm giác thú vị sẽ mất đi đúng vào lúc cô đủ tuổi để biết hưởng thụ nó. Dường như cô thấy cô có lý. Chí ít là đối với bản thân cô. Hình như ở trường chỗ nào người ta cũng chỉ bàn một đề tài là tình dục. Nó được thảo luận trong ký túc xá, trên lớp học, trong phòng tắm và ở cả tiệm ăn. Catherine thấy sững sỡ trước những câu chuyện hết sức bộc trực:

- Jerry thật không thể ngờ được. Hắn khoẻ như một Kingkong(2).

- Mày nói về dương vật hay óc não của nó?

- Nó làm gì có óc não.

- Mày đi với Ernie Robbins rồi sao? Hắn nhỏ con mà khoẻ ra phết.

- Alex hẹn với tao tối nay đây. Dủng thuốc gì?

- Thằng Alex phải thuốc thì có… - Rồi họ cười ầm lên.

Catherine cho rằng những câu chuyện này là tục tĩu, đáng ghê tởm, thế nhưng cô không bỏ sót một chi tiết nào.

Đây cũng là một kiểu tập luyện thói ác dâm. Trong lúc các cô gái miêu tả những hoạt động tình dục của họ, Catherine tưởng tượng ra cô đang ở trên giường với một thằng con trai và để cho hắn thoả sức làm tình với cô. Cô cảm thấy đau hai bên háng, cô lấy hai tay bóp chặt hai bắp vế cố tự gây đau để quên đi một nỗi đau khác. Cô nghĩ: "Lạy Chúa! Mình sẽ chết trong trinh trắng ở Northwestern hay trên toàn nước Mỹ này. Cô Catherine đồng trinh! Nhà thờ sẽ phong thánh cho mình và họ sẽ đốt nên cầu nguyện cho mình mỗi năm một lần. Mình làm sao thế này?

Cái tên Ron Peterson thường được nhắc đến luôn trong các câu chuyện ái tình của đám con gái. Hắn được ghi tên vào Northwestern theo học bổng dành cho vận động viên ở đây, hắn cũng nổi tiếng như hồi hắn ở trường Trung học Senn. Hắn được bầu làm lớp trưởng của lớp năm thứ nhất. Catherine gặp hắn ở trong lớp tiếng Latinh vào ngày bắt đầu học kỳ. Hắn trông bảnh trai hơn hồi còn ở trung học, thân hình hắn béo mập, nét mặt hắn không đều ở độ trưởng thành bạt tử. Sau giờ học, hắn tiến về phía cô, tim cô đập mạnh:

- Chào Catherine Alexander!

- Chào Ron!

- Cô cũng học lớp này?

- Phải.

- May cho tôi quá!

- Tại sao?

- Tại sao ư? Bởi vì tôi chẳng biết chữ Latinh nào cả mà cô thì học giỏi nổi tiếng. Chúng tôi sắp có buổi ca nhạc hay lắm. Tối nay có làm gì không?

- Không có gì đặc biệt. Ron muốn chúng mình học với nhau không?

- Ra bờ hồ đi, chỗ đó vắng vẻ. Chúng ta học với nhau lúc nào cũng được.

Hắn nhìn cô trừng trừng.

- Ồ! Thế nào? - Hắn cố nhớ tên cô.

Cô nuốt nước bọt và chính cô lại phải cố nhớ mình là ai. Cô nói nhanh:

- Catherine, Catherine Alexander.

- Phải. Chỗ này thế nào? Thật đáng sợ, phải không?

Cô cố ý cất giọng nhiệt tình để làm đẹp lòng hắn, để đồng ý với hắn, để tán tỉnh hắn.

- A, phải - Cô thốt thành lời - Rất là…

Hắn đang mải nhìn một cô gái tóc vàng hoe đầy hấp dẫn đang đợi hắn ở cửa.

- Tạm biệt - hắn nói, rồi bỏ ra với cô gái kia. Thế là chấm dứt câu chuyện cô Lọ Lem và chàng Hoàng tử đẹp trai, cô nghĩ. Từ đó về sau họ sống hạnh phúc, chàng thì ở trong cung điện, còn cô thì trong chiếc hang lộng gió ở Tây Tạng.

Thỉnh thoảng Catherine lại thấy Ron đi lại trong trường, mỗi lúc với một cô gái, đôi khi với ba ba cô. Lạy Chúa, hắn không bao giờ biết mệt ư? Cô tự hỏi. Cô vẫn có những tưởng tượng rằng đến một hôm nào đó hắn sẽ tới tìm cô giúp đỡ cho tiếng Latinh, song hắn không nói chuyện với cô thêm một lần nào nữa.

Ban đêm Catherine nằm một mình trên giường, cô thường nghĩ đến chuyện mọi cô gái khác đều đã làm tình với các bạn trai của họ, và thằng con trai luôn luôn đến với cô chính là Ron Peterson. Cô tưởng tượng đến cảnh hai đứa cởi quần áo cho nhau và những cách chúng làm như trong các tiểu thuyết lãng mạn. Hắn nâng cô dậy và đưa cô ra giường. Đến lúc này óc hài hước của cô lại thắng thế?

Đồ ngu xuẩn, cô tự nhủ, đến tưởng tượng mà mày cũng chẳng làm ra sao cả. Có lẽ cô sẽ vào nhà nữ tu thôi. Cô lại băn khoăn không biết các nữ tu sĩ có mơ chuyện trai gái không và thủ dâm đối với họ có phải là một tội đồ không. Không biết các tu sĩ có đi lại với nhau không.

Cô đang ngồi trong sân rợp bóng mát ở một tu viện cũ kỹ xinh xắn ở ngoại ô Roma, lấy những ngón tay khoắng xuống làn nước ấm lên vì ánh nắng của một cái hồ cổ kính đầy cá. Cửa bỗng bật mở, một tu sĩ cao lớn bước vào trong sân. Ông ta đội một chiếc mũ rộng vành, vận áo thầy tu dài màu đen và trông giống hệt như Ron Peterson.

- Ah, seusi, signori. - Ông thì thào. - Tôi không được biết là tôi có một vị khách.

Catherine đứng vụt dậy.

- Lẽ ra tôi không nên đứng dậy, - cô xin lỗi. - Nhưng cảnh đẹp quá, tôi phải ngồi nán lại để ngắm cảnh.

- Hết sức hoan nghênh cô. - Ông tiến lại phía cô, đôi mắt đen rực sáng. - Mia cara… Tôi nói dối cô đấy.

- Dối tôi ư?

- Phải. - Đôi mắt ông ta nhìn như khoan vào mắt cô - - Tôi biết cô đến đây vì tôi đã đi theo cô.

Một cơn ớn lạnh chạy khắp người cô.

- Nhưng… nhưng ông là một tu sĩ.

- Bella signoirna, trước hết tôi là người, sau đó mới là tu sĩ, tiểu thư xinh đẹp ạ.

Y tiến lên ôm choàng lấy cô trong đôi cánh tay, nhưng y giẫm phải gấu áo thày tu của mình và ngã tùm xuống ao.

- Cứt?

Hàng ngày sau giờ học Ron Peterson thường đến quán Roost ngồi ở một ô trong góc xa. Cái ô đó nhanh chóng đông chật bạn bè của hắn và trở thành trung tâm trò chuyện om sòm. Catherine đứng sau quầy gần máy tính tiền. Khi Ron bước vào, hắn thường vui vẻ gật đầu chào cô một cách lơ đãng rồi bước liền. Hắn không bao giờ gọi cô bằng tên. Anh ta quên mất rồi. Cathorine suy ngẫm.

Song cứ mỗi ngày khi hắn bước vào quán, cô đều toét miệng cười với hắn, đợi hắn cất tiếng chào, hoặc yêu cầu cô một chuyện gì cũng được, hoặc hẹn gặp, hỏi xin một cốc nước, hỏi về sự trinh bạch của cô, vân vân. Có lẽ đối với hắn, cô chẳng qua như một thứ đồ đạc. Cô ngắm nhìn những đứa con gái khác trong phòng với một thái độ hoàn toàn khách quan, cô nhận thấy cô xinh đẹp hơn tất thảy trừ con bé Jean Anne trông mê hồn, đó chính là con bé tóc vàng hoe người miền Nam thường thấy đi cùng với Ron, và rõ ràng cô là người thông minh hơn tất cả bọn chúng cộng lại. Vậy thì cô có gì là nhược điểm nào? Tại sao không có một thằng con trai nào ngỏ ý hẹn hò với cô? Đến hôm sau cô mới hiểu ra lý do tại sao.

Cô đang đi nhanh về phía nam của trường, tới quán Roost thì gặp Jean Anne cùng với một con bé tóc hung mà cô không biết tên. Chúng đang đi ngang qua bãi cỏ xanh, ngược về phía cô.

- Chà, tiểu thư Sáng Dạ đây - Jean Anne nói.

Còn mi là tiểu thư đần độn, Catherine thầm nghĩ một cách ghen tị. Rồi cô nói to.

- Một câu đố môn văn học tàn bạo có phải thế không?

- Thôi đừng làm ra bộ ngây thơ nữa - Jean Anne lạnh lùng đáp - Mày thừa sức dạy cả "cua" văn học cho bọn này. Song đó không phải là điều duy nhất dạy cho bọn này đâu cô em ạ.

Giọng nói của nó châm chọc khiến cho mặt Catherine bắt đầu đỏ bừng.

- Tao… tao không hiểu.

- Thôi, đừng động đến nó- Con bé tóc hung bảo.

- Sao lại phải yên? - Jean Anne bảo - Nó tưởng nó là cái thá gì cơ chứ? - Sau đó quay lại Catherine. - Mày có muốn biết mọi người gọi mày là gì không?

- Lạy Chúa, thôi đi.

- Có.

- Mày là con đồng tính luyến ái.

Catherine nhìn nó trừng trừng, vẻ hoài nghi.

- Tao là cái gì?

- Đồng tính luyến ái. Đừng có lấy vải thưa che mắt thánh mọi người.

- Thật phi lý… - Catherine lúng búng.

- Mày tưởng mày gạt được mọi người sao? - Jean Anne hỏi dồn - Mày làm được mọi việc, trừ một chuyện.

- Nhưng tao… tao chưa từng…

- Bọn con trai sẵn sàng mà mày không bao giờ chấp thuận.

- Thật không? - Catherine đỏ mặt.

- Con khỉ. Mày không như loại bọn tao.

Hai đứa quay đi, để cô đứng lại sững sờ nhìn theo.

Đêm hôm đó Catherine nằm trên giường không sao ngủ được.

Cô bao nhiêu tuổi, cô Alexander?

Mười chín.

Cô đã giao hợp với đàn ông bao giờ chưa?

Chưa.

Cô có thích đàn ông không?

Không ai ư?

Cô có bao giờ muốn làm tình với đàn bà không?

Catherine trăn trở nghĩ mãi. Cô đã từng mê mẩn những đứa con gái khác, mê những cô gái, song đó chẳng qua là một phần của sự trưởng thành. Lúc này cô nghĩ đến chuyện làm tình với một phụ nữ, hai thân hình họ xoắn xuýt với nhau, đôi môi cô dính chặt vào môi phụ nữ kia, thân hình cô được đôi bàn tay mềm mại kia vuốt ve. Cô rùng mình. Không, cô nói to: Tôi là một đứa bình thường.

Song nếu cô là đứa bình thường thì tại sao cô lại nằm đây như thế này? Tại sao cô không đi ra ngoài đâu đó, giống như mọi đứa con gái khác trên đời? Có lẽ cô là đứa lãnh cảm. Cô cần phải được phẫu thuật.

Cho đến lúc khoảng trời phía đông bên ngoài cửa sổ ký túc xá đã sáng lên, đôi mắt Catherine vẫn cứ chong chong, nhưng cô đã đi đến một quyết định. Cô sẽ chấm dứt sự trinh bạch. Và người may mắn được chung chăn gối với một cô trinh nữ chính là Ron Peterson.

Chú thích:

(1) Nguyên văn: đen như quạ

(2) Con hắc tinh tinh khổng lồ có sức mạnh siêu phàm trong một số bộ phim Mỹ

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện