Anh Hùng Lĩnh Nam
Chương 32: Giang hồ mài một lưỡi gươm những phường giá áo túi cơm sá gì
Bọn thủy thủ Ngọc-đường bị giết quăng xác xuống trước mặt Nghiêm Sơn. Trong tâm Ngiêm Sơn nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn :
– Phùng Chính-Hòa chỉ là một viên Huyện-úy. Quân sĩ trực thuộc không được là bao. Khi ta sai Lê Đạo-Sinh tổ chức đại hội Tây-hồ, y xin với Tô Định cho Phùng Chính-Hòa làm Huyện-úy. Tô Định chỉ biết tham nhũng, không nghĩ xa, nhắm mắt đề nghị với ta cho Phùng làm Huyện-úy Thiên-trường. Tô ngu thực là ngu. Nếu y tình một chút, y phải biết rằng một phần ba trang ấp Giao-chỉ chịu ảnh hưởng của Lê Đạo-Sinh. Lê hiện giữ chức Đô-úy, binh quyền trong tay, thêm năm đệ tử làm Huyện-úy, thế mà Tô không lo giảm bớt binh quyền của Lê thì thôi, lại còn xin cho Phùng làm Huyện-úy, có khác gì tạo thêm cánh cho hổ ? Vì vậy ta đã làm như tử tế với Đạo-Sinh chấp nhận cho Chính-Hòa làm Huyện-úy Ngọc-đường. Vũ Hỷ làm Đô-sát Cửu-chân. Đất Cửu-chân còn ảnh hưởng của Đào, Đinh gia, người người đều nghĩ đến phục quốc. Ta cho Phùng vào Cửu-chân, để lỡ ra Đạo Sinh làm phản, Phùng muốn điều động tráng đinh các trang cũng không ai nghe theo. Muốn điều động quân Hán, phải xin lệnh của Đô -úy là tam sư đệ trong Hợp-phố lục hiệp. Còn Vũ Hỷ làm Đô-sát, y chỉ có quyền báo cáo không có binh quyền. Ta đã dặn Hợp-phố nhị hiệp Lư Dương tuyệt đối không nghe lời y.
Chàng đưa mắt nhìn một lượt các anh hùng Lĩnh-nam có mặt, thấy Trưng Nhị, Đào Kỳ, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung hiện rõ nét hân hoan trên mặt. Còn Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, Nguyễn Trát, Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại hiện ra vẻ tức giận. Chàng tự nghĩ :
– Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Đào Kỳ có tài vạn dặm, trông rộng nhìn xa. Có thể ngồi trong màn quyết thắng ngoài nghìn dặm như Khương Tử Nha, như Trương Lương, như Hàn Tín. Còn lại, họ chỉ có thể như Anh Bố, Bành Việt. Giao cho họ cầm quân phá thành, chém tướng thì được. Cứ coi bọn thủy thủ Ngọc-đường bị giết thì rõ. Họ là người nghĩa hiệp hiện lên vẻ tức giận Phùng Chính-Hòa. Còn bọn Trưng Nhị, khi thấy Phùng Chính-Hòa làm phản, họ biết Lê Đạo-Sinh làm phản. Lê làm phản có thể do Tô Định ra lệnh. Tô Định với Lê có gan bằng trời cũng không dám chống ta. Vậy việc này do chính Mã thái hậu đã ban mật chỉ. Giữa ta với Tô Định ắt có chiến tranh. Ta phải phản Hán. Kết quả dù ta thắng hay Hán thắng, tinh lực sẽ mất hết. Họ chỉ cần trở tay một cái, Lĩnh-nam lại về với Lĩnh-nam. Bọn người này có tài vương bá, ta không nên coi họ là cừu thù, phải lấy tình huynh đệ mà đãi họ, họ giúp ta xây dựng Lĩnh-nam thành một vùng giàu có, mưu hạnh phúc cho dân. Ta với Tô Định, Lê Đạo-Sinh khác nhau chỉ ở chỗ đó.
Phía anh hùng Lĩnh-nam, mỗi người bàn một ngã, phân vân chưa quyết. Vĩnh-Hoa đến bên Trưng Nhị, lấy ngón tay viết lên bàn chữ Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa cả hai mỉm cười. Phương-Dung, Đào Kỳ ngồi bên gật đầu tỏ ý hiểu. Còn Nam-hải nữ hiệp thì bà lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.
Ngoài khơi trên sáu chiến thuyền Ngọc-đường, thả xuống 18 cái bè, trên bè chở đầy người, hướng vào bờ.
Phương-Dung hỏi Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca mỗi cái bè như vậy chở được bao nhiêu người ?
Nghiêm Sơn thấy mình bị phản, thì giận căm gan thẫn thờ đáp :
– Hai mươi.
Phương-Dung chỉ ra biển :
– Đợt đầu chúng đổ bộ lên đảo 360 người, không biết đó là tráng đinh hay binh sĩ bản bộ của Ngọc-đường ? Tính chung lực lượng theo phản loạn khoảng hơn ngàn. Chính-Hòa ở vùng nầy lâu, y dư biết muốn đổ bộ phải chờ nửa đêm, trăng lên, thủy triều lớn, chiến thuyền có thể vào sát đảo thì quân đổ bộ mới đỡ tốn sức. Nay y lại cho đổ bộ lúc này, một là y ngu đần, hai là có sự bất thường.
Nghe Phương-Dung phân tích, Nghiêm Sơn nhìn Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa thấy cả hai người ngơ ngác không hiểu. Chàng nhìn Đào Kỳ như hỏi ý kiến. Đào Kỳ gật gật đầu rồi nói :
– Chính-Hòa là tên xảo quyệt, lưu manh hơn Vũ Hỷ nhiều. Y đã học binh pháp,kinh nghiệm về quy luật hành quân. Một là phải biết lợi dụng thiên thời. Hai là phải biết lợ dụng địa lợi. Ba là phải biết lợi dụng lòng quân. Bốn là phải biết cái sở trường của địch. Đây Phùng làm ngược lại, bỏ cả thiên thời, địa lợi, lòng quân, dùng cái sở đoản đánh cái sở trường, tức là y có chủ ý riêng.
Nghe Đào Kỳ nói, Nghiêm Sơn nhìn cậu tiểu sư đệ của mình và Phương-Dung tủm tỉm cười, ngụ ý khen hai người nhớ dai.
Sự thực mà bàn, trong bốn người đều có tài ngang nhau. Họ cùng thông minh, cùng học Lục-thao, Tôn Ngô. Lục thao, Tôn ngô chỉ dạy triết lý Quân-chính, Quốc-phòng, chứ không dạy tác chiến, xung phong, hãm trận. Việc trước mắt đòi hỏi phải có cả hai mới hiểu nổi. Sở dĩ Đào Kỳ, Phương-Dung hiểu, vì hồi hai người ở phủ Lĩnh-nam công đã được Nghiêm Sơn giảng giải rất kỹ về phương pháp tác chiến, đánh thành, xung phong, hãm trận, luyện quân của Hán.
Phương-Dung cười :
– Phùng Chính-Hòa ! Phùng Chính-Hòa ! Ngươi không qua mặt được ta đâu. Ngươi giả vờ ngu để lừa ta, nhưng ta cũng làm như mắc mưu ngươi, ngươi chạy đâu cho thoát ?
Phương-Dung nói với Trưng Nhị :
– Phùng giả vờ làm người ngu lệnh sai quân đổ bộ từng đợt 360 người lên đảo, cho mình tiêu diệt dần. Nhưng sự thực, ở đợt đầu, đợt nhì chúng đổ bộ binh mã Ngọc-đường hỗn chiến với đệ tử trên đảo. Dù thắng, dù bại, chúng ta cũng bị mệt mỏi hao tổn rất nhiều. Binh sĩ Ngọc-đường toàn người Cửu-chân, đa số là người Đào, Đinh trang. Chúng muốn mượn đệ tử Đào, Đinh trang giết họ. Sau này xong việc chúng sẽ đưa người các trang khác về Ngọc-đường thay thế. Đó là một cái khôn. Sau khi đổ bộ hai đợt, chúng sẽ ngừng không đổ bộ nữa, làm cho chúng ta căng thẳng đầu óc, rồi đợi trăng khuya nước lớn, chúng đổ độ toàn tráng đinh của chúng. Chúng sẽ chiếm được đảo.
Nghe Phương-Dung lý luận, quần hùng Lĩnh-nam mới tỉnh ngộ. Chính Nguyễn Trát cũng ngạc nhiên về con mình :
– Từ nhỏ ta thấy nó thông minh, tinh nghịch phá phách thì hay trách phạt. Lớn lên cho học văn, nó không học suốt ngày chỉ đọc Bách-gia, Chư-tử, Lục-thao, Tôn Ngô. Nó đòi làm Khương Tử Nha, Trương Lương, Hàn Tín, ta cho rằng tính trẻ con viển vông. Thế rồi, mỗi tuổi một tiến, thời gian vừa qua, xa ta mới có mấy tháng, nó cùng Đào Kỳ đánh úp mấy đoàn vận tải của Tô Định, lập trang Văn-lạc. Bây giờ nó tiến tới trình độ này e rằng không thua gì Nghiêm Sơn đâu.
Nghiêm Sơn nhìn Phương-Dung lòng sung sướng :
– Cô vợ của tiểu sư đệ thông minh tài trí lỗi lạc thế này, ta chỉ cần trọng dụng cái tài của nàng, sẽ có lợi cho dân Lĩnh-nam biết mấy ? Nàng học cách điều binh của ta, mà nay bản lĩnh của nàng còn muốn vượt hơn cả ta.
Nghiêm Sơn nói với Phương-Dung :
– Dung ơi ! Trước đây anh đã mời em và Trưng Nhị một người làm Tư-không, một người làm Tư-mã đất Lĩnh-nam. Bây giờ bản lĩnh em đã đổi, anh mời em làm Quân-sư. Trận đánh này quá nhỏ, anh để mình em với Trưng sư muội thử những gì đã học, xem kết quả tới đâu.
Thiều-Hoa nghe chồng xưng hô thân thiện với Trưng Nhị, trong lòng như nở ra một vườn hoa : Nghiêm Sơn không còn coi mình là người Hán, chàng đã coi Phương-Dung, Trưng Nhị như Đào Kỳ. Đó là điều Thiều-Hoa mong mỏi từ lâu. Nàng nhủ thầm : Chỉ cần một vài biến cố nữa, Nghiêm Sơn sẽ ngả về phía Lĩnh-nam. Giá Nghiêm Sơn là người Việt chàng có thể tiếp tục sự nghiệp Hùng-vương, An-dương vương, lập ra triều đại mới cho Lĩnh-nam.
Đứng trước thế nguy hiểm : Người dưới mang một số quân đông đảo tạo phản, có thể mất mạng trong chốc lát mà Nghiêm vẫn thản nhiên, coi lực lượng Phùng Chính-Hòa như bầy chuột. Chàng còn giao việc điều khiển cho Phương Dung thực tập lý thuyết đã học, quần hào mới hiểu rõ Nghiêm Sơn hơn : Can đảm trước hiểm nguy, bình tĩnh trước nghịch cảnh. Từ trước đến nay họ chỉ nghe Nghiêm Sơn có tài vương bá, võ công, mưu trí bao trùm Trung-nguyên. Một tay dựng lại cơ nghiệp nhà Hán. Có người cho rằng Nghiêm gặp thời. Bây giờ, họ mới thấy ở Nghiêm tỏa ra khí phách của người anh hùng. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Trưng Nhị nổi danh anh hùng Lĩnh-nam bấy lâu, nay thấy Nghiêm Sơn có con mắt tinh đời, dám giao tính mệnh cho Phương-Dung, một cô gái mới 19, 20 tuổi, khi biết nàng có chân tài. Với bản lĩnh đó, hèn chi chàng coi sự kèn cựa của Tô Định, âm mưu hãm hại của Mã thái hậu coi như không có. Bất cứ người nào trong đám anh hùng có mặt cũng không bằng Nghiêm.
Nghiêm Sơn thản nhiên ngồi uống rượu, nói chuyện với Thiều-Hoa.
Bất chợt Phương-Dung hỏi Đào Thế Kiệt :
– Thưa bố, trên đảo có cờ Hán không ?
– Có, trong trận đánh cảng Bắc, bố cướp được mấy lá cờ Hán, nay vẫn còn.
Phương-Dung vui mừng :
– Như vậy đỡ đổ máu. Xin bố lấy tất cả cờ Hán ra đây. Viết lên cờ hàng chữ "Bình Nam đại tướng quân, Lĩnh nam công, Nghiêm" thực lớn. Càng mau, càng tốt.
Thế-Kiệt thấy việc khẩn cấp vội cho làm ngay. Chỉ một lát đã xong ba lá cờ. Phương-Dung hướng vào Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca ! Tất cả những tráng đinh của Lê Đạo-Sinh đều là tráng đinh của các Lạc hầu thân Hán. Còn binh lính của huyện Ngọc-đường cũng là binh sĩ Hán. Trên nguyên tắc họ là binh lính của đại ca. Nay Phùng Chính-Hòa làm phản, tất nói dối binh sĩ là tuân lệnh trên đi tiễu trừ phỉ tặc. Vì vậy em cho treo cờ hiệu của đại ca ở ba góc đảo. Dù binh sĩ lên chỗ nào cũng trông thấy cờ. Xin đại ca xuất hiện, nói cho binh sĩ biết, chúng buông vũ khí, đỡ đổ máu. Sau khi chúng buông vũ khí, đại ca ủy lạo chúng, dùng chúng làm lực lượng chống Phùng Chính-Hòa.
Trưng Nhị cầm cờ vàng phất một cái. Tốt thứ nhất gồm một trăm đệ tử do Tường-Loan chỉ huy, dàn ra bãi biển, nơi có quân sắp đổ bộ, dàn phía sau các ụ cát, trên ụ, cây cối um tùm. Nàng phất hai cái. Tốt thứ nhì, 100 người do Trần Dương-Đức chỉ huy, tiến ra các ụ cát, mai phục. Nàng phất ba cái. Tốt thứ ba do Phật-Nguyệt chỉ huy cùng Nghiêm Sơn dàn ra bãi biển, chờ đợi quân đổ bộ.
Quân đổ bộ dàn thành hàng từ từ tiến lên.
Nghiêm Sơn tiến ra trước, cầm loa quát :
– Các người là quân ở đâu đến đây ?
Viên tướng đi đầu là một người Việt nói :
– Ta là Lữ-trưởng Ngọc-đường, vâng lệnh Huyện-lệnh lên đảo tiểu trừ phỉ tặc.
Nghiêm Sơn chỉ ngọn cờ, nói :
– Các ngươi có trông thấy cờ hiệu không ? Ta là Bình Nam đại tướng quân đây. Các ngươi là binh sĩ dưới quyền phải nghe ta. Trên đảo không có giặc cướp nào cả, chỉ có thường dân lương thiện. Ta đóng quân ở đây lâu rồi, các ngươi không được nghe Phùng Chính-Hòa làm phản. Ai theo y, ta giết ba họ.
Binh sĩ nghe nói, vội ngừng bước. Vì không biết mặt Lĩnh-nam công, nên họ đưa mắt nhìn viên tướng chỉ huy, hỏi ý kiến. Viên tướng chỉ huy nạt lớn :
– Khi sắp đổ bộ Phùng huyện úy đã dặn : Trên đảo có phỉ tặc giả xưng Lĩnh-Nam công, ai giết y sẽ được thưởng.
Nghiêm Sơn phất tay một cái, các đội núp sau ụ cát đều xuất hiện. Chàng chỉ nói :
– Trên đảo ta có hàng chục vạn quân, muốn giết các ngươi thực quá dễ dàng, việc gì ta phải nói dối các ngươi ? Các ngươi nghe ta, buông bỏ vũ khí. Nếu không sẽ bị chặt đầu.
Viên tướng chỉ huy vừa mở miệng định nói, bỗng thấp thoáng một cái, người y đã bị bật lên cao. Bay về phía sau Nghiêm Sơn. Nguyên Nghiêm Sơn lợi dụng lúc y nói, tung dây chụp người y giật mạnh.
Nghiêm Sơn chụp cổ y, nói :
– Mi có chịu đầu hàng không ? Mi tên gì ?
Viên tướng đau quá, kêu lên :
– Xin Quốc-công tha mạng. Tiểu nhân tên Thái Kiêm. Lữ trưởng thuộc huyện Nghi-sơn. Tiểu nhân ở dưới quyền Huyện-úy. Y bảo sao, tiểu nhân nghe vậy.
Nghiêm Sơn buông Thái Kiêm ra, nói với toàn quân :
– Chư quân nghe đây ! Ta là Lĩnh-Nam công. Tên Phùng Chính-Hòa làm loạn, phạm thượng, sẽ bị giết cả nhà. Chư quân vô can, hãy vào trong đảo. Ta hứa tha tội chết cho các ngươi. Nếu các ngươi chống cự, đại quân trên đảo sẽ giết các ngươi.
Chàng phất tay chỉ vào đảo. Đoàn quân lục tục tiến vào.
Trưng Nhị hô lớn :
– Đốt cỏ lên !
Trần Dương-Đức, Tường-Loan cho tráng đinh đốt những bó cỏ khô mang theo, khói bốc lên mù mịt. Người đứng xa không sao phân biệt được tình hình. Nàng nói lớn với Nghiêm Sơn :
– Bây giờ ngoài khơi, Phùng Chính-Hòa không phân được tráng đinh hay quân Ngọc-đường. Phiền đại ca đẫn đội quân này vào sảnh đường giáo hóa họ, để họ theo mình.
Rồi Trưng Nhị hô lớn :
– Dương-Đức, Tường-Loan ! Xin hai vị cho đệ tử giả đấu trận với nhau, lẫn trong khói, để ngoài khơi, Chính-Hòa tưởng quân Ngọc-đường đang đánh nhau với tráng đinh.
Đệ tử trên đảo thường dàn trận giả đấu với nhau hàng ngày. Nay thấy Trưng Nhị ra lệnh, hô liền xáp vào nhau đánh trận giả. Đao thương chạm nhau choang choảng, hỗn loạn trong khói lửa.
Trưng Nhị nhìn ra khơi, thấy toán đổ bộ thứ nhì đã vào gần bờ biển. Nàng phất cờ một cái, đám đệ tử do Tường-Loan, Dương-Đức chỉ huy lập tức lui vào các ụ ẩn kín.
Đám đổ bộ sau đều là binh sĩ Ngọc-đường. Họ chia làm bốn Tốt, dàn hàng tiến lên đảo. Ở xa họ đã thấy khói lửa ngùn ngụt, tiếng vũ khí chạm nhau hỗn loạn. Nhưng khi lên đảo họ chỉ thấy khói mịt mờ, còn người thì không một bóng. Viên Lữ-phó Ngọc-đường chỉ huy đợt đổ bộ thứ nhì phất cờ cho ba Tốt tiến lên. Khi vượt quan mấy hàng cây vào trong, chợt nghe tiếng pháo nổ, tráng đinh trên đảo đổ ra bao vây bên phải, bên trái và cắt mất đường lui quân. Phía trước, một tráng đinh kéo cờ Hán lên cột cờ. Lá cờ bay phất phới trên có hàng chữ "Bình-Nam đại tướng quân, Lĩnh nam công, Nghiêm."
Một trung niên hán tử, dáng điệu uy nghi đứng đó. Người ấy là Nghiêm Sơn.
Viên lữ phó Ngọc-đường thấy Nghiêm Sơn, y vội làm lễ trình diện :
– Đại tướng quân, thì ra ngài ở đây thực. Phùng hiệu úy nói trên đảo có một đám phỉ đồ mạo xưng ngài. Huyện-úy dẫn chúng tôi đi tiễu trừ. Như vậy là thế nào ? Tiểu nhân không hiểu ?
Nghiêm Sơn hỏi :
– Ngươi tên gì ?
– Tiểu nhân là Phương Chiêu, Lữ-phó Ngọc-đường. Trước đây, tiểu nhân là Tốt trưởng Luy-lâu, được đại nhân đề bạt chức Lữ-phó Ngọc-đường năm trước.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Binh lính của ngươi có nghe lệnh ngươi không ?
– Thưa tiểu nhân bảo chết, họ cũng chết.
– Được ngươi dẫn họ theo ta.
Trưng Nhị hô :
– Dương-Đức, Tường-Loan ! Đốt cỏ và hai đội giả đấu với nhau nữa.
Dương-Đức, Tường-Loan lại cho hai đội tráng đinh giả đấu với nhau nữa. Vừa đấu, vừa reo hò vang dội.
Trưng Nhị cùng mọi người vào sảnh đường. Trong đó, trên 700 binh lính đã ngồi chật ních. Phía trên Nghiêm Sơn ngồi đó. Hai Lữ-trưởng và phó Ngọc-đường cung kính đứng hầu phía sau.
Nghiêm Sơn chỉ vào Đào Nghi-Sơn, rồi ra lệnh cho viên Lữ-trưởng :
– Ngươi dẫn anh em ra sân nghỉ ngơi. Nhất thiết phải tuân theo mệnh lệnh của vị tướng quân này. Các người có mang theo lương thực không ? Nếu không hãy xin vị tướng quân này giúp đỡ.
Trưng Nhị sai phất cờ lệnh, gọi ba chiến thuyền mượn của Nghiêm Sơn và ba chiến thuyền của đảo về. Phút chốc, cả sáu chiến thuyền đều cập bến.
Trưng Nhị nói với mọi người :
– Bây giờ, ngoài khơi, Chính-Hòa tưởng chúng ta đang giao chiến vơi hải đội Ngọc-đường. Chúng chờ khuya sẽ đổ bộ lên đảo. Xin các vị ăn uống, nghỉ ngơi. Ai ở vị trí đó, chờ giặc đổ bộ hãy đổ ra đánh.
Trên đảo, Đào Thế-Kiệt tổ chức rất chu đáo như một đội quân để chờ ngày tái chiếm Đào, Đinh trang, nên lương thực, dụng cụ đầy đủ. Một lát cơm dọn lên, mọi người ăn vội vàng rồi vào họp.
Phùng Vĩnh-Hoa hỏi Nghiêm Sơn :
– Đại ca cho biết tình hình bên địch.
Nghiêm Sơn bước ra nói :
– Theo Thái Kiêm thì Phùng Chính-Hòa lấy hết năm Tốt của Lữ Ngọc-đường, còn mượn thêm hai Tốt của Lữ Nghi-sơn. Cộng khoảng 700 người đã đổ bộ. Số còn lại là tráng đinh Bắc-đái và Long-biên ước khoảng 300. Chính-Hòa ra lệnh cho Lữ-trưởng Thái Kiêm chỉ huy lực lượng đánh đảo. Sau khi chiếm được đảo, sẽ bắn bốn mũi tên trời làm hiệu. Y sẽ cho tráng đinh tiếp ứng. Bây giờ ta cho Phương Chiêu bắn tên, dụ Phùng đổ bộ. Liệu y có dám đổ bộ không ?
Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Y sẽ đổ bộ. Một trăm lần y sẽ đổ bộ. Sau khi đẩy hết 700 quân lên đây, y nghĩ trên đảo có khoảng 300 tráng đinh, sau trận đánh, số thương vong ít nhất cũng tới 200. Y chỉ dơ tay là chiếm được đảo.
Nghiêm Sơn nói với Phương-Dung:
– Việc hành quân sẽ do Phương-Dung thiết kế.
Hồi sáng mọi người thấy Phương-Dung điều động có quy tắc, lệnh ban thông minh, ước tính tình hình, đâu ra đó thành công trọn vẹn. Bây giờ họ càng tin tưởng hơn. Phương-Dung cầm kiếm lệnh lên đài, nàng nói :
– Tình thế bây giờ đổi khác. Địch có sáu chiến thuyền vối 300 đệ tử tráng đinh biết võ, rất trung thành, khi lâm sự chúng sẽ tử chiến. Nếu ta cũng dùng đệ tử đấu lại, có thắng được họ, số thương vong cũng rất cao. Đó là điều mà đạo làm tướng nên tránh. Lúc nào ta cũng phải nhớ còn 500 đệ tử tráng đinh nữa đi theo Lê Đạo-Sinh, ngày đêm sẵn sàng xuất hiện đánh phía sau hay vào mạng sườn ta, điều khiến ta lâm nguy. Đó là bàn về quân. Còn bàn về tướng, bên địch có Lê Đạo-Sinh, tuy bị Đào tam ca đánh trọng thương, nhưng ở đây chỉ có Đào tam ca, Khất đại phu, sư thúc Phật Nguyệt và tôi có thể thắng y. Vậy hai trong bốn người phải lên chiến thuyền ra khơi. Nếu y xuất hiện, phải đánh liền. Ngoài ra địch còn Vũ Hỷ, Phương Anh, Chu Bá, Lê Thị Hảo, Đức Hiệp, Hoàng Đức võ công ngang nhau. Ở đây chúng ta có Nam-hải nữ hiệp, Mai động hầu, Cối giang hầu, Đào hầu, Đào phu nhân, Đinh hầu, Nghiêm công. Chúng ta đủ sức thắng chúng. Chúng ta còn các sư tỷ Trưng Nhị, Lê Chân, Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga, Vũ Trinh-Thục...Trước sau gần 20 người. Vậy chúng ta hơn họ về tướng. Ta cần đàn áp tướng. Tướng bại tất quân tan.
Phương-Dung ngừng một lát, mọi người nhìn nhau tán thành ý kiến của nàng. Nàng đứng dậy chắp tay, cung kính hướng vào Khất đại phu :
– Thưa Khất đại phu, có thứ thuốc gì làm cho người ta nóng lên chịu được lạnh không ?
Khất đại phu gật đầu :
– Có nhiều thứ lắm, không biết cháu cần bao nhiêu ?
– Cháu cần đủ cho khoảng 500 người dùng. Thưa đại phu, như vậy phải cần bao nhiêu vật liệu chế biến ?
– Phải dùng các vật liệu sau đây : Gừng tươi hoặc khô, Quế-chi, Cam-thảo, Gạo cháy mỗi thứ khoảng 20 cân, không biết Đào hầu có đủ cung ứng không ?
Đào Thế-Kiệt gật đầu :
– Trên đảo hiện có trên trăm cân gừng khô, quế-chi vài trăm cân, gừng tươi đào lên thì gần trăm cân, cam thảo ước mười cân. Không biết như vậy có đủ không ?
Phương-Dung nói lớn :
– Mời sư tỷ Tường-Loan, các sư muội Bạch-Nương, Tĩnh-Nương ra nhận lệnh khẩn cấp.
Ba người ra đứng giữa trướng, Phương-Dung hỏi :
– Thưa Khất đại phu cách chế thuốc chống lạnh như thế nào ?
Khất đại phu không hiểu Phương-Dung định làm gì cũng trả lời :
– Mười cân Gừng khô, mười cân Quế-chi, Một cân Cam-thảo nghiền nhỏ thành bột. Dùng 20 cân gạo rang cháy một nữa. Nhớ làm sao cho hột gạo cháy một nữa, tán thành bột, trộn với nhau, chia thành từng viên bằng quả chanh. Sau khi uống, một khắc sau người nóng như sốt, dù nhảy xuống nước vào mùa đông cũng chịu được hàng giờ. Thời gian hiệu nghiệm khoảng ba giờ. Muốn thuốc công hiệu lâu, thì dùng thêm mật ong vào.
Phương-Dung tiếp :
– Mời ba sư muội làm thuốc, càng gấp, càng tốt. thuốc gói thành từng gói nhỏ 25 viên một. Sau khi hoàn thành đưa đến đây ngay.
Phương-Dung hướng vào cử tọa, tiếp :
– Bây giờ chúng ta áp dụng phương pháp: "Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị". Nghĩa là xuất quân ngoài sức tưởng tượng của chúng, đánh vào chỗ chúng không phòng bị. Lối đánh này được gọi là dùng kỳ binh. Binh thư nói : Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Ta đã biết ta rõ ràng, bây giờ ta cần biết Phùng Chính-Hòa nghĩ gì ? Chắc chắn y cho rằng trên đảo có trận chém giết ghê gớm. Lữ Ngọc-đường đã bị giết hết. Trên đảo chỉ còn ít người không đủ chống với hắn. Người trên đảo đã bị Lữ Ngọc-đường tiêu diệt gọn. Tuy nhiên, hắn vẫn còn sợ, chưa đổ bộ, có lẽ đợi Lê Đạo-Sinh. Số người của Lê Đạo-Sinh gần 500. Tổng cộng chúng có 800 người. Kế sách của ta như sau :
Thứ nhất : chỉ huy ba chiến thuyền mượn của Luy-lâu là sư bá Tam-Trinh, phụ có các sư huynh Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cùng các sư muội Tử-Vân, Giao-Chi, thêm Bố cháu và sư tỷ Hồ Đề; sư điệt Hùng Bảo, Trần Năng đi trợ chiến. Nhờ Khất đại phu đi theo đề phòng Lê Đạo-Sinh xuất hiện. Hải đội này đặt tên là hải đội 1. Chờ trời tối hãy xuống thuyền, để ngoài khơi, Phùng Chính-Hòa không nhìn thấy. Hải đội 1 án binh bất động, luôn quan sát ngoài khơi. Khi thấy đoàn thuyền của Lê Đạo-Sinh thì chận đánh, không cho chúng đến gần đảo tiếp viện. Mai động ngũ hùng thêm Giao Chi, Tử Vân giỏi thủy tính, tìm cách lặn xuống biển, đục thuyền địch.
Phương-Dung nhấn mạnh :
– Trường hợp chúng bỏ chạy không nên đuổi theo. Xin đại sư huynh Trần Dương-Dức mang theo 100 tráng đinh trên đảo làm lực lượng xung kích chính.
Thứ nhì : Chỉ huy ba chiến thuyền của đảo tức hải đội 2 là Đinh hầu, có các vị sau đây trợ chiến : Các sư tỷ Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, Vũ Trinh-Thục, Lê Ngọc-Trinh, các sư đệ Hiển-Hiệu, Quý-Minh. Xin Thái-sư thúc Phật-Nguyệt đi theo để đề phòng Lê Đạo-Sinh. Xin đại ca Nghi-Sơn đem theo 100 tráng đinh làm nhiệm vụ xung kích. Chờ trời tối hãy xuống thuyền. Đợi khi Phùng Chính-Hòa đổ bộ, sẽ đánh chiếm các chiến thuyền của chúng.
Thứ ba : Chỉ huy lực lượng phòng vệ trên đảo là Đào hầu, Đào phu nhân, cùng với Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Quách Lãng. Cần giữ cho chắc, tuyệt đối không để cho giặc đột nhập vào khu gia đình, để yên lòng tướng sĩ. Lực lượng xung kích chính, là hải đội nữ đệ tử trên.
Thứ tư : Lực lượng chiến đấu trên đảo, chúng ta có 700 quân Ngọc-đường và 300 tráng đinh. Số 700 quân Ngọc-đường chia làm hai, đóng ở hai bên Đông và Tây đảo làm lực lượng trừ bị. Lực lượng này do sư tỷ Thiều-Hoa chỉ huy. Số 300 tráng đinh đặt dưới quyền điều khiển của sư tỷ Tường-Loan, sư muội Đinh Hồng-Thanh, Lữ trưởng Thái Kiêm, Lữ phó Phương Chiêu đi theo phụ tá cho sư tỷ Tường-Loan, lấy y phục của binh sĩ Ngọc-đường cho tráng đinh mặc, kéo ra bờ biển hạ trại. Thái Kiêm bắn tên cho Chính-Hòa biết đã toàn thắng. Phùng tuy có vẻ không tin, nhưng cũng sẽ đổ bộ. Khi chúng đổ bộ, sư tỷ Tường-Loan dẫn quân ra đánh. Sư tỷ Thiều-Hoa tung 700 quân Ngọc-đường đánh tập hậu. Nghiêm đại ca, Đào tam ca ra bờ biển ẩn vào đạo quân của sư tỷ Tường-Loan phòng Lê Đạo-Sinh xuất hiện.
Phương-Dung quay lại nói với Trưng Nhị :
– Mời sư tỷ lên đài chỉ huy.
Người vui mừng nhất là Nghiêm Sơn. Chàng nghĩ : Phương-Dung thông minh tuyệt thế. Nàng học Lục-thao, Tôn-Ngô phối hợp với phương pháp dàn binh lập trận do ta dạy nàng, thành bản lĩnh riêng. Nàng dám hạ lệnh cho ta, chứng tỏ nàng hiểu thấu đáo quy luật hành quân. Ngày trước Hàn Tín cũng dám hạ lệnh cho Hán Cao-tổ. Phương chính hầu Trần Tự Minh cũng dám hạ lệnh cho An-dương vương.
Chàng nghĩ tiếp :
– Vĩnh-Hoa nhiều mưu lắm mẹo, nhưng không giỏi binh pháp. Phương-Dung ít mưu hơn, nhưng vì đọc binh thư, nàng giỏi điều quân. Trưng Nhị chỉ huy đúng phép, rõ ra tài đại tướng. Ừ nếu so về cả ba phương diện, không ai bằng mình. Nhưng nếu so từng mặt một, ta thua cả ba nàng. Ba người chủ trương phản Hán phục Việt, họ biết kết hợp với nhau, đất Lĩnh-nam tất phải trả cho người Việt.
Trời cuối thu, gió biển về khuya lạnh buốt tới xương. Đám binh sĩ Ngọc-đường đã được uống thuốc chống lạnh, họ đủ sức ngồi chờ địch.
Đào Kỳ ngửa mặt nhìn trời cao suy nghĩ :
– Không biết giờ này Tường-Quy ở đâu ? Nàng đang làm gì ? Nếu nàng còn ở trên thuyền với ông ngoại, khi trận chiến xảy ra, không biết có sao không ?
Trời kéo mây đen, rồi mưa trút xuống như thác nước. Đêm tối như mực, xòe bàn tay ra như không thấy gì.
Đào Kỳ ngồi bên Nghiêm Sơn. Chàng nghe Nghiêm Sơn kể lại những trận đánh ở Trung-nguyên. Lớn nhất là trận Côn-dương. Tướng bên giặc là Sầm Bành, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Các tướng Hán như Phùng Dị, Mã Vũ đều bị bại. Đào Kỳ hỏi :
– Hôm trước đại ca kể Sầm Bành là tướng Hán, sao đại ca lại đại chiến với y ?
– Hồi đó, y còn theo Vương Mãng. Võ công y giỏi, nhưng tài dùng binh còn thua ta rất xa. Vì vậy bị ta bắt sống. Y khâm phục, đầu hàng. Kỳ này sang Trung-nguyên, thế nào Tiểu-sư đệ cũng phải đấu với hắn.
Đào Kỳ hỏi :
– Về võ công, liệu bản lĩnh của hắn có bằng Khất đại phu hay Lê Đạo-Sinh không ?
– Cũng cỡ đó. Có điều võ công hắn thiên về dương cương. Chưởng lực của hắn hùng hậu vô song. Ta chỉ chịu được hai chưởng mà thôi.
– Liệu với Phục ngưu thần chưởng, Khất đại phu có thắng được y không ?
– Nếu đại phu đánh từng chưởng thì thua. Còn nếu đại phu học đủ 36 chưởng, y sẽ thua. Sư đệ muốn thắng y, phải dùng Lĩnh-nam chỉ pháp do tiểu sư đệ chế ra, hoặc vận khí dương cương qua Thủ tam dương kinh, hoặc dùng Phục ngưu thần chưởng âm nhu. Còn nếu sư đệ muốn thắng y bằng chưởng Cửu chân thì rất dễ, vì võ công Đào gia khắc chế với võ công của y.
– Y bao nhiêu tuổi ?
– Khoảng bốn mươi.
Bỗng Đào Kỳ suỵt khẽ :
– Đại ca ! Có tiếng chèo đò. Chúng đổ bộ đấy.
Tiếng chéo đò mỗi lúc một gần, sau cùng là tiếng người dội nước lõm bõm. Đào Kỳ bốc viên sỏi, búng đến "vèo" một tiếng trúng cái chuông trên đài chỉ huy. Trưng Nhị thấy ám hiệu của Đào Kỳ, biết quân ngoài khơi đã đổ bộ, nàng nói với Phương-Dung :
– Em ước tính đúng. Chúng đổ bộ thực. Mũi tên này bắn ra, ngoài khơi Đinh hầu sẽ tấn công chiếm các chiến thuyền Ngọc-đường. Phùng Chính-Hòa sẽ mất đường về.
Nàng châm lửa, bắn mũi tên lửa màu tím lên trời. Một lát sau, cũng thấy từ xa xa một mũi tên lửa màu tím bắn lên. Trưng Nhị nói :
– Đinh hầu đã chuẩn bị sẵn, đợi chúng đổ bộ xong là tiến đánh hải đội Ngọc-đường.
Mây đen kéo đi, ánh trăng chiếu xuống bãi biển rõ như ban ngày. Nghiêm Sơn đếm từng bè một, nói :
– Phùng Chính-Hòa dẫn đầu. Hắn đổ bộ có 20 người mà thôi, chắc để lại 100 giữ thuyền.
Toán đổ bộ âm thầm tiến vào bãi cát.
Đuốc được đốt lên đồng loạt. Người dẫn đầu toán đổ bộ là Phùng Chính-Hòa. Y vẫy tay cho tráng đinh dàn hàng ngang, kéo vào bờ. Thái Kiêm, Phương Chiêu đứng trước trại quân, hô lớn :
– Khải bẩm Huyện-uý, chúng tôi đã chiếm được đảo. Phía Ngọc-đường chết hơn 200 người. Chúng tôi chỉ còn khoảng 400 người khỏe mạnh. Bọn phỉ tặc bị giết không biết bao nhiêu mà kể. Mấy tên đầu sỏ đã bị bắt, hiệm để ở căn nhà giữa đảo, mời đại nhân vào phát lạc.
Phùng Chính-Hòa gật đầu. Y vẫy Thái Kiêm, Phương Chiêu đi theo. Khi y tiến vào giữa đảo, thấy nhà cửa nguyên vẹn chợt sinh nghi. Y quay lại hỏi Thái Kiêm, Phương Chiêu, thì hai người đã biến đâu mất. Số quân Ngọc-đường dàn ra phía sau chặn mất đường về.
Trên đài cao, Trưng Nhị bắn bốn mũi tên đỏ lên trời, báo hiệu cho hải đội đánh chiếm chiến thuyền Ngọc-đường.
Một tiếng pháo lệnh nổ vang, bốn bên đốt đuốc đồng loạt. Hai phía hông Phùng Chính-Hòa bị hai đạo quân đông gấp bội, chặn mất lối. Y đang luống cuống thì trước mặt là Khất đại phu, Nghiêm Sơn, Đào Kỳ đứng nhìn y.
Nghiêm Sơn nói lớn :
– Các tráng đinh nghe đây ! Ta kinh lược đảo này từ lâu, Phùng Chính-Hòa làm phản. Các ngươi vô tội. Vậy mau buông vũ khí ta tha cho. Kẻ nào chống trả ta giết không tha. Ta còn về trang ấp giết cả nhà.
Thái Kiêm hô lớn :
– Phùng Chính-Hòa, ngươi lừa ta mang quân tiểu trừ phỉ đồ, không ngờ Nghiêm công ở trên đảo này. Ta là tướng sĩ dưới quyền phải theo chủ soái. Ngươi bị bao vây rồi.
Bỗng có tiếng loa trên đài cao hô lớn :
– Đệ tử của Bắc-đái nghe đây ! Phùng Chính-Hòa có tội, một mình y bị mà thôi. Các ngươi bị lừa, nếu buông vũ khí sẽ được tha. Kẻ nào ngoan cố sẽ bị giết cả nhà.
Đám đệ tử ngơ ngác nhìn nhau. Chiến đấu thì một địch sao lại ba ? Còn hàng thì sợ Phùng Chính-Hòa trả thù.
Trên đài tiếng loa lại kêu lớn :
– Các người nhìn coi ! Chiến thuyền ngoài khơi đã bị chiếm mất rồi.
Đám đệ tử nhìn ra khơi thì thấy lửa bốc lên từ chiến thuyền. Một tên đệ tử buông đao xin hàng. Phùng-Chính Hòa nhảy "vèo" đến, đưa ngang lưỡi kiếm. Đầu tên tráng đinh rơi xuống đất.
Đào Kỳ nhún mình một cái đến bên y, vung chưởng đánh. Chàng thấy, nếu mình không đánh bại y ngay, tất sẽ có trận giao chiến, sẽ có nhiều người chết. Vì vậy chưởng này chàng vận đến năm thành công lực. Chính-Hòa thấy chưởng lực hùng hậu, vội nhảy lui lại hai bước, vô tình tới trước mặt Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn vung chưởng và nói :
– Tiểu sư đệ ! Ta là tướng soái của y, để ta trừng phạt.
Nghiêm Sơn vung chưởng đánh liền. Phùng Chính-Hòa lui lại đỡ. Chưởng của y là Phục-ngưu thần chưởng. Còn chưởng của Nghiêm Sơn là chưởng phối hợp cương nhu. Lối đánh của chàng là lối đánh, của người già dặn kinh nghiệm chiến đấu.
Đào Kỳ nhìn trận chiến. Từ ngày biết Nghiêm Sơn đến giờ, chàng chưa biết rõ võ công của người tỷ phu. Trước đây tại Luy-lâu, chàng có đối chưởng với Nghiêm, nhưng chưa biết bản lĩnh chân thực của Nghiêm ra sao. Chàng thấy võ công Nghiêm trội hơn Phong-châu song quái nhiều, ngang hàng với Đức-Hiệp chứ không phải tầm thường.
Nghiêm Sơn phát chiêu khoan thai thái độ ung dung nhàn nhã, tiến thoái có thứ lớp. Qua mươi hiệp, Chính-Hòa bị đuối sức, chỉ còn chống đỡ mà thôi. Y lùi dần. Thình lình, y phóng ra một chưởng quái dị. Nghiêm Sơn vội nhảy lùi lại tránh. Y thò tay vào bọc rút ra một vật tròn to bằng nắm tay. Đào Kỳ nhận ra đó là trái hỏa lựu của Lê Đạo Sinh, vội kêu lớn lên :
– Nghiêm đại ca ! Cẩn thận đấy.
Nghiêm Sơn nhấp nhô một cái đã đến bên Phùng Chính-Hòa, chụp tay y, bẻ đến "rắc" một cái, đã lấy được trái hỏa lựu, thuận thế, chàng đá y ngã úp sấp xuống đất.
Chàng hô lớn :
– Phùng Chính-Hòa đã đền tội các đệ tử Bắc-đái mau đầu hàng, nếu không ta sẽ giết không còn một mạng.
Đám đệ tử buông vũ khí. Tường-Loan cho lệnh binh sĩ Ngọc-đường trói lại, vì sợ chúng phản phúc.
Vĩnh-Hoa nói với Trưng Nhị :
– Em nghĩ, có lẽ Lê Đạo-Sinh không trở lại đâu. Nếu y trở lại, đã đổ bộ rồi. Vậy chúng ta cho thu quân thôi.
Trưng Nhị thấy Vĩnh-Hoa có lý, bèn ra hiệu nổi trống, bắn tên lửa thu quân.
Phương-Dung nói với Nghiêm Sơn :
– Bây giờ phải lấy khẩu cung Phùng Chính-Hòa về việc y tạo phản. Có ba vấn đề đặt ra : Y cùng đường, bị đẩy vào thế tạo phản ? Do Lê Đạo-Sinh chủ trương hay do chính Tô Định chủ trương ?
Nghiêm Sơn đồng ý :
– Lấy khẩu cung một tên lưu manh phải có người trí tuệ sáng suốt. Vậy sư muội cùng với Hồ Đề hỏi cung, y mới nói thực.
Nói rồi Nghiêm Sơn cười khúc khích, bước vào hội trường, vì chàng biết Phương-Dung tinh nghịch, trong khi Hồ Đề có nhiều con thú, có thể dùng để tra khảo. Chỉ hai thiếu nữ ngỗ nghịch này mới đấu lại Phùng Chính-Hòa.
Lát sau Phương Dung, Hồ Đề trở lại sảnh đường. Nàng hỏi Đinh Đại :
– Xin cậu cho biết tình hình ngoài khơi.
Đinh Đại nói :
– Tên Phùng Chính-Hòa giỏi, nhưng bày binh bố trận thì ngu như lợn. Y biết ba chiến thuyền của tôi ở xa xa, mà vẫn đổ bộ. Vì vậy, khi thấy ám hiệu ở trên đài chỉ huy, tôi đánh chiếm quá dễ dàng.
Bên ta có chín đệ tử bị thương. Bên địch chết trên 30, còn bị bắt 68 tên. Hầu hết bị thương. Tôi đã cho băng bó cẩn thận.
Nguyễn Tam-Trinh báo cáo :
– Hải đội 1 đi tuần tiểu quanh đảo, tuyệt không thấy bóng dáng đoàn thuyền Lê Đạo Sinh đâu. Không biết y có âm mưu gì khác không ?
Chợt Phùng Vĩnh-Hoa kêu lên :
– Nguy to rồi ! Tôi sợ Lê Đạo-Sinh trở về lục địa tác quái, chứ y không chịu thua đâu. Lê tin rằng với 700 binh Ngọc-đường cùng 300 đệ tử, Phùng Chính-Hòa dư sức đánh chiếm đảo, giết đại ca. Một mặt y trở về lục địa, dùng lệnh bài của đại ca đánh phá các nơi. Vậy, đại ca phải trở về ngay.
Trước đây Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại nổi tiếng về tài dùng binh, huấn luyện tráng đinh, tổ chức thành đội ngũ chiến đấu. Hai ông cho rằng bọn tướng sĩ Hán chẳng qua là dựa vào quân số đông, chứ thật sự bản lĩnh điều binh không có gì. Bây giờ, trước lực lượng của Phùng Chính-Hòa đánh đảo, hai ông chưa biết phải hành động ra sao. Trong khi Nghiêm Sơn thản nhiên, coi Phùng Chính-Hòa như đứa con nít, đến nỗi chàng không cần đưa ra một đường lối nào hành động. Chàng còn để mặc cho Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung phản ứng. Tỏ ra bản lĩnh chàng đã đến mức siêu việt. Ông nghĩ thầm trong lòng :
– Tài dùng binh của y đã đến trình độ nào ta cũng chưa biết. Song cử thấy việc cũ : Một thước gươm cùng Quang-Vũ khởi binh ở Côn-dương, trở tay một cái lấy năm quận. Từ đó chiêu mộ binh mã, đánh bại Vương Mãng, Xích Mi và các sứ quân. Trước mặt ta trận chiến vừa rồi do Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa điều khiển muôn ngàn lần ta không bằng bọn trẻ. Tuy nhiên ta thử hỏi Nghiêm Sơn xem nhận xét của y thế nào ?
Ông hướng vào Nghiêm Sơn :
– Quốc công ! Tôi nghe Quốc công giảng binh pháp cho Phương-Dung, Đào Kỳ. Trận đánh vừa qua, Quốc-công khoanh tay ngồi coi đám trẻ điều khiển. Vậy, xin Quốc-công cho chúng tôi một vài nhận xét..
Nghiêm Sơn liếc mắt nhìn Đào hầu một cái :
– Kể ra, với tuổi các sư muội lần đầu tiên xuất trận đã biết thiết kế dùng binh pháp. Biết uyển chuyển thay đổi đạt được chiến thắng như vậy, cổ kim chưa từng có. Tuy nhiên, Phương-Dung thiết kế, Trưng Nhị chỉ huy, thành ra có một sơ hở lớn, không biết nắm lấy thời cơ. Binh pháp nói rằng : "Bất chiến nhi khuất binh, thiện chi, thiện dã đã", nghĩa là : Không đánh mà hàng phục được binh đoàn địch, là những người dùng binh giỏi trong những ngưởi dùng binh.
Ông quay lại nhìn Phương-Dung cười khúc khích, thái độ khoan hòa, như sư phụ nhìn đệ tử sử dụng võ công lần đầu :
– Khi ta thu phục binh sĩ Ngọc-đường, gã họ Phùng chỉ còn mấy trăm tráng đinh, việc gì phải tổ chức phục kích trong đêm ? Việc gì phải cho tráng đinh giả giao chiến đánh nhau lừa y ? Chỉ việc cho Lữ trưởng, Lữ phó Ngọc-đường thư cho Phùng nói rằng Lĩnh-Nam công kinh lược đảo rồi, đảo không còn đạo tặc nữa, mời Huyện-úy lên đảo yết kiến Quốc-công. Thế là Phùng cùng tráng đinh bỏ chạy, có phải giản dị hơn không ? Đỡ tốn sức, đỡ đổ máu hơn không ?
Trưng Nhị, Phương-Dung cùng gật đầu, Phương-Dung nói :
– Đa tạ đại ca chỉ dạy.
Nghiêm Sơn tiếp :
– Phương-Dung, ta cho sư muội thực tập một lần nữa. Bây giờ phải làm gì ?
Phương Dung nói với Trưng Nhị :
– Sư tỷ, điều quân thì em, nhưng mưu mẹo phải nhờ chị. Xin chị quyết đoán cho.
Trưng Nhị biết không từ chối được, nói :
– Bây giờ cháu xin đề nghị với Đào hầu, Đinh hầu. Hai sư bá cùng tất cả đệ tử nên rời đảo ngay ngày mai, trở về chỉnh đốn lại Đào, Đinh trang. Nghiêm đại ca đi cùng hai sư bá. Ngay khi về đất liền, Nghiêm đại ca cho ngựa lưu tinh đi các nơi đề phòng Lê Đạo-Sinh. Tiểu muội đề nghị đại ca không nên cách chức hết các đệ tử của Lê. Cứ để chúng đó, từ từ tính từng đứa một. Việc trước mắt là cử Huyện-úy Ngọc-đường thay Phùng Chính-Hòa, cử người làm Đô-sát Cửu-chân thay Vũ Hỷ.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Ta xin nghe lời sư muội.
Phùng Vĩnh-Hoa nói :
– Còn lại tất cả chúng ta phải trở ra Bắc ngay, chuẩn bị cuộc đi Trung-nguyên. Hôm trước trong buổi họp tại phủ Thái-thú. Tô hẹn chúng ta sẽ lên đường ngày 15 tháng 10, vậy chỉ còn hơn tháng nữa mà thôi. Xin chuẩn bị để lên đường là vừa.
Khất đại phu hướng vào Đào Thế-Kiệt :
– Đào hầu, hôm đại hội Hồ-tây, phái Cửu-chân khẳng định không tham dự phái đoàn. Người võ lâm nói một là một, hai là hai, vậy thì phái Cửu-chân không cử người đi nữa. Nhưng lão xin phép cho Đào tam lang đi trong phái đoàn của phái Long-biên. Cuộc đi này chúng ta phải đấu với anh hùng võ lâm Trung-nguyên. Võ công Trung-nguyên thiên về dương cương, lão phu cũng thiên về dương cương e có gì sơ sẩy chăng ? Võ công Đào tiểu hữu gồm cương lẫn nhu, vì vậy, nếu Đào tiểu hữu có mặt trong chuyến đi, sẽ làm rạng rỡ đất Lĩnh-nam nhà mình.
Đào Thế Kiệt là hào kiệt đương thời, dễ thức tỉnh, biết tùy nghi. Tuy ông tuyệt đối chống Hán, nhưng nghe lý luận của Khất đại phu, ông thấy điều đó đúng. Ông nhìn vợ hỏi ý kiến. Dầu sao Đào phu nhân cũng là phụ nữ, bà xa con đã bảy năm ròng, bây giờ mẫu tử trùng phùng mới được vài ngày. Bà thấy bịn rịn trong lòng không nỡ. Bà nhìn chồng :
– Khất đại phu đã dạy, vợ chồng ta đâu dám không nghe theo ? Nhưng xin Đại phu ở lại đây một ngày, để vợ chồng tôi làm lễ thành hôn cho đôi trẻ đã.
Nghe Đào phu nhân nói, mọi người mới chợt nhớ hôm nay là ngày cưới chính thức của Nghiêm Sơn với Thiều-Hoa. Trước trận đánh, Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp đã đứng ra làm mai cho Đào Kỳ với Phương-Dung. Một lời đôi bên cha mẹ đã hứa với nhau, coi như cuộc, hôn nhân đã thành. Bởi vậy lúc điều quân, Phương-Dung tự coi mình là con dâu nhà họ Đào. Trong cách xưng hô, nàng gọi Đào hầu bằng bố, Đào phu nhân bằng mẹ. Nàng gọi Nghiêm Sơn là tỷ phu.
Khất đại phu hướng vào Nguyễn Trát :
– Cối giang hầu, đúng ra phải đủ Ngũ lễ theo bậc của kẻ sĩ, để người quân tử Đào Kỳ cầu hôn cùng thục nữ Phương-Dung. Ngặt vì chúng ta đang ở hoàn cảnh cần kíp, nếu đòi hỏi Ngũ lễ e lâu quá. Lão phu dám xin hầu đại xá cho. Mai này về Bắc, lão phu sẽ thân đến Cối-giang tạ lỗi với phu nhân về việc này. Chẳng hay Cối-giang hầu tính thế nào ?
Nguyễn Trát là người không câu nệ lễ nghi, ông thấy Khất đại phu là người bề trên của mình nói vậy, vội đứng dậy, vòng tay thưa :
– Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp và Đào hầu cùng phu nhân đã thương đến cháu Dung, quý vị dạy sao, chúng tôi xin nghe làm vậy.
Trong đám ngang hàng với Đào Kỳ có Hồ Đề là người có tính hào sảng như nam nhi, nàng vỗ tay nói :
– Đào tam đệ, chị có mấy lời khuyên, chẳng hay tam đệ có chịu nghe không ?
Đào Kỳ gật đầu :
– Xin chị cứ dạy.
Hồ Đề vẫy tay :
– Dạy Tam đệ thì chị không dám, nhưng chị muốn Tam đệ hứa mấy điều trước khi lấy vợ, thế thôi. Điều thứ nhất, Tam đệ đã cưới Phương-Dung làm vợ, kể từ nay không được mơ tưởng tới cô Tường-Quy, cháu ngoại Lê Đạo-Sinh nữa. Tường-Quy so với Phương-Dung khác xa lắm. Phương-Dung đẹp hơn, võ công cao cường gấp bội. Bàn về gia thế, gia đình Cối-giang hầu hào hiệp, thông minh, tín nghĩa, thiên hạ đều phục. Còn gia thế Tường-Quy thì cha làm Hán gian cho giặc, chồng là một tên Hán ngu dốt, văn không thông, võ không thạo. Tam đệ có hứa với ta không ?
Đào Kỳ bị Hồ Đề nói huỵch tẹt tâm sự ra trước mặt mọi người khiến chàng xấu hổ, không dám nhìn lên. Chàng chỉ khẽ gật đầu.
Hồ Đề không chịu :
– Công lực Tam đệ cao thâm không biết đâu mà lường, sao lại gật đầu yếu thế ?
Đào Kỳ quýnh quá vội nói lớn ;
– Tiểu đệ xin hứa.
Hồ Đề chỉ Khất đại phu :
– Khất đại phu làm mai nhà trai, xin đại phu làm chứng cho đấy. Nếu sau này, Đào tam đệ lăng nhăng với cô Tường-Quy, ta dù võ công thua tam đệ, ta cũng sẽ cho ong đốt tam đệ đủ một triệu mũi. Ta là con gái người Mường dữ hơn bà Chằng , ta nói cho mà biết trước !
Hồ Đề nhìn Phương Dung :
– Tiếc rằng ta không là trai. Nếu là trai, ta quyết cưới em làm vợ mới nghe. Hôm mới gặp, ta đã tặng em con ngựa ô, ta tặng Trưng Nhị con voi trắng. Bây giờ đám cưới, ta tặng em cái này.
Nói rồi Hồ Đề móc trong bọc ra một cái gói, mở ra thì là một cây gậy bằng ngà voi, chạm trổ rất tinh vi, đưa cho Phương-Dung. Phương-Dung cúi đầu cảm tạ. Tiếp theo mỗi người tặng một món quà. Đến lượt Phùng Vĩnh-Hoa, nàng nói với Đào Kỳ :
– Đào tam đệ ! Hôm ở Tây-hồ, ngươi nhờ ta bày kế cho. Ngươi hứa trước mặt Lê Chân rằng sẽ làm cho ta một việc. Bây giờ, ta muốn tam đệ làm ngay. Nam nhi đại trượng phu hứa một lời như đinh đóng cột, ngươi có nghe theo không ?
Đào Kỳ giật mình lúng túng :
– Quả em có nợ sư tỷ một món nợ. Sư tỷ dạy gì, xin nói ra ?
Vĩnh-Hoa chỉ Phương-Dung :
– Việc gì sư đệ làm cho ta đó, ta dành làm lễ mừng đám cưới Phương-Dung. Điều ta yêu cầu là : Từ nay mọi việc lớn nhỏ, sư đệ phải tuyệt đối nghe theo lời Phương-Dung. Sư đệ hứa đi.
Đào Kỳ bật cười :
– Thì từ trước đến giờ, có bao giờ em không nghe lời Phương-Dung đâu ?
Mọi người cùng cười ồ lên.
Đào phu nhân khuyên con :
– Sư tỷ Hồ Đề, Vĩnh-Hoa vì yêu thương hai con mà nói thế, chứ không phải vì thiên vị Phương-Dung đâu. Đất Lĩnh-nam mình, coi nam nữ như nhau, khác với Trung-nguyên, họ trọng nam khinh nữ. Con thấy không ? Người Hán ở Lĩnh-nam có đến nửa triệu, thế mà không có một nữ hào kiệt nào. Còn Lĩnh-nam mình biết bao nhiêu mà kể ? Trong nhà mọi việc bố đều hỏi mẹ. Cổ nhân nói : "Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn ". Con nhớ lấy việc đó. Việc gì cũng phải bàn với Phương-Dung.
Mọi người vào bàn tiệc. Tiệc tan, Phùng Vĩnh-Hoa từ ngoài sân bước vào, nói :
– Phùng Chính-Hòa cung khai đầy đủ : Mã thái hậu mật dụ cho Tô Định tìm cách hại Nghiêm đại ca bằng bất cứ giá nào, kể cả đánh thuốc độc. Nhân Lê Đạo-Sinh xuất lĩnh tráng đinh đánh Đinh, Đào, Tô Định được tin, Lĩnh-Nam công trên đường ra đảo, y bèn viết thư cho Phùng truyền mang quân tiểu trừ đảo giúp Lê Đạo-Sinh. Song Lê, Phùng không liên lạc được với nhau. Phùng cô thế bị chúng ta bắt.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Cám ơn sư muội, ta khắc có biện pháp đối phó.
Suốt ngày hôm sau trên đảo treo đèn kết hoa, tiệc tùng linh đình.
Sang ngày thứ ba, mọi người phải lên đường. Nghiêm Sơn điều động đám binh sĩ Ngọc-đường giải Phùng Chính-Hòa xuống thuyền. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại điều khiển đệ tử trên đảo xuống ba chiến thuyền hướng Ngọc-đường tiến phát. Đám khách đến, lại trở về với ba chiến thuyền mượn của Nghiêm Sơn, mang theo Đào Kỳ ra Bắc.
Nam-hải nữ hiệp dành cho cặp vợ chồng mới cưới Đào Kỳ, Phương-Dung một căn phòng riêng, dưới khoang thuyền. Bên cạnh Phương-Dung, Đào Kỳ thấy vợ mình với Tường-Quy khác nhau quá xa. Phương-Dung thì tự trọng, việc gì phải thì bảo phải, việc gì trái thì bảo trái, minh bạch rõ ràng. Tường-Quy quá ủy mị, việc gì cũng do chàng quyết định hết.
Lúc đi, bên cạnh Tường-Quy. Lúc về bên cạnh Phương-Dung. Bên cạnh Tường-Quy chàng chỉ nói chuyện yêu thương. Còn bên cạnh Phương-Dung, hai người luận bàn quân sự, võ công với nhau.
Một hôm Phương-Dung chợt nhớ ra điều gì, nói với Đào Kỳ :
– Anh Kỳ ơi ! Lúc rời Long biên đi, em được tin trang Văn-lạc của chúng mình lên tới 7000 người, họ luyện tập rất thành thuộc. Sau này đó là đội quân chủ lực của mình. Từ trang Văn-lạc lên Mê-linh không xa cho lắm. Khi cử sự mình lấy trang đó làm mũi dùi chính đánh Luy-lâu.
Đào Kỳ lo ngại :
– Trang của mình lớn mau như vậy, chỉ sợ tiếng đến tai Tô Định, y cất quân chinh tiểu thì nguy tai.
Phương-Dung cười :
– Anh khéo lo xa. Nếu cất quân đi đánh, phải có lệnh Nghiêm đại ca. Nghiêm đại ca cất quân đánh chúng ta, em e rằng chưa khởi binh, sư tỷ Thiều-Hoa đã báo cho chúng mình biết rồi. Sợ gì ?
Hai người đang bàn luận với nhau, có tiếng gõ cửa, rồi giọng Phùng Vĩnh-Hoa vọng vào :
– Hai em ngưng lại một chút lên khoang họp với Khất đại phu đi.
Hai người vội mở cửa khoang ra ngoài. Vĩnh-Hoa chỉ cho hai người vào trong khoang thuyền lớn, tại đó, đã có đông đủ mọi người.
Sau khi hai người ngồi xong Khất đại phu nói :
– Lão phu mời các vị tới họp để chúng ta bàn định chuyện tương lai phải làm. Lão phu tuổi đã cao, trí lực mòn mỏi, vậy ở đây có cháu Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị, Phương-Dung trí lự cao siêu. Các cháu thử đưa ý kiến xem chúng ta phải hành động như thế nào, để lập lại đất Lĩnh-nam nhà mình ?
Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Trước hết cháu xin thưa về việc Thái sư thúc Lê Đạo-Sinh. Thái sư thúc đào tạo đến 10 đệ tử, tốn không biết bao nhiêu tâm huyết, rồi cho họ ra làm Huyện-úy hết năm người, thêm Vũ Hỷ là sáu. Còn năm đệ tử thì người cho quy dân lập ấp, hàng chục động. Kể ra, việc làm của người xứng đáng là một đại quân tử.
Ngừng một chút nàng thở dài, tiếp :
– Tiếc rằng Thái sư thúc muốn mau thành công, người ra tay khủng bố các võ phái khác, dùng cường lực chiếm trang ấp, ép trang nhỏ nhập vào trang lớn, thành ra mới gặp sự chống đối. Cuối cùng người tổ chức ra đại hội Tây-hồ để làm gì ? Đó là điều cháu nghĩ không ra. Không lẽ người tổ chức đại hội Tây-hồ chỉ với mục đích hỗ trợ Tô Định ? Thực vô lý, vì người đâu phải là kẻ xu phụ họ Tô ?
Phùng Vĩnh-Hoa vỗ tay :
– Em hiểu rồi ! Khi Tô Định sang đây rất lo ngại thế lực của Lê Đạo-Sinh. Lê thấy vậy mới đi đêm với Tô Định, xúi Tô Định ban hành Ngũ-pháp cấm dân tập võ. Rồi Lê đứng ra cùng Tô triệu tập đại hội Tây-hồ, tuyển chọn người có võ công cao nhất sang Trung-nguyên cầu phong. Đối với Tô Định, việc này có nghĩa : Chỉ người nào đi Trung-nguyên được phong tặng, mới được dạy võ. Mà những người này đều là người của Tô cả, như vậy mầm mống chống đối không còn nữa. Tô sẽ ngồi cao ôm gối hưởng thụ. Còn Lê Đạo-Sinh thì khác. Y lợi dụng việc cầu phong, đem anh hùng Lĩnh-nam sang đấu với anh hùng Trung-nguyên gây tiếng vang. Lê hối lộ các quan người Hán nói rằng : Đất Lĩnh-nam không còn mọi rợ nữa, mà cũng có văn hiến, võ học như Trung-nguyên, xin Hoàng đế phong cho y làm Thái-thú, không chừng từ Thái-thú y muốn làm Thứ-sử cũng nên.
Phương-Dung lắc đầu :
– Có một điều em không hiểu nổi. Nếu y muốn làm Thái-thú thì luồn cúi Nghiêm đại ca mới đúng. Vì Nghiêm đại ca là Lĩnh-nam công, toàn quyền quyết định ủy nhiệm sáu Thái-thú đất Lĩnh-nam. Lê biết như vậy, sao còn chống lại ?
Trưng Nhị tiếp :
– Còn một điều thắc mắc nữa. Dường như Tô Định được cử làm Thái-thú là do Mã thái hậu, chứ Nghiêm không biết gì. Đúng ra, Nghiêm là Lĩnh-nam công, tất Thái-thú phải do Nghiêm cử, tại sao hoàng đế Trung-nguyên lại phong Tô Định làm Thái-thú ngoài ý muốn của Nghiêm ? Bất cứ lúc nào Nghiêm cũng có thể chặt đầu Tô Định, tại sao Tô lại chống Nghiêm ? Đó là điều chúng ta cần điều tra cho kỹ.
Mọi người đều cho ý kiến của Vĩnh-Hoa là đúng, sát với thực tế. Phương-Dung tiếp :
– Trong đại hội Tây-hồ, Lê đã bị lộ mặt ra. Thế chuyến đi này có lợi cho Tô Định sao ? Tôi thấy giữa Tô Định với Nghiêm Sơn có mối hiềm khích lớn. Tô dựa vào thế lực Mã thái hậu chống Nghiêm. Còn Nghiêm thì cầm trọn binh quyền trong tay. Nghiêm trước đây là ân nhân của Hán đế, Nghiêm muốn làm gì thì làm, sao Nghiêm không giết Tô, là cái gai trước mắt ? Một vài điều chúng ta không hiểu, là ngay việc cử Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát Cửu-chân, Nhật-nam, Hợp-phố, Quế-lâm, Tượng-quận... Nghiêm được toàn quyền... Chủ trương của Nghiêm là giao đất Lĩnh-nam cho người Lĩnh-nam cai trị, miễn là thần phục Hán đế. Chủ trương đó trước đây Lê Đạo-Sinh thích lắm, vì có lợi cho y. Nay Lê lại chống.
Vũ Trinh-Thục đập bàn một cái :
– Đúng như lời Phương-Dung nói. Hiện giờ bên Trung-nguyên vẫn còn chiến tranh. Tô Định gởi sớ tâu rằng : Đất Giao-chỉ đã phục tùng, cử người võ lâm sang cầu phong, vậy xin Hán đế rút quân về, chỉ để lại quân địa phương mà thôi. Tức là rút về sáu quân đoàn ở sáu quận, cộng chung tới gần 30 vạn quân. Nghĩa là trực thuộc Giao-chỉ không còn quân nữa, chỉ ở các huyện mỗi nơi một Sư và mỗi huyện có một Lữ. Làm thế, Nghiêm sẽ trở thành tướng mà không có quân và Tô Định có thể chống lại Nghiêm. Ở đất Lĩnh-nam, Tô sẽ tha hồ tác quái. Nhưng Tô khó thành công, bởi các Đô-úy tại sáu quận và các Huyện-úy đều là người của Nghiêm ca.
Phùng Vĩnh-Hoa ngắt lời :
– Về tình cảm ta bênh Nghiêm. Nhưng về phương diện phản Hán phục Việt, chủ trương của Tô Định lợi cho chúng ta lắm. Khi quân Hán đã rút đi, mỗi quận còn một sư nửa Hán, nửa Việt, việc của chúng ta sẽ dễ dàng. Vậy ta phải làm thế này : Khai thác triệt để mâu thuẫn giữa Tô và Nghiêm. Một mặt ta cho người tài tình nguyện ra làm Huyện-úy, làm Lữ-trưởng cho Hán, giả như cộng tác với Nghiêm. Khi đã nắm hết các chức Huyện-úy rồi, chỉ cần đánh một tiếng trống, đất Lĩnh-nam thuộc về ta. Ngay khi về đất liền chúng ta thi nhau cử người tài ra làm quan với Nghiêm Sơn, làm như không ưa Tô Định. Nghiêm có nhiều uy tín lắm quyền. Hàng ngày chúng ta chủ trương chống Tô Định trước mặt Nghiêm. Nhưng khi sang Trung-nguyên yết kiến Hán-đế, chúng ta lại tỏ ra rằng đất Lĩnh-nam đã quy phục hoàn toàn, để Hán đế quyết định rút quân. Giữa lúc quân Hán rút đi, tất nhiên Nghiêm phải trở về, những người thân Nghiêm sẽ hoang mang. Chúng ta khởi binh ắt chiếm lại được đất Lĩnh-nam không khó.
Đào Kỳ thực tế hơn :
– Vùng Cửu-chân, Nhật-nam thì không khó. Khó là đất Quế-lâm, Tượng-quận và Nam-hải. Tại Giao-chỉ ta có đạo kỳ binh Văn-lạc, của năm Lạc hầu phái Long-biên, bảy Lạc hầu phái Cửu-chân, mười sáu Lạc hầu phái Sài-sơn, 36 động Nam Mê-linh, 72 động Bắc Mê-linh, 72 động Tây-vu. Với lực lượng như thế, chúng ta chiếm Luy-lâu, giết Tô Định. Còn các nơi khác chỉ đánh một tiếng trống là thu được thành trì.
– Phùng Chính-Hòa chỉ là một viên Huyện-úy. Quân sĩ trực thuộc không được là bao. Khi ta sai Lê Đạo-Sinh tổ chức đại hội Tây-hồ, y xin với Tô Định cho Phùng Chính-Hòa làm Huyện-úy. Tô Định chỉ biết tham nhũng, không nghĩ xa, nhắm mắt đề nghị với ta cho Phùng làm Huyện-úy Thiên-trường. Tô ngu thực là ngu. Nếu y tình một chút, y phải biết rằng một phần ba trang ấp Giao-chỉ chịu ảnh hưởng của Lê Đạo-Sinh. Lê hiện giữ chức Đô-úy, binh quyền trong tay, thêm năm đệ tử làm Huyện-úy, thế mà Tô không lo giảm bớt binh quyền của Lê thì thôi, lại còn xin cho Phùng làm Huyện-úy, có khác gì tạo thêm cánh cho hổ ? Vì vậy ta đã làm như tử tế với Đạo-Sinh chấp nhận cho Chính-Hòa làm Huyện-úy Ngọc-đường. Vũ Hỷ làm Đô-sát Cửu-chân. Đất Cửu-chân còn ảnh hưởng của Đào, Đinh gia, người người đều nghĩ đến phục quốc. Ta cho Phùng vào Cửu-chân, để lỡ ra Đạo Sinh làm phản, Phùng muốn điều động tráng đinh các trang cũng không ai nghe theo. Muốn điều động quân Hán, phải xin lệnh của Đô -úy là tam sư đệ trong Hợp-phố lục hiệp. Còn Vũ Hỷ làm Đô-sát, y chỉ có quyền báo cáo không có binh quyền. Ta đã dặn Hợp-phố nhị hiệp Lư Dương tuyệt đối không nghe lời y.
Chàng đưa mắt nhìn một lượt các anh hùng Lĩnh-nam có mặt, thấy Trưng Nhị, Đào Kỳ, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung hiện rõ nét hân hoan trên mặt. Còn Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, Nguyễn Trát, Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại hiện ra vẻ tức giận. Chàng tự nghĩ :
– Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Đào Kỳ có tài vạn dặm, trông rộng nhìn xa. Có thể ngồi trong màn quyết thắng ngoài nghìn dặm như Khương Tử Nha, như Trương Lương, như Hàn Tín. Còn lại, họ chỉ có thể như Anh Bố, Bành Việt. Giao cho họ cầm quân phá thành, chém tướng thì được. Cứ coi bọn thủy thủ Ngọc-đường bị giết thì rõ. Họ là người nghĩa hiệp hiện lên vẻ tức giận Phùng Chính-Hòa. Còn bọn Trưng Nhị, khi thấy Phùng Chính-Hòa làm phản, họ biết Lê Đạo-Sinh làm phản. Lê làm phản có thể do Tô Định ra lệnh. Tô Định với Lê có gan bằng trời cũng không dám chống ta. Vậy việc này do chính Mã thái hậu đã ban mật chỉ. Giữa ta với Tô Định ắt có chiến tranh. Ta phải phản Hán. Kết quả dù ta thắng hay Hán thắng, tinh lực sẽ mất hết. Họ chỉ cần trở tay một cái, Lĩnh-nam lại về với Lĩnh-nam. Bọn người này có tài vương bá, ta không nên coi họ là cừu thù, phải lấy tình huynh đệ mà đãi họ, họ giúp ta xây dựng Lĩnh-nam thành một vùng giàu có, mưu hạnh phúc cho dân. Ta với Tô Định, Lê Đạo-Sinh khác nhau chỉ ở chỗ đó.
Phía anh hùng Lĩnh-nam, mỗi người bàn một ngã, phân vân chưa quyết. Vĩnh-Hoa đến bên Trưng Nhị, lấy ngón tay viết lên bàn chữ Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa cả hai mỉm cười. Phương-Dung, Đào Kỳ ngồi bên gật đầu tỏ ý hiểu. Còn Nam-hải nữ hiệp thì bà lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.
Ngoài khơi trên sáu chiến thuyền Ngọc-đường, thả xuống 18 cái bè, trên bè chở đầy người, hướng vào bờ.
Phương-Dung hỏi Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca mỗi cái bè như vậy chở được bao nhiêu người ?
Nghiêm Sơn thấy mình bị phản, thì giận căm gan thẫn thờ đáp :
– Hai mươi.
Phương-Dung chỉ ra biển :
– Đợt đầu chúng đổ bộ lên đảo 360 người, không biết đó là tráng đinh hay binh sĩ bản bộ của Ngọc-đường ? Tính chung lực lượng theo phản loạn khoảng hơn ngàn. Chính-Hòa ở vùng nầy lâu, y dư biết muốn đổ bộ phải chờ nửa đêm, trăng lên, thủy triều lớn, chiến thuyền có thể vào sát đảo thì quân đổ bộ mới đỡ tốn sức. Nay y lại cho đổ bộ lúc này, một là y ngu đần, hai là có sự bất thường.
Nghe Phương-Dung phân tích, Nghiêm Sơn nhìn Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa thấy cả hai người ngơ ngác không hiểu. Chàng nhìn Đào Kỳ như hỏi ý kiến. Đào Kỳ gật gật đầu rồi nói :
– Chính-Hòa là tên xảo quyệt, lưu manh hơn Vũ Hỷ nhiều. Y đã học binh pháp,kinh nghiệm về quy luật hành quân. Một là phải biết lợi dụng thiên thời. Hai là phải biết lợ dụng địa lợi. Ba là phải biết lợi dụng lòng quân. Bốn là phải biết cái sở trường của địch. Đây Phùng làm ngược lại, bỏ cả thiên thời, địa lợi, lòng quân, dùng cái sở đoản đánh cái sở trường, tức là y có chủ ý riêng.
Nghe Đào Kỳ nói, Nghiêm Sơn nhìn cậu tiểu sư đệ của mình và Phương-Dung tủm tỉm cười, ngụ ý khen hai người nhớ dai.
Sự thực mà bàn, trong bốn người đều có tài ngang nhau. Họ cùng thông minh, cùng học Lục-thao, Tôn Ngô. Lục thao, Tôn ngô chỉ dạy triết lý Quân-chính, Quốc-phòng, chứ không dạy tác chiến, xung phong, hãm trận. Việc trước mắt đòi hỏi phải có cả hai mới hiểu nổi. Sở dĩ Đào Kỳ, Phương-Dung hiểu, vì hồi hai người ở phủ Lĩnh-nam công đã được Nghiêm Sơn giảng giải rất kỹ về phương pháp tác chiến, đánh thành, xung phong, hãm trận, luyện quân của Hán.
Phương-Dung cười :
– Phùng Chính-Hòa ! Phùng Chính-Hòa ! Ngươi không qua mặt được ta đâu. Ngươi giả vờ ngu để lừa ta, nhưng ta cũng làm như mắc mưu ngươi, ngươi chạy đâu cho thoát ?
Phương-Dung nói với Trưng Nhị :
– Phùng giả vờ làm người ngu lệnh sai quân đổ bộ từng đợt 360 người lên đảo, cho mình tiêu diệt dần. Nhưng sự thực, ở đợt đầu, đợt nhì chúng đổ bộ binh mã Ngọc-đường hỗn chiến với đệ tử trên đảo. Dù thắng, dù bại, chúng ta cũng bị mệt mỏi hao tổn rất nhiều. Binh sĩ Ngọc-đường toàn người Cửu-chân, đa số là người Đào, Đinh trang. Chúng muốn mượn đệ tử Đào, Đinh trang giết họ. Sau này xong việc chúng sẽ đưa người các trang khác về Ngọc-đường thay thế. Đó là một cái khôn. Sau khi đổ bộ hai đợt, chúng sẽ ngừng không đổ bộ nữa, làm cho chúng ta căng thẳng đầu óc, rồi đợi trăng khuya nước lớn, chúng đổ độ toàn tráng đinh của chúng. Chúng sẽ chiếm được đảo.
Nghe Phương-Dung lý luận, quần hùng Lĩnh-nam mới tỉnh ngộ. Chính Nguyễn Trát cũng ngạc nhiên về con mình :
– Từ nhỏ ta thấy nó thông minh, tinh nghịch phá phách thì hay trách phạt. Lớn lên cho học văn, nó không học suốt ngày chỉ đọc Bách-gia, Chư-tử, Lục-thao, Tôn Ngô. Nó đòi làm Khương Tử Nha, Trương Lương, Hàn Tín, ta cho rằng tính trẻ con viển vông. Thế rồi, mỗi tuổi một tiến, thời gian vừa qua, xa ta mới có mấy tháng, nó cùng Đào Kỳ đánh úp mấy đoàn vận tải của Tô Định, lập trang Văn-lạc. Bây giờ nó tiến tới trình độ này e rằng không thua gì Nghiêm Sơn đâu.
Nghiêm Sơn nhìn Phương-Dung lòng sung sướng :
– Cô vợ của tiểu sư đệ thông minh tài trí lỗi lạc thế này, ta chỉ cần trọng dụng cái tài của nàng, sẽ có lợi cho dân Lĩnh-nam biết mấy ? Nàng học cách điều binh của ta, mà nay bản lĩnh của nàng còn muốn vượt hơn cả ta.
Nghiêm Sơn nói với Phương-Dung :
– Dung ơi ! Trước đây anh đã mời em và Trưng Nhị một người làm Tư-không, một người làm Tư-mã đất Lĩnh-nam. Bây giờ bản lĩnh em đã đổi, anh mời em làm Quân-sư. Trận đánh này quá nhỏ, anh để mình em với Trưng sư muội thử những gì đã học, xem kết quả tới đâu.
Thiều-Hoa nghe chồng xưng hô thân thiện với Trưng Nhị, trong lòng như nở ra một vườn hoa : Nghiêm Sơn không còn coi mình là người Hán, chàng đã coi Phương-Dung, Trưng Nhị như Đào Kỳ. Đó là điều Thiều-Hoa mong mỏi từ lâu. Nàng nhủ thầm : Chỉ cần một vài biến cố nữa, Nghiêm Sơn sẽ ngả về phía Lĩnh-nam. Giá Nghiêm Sơn là người Việt chàng có thể tiếp tục sự nghiệp Hùng-vương, An-dương vương, lập ra triều đại mới cho Lĩnh-nam.
Đứng trước thế nguy hiểm : Người dưới mang một số quân đông đảo tạo phản, có thể mất mạng trong chốc lát mà Nghiêm vẫn thản nhiên, coi lực lượng Phùng Chính-Hòa như bầy chuột. Chàng còn giao việc điều khiển cho Phương Dung thực tập lý thuyết đã học, quần hào mới hiểu rõ Nghiêm Sơn hơn : Can đảm trước hiểm nguy, bình tĩnh trước nghịch cảnh. Từ trước đến nay họ chỉ nghe Nghiêm Sơn có tài vương bá, võ công, mưu trí bao trùm Trung-nguyên. Một tay dựng lại cơ nghiệp nhà Hán. Có người cho rằng Nghiêm gặp thời. Bây giờ, họ mới thấy ở Nghiêm tỏa ra khí phách của người anh hùng. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Trưng Nhị nổi danh anh hùng Lĩnh-nam bấy lâu, nay thấy Nghiêm Sơn có con mắt tinh đời, dám giao tính mệnh cho Phương-Dung, một cô gái mới 19, 20 tuổi, khi biết nàng có chân tài. Với bản lĩnh đó, hèn chi chàng coi sự kèn cựa của Tô Định, âm mưu hãm hại của Mã thái hậu coi như không có. Bất cứ người nào trong đám anh hùng có mặt cũng không bằng Nghiêm.
Nghiêm Sơn thản nhiên ngồi uống rượu, nói chuyện với Thiều-Hoa.
Bất chợt Phương-Dung hỏi Đào Thế Kiệt :
– Thưa bố, trên đảo có cờ Hán không ?
– Có, trong trận đánh cảng Bắc, bố cướp được mấy lá cờ Hán, nay vẫn còn.
Phương-Dung vui mừng :
– Như vậy đỡ đổ máu. Xin bố lấy tất cả cờ Hán ra đây. Viết lên cờ hàng chữ "Bình Nam đại tướng quân, Lĩnh nam công, Nghiêm" thực lớn. Càng mau, càng tốt.
Thế-Kiệt thấy việc khẩn cấp vội cho làm ngay. Chỉ một lát đã xong ba lá cờ. Phương-Dung hướng vào Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca ! Tất cả những tráng đinh của Lê Đạo-Sinh đều là tráng đinh của các Lạc hầu thân Hán. Còn binh lính của huyện Ngọc-đường cũng là binh sĩ Hán. Trên nguyên tắc họ là binh lính của đại ca. Nay Phùng Chính-Hòa làm phản, tất nói dối binh sĩ là tuân lệnh trên đi tiễu trừ phỉ tặc. Vì vậy em cho treo cờ hiệu của đại ca ở ba góc đảo. Dù binh sĩ lên chỗ nào cũng trông thấy cờ. Xin đại ca xuất hiện, nói cho binh sĩ biết, chúng buông vũ khí, đỡ đổ máu. Sau khi chúng buông vũ khí, đại ca ủy lạo chúng, dùng chúng làm lực lượng chống Phùng Chính-Hòa.
Trưng Nhị cầm cờ vàng phất một cái. Tốt thứ nhất gồm một trăm đệ tử do Tường-Loan chỉ huy, dàn ra bãi biển, nơi có quân sắp đổ bộ, dàn phía sau các ụ cát, trên ụ, cây cối um tùm. Nàng phất hai cái. Tốt thứ nhì, 100 người do Trần Dương-Đức chỉ huy, tiến ra các ụ cát, mai phục. Nàng phất ba cái. Tốt thứ ba do Phật-Nguyệt chỉ huy cùng Nghiêm Sơn dàn ra bãi biển, chờ đợi quân đổ bộ.
Quân đổ bộ dàn thành hàng từ từ tiến lên.
Nghiêm Sơn tiến ra trước, cầm loa quát :
– Các người là quân ở đâu đến đây ?
Viên tướng đi đầu là một người Việt nói :
– Ta là Lữ-trưởng Ngọc-đường, vâng lệnh Huyện-lệnh lên đảo tiểu trừ phỉ tặc.
Nghiêm Sơn chỉ ngọn cờ, nói :
– Các ngươi có trông thấy cờ hiệu không ? Ta là Bình Nam đại tướng quân đây. Các ngươi là binh sĩ dưới quyền phải nghe ta. Trên đảo không có giặc cướp nào cả, chỉ có thường dân lương thiện. Ta đóng quân ở đây lâu rồi, các ngươi không được nghe Phùng Chính-Hòa làm phản. Ai theo y, ta giết ba họ.
Binh sĩ nghe nói, vội ngừng bước. Vì không biết mặt Lĩnh-nam công, nên họ đưa mắt nhìn viên tướng chỉ huy, hỏi ý kiến. Viên tướng chỉ huy nạt lớn :
– Khi sắp đổ bộ Phùng huyện úy đã dặn : Trên đảo có phỉ tặc giả xưng Lĩnh-Nam công, ai giết y sẽ được thưởng.
Nghiêm Sơn phất tay một cái, các đội núp sau ụ cát đều xuất hiện. Chàng chỉ nói :
– Trên đảo ta có hàng chục vạn quân, muốn giết các ngươi thực quá dễ dàng, việc gì ta phải nói dối các ngươi ? Các ngươi nghe ta, buông bỏ vũ khí. Nếu không sẽ bị chặt đầu.
Viên tướng chỉ huy vừa mở miệng định nói, bỗng thấp thoáng một cái, người y đã bị bật lên cao. Bay về phía sau Nghiêm Sơn. Nguyên Nghiêm Sơn lợi dụng lúc y nói, tung dây chụp người y giật mạnh.
Nghiêm Sơn chụp cổ y, nói :
– Mi có chịu đầu hàng không ? Mi tên gì ?
Viên tướng đau quá, kêu lên :
– Xin Quốc-công tha mạng. Tiểu nhân tên Thái Kiêm. Lữ trưởng thuộc huyện Nghi-sơn. Tiểu nhân ở dưới quyền Huyện-úy. Y bảo sao, tiểu nhân nghe vậy.
Nghiêm Sơn buông Thái Kiêm ra, nói với toàn quân :
– Chư quân nghe đây ! Ta là Lĩnh-Nam công. Tên Phùng Chính-Hòa làm loạn, phạm thượng, sẽ bị giết cả nhà. Chư quân vô can, hãy vào trong đảo. Ta hứa tha tội chết cho các ngươi. Nếu các ngươi chống cự, đại quân trên đảo sẽ giết các ngươi.
Chàng phất tay chỉ vào đảo. Đoàn quân lục tục tiến vào.
Trưng Nhị hô lớn :
– Đốt cỏ lên !
Trần Dương-Đức, Tường-Loan cho tráng đinh đốt những bó cỏ khô mang theo, khói bốc lên mù mịt. Người đứng xa không sao phân biệt được tình hình. Nàng nói lớn với Nghiêm Sơn :
– Bây giờ ngoài khơi, Phùng Chính-Hòa không phân được tráng đinh hay quân Ngọc-đường. Phiền đại ca đẫn đội quân này vào sảnh đường giáo hóa họ, để họ theo mình.
Rồi Trưng Nhị hô lớn :
– Dương-Đức, Tường-Loan ! Xin hai vị cho đệ tử giả đấu trận với nhau, lẫn trong khói, để ngoài khơi, Chính-Hòa tưởng quân Ngọc-đường đang đánh nhau với tráng đinh.
Đệ tử trên đảo thường dàn trận giả đấu với nhau hàng ngày. Nay thấy Trưng Nhị ra lệnh, hô liền xáp vào nhau đánh trận giả. Đao thương chạm nhau choang choảng, hỗn loạn trong khói lửa.
Trưng Nhị nhìn ra khơi, thấy toán đổ bộ thứ nhì đã vào gần bờ biển. Nàng phất cờ một cái, đám đệ tử do Tường-Loan, Dương-Đức chỉ huy lập tức lui vào các ụ ẩn kín.
Đám đổ bộ sau đều là binh sĩ Ngọc-đường. Họ chia làm bốn Tốt, dàn hàng tiến lên đảo. Ở xa họ đã thấy khói lửa ngùn ngụt, tiếng vũ khí chạm nhau hỗn loạn. Nhưng khi lên đảo họ chỉ thấy khói mịt mờ, còn người thì không một bóng. Viên Lữ-phó Ngọc-đường chỉ huy đợt đổ bộ thứ nhì phất cờ cho ba Tốt tiến lên. Khi vượt quan mấy hàng cây vào trong, chợt nghe tiếng pháo nổ, tráng đinh trên đảo đổ ra bao vây bên phải, bên trái và cắt mất đường lui quân. Phía trước, một tráng đinh kéo cờ Hán lên cột cờ. Lá cờ bay phất phới trên có hàng chữ "Bình-Nam đại tướng quân, Lĩnh nam công, Nghiêm."
Một trung niên hán tử, dáng điệu uy nghi đứng đó. Người ấy là Nghiêm Sơn.
Viên lữ phó Ngọc-đường thấy Nghiêm Sơn, y vội làm lễ trình diện :
– Đại tướng quân, thì ra ngài ở đây thực. Phùng hiệu úy nói trên đảo có một đám phỉ đồ mạo xưng ngài. Huyện-úy dẫn chúng tôi đi tiễu trừ. Như vậy là thế nào ? Tiểu nhân không hiểu ?
Nghiêm Sơn hỏi :
– Ngươi tên gì ?
– Tiểu nhân là Phương Chiêu, Lữ-phó Ngọc-đường. Trước đây, tiểu nhân là Tốt trưởng Luy-lâu, được đại nhân đề bạt chức Lữ-phó Ngọc-đường năm trước.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Binh lính của ngươi có nghe lệnh ngươi không ?
– Thưa tiểu nhân bảo chết, họ cũng chết.
– Được ngươi dẫn họ theo ta.
Trưng Nhị hô :
– Dương-Đức, Tường-Loan ! Đốt cỏ và hai đội giả đấu với nhau nữa.
Dương-Đức, Tường-Loan lại cho hai đội tráng đinh giả đấu với nhau nữa. Vừa đấu, vừa reo hò vang dội.
Trưng Nhị cùng mọi người vào sảnh đường. Trong đó, trên 700 binh lính đã ngồi chật ních. Phía trên Nghiêm Sơn ngồi đó. Hai Lữ-trưởng và phó Ngọc-đường cung kính đứng hầu phía sau.
Nghiêm Sơn chỉ vào Đào Nghi-Sơn, rồi ra lệnh cho viên Lữ-trưởng :
– Ngươi dẫn anh em ra sân nghỉ ngơi. Nhất thiết phải tuân theo mệnh lệnh của vị tướng quân này. Các người có mang theo lương thực không ? Nếu không hãy xin vị tướng quân này giúp đỡ.
Trưng Nhị sai phất cờ lệnh, gọi ba chiến thuyền mượn của Nghiêm Sơn và ba chiến thuyền của đảo về. Phút chốc, cả sáu chiến thuyền đều cập bến.
Trưng Nhị nói với mọi người :
– Bây giờ, ngoài khơi, Chính-Hòa tưởng chúng ta đang giao chiến vơi hải đội Ngọc-đường. Chúng chờ khuya sẽ đổ bộ lên đảo. Xin các vị ăn uống, nghỉ ngơi. Ai ở vị trí đó, chờ giặc đổ bộ hãy đổ ra đánh.
Trên đảo, Đào Thế-Kiệt tổ chức rất chu đáo như một đội quân để chờ ngày tái chiếm Đào, Đinh trang, nên lương thực, dụng cụ đầy đủ. Một lát cơm dọn lên, mọi người ăn vội vàng rồi vào họp.
Phùng Vĩnh-Hoa hỏi Nghiêm Sơn :
– Đại ca cho biết tình hình bên địch.
Nghiêm Sơn bước ra nói :
– Theo Thái Kiêm thì Phùng Chính-Hòa lấy hết năm Tốt của Lữ Ngọc-đường, còn mượn thêm hai Tốt của Lữ Nghi-sơn. Cộng khoảng 700 người đã đổ bộ. Số còn lại là tráng đinh Bắc-đái và Long-biên ước khoảng 300. Chính-Hòa ra lệnh cho Lữ-trưởng Thái Kiêm chỉ huy lực lượng đánh đảo. Sau khi chiếm được đảo, sẽ bắn bốn mũi tên trời làm hiệu. Y sẽ cho tráng đinh tiếp ứng. Bây giờ ta cho Phương Chiêu bắn tên, dụ Phùng đổ bộ. Liệu y có dám đổ bộ không ?
Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Y sẽ đổ bộ. Một trăm lần y sẽ đổ bộ. Sau khi đẩy hết 700 quân lên đây, y nghĩ trên đảo có khoảng 300 tráng đinh, sau trận đánh, số thương vong ít nhất cũng tới 200. Y chỉ dơ tay là chiếm được đảo.
Nghiêm Sơn nói với Phương-Dung:
– Việc hành quân sẽ do Phương-Dung thiết kế.
Hồi sáng mọi người thấy Phương-Dung điều động có quy tắc, lệnh ban thông minh, ước tính tình hình, đâu ra đó thành công trọn vẹn. Bây giờ họ càng tin tưởng hơn. Phương-Dung cầm kiếm lệnh lên đài, nàng nói :
– Tình thế bây giờ đổi khác. Địch có sáu chiến thuyền vối 300 đệ tử tráng đinh biết võ, rất trung thành, khi lâm sự chúng sẽ tử chiến. Nếu ta cũng dùng đệ tử đấu lại, có thắng được họ, số thương vong cũng rất cao. Đó là điều mà đạo làm tướng nên tránh. Lúc nào ta cũng phải nhớ còn 500 đệ tử tráng đinh nữa đi theo Lê Đạo-Sinh, ngày đêm sẵn sàng xuất hiện đánh phía sau hay vào mạng sườn ta, điều khiến ta lâm nguy. Đó là bàn về quân. Còn bàn về tướng, bên địch có Lê Đạo-Sinh, tuy bị Đào tam ca đánh trọng thương, nhưng ở đây chỉ có Đào tam ca, Khất đại phu, sư thúc Phật Nguyệt và tôi có thể thắng y. Vậy hai trong bốn người phải lên chiến thuyền ra khơi. Nếu y xuất hiện, phải đánh liền. Ngoài ra địch còn Vũ Hỷ, Phương Anh, Chu Bá, Lê Thị Hảo, Đức Hiệp, Hoàng Đức võ công ngang nhau. Ở đây chúng ta có Nam-hải nữ hiệp, Mai động hầu, Cối giang hầu, Đào hầu, Đào phu nhân, Đinh hầu, Nghiêm công. Chúng ta đủ sức thắng chúng. Chúng ta còn các sư tỷ Trưng Nhị, Lê Chân, Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga, Vũ Trinh-Thục...Trước sau gần 20 người. Vậy chúng ta hơn họ về tướng. Ta cần đàn áp tướng. Tướng bại tất quân tan.
Phương-Dung ngừng một lát, mọi người nhìn nhau tán thành ý kiến của nàng. Nàng đứng dậy chắp tay, cung kính hướng vào Khất đại phu :
– Thưa Khất đại phu, có thứ thuốc gì làm cho người ta nóng lên chịu được lạnh không ?
Khất đại phu gật đầu :
– Có nhiều thứ lắm, không biết cháu cần bao nhiêu ?
– Cháu cần đủ cho khoảng 500 người dùng. Thưa đại phu, như vậy phải cần bao nhiêu vật liệu chế biến ?
– Phải dùng các vật liệu sau đây : Gừng tươi hoặc khô, Quế-chi, Cam-thảo, Gạo cháy mỗi thứ khoảng 20 cân, không biết Đào hầu có đủ cung ứng không ?
Đào Thế-Kiệt gật đầu :
– Trên đảo hiện có trên trăm cân gừng khô, quế-chi vài trăm cân, gừng tươi đào lên thì gần trăm cân, cam thảo ước mười cân. Không biết như vậy có đủ không ?
Phương-Dung nói lớn :
– Mời sư tỷ Tường-Loan, các sư muội Bạch-Nương, Tĩnh-Nương ra nhận lệnh khẩn cấp.
Ba người ra đứng giữa trướng, Phương-Dung hỏi :
– Thưa Khất đại phu cách chế thuốc chống lạnh như thế nào ?
Khất đại phu không hiểu Phương-Dung định làm gì cũng trả lời :
– Mười cân Gừng khô, mười cân Quế-chi, Một cân Cam-thảo nghiền nhỏ thành bột. Dùng 20 cân gạo rang cháy một nữa. Nhớ làm sao cho hột gạo cháy một nữa, tán thành bột, trộn với nhau, chia thành từng viên bằng quả chanh. Sau khi uống, một khắc sau người nóng như sốt, dù nhảy xuống nước vào mùa đông cũng chịu được hàng giờ. Thời gian hiệu nghiệm khoảng ba giờ. Muốn thuốc công hiệu lâu, thì dùng thêm mật ong vào.
Phương-Dung tiếp :
– Mời ba sư muội làm thuốc, càng gấp, càng tốt. thuốc gói thành từng gói nhỏ 25 viên một. Sau khi hoàn thành đưa đến đây ngay.
Phương-Dung hướng vào cử tọa, tiếp :
– Bây giờ chúng ta áp dụng phương pháp: "Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị". Nghĩa là xuất quân ngoài sức tưởng tượng của chúng, đánh vào chỗ chúng không phòng bị. Lối đánh này được gọi là dùng kỳ binh. Binh thư nói : Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Ta đã biết ta rõ ràng, bây giờ ta cần biết Phùng Chính-Hòa nghĩ gì ? Chắc chắn y cho rằng trên đảo có trận chém giết ghê gớm. Lữ Ngọc-đường đã bị giết hết. Trên đảo chỉ còn ít người không đủ chống với hắn. Người trên đảo đã bị Lữ Ngọc-đường tiêu diệt gọn. Tuy nhiên, hắn vẫn còn sợ, chưa đổ bộ, có lẽ đợi Lê Đạo-Sinh. Số người của Lê Đạo-Sinh gần 500. Tổng cộng chúng có 800 người. Kế sách của ta như sau :
Thứ nhất : chỉ huy ba chiến thuyền mượn của Luy-lâu là sư bá Tam-Trinh, phụ có các sư huynh Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cùng các sư muội Tử-Vân, Giao-Chi, thêm Bố cháu và sư tỷ Hồ Đề; sư điệt Hùng Bảo, Trần Năng đi trợ chiến. Nhờ Khất đại phu đi theo đề phòng Lê Đạo-Sinh xuất hiện. Hải đội này đặt tên là hải đội 1. Chờ trời tối hãy xuống thuyền, để ngoài khơi, Phùng Chính-Hòa không nhìn thấy. Hải đội 1 án binh bất động, luôn quan sát ngoài khơi. Khi thấy đoàn thuyền của Lê Đạo-Sinh thì chận đánh, không cho chúng đến gần đảo tiếp viện. Mai động ngũ hùng thêm Giao Chi, Tử Vân giỏi thủy tính, tìm cách lặn xuống biển, đục thuyền địch.
Phương-Dung nhấn mạnh :
– Trường hợp chúng bỏ chạy không nên đuổi theo. Xin đại sư huynh Trần Dương-Dức mang theo 100 tráng đinh trên đảo làm lực lượng xung kích chính.
Thứ nhì : Chỉ huy ba chiến thuyền của đảo tức hải đội 2 là Đinh hầu, có các vị sau đây trợ chiến : Các sư tỷ Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, Vũ Trinh-Thục, Lê Ngọc-Trinh, các sư đệ Hiển-Hiệu, Quý-Minh. Xin Thái-sư thúc Phật-Nguyệt đi theo để đề phòng Lê Đạo-Sinh. Xin đại ca Nghi-Sơn đem theo 100 tráng đinh làm nhiệm vụ xung kích. Chờ trời tối hãy xuống thuyền. Đợi khi Phùng Chính-Hòa đổ bộ, sẽ đánh chiếm các chiến thuyền của chúng.
Thứ ba : Chỉ huy lực lượng phòng vệ trên đảo là Đào hầu, Đào phu nhân, cùng với Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Quách Lãng. Cần giữ cho chắc, tuyệt đối không để cho giặc đột nhập vào khu gia đình, để yên lòng tướng sĩ. Lực lượng xung kích chính, là hải đội nữ đệ tử trên.
Thứ tư : Lực lượng chiến đấu trên đảo, chúng ta có 700 quân Ngọc-đường và 300 tráng đinh. Số 700 quân Ngọc-đường chia làm hai, đóng ở hai bên Đông và Tây đảo làm lực lượng trừ bị. Lực lượng này do sư tỷ Thiều-Hoa chỉ huy. Số 300 tráng đinh đặt dưới quyền điều khiển của sư tỷ Tường-Loan, sư muội Đinh Hồng-Thanh, Lữ trưởng Thái Kiêm, Lữ phó Phương Chiêu đi theo phụ tá cho sư tỷ Tường-Loan, lấy y phục của binh sĩ Ngọc-đường cho tráng đinh mặc, kéo ra bờ biển hạ trại. Thái Kiêm bắn tên cho Chính-Hòa biết đã toàn thắng. Phùng tuy có vẻ không tin, nhưng cũng sẽ đổ bộ. Khi chúng đổ bộ, sư tỷ Tường-Loan dẫn quân ra đánh. Sư tỷ Thiều-Hoa tung 700 quân Ngọc-đường đánh tập hậu. Nghiêm đại ca, Đào tam ca ra bờ biển ẩn vào đạo quân của sư tỷ Tường-Loan phòng Lê Đạo-Sinh xuất hiện.
Phương-Dung quay lại nói với Trưng Nhị :
– Mời sư tỷ lên đài chỉ huy.
Người vui mừng nhất là Nghiêm Sơn. Chàng nghĩ : Phương-Dung thông minh tuyệt thế. Nàng học Lục-thao, Tôn-Ngô phối hợp với phương pháp dàn binh lập trận do ta dạy nàng, thành bản lĩnh riêng. Nàng dám hạ lệnh cho ta, chứng tỏ nàng hiểu thấu đáo quy luật hành quân. Ngày trước Hàn Tín cũng dám hạ lệnh cho Hán Cao-tổ. Phương chính hầu Trần Tự Minh cũng dám hạ lệnh cho An-dương vương.
Chàng nghĩ tiếp :
– Vĩnh-Hoa nhiều mưu lắm mẹo, nhưng không giỏi binh pháp. Phương-Dung ít mưu hơn, nhưng vì đọc binh thư, nàng giỏi điều quân. Trưng Nhị chỉ huy đúng phép, rõ ra tài đại tướng. Ừ nếu so về cả ba phương diện, không ai bằng mình. Nhưng nếu so từng mặt một, ta thua cả ba nàng. Ba người chủ trương phản Hán phục Việt, họ biết kết hợp với nhau, đất Lĩnh-nam tất phải trả cho người Việt.
Trời cuối thu, gió biển về khuya lạnh buốt tới xương. Đám binh sĩ Ngọc-đường đã được uống thuốc chống lạnh, họ đủ sức ngồi chờ địch.
Đào Kỳ ngửa mặt nhìn trời cao suy nghĩ :
– Không biết giờ này Tường-Quy ở đâu ? Nàng đang làm gì ? Nếu nàng còn ở trên thuyền với ông ngoại, khi trận chiến xảy ra, không biết có sao không ?
Trời kéo mây đen, rồi mưa trút xuống như thác nước. Đêm tối như mực, xòe bàn tay ra như không thấy gì.
Đào Kỳ ngồi bên Nghiêm Sơn. Chàng nghe Nghiêm Sơn kể lại những trận đánh ở Trung-nguyên. Lớn nhất là trận Côn-dương. Tướng bên giặc là Sầm Bành, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Các tướng Hán như Phùng Dị, Mã Vũ đều bị bại. Đào Kỳ hỏi :
– Hôm trước đại ca kể Sầm Bành là tướng Hán, sao đại ca lại đại chiến với y ?
– Hồi đó, y còn theo Vương Mãng. Võ công y giỏi, nhưng tài dùng binh còn thua ta rất xa. Vì vậy bị ta bắt sống. Y khâm phục, đầu hàng. Kỳ này sang Trung-nguyên, thế nào Tiểu-sư đệ cũng phải đấu với hắn.
Đào Kỳ hỏi :
– Về võ công, liệu bản lĩnh của hắn có bằng Khất đại phu hay Lê Đạo-Sinh không ?
– Cũng cỡ đó. Có điều võ công hắn thiên về dương cương. Chưởng lực của hắn hùng hậu vô song. Ta chỉ chịu được hai chưởng mà thôi.
– Liệu với Phục ngưu thần chưởng, Khất đại phu có thắng được y không ?
– Nếu đại phu đánh từng chưởng thì thua. Còn nếu đại phu học đủ 36 chưởng, y sẽ thua. Sư đệ muốn thắng y, phải dùng Lĩnh-nam chỉ pháp do tiểu sư đệ chế ra, hoặc vận khí dương cương qua Thủ tam dương kinh, hoặc dùng Phục ngưu thần chưởng âm nhu. Còn nếu sư đệ muốn thắng y bằng chưởng Cửu chân thì rất dễ, vì võ công Đào gia khắc chế với võ công của y.
– Y bao nhiêu tuổi ?
– Khoảng bốn mươi.
Bỗng Đào Kỳ suỵt khẽ :
– Đại ca ! Có tiếng chèo đò. Chúng đổ bộ đấy.
Tiếng chéo đò mỗi lúc một gần, sau cùng là tiếng người dội nước lõm bõm. Đào Kỳ bốc viên sỏi, búng đến "vèo" một tiếng trúng cái chuông trên đài chỉ huy. Trưng Nhị thấy ám hiệu của Đào Kỳ, biết quân ngoài khơi đã đổ bộ, nàng nói với Phương-Dung :
– Em ước tính đúng. Chúng đổ bộ thực. Mũi tên này bắn ra, ngoài khơi Đinh hầu sẽ tấn công chiếm các chiến thuyền Ngọc-đường. Phùng Chính-Hòa sẽ mất đường về.
Nàng châm lửa, bắn mũi tên lửa màu tím lên trời. Một lát sau, cũng thấy từ xa xa một mũi tên lửa màu tím bắn lên. Trưng Nhị nói :
– Đinh hầu đã chuẩn bị sẵn, đợi chúng đổ bộ xong là tiến đánh hải đội Ngọc-đường.
Mây đen kéo đi, ánh trăng chiếu xuống bãi biển rõ như ban ngày. Nghiêm Sơn đếm từng bè một, nói :
– Phùng Chính-Hòa dẫn đầu. Hắn đổ bộ có 20 người mà thôi, chắc để lại 100 giữ thuyền.
Toán đổ bộ âm thầm tiến vào bãi cát.
Đuốc được đốt lên đồng loạt. Người dẫn đầu toán đổ bộ là Phùng Chính-Hòa. Y vẫy tay cho tráng đinh dàn hàng ngang, kéo vào bờ. Thái Kiêm, Phương Chiêu đứng trước trại quân, hô lớn :
– Khải bẩm Huyện-uý, chúng tôi đã chiếm được đảo. Phía Ngọc-đường chết hơn 200 người. Chúng tôi chỉ còn khoảng 400 người khỏe mạnh. Bọn phỉ tặc bị giết không biết bao nhiêu mà kể. Mấy tên đầu sỏ đã bị bắt, hiệm để ở căn nhà giữa đảo, mời đại nhân vào phát lạc.
Phùng Chính-Hòa gật đầu. Y vẫy Thái Kiêm, Phương Chiêu đi theo. Khi y tiến vào giữa đảo, thấy nhà cửa nguyên vẹn chợt sinh nghi. Y quay lại hỏi Thái Kiêm, Phương Chiêu, thì hai người đã biến đâu mất. Số quân Ngọc-đường dàn ra phía sau chặn mất đường về.
Trên đài cao, Trưng Nhị bắn bốn mũi tên đỏ lên trời, báo hiệu cho hải đội đánh chiếm chiến thuyền Ngọc-đường.
Một tiếng pháo lệnh nổ vang, bốn bên đốt đuốc đồng loạt. Hai phía hông Phùng Chính-Hòa bị hai đạo quân đông gấp bội, chặn mất lối. Y đang luống cuống thì trước mặt là Khất đại phu, Nghiêm Sơn, Đào Kỳ đứng nhìn y.
Nghiêm Sơn nói lớn :
– Các tráng đinh nghe đây ! Ta kinh lược đảo này từ lâu, Phùng Chính-Hòa làm phản. Các ngươi vô tội. Vậy mau buông vũ khí ta tha cho. Kẻ nào chống trả ta giết không tha. Ta còn về trang ấp giết cả nhà.
Thái Kiêm hô lớn :
– Phùng Chính-Hòa, ngươi lừa ta mang quân tiểu trừ phỉ đồ, không ngờ Nghiêm công ở trên đảo này. Ta là tướng sĩ dưới quyền phải theo chủ soái. Ngươi bị bao vây rồi.
Bỗng có tiếng loa trên đài cao hô lớn :
– Đệ tử của Bắc-đái nghe đây ! Phùng Chính-Hòa có tội, một mình y bị mà thôi. Các ngươi bị lừa, nếu buông vũ khí sẽ được tha. Kẻ nào ngoan cố sẽ bị giết cả nhà.
Đám đệ tử ngơ ngác nhìn nhau. Chiến đấu thì một địch sao lại ba ? Còn hàng thì sợ Phùng Chính-Hòa trả thù.
Trên đài tiếng loa lại kêu lớn :
– Các người nhìn coi ! Chiến thuyền ngoài khơi đã bị chiếm mất rồi.
Đám đệ tử nhìn ra khơi thì thấy lửa bốc lên từ chiến thuyền. Một tên đệ tử buông đao xin hàng. Phùng-Chính Hòa nhảy "vèo" đến, đưa ngang lưỡi kiếm. Đầu tên tráng đinh rơi xuống đất.
Đào Kỳ nhún mình một cái đến bên y, vung chưởng đánh. Chàng thấy, nếu mình không đánh bại y ngay, tất sẽ có trận giao chiến, sẽ có nhiều người chết. Vì vậy chưởng này chàng vận đến năm thành công lực. Chính-Hòa thấy chưởng lực hùng hậu, vội nhảy lui lại hai bước, vô tình tới trước mặt Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn vung chưởng và nói :
– Tiểu sư đệ ! Ta là tướng soái của y, để ta trừng phạt.
Nghiêm Sơn vung chưởng đánh liền. Phùng Chính-Hòa lui lại đỡ. Chưởng của y là Phục-ngưu thần chưởng. Còn chưởng của Nghiêm Sơn là chưởng phối hợp cương nhu. Lối đánh của chàng là lối đánh, của người già dặn kinh nghiệm chiến đấu.
Đào Kỳ nhìn trận chiến. Từ ngày biết Nghiêm Sơn đến giờ, chàng chưa biết rõ võ công của người tỷ phu. Trước đây tại Luy-lâu, chàng có đối chưởng với Nghiêm, nhưng chưa biết bản lĩnh chân thực của Nghiêm ra sao. Chàng thấy võ công Nghiêm trội hơn Phong-châu song quái nhiều, ngang hàng với Đức-Hiệp chứ không phải tầm thường.
Nghiêm Sơn phát chiêu khoan thai thái độ ung dung nhàn nhã, tiến thoái có thứ lớp. Qua mươi hiệp, Chính-Hòa bị đuối sức, chỉ còn chống đỡ mà thôi. Y lùi dần. Thình lình, y phóng ra một chưởng quái dị. Nghiêm Sơn vội nhảy lùi lại tránh. Y thò tay vào bọc rút ra một vật tròn to bằng nắm tay. Đào Kỳ nhận ra đó là trái hỏa lựu của Lê Đạo Sinh, vội kêu lớn lên :
– Nghiêm đại ca ! Cẩn thận đấy.
Nghiêm Sơn nhấp nhô một cái đã đến bên Phùng Chính-Hòa, chụp tay y, bẻ đến "rắc" một cái, đã lấy được trái hỏa lựu, thuận thế, chàng đá y ngã úp sấp xuống đất.
Chàng hô lớn :
– Phùng Chính-Hòa đã đền tội các đệ tử Bắc-đái mau đầu hàng, nếu không ta sẽ giết không còn một mạng.
Đám đệ tử buông vũ khí. Tường-Loan cho lệnh binh sĩ Ngọc-đường trói lại, vì sợ chúng phản phúc.
Vĩnh-Hoa nói với Trưng Nhị :
– Em nghĩ, có lẽ Lê Đạo-Sinh không trở lại đâu. Nếu y trở lại, đã đổ bộ rồi. Vậy chúng ta cho thu quân thôi.
Trưng Nhị thấy Vĩnh-Hoa có lý, bèn ra hiệu nổi trống, bắn tên lửa thu quân.
Phương-Dung nói với Nghiêm Sơn :
– Bây giờ phải lấy khẩu cung Phùng Chính-Hòa về việc y tạo phản. Có ba vấn đề đặt ra : Y cùng đường, bị đẩy vào thế tạo phản ? Do Lê Đạo-Sinh chủ trương hay do chính Tô Định chủ trương ?
Nghiêm Sơn đồng ý :
– Lấy khẩu cung một tên lưu manh phải có người trí tuệ sáng suốt. Vậy sư muội cùng với Hồ Đề hỏi cung, y mới nói thực.
Nói rồi Nghiêm Sơn cười khúc khích, bước vào hội trường, vì chàng biết Phương-Dung tinh nghịch, trong khi Hồ Đề có nhiều con thú, có thể dùng để tra khảo. Chỉ hai thiếu nữ ngỗ nghịch này mới đấu lại Phùng Chính-Hòa.
Lát sau Phương Dung, Hồ Đề trở lại sảnh đường. Nàng hỏi Đinh Đại :
– Xin cậu cho biết tình hình ngoài khơi.
Đinh Đại nói :
– Tên Phùng Chính-Hòa giỏi, nhưng bày binh bố trận thì ngu như lợn. Y biết ba chiến thuyền của tôi ở xa xa, mà vẫn đổ bộ. Vì vậy, khi thấy ám hiệu ở trên đài chỉ huy, tôi đánh chiếm quá dễ dàng.
Bên ta có chín đệ tử bị thương. Bên địch chết trên 30, còn bị bắt 68 tên. Hầu hết bị thương. Tôi đã cho băng bó cẩn thận.
Nguyễn Tam-Trinh báo cáo :
– Hải đội 1 đi tuần tiểu quanh đảo, tuyệt không thấy bóng dáng đoàn thuyền Lê Đạo Sinh đâu. Không biết y có âm mưu gì khác không ?
Chợt Phùng Vĩnh-Hoa kêu lên :
– Nguy to rồi ! Tôi sợ Lê Đạo-Sinh trở về lục địa tác quái, chứ y không chịu thua đâu. Lê tin rằng với 700 binh Ngọc-đường cùng 300 đệ tử, Phùng Chính-Hòa dư sức đánh chiếm đảo, giết đại ca. Một mặt y trở về lục địa, dùng lệnh bài của đại ca đánh phá các nơi. Vậy, đại ca phải trở về ngay.
Trước đây Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại nổi tiếng về tài dùng binh, huấn luyện tráng đinh, tổ chức thành đội ngũ chiến đấu. Hai ông cho rằng bọn tướng sĩ Hán chẳng qua là dựa vào quân số đông, chứ thật sự bản lĩnh điều binh không có gì. Bây giờ, trước lực lượng của Phùng Chính-Hòa đánh đảo, hai ông chưa biết phải hành động ra sao. Trong khi Nghiêm Sơn thản nhiên, coi Phùng Chính-Hòa như đứa con nít, đến nỗi chàng không cần đưa ra một đường lối nào hành động. Chàng còn để mặc cho Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung phản ứng. Tỏ ra bản lĩnh chàng đã đến mức siêu việt. Ông nghĩ thầm trong lòng :
– Tài dùng binh của y đã đến trình độ nào ta cũng chưa biết. Song cử thấy việc cũ : Một thước gươm cùng Quang-Vũ khởi binh ở Côn-dương, trở tay một cái lấy năm quận. Từ đó chiêu mộ binh mã, đánh bại Vương Mãng, Xích Mi và các sứ quân. Trước mặt ta trận chiến vừa rồi do Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa điều khiển muôn ngàn lần ta không bằng bọn trẻ. Tuy nhiên ta thử hỏi Nghiêm Sơn xem nhận xét của y thế nào ?
Ông hướng vào Nghiêm Sơn :
– Quốc công ! Tôi nghe Quốc công giảng binh pháp cho Phương-Dung, Đào Kỳ. Trận đánh vừa qua, Quốc-công khoanh tay ngồi coi đám trẻ điều khiển. Vậy, xin Quốc-công cho chúng tôi một vài nhận xét..
Nghiêm Sơn liếc mắt nhìn Đào hầu một cái :
– Kể ra, với tuổi các sư muội lần đầu tiên xuất trận đã biết thiết kế dùng binh pháp. Biết uyển chuyển thay đổi đạt được chiến thắng như vậy, cổ kim chưa từng có. Tuy nhiên, Phương-Dung thiết kế, Trưng Nhị chỉ huy, thành ra có một sơ hở lớn, không biết nắm lấy thời cơ. Binh pháp nói rằng : "Bất chiến nhi khuất binh, thiện chi, thiện dã đã", nghĩa là : Không đánh mà hàng phục được binh đoàn địch, là những người dùng binh giỏi trong những ngưởi dùng binh.
Ông quay lại nhìn Phương-Dung cười khúc khích, thái độ khoan hòa, như sư phụ nhìn đệ tử sử dụng võ công lần đầu :
– Khi ta thu phục binh sĩ Ngọc-đường, gã họ Phùng chỉ còn mấy trăm tráng đinh, việc gì phải tổ chức phục kích trong đêm ? Việc gì phải cho tráng đinh giả giao chiến đánh nhau lừa y ? Chỉ việc cho Lữ trưởng, Lữ phó Ngọc-đường thư cho Phùng nói rằng Lĩnh-Nam công kinh lược đảo rồi, đảo không còn đạo tặc nữa, mời Huyện-úy lên đảo yết kiến Quốc-công. Thế là Phùng cùng tráng đinh bỏ chạy, có phải giản dị hơn không ? Đỡ tốn sức, đỡ đổ máu hơn không ?
Trưng Nhị, Phương-Dung cùng gật đầu, Phương-Dung nói :
– Đa tạ đại ca chỉ dạy.
Nghiêm Sơn tiếp :
– Phương-Dung, ta cho sư muội thực tập một lần nữa. Bây giờ phải làm gì ?
Phương Dung nói với Trưng Nhị :
– Sư tỷ, điều quân thì em, nhưng mưu mẹo phải nhờ chị. Xin chị quyết đoán cho.
Trưng Nhị biết không từ chối được, nói :
– Bây giờ cháu xin đề nghị với Đào hầu, Đinh hầu. Hai sư bá cùng tất cả đệ tử nên rời đảo ngay ngày mai, trở về chỉnh đốn lại Đào, Đinh trang. Nghiêm đại ca đi cùng hai sư bá. Ngay khi về đất liền, Nghiêm đại ca cho ngựa lưu tinh đi các nơi đề phòng Lê Đạo-Sinh. Tiểu muội đề nghị đại ca không nên cách chức hết các đệ tử của Lê. Cứ để chúng đó, từ từ tính từng đứa một. Việc trước mắt là cử Huyện-úy Ngọc-đường thay Phùng Chính-Hòa, cử người làm Đô-sát Cửu-chân thay Vũ Hỷ.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Ta xin nghe lời sư muội.
Phùng Vĩnh-Hoa nói :
– Còn lại tất cả chúng ta phải trở ra Bắc ngay, chuẩn bị cuộc đi Trung-nguyên. Hôm trước trong buổi họp tại phủ Thái-thú. Tô hẹn chúng ta sẽ lên đường ngày 15 tháng 10, vậy chỉ còn hơn tháng nữa mà thôi. Xin chuẩn bị để lên đường là vừa.
Khất đại phu hướng vào Đào Thế-Kiệt :
– Đào hầu, hôm đại hội Hồ-tây, phái Cửu-chân khẳng định không tham dự phái đoàn. Người võ lâm nói một là một, hai là hai, vậy thì phái Cửu-chân không cử người đi nữa. Nhưng lão xin phép cho Đào tam lang đi trong phái đoàn của phái Long-biên. Cuộc đi này chúng ta phải đấu với anh hùng võ lâm Trung-nguyên. Võ công Trung-nguyên thiên về dương cương, lão phu cũng thiên về dương cương e có gì sơ sẩy chăng ? Võ công Đào tiểu hữu gồm cương lẫn nhu, vì vậy, nếu Đào tiểu hữu có mặt trong chuyến đi, sẽ làm rạng rỡ đất Lĩnh-nam nhà mình.
Đào Thế Kiệt là hào kiệt đương thời, dễ thức tỉnh, biết tùy nghi. Tuy ông tuyệt đối chống Hán, nhưng nghe lý luận của Khất đại phu, ông thấy điều đó đúng. Ông nhìn vợ hỏi ý kiến. Dầu sao Đào phu nhân cũng là phụ nữ, bà xa con đã bảy năm ròng, bây giờ mẫu tử trùng phùng mới được vài ngày. Bà thấy bịn rịn trong lòng không nỡ. Bà nhìn chồng :
– Khất đại phu đã dạy, vợ chồng ta đâu dám không nghe theo ? Nhưng xin Đại phu ở lại đây một ngày, để vợ chồng tôi làm lễ thành hôn cho đôi trẻ đã.
Nghe Đào phu nhân nói, mọi người mới chợt nhớ hôm nay là ngày cưới chính thức của Nghiêm Sơn với Thiều-Hoa. Trước trận đánh, Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp đã đứng ra làm mai cho Đào Kỳ với Phương-Dung. Một lời đôi bên cha mẹ đã hứa với nhau, coi như cuộc, hôn nhân đã thành. Bởi vậy lúc điều quân, Phương-Dung tự coi mình là con dâu nhà họ Đào. Trong cách xưng hô, nàng gọi Đào hầu bằng bố, Đào phu nhân bằng mẹ. Nàng gọi Nghiêm Sơn là tỷ phu.
Khất đại phu hướng vào Nguyễn Trát :
– Cối giang hầu, đúng ra phải đủ Ngũ lễ theo bậc của kẻ sĩ, để người quân tử Đào Kỳ cầu hôn cùng thục nữ Phương-Dung. Ngặt vì chúng ta đang ở hoàn cảnh cần kíp, nếu đòi hỏi Ngũ lễ e lâu quá. Lão phu dám xin hầu đại xá cho. Mai này về Bắc, lão phu sẽ thân đến Cối-giang tạ lỗi với phu nhân về việc này. Chẳng hay Cối-giang hầu tính thế nào ?
Nguyễn Trát là người không câu nệ lễ nghi, ông thấy Khất đại phu là người bề trên của mình nói vậy, vội đứng dậy, vòng tay thưa :
– Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp và Đào hầu cùng phu nhân đã thương đến cháu Dung, quý vị dạy sao, chúng tôi xin nghe làm vậy.
Trong đám ngang hàng với Đào Kỳ có Hồ Đề là người có tính hào sảng như nam nhi, nàng vỗ tay nói :
– Đào tam đệ, chị có mấy lời khuyên, chẳng hay tam đệ có chịu nghe không ?
Đào Kỳ gật đầu :
– Xin chị cứ dạy.
Hồ Đề vẫy tay :
– Dạy Tam đệ thì chị không dám, nhưng chị muốn Tam đệ hứa mấy điều trước khi lấy vợ, thế thôi. Điều thứ nhất, Tam đệ đã cưới Phương-Dung làm vợ, kể từ nay không được mơ tưởng tới cô Tường-Quy, cháu ngoại Lê Đạo-Sinh nữa. Tường-Quy so với Phương-Dung khác xa lắm. Phương-Dung đẹp hơn, võ công cao cường gấp bội. Bàn về gia thế, gia đình Cối-giang hầu hào hiệp, thông minh, tín nghĩa, thiên hạ đều phục. Còn gia thế Tường-Quy thì cha làm Hán gian cho giặc, chồng là một tên Hán ngu dốt, văn không thông, võ không thạo. Tam đệ có hứa với ta không ?
Đào Kỳ bị Hồ Đề nói huỵch tẹt tâm sự ra trước mặt mọi người khiến chàng xấu hổ, không dám nhìn lên. Chàng chỉ khẽ gật đầu.
Hồ Đề không chịu :
– Công lực Tam đệ cao thâm không biết đâu mà lường, sao lại gật đầu yếu thế ?
Đào Kỳ quýnh quá vội nói lớn ;
– Tiểu đệ xin hứa.
Hồ Đề chỉ Khất đại phu :
– Khất đại phu làm mai nhà trai, xin đại phu làm chứng cho đấy. Nếu sau này, Đào tam đệ lăng nhăng với cô Tường-Quy, ta dù võ công thua tam đệ, ta cũng sẽ cho ong đốt tam đệ đủ một triệu mũi. Ta là con gái người Mường dữ hơn bà Chằng , ta nói cho mà biết trước !
Hồ Đề nhìn Phương Dung :
– Tiếc rằng ta không là trai. Nếu là trai, ta quyết cưới em làm vợ mới nghe. Hôm mới gặp, ta đã tặng em con ngựa ô, ta tặng Trưng Nhị con voi trắng. Bây giờ đám cưới, ta tặng em cái này.
Nói rồi Hồ Đề móc trong bọc ra một cái gói, mở ra thì là một cây gậy bằng ngà voi, chạm trổ rất tinh vi, đưa cho Phương-Dung. Phương-Dung cúi đầu cảm tạ. Tiếp theo mỗi người tặng một món quà. Đến lượt Phùng Vĩnh-Hoa, nàng nói với Đào Kỳ :
– Đào tam đệ ! Hôm ở Tây-hồ, ngươi nhờ ta bày kế cho. Ngươi hứa trước mặt Lê Chân rằng sẽ làm cho ta một việc. Bây giờ, ta muốn tam đệ làm ngay. Nam nhi đại trượng phu hứa một lời như đinh đóng cột, ngươi có nghe theo không ?
Đào Kỳ giật mình lúng túng :
– Quả em có nợ sư tỷ một món nợ. Sư tỷ dạy gì, xin nói ra ?
Vĩnh-Hoa chỉ Phương-Dung :
– Việc gì sư đệ làm cho ta đó, ta dành làm lễ mừng đám cưới Phương-Dung. Điều ta yêu cầu là : Từ nay mọi việc lớn nhỏ, sư đệ phải tuyệt đối nghe theo lời Phương-Dung. Sư đệ hứa đi.
Đào Kỳ bật cười :
– Thì từ trước đến giờ, có bao giờ em không nghe lời Phương-Dung đâu ?
Mọi người cùng cười ồ lên.
Đào phu nhân khuyên con :
– Sư tỷ Hồ Đề, Vĩnh-Hoa vì yêu thương hai con mà nói thế, chứ không phải vì thiên vị Phương-Dung đâu. Đất Lĩnh-nam mình, coi nam nữ như nhau, khác với Trung-nguyên, họ trọng nam khinh nữ. Con thấy không ? Người Hán ở Lĩnh-nam có đến nửa triệu, thế mà không có một nữ hào kiệt nào. Còn Lĩnh-nam mình biết bao nhiêu mà kể ? Trong nhà mọi việc bố đều hỏi mẹ. Cổ nhân nói : "Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn ". Con nhớ lấy việc đó. Việc gì cũng phải bàn với Phương-Dung.
Mọi người vào bàn tiệc. Tiệc tan, Phùng Vĩnh-Hoa từ ngoài sân bước vào, nói :
– Phùng Chính-Hòa cung khai đầy đủ : Mã thái hậu mật dụ cho Tô Định tìm cách hại Nghiêm đại ca bằng bất cứ giá nào, kể cả đánh thuốc độc. Nhân Lê Đạo-Sinh xuất lĩnh tráng đinh đánh Đinh, Đào, Tô Định được tin, Lĩnh-Nam công trên đường ra đảo, y bèn viết thư cho Phùng truyền mang quân tiểu trừ đảo giúp Lê Đạo-Sinh. Song Lê, Phùng không liên lạc được với nhau. Phùng cô thế bị chúng ta bắt.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Cám ơn sư muội, ta khắc có biện pháp đối phó.
Suốt ngày hôm sau trên đảo treo đèn kết hoa, tiệc tùng linh đình.
Sang ngày thứ ba, mọi người phải lên đường. Nghiêm Sơn điều động đám binh sĩ Ngọc-đường giải Phùng Chính-Hòa xuống thuyền. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại điều khiển đệ tử trên đảo xuống ba chiến thuyền hướng Ngọc-đường tiến phát. Đám khách đến, lại trở về với ba chiến thuyền mượn của Nghiêm Sơn, mang theo Đào Kỳ ra Bắc.
Nam-hải nữ hiệp dành cho cặp vợ chồng mới cưới Đào Kỳ, Phương-Dung một căn phòng riêng, dưới khoang thuyền. Bên cạnh Phương-Dung, Đào Kỳ thấy vợ mình với Tường-Quy khác nhau quá xa. Phương-Dung thì tự trọng, việc gì phải thì bảo phải, việc gì trái thì bảo trái, minh bạch rõ ràng. Tường-Quy quá ủy mị, việc gì cũng do chàng quyết định hết.
Lúc đi, bên cạnh Tường-Quy. Lúc về bên cạnh Phương-Dung. Bên cạnh Tường-Quy chàng chỉ nói chuyện yêu thương. Còn bên cạnh Phương-Dung, hai người luận bàn quân sự, võ công với nhau.
Một hôm Phương-Dung chợt nhớ ra điều gì, nói với Đào Kỳ :
– Anh Kỳ ơi ! Lúc rời Long biên đi, em được tin trang Văn-lạc của chúng mình lên tới 7000 người, họ luyện tập rất thành thuộc. Sau này đó là đội quân chủ lực của mình. Từ trang Văn-lạc lên Mê-linh không xa cho lắm. Khi cử sự mình lấy trang đó làm mũi dùi chính đánh Luy-lâu.
Đào Kỳ lo ngại :
– Trang của mình lớn mau như vậy, chỉ sợ tiếng đến tai Tô Định, y cất quân chinh tiểu thì nguy tai.
Phương-Dung cười :
– Anh khéo lo xa. Nếu cất quân đi đánh, phải có lệnh Nghiêm đại ca. Nghiêm đại ca cất quân đánh chúng ta, em e rằng chưa khởi binh, sư tỷ Thiều-Hoa đã báo cho chúng mình biết rồi. Sợ gì ?
Hai người đang bàn luận với nhau, có tiếng gõ cửa, rồi giọng Phùng Vĩnh-Hoa vọng vào :
– Hai em ngưng lại một chút lên khoang họp với Khất đại phu đi.
Hai người vội mở cửa khoang ra ngoài. Vĩnh-Hoa chỉ cho hai người vào trong khoang thuyền lớn, tại đó, đã có đông đủ mọi người.
Sau khi hai người ngồi xong Khất đại phu nói :
– Lão phu mời các vị tới họp để chúng ta bàn định chuyện tương lai phải làm. Lão phu tuổi đã cao, trí lực mòn mỏi, vậy ở đây có cháu Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị, Phương-Dung trí lự cao siêu. Các cháu thử đưa ý kiến xem chúng ta phải hành động như thế nào, để lập lại đất Lĩnh-nam nhà mình ?
Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa gật đầu :
– Trước hết cháu xin thưa về việc Thái sư thúc Lê Đạo-Sinh. Thái sư thúc đào tạo đến 10 đệ tử, tốn không biết bao nhiêu tâm huyết, rồi cho họ ra làm Huyện-úy hết năm người, thêm Vũ Hỷ là sáu. Còn năm đệ tử thì người cho quy dân lập ấp, hàng chục động. Kể ra, việc làm của người xứng đáng là một đại quân tử.
Ngừng một chút nàng thở dài, tiếp :
– Tiếc rằng Thái sư thúc muốn mau thành công, người ra tay khủng bố các võ phái khác, dùng cường lực chiếm trang ấp, ép trang nhỏ nhập vào trang lớn, thành ra mới gặp sự chống đối. Cuối cùng người tổ chức ra đại hội Tây-hồ để làm gì ? Đó là điều cháu nghĩ không ra. Không lẽ người tổ chức đại hội Tây-hồ chỉ với mục đích hỗ trợ Tô Định ? Thực vô lý, vì người đâu phải là kẻ xu phụ họ Tô ?
Phùng Vĩnh-Hoa vỗ tay :
– Em hiểu rồi ! Khi Tô Định sang đây rất lo ngại thế lực của Lê Đạo-Sinh. Lê thấy vậy mới đi đêm với Tô Định, xúi Tô Định ban hành Ngũ-pháp cấm dân tập võ. Rồi Lê đứng ra cùng Tô triệu tập đại hội Tây-hồ, tuyển chọn người có võ công cao nhất sang Trung-nguyên cầu phong. Đối với Tô Định, việc này có nghĩa : Chỉ người nào đi Trung-nguyên được phong tặng, mới được dạy võ. Mà những người này đều là người của Tô cả, như vậy mầm mống chống đối không còn nữa. Tô sẽ ngồi cao ôm gối hưởng thụ. Còn Lê Đạo-Sinh thì khác. Y lợi dụng việc cầu phong, đem anh hùng Lĩnh-nam sang đấu với anh hùng Trung-nguyên gây tiếng vang. Lê hối lộ các quan người Hán nói rằng : Đất Lĩnh-nam không còn mọi rợ nữa, mà cũng có văn hiến, võ học như Trung-nguyên, xin Hoàng đế phong cho y làm Thái-thú, không chừng từ Thái-thú y muốn làm Thứ-sử cũng nên.
Phương-Dung lắc đầu :
– Có một điều em không hiểu nổi. Nếu y muốn làm Thái-thú thì luồn cúi Nghiêm đại ca mới đúng. Vì Nghiêm đại ca là Lĩnh-nam công, toàn quyền quyết định ủy nhiệm sáu Thái-thú đất Lĩnh-nam. Lê biết như vậy, sao còn chống lại ?
Trưng Nhị tiếp :
– Còn một điều thắc mắc nữa. Dường như Tô Định được cử làm Thái-thú là do Mã thái hậu, chứ Nghiêm không biết gì. Đúng ra, Nghiêm là Lĩnh-nam công, tất Thái-thú phải do Nghiêm cử, tại sao hoàng đế Trung-nguyên lại phong Tô Định làm Thái-thú ngoài ý muốn của Nghiêm ? Bất cứ lúc nào Nghiêm cũng có thể chặt đầu Tô Định, tại sao Tô lại chống Nghiêm ? Đó là điều chúng ta cần điều tra cho kỹ.
Mọi người đều cho ý kiến của Vĩnh-Hoa là đúng, sát với thực tế. Phương-Dung tiếp :
– Trong đại hội Tây-hồ, Lê đã bị lộ mặt ra. Thế chuyến đi này có lợi cho Tô Định sao ? Tôi thấy giữa Tô Định với Nghiêm Sơn có mối hiềm khích lớn. Tô dựa vào thế lực Mã thái hậu chống Nghiêm. Còn Nghiêm thì cầm trọn binh quyền trong tay. Nghiêm trước đây là ân nhân của Hán đế, Nghiêm muốn làm gì thì làm, sao Nghiêm không giết Tô, là cái gai trước mắt ? Một vài điều chúng ta không hiểu, là ngay việc cử Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát Cửu-chân, Nhật-nam, Hợp-phố, Quế-lâm, Tượng-quận... Nghiêm được toàn quyền... Chủ trương của Nghiêm là giao đất Lĩnh-nam cho người Lĩnh-nam cai trị, miễn là thần phục Hán đế. Chủ trương đó trước đây Lê Đạo-Sinh thích lắm, vì có lợi cho y. Nay Lê lại chống.
Vũ Trinh-Thục đập bàn một cái :
– Đúng như lời Phương-Dung nói. Hiện giờ bên Trung-nguyên vẫn còn chiến tranh. Tô Định gởi sớ tâu rằng : Đất Giao-chỉ đã phục tùng, cử người võ lâm sang cầu phong, vậy xin Hán đế rút quân về, chỉ để lại quân địa phương mà thôi. Tức là rút về sáu quân đoàn ở sáu quận, cộng chung tới gần 30 vạn quân. Nghĩa là trực thuộc Giao-chỉ không còn quân nữa, chỉ ở các huyện mỗi nơi một Sư và mỗi huyện có một Lữ. Làm thế, Nghiêm sẽ trở thành tướng mà không có quân và Tô Định có thể chống lại Nghiêm. Ở đất Lĩnh-nam, Tô sẽ tha hồ tác quái. Nhưng Tô khó thành công, bởi các Đô-úy tại sáu quận và các Huyện-úy đều là người của Nghiêm ca.
Phùng Vĩnh-Hoa ngắt lời :
– Về tình cảm ta bênh Nghiêm. Nhưng về phương diện phản Hán phục Việt, chủ trương của Tô Định lợi cho chúng ta lắm. Khi quân Hán đã rút đi, mỗi quận còn một sư nửa Hán, nửa Việt, việc của chúng ta sẽ dễ dàng. Vậy ta phải làm thế này : Khai thác triệt để mâu thuẫn giữa Tô và Nghiêm. Một mặt ta cho người tài tình nguyện ra làm Huyện-úy, làm Lữ-trưởng cho Hán, giả như cộng tác với Nghiêm. Khi đã nắm hết các chức Huyện-úy rồi, chỉ cần đánh một tiếng trống, đất Lĩnh-nam thuộc về ta. Ngay khi về đất liền chúng ta thi nhau cử người tài ra làm quan với Nghiêm Sơn, làm như không ưa Tô Định. Nghiêm có nhiều uy tín lắm quyền. Hàng ngày chúng ta chủ trương chống Tô Định trước mặt Nghiêm. Nhưng khi sang Trung-nguyên yết kiến Hán-đế, chúng ta lại tỏ ra rằng đất Lĩnh-nam đã quy phục hoàn toàn, để Hán đế quyết định rút quân. Giữa lúc quân Hán rút đi, tất nhiên Nghiêm phải trở về, những người thân Nghiêm sẽ hoang mang. Chúng ta khởi binh ắt chiếm lại được đất Lĩnh-nam không khó.
Đào Kỳ thực tế hơn :
– Vùng Cửu-chân, Nhật-nam thì không khó. Khó là đất Quế-lâm, Tượng-quận và Nam-hải. Tại Giao-chỉ ta có đạo kỳ binh Văn-lạc, của năm Lạc hầu phái Long-biên, bảy Lạc hầu phái Cửu-chân, mười sáu Lạc hầu phái Sài-sơn, 36 động Nam Mê-linh, 72 động Bắc Mê-linh, 72 động Tây-vu. Với lực lượng như thế, chúng ta chiếm Luy-lâu, giết Tô Định. Còn các nơi khác chỉ đánh một tiếng trống là thu được thành trì.
Bình luận truyện