Balzac Và Cô Bé Thợ May Trung Hoa

Chương 7



Hàm răng trưởng làng giống rặng núi lởm chởm. Ba cái răng cửa tụt nướu tấy đen như những mảnh bazan thời tiền sử, trong khi răng nanh bợn khói thuốc như đá vôi trầm tích khểnh ra. Răng hàm một số cái có rãnh sâu trên mặt - thằng con ông nha sĩ tuyên bố bằng giọng khoa học nhà nghề - Ông chủ hàm răng chắc phải bị giang mai. Trưởng làng ngoảnh mặt đi, không chối lời chẩn đoán.

Cái răng phiền hà ở tận cuối hàm, kế lỗ đen mềm của cái răng bị nhổ bên cạnh. Cái răng khôn thối rữa cô đơn, lỗ chỗ tổ ong như đá san hộ Cái lưỡi vàng của trưởng làng cứ xoa dịu nó, rồi thám hiểm tới cái lỗ kế bên, và chấm dứt bằng tiếng tặc lưỡi an ủi.

Chuyến đi dạo của cái lưỡi nhầy nhụa này bị gián đoạn vì cây kim máy may bằng thép to tướng thò vào miệng trưởng làng và lởn vởn trên chiếc răng sâu. Cái lưỡi lập tức nhào tới kẻ xâm nhập, đầu lưỡi khám từ đầu tới cuối vật lạ lạnh ngắt. Nó run rẩy rút lui, rồi lại chồm lên tấn công, hào hứng vì cảm giác lạ, liếm đầu kim lần nữa gần như khoái lạc.

Bác thợ may già đạp bàn máy may, chuyển động lên xuống gắn qua một sợi dây bánh lái làm cây kim quay tròn. Lưỡi của trưởng làng nảy lên báo động. Lạc nắm chặt cái khoan dã chiến giữa các ngón tay, điều chỉnh vị trí bàn taỵ Nó đợi vài giây để bàn đạp tăng tốc độ, rồi đem cây kim tấn công cái răng khiến bệnh nhân thét lên một tiếng chói tai. Ngay khi Lạc rút cây kim khỏi miệng, trưởng làng lăn khỏi chiếc giường chúng tôi đặt cạnh máy may.

Ông nổi đóa:

"Mày suýt giết tao chết! Mày định làm gì hả?"

Ông thợ may nói:

"Tôi đã bảo ông rồi, tôi thấy họ làm chuyện này ở chợ phiên. Vả lại, ông là người khăng khăng bắt chúng tôi làm."

Trưởng làng nói:

"À thì, đau muốn chết. "

Lạc nói:

"Tất nhiên là đau. Ông có để ý tốc độ máy khoan điện ở bịnh viện không? Nó quay cả trăm vòng một giây. Quay càng chậm thì càng đau. "

Trưởng làng đội lại mũ, nói một cách cương quyết:

"Thử lại xem sao. Tao không ăn không ngủ cả tuần rồi. Chữa một lần cho xong."

Ông nhắm mắt để khỏi nhìn cây kim đưa vào miệng, nhưng kết quả vẫn như trước. Cái đau tàn nhẫn hất ông khỏi giường với cây kim vẫn cắm vào răng.

Phản ứng hung bạo của ông suýt làm đổ ngọn đèn dầu tôi đang hơ mảnh thiếc cho chảy trong cái thìa.

Một tình huống lố bịch, nhưng không ai dám cười vì sợ nhắc tới chuyện bắt giam của tôi.

Lạc lấy lại cây kim, lau và xem xét kỹ lưỡng, rồi đưa bịnh nhân ly nước xúc miệng. Trưởng làng nghe theo, và nhổ ra sàn cạnh cái mũ của ông đã rơi khỏi đầu. Nước màu hồng.

Bác thợ may già có vẻ sửng sốt:

"Ông chảy máu."

Lạc nhặt cái mũ đội lên mớ tóc bù xù của trưởng làng và nói:

"Nếu ông muốn tôi chữa răng cho, tôi thấy không có cách gì khác là buộc ông vào giường."

Trưởng làng phẫn nộ thốt lên:

"Trói tao? Mày quên tao được lãnh đạo xã bổ nhiệm hả?"

"Nhưng cơ thể ông không chịu hợp tác, tôi sợ chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh."

Tôi lặng người kinh ngạc. Làm sao kẻ tàn ngược này, tên bạo chúa chính trị và kinh tế này, gã xếp cớm này, lại thúc thủ chịu trói, không những nhục nhã mà khiến hắn trông cực kỳ lố bịch như thế? Ma quỷ nào ám hắn? Lúc đó tôi không có thì giờ suy ngẫm, và ngay cả bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên. Thế là Lạc trói nhanh ông ta xuống giường, và bác thợ may mang trọng trách dùng hai tay giữ chặt đầu bịnh nhân không để nhúc nhích, ra dấu cho tôi đạp máy hộ Ông.

Trách nhiệm mới này làm tôi bối rối. Tôi cởi giầy, đặt gót chân lên bàn đạp và lên gân.

Khi Lạc ra dấu, tôi đạp bánh lái, và chẳng mấy chốc chân tôi đạp nhanh theo nhịp máy không ngừng. Tôi tăng tốc độ, cảm thấy như một cua rơ nước rút; cây kim lắc lư, rung lên, một lần nữa chạm vào cái răng phụ bạc, trong khi tiếng ùng ục dễ sợ phát ra từ cổ họng ông trưởng làng bị giữ chặt. Ông chẳng những bị buộc vào giường bằng sợi thừng chắc, như kẻ gian trong phim bị trừng phạt, đầu ông còn bị bàn tay gọng kìm của bác thợ may già siết cứng. Mặt ông xanh như chết, miệng xùi bọt.

Bỗng nhiên, tôi cảm thấy một thôi thúc tàn bạo khôn cưỡng, như núi lửa sắp nổ tung. Tôi nghĩ tới những khốn khổ của học tập cải tạo, và đạp chậm dần.

Lạc liếc nhìn tôi đồng loã.

Tôi đạp càng chậm hơn, lần này để phạt ông đã dọa bắt giữ tôi. Như thể cái khoan sắp hỏng. Lúc này nó gần như ngừng lại, chỉ quay một vòng mỗi giây, có thể hai vòng - ai biết đâu đấy? Cuối cùng, sau khi xuyên thủng chỗ mục nát, mũi thép rung lên lần chót, và ngừng hẳn lúc tôi nhấc chân khỏi bàn đạp, như cua rơ thả dốc. Trong một thoáng, tình trạng chờ đợi gây đau đớn. Tôi giả vờ khoan thai vô tội để giấu vẻ căm ghét âm ỉ trong mắt, và cúi xuống ra bộ soát dây đai có còn nằm nguyên trong bánh lái không. Rồi tôi lại đặt chân lên bàn đạp, cây kim lại quay, từ từ và run rẩy, như thể cua rơ đang cố lên con dốc đứng. Cây kim biến thành lưỡi đục, cắt vào mặt đá tiền sử rùng rợn, làm tung những đốm bụi vàng nhầy nhụa. Tôi đã hoá thành tên bạo hành - một tên bạo hành cự phách.

Lời kể của ông cụ thợ xay

Vâng đúng thế, tôi gặp hai đứa chúng nó, cả hai trần như nhộng. Tôi đi đốn củi dưới thung lũng như thông lệ. Tôi tới đó mỗi tuần một lần, và lần nào cũng đi ngang thác nước. Chính xác chỗ nào à? Cách nhà máy xay của tôi một hai cây số, hay xấp xỉ cỡ đó. Thác đổ xiết xuống mấy tảng đá hai mươi mét bên dưới, tạo thành một vũng nước xanh thẳm. Thác khá xa đường đi, vì thế ít người tìm thấy.

Tôi không gặp chúng ngay, nhưng lũ chim đậu trên doi đá hình như giật mình; chúng vút lên ầm ĩ trên đầu tôi.

Vâng, lũ quạ mỏ đỏ - sao anh biết? Chắc phải đến hơn chục con. Một con - có lẽ là con hung hăng nhất, hay điên tiết nhất vì bị quấy rầy - nhào xuống dùng đầu cánh quét vào mặt tôi. Tôi còn nhớ mùi hôi của nó.

Vì lũ chim, tôi đi vòng xuống vũng nước để xem cái gì làm chúng sợ. Tôi gặp hai đứa ở đó, đầu chúng nhô khỏi mặt nước. Chắc chúng phóng từ một tảng đá cao xuống làm tung toé nước xua bầy quạ đi.

Tay thông dịch của anh à? Không, tôi không nhận ra nó ngaỵ Tôi dõi mắt theo hai thân hình quấn lấy nhau, quay vòng dưới nước. Cảnh tượng lạ lùng tới nỗi một lúc lâu tôi mới nhận ra rằng chúng không cùng nhau bơi lội. Đúng vậy! Chúng giao lấy nhau dưới nước.

Anh nói gì? Giao hợp à? Chữ đó thông thái quá đối với những người như tôi. Trên núi này chúng tôi nói giao nhau. Tôi không định nhìn trộm chúng. Bộ mặt già nua của tôi đỏ ửng. Đời tôi chưa từng thấy điều gì như thế - ân ái trong khi bơi. Tôi đứng chôn chân một chỗ. Anh biết ở tuổi tôi người ta không thể tự vệ. Chúng bơi khỏi vũng sâu tới chỗ cạn và nằm lên nền đá, nước trong suốt lấp lánh dưới nắng càng phóng đại và biến dạng các cử động tục tĩu của chúng.

Tôi thấy xấu hổ, đúng vậy, chẳng phải vì tôi nhìn chúng không rời mắt, nhưng vì biết rõ mình là một ông già thân thể chỗ nào không xương cũng nhẽo nhèo. Tôi biết rất rõ mình sẽ không bao giờ nếm niềm khoái cảm sũng nước như chúng.

Sau đó, đứa con gái gom lá làm khố buộc quanh hông. Hình như nó không mệt như đứa bạn - hoàn toàn ngược lại. Nó tràn trề nhựa sống, và leo trèo trên các khối đá chung quanh. Thỉnh thoảng nó biến mất sau một tảng đá phủ rêu xanh, rồi lại xuất hiện trên một tảng đá khác, như thể bước ra từ khe đá nứt. Nó thắt lại khố để che bộ phận sinh dục, và bắt đầu leo lên gờ đá khoảng mười mét trên mặt vũng nước.

Dĩ nhiên nó không thấy tôi. Tôi rất thận trọng, nấp mình sau bụi cây rậm lá. Tôi không biết đứa con gái là ai; hiển nhiên nó chưa từng đến thăm nhà máy xay của tôi. Lúc nó đứng trên gờ đá cao, tôi ở đủ gần để chiêm ngưỡng tấm thân trần đẫm nước của nó. Nó đứng đó nghịch cái khố, kéo lên trên bụng trần dưới bộ ngực săn, nụ hoa nhọn hồng.

Lũ quạ mỏ đỏ trở lại, đậu khắp chung quanh đứa con gái nơi gờ hẹp trên cao.

Thình lình nó dùng chân gạt chúng, và lùi lại vài bước. Rồi nó chạy tới phóng vào khoảng không, cánh tay nó dang ra như cánh én lượn trong gió.

Lũ quạ bay theo. Nhưng trước khi vút lên không, chúng lạng xuống cùng thân hình đang bay của đứa con gái. Nó biến thành én. Cánh nó duỗi ra, đến khi chạm mặt nước mới chập lại và lao thẳng vào vũng sâu.

Tôi tìm đứa bạn, thấy nó ngồi trần truồng trên bờ, mắt nhắm, tựa người vào tảng đá. Chỗ kín của nó teo lại ngủ.

Trí tôi thoáng nhớ trước kia đã gặp đứa con trai, nhưng tôi không nhớ lúc nào. Chỉ đến khi tôi vào rừng đốn cây mới chợt nhớ: đứa thanh niên là thông dịch viên tháp tùng anh lúc anh tới thăm tôi mấy tháng trước.

May là chính tôi thấy nó, tay thông dịch viên giả mạo của anh, vì tôi chả dễ khích động và không bao giờ tố cáo ai với Ban An ninh. Nếu là kẻ khác thì nó gặp rắc rối to, tin tôi đi.

Lời kể của Lạc

Tao nói gì? Nói cô ấy bơi giỏi à? Ừ, bây giờ cô ấy bơi như cá heo. Trước kia cô ấy bơi như dân ruộng, chỉ dùng tay, không dùng chân. Trước khi tao chỉ cho bơi nhái, cô nàng chỉ biết bơi chó. Nhưng cô ấy có khiếu bơi lội. Tao chỉ phải dạy cô ấy hai ba thứ. Thậm chí cô ấy bơi bướm rất cừ: tay vung ra, thân dưới gợn sóng, thân trên nhoài lên khỏi mặt nước thành vòng cung hoàn hảo, chân đập nước như đuôi cá heo.

Cô ấy tự khám phá cách nhảy từ độ cao nguy hiểm. Tao chưa bao giờ dám - tao sợ chiều cao. Khi tụi tao ở thủy cung - một vũng nước sâu vắng vẻ - cô ấy leo lên gờ cao nhảy xuống, tao luôn luôn ở dưới. Nhìn lên thấy cô ấy phóng hầu như thẳng góc xuống làm tao chóng mặt, tới nỗi gờ đá và cây bạch quả chất ngất phía sau nhoè thành một. Thân hình bé tí của cô ấy như trái trên ngọn cây. Cô ấy gọi tao, nhưng tiếng kêu bị khoa? lấp vì dòng nước lũ đổ xuống đá. Thình lình trái rơi, vạch không trung tới tao, lướt mặt nước như mũi tên chẳng làm toé nước.

Những ngày trước khi bị giam, ba tao thường nói khiêu vũ không phải là môn có thể dạy được, ông nói đúng. Nhào lộn và làm thơ cũng thế, vì những người nhào lộn và thi sĩ giỏi nhất đều tự học. Một số người có thể học cả đời vẫn giống như cục đá lúc họ lao vào không trung. Họ chẳng bao giờ nhẹ như trái cây rơi.

Tao có chiếc vòng đeo chìa khoá, quà sinh nhật mẹ cho khi tao còn bé. Vòng mạ vàng, chạm những lá ngọc bích bé tí. Tao luôn mang nó theo mình, nó là bùa phù hộ tránh xui xẻo. Vòng gắn một chùm chìa khoá, dù tao không có của cải gì cần khoá lại. Có những cái chìa khoá nhà tao ở Thành Đô, khoá ngăn kéo đồ dùng cá nhân của tao trong tủ của mẹ, khoá cửa sau, cũng như con dao nhíp và cái cắt móng taỵ Trước đây không lâu, tao gắn thêm chiếc chìa vạn năng đã dùng để vào nhà Bốn Mắt trộm sách. Tao quý nó như món quà kỷ niệm của vụ trộm thành công.

Một buổi chiều tháng Chín, hai đứa tao leo xuống vũng nước của mình. Như thường lệ, nơi đó hoang vắng. Nước hơi lạnh, vì thế tao đọc cho cô ấy một chương trong Tỉnh Ngộ. Tao không thích cuốn này của Balzac bằng cuốn Père Goriot, nhưng khi cô ấy bắt con rùa giữa đám đá cuội chỗ nước cạn, cuốn tiểu thuyết này gợi cảm hứng cho tao lấy dao nhíp khắc chân dung của hai nhân vật chính mũi dài đầy tham vọng lên mai con vật trước khi thả nó.

Con rùa hối hả biến đi. Bất chợt, tao tự hỏi: "Ai sẽ thả mình ra khỏi ngọn núi này?"

Câu hỏi dù vu vơ đã khiến tao chìm sâu trong tuyệt vọng. Tao gấp con dao nhíp và gắn nó vào chùm chìa khoá leng keng trong xâu, những chiếc chìa ở Thành Đô có thể tao chẳng bao giờ dùng nữa, cổ tao nghẹn lại. Tao ghen với con rùa, với tự do của nó. Tim chĩu nặng, tao ném vòng chìa khoá xuống vũng nước.

Cô ấy phản ứng lập tức. Cô ấy nhào tới, nét bơi bướm thành thạo, lặn xuống tìm vòng chìa khoá của tao. Cô ấy lặn rất lâu khiến tao hoang mang. Mặt nước đen yên tĩnh lạ kỳ, hầu như điềm gở, không thấy bong bóng nổi lên. Tao hét:

"Trời ơi, em ở đâu?"

Tao gọi cả tên lẫn tục danh của cô ấy, "cô bé thợ may", rồi tao phóng xuống đáy hồ. Ngay trước mắt tao, cô ấy vừa nổi lên vừa uốn éo như cá heo. Tao sửng sốt vì vẻ đẹp của thân hình uốn lượn và mái tóc dài gợn sóng nước. Một hình ảnh thật đẹp.

Khi bọn tao lên tới mặt hồ, tao thấy vòng chìa khoá của mình giữa đôi môi cô ấy lấp lánh những hạt nước.

Cô ấy phải là người duy nhất trên thế gian vẫn tin rốt cuộc tao sẽ được thả khỏi cải tạo, và tin rằng tao sẽ có ngày lại cần những chiếc chìa khoá của mình.

Từ đó, bọn tao chơi trò vòng chìa khoá mỗi lần tới vũng núi hoang vắng. Tao thích, không vì có ảo tưởng gì về tương lai, nhưng chỉ vì nó cho tao cơ hội chiêm ngưỡng thân hình nhục cảm của cô ấy lướt dưới nước trần truồng, ngoại trừ cái khố lá mỏng manh.

Tuy nhiên, hôm nay bọn tao mất vòng chìa khoá trong vũng sâu. Đáng lẽ tao nên ngăn cô ấy đừng xuống tìm sâu nữa khi biết nguy hiểm. May mắn là không gây tai hoạ, nhưng tao không bao giờ muốn đặt chân tới nơi đó nữa.

Tối hôm đó về lại làng, tao thấy có điện tín báo mẹ tao đã vào bịnh viện và tao phải đến ngay.

Trưởng làng chắc mềm lòng vì khỏi đau răng, đã cho phép tao nghỉ một tháng bên giường bệnh của mẹ. Đến sáng tao sẽ đi. Thật trớ trêu, tao về nhà cha mẹ mà không có chìa khoá.

Lời kể của cô bé thợ may

Những cuốn sách Lạc đọc cho tôi luôn luôn khiến tôi lặn xuống làn nước mát lạnh của dòng nước xiết trên núi. Vì sao ư? Vì phản ứng tự nhiên. Giống như khi buột nói ra điều mình đang nghĩ.

Ở đáy vũng có một màu xanh xanh, một quầng âm u không rõ chi tiết quang cảnh dưới nước. Như thể có mạng che trước mắt. May là vòng chìa khoá của Lạc lúc nào cũng rơi gần như một chỗ ở giữa, trong vòng vài mét. Dưới đáy có đá, khi chạm đến mới biết, một số nhỏ và láng như quả trứng nhợt nhạt, chúng nằm đó hàng bao năm, thậm chí hàng thế kỷ cũng nên. Số khác to như đầu người, đôi khi cong ra một cách lạ lùng như sừng trâu. Thỉnh thoảng, tuy hiếm khi, có những viên đá xù xì sắc cạnh chỉ đợi cắt đứt da chảy máu. Cũng có những vỏ sò nằm sâu dưới nền đất sét. Có trời mà biết chúng từ đâu tới. Chúng tụ với nhau thành đá phủ rêu mượt mà, nhưng vẫn có thể nhận ra là vỏ sò.

Gì cở Vì sao tôi thích lặn xuống tìm vòng chìa khoá à? Tôi biết anh nghĩ gì - anh nghĩ tôi như con chó ngớ ngẩn cứ chạy tìm cái que mà chủ nó ném ấy mà. Tôi không giống các cô gái Pháp mà Balzac kể đâu. Tôi là sơn nữ. Tôi chỉ thích làm Lạc vui lòng thế thôi.

Anh muốn tôi kể chuyện lần cuối chúng tôi ở đó à? Ít nhất một tuần trước khi Lạc nhận điện tín mẹ Ốm. Gần trưa bọn tôi đến vũng nước. Chúng tôi đầm mình, nhưng không ở dưới nước lâu, chỉ vừa đủ vui chút thôi. Tôi mang theo bánh ngô, trứng và trái cây. Trong khi ăn, Lạc kể cho tôi thêm về chàng thủy thủ Pháp về sau thành Bá tước - người mà cha tôi hâm mộ lắm. Lạc chỉ kể lại một đoạn ngắn - à, đoạn Bá tước cuối cùng gặp người phụ nữ ông yêu hồi còn trẻ, và cũng vì cô gái đó khiến ông lãnh án hai mươi năm tù. Bà ta giả vờ không nhận ra ông một cách đáng tin tới nỗi ta ngỡ bà quả thật đã quên quá khứ. Ồ, thật đau lòng!

Chúng tôi muốn ngủ một giấc ngắn, nhưng tôi cứ tỉnh thao láo, nghĩ tới cuộc gặp gỡ bi thảm đó. Anh có biết bọn tôi làm gì không? Hai đứa chúng tôi diễn toàn bộ màn tái ngộ, Lạc là Monte Cristo, và tôi là vợ chưa cưới trước kia. Thật dị thường. Tôi ứng khẩu đủ thứ hiện ra trong trí. Còn Lạc, anh ấy thủ vai xuất sắc. Bá tước còn yêu tôi. Lời tôi nói xúc phạm chàng ghê gớm, tội nghiệp, xem vẻ mặt thì biết. Anh ấy nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt rực lửa căm hờn và cuồng nộ, như thể tôi là cô gái đã cưới kẻ phản bội anh ấy.

Thật là một kinh nghiệm hoàn toàn mới với tôi. Trước kia, tôi đâu biết mình có thể đóng vai người khác, thật ra là trở thành một người - một mệnh phụ giàu có chẳng hạn - mà vẫn là mình. Lạc nói tôi sẽ là diễn viên giỏi.

Sau màn đóng kịch là lúc chơi trò thường lệ. Lạc ném vòng chìa khoá xuống nước, nó chìm như hòn sỏi. Tôi bước ra vũng và chúi xuống. Tôi sờ soạng nền đá, mò mẫm các hốc ngách lờ mờ chỗ nước đen như mực, bỗng dưng tôi chạm phải con rắn. Đã bao năm tôi không đụng tới con rắn, dù trên bờ hay dưới nước, nhưng tôi nhận ngay ra làn da lạnh trơn của nó. Tôi rụt lại theo bản năng và vội ngoi lên bờ.

Nó ở đâu ra à? Khó mà nói. Có thể nó trôi xuống theo dòng nước, hay nó là rắn cỏ tìm chỗ mới.

Vài phút sau tôi lại lặn xuống, dù Lạc phản đối. Nghĩ tới để chìa khoá của anh ấy cho con rắn làm tôi không chịu được.

Nhưng lần này tôi lọ Biết ở đó có rắn, sợ lắm: ngay cả ở dưới nước tôi vẫn thấy mồ hôi lạnh chảy trên lưng. Những hòn đá bất động dưới đáy bỗng như sống dậy, biến thành những sinh vật gớm ghiếc chực chộp lấy tôi. Tôi lại ngoi lên mặt nước để hít một hơi sâu.

Lần thứ ba, tôi suýt thành công. Rốt cuộc, tôi thấy vòng chìa khoá lấp lánh dưới đáy, nhưng khi đưa tay nhặt, tôi cảm thấy bị đốt nơi tay phải: một cú mổ mạnh rất đau. Sau đó tôi bỏ cuộc, không cố tìm lại vòng chìa khoá của Lạc nữa.

Năm mươi năm nữa, vết sẹo xấu xí vẫn còn đó, nơi ngón giữa của tôi. Đây, sờ xem.

*

Lạc nghỉ phép một tháng.

Tôi hưởng thú ở một mình, thỉnh thoảng thích gì làm nấy, thích gì ăn nấy, lúc nào muốn ăn thì ăn. Thật thế, lẽ ra tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời một mình làm chúa tể và chủ nhân ngôi nhà sàn, nếu buổi tối trước hôm đi Lạc không giao cho một sứ mạng tế nhị.

Nó nói một cách bí ẩn:

"Tao muốn nhờ mày một việc. Khi tao đi vắng, mày coi chừng cô bé thợ may cho tao nhé?"

Nó nói cô nàng có lắm kẻ đeo đuổi trên núi, kể cả một số trai tráng thành phố, và trong một tháng vắng mặt của nó, bọn họ sẽ xếp hàng tới hiệu thợ may để tranh nhau giành ân huệ của cộ Nó nhắc nhở:

"Mày không được quên cô nàng là mỹ nhân số một trên núi Phụng Hoàng."

Việc của tôi là ở cạnh cô càng nhiều càng tốt, như thể làm kẻ canh gác tình cảm cô tạ Tôi phải ngăn chặn bất cứ địch thủ nào muốn lách vào đời tư của cô, lẻn vào lãnh thổ chỉ có vị chỉ huy Lạc thân mến của tôi là xứng đáng.

Tôi ngạc nhiên và phổng mũi vì lời nhờ vả của nó, và hứa sẽ làm như nó dặn. Lạc mù quáng tin tôi làm sao! Yêu cầu tôi điều này vào phút chót, như đưa tôi giữ một kho tàng vô giá, mà không nghĩ tôi có thể cuỗm rồi chuồn mất.

Hồi đó bận tâm duy nhất của tôi là thực hiện đúng niềm tin nó giao phó. Tôi hình dung mình đi đầu đoàn quân hộ tống cô vợ trẻ của người bạn chí thiết, cũng là vị tổng tư lệnh, băng qua sa mạc hoang vắng mênh mông. Trang bị súng ngắn và súng liên thanh, tôi đứng gác hàng đêm trước căn lều có cô tiểu thư xinh đẹp ngủ, và sẽ ngăn bọn man rợ xấu xa thèm khát da thịt nàng, mắt chúng bừng cháy khát khao, lấp lánh trong đêm. Sau một tháng gian khổ - bão cát, thiếu lương thực và nước, lính bắt đầu nổi loạn - chúng tôi tới rìa sa mạc, và đúng lúc cô tiểu thư chạy tới người yêu, đúng lúc nàng và bạn tôi rốt cuộc ngã vào vòng tay của nhau, tôi ngất xỉu vì kiệt sức và khát trên đỉnh đồi cát cuối cùng.

Thế đấy, từ ngày Lạc rời làng đi thăm mẹ Ở thành phố, tôi khoác vai cớm chìm. Mỗi sáng, tôi trực chỉ xuống sườn núi tới làng cô bé thợ maỵ Mặt sắt đá, chân bước nhanh, đúng như cớm chìm thi hành sứ vụ. Mùa thu đã đến, cớm chìm bon chân trên sơn đạo như chiếc thuyền căng gió. Con đường men ngôi làng khi xưa Bốn Mắt ở, rồi rẽ lên hướng bắc, và cớm chìm phải phấn đấu chống gió táp, khom lưng, cúi đầu, như người leo núi dẻo dai. Tới chỏm núi hiểm nghèo há hốc miệng vực hai bên, hắn sẽ chậm bước nhưng không phải bò hai tay hai chân xuống nữa. Ngày qua ngày, hắn chế ngự cơn chóng mặt. Hắn chỉ hơi nao núng khi tiến bước, và nhìn đăm đăm cặp mắt tròn và sáng lạnh của con quạ mỏ đỏ vẫn đậu trên hòn đá bên kia chỏm hẹp như thông lệ.

Xẩy chân một bước là mất thăng bằng hoàn toàn, khiến gã đi dây tan xác dưới đáy vực, hoặc bên phải hoặc bên trái.

Gã mật vụ của chúng ta có ngỏ lời với con quạ, hắn có mời nó một mẩu bánh không? Tôi nghĩ rằng không. Rõ ràng hắn sợ cái nhìn lạnh lùng, dửng dưng của con quạ, hình ảnh đó nhiều năm sau vẫn còn trong ký ức hắn. Hắn cảm thấy thái độ xa cách ấy là biểu hiện của siêu nhiên. Nhưng hắn không thoái chí: đã quyết tâm và hắn sẽ hoàn thành sứ vụ.

Cần lưu ý rằng cái sọt tre, trước kia Lạc vác, giờ đây an vị trên lưng gã mật vụ của chúng tạ Như thường lệ, một cuốn tiểu thuyết của Balzac do Phù Lôi dịch, giấu dưới lá cây, rau, nhánh lúa hay lõi ngộ Những buổi sáng mây giăng thấp, bạn tưởng đó là cái sọt tre, chứ không phải một người đang leo trên con đường mòn và biến mất vào màn sương xám.

Cô bé thợ may không biết mình bị giám sát - đối với cô tôi chỉ là kẻ thế chân đọc sách.

Tôi nhận thấy cô thích nghe tôi. Thậm chí hình như cô đánh giá cao cách đọc chuyện của tôi hơn kẻ tiền nhiệm. Đọc lớn từng chữ cả trang khiến tôi khá chán, vì thế tôi quyết định đổi kiểu. Tôi bắt đầu bằng cách đọc hai trang hay một chương ngắn, trong khi cô làm việc bên máy maỵ Rồi sau khi để đoạn văn lắng xuống, tôi hỏi cô nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Sau khi cô trả lời, tôi sẽ kể sách viết gì, hầu như từng đoạn. Tôi không thể không tự ý thêm mắm muối theo ý mình, để câu chuyện hấp dẫn cô hơn. Khi cảm thấy ông bạn già Balzac hết hơi, tôi sẽ bịa thêm, hay thậm chí gài những cảnh từ cuốn tiểu thuyết khác vào.

Bây giờ là lúc nên nói về cuộc đời của nhà sáng lập triều đại may mặc này, ông chủ tiệm maỵ Giữa các chuyến đi gặp khách hàng trong các làng lân cận, ông thợ may già ở nhà hai ba ngày trước khi lại lên đường. Chẳng bao lâu ông quen với sự có mặt mỗi ngày của tôi ở nhà ông. Hơn nữa, lúc ông có mặt, đám ngấm nghé giả làm khách hàng không dám léng phéng, và ông trở thành đồng loã tín cẩn trong sứ vụ bí mật của tôi. Ông không quên chín đêm nghe Bá tước Monte Cristo ở căn nhà sàn của chúng tôi. Sự việc lập lại trong nhà của chính ông. Có lẽ không xuất thần như trước, nhưng vẫn thiết tha, ông nghe thêm Balzac: lần này là Cousin Pons, một câu chuyện khá tối. Tình cờ ông ở nhà ba đêm liên tiếp, vào lúc anh thợ may Cibot, một nhân vật phụ trong truyện, ở trong tình thế hồi hộp vì gã buôn sắt vụn Remonencq.

Chưa bao giờ có một gã mật vụ thi hành sứ mạng hết lòng như thế. Giữa các chương của cuốn Cousin Pons, tôi tình nguyện làm việc vặt quanh nhà. Chẳng hạn chính tôi là kẻ xách hai thùng gỗ lớn ra giếng làng để đổ đầy bể nước trong nhà. Và tôi cũng thường nấu ăn. Tôi rất vui với những việc khiêm tốn này, rửa rau và thái thịt như anh đầu bếp kén cá chọn canh. Tôi chẻ củi với cái rìu cùn, sắp xếp củi cẩn thận để cháy tốt. Và khi lửa có vẻ sắp tàn, chuyện này rất thường, tôi không ngại bò xuống trong đám khói nghẹt thở để thổi than hồng với tính sốt ruột của đứa mới lớn. Ngày qua nhanh. Chẳng bao lâu sau, vì phép lịch sự và tôn trọng nữ giới đã học từ Balzac, tôi tự đảm nhận việc làm nhẹ trách nhiệm giặt giũ của cô bé thợ may, và mỗi khi việc của cô ngập mắt, tôi sẽ đương đầu với cái rét mướt của mùa đông đang chớm và xuống suối giặt áo quần.

Việc tự nguyện ru rú xó nhà này không những làm dịu tính khí của tôi, mà còn cho tôi cơ hội tiếp cận thân mật hơn với thế giới nữ. Cây nhựa hương, nghe quen thuộc chăng? Nó là một thứ cây hay gặp ở hiệu bán hoa hay đôi khi trồng ở luống cây bên cửa sổ. Hoa đôi khi màu vàng nhưng thường đỏ thẫm, và trái chín to mọng, chỉ hơi chạm đến là nổ tung hạt. Hoa nhựa hương là biểu tượng vương giả của núi Phụng Hoàng, vì qua cánh và đài hoa sặc sỡ, ta có thể thấy đầu, cánh, chân và thậm chí đuôi của loài chim huyền thoại đó.

Một buổi chiều muộn - trời đã mờ tối - chúng tôi nhận ra chỉ có mình trong bếp. Khuất xa các đôi mắt tò mò, gã mật vụ khoác một vai khác nữa. Là người kể chuyện, đầu bếp và giặt giũ, tên tạp dịch giờ đây cũng là thợ móng tay: sau khi nhẹ nhàng rửa ngón tay của cô bé thợ may trong chậu gỗ, hắn âu yếm bôi một lớp dung dịch hoa nhựa hương lên từng móng tay của cô.

Bàn tay cô không giống tay nhà nông, không xương xẩu vì việc đồng áng. Ngón giữa tay phải có vết sẹo hồng - hiển nhiên là dấu rắn cắn ở vũng núi.

Cô bé thợ may hỏi:

"Anh học mấy trò con gái này từ đâu rả"

"Từ mẹ tôi. Theo bà, nếu cô để giẻ quấn quanh đầu ngón tay qua đêm, cô sẽ thấy móng nhuộm đỏ thắm như sơn."

"Đỏ có lâu không?"

"Cỡ mười ngày."

Hôm sau lại đến, tôi ao ước muốn xin hôn những móng đỏ của cô, như phần thưởng cho nỗ lực nghệ thuật của mình, nhưng vết sẹo hồng trên ngón tay làm tôi bàng hoàng trở về thực tại. Tôi tự nhủ không được vượt quá nhiệm vụ hào hiệp đối với bạn và vị chỉ huy của mình.

Tối hôm đó, khi rời nhà cô với cuốn Cousin Pons giấu kín trong sọt tre, tôi thấy rõ tâm trạng day dứt ganh tị của bọn trai địa phương. Vừa mới lên đường, tôi đã thấy đám đông khoảng mười lăm tên quê mùa tụ tập sau lưng và lặng lẽ theo tôi.

Liếc nhìn lại phía sau, tôi sửng sốt vì vẻ thù nghịch trên khuôn mặt trai tráng của chúng. Tôi rảo bước.

Im lặng vỡ tung thành tiếng nhạo báng sau lưng, cường điệu giọng thành phố:

"Cô bé thợ may, để tôi giặt áo quần chọ"

Tôi đỏ mặt và quay đầu nhìn kẻ đang nhại mình: gã què trong làng, gã lớn tuổi nhất bọn. Hắn đang vung cây ná.

Tôi quyết định nuốt nhục, và tiếp tục đi trong khi bọn chúng tới gần hơn, xô đẩy tôi và hò câu chế giễu của thằng què giữa tiếng cười rộ gây hấn, nhạo báng.

Lời chế nhạo càng lúc càng độc địa, đến khi một đứa xỉa ngón tay vào tôi, hét câu sỉ nhục tột bực:

"Đồ bẩn thỉu - mày thích giặt quần lót của nó hả?"

Tôi sửng sốt. Làm sao chúng biết? Tôi không thốt nên lời, và cũng chẳng giấu được nỗi ngượng nghịu, vì quả thật có một lần tôi giặt đồ lót của cô.

Thằng què bước tới trước ngăn lối. Hắn tụt quần ngoài rồi quần trong, để lộ bộ sinh dục lông lá mềm ẻo.

Hắn giễu cợt:

"Nè, cầm lấy! Mày giặt của tao luôn!"

Cái cười gằn thô bỉ căng ra trên bộ mặt méo mó vì khoái trá của hắn. Hắn giơ cao cái quần lót bẩn thỉu, hoen ố, và đắc thắng ve vẩy trên đầu.

Tôi nặn óc tìm lời nói, nhưng vì quá thịnh nộ nên bàng hoàng không thốt nên câu chửi thích đáng nào. Tôi run rẩy toàn thân và sắp chảy nước mắt.

Tôi chỉ nhớ mơ hồ những gì xảy ra sau đó. Nhưng tôi biết mình gắng sức vung cái sọt vào thằng què. Tôi muốn đập vào mặt hắn, nhưng hắn né cú đánh trượt xuống vai phải. Trong cuộc hỗn chiến sau đó, tôi bị khuỵu ngay xuống, hai tên côn đồ giữ chặt. Cái sọt tuột khỏi tay tôi, lăn trên đất, những thứ bên trong đổ ra: hai quả trứng tôi gói trong lá bắp cải bị vỡ và chảy lên bìa cuốn Cousin Pons. Cuốn sách nằm trong đám bụi trước mặt mọi người.

Im lặng bao trùm. Dù thất học, bọn hành hạ tôi, hay đúng hơn bọn theo đuổi thất bại của cô bé thợ may, lặng người vì hình ảnh của vật bí hiểm này: cuốn sách. Bọn chúng quây lại gần để xem cho rõ - trừ hai đứa giữ chặt tôi.

Thằng què cởi truồng ngồi bệt xuống mở trang đầu sách. Nó nhìn đăm đăm tấm chân dung đen trắng của Balzac râu dài và ria bạc. Có đứa hỏi thằng què:

"Karl Marx hả? Mày phải biết, mày đi nhiều hơn tụi tao."

Gã què không trả lời ngaỵ Một tên nhà quê khác hỏi:

"Hay là Lenin?"

"Hay là Stalin không mặc quân phục?"

Lợi dụng lúc bối rối chung, tôi giằng khỏi hai đứa giữ mình, và với cú xô mạnh, tôi tách đám đông và nhào tới cuốn sách của mình, hét: "Đừng rớ tới!" như thể nó là bom sắp nổ.

Trước khi thằng què có thì giờ nhận ra sự việc, tôi đã giật cuốn sách khỏi tay nó và bỏ chạy.

Một loạt đá và lời chế nhạo đuổi theo tôi. "Đồ giặt quần! Đồ hèn! Tụi tao sẽ cho mày học tập cải tạo tới nơi tới chốn, mày cứ đợi đó!" Một viên ná bắn trúng tai trái tôi. Tôi thấy đau nhói, và thình lình bên tai đó không còn nghe gì nữa. Tôi đưa tay lên sờ tai, ngón tay tôi đẫm máu.

Phía sau tôi, lời lăng nhục càng lúc càng lớn và bẩn thỉu hơn. Tiếng sủa dội vách đá vang vọng trong thung lũng, giọng càng lúc càng đe doạ, như chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới hay thậm chí một cuộc hành hình. Cuối cùng tiếng ồn lắng xuống, và im lặng lại ngự trị.

Trên đường về tối hôm đó gã cớm chìm thương tích buồn bã quyết định rằng sứ vụ của hắn không thể hoàn thành.

Tối hôm đó hình như dài vô tận. Ngôi nhà sàn dường như hiu quạnh hơn, trống trải hơn, ẩm ướt hơn bao giờ. Mùi tan hoang phảng phất trong không khí. Một mùi không thể lầm: lạnh lẽo, ôi mốc, ẩm ướt. Căn nhà như bỏ hoang từ lâu. Để cố quên cái đau bên tai trái, tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết ưa thích của mình, Jean-Christophẹ Tôi thắp vài ngọn đèn dầu để bớt cô đơn, nhưng ngọn lửa nồng nặc vẫn không át được mùi ngột ngạt, và nỗi u sầu của tôi sâu thêm.

Tai tôi ngưng chảy máu, nhưng bầm tím, sưng tấy, và đau tới nỗi tôi không tập trung đọc sách được. Khi rón rén đưa tay sờ vết bầm, tôi lại tràn ngập giận dữ.

Thật là một đêm lạ kỳ! Tôi còn nhớ rõ, nhưng ngay cả sau bao năm tôi vẫn không hoàn toàn hiểu phản ứng của mình. Cái đau ở tai làm tôi thức suốt đêm, và trăn trở như trên giường rải đinh. Thay vì nghĩ cách trả thù - chẳng hạn như xẻo tai gã què - tôi cứ tưởng tượng mình lại bị lũ nhà quê đó tấn công. Tôi hình dung bị trói vào cây, chúng bu quanh, đấm và tra tấn tôi. Tia nắng cuối ngày lấp lánh trên lưỡi dao gã què vung lên. Nó không giống con dao đồ tể thường thấy, vì lưỡi dao dài và nhọn lạ lùng. Gã què vuốt ngón tay trên lưỡi dao, mân mê nó, rồi giơ con dao xẻo đứt tai trái tôi bằng một cú chớp nhoáng không tiếng động. Tai tôi rơi xuống đất và nảy tưng lên, trong khi gã đao phủ lau máu trên lưỡi dao dài. Tôi thoát khỏi bị khổ hình thêm, nhờ cô bé thợ may đến khóc đầm đìa nước mắt. Bọn côn đồ bỏ trốn.

Rồi tôi tưởng tượng mình được cô sơn nữ có móng tay sơn nhựa hương đỏ thẫm cởi trói. Nàng cho phép tôi nắm ngón tay đưa vào miệng và âu yếm liếm. Ngon ngọt làm sao! Nhựa hương sơn các ngón tay bóng bẩy ngát mùi xạ thơm, gợi bản năng nhục dục của tôi. Màu nhuộm đỏ thẫm, thấm nước bọt của tôi càng rực sáng hơn, rồi như núi lửa nổ bùng, nó mềm đi và chảy thành dòng dung nham sôi sục nóng đỏ trên lưỡi tôi, tràn khỏi môi tôi.

Khi đã trào ra, dung nham chảy xuống cằm, thành dòng trên đôi vai bầm tím của tôi, nấn ná trên tấm ngực lép, vòng quanh nụ hoa, ngoằn ngoèo xuống hông, ngừng nơi rốn trước khi thâm nhập và uốn khúc qua huyết quản và nội tạng tôi, la liếm và tìm đường tới cội nguồn nam tính của tôi, nơi đó máu sôi hỗn loạn và tự ý, hoàn toàn bất chấp giới hạn chặt chẽ mà gã mật vụ đã lầm lẫn tự đặt cho hắn.

Ngọn đèn dầu cuối cùng bập bùng và tắt ngóm, để lại gã mật vụ nằm sấp mặt trên giường, buông thả mình trong bóng đêm cho lòng phản bội làm quần hắn nhớp nhúa.

Kim dạ quang của đồng hồ báo thức chỉ nửa đêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện