Bẻ Kiếm Bên Trời

Chương 14: Vó bạch câu ngàn dặm rong ruổi



Vi Quân Hiệp vừa thấy người đặt tay lên vai mình, chàng giật mình kinh hãi. Nhưng chỉ trong chớp mắt, chàng trấn tĩnh lại ngay và nổi giận lớn tiếng quát hỏi :

- Triển cô nương! Cô định đến bao giờ mới buông tha ta?

Vừa dứt lời, bỗng nghe thanh âm một người đàn ông đứng tuổi hỏi lại bằng một giọng ồm ồm :

- Triển cô nương nào?

Vi Quân Hiệp biết mình nhận lầm, liền quay đầu nhìn lại thì thấy một hán tử, mặt đỏ tía, râu quăn, thân hình đã thấp lùn lại nhỏ bé đứng sững tiểu muội.

Người này tuy thấp lùn nhỏ bé nhưng tướng mạo vạm vỡ, hiên ngang. Cứ trông mặt y thì thân hình phải cao đến tám thước mới cân đối. Thế mà y đứng còn thấp hơn Vi Quân Hiệp một cái đầu, nên con người có vẻ dị dạng.

Vi Quân Hiệp thấy y là một người lạ, chưa từng gặp mặt bao giờ, nên không muốn lôi thôi, chàng vội lùi lại mấy bước nói :

- Xin lỗi các hạ! Tại hạ nhận lầm rồi.

Gã hán tử đứng tuổi cười lên mấy tiếng quái dị nói :

- Nhận lầm người là chuyện thường. Nhưng ngươi nhận ta là một vị cô nương nào đó, thì thật đáng buồn cười.

Vi Quân Hiệp cũng tự cười lầm cho mình. Chàng giải thích :

- Tại hạ vì có một cô họ Triển cứ quấy rầy hoài, nên lúc các hạ đặt tay lên vai, thiếu hiệp cứ tưởng là cô ta.

Hán tử trung niên bật lên tiếng cười khem khép như vịt đực, y nói :

- Hay quá! Ông bạn thật là người có diễm phúc được vị cô nương nhỏ nhắn quấn quít bên mình quấy rầy thì còn ai nào bằng?

Vi Quân Hiệp cười dở khóc dở nữa đáp :

- Các hạ đừng nói giỡn tại hạ nữa!

Hán tử hỏi :

- Phải chăng cô gái đó xấu xa quá nên bạn không thích?

Vi Quân Hiệp lắc đầu đáp :

- Không phải thế đâu! Cô ta nhan sắc mê người.

Hán tử hỏi :

- Thế ư? Như vậy chẳng phải diễm phúc cho ông bạn là gì? Sao còn bảo ta nói giỡn?

Vi Quân Hiệp lắc đầu quầy quậy, không biết giải thích thế nào nữa...

Hán tử lại nói :

- Phải rồi! Chắc cô nương đó là bông hoa đã có chủ, ông bạn không tiện giơ đao lên để cướp tình yêu, nên trong lòng phiền muộn phải không?

Vi Quân Hiệp lắc đầu khoát tay đáp :

- Trời ơi! Có phải thế đâu! Trong lòng tại hạ đã buồn bực đủ điều, các hạ đừng hỏi đến nữa có hay không?

Hán tử lấy làm thích thú hỏi nữa :

- Chao ôi! Thế thì ông bạn còn muốn người thế nào mới vừa ý? Hay là ông bạn đến đây còn vội đi kiếm ai?

Vi Quân Hiệp thấy hán tử ra vẻ con người biết điều chứ không phải hạng phá quấy liền đáp :

- Đúng thế! Tại hạ đang vội đi kiếm sư thúc là Phi Kiếm Thủ Viên Kiến Long.

Hán tử cười hà hà nói :

- Té ra ông bạn đi tìm Viên huynh ư? Viên huynh quen biết ta từ lâu lắm.

Vi Quân Hiệp nghe y nói là bạn lâu năm với sư thúc mình, thì không dám coi thường nữa, vội hỏi :

- Tiền bối là ai?

Hán tử đáp :

- Danh tánh ta có khi ngươi chưa nghe ai nói tới. Nhưng ca ca là người có tiếng tăm lớn trong võ lâm. Y là Tử Kim Thần Long Dương Phát, Chưởng môn nhân phái Hoa Sơn.

Dĩ nhiên Vi Quân Hiệp biết Dương Phát rồi, vì tại Lý đó trang Dương Phát nghe mấy hồi tiếng chim mà bị nội thương và lúc ấy Vi Quân Hiệp cũng có mặt tại đó. Nhưng chàng không biết lão còn có anh em.

Chàng để ý nhìn hòa thượng một hồi thì chỉ thấy thân hình hai anh em khác nhau ở chỗ. Dương Phát cao lớn đẫy đà, còn hòa thượng bé nhỏ thấp lùn. Song cũng sắc mặt đỏ tía, cũng râu quăn, khuôn mặt cũng hao hao giống nhau.

Vi Quân Hiệp lẩm bẩm :

- Kiến văn mình không được rộng rãi. Hoặc giả Dương Phát có ông em này cũng chưa biết chừng.

Nghĩ vậy chàng hỏi :

- Té ra là Dương tiền bối! Dương đại hiệp bị nội thương ở Lý gia trang tiền bối biết rồi chứ?

Hán tử đáp :

- Dĩ nhiên là ta phải biết. Đã có lần ta cùng đi với đại ca ta đến nhà Viên Kiến Long để qua thăm Kim Long kiếm khách Vi Cự Phu. Bây giờ ta cũng muốn đến Lý gia trang xem nhân vật nào mà lợi hại thế! Hắn làm cho mấy cao thủ phải điên đầu.

Vi Quân Hiệp nghe hán tử nói đâu ra đấy, liền coi y như người cùng phe với mình, hỏi ngay :

- Thế ra các vị đã đến nhà gia phụ rồi ư?

Hán tử đưa mắt nhìn Vi Quân Hiệp đáp :

- Ủa? Té ra ngươi là Vi hiền điệt đây ư?

Vi Quân Hiệp sửng sốt hỏi :

- Tiền bối cũng là chỗ quen biết với gia phụ ư?

Hán tử lại cười khép khép, giơ tay vỗ vai Vi Quân Hiệp mấy cái, nói :

- Dĩ nhiên là quen biết! Hiền điệt ơi! Hiền điệt nên gọi ta là Dương nhị thúc.

Vi Quân Hiệp ngần ngừ một chút cũng ngập ngừng lên tiếng :

- Dương... nhị thúc!

Hán tử nói :

- Hiền điệt! Hiền điệt có biết địch nhân là ai không?

Vi Quân Hiệp thở dài nói :

- Dương nhị thúc đừng nói tới nữa, chính là con người tiểu điệt kêu bằng Triển cô nương đó. Nàng cứ theo dõi ám ảnh tiểu điệt hoài.

Hán tử vung tay lên nói :

- Chà, té ra là một vị tiểu cô nương. Thế thì cô ả ghê gớm thật! Thiên Ngô lão nhân, Tử Kim Thần Long và Kim Điêu Lý Thọ Nguyên là những nhân vật thế nào mà ả dám đùa bỡn? Ta phải cho cô ả một bài học mới xong.

Vi Quân Hiệp nói :

- Dương nhị thúc! Theo ý tiểu điệt thì ta nên về nhà để gặp gia phụ rồi hãy bàn tính.

Hán tử nghe nói liền trân mắt lên hỏi :

- Sao? Ngươi biểu ta không địch nổi con bé đó chăng?

Vi Quân Hiệp đáp :

- Dương nhị thúc. Võ công nàng cao thâm khôn lường.

Hiền điệt hãy yên tâm! Đã có ta đây, Triển Phi Yên không dám càn dở đâu!

Vi Quân Hiệp ngạc nhiên hỏi :

- Ủa! Té ra Dương nhị thúc cũng biết tên họ nàng rồi ư?

Hiện trường nói :

- Dĩ nhiên ta phải biết, vì ba chữ Triển Phi Yên đã khiến cho quần hùng võ lâm phải táng đởm kinh hồn.

Vi Quân Hiệp nhíu cặp lông mày nghĩ bụng :

- Sao lão này lại thổi phồng Triển Phi Yên lên đến thế?

Chàng chưa kịp mở miệng thì hán tử đã nói tiếp :

- Nhưng ta đã đến đâu thì chỗ đó Triển Phi Yên không dám xuất hiện nữa! Ngươi có tin thế không?

Vi Quân Hiệp không tiện nói ra là không tin lão, chàng chỉ cười gượng rồi không nói gì.

Hán tử lại nói :

- Thôi được. Chúng ta hãy về Lũng Tây xem lệnh tôn có chủ ý gì không?

Vi Quân Hiệp nghĩ thầm :

- Từ đây về đến Lũng Tây ít ra cũng mất mấy ngày đường. Nếu mình đi với lão hay ba hoa khoác lác, lại hay thổi phồng người nọ, người kia, suốt ngày mình phải nghe những chuyện không đâu, thì cũng phải chẳng có gì hứng thú.

Nhưng chàng chưa nghĩ ra được kế gì để ly khai lão.

Chàng còn đang do dự, thốt nhiên hán tử hú lên một tiếng lanh lảnh.

Nguyên hán tử này giọng nói khàn khàn, cả lúc cười cũng chỉ bật lên những tiếng khép khép như tiếng vịt đực. Thế mà lúc lão hú lên, thanh âm lại cực kỳ vang dội, khiến cho Vi Quân Hiệp giật nẩy mình lên hỏi :

- Dương nhị thúc làm sao thế?

Hán tử chưa trả lời thì đã nghe tiếng vó ngựa lộp cộp từ đằng nọ đi đến, mau lẹ vô cùng.

Đất Lũng Tây, nguyên là một khu đất bằng và cũng là nơi sản xuất ngựa tốt. Vi Quân Hiệp là dòng dõi võ hiệp thế gia. Nhà chàng nuôi ngựa không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng trước nay, chàng chưa nghe tiếng vó ngựa nào nhanh bằng con này.

Chỉ trong chớp mắt, hai con ngựa trắng như tuyết đã chạy gần đến trước mặt. Dáng hai con ngựa này cực kỳ thần tuấn. Dưới ánh sáng mặt trời, trông tựa hồ như hai con ngựa đúc bằng bạc.

Vi Quân Hiệp bất giác la lên :

- Con ngựa này tốt thiệt.

Hán tử nói :

- Hạng ngựa này chưa có chi đáng kể, người nhà ta bảo đây chưa phải là hạng ngựa tốt nhất.

Vi Quân Hiệp sửng sốt nói :

- Té ra phái Hoa Sơn nuôi được giống ngựa tốt như vậy mà trong võ lâm không ai biết tới.

Hán tử ra chiều hơi bẽn lẽn, nhưng Vi Quân Hiệp chỉ để mắt nhìn đôi ngựa trắng, chàng không chú ý đến bộ mặt e thẹn của hán tử.

Chỉ trong nháy mắt, hán tử đã bình tĩnh lại, nói :

- Lên ngựa đi!

Vi Quân Hiệp mừng rỡ hỏi :

- Tiểu điệt cưỡi ngựa này ư?

Nguyên người thích ngựa hễ trông thấy giống ngựa quý là mừng rỡ vô cùng. Con ngựa quý nhường này, tất chủ nó quý hơn cả tính mạng, chớ không phải như giống súc sinh thường. Chính mình có cưỡi một lúc cũng không muốn rời bỏ nữa, khi nào còn để cho người khác cưỡi.

Vì vậy mà Vi Quân Hiệp nghe hán tử giục mình lên ngựa, chàng khoan khoái vô cùng, hỏi lại một câu lấy lệ và chỉ sợ đối phương thay đổi ý kiến. Chàng không chờ hán tử trả lời, tung mình nhảy phốc lên ngựa ngay.

Hán tử lại phát ra tiếng hú lanh lảnh như trước. Con bạch mã không chờ Vi Quân Hiệp giật cương, nó đã vọt đi như bay.

Vi Quân Hiệp ngồi trên lưng ngựa cảm thấy cực kỳ êm ái mà cước trình của nó lại mau lẹ phi thường. Bên tai chàng chỉ nghe tiếng gió vù vù. Cảnh vật hai bên loang loáng chạy giật lùi lại, không còn phân biệt được vật gì nữa.

Lát sau, chàng thấy hán tử cưỡi còn ngựa bạch mã khác đuổi tới nơi. Hai người chạy song song.

Vi Quân Hiệp mấy lần toan cất tiếng hỏi, nhưng vì gió tạt vào mặt mạnh quá không sao mở miệng được.

Hán tử vẫn tỏ vẻ ung dung như không. Vi Quân Hiệp lại càng thán phục.

Hai người đều phóng nước đại đi một một mạch cho đến lúc hoàng hôn, không hiểu đã đi được bao nhiêu đường đất, chỉ biết rằng dọc đường đã đuổi kịp không biết bao nhiêu ngựa khác, rồi bỏ lại đằng sau.

Trời mỗi lúc một tối xẩm lại. Hai con ngựa vẫn không tỏ vẻ gì là muốn dừng bước.

Bỗng phía trước mặt thấy mấy làn khói nổi lên, thì ra đây là một thị trấn.

Vi Quân Hiệp nghĩ bụng :

- Chắc lão này dừng lại nghỉ đêm trong thị trấn.

Nhưng hai con ngựa vẫn dông tuốt và vẫn phi như gió, đi qua thị trấn chạy luôn không ngừng.

Lúc đôi ngựa đi qua thị trấn, bên tai bỗng nghe có tiếng người trầm trồ khen ngợi :

- Ngựa hay tuyệt!

Nhưng Vi Quân Hiệp quay đầu nhìn lại xem ai thì con bạch mã đã đi xa mười mấy trượng còn trông rõ thế nào được?

Vi Quân Hiệp trong lòng ngờ vực vì người bật lên tiếng khen “Ngựa hay tuyệt” vừa rồi chàng nghe rất quen tai, giống thanh âm Tử Kim Thần Long Dương Phát.

Giả tỷ là người quen nào khác thì Vi Quân Hiệp cũng chẳng để tâm suy nghĩ làm chi, vì ai thấy đôi ngựa tốt đến thế mà chẳng trầm trồ khen ngợi? Nhưng thanh âm này lại giống Dương Phát Điều làm cho Vi Quân Hiệp rất thắc mắc vì Dương Phát là Chưởng môn phái Hoa Sơn mà đôi ngựa này đã do phái đó sản xuất thì sao Dương Phát thấy nó còn lấy làm kinh dị?

Vi Quân Hiệp ngẫm nghĩ một lúc lúc rồi cho là mình nghe lầm nên chẳng buồn để ý làm chi nữa, và vẫn cho ngựa chạy nước đại.

Mãi đến lúc vừng trăng tỏ lên cao, hán tử lại phát ra tiếng hú lanh lảnh. Đôi ngựa cũng hí lên một tiếng dài rồi dừng lại. Vi Quân Hiệp ngẩng đầu nhìn ra phía trước không khỏi kinh ngạc vì trước mặt chàng là một khu rừng lớn trồng toàn táo hiện ra trước mắt.

Khu rừng táo này Vi Quân Hiệp đã biết rõ. Khi chàng ở nhà ra đi được hai ngày đường đã qua đây rồi. Khi đó chàng chưa gặp Thiên Sơn Thần Hầu Lao Tất Hỷ và cách Lý gia trang ít ra là bốn trăm dặm đường mà sao ngựa chạy mới nửa ngày đã đến nơi?

Cứ hiện trạng này mà suy. Nếu nghỉ lại một chút bên đường này thì chỉ trưa mai là về đến nhà.

Hán tử lấy ra vô số lương khô quăng cho Vi Quân Hiệp nói :

- Ngươi ăn lẹ đi! Ăn xong chúng ta còn thượng lộ!

Vi Quân Hiệp vừa ăn lương khô, thốt nhiên nghĩ đến một điều liền hỏi hán tử :

- Dương nhị thúc! Đôi ngựa bạch này của nhị thúc cước trình mau lẹ như vậy chắc là qua chỗ Dương đại hiệp cùng Viên sư thúc rồi?

Hán tử đáp :

- Dĩ nhiên là thế. Nghĩ đến bọn họ làm chi?

Vi Quân Hiệp thấy hán tử nói vậy lấy làm kỳ. Chàng tự hỏi :

- Sao y lại có thể nói một câu bạt mạng không cần hỏi han đến những người này?

Chàng càng nghĩ càng thấy hán tử trung niên này là con người cực kỳ thần bí. Nhưng chàng thấy đường này đúng là đường về nhà mình, nên chàng cũng không hỏi nữa.

Trong đầu óc chàng chuẩn bị sẵn sàng những điều gì cần phải trình bày với phụ thân rồi sẽ tính.

Hán tử ăn như rồng cuốn hết cả chỗ lương khô rồi nói :

- Hay lắm! Chúng ta đi chuyến này chỉ một mạch nữa là đến nơi. Ngươi nhớ đừng giật cương ngựa lại. Nếu không biết tính nói thì nó sẽ hất ngươi xuống đó. Chỉ chừng vào lúc hoàng hôn ngày mai là tới thôi.

Vi Quân Hiệp hỏi :

- Sao lại hoàng hôn mới tới? Theo thiển ý của tiểu điệt thì chỉ trưa mai đã đến nơi.

Hán tử đáp :

- Ồ! Ngươi biết thế nào được? Lên ngựa đi thôi.

Vi Quân Hiệp nghĩ bụng :

- Có lẽ ngựa chạy lâu mệt nhọc vì thế tốc độ không nhanh như trước nữa nên đi mới lâu thế.

Nghĩ vậy, chàng tung mình lên ngựa. Đôi ngựa bạch lại nhìn về phía trước thẳng dong.

Đi cho đến lúc trời sáng, Vi Quân Hiệp mới nhận thấy có điều khác lạ.

Nguyên ngựa chạy mau quá, Vi Quân Hiệp không nhận rõ phương hướng nên chẳng biết đã đi về ngả nào.

Mãi đến lúc mặt trời lên cao, Vi Quân Hiệp mới nhận ra là mình đi về mé tả. Như thế rẽ về phương Nam. Chính ra phải đi lên hướng bắc mới đúng đường về nhà mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện