Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót
Chương 51: Chương 02
2
Tỉnh giấc đông miên
♦
Thêm một danh thiếp nữa
♦
Đồng tiền vô danh
Dĩ nhiên, muốn mảnh đất đó không thôi thì chưa đủ biến nó thành của mình. Số tiền tôi hiện có trong tay gần như bằng không. Tôi vẫn còn một ít tiền mẹ tôi để lại, nhưng khoản ấy chẳng mấy chốc cũng chẳng còn gì, miệng ăn núi lở. Tôi không có việc làm, cũng chẳng có gì thế chấp. Mà trên thế giới này chẳng có ngân hàng nào cho một kẻ như tôi vay tiền chỉ vì lòng tốt. Có hoạ là phù thuỷ thì mới phù phép ra tiền từ không khí được. Đã vậy còn phải làm thật nhanh.
Một buổi sáng nọ tôi đi bộ đến nhà ga mua mười tấm vé số năm mươi triệu Yên có dãy số kế tiếp nhau. Tôi dùng đinh ghim cắm chúng lên một mảng tường nhà bếp rồi ngắm hàng ngày. Đôi khi tôi để hàng tiếng đồng hồ ngồi trên ghế mà nhìn chúng chăm chăm, như thể đợi một mật mã bật ra từ chúng mà chỉ mình tôi đọc được. Sau mấy ngày như vậy, bỗng dưng tôi như choàng tỉnh:
Tôi sẽ chẳng bao giờ trúng số cả.
Chẳng mấy chốc tôi biết chắc điều đó. Mọi việc đâu thể giải quyết dễ dàng như vậy: ra nhà ga mua mấy tờ vé số rồi ngồi đợi kết quả. Tôi phải kiếm tiền bằng nỗ lực của chính mình thôi. Tôi bóc hết các tờ vé số ra khỏi tường vứt đi. Rồi tôi lại đứng trước gương nơi bồn rửa mặt, nhìn chăm chú vào chiều sâu của nó. Phải có cách nào đó, tôi nói với chính mình ở trong gương, nhưng dĩ nhiên không có lời đáp lại.
° ° °
Mệt nhoài vì cứ giam mình mãi trong nhà, quẩn quanh với những ý nghĩ của mình, tôi bắt đầu tản bộ quanh các khu lân cận. Tôi cứ đi loanh quanh vô mục đích như thế suốt ba, bốn ngày, đến khi đã chán những khu lân cận thì tôi bắt xe lửa đến khu Shinjuku. Ý muốn đi xuống khu trung tâm nảy đến khi tôi tình cờ đi qua nhà ga. Tôi nghĩ, đôi khi thử chuyển sang một khung cảnh khác mà suy nghĩ thì cũng tốt. Với lại, đã lâu tôi không đi tàu điện. Thực vậy, khi bỏ tiền vào máy bán vé tự động, tôi cảm thấy lúng túng như khi làm một việc gì đó không quen. Lần cuối tôi đi trên các phố trung tâm là khi nào nhỉ? Cũng phải hơn sáu tháng rồi. Từ khi tôi đi theo gã đàn ông mang thùng ghi-ta từ cổng phía tây khu Shinjuku.
Quang cảnh đám đông ở ga Shinjuku làm tôi choáng váng. Chỉ cần thấy dòng người đi lại là tôi đã thấy nghẹt thở, thậm chí tim đập thình thình, ấy thế mà nào phải giờ cao điểm! Khó khăn lắm tôi mới chen qua được khối người. Đây không phải là đám đông mà là một dòng chảy khổng lồ xé tan tành và cuốn phăng nhà cửa. Mới đi bộ được dăm phút, tôi đã cảm thấy phải làm cho thần kinh dịu lại. Tôi vào một quán cà phê đối diện với đại lộ, ngồi cạnh ô cửa sổ lớn bằng kính. Đã xế trưa, quán thưa khách. Tôi gọi một tách ca cao rồi lơ đãng nhìn người qua kẻ lại ngoài kia.
Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Có thể mười lăm phút, có thể hai mươi phút, nhưng rồi tôi nhận ra mình đang dõi theo từng chiếc Mercedes-Benz, Jaguar và Porsche bóng lộn đang chậm chạp bò trên đại lộ nêm kín những xe. Trong ánh nắng mai tươi rói sau một đêm mưa, những chiếc xe kia lấp lánh chói lọi hầu như nhức mắt, như là biểu tượng cho một cái gì. Không có lấy một hạt bụi. Những kẻ ngồi trong xe đó có tiền. Ý nghĩ như vậy chưa bao giờ nảy ra trong tôi trước đây. Tôi nhìn hình ảnh chính mình phản chiếu trong gương mà lắc đầu. Từ cha sinh mẹ để đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi cần tiền ghê gớm đến vậy.
Khi đám đông khách ăn trưa bắt đầu ùa vào quán, tôi quyết định đi dạo. Tôi chẳng có mục đích nào cụ thể, chỉ là muốn đi bộ qua khu trung tâm thành phố mà đã lâu tôi không đến. Tôi đi bộ từ phố này sang phố nọ, ý nghĩ duy nhất của tôi là cố sao tránh va vào những người đi ngược chiều tôi. Tôi rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng tuỳ theo sự thay đổi của đèn giao thông hay ý thích nhất thời. Thọc tay vào túi, tôi tập trung vào bản thân hành động đi - từ các đại lộ với hàng dãy siêu thị và cửa sổ bày hàng, đến những ngõ hẻm phía sau với những porno shop 1 trang hoàng loè loẹt, qua những con phố đông vui lắm rạp chiếu phim, qua khuôn viên tĩnh mịch những đền thờ Thần đạo rồi lại quay về các đại lộ. Buổi chiều ấm áp, gần một nửa đám đông đã bỏ áo khoác lại nhà. Làn gió nhẹ chốc chốc lại thổi, cảm giác đổi thay dễ chịu. Chưa kịp nhận ra thì tôi đã lại đứng trong khung cảnh quen thuộc. Tôi nhìn những viên gạch dưới chân mình, nhìn bức tượng nhỏ đứng kia, nhìn toà nhà bằng kính cao chót vót phía trên tôi. Tôi đang đứng ngay giữa quảng trường nhỏ bên ngoài toà nhà cao tầng nơi tôi đã đến hồi mùa hè năm ngoái để nhìn người qua kẻ lại theo lời khuyên của ông cậu. Tôi đã làm vậy suốt mười một ngày, cuối cùng tôi theo gã đàn ông kỳ quặc ôm thùng đàn ghi-ta bước vào gian ngoài căn nhà lạ lùng kia, ở đó hắn tấn công tôi bằng gậy bóng chày. Giờ đây lang thang vô định quanh khu Shinjuku, bước chân tôi lại đến chính nơi này.
Cũng như trước, tôi mua cà phê và bánh cam vòng tại cửa hàng bánh Dunkin rồi đi đến chỗ băng ghế trên quảng trường. Tôi ngồi nhìn mặt những người qua lại, việc đó khiến tâm trạng tôi càng lúc càng bình an. Tôi dễ chịu vì một lý do mà tôi không hiểu được, như thể tôi đã tìm thấy một cái ổ tiện nghi trên tường nơi không ai có thể nhận ra rằng tôi đang quan sát họ. Đã lâu lắm rồi tôi không nhìn mặt thiên hạ kỹ đến vậy. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng không chỉ mặt. Tôi đã không hề nhìn - thật sự nhìn - bất cứ cái gì trong sáu tháng qua. Tôi ngồi thẳng người dậy trên ghế, lấy tư thế thăng bằng để nhìn sự vật. Tôi nhìn những con người, nhìn những toà nhà cao ngất trên đầu, nhìn bầu trời mùa xuân ló ra qua những đám mây vừa tản mác, tôi nhìn những bảng hiệu nhiều màu sắc, tôi nhặt một tờ báo nằm bên cạnh rồi nhìn nó. Khi chiều xuống, màu sắc chân thực dần dần quay trở lại với vạn vật.
° ° °
Sáng hôm sau tôi lại bắt tàu điện đến khu Shinjuku. Tôi ngồi cũng trên băng ghế ấy, nhìn mặt người qua lại. Buổi trưa tôi lại ăn bánh cam vòng và uống cà phê. Trước khi đến giờ cao điểm chiều, tôi lên xe điện về nhà. Tôi làm bữa tối, uống bia rồi nghe nhạc trên radio. Ngày hôm sau tôi cũng làm đúng như vậy. Hôm ấy cũng không có gì xảy ra. Nhưng tôi có một cảm giác mơ hồ rằng mình đang nhích gần đến một cái gì đó từng tí một. Tôi có thể nhận ra cái chuyển động đó, cái gần gũi hơn từng tí một đó mỗi khi nhìn chính mình trong gương trước bồn rửa mặt. Màu sắc của vết bầm càng sống động hơn bao giờ hết, ấm áp hơn bao giờ hết. Vết bầm của mình có sự sống, tôi tự nhủ. Nó đang sống, cũng như tôi.
Tôi lặp lại quy trình đó hàng ngày, hệt như mùa hè trước: sau mười giờ sáng một chút lên tàu điện đến thành phố, ngồi trên băng ghế nơi quảng trường cạnh toà nhà cao tầng, nhìn người qua kẻ lại suốt ngày, tuyệt không nghĩ ngợi gì. Thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao những âm thanh có thực quanh tôi trở nên xa xăm, nhỏ dần rồi tắt ngấm. Cái duy nhất tôi nghe thấy vào những lúc đó là tiếng nước chảy sâu thẳm, êm lặng. Tôi nghĩ tới Kano Malta. Cô đã nói về chuyện lắng nghe tiếng nước. Nước là chủ đề chính của cô. Nhưng tôi không thể nhớ ra Kano Malta đã nói gì về tiếng nước. Tôi cũng không nhớ được mặt cô. Chỉ nhớ được mỗi màu đỏ chiếc mũ bằng vải vinyl mà cô đội. Tại sao lúc nào cô ta cũng đội chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ ấy?
Nhưng rồi các âm thanh dần dần trở lại với tôi, và một lần nữa tôi lại ngắm gương mặt mọi người.
° ° °
Vào buổi chiều ngày thứ tám tôi lên phố, một người đàn bà nói chuyện với tôi. Lúc đó tôi đang nhìn hướng khác, tay cầm cốc cà phê rỗng. "Xin lỗi" bà ta nói. Tôi quay lại, ngước mắt lên thì thấy gương mặt một phụ nữ đang đứng trước mặt tôi. Đó chính là người đàn bà luống tuổi mà tôi đã gặp ở đây mùa hè năm ngoái, người duy nhất đã nói chuyện với tôi trong suốt khoảng thời gian tôi ngồi trên quảng trường. Chẳng phải tôi ngồi ở đây với ý định sẽ gặp lại bà ta, nhưng khi bà ta lên tiếng với tôi, dường như đó là kết cục tự nhiên của một dòng chảy lớn vậy.
Cũng như trước, người đàn bà ăn mặc không chê vào đâu được, cả về chất lượng từng thứ bà ta mặc lẫn cách kết hợp thứ này với thứ kia. Bà ta đeo kính đồi mồi màu tối, vận áo khoác màu xanh khói có độn vai, váy nỉ kẻ ô màu đỏ. Áo blouse của bà bằng lụa, trên ve áo khoác lấp lánh một chiếc ghim bằng vàng chạm khắc tinh xảo. Đôi giày cao gót màu đỏ của bà có kiểu dáng giản dị, song số tiền bà ta bỏ ra mua nó hẳn đủ cho tôi sống được vài tháng. Quần áo tôi thì chẳng đâu vào đâu, như mọi khi: chiếc áo khoác bóng chày tôi mua từ hồi mới vào đại học, áo thun màu xám cổ đã doãng ra, và đôi giày tennis xưa kia màu trắng nhưng bây giờ chẳng biết gọi màu gì.
Mặc sự tương phản một trời một vực kia, bà ta ngồi xuống cạnh tôi, bắt tréo chân, rồi chẳng nói chẳng rằng rút từ trong ví cầm tay ra một gói Virginia Slims. Bà ta mời tôi một điếu, hệt như dạo hè năm ngoái, và một lần nữa tôi từ chối. Bà ta cho một điếu lên miệng rồi châm lửa bằng cái bật lửa bằng vàng dài dài, thanh mảnh, cỡ bằng viên tẩy. Rồi bà ta tháo kính, cho vào túi áo khoác, đoạn nhìn tôi chăm chú như thể đang tìm một đồng bạc bà ta đánh rơi vào một cái ao cạn. Tôi cũng nhìn vào mắt bà ta. Mắt bà ta thật lạ, sâu thẳm nhưng vô cảm.
Bà ta hơi nheo mắt rồi nói:
- Thế là cậu quay lại đấy.
Tôi gật.
Tôi dõi theo khói thuốc mỏng tang bay lên từ đầu điếu thuốc của bà ta rồi tản đi theo gió, biến mất vào không khí. Bà ta ngoái lại nhìn quang cảnh chung quanh, như để tận mắt thấy tôi đang nhìn những gì từ chiếc ghế này. Tuy vậy, những gì trông thấy hình như chẳng làm bà ta bận tâm. Bà lại quay sang nhìn tôi. Bà nhìn chằm chằm vào vết bầm của tôi một hồi lâu, đoạn nhìn vào mắt tôi, vào mũi, vào miệng tôi, rồi lại nhìn vết bầm. Tôi có cảm giác thật ra bà chỉ muốn săm soi tôi như săm soi một con chó ngoài hội chợ: cạy mõm ra để kiểm tra răng tôi, dòm vào trong tai tôi.
- Hiện giờ tôi đang cần tiền, - tôi nói.
Bà im lặng một chút.
- Bao nhiêu?
- Tám mươi triệu Yên là đủ.
Bà ta thôi nhìn tôi mà ngước lên trời như để nhẩm tính: xem nào, nếu mình lấy chỗ này một chút, chuyển từ kia một chút... Suốt thời gian đó tôi quan sát cách trang điểm của bà ta: mắt đánh rất nhạt như cái bóng của một suy nghĩ, hàng mi cong tinh tế như một biểu tượng nào đó.
- Số tiền đó không nhỏ, - bà ta nói, môi hơi cong lại.
- Tôi thì tôi nói là quá lớn.
Điếu thuốc chỉ mới hút được một phần ba, nhưng bà ta thả xuống đất rồi cẩn thận dùng gót giày di nát. Rồi ba ta lấy một hộp đựng danh thiếp bằng da thuộc ra khỏi chiếc ví cầm tay mỏng mảnh, gí một tấm danh thiếp vào tay tôi.
- Chiều mai đúng 4 giờ hãy đến địa chỉ này, - bà ta nói.
Trên danh thiếp chỉ ghi có mỗi địa chỉ - một toà nhà văn phòng ở quận Akasaka giàu có. Không có tên. Tôi lật mặt sau xem, nhưng mặt sau trắng. Tôi đưa lên mũi ngửi, nhưng nó chẳng có mùi gì. Nó chỉ là một tấm danh thiếp trắng bình thường.
- Không có tên à? - tôi hỏi.
Lần đầu tiên bà ta mỉm cười, nhẹ nhàng lắc đầu.
- Cậu chỉ cần tiền thôi mà. Tiền thì có tên không?
Tôi lắc đầu giống như bà ta. Dĩ nhiên, tiền thì vô danh. Nếu có tên thì nó chẳng còn là tiền nữa. Cái mang lại cho tiền ý nghĩa đích thực là sự vô danh tối mò như đêm đen của nó, cái khả năng trao đổi đầy áp đảo và nghẹt thở của nó.
Bà ta đứng dậy khỏi ghế.
- Cậu đến lúc 4 giờ chiều được chứ?
- Nếu tôi đến, bà sẽ đưa tiền tận tay tôi sao?
- Để xem, - bà ta nói, một nụ cười nơi khoé mắt bà ta như những hình mà gió vẽ ra trên cát. Bà ta ngắm khung cảnh xung quanh một lần nữa rồi kéo thẳng nếp váy cho có lệ.
Bà ta rảo bước rồi biến mất vào dòng người. Tôi vẫn nhìn điếu thuốc mà bà ta đã giẫm nát, nhìn màu son môi vấy trên đầu lọc. Màu đỏ tươi làm tôi nhớ tới chiếc mũ bằng vải vinyl của Kano Malta.
Nếu tôi có một cái gì đó của riêng mình, ấy chính là việc tôi chẳng có gì để mất. Có lẽ vậy.
- -------------------------------
1Cửa hàng bán sản phẩm phục vụ sex.
Tỉnh giấc đông miên
♦
Thêm một danh thiếp nữa
♦
Đồng tiền vô danh
Dĩ nhiên, muốn mảnh đất đó không thôi thì chưa đủ biến nó thành của mình. Số tiền tôi hiện có trong tay gần như bằng không. Tôi vẫn còn một ít tiền mẹ tôi để lại, nhưng khoản ấy chẳng mấy chốc cũng chẳng còn gì, miệng ăn núi lở. Tôi không có việc làm, cũng chẳng có gì thế chấp. Mà trên thế giới này chẳng có ngân hàng nào cho một kẻ như tôi vay tiền chỉ vì lòng tốt. Có hoạ là phù thuỷ thì mới phù phép ra tiền từ không khí được. Đã vậy còn phải làm thật nhanh.
Một buổi sáng nọ tôi đi bộ đến nhà ga mua mười tấm vé số năm mươi triệu Yên có dãy số kế tiếp nhau. Tôi dùng đinh ghim cắm chúng lên một mảng tường nhà bếp rồi ngắm hàng ngày. Đôi khi tôi để hàng tiếng đồng hồ ngồi trên ghế mà nhìn chúng chăm chăm, như thể đợi một mật mã bật ra từ chúng mà chỉ mình tôi đọc được. Sau mấy ngày như vậy, bỗng dưng tôi như choàng tỉnh:
Tôi sẽ chẳng bao giờ trúng số cả.
Chẳng mấy chốc tôi biết chắc điều đó. Mọi việc đâu thể giải quyết dễ dàng như vậy: ra nhà ga mua mấy tờ vé số rồi ngồi đợi kết quả. Tôi phải kiếm tiền bằng nỗ lực của chính mình thôi. Tôi bóc hết các tờ vé số ra khỏi tường vứt đi. Rồi tôi lại đứng trước gương nơi bồn rửa mặt, nhìn chăm chú vào chiều sâu của nó. Phải có cách nào đó, tôi nói với chính mình ở trong gương, nhưng dĩ nhiên không có lời đáp lại.
° ° °
Mệt nhoài vì cứ giam mình mãi trong nhà, quẩn quanh với những ý nghĩ của mình, tôi bắt đầu tản bộ quanh các khu lân cận. Tôi cứ đi loanh quanh vô mục đích như thế suốt ba, bốn ngày, đến khi đã chán những khu lân cận thì tôi bắt xe lửa đến khu Shinjuku. Ý muốn đi xuống khu trung tâm nảy đến khi tôi tình cờ đi qua nhà ga. Tôi nghĩ, đôi khi thử chuyển sang một khung cảnh khác mà suy nghĩ thì cũng tốt. Với lại, đã lâu tôi không đi tàu điện. Thực vậy, khi bỏ tiền vào máy bán vé tự động, tôi cảm thấy lúng túng như khi làm một việc gì đó không quen. Lần cuối tôi đi trên các phố trung tâm là khi nào nhỉ? Cũng phải hơn sáu tháng rồi. Từ khi tôi đi theo gã đàn ông mang thùng ghi-ta từ cổng phía tây khu Shinjuku.
Quang cảnh đám đông ở ga Shinjuku làm tôi choáng váng. Chỉ cần thấy dòng người đi lại là tôi đã thấy nghẹt thở, thậm chí tim đập thình thình, ấy thế mà nào phải giờ cao điểm! Khó khăn lắm tôi mới chen qua được khối người. Đây không phải là đám đông mà là một dòng chảy khổng lồ xé tan tành và cuốn phăng nhà cửa. Mới đi bộ được dăm phút, tôi đã cảm thấy phải làm cho thần kinh dịu lại. Tôi vào một quán cà phê đối diện với đại lộ, ngồi cạnh ô cửa sổ lớn bằng kính. Đã xế trưa, quán thưa khách. Tôi gọi một tách ca cao rồi lơ đãng nhìn người qua kẻ lại ngoài kia.
Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Có thể mười lăm phút, có thể hai mươi phút, nhưng rồi tôi nhận ra mình đang dõi theo từng chiếc Mercedes-Benz, Jaguar và Porsche bóng lộn đang chậm chạp bò trên đại lộ nêm kín những xe. Trong ánh nắng mai tươi rói sau một đêm mưa, những chiếc xe kia lấp lánh chói lọi hầu như nhức mắt, như là biểu tượng cho một cái gì. Không có lấy một hạt bụi. Những kẻ ngồi trong xe đó có tiền. Ý nghĩ như vậy chưa bao giờ nảy ra trong tôi trước đây. Tôi nhìn hình ảnh chính mình phản chiếu trong gương mà lắc đầu. Từ cha sinh mẹ để đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi cần tiền ghê gớm đến vậy.
Khi đám đông khách ăn trưa bắt đầu ùa vào quán, tôi quyết định đi dạo. Tôi chẳng có mục đích nào cụ thể, chỉ là muốn đi bộ qua khu trung tâm thành phố mà đã lâu tôi không đến. Tôi đi bộ từ phố này sang phố nọ, ý nghĩ duy nhất của tôi là cố sao tránh va vào những người đi ngược chiều tôi. Tôi rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng tuỳ theo sự thay đổi của đèn giao thông hay ý thích nhất thời. Thọc tay vào túi, tôi tập trung vào bản thân hành động đi - từ các đại lộ với hàng dãy siêu thị và cửa sổ bày hàng, đến những ngõ hẻm phía sau với những porno shop 1 trang hoàng loè loẹt, qua những con phố đông vui lắm rạp chiếu phim, qua khuôn viên tĩnh mịch những đền thờ Thần đạo rồi lại quay về các đại lộ. Buổi chiều ấm áp, gần một nửa đám đông đã bỏ áo khoác lại nhà. Làn gió nhẹ chốc chốc lại thổi, cảm giác đổi thay dễ chịu. Chưa kịp nhận ra thì tôi đã lại đứng trong khung cảnh quen thuộc. Tôi nhìn những viên gạch dưới chân mình, nhìn bức tượng nhỏ đứng kia, nhìn toà nhà bằng kính cao chót vót phía trên tôi. Tôi đang đứng ngay giữa quảng trường nhỏ bên ngoài toà nhà cao tầng nơi tôi đã đến hồi mùa hè năm ngoái để nhìn người qua kẻ lại theo lời khuyên của ông cậu. Tôi đã làm vậy suốt mười một ngày, cuối cùng tôi theo gã đàn ông kỳ quặc ôm thùng đàn ghi-ta bước vào gian ngoài căn nhà lạ lùng kia, ở đó hắn tấn công tôi bằng gậy bóng chày. Giờ đây lang thang vô định quanh khu Shinjuku, bước chân tôi lại đến chính nơi này.
Cũng như trước, tôi mua cà phê và bánh cam vòng tại cửa hàng bánh Dunkin rồi đi đến chỗ băng ghế trên quảng trường. Tôi ngồi nhìn mặt những người qua lại, việc đó khiến tâm trạng tôi càng lúc càng bình an. Tôi dễ chịu vì một lý do mà tôi không hiểu được, như thể tôi đã tìm thấy một cái ổ tiện nghi trên tường nơi không ai có thể nhận ra rằng tôi đang quan sát họ. Đã lâu lắm rồi tôi không nhìn mặt thiên hạ kỹ đến vậy. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng không chỉ mặt. Tôi đã không hề nhìn - thật sự nhìn - bất cứ cái gì trong sáu tháng qua. Tôi ngồi thẳng người dậy trên ghế, lấy tư thế thăng bằng để nhìn sự vật. Tôi nhìn những con người, nhìn những toà nhà cao ngất trên đầu, nhìn bầu trời mùa xuân ló ra qua những đám mây vừa tản mác, tôi nhìn những bảng hiệu nhiều màu sắc, tôi nhặt một tờ báo nằm bên cạnh rồi nhìn nó. Khi chiều xuống, màu sắc chân thực dần dần quay trở lại với vạn vật.
° ° °
Sáng hôm sau tôi lại bắt tàu điện đến khu Shinjuku. Tôi ngồi cũng trên băng ghế ấy, nhìn mặt người qua lại. Buổi trưa tôi lại ăn bánh cam vòng và uống cà phê. Trước khi đến giờ cao điểm chiều, tôi lên xe điện về nhà. Tôi làm bữa tối, uống bia rồi nghe nhạc trên radio. Ngày hôm sau tôi cũng làm đúng như vậy. Hôm ấy cũng không có gì xảy ra. Nhưng tôi có một cảm giác mơ hồ rằng mình đang nhích gần đến một cái gì đó từng tí một. Tôi có thể nhận ra cái chuyển động đó, cái gần gũi hơn từng tí một đó mỗi khi nhìn chính mình trong gương trước bồn rửa mặt. Màu sắc của vết bầm càng sống động hơn bao giờ hết, ấm áp hơn bao giờ hết. Vết bầm của mình có sự sống, tôi tự nhủ. Nó đang sống, cũng như tôi.
Tôi lặp lại quy trình đó hàng ngày, hệt như mùa hè trước: sau mười giờ sáng một chút lên tàu điện đến thành phố, ngồi trên băng ghế nơi quảng trường cạnh toà nhà cao tầng, nhìn người qua kẻ lại suốt ngày, tuyệt không nghĩ ngợi gì. Thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao những âm thanh có thực quanh tôi trở nên xa xăm, nhỏ dần rồi tắt ngấm. Cái duy nhất tôi nghe thấy vào những lúc đó là tiếng nước chảy sâu thẳm, êm lặng. Tôi nghĩ tới Kano Malta. Cô đã nói về chuyện lắng nghe tiếng nước. Nước là chủ đề chính của cô. Nhưng tôi không thể nhớ ra Kano Malta đã nói gì về tiếng nước. Tôi cũng không nhớ được mặt cô. Chỉ nhớ được mỗi màu đỏ chiếc mũ bằng vải vinyl mà cô đội. Tại sao lúc nào cô ta cũng đội chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ ấy?
Nhưng rồi các âm thanh dần dần trở lại với tôi, và một lần nữa tôi lại ngắm gương mặt mọi người.
° ° °
Vào buổi chiều ngày thứ tám tôi lên phố, một người đàn bà nói chuyện với tôi. Lúc đó tôi đang nhìn hướng khác, tay cầm cốc cà phê rỗng. "Xin lỗi" bà ta nói. Tôi quay lại, ngước mắt lên thì thấy gương mặt một phụ nữ đang đứng trước mặt tôi. Đó chính là người đàn bà luống tuổi mà tôi đã gặp ở đây mùa hè năm ngoái, người duy nhất đã nói chuyện với tôi trong suốt khoảng thời gian tôi ngồi trên quảng trường. Chẳng phải tôi ngồi ở đây với ý định sẽ gặp lại bà ta, nhưng khi bà ta lên tiếng với tôi, dường như đó là kết cục tự nhiên của một dòng chảy lớn vậy.
Cũng như trước, người đàn bà ăn mặc không chê vào đâu được, cả về chất lượng từng thứ bà ta mặc lẫn cách kết hợp thứ này với thứ kia. Bà ta đeo kính đồi mồi màu tối, vận áo khoác màu xanh khói có độn vai, váy nỉ kẻ ô màu đỏ. Áo blouse của bà bằng lụa, trên ve áo khoác lấp lánh một chiếc ghim bằng vàng chạm khắc tinh xảo. Đôi giày cao gót màu đỏ của bà có kiểu dáng giản dị, song số tiền bà ta bỏ ra mua nó hẳn đủ cho tôi sống được vài tháng. Quần áo tôi thì chẳng đâu vào đâu, như mọi khi: chiếc áo khoác bóng chày tôi mua từ hồi mới vào đại học, áo thun màu xám cổ đã doãng ra, và đôi giày tennis xưa kia màu trắng nhưng bây giờ chẳng biết gọi màu gì.
Mặc sự tương phản một trời một vực kia, bà ta ngồi xuống cạnh tôi, bắt tréo chân, rồi chẳng nói chẳng rằng rút từ trong ví cầm tay ra một gói Virginia Slims. Bà ta mời tôi một điếu, hệt như dạo hè năm ngoái, và một lần nữa tôi từ chối. Bà ta cho một điếu lên miệng rồi châm lửa bằng cái bật lửa bằng vàng dài dài, thanh mảnh, cỡ bằng viên tẩy. Rồi bà ta tháo kính, cho vào túi áo khoác, đoạn nhìn tôi chăm chú như thể đang tìm một đồng bạc bà ta đánh rơi vào một cái ao cạn. Tôi cũng nhìn vào mắt bà ta. Mắt bà ta thật lạ, sâu thẳm nhưng vô cảm.
Bà ta hơi nheo mắt rồi nói:
- Thế là cậu quay lại đấy.
Tôi gật.
Tôi dõi theo khói thuốc mỏng tang bay lên từ đầu điếu thuốc của bà ta rồi tản đi theo gió, biến mất vào không khí. Bà ta ngoái lại nhìn quang cảnh chung quanh, như để tận mắt thấy tôi đang nhìn những gì từ chiếc ghế này. Tuy vậy, những gì trông thấy hình như chẳng làm bà ta bận tâm. Bà lại quay sang nhìn tôi. Bà nhìn chằm chằm vào vết bầm của tôi một hồi lâu, đoạn nhìn vào mắt tôi, vào mũi, vào miệng tôi, rồi lại nhìn vết bầm. Tôi có cảm giác thật ra bà chỉ muốn săm soi tôi như săm soi một con chó ngoài hội chợ: cạy mõm ra để kiểm tra răng tôi, dòm vào trong tai tôi.
- Hiện giờ tôi đang cần tiền, - tôi nói.
Bà im lặng một chút.
- Bao nhiêu?
- Tám mươi triệu Yên là đủ.
Bà ta thôi nhìn tôi mà ngước lên trời như để nhẩm tính: xem nào, nếu mình lấy chỗ này một chút, chuyển từ kia một chút... Suốt thời gian đó tôi quan sát cách trang điểm của bà ta: mắt đánh rất nhạt như cái bóng của một suy nghĩ, hàng mi cong tinh tế như một biểu tượng nào đó.
- Số tiền đó không nhỏ, - bà ta nói, môi hơi cong lại.
- Tôi thì tôi nói là quá lớn.
Điếu thuốc chỉ mới hút được một phần ba, nhưng bà ta thả xuống đất rồi cẩn thận dùng gót giày di nát. Rồi ba ta lấy một hộp đựng danh thiếp bằng da thuộc ra khỏi chiếc ví cầm tay mỏng mảnh, gí một tấm danh thiếp vào tay tôi.
- Chiều mai đúng 4 giờ hãy đến địa chỉ này, - bà ta nói.
Trên danh thiếp chỉ ghi có mỗi địa chỉ - một toà nhà văn phòng ở quận Akasaka giàu có. Không có tên. Tôi lật mặt sau xem, nhưng mặt sau trắng. Tôi đưa lên mũi ngửi, nhưng nó chẳng có mùi gì. Nó chỉ là một tấm danh thiếp trắng bình thường.
- Không có tên à? - tôi hỏi.
Lần đầu tiên bà ta mỉm cười, nhẹ nhàng lắc đầu.
- Cậu chỉ cần tiền thôi mà. Tiền thì có tên không?
Tôi lắc đầu giống như bà ta. Dĩ nhiên, tiền thì vô danh. Nếu có tên thì nó chẳng còn là tiền nữa. Cái mang lại cho tiền ý nghĩa đích thực là sự vô danh tối mò như đêm đen của nó, cái khả năng trao đổi đầy áp đảo và nghẹt thở của nó.
Bà ta đứng dậy khỏi ghế.
- Cậu đến lúc 4 giờ chiều được chứ?
- Nếu tôi đến, bà sẽ đưa tiền tận tay tôi sao?
- Để xem, - bà ta nói, một nụ cười nơi khoé mắt bà ta như những hình mà gió vẽ ra trên cát. Bà ta ngắm khung cảnh xung quanh một lần nữa rồi kéo thẳng nếp váy cho có lệ.
Bà ta rảo bước rồi biến mất vào dòng người. Tôi vẫn nhìn điếu thuốc mà bà ta đã giẫm nát, nhìn màu son môi vấy trên đầu lọc. Màu đỏ tươi làm tôi nhớ tới chiếc mũ bằng vải vinyl của Kano Malta.
Nếu tôi có một cái gì đó của riêng mình, ấy chính là việc tôi chẳng có gì để mất. Có lẽ vậy.
- -------------------------------
1Cửa hàng bán sản phẩm phục vụ sex.
Bình luận truyện