Cán Cân Đồng
Chương 1: Tuổi thơ của Lan Anh
“Gió, mang hương vị của hoa, là cơn gió mang đến sự bình an và hạnh phúc. Gió, mang hương vị của muối, là cơn gió của bão giông và khô cằn. Và gió, mang hương vị của nước, sẽ là cơn gió của sự sung túc và sự sống. Bạn, đã từng nếm thử được mùi vị của gió chưa? Hãy một lần nếm thử! Nhưng không phải chỉ riêng miệng lưỡi, hay bàn tay, hay bất kỳ dụng cụ nào. Mà bạn, chỉ cần giang rộng đôi tay, đứng ở một nơi thật lộng gió, hít một hơi thật sâu để luồng gió nhập tràn trong lồng ngực của bạn, thấm vào mạch máu và lưu thông khắp cơ thể của bạn, hãy để gió vân vê từng tất da trên người bạn, hãy thả lỏng người để gió cảm nhận được bạn đang giao hòa cùng nó. Và rồi, bạn hãy dùng đầu lưỡi của mình, nếm một cách thật chậm rãi hương vị đang đọng lại trên đôi môi, nhớ là thật chậm nhé. Tựa như miếng thịt thăn luôn là miếng mềm mại và ngon lành nhất, thì gió cũng sẽ yêu ái đôi môi của bạn trên hết thảy các nơi, đó sẽ là nơi nó lưu luyến nhất vì thế hương vị cũng sẽ nồng đậm nhất! Hương vị trên đôi môi, là hương vị của gió và cũng chính là hương vị của cuộc sống, tôi và bạn, cuộc sống khác nhau, mệnh cách khác nhau, số phận cũng khác nhau, liệu rằng chúng ta có cùng nếm chung một vị?”
Trích “Nhật ký của Lan Anh”
Nơi tôi được sinh ra và bập bẹ những bước chân đầu tiên của cuộc đời là một vùng đất thanh bình, yên ả. Thôn xóm nhỏ nằm heo hút khuất sâu trong bóng của một ngọn đồi chẳng mấy cao. Xa xa lại có một đường đê dài, xanh mướt. Khi tôi còn nhỏ, các cụ bảo rằng vùng đất này sẽ sản sinh được những người hiền tài. Trong lịch sử cũng đã chứng minh được điều ấy. Làng tôi, đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao vị tướng tài dũng, những vị vua tài trí hơn người. Ngày ấy là thế, nhưng ngày nay thế thời thay đổi, nơi đây đọng lại cũng chỉ là những cột đình hoang vắng với những dấu tích của bom đạn chiến tranh.
Trường làng tôi cũng đơn sơ, nhỏ bé nhưng tuổi thơ của tôi vậy, với bốn vách tường được trét vôi trắng đã ngả màu, mái tranh được lợp bởi sự tích góp và san sẻ của mỗi một hộ trong nhà. Tôi nghe bà tôi kể rằng, ngày ấy bà đi học còn không có được bàn ghế như chúng tôi nữa kìa. Khi đó, mỗi khi đến lớp, các cụ mỗi người sẽ mang theo một hòn gạch, nhà ai khá khẩm hơn một tí thì sẽ cắp theo được chiếc ghế gỗ. Còn bút và giấy thì không cần nhắc đến, chỉ một thanh tre được vút ngọn không thì cây đũa gỗ đã cháy xém đầu ở nhà, nền đất cứ thế mặc sức các cụ bay bổng. Có lẽ thứ quý giá nhất và được lưu truyền lâu nhất của ngôi trường này chính là cái trống gỗ.
Ngày tôi còn bé, cái trống như một vị thần vừa hùng vĩ lại vừa đáng sợ. Nó to đến độ dù tôi giang rộng đôi tay thì cũng không đo hết được độ dài của mặt trống. Nó lại cao đến độ dù chân đã ngón, tay cũng đã với hết mức nhưng tôi vẫn chưa cách nào vượt qua được cái vạt đỡ. Hơn nữa, mỗi khi ông tôi đứng trước mặt nó thì nó lại rống to như Thần Sấm vẫn gầm gừ mỗi khi trời mưa to vậy. Nhiều lần tôi hỏi ông, có phải ông đã chọc giận nó hay không, nếu vậy để cháu vuốt lưng cho nó nhé. Ông chỉ cười rồi xoa đầu tôi.
Làng tôi có một cái ao to. Với chiều cao chưa qua được bậc thềm của tôi ngày ấy thì cái ao ấy bao la đến độ tôi tưởng rằng nó vô bờ. Ngày tôi vui nhất là khi trời sắp sang mùa mưa, khi ấy cả làng tôi sẽ đổ xô xuống ao để bắt cá. Già, trẻ, gái, trai ai cũng xúm nhau nhảy ùm xuống dưới, hiển nhiên trẻ nhỏ như tôi chỉ có thể đánh đu lên cành cây nào đó mà ngó xuống. Chỗ trũng nước thì các ông, các cậu thả lưới để bắt; còn ven bờ là phần của các bà, các mợ ai ai cũng xắn quần lên cao bên hông có một cái sọt để mà mò cua bắt ốc. Mọi người ai nấy đều nói chuyện rôm rả, lâu lâu lại vang lên tiếng kêu thất thanh của mợ nào đó là y chang rằng mọi người sẽ đổ xô về đó. Chẳng phải chi to tát, ấy là mợ mò được ổ lươn nên phải hồ hào để mọi người nhanh tay bắt phụ kẻo chúng nó trườn đi hết. Cái gốc cây mà tôi cùng lũ bạn trèo lên chính ta nơi thu thập thành quả của cả làng. Phải cần đến gần ba mươi cái chum to để đựng cá và các loại khác, mọi người ai bắt được gì thì đều theo loại mà phân vào các chum, đến khi nào xong tất thì trưởng làng sẽ theo đầu người đã tham gia mà phân phát cho từng nhà.
Trong dàn thành quả này tôi thích nhất là tôm và tép, bà ngoại tôi thường sẽ rang chúng với tóp mỡ và vài cọng hành, thêm vài hạt muối và ít mì chính, nghĩ đến là ruột gan tôi kêu gào. Ấy thế mà lũ bạn tôi cứ thấy đám lươn là nháo nhào cả lên. Không hiểu được cái thứ cứ quắn quéo, uốn ẹo lại đen thui ấy có gì ngon mà ai ai cũng thích, cả ông và chú tôi cũng thế. Lại thêm một ổ lươn được tìm thấy, lũ trẻ trên cây lại nháo nhào reo hò. Chúng vừa la hét vừa lắc lắc lấy thân cây, tôi cũng chẳng nhớ rõ thế nào mà tôi lại bị rơi từ trên cây rơi xuống. Tôi khóc toáng cả lên! May thay nơi tôi rơi xuống là cái chum đang đựng thành phẩm chứ không phải là mặt đất. Vừa vặn lại là cái chum có cái miệng to nhất thế là tôi lọt thỏm vào trong đó. Chưa kịp định hình thì tôi lại khóc ré lên vì lúc này tôi đang chìm dần vào lũ lươn đang bò trườn khắp cả người tôi. Chưa đầy mười giây là tôi đã được ông anh họ ôm lên rồi, thế nhưng tôi vẫn không tài nào nín khóc được, tôi khóc cho đến ngất. Ông ngoại phải đi bốc cho tôi một liều thuốc bắc. Cho đến tận bây giờ, ấn tượng sâu đậm nhất về ngày hôm đó là bát thuốc đắng ngắt và lũ lươn trườn bò.
Tuổi thơ của tôi còn là những trận dàn quân với lũ trẻ trong làng, là những cánh diều chao nghiêng trên bờ đê lộng gió, là những luồng bong bóng xà bông bên ao làng, là những cơn mưa phùn bên bếp củi đêm xuân…
Ấy thế mà tuổi thơ dữ dội của tôi lại chóng qua đi. Năm tôi lên sáu, chiều ấy, tôi còn đang chơi rồng rắn lên mây với lũ bạn ngoài đình thì cái Điệu ở cạnh nhà tôi chạy ù ra gọi tôi về. Nó bảo mẹ tôi đang khó chịu lắm, khó mà qua khỏi. Mẹ tôi năm ấy mới vừa qua cái tuổi bốn mươi bảy. Mẹ bị bệnh ung thư bướu cổ, chữa chạy bao nhiêu nơi mà vẫn không có tiến triển. Đã từ lâu mẹ không thể rời khỏi giường, mọi việc ăn uống, đại tiện đều một tay bà ngoại tôi chăm. Mẹ thương tôi ở nhà dưới vừa nóng lại có mùi nên cả nửa năm nay tôi đều ngủ trên nhà lớn với bà.
Khi tôi chạy về tới nhà thì các bác, các cậu gần nhà đều đã ở trong phòng, còn có các bà, các bác ở trong xóm. Tôi thấy ai cũng nước mắt rưng rưng. Tôi muốn vào mọi người lại dặn thằng cu Tùng giữ tôi bên ngoài. Cu Tùng này là em họ của tôi tuy vậy nhưng lại lớn hơn tôi một tuổi, từ nhỏ tôi bị nó bắt nạt không biết bao nhiêu mà kể. Nó giữ chặt lấy tay tôi, tôi vùng vẫy mấy lần không được đành để mặc nó chỉ ngóng cổ nhìn từ cửa sổ vào trong. Tôi thấy mợ Tiến tôi đang chuẩn bị một cái bàn, trên đó đặt một nải chuối và mấy cây nhang. Còn bà ngoại và dì Hiền thì đang lau người cho mẹ. Tôi hỏi mọi người đang làm gì thì cu em nói mẹ tôi đang ngủ mọi người dọn phòng. Tôi ngây thơ lắm, vẫn cứ tin là vậy.
Một lúc sau, tôi nghe có tiếng xe máy. Tôi quay lại, quả nhiên là chú út và dì Hậu. Bởi lẽ, trong gia đình chỉ có nhà dì Hậu là có xe máy, nhà dì ở khá xa nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé cho tôi vài món ngon nên cứ thấy dì đến là tôi chạy ra đón. Vừa lúc ấy, lại thêm một chiếc xe máy lại chạy đến, là nhà bác Hùng. Nhà bác Hùng ở xa hơn cả nhà dì Hậu, thêm nữa hai bác đều là công chức nhà nước nên rất ít có dịp về nhà. Tôi lại ngờ ngợ trong lòng, hôm nay là ngày gì mà cả nhà lại tụ họp về đây đông đủ như thế, chỉ trừ gia đình bác Liên mãi trong Nam.
Dì Hậu và bác Hùng gái tiến lên ôm tôi, hỏi mẹ tôi thế nào rồi. Tôi đáp mẹ tôi đang ngủ bên trong, bác với dì nghe vậy rưng rưng mắt vỗ vai tôi rồi đi vào trong. Quái lạ là lúc tôi vào các mợ không ai tránh đường nhưng dì và bác vừa vào lại nép vào. Không lâu sau liền có tiếng khóc rống lên đầy đau thương của bác Hùng gái. Tôi vội chạy vào lại bị thằng cu Tùng chặn lại. Tôi nghe bác Hùng gái kêu lên rằng:
- Hường ơi! Sao em khổ thế hả, Hường!
Hường là tên mẹ tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe được tiếng mẹ. Bởi vì bệnh nên mẹ phải đắp một loại thuốc gì đó bằng lá lên vùng cổ rồi lấy một tấm khăn mùi xoa cột lại. Sau thời gian, mẹ lại không nói được nữa, chỉ có vùng cổ thường xuyên bị ngứa, nhiều khi nhịn không được bị cứ gãi đến khi chớt máu ra. Tôi nghe bác kêu lên như vậy, cứ ngỡ là mẹ lại gồng mình lên để nhịn lại cơn ngứa. Bình thường nếu tôi nắm lấy tay mẹ thì mẹ sẽ sợ tôi đau mà không vùng tay ra, qua một lúc rồi sẽ hết, nhưng mẹ sẽ khó chịu đến chảy cả nước mắt. Tôi láu liêng tìm cách để vào trong nhưng lại không cách nào vượt qua được cu Tùng, nó cứ như con đỉa nắm chặt lấy tay tôi chẳng cách nào gỡ ra được. Tôi nhìn nó đầy thù hằn, tên này cứ như là kẻ thù kiếp trước của tôi vậy. Tôi quýnh lên muốn cắn lên tay nó lại không dám, tên này nếu mà tôi dám cắn nó thì thế nào nó cũng sẽ cho tôi ăn một bạt tai.
Chẳng mấy chốc, bác Hùng gái đi ra. Tôi hỏi bác cũng chỉ nói là mẹ tôi đang ngủ. Bác lại dụ tôi rằng là bác không nhớ đường sang nhà dì Hiền, nói tôi dắt bác qua nhà dì để tắm. Rồi bác tắm cho tôi, gội đầu sạch sẽ bằng xà bông, vừa tắm bác vừa giải thích về cái Chết cho tôi nghe, bác nói nhiều lắm, tôi cái hiểu cái không cứ gật đầu. Đợi đến lúc tôi về lại nhà thì đã tối đen. Mẹ tôi đã được liệm xong. Lúc tôi xông vào phòng thì trong phòng đã có quan tài, mọi người đang chuẩn bị đưa mẹ tôi vào trong đấy.
Ngày ấy, tôi vẫn chưa biết đó là mẹ. Chỉ là tôi sợ quá khóc lên, dì Hậu phải buông mọi chuyện dỗ tôi lên nhà lớn. Ôm tôi trên giường, một tay xoa lưng tôi một tay cầm cây quạt mo quạt cho tôi. Khi ấy tôi vẫn không hiểu vì sao rõ ràng là dì cười dỗ tôi ngủ nhưng nước mắt vẫn rơi không ngừng.
Đám tang của mẹ tôi diễn ra trong vòng ba ngày. Khi ấy tôi cứ như một đứa bị mộng du, các bác nói tôi làm gì thì tôi làm nấy. Tôi vẫn không hiểu mọi chuyện đang xảy ra là vì cớ gì. Tôi thấy làm lạ khi có một nhóm người cứ ngồi một bên của quan tài mà khóc. Họ khóc rõ to, rõ ấm ức. Rồi một lát lại đến cả nhà ngồi đó khóc, cả tôi cũng bị bắt ngồi trong đó. Các dì ngồi bên cứ nhắc tôi khóc đi con. Tôi cũng dạ rồi ừ a được vài câu, chỉ có khi bác cả kéo tôi lại gần quan tài thì tôi mới khóc ré lên không chịu lại gần. Mặc dù đã có mợ giải thích với tôi trong đó là mẹ, nhưng tôi vẫn cứ sợ, khóc bù lu bù loa.
Trong những ngày này có rất nhiều người đến, trong đó có cả các bạn học chung lớp của tôi nữa. Mẹ tôi mất vào mùa hè cho nên vừa lúc tôi học xong lớp một. Các bạn đến trêu chọc tôi đội một cái nón trông rất kỳ cục, lúc ấy tôi đang mặc đồ tang. Khi ấy trên trường vẫn chưa nghỉ hè, chỉ vì đi thăm tôi mà cô cho cả lớp nghỉ sớm một tiết rồi dắt các bạn đến đây. Mặc dù bị các bạn trêu chọc nhưng tôi vẫn rất vui khi có các bạn đến. Mấy ngày này tôi cứ theo lộ trình của mọi người, xoay tới là khóc, xoay lại là vẫn là khóc, xung quanh lại có rất nhiều người lạ, tôi lại không thấy mẹ. Vừa sợ lại vừa mệt, thế nên nhìn thấy các bạn tôi cứ như mình được sống lại vậy.
Chôn mẹ xong lại tới giỗ năm mươi ngày. Ngày hôm đó trời mưa rất to, cả nhà phải ra mộ từ sớm. Đến ngày đó thì tôi cũng đã chấp nhận được một việc là từ nay tôi không còn mẹ nữa, mẹ đã đi đến một thế giới khác, rất xa, không bao giờ trở về nữa! Tôi cảm nhận được mọi người trong nhà ai cũng lo lắng cho tôi hơn, lúc nào cũng có người để ý xem tôi có ổn không, có sợ không. Ngay cả, thằng cu Tùng bình thường hay bắt nạt tôi cũng nhỏ nhẹ đi theo sợ tôi bị đứa nào trong xóm ăn hiếp. Tôi đi trên đường làng gặp người quen cũng sẽ có người nhắc tôi nhớ đeo tang mẹ. Hồi ấy đeo tang chính là có một tấm vải trắng dài cột trên trán, nhưng tính tôi lại hay quên nên chẳng đeo được mấy khi.
Hôm đó về nhà tôi nghe được tiếng bà khóc, còn có tiếng của cậu. Cậu tôi là người nóng nảy nên chuyện to tiếng vẫn là chuyện thường ngày. Lúc tôi vào nhà thì nghe được loáng thoáng cậu bảo rằng:
- Ở nhà rồi ai lo được cho nó...
Thấy tôi về thì cậu không nói nữa mà đi thẳng vào nhà. Bà gọi tôi lại ôm tôi ngồi trên thềm, bà vẫn khóc, tôi quay lại lau nước mắt cho bà. Lúc lâu sau, bà mới thủ thỉ hỏi tôi:
- Lan Anh ơi! Cháu có thích vào Nam không?
Thì ra là hôm ấy, bác Liên từ trong Nam gọi ra nói mọi người mang tôi vào trong Nam để bác nuôi. Nhưng bà không nỡ để tôi vừa mất mẹ lại phải xa nhà, cho nên mới có cuộc nói chuyện với cậu hồi chiều. Tôi cũng không nỡ, tôi ôm lấy bà vừa khóc vừa dỗ bà.
- Cháu không đi đâu! Cháu không thích vào Nam! Có đi thì lớn cháu mới đi, cháu ở nhà với bà!
Hai bà cháu cứ thế ôm nhau khóc cả buổi. Dẫu gì tôi cũng chỉ là đứa trẻ mới lên sáu ý kiến của tôi cũng chẳng quan trọng gì. Hơn nữa làng tôi lại nghèo, các bác các cậu có thương tôi thật cũng không nuôi tôi nổi. Mọi người còn có gia đình của mình, chăm họ đã cực khổ thêm tôi là gánh nặng thì họ biết phải làm sao. Thế nên chưa hết đến một tuần tôi lại phải chuẩn bị lên đường vào Nam.
Chuyến đi này tôi đi với bác Minh. Mọi chi phí đã được bác Liên gửi ra từ trước. Từ quê tôi mà muốn vào Nam thì phải đi lên bến xe trên huyện. Mà từ quê tôi muốn lên trên huyện cũng phải đi hết ba, bốn giờ cho nên bác tôi nhờ anh con trai của trưởng thôn mượn một chiếc xe rồi chở chúng tôi lên huyện. Lúc tôi chuẩn bị đi, mọi người tập trung lại ở nhà bà ngoại. Tôi ôm chào mọi người. Tới khi ôm ông ngoại thì ông không chịu buông tay, ông nói để ông cõng tôi ra ngoài nhà trưởng thôn. Ông ngoại tôi năm ấy cũng đã hơn chín mươi. Từ bé đến nay, tôi đã nằm trên lưng ông không biết bao nhiêu lần mà nói, nhưng thế nào tôi cũng không ngờ được đấy cũng là lần cuối cùng. Bởi vì sau khi tôi vào Nam thì một năm sau ông tôi cũng mất!
Trích “Nhật ký của Lan Anh”
Nơi tôi được sinh ra và bập bẹ những bước chân đầu tiên của cuộc đời là một vùng đất thanh bình, yên ả. Thôn xóm nhỏ nằm heo hút khuất sâu trong bóng của một ngọn đồi chẳng mấy cao. Xa xa lại có một đường đê dài, xanh mướt. Khi tôi còn nhỏ, các cụ bảo rằng vùng đất này sẽ sản sinh được những người hiền tài. Trong lịch sử cũng đã chứng minh được điều ấy. Làng tôi, đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao vị tướng tài dũng, những vị vua tài trí hơn người. Ngày ấy là thế, nhưng ngày nay thế thời thay đổi, nơi đây đọng lại cũng chỉ là những cột đình hoang vắng với những dấu tích của bom đạn chiến tranh.
Trường làng tôi cũng đơn sơ, nhỏ bé nhưng tuổi thơ của tôi vậy, với bốn vách tường được trét vôi trắng đã ngả màu, mái tranh được lợp bởi sự tích góp và san sẻ của mỗi một hộ trong nhà. Tôi nghe bà tôi kể rằng, ngày ấy bà đi học còn không có được bàn ghế như chúng tôi nữa kìa. Khi đó, mỗi khi đến lớp, các cụ mỗi người sẽ mang theo một hòn gạch, nhà ai khá khẩm hơn một tí thì sẽ cắp theo được chiếc ghế gỗ. Còn bút và giấy thì không cần nhắc đến, chỉ một thanh tre được vút ngọn không thì cây đũa gỗ đã cháy xém đầu ở nhà, nền đất cứ thế mặc sức các cụ bay bổng. Có lẽ thứ quý giá nhất và được lưu truyền lâu nhất của ngôi trường này chính là cái trống gỗ.
Ngày tôi còn bé, cái trống như một vị thần vừa hùng vĩ lại vừa đáng sợ. Nó to đến độ dù tôi giang rộng đôi tay thì cũng không đo hết được độ dài của mặt trống. Nó lại cao đến độ dù chân đã ngón, tay cũng đã với hết mức nhưng tôi vẫn chưa cách nào vượt qua được cái vạt đỡ. Hơn nữa, mỗi khi ông tôi đứng trước mặt nó thì nó lại rống to như Thần Sấm vẫn gầm gừ mỗi khi trời mưa to vậy. Nhiều lần tôi hỏi ông, có phải ông đã chọc giận nó hay không, nếu vậy để cháu vuốt lưng cho nó nhé. Ông chỉ cười rồi xoa đầu tôi.
Làng tôi có một cái ao to. Với chiều cao chưa qua được bậc thềm của tôi ngày ấy thì cái ao ấy bao la đến độ tôi tưởng rằng nó vô bờ. Ngày tôi vui nhất là khi trời sắp sang mùa mưa, khi ấy cả làng tôi sẽ đổ xô xuống ao để bắt cá. Già, trẻ, gái, trai ai cũng xúm nhau nhảy ùm xuống dưới, hiển nhiên trẻ nhỏ như tôi chỉ có thể đánh đu lên cành cây nào đó mà ngó xuống. Chỗ trũng nước thì các ông, các cậu thả lưới để bắt; còn ven bờ là phần của các bà, các mợ ai ai cũng xắn quần lên cao bên hông có một cái sọt để mà mò cua bắt ốc. Mọi người ai nấy đều nói chuyện rôm rả, lâu lâu lại vang lên tiếng kêu thất thanh của mợ nào đó là y chang rằng mọi người sẽ đổ xô về đó. Chẳng phải chi to tát, ấy là mợ mò được ổ lươn nên phải hồ hào để mọi người nhanh tay bắt phụ kẻo chúng nó trườn đi hết. Cái gốc cây mà tôi cùng lũ bạn trèo lên chính ta nơi thu thập thành quả của cả làng. Phải cần đến gần ba mươi cái chum to để đựng cá và các loại khác, mọi người ai bắt được gì thì đều theo loại mà phân vào các chum, đến khi nào xong tất thì trưởng làng sẽ theo đầu người đã tham gia mà phân phát cho từng nhà.
Trong dàn thành quả này tôi thích nhất là tôm và tép, bà ngoại tôi thường sẽ rang chúng với tóp mỡ và vài cọng hành, thêm vài hạt muối và ít mì chính, nghĩ đến là ruột gan tôi kêu gào. Ấy thế mà lũ bạn tôi cứ thấy đám lươn là nháo nhào cả lên. Không hiểu được cái thứ cứ quắn quéo, uốn ẹo lại đen thui ấy có gì ngon mà ai ai cũng thích, cả ông và chú tôi cũng thế. Lại thêm một ổ lươn được tìm thấy, lũ trẻ trên cây lại nháo nhào reo hò. Chúng vừa la hét vừa lắc lắc lấy thân cây, tôi cũng chẳng nhớ rõ thế nào mà tôi lại bị rơi từ trên cây rơi xuống. Tôi khóc toáng cả lên! May thay nơi tôi rơi xuống là cái chum đang đựng thành phẩm chứ không phải là mặt đất. Vừa vặn lại là cái chum có cái miệng to nhất thế là tôi lọt thỏm vào trong đó. Chưa kịp định hình thì tôi lại khóc ré lên vì lúc này tôi đang chìm dần vào lũ lươn đang bò trườn khắp cả người tôi. Chưa đầy mười giây là tôi đã được ông anh họ ôm lên rồi, thế nhưng tôi vẫn không tài nào nín khóc được, tôi khóc cho đến ngất. Ông ngoại phải đi bốc cho tôi một liều thuốc bắc. Cho đến tận bây giờ, ấn tượng sâu đậm nhất về ngày hôm đó là bát thuốc đắng ngắt và lũ lươn trườn bò.
Tuổi thơ của tôi còn là những trận dàn quân với lũ trẻ trong làng, là những cánh diều chao nghiêng trên bờ đê lộng gió, là những luồng bong bóng xà bông bên ao làng, là những cơn mưa phùn bên bếp củi đêm xuân…
Ấy thế mà tuổi thơ dữ dội của tôi lại chóng qua đi. Năm tôi lên sáu, chiều ấy, tôi còn đang chơi rồng rắn lên mây với lũ bạn ngoài đình thì cái Điệu ở cạnh nhà tôi chạy ù ra gọi tôi về. Nó bảo mẹ tôi đang khó chịu lắm, khó mà qua khỏi. Mẹ tôi năm ấy mới vừa qua cái tuổi bốn mươi bảy. Mẹ bị bệnh ung thư bướu cổ, chữa chạy bao nhiêu nơi mà vẫn không có tiến triển. Đã từ lâu mẹ không thể rời khỏi giường, mọi việc ăn uống, đại tiện đều một tay bà ngoại tôi chăm. Mẹ thương tôi ở nhà dưới vừa nóng lại có mùi nên cả nửa năm nay tôi đều ngủ trên nhà lớn với bà.
Khi tôi chạy về tới nhà thì các bác, các cậu gần nhà đều đã ở trong phòng, còn có các bà, các bác ở trong xóm. Tôi thấy ai cũng nước mắt rưng rưng. Tôi muốn vào mọi người lại dặn thằng cu Tùng giữ tôi bên ngoài. Cu Tùng này là em họ của tôi tuy vậy nhưng lại lớn hơn tôi một tuổi, từ nhỏ tôi bị nó bắt nạt không biết bao nhiêu mà kể. Nó giữ chặt lấy tay tôi, tôi vùng vẫy mấy lần không được đành để mặc nó chỉ ngóng cổ nhìn từ cửa sổ vào trong. Tôi thấy mợ Tiến tôi đang chuẩn bị một cái bàn, trên đó đặt một nải chuối và mấy cây nhang. Còn bà ngoại và dì Hiền thì đang lau người cho mẹ. Tôi hỏi mọi người đang làm gì thì cu em nói mẹ tôi đang ngủ mọi người dọn phòng. Tôi ngây thơ lắm, vẫn cứ tin là vậy.
Một lúc sau, tôi nghe có tiếng xe máy. Tôi quay lại, quả nhiên là chú út và dì Hậu. Bởi lẽ, trong gia đình chỉ có nhà dì Hậu là có xe máy, nhà dì ở khá xa nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé cho tôi vài món ngon nên cứ thấy dì đến là tôi chạy ra đón. Vừa lúc ấy, lại thêm một chiếc xe máy lại chạy đến, là nhà bác Hùng. Nhà bác Hùng ở xa hơn cả nhà dì Hậu, thêm nữa hai bác đều là công chức nhà nước nên rất ít có dịp về nhà. Tôi lại ngờ ngợ trong lòng, hôm nay là ngày gì mà cả nhà lại tụ họp về đây đông đủ như thế, chỉ trừ gia đình bác Liên mãi trong Nam.
Dì Hậu và bác Hùng gái tiến lên ôm tôi, hỏi mẹ tôi thế nào rồi. Tôi đáp mẹ tôi đang ngủ bên trong, bác với dì nghe vậy rưng rưng mắt vỗ vai tôi rồi đi vào trong. Quái lạ là lúc tôi vào các mợ không ai tránh đường nhưng dì và bác vừa vào lại nép vào. Không lâu sau liền có tiếng khóc rống lên đầy đau thương của bác Hùng gái. Tôi vội chạy vào lại bị thằng cu Tùng chặn lại. Tôi nghe bác Hùng gái kêu lên rằng:
- Hường ơi! Sao em khổ thế hả, Hường!
Hường là tên mẹ tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe được tiếng mẹ. Bởi vì bệnh nên mẹ phải đắp một loại thuốc gì đó bằng lá lên vùng cổ rồi lấy một tấm khăn mùi xoa cột lại. Sau thời gian, mẹ lại không nói được nữa, chỉ có vùng cổ thường xuyên bị ngứa, nhiều khi nhịn không được bị cứ gãi đến khi chớt máu ra. Tôi nghe bác kêu lên như vậy, cứ ngỡ là mẹ lại gồng mình lên để nhịn lại cơn ngứa. Bình thường nếu tôi nắm lấy tay mẹ thì mẹ sẽ sợ tôi đau mà không vùng tay ra, qua một lúc rồi sẽ hết, nhưng mẹ sẽ khó chịu đến chảy cả nước mắt. Tôi láu liêng tìm cách để vào trong nhưng lại không cách nào vượt qua được cu Tùng, nó cứ như con đỉa nắm chặt lấy tay tôi chẳng cách nào gỡ ra được. Tôi nhìn nó đầy thù hằn, tên này cứ như là kẻ thù kiếp trước của tôi vậy. Tôi quýnh lên muốn cắn lên tay nó lại không dám, tên này nếu mà tôi dám cắn nó thì thế nào nó cũng sẽ cho tôi ăn một bạt tai.
Chẳng mấy chốc, bác Hùng gái đi ra. Tôi hỏi bác cũng chỉ nói là mẹ tôi đang ngủ. Bác lại dụ tôi rằng là bác không nhớ đường sang nhà dì Hiền, nói tôi dắt bác qua nhà dì để tắm. Rồi bác tắm cho tôi, gội đầu sạch sẽ bằng xà bông, vừa tắm bác vừa giải thích về cái Chết cho tôi nghe, bác nói nhiều lắm, tôi cái hiểu cái không cứ gật đầu. Đợi đến lúc tôi về lại nhà thì đã tối đen. Mẹ tôi đã được liệm xong. Lúc tôi xông vào phòng thì trong phòng đã có quan tài, mọi người đang chuẩn bị đưa mẹ tôi vào trong đấy.
Ngày ấy, tôi vẫn chưa biết đó là mẹ. Chỉ là tôi sợ quá khóc lên, dì Hậu phải buông mọi chuyện dỗ tôi lên nhà lớn. Ôm tôi trên giường, một tay xoa lưng tôi một tay cầm cây quạt mo quạt cho tôi. Khi ấy tôi vẫn không hiểu vì sao rõ ràng là dì cười dỗ tôi ngủ nhưng nước mắt vẫn rơi không ngừng.
Đám tang của mẹ tôi diễn ra trong vòng ba ngày. Khi ấy tôi cứ như một đứa bị mộng du, các bác nói tôi làm gì thì tôi làm nấy. Tôi vẫn không hiểu mọi chuyện đang xảy ra là vì cớ gì. Tôi thấy làm lạ khi có một nhóm người cứ ngồi một bên của quan tài mà khóc. Họ khóc rõ to, rõ ấm ức. Rồi một lát lại đến cả nhà ngồi đó khóc, cả tôi cũng bị bắt ngồi trong đó. Các dì ngồi bên cứ nhắc tôi khóc đi con. Tôi cũng dạ rồi ừ a được vài câu, chỉ có khi bác cả kéo tôi lại gần quan tài thì tôi mới khóc ré lên không chịu lại gần. Mặc dù đã có mợ giải thích với tôi trong đó là mẹ, nhưng tôi vẫn cứ sợ, khóc bù lu bù loa.
Trong những ngày này có rất nhiều người đến, trong đó có cả các bạn học chung lớp của tôi nữa. Mẹ tôi mất vào mùa hè cho nên vừa lúc tôi học xong lớp một. Các bạn đến trêu chọc tôi đội một cái nón trông rất kỳ cục, lúc ấy tôi đang mặc đồ tang. Khi ấy trên trường vẫn chưa nghỉ hè, chỉ vì đi thăm tôi mà cô cho cả lớp nghỉ sớm một tiết rồi dắt các bạn đến đây. Mặc dù bị các bạn trêu chọc nhưng tôi vẫn rất vui khi có các bạn đến. Mấy ngày này tôi cứ theo lộ trình của mọi người, xoay tới là khóc, xoay lại là vẫn là khóc, xung quanh lại có rất nhiều người lạ, tôi lại không thấy mẹ. Vừa sợ lại vừa mệt, thế nên nhìn thấy các bạn tôi cứ như mình được sống lại vậy.
Chôn mẹ xong lại tới giỗ năm mươi ngày. Ngày hôm đó trời mưa rất to, cả nhà phải ra mộ từ sớm. Đến ngày đó thì tôi cũng đã chấp nhận được một việc là từ nay tôi không còn mẹ nữa, mẹ đã đi đến một thế giới khác, rất xa, không bao giờ trở về nữa! Tôi cảm nhận được mọi người trong nhà ai cũng lo lắng cho tôi hơn, lúc nào cũng có người để ý xem tôi có ổn không, có sợ không. Ngay cả, thằng cu Tùng bình thường hay bắt nạt tôi cũng nhỏ nhẹ đi theo sợ tôi bị đứa nào trong xóm ăn hiếp. Tôi đi trên đường làng gặp người quen cũng sẽ có người nhắc tôi nhớ đeo tang mẹ. Hồi ấy đeo tang chính là có một tấm vải trắng dài cột trên trán, nhưng tính tôi lại hay quên nên chẳng đeo được mấy khi.
Hôm đó về nhà tôi nghe được tiếng bà khóc, còn có tiếng của cậu. Cậu tôi là người nóng nảy nên chuyện to tiếng vẫn là chuyện thường ngày. Lúc tôi vào nhà thì nghe được loáng thoáng cậu bảo rằng:
- Ở nhà rồi ai lo được cho nó...
Thấy tôi về thì cậu không nói nữa mà đi thẳng vào nhà. Bà gọi tôi lại ôm tôi ngồi trên thềm, bà vẫn khóc, tôi quay lại lau nước mắt cho bà. Lúc lâu sau, bà mới thủ thỉ hỏi tôi:
- Lan Anh ơi! Cháu có thích vào Nam không?
Thì ra là hôm ấy, bác Liên từ trong Nam gọi ra nói mọi người mang tôi vào trong Nam để bác nuôi. Nhưng bà không nỡ để tôi vừa mất mẹ lại phải xa nhà, cho nên mới có cuộc nói chuyện với cậu hồi chiều. Tôi cũng không nỡ, tôi ôm lấy bà vừa khóc vừa dỗ bà.
- Cháu không đi đâu! Cháu không thích vào Nam! Có đi thì lớn cháu mới đi, cháu ở nhà với bà!
Hai bà cháu cứ thế ôm nhau khóc cả buổi. Dẫu gì tôi cũng chỉ là đứa trẻ mới lên sáu ý kiến của tôi cũng chẳng quan trọng gì. Hơn nữa làng tôi lại nghèo, các bác các cậu có thương tôi thật cũng không nuôi tôi nổi. Mọi người còn có gia đình của mình, chăm họ đã cực khổ thêm tôi là gánh nặng thì họ biết phải làm sao. Thế nên chưa hết đến một tuần tôi lại phải chuẩn bị lên đường vào Nam.
Chuyến đi này tôi đi với bác Minh. Mọi chi phí đã được bác Liên gửi ra từ trước. Từ quê tôi mà muốn vào Nam thì phải đi lên bến xe trên huyện. Mà từ quê tôi muốn lên trên huyện cũng phải đi hết ba, bốn giờ cho nên bác tôi nhờ anh con trai của trưởng thôn mượn một chiếc xe rồi chở chúng tôi lên huyện. Lúc tôi chuẩn bị đi, mọi người tập trung lại ở nhà bà ngoại. Tôi ôm chào mọi người. Tới khi ôm ông ngoại thì ông không chịu buông tay, ông nói để ông cõng tôi ra ngoài nhà trưởng thôn. Ông ngoại tôi năm ấy cũng đã hơn chín mươi. Từ bé đến nay, tôi đã nằm trên lưng ông không biết bao nhiêu lần mà nói, nhưng thế nào tôi cũng không ngờ được đấy cũng là lần cuối cùng. Bởi vì sau khi tôi vào Nam thì một năm sau ông tôi cũng mất!
Bình luận truyện