Đại Đường Song Long Truyện

Chương 714: Đối xử bình đẳng



Dưới ánh dương quang của chiều tà, Từ Tử Lăng ngồi trên thuyền vui sướng ngắm nhìn cảnh sắc sơn thủy tú lệ say đắm lòng người.

Khấu Trọng tới bên cạnh gã nói:

- Còn hai thời thần nữa là ta có thể gặp Trí Trí rồi, lời mở đầu ta nên nói thế nào cho phải? Ví dụ nói ta có đại lễ tặng nàng. Không! Như thế khách sáo quá! Nên học theo tính khiêm tốn của Ninh Đạo Kỳ, nói ta đặc biệt tới Lĩnh Nam chính là mong được sự tha thứ của Trí Trí. Ài! Thế lại tựa như không phải tác phong xưa nay của ta. Hầy! Sao ngươi không trả lời, ta hiểu rồi! Là ngươi đang nhớ tới chuyện hai nàng Sư Phi Huyên và Thạch Thanh Tuyền. Ài! Thế này gọi là biết thì dễ mà làm thì khó. Ta biết rõ không nên nhớ tới Thượng Tú Phương, nhưng trái tim ta lại không thể làm được điều đó.

Từ Tử Lăng không vui nói:

- Con người ta mới ngủ dậy, thì đều nên cảm thấy lạc quan và tích cực. Thế Dân huynh vẫn chưa dậy phải không?

Khấu Trọng cười:

- Không cần phải nói lảng, cái đầu nhỏ của ngươi đang nghĩ chuyện gì vừa rất tích cực lại vừa lạc quan chứ?

Từ Tử Lăng lộ xuất thần sắc trầm ngâm:

- Ta đang nghĩ tới câu nói cửa miệng của Thạch Chi Hiên, chính là hai chữ "Nhập Vi".

Khấu Trọng ngẩn ngơ:

- Ra là ngươi đang nghĩ tới đỉnh cao của vũ học, xem như ta trách lầm ngươi. Ta cũng đã nghe Thạch Chi Hiên nói qua, nhưng chỉ cho là lão chế giễu công phu của ta chưa tới nơi tới chốn. Ta cũng đã nghe Tống Khuyết đề cập tới. Hừm! Nhập vi? Rốt cuộc là chỉ điều gì?

Từ Tử Lăng quay sang gã, song mục ẩn hiện tia nhìn đầy trí tuệ, từ từ đáp:

- Cái đó là nói đến một loại bảo khố ẩn tàng trong con người ta khi đã đạt tới cảnh giới thông huyền. Chỉ có rất ít những cao thủ cỡ như Thạch Chi Hiên, Tống Khuyết mới có thể bắt đầu hiểu rõ được điều đó.

Khấu Trọng chấn động:

- Nói hay lắm, Tống Khuyết thường nói đến thiên, địa, nhân hợp nhất. Nhân chẳng phải là nói đến bảo khố trong con người đó hay sao? Hữu pháp mà vô pháp, được đao sau đó vong đao, khi thiên địa nhân đã hợp nhất, người sẽ không phải là con người trước đó, thế mới được xem là đạt cảnh giới tối thượng Tỉnh Trung Nguyệt. Phi hư phi thật, phi chân phi huyễn (không giả không thật, chẳng thực chẳng ảo).

Từ Tử Lăng động dung:

- Tên tiểu tử ngươi dường như đã có đột phá trong đao pháp, chí ít cũng đạt cảnh giới cao hơn trước.

Khấu Trọng đáp:

- Thực ra bọn ta đã lâu không cùng nhau nghiên cứu võ học, do chiến tranh làm bọn ta không còn thời gian nhàn rỗi, tinh thần thể xác đều tập trung vào chuyện chiến tranh nơi thiên quân vạn mã. Nhưng nay tình thế khác trước. Không phải là ta khoa ngôn, Ninh Đạo Kỳ và nhạc phụ tương lai của ta đều rõ ràng không lý gì đến thế sự nữa, cho nên đương kim võ lâm chỉ còn lại hai huynh đệ bọn ta và lão Bạt ra mặt tung hoành, phải đối phó với những cao thủ cỡ như Thạch Chi Hiên, Tất Huyền, Phó Dịch Lâm, Vũ Văn Thương, Vưu lão bà. Nếu chưa tiến nhập được cảnh giới Nhập Vi thì sẽ phải diễn lại cảnh thất bại như trước đây.

Từ Tử Lăng nói:

- Bọn ta trước hết phải vượt qua cửa ải Tống Khuyết này, sau mới có thể phóng tâm mà chuyên chú vào võ đạo.

Khấu Trọng tin tưởng mười phần, nói:

- Chỉ cần để lão nhân gia người gặp được Lý tiểu tử, khẳng định có thể cởi bỏ được khúc mắc. Tống Khuyết người rất có tuệ nhãn, nếu không đã chẳng coi trọng ta. Hắc!

Từ Tử Lăng nhíu mày:

- Ta vẫn thấy là do để ta đi gặp ông ta thế này, có điểm không ổn!

Khấu Trọng nói:

- Thế đơn giản ba người bọn ta tiến thẳng vào Ma Đao Đường gặp người, dùng kỳ binh nhập cung, được không?

Từ Tử Lăng trầm ngâm:

- Như thế thì mới đầu đã không hay, bọn ta tuyệt không thể để Tống Khuyết cảm thấy chúng ta đang thi hành mưu kế đối phó với ông, phải có sự chân thành tuyệt đối để cầu mong người ưng thuận cho.

Khấu Trọng than vãn:

- Lời ngươi rất có đạo lý, vậy bọn ta tới ngoài Ma Đao Đường xin được tiếp kiến rồi nhờ Lỗ thúc vào thỉnh thị cho vậy. Bọn ta đành nghe theo sự an bài của lão thiên gia mà thôi. Ài! Thực làm người ta đau đầu.

Hai chiến thuyền của Tống gia đúng lúc đó tiến thẳng tới, Tống Lỗ xuất hiện trên chiếc thuyền đồng hành với Khấu Từ, lên tiếng hỏi han các thuỷ sư trên chiến thuyền Tống gia đi đón.

Rốt cuộc cũng đã tới Lĩnh Nam.

Tống Lỗ đợi hai thuyền lại gần nhau, rồi đằng không phi thân tới, hạ thân trên mặt thuyền. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng tiến tới nghênh đón.

Tống Lỗ thần tình cổ quái:

- Chúng ta vào trong nói chuyện.

Lý Thế Dân đứng ngoài thương môn, thấy hai gã đi sau Tống Lỗ cùng tiến vào liền chào hỏi rồi cũng theo sau tiến vào thương phòng.

Sau khi tất cả đã ngồi quanh bàn tròn trong thương phòng, Tống Lỗ liền nói:

- Đại ca đã sớm biết các ngươi tới Lĩnh Nam, hai thuyền này đã đợi một ngày rồi.

Ba người Khấu Trọng, Từ Tử Lăng và Lý Thế Dân nghe vậy đều ngẩn mặt nhìn nhau.

Từ Tử Lăng nói:

- Phiệt chủ đã biết Khấu Trọng tới Lĩnh Nam, vậy chắc cũng đã rõ chuyện của Thế Dân huynh rồi.

Tống Lỗ rút trong người ra một bức tín hàm, mở ra để trên bàn rồi nói:

- Các ngươi nhìn xem!

Ba người mục quang lướt qua bức tín hàm, thấy viết "Hãy đưa gã tới Ma Đao Đường". Chỉ bảy chữ nhưng tràn đầy ý vị thư pháp, không có thượng khoản, cũng không có hạ khoản.

Khấu Trọng quay sang hỏi:

- Điều này là không thể, chẳng lẽ có tin tức phong thanh gì lộ ra hay sao?

Lý Thế Dân và Từ Tử Lăng nghe vậy đều biến sắc.

Tống Lỗ nói:

- Đúng như Tiểu Trọng nói, điều này đúng là không thể. Đại ca làm sao lại biết được chứ?

Lý Thế Dân chấn động hỏi:

- Chẳng lẽ Phạm trai chủ đã tiên đoán trước một bước là chúng ta sẽ tới gặp Phiệt chủ?

Từ Tử Lăng lắc đầu:

- Người không hề biết được chúng ta sẽ tới Lĩnh Nam!

Tống Lỗ nói:

- Ta cũng đã nghĩ đến khả năng đó, nên đã hỏi qua bọn chúng, nhưng gần đây Lĩnh Nam cũng không hề có khách tới.

Khấu Trọng thở hắt ra một hơi:

- Dù Người có đến hay không cũng đều tốt cả, đỡ cho chúng ta rất nhiều công sức, hiện tại tất cả mọi chuyện đều trong tay Phiệt chủ, chúng ta tới cả Ma Đao Đường cung lĩnh dạy bảo của người là xong!

Tiếp đó muốn nói gì lại thôi, cuối cùng im lặng.

Tống Lỗ cười với Khấu Trọng:

- Ngọc Trí đi Bà Dương rồi, tối nay sẽ về tới đây.

Khấu Trọng trong lòng thở dài. Tối nay lúc gặp được Tống Ngọc Trí, gã rất có khả năng không còn là con rể tương lai của Tống gia nữa.

o0o

Theo sự an bài của Tống Lỗ, ba gã ngồi trong xe ngựa bịt kín để lên núi vào thành, thẳng tới cửa Ma Đao Đường.

Khấu Trọng trở lại chốn xưa, nhớ lại khi được thụ giáo Tống Khuyết mà có đột phá trong đao đạo, tâm tư đầy ý vị riêng.

Tống Lỗ nói:

- Các ngươi vào đi!

Khấu Trọng thấy lão thần sắc ngưng trọng, trong lòng than thầm rồi đi trước dẫn đường.

Từ Tử Lăng và Lý Thế Dân đi sau gã, tất cả đều bị khí thế cùng cảnh tượng Ma Đao Đường chấn nhiếp, trong lòng không khỏi nảy sinh cảm giác sùng bái đối với Tống Khuyết. Ba người trầm mặc bước trên những bậc đá trải dài lên Ma Đao Đường, xuyên qua đại môn, vào tới đại đường.

Tống Khuyết uy nghi sừng sững đứng trước tảng Ma Đao Thạch, ánh mắt cao thâm khó dò. Trước hết dừng lại trên người Khấu Trọng, rồi chuyển sang Từ Tử Lăng, cuối cùng ngưng định ở Lý Thế Dân.

Ba người vội thi lễ vấn an. Tống Khuyết không nói một lời, tay chắp sau lưng chầm chậm bước về phía ba người, ngang qua bên Lý Thế Dân, tới đại môn mới dừng lại, mắt nhìn khu tiền viện ngập trong ánh tịch dương của buổi chiều tà, lãnh đạm:

- Các ngươi có thấy kỳ quái là vì sao mà Tống mỗ ta tiên đoán trước được là Tần Vương sẽ đại giá quang lâm không?

Khấu Trọng nhìn bóng lưng Tống Khuyết gật đầu trả lời:

- Chúng tiểu tử quả đúng là đã suy nghĩ mãi mà vẫn không lý giải được.

Tống Khuyết ôn tồn nói:

- Bởi vì ta nhận được một phong thư của Phạm Thanh Huệ, phong thư duy nhất trong suốt bốn mươi năm nay. Nói thế các ngươi đã minh bạch chưa?

Khấu Trọng cho đến giờ phút này vẫn vô phương nắm bắt được tâm ý của Tống Khuyết, gã nói:

- Thế nhưng Trai chủ Thanh Huệ không hề biết chúng vãn bối sẽ tới Lĩnh Nam bái kiến Phiệt chủ.

Tống Khuyết thở nhẹ một hơi nói:

- Thanh Huệ không hề đề cập tới chuyện huynh đệ ngươi cùng với Tần Vương tới gặp ta, mà chỉ nói tới chuyện cũ năm xưa, chỉ có vài câu liên quan tới các ngươi là hy vọng ta lượng thứ cho nỗi khổ tâm của các ngươi.

Dứt lời ngửa mặt lên trời lại thở dài.

Tống Khuyết đột nhiên lại bước quay trở lại, đi qua bên Từ Tử Lăng, tới trước mặt cách ba người mười bước, quay lưng lại phía họ, trầm giọng:

- Nếu ta đoán không được chuyện các ngươi cùng nhau tới gặp ta, thì ta còn là Tống Khuyết nữa sao? Hơn nữa, nếu Tần Vương không thân đến gặp Tống mỗ ta thì còn gì để nói nữa.

Khấu Trọng chấn động:

- Vậy là vẫn còn đất để thương lượng!

Tống Khuyết xoay người lại như gió, song mục thần quang đại thịnh, quét qua lại cả ba người, hừ lạnh:

- Các ngươi có biết hiện giờ các ngươi đứng trước mặt ta, chính là thời khắc quyết định của cuộc đấu trí âm thầm bốn mươi năm nay giữa ta và Thanh Huệ không? Chỉ cần ta nói một lời cự tuyệt, Thanh Huệ lập tức phải thua trong cuộc đấu này.

Ba người nghe thế cùng rợn tóc gáy, dù có thiên ngôn vạn ngữ, thực cũng khó nói nên lời.

Tống Khuyết mục quang dừng lại trên thân Từ Tử Lăng, ngoài sở liệu của cả ba người, lão bỗng lộ xuất một tia tiếu ý, thản nhiên hỏi:

- Tử Lăng dựa vào đâu mà cho rằng Tần Vương sẽ là một vị hoàng đế tốt?

Ba người đồng thời phát sinh hy vọng, vì Tống Khuyết chí ít vẫn còn có hứng thú tìm hiểu về Lý Thế Dân.

Từ Tử Lăng trong lòng biết nếu nói sai một lời, khả năng sẽ có kết quả khác hẳn, liền cung kính đáp:

- Vãn bối từ lâu trong lòng đã có suy nghĩ Thế Dân huynh sẽ là một hoàng đế tốt. Thử nghĩ, Thiên Sách Phủ của Thế Dân huynh như hình ảnh thu nhỏ của một triều đình, ở đó Lý Thế Dân huynh không khi nào không cùng các thủ hạ mưu thần tướng sỹ nghiên cứu đạo trị quốc an thiên hạ, rồi trên cơ sở thực tiễn mà áp dụng, đó điều bàn dân thiên hạ ai ai cũng biết rõ.

Tống Khuyết quát lên:

- Nói hay lắm! Kẻ làm vua trước hết phải có đạo trị quốc, sau đó mới có thể nói đến dựa trên thực tiễn mà tiến hành. Mời Tần Vương trả lời ta, ngươi có cách hay gì để trị quốc?

Lý Thế Dân đón nhận nhãn thần sắc bén tưởng có thể xuyên thủng cả sắt đá của Tống Khuyết, khiêm cung đáp:

- Thế Dân đã xem xét sự hưng suy của ba triều đại gần đây mà rút ra được một kết luận, kẻ làm vua phải thực hành đạo mở mang khai sáng, chiêu đãi hiền tài, nghe lời can gián, lấy nhân nghĩa làm đầu, tất lòng dân sẽ theo. Như Nho giáo của Chu, Khổng, trong loạn thế tuyệt không thể dùng được. Hình pháp của Thương, Hàn trong buổi thanh bình trở thành chính sách làm loạn dân. Do đó Thế Dân nhận thấy rằng, để đạt được mục đích an thiên hạ, tất phải lấy nhân nghĩa làm gốc, pháp lý là ngọn, trước là lễ nghĩa đạo đức sau mới là hình phạt.

Tống Khuyết nhẹ nhàng nói:

- Tần Vương sùng bái chính sách nhân đạo của Khổng Mạnh, quả là nằm ngoài ý liệu của ta. Vậy ta lại hỏi ngươi thêm một vấn đề nữa, các bậc đế vương từ xưa, tuy có quân lực đủ để bình phục Trung Thổ Hoa Hạ chúng ta, nhưng vẫn không thể khuất phục được các rợ Nhung Địch, Tần Vương trên phương diện này có ý kiến đặc biệt gì không.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nghe vậy đều ngẩn mặt nhìn nhau, chuyện khó khăn này có thể nói từ cổ chí kim không ai có cách gì giải quyết ổn thoả, làm sao Lý Thế Dân có thể trả lời? Còn nếu như không trả lời được, nói không chừng ba người có thể sẽ bị Tống Khuyết lập tức đuổi khỏi Ma Đao Đường.

Chẳng ngờ Lý Thế Dân không hoảng không vội, bình tĩnh trả lời:

- Hoa Hạ của chúng ta từ xưa tới nay, không thiếu gì các bậc minh quân, biết nghe lời can gián, thực thi điều thiện, có đức lớn bao dung, nơi nơi đều tỏ. Duy chỉ có khi giải quyết các vấn đề liên quan tới các tộc ngoại di thì đều cho Hoa Hạ là cao quý mà khinh thị người Di Địch, làm cho lòng bọn họ oán hận, thà chết không phục. Thế Dân tuy bất tài, nhưng nếu như có thể đăng lên đế vị, khi đó dù là Hoa Hạ hay Di Địch cũng đều đối xử như nhau. Kẻ khi nào không phục thì đánh nhưng sau đã khuất phục, tất sẽ xem như người một nước, không cần phòng bị, có thể trở thành những châu phủ phên dậu bên ngoài, cho các tù trưởng của họ làm đô đốc thứ sử, có quyền tự trị. Đó là ngu kiến của Thế Dân, mong Phiệt chủ chỉ điểm.

Tống Khuyết hai mắt mở to nhìn chằm chằm vào Lý Thế Dân không chớp. Khấu Trọng cùng Từ Tử Lăng thầm kêu khổ, Tống Khuyết trước nay luôn kỳ thị các tộc ngoại di mà Lý Thế Dân kiến giải như vậy, khẳng định mâu thuẫn với thành kiến trong lòng Tống Khuyết. Nhưng trong lòng hai gã cùng hết sức bội phục Lý Thế Dân, bọn gã từng xông pha nơi Tái Ngoại, hơn ai hết hiểu rõ cừu hận giữa người Hán và các dân tộc nơi Tái Ngoại, tất cả đều do việc các bậc quân chủ của Trung Thổ khinh khi Di Địch trọng thị Hoa Hạ mà ra. Do đó chính sách bình đẳng của Lý Thế Dân đã giải quyết được cốt lõi của vấn đề.

Lý Thế Dân cảm giác được bầu không khí có phần khác thường, cười khổ:

- Tuy biết rõ Phiệt chủ nghe không lọt tai, nhưng đây quả thực là cách nghĩ trong lòng Thế Dân, không dám che giấu dối trá.

Tống Khuyết không nói một lời chầm chậm xoay người, cất bước đi tới trước Ma Đao Thạch, trầm tĩnh nhẹ nhàng hỏi:

- Khấu Trọng nói cho ta hay, ngươi sao có đảm lượng cùng Tần Vương tới gặp Tống Khuyết ta?

Khấu Trọng than vãn:

- Trước hết là do Tần Vương hạ quyết tâm sẽ không chùn bước mà quét bỏ tất cả chướng ngại, vì thương sinh mà tạo phúc, nhưng điều kiện tiên quyết là phải được lão nhân gia người đồng ý, nếu không tất cả đều phế bỏ. Ài! Tình thế hiện thời…

Tống Khuyết cắt lời gã:

- Không cần nói lời thừa, Tống Khuyết ta hiểu rõ tình thế hiện giờ hơn ai hết, càng không trách tấm lòng của ngươi, chỉ là hiểu rõ hơn về con người Khấu Trọng ngươi.

Tiếp theo xoay người lại đối diện Lý Thế Dân, chậm rãi nhả từng câu từng chữ:

- Tần Vương có quyết tru huynh sát đệ, bức cha thoái vị không?

Lý Thế Dân toàn thân kịch chấn, cúi đầu nói:

- Thế Dân đã đáp ứng Thiếu Soái, tuyệt không hối hận.

Tống Khuyết ngửa mặt nhìn trời cười nói:

- Hảo! Điều này đối với bất luận kẻ nào mà nói cũng đều là một quyết định đau khổ, nhưng ngươi cũng không thể có lựa chọn nào khác. Song ngươi làm sao thu thập được tàn cục?

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng cùng thấy sửng sốt, vì bọn gã chưa từng nghĩ đến vấn đề sau khi thu thập Kiến Thành, Nguyên Cát.

Lý Thế Dân không chút do dự đáp:

- Tất cả phải lấy mục tiêu ổn định là trên hết, trước tiên thi hành chính sách khoan dung, phàm đã thuận theo ta thì cứ tùy tài mà trọng dụng, tuyệt không tính toán là bộ thuộc cũ của Đông Cung hay Tề Vương Phủ, rồi truy phong cho vương huynh vương đệ, tất cả lấy hoà giải là chính.

Tống Khuyết từ từ chậm bước, tới trước Lý Thế Dân, nhẹ nhàng nói:

- Tần Vương suy nghĩ thật cẩn thận chu đáo.

Lý Thế Dân chán nản:

- Đúng như lời Phiệt chủ, Thế Dân quả là không còn lựa chọn nào khác.

Tống Khuyết nhìn lên Lương Đình, hai mắt ánh lên thần sắc hoài niệm thương cảm, ôn tồn nói:

- Tống mỗ bắt đầu minh bạch vì sao Thanh Huệ lại ủng hộ ngươi.

Khấu Trọng phấn khích:

- Phiệt chủ chắc là cân nhắc đề nghị của chúng vãn bối chứ?

Tống Khuyết ánh mắt nhìn về hướng Khấu Trọng, đáp:

- Sự thực ta đã sớm rút lui khỏi chuyện phân tranh trong thiên hạ, tất thảy do Khấu Trọng ngươi kế thừa. Có ý kiến phải là ngươi chứ không phải ta, đâu cần tới hỏi ý kiến của Tống Khuyết ta.

Từ Tử Lăng nói:

- Không được Phiệt chủ cho phép, Tiểu Trọng tuyệt không dám tự tiện.

Tống Khuyết cười nhẹ, ngưng mục nhìn Lý Thế Dân:

- Thế Dân có thể chân chính thuyết phục được ta là nhờ vào thái độ coi Di Địch và người Hán chúng ta như nhau. Điều này Tống mỗ chưa từng nghĩ qua lại càng là điều ta không thể làm được. Cho nên ta bắt đầu hiểu được lời của Thanh Huệ nói với ta rằng hy vọng Trung Thổ trong tương lai sẽ có một thời đại mới, kẻ Hồ người Hán cùng hoà đồng. Ta vẫn không biết điều đó có thể thực hiện được hay không, nhưng rõ ràng là cách nghĩ của Thế Dân rất mới mẻ so với tiền nhân, đó cũng là chỗ mà Thế Dân hơn hẳn người xưa. Xét cho cùng, Thế Dân là người Hán đã bị Bắc triều Hồ hóa, tư tưởng thật khác xa với Tống mỗ

Khấu Trọng thấy thái độ của Tống Khuyết rất hoà hoãn, góp lời vào:

- Phiệt chủ trước có nói lịch sử là do con người ta tạo ra! Vậy chúng ta không còn gì phải tranh cãi nữa, hãy nỗ lực cùng sáng tạo ra một thiên hạ nhất thống trường trị, thịnh thế lâu dài. Để cho bách tính trong thiên hạ từ nam đến bắc đều có được những ngày an lạc!

Tống Khuyết ha hả cười lớn, xoay người, chắp tay bước tới Ma Đao Thạch, thản nhiên nói:

- Nếu nói về cai trị thiên hạ, Khấu Trọng ngươi khẳng định không bằng Lý Thế Dân, ta còn gì để nói chứ? Lý Thế Dân ngươi phải nhớ, để được thiên hạ tuyệt không được nói nhân nghĩa, đó chỉ là cái nhân nghĩa của đàn bà. Thế nhưng khi trị thiên hạ thì phải lấy nhân nghĩa làm đầu, thực thi đức chính. Không được đố kị kẻ hơn mình, ghét bỏ người chính trực, phải kính trọng bậc hiền giả, không xem thường kẻ yếu. Ngươi xem sự suy vong của Dương Quảng, hãy lấy đó mà răn mình, nước có thể đẩy thuyền mà cũng có thể lật thuyền. Luận sự nghiệp, ai hơn được Thuỷ Hoàng Doanh Chính, nhưng đến lúc chết thì cũng vong quốc. Kẻ làm thiên tử mà có đạo tất sẽ được người thiên hạ thuận theo tôn làm chủ, vô đạo tất bị người bỏ không dùng. Cho nên bậc quân chủ phải lấy chuyện xưa mà làm gương, khi an ổn phải nghĩ đến lúc nguy khốn, Thế Dân nhớ lấy.

Khấu Trọng đại hỷ, nói:

- Phiệt Chủ đã nhất trí với đề nghị của chúng ta!

Tống Khuyết nhẹ nhàng chuyển thân, song mục xạ xuất thần quang, thản nhiên:

- Ta chẳng qua cân nhắc lợi hại, không thể không có thêm một thoả hiệp ngoài thỏa hiệp với Dương Kiên. Khấu Trọng ngươi có được sức mạnh lấy được thiên hạ, nhưng không có cái chí trị thiên hạ. Nay có Thế Dân ra sức, có thể khiến ta yên tâm rồi. Giả như ta chỉ cần lắc đầu nói không, cục thế trong thiên hạ sẽ thành nam bắc phân tranh, rồi ngoại di tiến vào xâm lấn, chiến hoả loạn lạc không biết lúc nào mới chấm dứt. Nói cho cùng thì Thanh Huệ đã thắng! Nếu chẳng phải đã đấu một trận cùng Ninh Đạo Kỳ, có Tống Khuyết ta chủ trì đại cục, có chuyện gì không thành được? Bỏ đi, Bỏ đi! Chuyện thiên hạ cứ giao cho các ngươi tuổi trẻ cáng đáng. Hiện tại các ngươi đã có được sự ủng hộ toàn diện của ta, có thể phóng tay đi hoàn thành mộng tưởng của các ngươi. Nếu ngày nào các ngươi còn chưa khống chế được toàn cục thì chuyện hôm nay tất vẫn phải giữ bí mật. Đi đi! Ta muốn được một mình tĩnh tâm suy nghĩ một vài chuyện.

Ba người đại hỷ bái tạ, rời khỏi Ma Đao Đường.

o0o

Tống Lỗ đợi từ sớm đã hết kiên nhẫn, thấy ba gã sắc diện mừng rỡ, ngạc nhiên hỏi:

- Đại ca đã gật đầu ưng thuận?

Khấu Trọng gật đầu đáp:

- Phiệt chủ đáp ứng toàn lực chi trì chúng vãn bối.

Tống Lỗ đại hỷ nói:

- Cám ơn trời đất!

Thanh âm của Tống Khuyết đột nhiên từ nội đường truyền ra:

- Khấu Trọng vào đây!

Khấu Trọng ngơ ngẩn giây lát rồi chuyển thân cất bước quay lại Ma Đao Đường.

Tống Lỗ ngó theo bóng lưng Khấu Trọng chưa khuất sau cửa nội đường, nói:

- Đại ca có dặn gì không?

Lý Thế Dân đáp:

- Phiệt chủ có nói chuyện này phải tuyệt đối giữ bí mật, không thể phong thanh tiết lộ!

Tống Lỗ gật đầu nói:

- Các ngươi trước hết nên lên thuyền ẩn náu, đợi sau khi Tiểu Trọng gặp qua Ngọc Trí rồi lập tức rời đi.

Từ Tử Lăng và Lý Thế Dân đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đều dâng lên niềm tôn sùng đối với Tống Khuyết, tuy chỉ mới gặp nhưng trí tuệ của Tống Khuyết thực sự bác đại tinh thâm, lượng bao dung đáng khâm phục, đã gây ấn tượng sâu sắc đối với bọn họ.

(

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện