Định Mệnh Là Những Chiếc Giày

Chương 26: Vệt màu



Có người nói rằng hạnh phúc luôn ở xung quanh ta, nếu bạn chưa thấy thì hãy cố gắng kiếm tìm. Tìm hoài, tìm mãi, cứ tìm đi rồi thể nào cũng sẽ thấy thôi. Tôi đã tìm kiếm rất lâu, tìm rất nhiều vậy mà sao lại chẳng thấy? Tôi than vãn vu vơ với Hạ, nó buông cây bút chì trong tay xuống, nhìn tôi một cái tỉnh queo rồi lại quay vào với bức tranh đang vẽ dở.

– Hạnh phúc tắc đường nên đến muộn. – Hạ ngừng lại một lúc rồi mới nói tiếp. – Hoặc gặp tai nạn chết tổ nó rồi cũng nên.

Tôi bật cười rồi lại chăm chú vào quyển sách đang đọc dở. Hôm nay là ngày 27 tết, trời khá lạnh, tôi rủ Hạ đi cafe giết thời gian. Chẳng hiểu tại sao tôi lại rủ Hạ chứ không phải một ai khác trong số bạn thân của tôi, có lẽ vì Hạ không quen biết Anh Quân. Buổi chiều hôm ấy tôi kể cho nó nghe về anh, về thứ tình cảm nửa mùa của mình nhưng có một điều mà tôi không kể đó là anh là thầy của tôi. Hạ chỉ biết đó là một người có đôi mắt màu nâu trong veo, có bóng lưng vững chãi đem lại cảm giác an toàn, có một bờ ngực ấm áp và người đó hơn tuổi tôi. Hạ ồ lên sau khi nghe tôi kể, thêm thắt một vài câu trêu chọc. Có đôi khi người ta cảm thấy dễ chịu với một người xa lạ đơn giản chỉ vì họ biết lắng nghe. Tôi cảm thấy dễ chịu với Hạ theo cách như thế.

– Thế mày thích thằng cha đấy bao lâu rồi?

– Từ năm lớp 10. Hình như thế, tao cũng chả nhớ là từ lúc nào của năm lớp 10.

– Đơn phương à? Tỏ tình chưa?

– Chưa, cũng không có cái ý định đấy.

– Ờ.

Hạ là thế, thờ ơ và rất rất phũ phàng nhưng đôi khi tôi lại thích cái tính cách đó của nó, thoải mái và không phải kiêng dè ai hết. Tôi thở dài rồi tiếp tục nhìn vào quyển sách. Đọc nãy giờ mà tôi còn chẳng biết cuốn sách này nói về cái gì, tâm trí tôi cứ lơ lửng lơ lửng như ở trên mây. Mọi chuyện tối qua khiến tôi chẳng còn can đảm mà bước tiếp. Tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu ngã tư để về đến nhà, chỉ thấy trong đầu toàn những hình ảnh hai người họ trên sân khấu, họ hát, họ cười, họ nắm tay nhau. Chỉ cần từng đó thôi tôi cũng cảm thấy được sự tác động mạnh mẽ lên từng dây thần kinh cảm xúc của mình rồi. Cảm giác ấy không hề vui chút nào cả.

Hạ từ biệt tôi rồi về thẳng. Tôi nhìn theo bóng nó mới đi rồi cũng lững thững đi bộ về. Nhìn quang cảnh xung quanh mà tôi mới thấy thấm thía cái câu nói: “Ở trong một thành phố càng phồn hoa, càng náo nhiệt bao nhiêu thì con người sống trong thành phố đó sẽ lại càng cảm thấy cô đơn lạc lõng bấy nhiêu.” Cô đơn là khi đứng giữa một chốn đông người mà bạn vẫn cảm thấy chỉ có một mình. Tôi rút tai nghe từ trong túi, cắm vào điện thoại, chọn bài hát rồi ấn ‘play’. Đường phố nhộn nhịp nhưng tôi không nghe thấy tiếng còi xe, dòng người đông đúc mà tôi chẳng thể nghe được tiếng nói, tôi vẫn cười vẫn sống nhưng không cảm nhận được niềm vui. Hiện tại tôi chỉ nghe thấy lời bài hát hòa vào cùng với giai điệu cất lên trong tai nghe.

“…

When the rain starts falling

You are here with me

Through the night you are all I see

But as I come closer

You would disappear

So I know that you were never really here…”

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó người ta nói thế này, “Yêu thầm một người cũng giống như đeo tai nghe và mở nhạc ở mức to nhất. Người ngoài thì thấy thật tĩnh lặng, chỉ có ta mới biết bên trong đang điên cuồng gào thét như thế nào.”

Trời lây phây vài hạt mưa, tôi vẫn bước đi, co rúm vào trong mớ khăn áo lòa xòa. Lời bài hát vẫn cứ tiếp tục vang lên đều đều. Mọi chuyện đến đâu thì đến, tôi chẳng thể làm gì cả, cũng không nên suy nghĩ quá nhiều, bởi nếu một vấn đề có thể giải quyết được thì chẳng có gì cần phải lo lắng, mà nếu không giải quyết được thì lo nghĩ nhiều cũng chẳng giúp ích được gì, vậy tại sao lại phải tự làm khó bản thân như thế chứ? Nhưng có lẽ cái việc tự làm đau mình đã trở thành một bản ngã tự hình thành trong mỗi con người. Người ta cứ yêu thương rồi lại nghĩ ngợi nhiều, suy nghĩ nhiều rồi lại sinh ra nhiều phiền muộn rồi tự than vãn. Chung quy cũng chỉ là một cái vòng luân hồi luẩn quẩn giữa thương và nhớ. Cứ trách con người chỉ toàn làm tổn thương lẫn nhau nhưng thực ra cũng nhiều lúc bản thân tự làm đau mình đấy thôi, như tôi bây giờ chẳng hạn. Có những thứ dù ta không muốn nhưng chúng vẫn cứ xảy đến và tôi thì chẳng thể lường trước được điều gì sẽ xảy đến với mình.

Tôi hít hà cái không khí lạnh lẽo ấy rồi thở ra một lớp khói mỏng, đây là một trong những lí do tại sao tôi yêu mùa đông đến thế. Lớp khói đục mờ dần trong không khí rồi hoàn toàn tan biến mất như thể nó chưa từng xuất hiện. Tôi đẩy cửa bước vào nhà, đặt xuống cuốn sách rồi bắt đầu dọn nhà. Mẹ và chị dâu đi chợ từ sớm, lão anh trai thì cũng dắt xe đi luôn ngay sau khi mẹ và chị vừa ra khỏi nhà và thế là còn mỗi tôi ở nhà với một đống thứ cần dọn dẹp.

Sau một hồi lăn lộn mỏi rã rời cột sống tôi đã dọn xong được phòng ngủ, phòng bếp và tầng 3. Tôi còn phòng khách và tầng 4 nữa thôi là có thể hoàn thành xong công việc của mình mà đi ngủ một giấc cho đẫy mắt, đó quả là một phần thưởng đáng để mơ ước vào ngay lúc này.

Tôi tiếp tục xách xô nước cùng với cái giẻ tiếp tục đi làm cái “nhiệm vụ cao cả” của mình. Đến khi tôi vừa lau dọn xong phòng khách thì cũng là lúc ông anh tôi đẩy cửa bước vào, đi theo sau còn có một người nữa, đó là Anh Quân. Kể từ sau buổi tối hôm ấy tôi chẳng nói chuyện với anh mà cũng chẳng có cơ hội để gặp bởi sau buổi hôm đó chúng tôi được nghỉ tết. Tôi không biết lúc bật điện thoại lên anh có thấy bao nhiêu cuộc gọi nhỡ của tôi không nhưng anh đã không gọi lại, cũng không nhắn tin. Điều đó như một con dao cứa vào cái tôi của một đứa đang đơn phương, khiến cho bao nhiêu hy vọng giờ đều trở thành một màu sắc xám xịt của sự tự ti và tôi cảm thấy bị tổn thương. Hẹn tôi ở phòng truyền thống để tập duyệt lần cuối mà anh không đến rồi sau đó lại đẩy tiết mục lên thời gian sớm hơn 10′. Anh hoàn toàn có thể nói thẳng ra với tôi rằng anh không cần tôi đệm đàn nữa. Câu nói đó ừ thì công nhận rằng tôi sẽ buồn đấy, ừ thì tôi sẽ suy nghĩ nhiều hơn đấy nhưng thà rằng như thế còn hơn là bị “hất cẳng” một cách bất ngờ như thế này. Tôi cũng muốn nói chuyện với anh lắm đấy, cũng muốn coi như không có gì xảy ra lắm đấy nhưng mỗi khi nghĩ đến điều đó là tôi lại không muốn gặp anh nữa. Con người ta khi bị tổn thương quá nhiều lại đâm ra ích kỷ và dở hơi như thế đấy.

– Dọn nhà à? – Anh tôi đặt mũ bảo hiểm lên tủ giày rồi cười cười, rõ ràng là lão anh già lấy cớ ra khỏi nhà chỉ để trốn việc.

– Lên dọn nốt tầng 4 với em đê. Có mấy cái chậu nặng lắm, không bê được. – Tôi dửng dưng nhìn cái bản mặt đáng ghét của lão anh trai rồi quay lưng đi lên tầng. Đang đi như nhớ ra điều gì đó tôi lại quay lại nói thêm. – Không làm em mách mẹ.

“Mách mẹ” là cái trò muôn thuở của tôi mặc dù hình như nó cũng dần trở nên rất vô tác dụng. Tôi cố tình không quan tâm đến sự hiện diện của Anh Quân mà hình như anh cũng chẳng thèm đoái hoài đến điều đó. Tất cả mọi việc mà anh làm từ khi đến là im lặng. Tôi có cảm giác như lúc anh mới đến, khuôn mặt vẫn còn rạng rỡ, vẫn vui vẻ, vẫn còn vương lại một nét cười nhưng từ khi trông thấy tôi gương mặt anh lại xị ra như nhúm giẻ khô để lâu ngày đem vứt vào chậu nước.

Lão anh tôi vốn cũng không định lên giúp nhưng nghĩ đến mấy cái đống đồ to đùng mà tôi không bê được cũng đành lóp ngóp lên theo. Anh Quân, bây giờ đang là khách của anh trai tôi, thấy thế cũng nối gót theo sau. Chúng tôi rồng rắn lên tít trên tầng cao nhất, Anh Quân cũng phụ một tay đặt lại cái tủ trong phòng thờ, lão anh tôi thì sắp xếp lại cái đống đồ khổng lồ của lão ấy, còn tôi thì lau chùi mọi thứ thật sạch sẽ. Cả ba người việc ai nấy làm, anh trai tôi và anh vẫn trò chuyện cười đùa đều đặn, duy chỉ có mình tôi là im lặng cặm cụi làm nốt phần việc của mình. Lau dọn xong hai người họ kéo xuống dưới nhà để nói tiếp mấy cái quái gì đó về công nghệ mà có cho tôi nghe cả buổi thì cũng chưa chắc rằng tôi sẽ hiểu được. Ngoài sân chỉ còn mình tôi. Mọi thứ đều gọn gàng và sạch sẽ, công việc của tôi coi như xong, tôi lúc này hoàn toàn có thể chạy một mạch xuống phòng và tự thưởng cho mình một giấc ngủ nhưng một vật nhỏ bé màu xanh xanh lấp ló ở góc sân đã thu hút sự chú ý của tôi, đó là một cái cây. Sân thượng nhà tôi không rộng lớn như nhà anh nên việc tạo một cái vườn cây không phải là chuyện dễ dàng. Mọi người trong nhà hay phải đi nhiều cộng thêm với việc không có thời gian nên chăm chút cho một cái cây quả thực cũng khá là khó chính vì thế nên nhà tôi chẳng trồng một cái cây nào cả. Lần cuối cùng tôi trồng một cái cây đó là năm lớp 8, nó đã chết khô do thiếu nước, tôi cũng quên mất là mình có một cái cây cho đến khi mẹ tôi dọn sân và phát hiện ra cái thân khô khốc của nó nên tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy một cái cây có thể tồn tại trong góc sân nhà mình. Tôi tiến lại gần, cúi xuống để có thể nhìn thật kĩ cái thứ màu xanh đó, trong giây lát tôi thấy mình giống con robot Wall-E trong phim hoạt hình, cái cách tôi nhìn cái cây bé xíu nằm gọn lỏn trong một hốc tường toàn đất cát bẩn thỉu chẳng khác nào con robot ấy lần đầu nhìn thấy cái cây. Đó là một cái cây xương rồng nhỏ, tôi không biết làm cách nào mà nó có thể lạc lối vào sân thượng nhà tôi và tồn tại cho đến khi tôi phât hiện ra nó. Cây xương rồng quả thực rất kiên cường, tôi không chắc rằng mình có thể mạnh mẽ được như cái cây ấy.

Tôi vội vàng đi tìm một cái bát nhỏ, đổ vào đó một ít đất, khéo léo đặt cây xương rồng vào đó, lèn đất thật chặt rồi tưới cho nó ít nước. Cây xương rồng nhỏ vừa vặn trong cái bát cũ kĩ màu đen tráng men, kích cỡ của chúng như thể là để dành cho nhau vậy. Ngồi ngắm nghía thêm một lúc tôi quyết định mang cả “chậu” xương rồng đó xuống.

Một lúc sau mẹ với chị dâu tôi về, Anh Quân vẫn mải miết ngồi chơi game với ông anh tôi, hai người họ đã chuyển xuống chơi dưới phòng khách còn tôi thì ngồi thù lù một góc với cây bút chì và cục tẩy, mân mê tờ giấy. Ban đầu tôi vẽ một chậu xương rồng, thấy trống trải quá tôi lại vẽ thêm vài chậu cây khác nữa. Chẳng mấy chốc đã có một vườn cây trên trang giấy của tôi, đứng giữa vườn cây đó là một người con trai đang đứng quay lưng. Người ta chỉ có thể nhìn thấy bóng lưng ấy chứ không thể thấy được đôi mắt anh. Tôi tỉ mẩn ngồi thêm thắt từng chi tiết một vào bức tranh của mình, cái bóng đổ dài từ bóng lưng đó sao mà gợi hình ảnh anh nhiều đến thế.

Mẹ và chị đã làm xong xuôi bữa trưa. Mẹ tôi ngỏ ý mời Anh Quân ở lại ăn cơm với gia đình tôi nhưng anh một mực từ chối, nếu không phải mẹ tôi nói rằng đã nấu nướng xong xuôi hết rồi thì có lẽ anh sẽ ra về thật. Còn tôi, thật sự từ đáy lòng tôi cũng không muốn anh về.

Anh ngồi xuống bàn ngay cạnh anh trai tôi và đó cũng là chỗ ngay đối diện tôi. Suốt cả bữa ăn tôi chẳng khác nào một con mắt lé, thật đấy, tôi không thể nhìn thẳng mà chỉ có thể nhìn lệch đi chỗ khác, tôi không muốn mình nhìn thấy ánh mắt ấy.

– À mà đợt vừa rồi trường tổ chức cái gì mà mày với con gà kia biểu diễn chung hả? – Ông anh tôi tiếp tục câu chuyện bằng một câu hỏi sau khi đã khiến mọi người cười bò ra bàn vì phi vụ tôi ngã chổng cờ vào cái xô năm lớp 3.

Câu hỏi đó hòan toàn không có gì gọi là khiếm nhã hay đụng chạm riêng tư nhưng nó lại giống như một mũi giao nhọn chĩa thẳng về những điều rắc rối mà tôi nghĩ cả tôi và Anh Quân đều không muốn nhắc đến.

– À có gì đâu, em chỉ nhờ An đệm đàn thôi mà. Nhưng chắc An không thích nên thôi. – Anh Quân cười nhẹ.

– À vâng. Em làm sao mà có cái vinh dự đấy. – Tôi đáp gọn lỏn rồi cầm bát đũa đứng dậy – Con mời mẹ, em mời anh chị. Con ăn xong rồi.

Tôi xách bảng vẽ và mấy cái bút đi lên sân thượng ngồi. Trước khi đi tôi còn nghe mẹ mắng loáng thoáng mấy câu. Tôi biết tôi cư xử như thế là không đúng nhưng thử nghĩ mà xem, lỗi là tại tôi hết à? Rõ ràng là anh hẹn mà không đến rồi còn đẩy tiết mục lên sớm 10′ mà chẳng báo trước cho tôi và bây giờ thì anh nói như thể anh chẳng có dính lứu tí nào đến cái chuyện quái quỷ này vậy. Không lẽ tất cả là tại tôi à? Là tại tôi đã nghe lời anh mà đến phòng truyền thống, là tại tôi lúc nào cũng đợi anh như một con ngốc, là tại tôi đã không biết rằng cái tiết mục chết tiệt ấy đã được đẩy lên sớm hơn so với dự định. Nếu như vậy là có lỗi thì vâng, em là con ngốc có lỗi và thường xuyên vô dụng như thế đấy ạ.

Mang bảng vẽ và bút lên đến nơi nhưng tôi chẳng còn muốn động tới. Tôi ngồi tựa mình vào thềm cửa, cảm giác này là gì nhỉ? Mà thôi quên đi, tên gọi của nó đâu còn quan trọng nữa. Tôi thực sự rất ức, ức phát khóc mà không thể làm gì.

Ngồi thêm một lúc, lúc tôi quay ra đi tìm bút và bảng vẽ thì đã có một bóng người đứng sừng sững từ bao giờ khiến tôi giật mình. Anh đứng đó, hai tay nhét túi quần, gương mặt ấy càng trở nên đáng ghét sau những gì vừa xảy ra. Tôi nhìn anh căm ghét, bao nhiêu nỗi buồn bực và cả những suy nghĩ ngốc xít tự ti gì gì đó về bản thân giờ này đều chìm nghỉm trong cơn tức. Tôi dám chắc rằng mình chưa từng giận một ai theo cách kinh khủng như thế. Tôi quay đi coi như chẳng có ai ở đây cả, tiếp tục bới tìm trong đống giấy khu vườn mà mình đang vẽ dở nhưng tìm mãi mà chẳng thấy đâu.

– Đây. – Anh chìa ra trước mặt tôi một bức tranh có những cái cây, đứng giữa khu vườn ấy là một bóng người cao lớn, bóng lưng ấy cũng cao lớn lênh khênh nhưng lại vô cùng trống trải và lạnh lẽo.

Tôi đưa tay nhận lấy tờ giấy mà chẳng nói một lời. Đem nó gắn vào cái bảng nhỏ rồi đặt lên đùi, tôi quay ra gọt nhọn cây bút chì rồi sau đó tiếp tục tỉ mẩn.

– Em làm tôi phát bực. – Anh Quân cáu kỉnh ngồi phịch xuống cạnh tôi.

Tôi mặc kệ không đáp cũng không làm gì hết. Lời nói của anh giống như một làn gió thoảng, hoàn toàn vô tác dụng đối với cơn giận trong lòng tôi.

– Này, em có nghe thấy gì không thế?

Tôi không trả lời.

– Sao bướng thế?

Tôi mặc kệ.

– Sao không nói gì? Ngày thường em giỏi cãi bướng lắm mà, giờ tôi ngồi nghe em giải thích thì lại câm như hến thế hả? – Anh cao giọng.

Tôi vẫn chẳng có vẻ gì quan tâm đến những lời anh nói và cả cái thái độ tức tối của anh nữa. Anh muốn tôi giải thích, tôi biết phải nói sao cho vừa ý anh bây giờ? Nói rằng tôi có lỗi còn anh thì không hay là ngược lại? Xin lỗi nhưng lòng tự trọng của tôi không cho phép bản thân mình chịu đựng thêm bất kì một chút bất công nào nữa. Nét chì trên giấy ngày càng đậm và rõ nét thể hiện cho sự bực tức của tôi đang đặt hết lên từng nét chì hằn lên trang giấy.

Thấy tôi vẫn cứng đầu không chịu hé răng nửa câu Anh Quân bắt đầu cáu. Anh giật lấy cây bút chì trong tay tôi rồi quát to khiến tôi giật mình mà bật khóc.

– EM XIN LỖI MỘT CÂU THÌ CHẾT À?

– Vâng vâng em có lỗi em xin lỗi thầy được chưa? – Mắt tôi ầng ậc nước. Tôi nói như gào lên. Nước mắt cũng như bao nhiêu cảm xúc cùng tràn khỏi khóe mắt. – Ngay cả khi bây giờ thầy bắt em xin lỗi em cũng chẳng biết tại sao mình lại phải làm như thế. Buổi tối hôm đấy thầy không cần đệm đàn thì có thể nói thẳng một câu với em, thầy đâu cần phải làm như thế.

Anh ngây người khi thấy tôi khóc rồi lại nhíu mày.

– Nếu không cần tôi đã nói thẳng với em. Thế rốt cục tối hôm đấy em đã đi đâu? Rồi cả lúc sau cùng tôi gọi em cũng không quay lại nữa là thế nào?

– Thầy hỏi thế là sao? Thầy đã nói là hẹn em tập duyệt lần cuối ở phòng truyền thống rồi sau đó lại chẳng đến, em gọi điện thầy cũng chẳng thèm bắt máy, cũng chẳng thèm báo cho em biết tiết mục bị đẩy lên sớm.

– Khoan đã. Tôi hẹn em duyệt lần cuối ở phòng truyền thống khi nào?

– Không phải thầy bảo chị Khánh báo cho em à? Thầy đã không đến thì thôi ít ra cũng nên bảo với em một câu hoặc ít nhất cũng nên nghe điện thoại. Đằng này không những thế thầy còn cư xử như kiểu người có lỗi là em vậy.

Anh Quân im lặng, vẻ mặt đăm chiêu. Anh hạ giọng định nói gì đó nhưng những câu từ ấy lại trở thành im lặng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi đã giải tỏa hết nỗi buồn bực ngổn ngang trong lòng nhưng bù lại là một cảm giác hoang mang vô định. Anh vẫn ngồi đó không nói gì, bàn tay vẫn nắm chặt cây bút chì của tôi mà hình như anh cũng không có ý định đưa lại cho tôi cái bút đó. Nước mắt tôi vẫn chảy thành từng dòng, đó không chỉ là nước mắt thông thường, đó còn là cái “thích” ngốc nghếch của tôi, là những ngổn ngang trong lòng có lẽ đã tích tụ được từ lâu nên mới dễ dàng rơi đến vậy. Tôi gọi đó là những giọt buồn. Anh đưa tay lên định lau đi hai hàng nước đang làm nhòe mắt tôi nhưng hình như tôi vẫn cảm thấy bực bội khi bị cư xử bất công nên đã đẩy bàn tay anh ra rồi lại tự quẹt ngang một lần nữa. Hành động của tôi mang dáng dấp của một sự bực bội cáu kỉnh. Anh ngồi đó, đôi lông mày khẽ nhíu lại nhìn tôi còn tôi thi ngồi nhìn đi chỗ khác, chỗ nào cũng được miễn không phải ánh mắt ấy.

Anh đi xuống dưới nhà, không một chút tiếng động, tôi ngây người nhìn theo một cách kì cục. Ngồi thêm một lúc tôi cũng thu dọn đống giấy ngổn ngang rồi đi xuống phòng, lục tìm một cây bút khác rồi ghi thật ngay ngắn ở góc tranh vài chữ: “Con người của nắng”. Tôi không thích nắng bởi khi tôi chạm vào nắng thì đó chỉ là chạm vào khoảng không, tôi không thể chạm vào nắng, cũng giống như anh, tôi cũng chẳng thể nào chạm được vào tâm hồn anh. Tôi trầm mặc trong không gian của riêng mình nhưng lởn vởn đâu đây vẫn lại là hình ảnh của ai đó. Tôi đã từng tự hỏi mình rồi chuyện này sẽ đi đến đâu? Có lẽ đây là câu trả lời, một kết thúc từ từ cho thứ tình cảm mà có lẽ ngay từ ban đầu không nên được tồn tại.

Lúc tôi xuống nhà dưới thì anh vẫn ngồi đó, mẹ tôi đang trò chuyện với anh, tôi định sẽ đi xuống nhưng rồi lại xoay người đi lên. Mấy ngày tiếp theo đó tôi chỉ mải mê theo mẹ và chị đi hết chợ hoa này đến siêu thị kia lo mua sắm đủ mọi thứ đồ chuẩn bị cho tết. Đầu óc tôi cũng cứ quay lô lô chẳng còn trống lúc nào để mà nghĩ đến anh nữa.

Sáng ngày 30 tết, đường phố Hà Nội trở nên tĩnh lặng và vắng vẻ, mọi người đều về quê ăn tết, tụ họp gia đình, bỏ lại Hà Nội chỏng chơ. Hà Nội những ngày tết thật không giống với Hà Nội ngày thường chút nào, thay vào cái vẻ xô bồ nhộn nhịp thường ngày lại là một Hà Nội cổ kính trầm mặc, dù lạnh lẽo nhưng lại có một sức quyến rũ không tưởng. Tôi dậy thật sớm, tôi muốn tận hưởng từng khoảnh khắc trong cái ngày cuối năm này. Mới sáng ra khi mẹ tôi đang ngồi pha một ấm trà thì có điện thoại gọi đến, tôi đứng tưới mấy chậu hoa nên cũng chẳng quan tâm lắm. Một lúc sau mẹ gọi mấy anh chị em tôi xuống rồi thông báo.

– Tối mấy đứa qua bên nhà bác Lâm nhé, bác ấy vừa gọi điện mời cả nhà mình ăn tất niên mà lâu rồi mẹ cũng bận quá chưa có sang bên đó chơi với hai bác được.

– Con tưởng nhà mình phải làm xong cơm cúng chứ ạ? Bây giờ nhà mình còn chưa làm gì thì làm sao mà tối kịp sang bên đó?- Tôi lên tiếng bởi tôi không biết mọi chuyện sẽ như thế nào nếu như gặp Anh Quân.

– Không sao đâu ạ, mẹ với An cứ đi đi để hai vợ chồng con ở nhà lo được rồi mẹ ạ. – Anh tôi ôm một đống sách báo đi từ trên gác xuống.

– Ừ thế cũng được. Thế hai đứa ở nhà lo cơm nước xong sang luôn bên đấy nhé, năm nay thấy bác Lâm bảo sẽ rủ nhà mình đi xem pháo hoa nữa mà.

Tôi còn chẳng kịp nói gì thì mẹ đã lên gác dọn nốt đống đồ đạc và chuẩn bị để chiều đi. Đúng 6h mẹ gọi một cái taxi để sang bên Back In Time, khoảng nửa tiếng sau hai mẹ con đã đứng trước cửa nhà anh. Năm ngoái tôi nhớ rằng tiệm cafe còn mở cửa cả đêm 30 để đón khách nhưng năm nay anh lại cho nhân viên nghỉ tết chứ không bắt mọi người trực ca như tết năm ngoái.

– Cháu chào bác. – Anh Quân chạy ra mở cửa sau khi nghe thấy tiếng chuông cửa. Anh lễ phép chào mẹ tôi rồi đưa tay ra xoa đầu khiến đầu tôi trở thành một cái đống rối bù- Chào nhóc.

– Vâng. – Tôi thì trợn tròn mắt nhìn anh như đúng rồi.

Tôi cũng lễ phép chào hai vợ chồng bác Lâm khi thấy hai bác đang trong bếp. Khi thấy người lớn đang nói chuyện say sưa thì anh lại khều khều tôi chỉ chỉ lên gác. Tôi nhìn anh dè chừng nhưng cũng đặt con mèo béo xuống đất rồi đi theo. Leo hộc bơ mới lên đến tầng trên cùng. Anh thì đi vào phòng piano còn tôi thì ngây người khi nhìn thấy khu vườn của anh. Ở đó có thêm rất nhiều chậu cây mới trồng. Đó là một chậu Cẩm Chướng đỏ viền trắng ở một góc sân, là một khóm cây hoa Bạch Trà được đặt trên bệ cửa, còn có cả một giàn hoa giấy um tùm hoa lá và một đống cây lá khác mà tôi không biết. Tôi ngẩn người trước khung cảnh ấy. Anh nhẹ nhàng lách qua chỗ tôi đứng rồi nhét hai tay vào túi quần, khóe miệng khẽ cong tạo thành một nụ cười tuyệt đẹp. Từ chỗ tôi đứng chỉ có thể nhìn thấy bóng lưng của anh. Cảnh tượng này khiến tôi nhớ về bức tranh của mình.

– Đẹp không? – Anh hỏi.

– Thầy hỏi em ạ? – Tôi ngu ngơ đáp lại.

– Không lẽ tôi tự hỏi mình? =’= Mà tôi nói bao nhiêu lần rồi, đang ở nhà chứ không phải ở trường.

– À vâng, em xin lỗi.

– Có phải em cảm thấy không vui?

Anh nói mà không quay lại. Lúc ấy sao mà tôi cảm giác anh đứng xa thế.

– Dạ?

– Có phải em luôn cảm thấy rằng tôi bất công với em?

– Là…sao..ạ? – Tôi lắp bắp chẳng hiểu gì.

– Nhìn em thế này đến tôi cũng nghĩ mình lại đang chèn ép làm khó em rồi.

– Em không hiểu?

– Vườn đẹp không? Tôi mới sửa lại đấy. Tôi làm trong 3 ngày thôi.

– 3 ngày ạ?

– Ừ. – Anh quay lại nhìn tôi khẽ cười. – Thôi vào phòng piano tôi chỉ em cái này.

Tôi lật đật đi theo anh trong lòng tự hỏi liệu nãy tới giờ nụ cười ấy có luôn ở trên môi anh? Anh nhẹ nhàng ngồi xuống một bên ghê rồi ra hiệu cho tôi ngồi xuống.

– Em còn nhớ bài “Aye” không?

Tôi gật gật như con ngốc mà ngẫm lại thì từ nãy tới giờ tôi hành xử có khác con ngốc là bao. Anh bật cười rồi lấy ra một tờ giấy và cây bút chì mà hình-như-là-của-tôi.

– Tôi có sửa lại một chút ở khúc cuối. Em thử chơi đi xem nào.

– Thôi nhạc của thầy thì thầy chơi đi em biết đâu được.

– Thôi được rồi.

Anh nhẹ nhàng đặt tay lên phím đán, chẳng phải đợi lâu để có thể nghe thấy tiếng nhạc cất lên trong veo mà nhẹ bẫng. Lại là một bài nhạc nữa anh tự sáng tác, anh đáng lẽ nên là nhạc sĩ chứ không phải thầy giáo. Tôi bất chợt nhớ lại một bản nhạc mà anh cũng đã từng sác tác trước đây, đó là bài “Love You”, bản nhạc anh dành riêng cho Bảo Khánh. Nếu trước kia tôi vô cùng thích âm điệu của bài nhạc đó thì bây giờ tôi lại càng cảm thấy thích bài “Aye” hơn. “Aye” mang một giai điệu khó đoán và ngọt ngào chân thật hơn là “Love You”, “Love You” tuy giai điệu ngọt ngào bay bổng nhưng hình như vì nó được dành tặng Bảo Khánh nên tôi dần chẳng thích nó nữa. Tại sao tôi phải thích một bản nhạc không thuộc về mình?

– Phần này tôi thêm một vài nốt trầm nữa, em học thuộc lại đi nhé.

– Để làm gì ạ?

– Em quên là tôi tặng em cái bài này rồi à?

Tôi im lặng, đơn giản vì chẳng biết mình nên nói gì.

– Xin lỗi.

Tôi giật mình nhìn anh khó hiểu.

– Đừng nhìn tôi như thế. Xin lỗi vì hôm ở trường, tôi đã cư xử không phải. Bài nhạc này tặng em luôn đấy, mặc dù tôi đã nói là cho em nhưng tôi nghĩ em vẫn nghĩ nó không phải của em.

– Cho em thật á?

– Ừ.

– Thật?

– Tôi đùa em làm gì – Anh nói chắc nịch.

Tôi bất giác mỉm cười. Cảm giác giống như mọi tủi hờn đều tan biến hết, cảm giác giống như mùa đông đang dần tan ra còn những nụ hoa ngoài kia thì nở hết. Cảm giác đó gọi là gì nhỉ, hạnh phúc chăng?

– Này mấy cái đứa kia đâu rồi có xuống ăn không thì bảo? Đến ăn cũng phải gọi nữa hay là chúng mày nhịn hết đi nhé. – Giọng lão anh trai tôi oang oang như vịt đực.

– Anh giỏi anh tọng hết cả đống đấy đi xem nào. Đố kẹo luôn. – Anh Quân thong dong đi về phía cửa cũng gào lên đáp lại.

Tôi ngẩn người ngồi nhìn những phím đàn thẳng tắp đặt đều nhau, trong đầu rõ ràng là chẳng có một suy nghĩ gì cả nhưng tôi vẫn thần người ra, có lẽ là vì tôi vẫn chưa tin được chuyện anh tặng tôi một bản nhạc là thật. Có lẽ đây là một món quà tạ lỗi, anh tặng nó cho tôi có lẽ chỉ đơn giản vì nó là một lời xin lỗi. Nhưng dù vậy tôi rất thích bản nhạc ấy, thích hơn cả “Love You”.

– Con gà kia mày có xuống không hay để tao trải thảm mời mày mới chịu xuống hả? – Tiếng của lão anh già làm tôi giật mình.

– Từ từ. – Tôi gào lên rồi cũng mau mau chóng chóng xuống tầng dưới.

– Mày làm cái gì mà mãi không xuống thế? Ra dọn bát đĩa ra đi còn gì nữa. – Ông anh tôi nổi máu đanh đá.

– À em bảo An dọn mấy tờ nhạc phổ ấy mà. – Anh Quân đứng ra bênh vực, nháy mắt với tôi ra hiệu. – Dọn xong chưa thế?

– Dạ chưa xong ạ, còn mấy tờ giấy. – Tôi lắp bắp.

– Ờ thôi không sao lát lên dọn nốt sau cũng được. Vào ngồi đi thôi.

Mọi người lục đục ngồi vào bàn, tất cả quây quần bên mâm cơm như một gia đình thực thụ. Tôi nhớ năm ngoái gia đình bác Lâm cũng mời gia đình tôi sang ăn tất niên như thế này, cảm giác của tôi lúc này và lúc ấy cũng chẳng khác nhau là bao.

– Con mời hai bác, con mời mẹ, em mời anh chị. – Tôi vui vẻ mời mọi người.

Tiếng bác Lâm cười, tiếng mẹ tôi và bác Lân trò chuyện, tiếng lão anh tôi đang huyên thuyên về một điều gì đó, chị dâu tôi thì ngồi kể chuyện cười. Khi tất cả vừa cầm đũa lên thì có tiếng chuông cửa, vừa lúc bác Lân đứng dậy đi lấy giấy ăn tiện đường bác mở cửa luôn. Cửa vừa mở tôi đã nghe thấy tiếng bác cười lớn.

– Ôi bác cứ nghĩ con không tới cơ. Thôi vào đây đi, vào ăn luôn với nhà bác. Hôm nay nhà bạn bác sang chơi nữa cơ mà con cứ lên đi mọi người vào ngồi hết cả rồi.

– Dạ vâng. – Tiếng dạ nhỏ nhẹ mà vô cùng quen thuộc khiến tôi có chút hoang mang.

Tôi nắm chặt đũa nhìn chăm chăm về phía cửa bếp, trông ngóng xem đó có phải người mà tôi đang nghĩ đến hay không. Tiếng bước chân rõ dần, tiếng hai người họ nói chuyện cũng lớn hơn và rồi cái lo sợ trong tôi cũng lớn dần theo những âm thanh nhỏ nhặt đó. Người con gái ấy xuất hiện bên cạnh bác Lân trong bộ váy dài quá gối màu hồng nhạt, chiếc áo măng tô màu be tôn lên dáng người của cô ấy.

– Cháu chào bác ạ. – Bảo Khánh nhẹ nhàng mỉm cười điểm mặt tất cả mọi người ngồi trong phòng.

– À đây là Bảo Khánh, bạn gái của Anh Quân mới từ nước ngoài về, hôm nay mới có dịp giới thiệu cháu nó cho bà. – Bác Lân đi theo sau tươi cười giới thiệu với mẹ tôi rồi quay về nói với Bảo Khánh. – Đây là bạn thân của vợ chồng bác và gia đình bác ấy.

– Dạ vâng cháu chào bác ạ.

– Hóa ra đây là cô bạn gái của cháu hả Quân? Gần đây bác có nghe mẹ cháu kể nhiều đến Bảo Khánh. Mà trông Khánh quen nhỉ, nhìn rất giống cái Chi bạn của An đấy. – Mẹ tôi cười với bác Lâm.

Từ nãy giờ chuyện diễn ra dường như chỉ là chuyện của người lớn và Bảo Khánh còn bốn đứa chúng tôi mỗi người một biểu cảm. Anh Quân thì trợn tròn mắt kinh ngạc, anh trai tôi thì nháy nháy Anh Quân ý muốn nói là có bạn gái mà giấu, chị dâu tôi thì cười phụ họa rồi thêm thắt vào mấy câu trêu Anh Quân còn tôi thì cố kéo bộ mặt của mình lên cho giống như là đang cười. Bảo Khánh cởi áo khoác rồi vắt lên ghế một cách rất tự nhiên rồi ngồi vào bàn ăn và đương nhiên là chị ta sẽ ngồi xuống cạnh chỗ của Anh Quân rồi. Suốt cả bữa ăn câu chuyện chỉ xung quanh vấn đề của Anh Quân và Bảo Khánh. Mẹ tôi hỏi thăm rất nhiều, anh trai tôi cũng vậy còn chị dâu tôi thì hôm nay hình như sức khỏe không tốt nên có vẻ kiệm lời hơn. Còn tôi thì chỉ ngồi ăn như một con lợn, một con lợn bất cần đời, ăn như thể đây là lần cuối được ăn, như thể sắp bị người ta đem ra xọc tiết. Bảo Khánh bỗng dưng được trở thành tâm điểm thì cười rất nhiều, chị có vẻ rất hạnh phúc, khoác tay Anh Quân cười cợt rất tự nhiên và kể về chuyện ngày trước. Còn anh thì ngồi im, đôi lúc cười lấy lệ nhưng mà cũng chẳng lên tiếng.

Người ta thường hay bảo rằng :”Im lặng có nghĩa là đồng tình.”

Trong trường hợp này thì anh chẳng nói gì, từ đầu đến cuối chỉ mỉm cười. Tôi cảm thấy trong lòng mình cứ ngồn ngộn nên muốn ăn thật nhiều để cho những cảm xúc ấy trôi tuột đi. Bây giờ thì cái cảm giác lúc ở trên phòng đàn hoàn toàn bay biến đâu mất, để lại trơ trọi mình tôi xụi lơ không biết nên khóc hay cười, chẳng ra đâu vào với đâu. Tưởng rằng như thế đã là khổ sở cùng cực nhất rồi nhưng tôi đã nhầm, trái tim tôi như rụng xuống khi nghe thấy câu hỏi của mẹ.

– Thế bao giờ hai đứa định cưới?

Câu hỏi ấy khiến tôi cắn cả vào lưỡi. Đau nhưng không dám hét lên.

– Dạ chúng cháu cũng chưa biết ạ. – Bảo Khánh trở về với hình ảnh một cô gái e thẹn ngại ngùng đáp lời mẹ tôi.

– Ơ thế giờ còn chưa biết thì bao giờ mới định biết? Giới trẻ bây giờ khó hiểu thật đấy. Anh Quân, cháu định thế nào?

– Chắc là không bao giờ ạ. – Anh thản nhiên gắp một đống mực bỏ vào bát tôi. (Làm như bát tôi nó chưa đầy ý =’= Định biến tôi thành lợn thật chắc.)

– Đấy bà xem, tôi nói rồi mà. – Bác Lân gắp một miếng cá bỏ vào bát mẹ tôi rồi thở dài. – Làm mẹ thì chỉ mong cho con mình yên bề gia thất, mong có một đứa cháu nội. Tôi có mỗi cái thằng này là con trai, tôi không lo cho nó thì lo cho ai mà cứ hễ khi nào nhắc là nó lại giở chứng thế đấy. Nó có chịu hiểu cho tôi đâu.

– Bác cứ kệ nó, bao giờ nó chán thì tất nhiên phải vào “chuồng” thôi. – Anh tôi hả hê.

– Mày thì biết gì. – Mẹ tôi lườm. – Chúng mày thì bao giờ mới chán, 60 tuổi à hay là 80? Lúc đấy thì mấy ông già bà già này cũng thăng cu thiên rồi nhé. Vớ vẩn, còn cái mặt anh nữa đấy, nghĩ lấy vợ rồi mà ngồi đấy cười nó à.

Mọi người thì cứ rôm rả còn tôi thì ngồi thương tiếc cho cái lưỡi của mình, đau lưỡi mà không thét lên được nước mắt cứ đầy lên.

– Sao mà nhăn thế? – Chị dâu thấy tôi nhăn nhăn nhó nhó như sắp khóc thì quay sang hỏi thăm.

– Em cắn vào lưỡi.

– Đâu lè ra chị xem nào?

Tôi há miệng to rồi đưa lưỡi của mình ra. Chị tôi nhìn nhìn một lát rồi cau mày.

– Chảy cả máu rồi đây này.

Cái lưỡi của tôi đã tạm thời làm gián đoạn cái đám cưới nào đó của ai kia. Nghĩ mà muốn khóc.

– Mau mau uống nước đi. Đứa nào mang mật ong hay đá ra đây. – Bác Lâm chỉ chỉ Anh Quân

Anh đứng lên, rút tay khỏi tay Bảo Khánh để đi lấy đá. Hóa ra nãy giờ tay anh ở trong tay Bảo Khánh? Từ nãy tới giờ họ nắm tay nhau? Vậy mà có lúc tôi nghĩ mình cũng có cơ hội cơ đấy. Giọt nước mắt nóng hổi trào ra, theo đường góc của gương mặt mà lăn xuống.

– Ăn cho lắm vào để cắn vào lưỡi ý. – Anh tôi mắng. – Ăn gì như lợn.

– Đau lắm à? – Chị dâu nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng.

Tôi gật gật, nước mắt vẫn cứ chảy.

– Đá đây. – Anh Quân mang ra cả một khay đá. Anh tiến tới chỗ tôi ngồi rồi tự mình cúi xuống cầm lấy một viên đá. – Há miệng ra.

Tôi nhìn anh rồi chìa tay ra.

– Ể ự em àm.(Để tự em làm) – Tôi nói.

– Há ra. – Anh vẫn nhất quyết không chịu đưa đá cho tôi.

– Ự em àm ược ồi, ông ần ầy ải oan tâm. (Tự em làm được rồi, không cần thầy phải quan tâm).

– Nhanh lên không đá tan hết rồi. – Bảo Khánh lên tiếng.

Anh Quân ngậm ngùi đưa cho tôi khay đá, mắt vẫn dán chặt vào khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt..

– Lần sau ăn từ tốn thôi.

– Con thôi ạ. Con mời bác, con mời mẹ, em mời anh chị. – Tôi đứng lách qua một bên để đi ra chỗ khác. Viên đá trong miệng lạnh buốt làm lưỡi tôi tê cứng lại, nói được bấy nhiêu một cách đầy đủ về âm ngữ thôi cũng là một điều quá tuyệt vời rồi, tôi không mong mình sẽ nói thêm cái gì nữa. Chỉ có điều, viên đá buốt lạnh khiến lòng tôi cũng lạnh theo, não tôi cũng như tê liệt. Tôi vào phòng vệ sinh rửa mặt. Đến cái ngày cuối cùng của năm rồi mà vẫn không thoát đen, số mình đúng là số con bọ. Mà giả sử họ cưới nhau thật thì sao? Tôi thật sự không biết mình sẽ ra sao nữa. Có lẽ là tôi sẽ biết thân biết phận dẹp qua một bên chúc phúc cho họ, dẫu sao tôi cũng chỉ là người đến sau, tôi thì có là gì, đâu đủ quan trọng để chen chân vào cuộc đời anh. Tôi ngồi xuống ghế sopha, nhắm mắt lim dim để không ai hỏi chuyện mà cũng không phải nghĩ gì nữa. Nhiu béo từ đâu nhảy tót vào lòng tôi ngồi, nó cọ cọ cái mũi ẩm ướt vào lòng bàn tay tôi, cái lưỡi ram ráp liếm liếm đầu ngón tay rồi cọ cọ cái “đầu bông” của nó vào tay tôi. Tôi thở dài ngồi thẳng dậy vuốt ve con mèo béo lười biếng. Cứ nghĩ đến Bảo Khánh và Anh Quân, lòng tôi lại trùng xuống, trái tim bên lồng ngực trái như bị ai đó bóp chặt, cảm giác bức bối khó chịu vô cùng.

– Đỡ chưa An?

Khi mọi người đã dọn hết bàn ăn thì tất cả mặc đồ chuẩn bị xuống phố, Bảo Khánh nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi quan tâm khiến tôi có chút giật mình.

– Dạ… cũng đỡ đỡ rồi ạ.

– Ừ, em hay được anh Quân quan tâm nhỉ? Em cũng rất thích đúng không?

Câu hỏi kia làm tôi lạnh toát từ gót chân đến đỉnh đầu. “Thích”? Ý chị là sao? Là thích được quan tâm hay là cũng thích anh? Ánh mắt Bảo Khánh như xoáy sâu vào cái bí mật động trời của tôi, nụ cười nửa miệng khiến tôi gai người. Tôi kinh ngạc nhìn chị, con người tưởng chừng mang dáng dấp của một thiên thần dịu dàng hòa nhã thì giờ đây ở trước mắt tôi lại chẳng hề có thiên thần nào cả. Họa hoằn chăng là thiên thần rụng cánh.

– Chuẩn bị đi thôi. – Anh Quân đi một mạch từ trên gác xuống, lôi tuột cánh tay Bảo Khánh kéo đi, bỏ lại mình tôi vẫn còn đang sợ hãi ngồi trên ghế, ánh mắt vẫn nhìn chăm chăm vào cánh tay Bảo Khánh gọn gàng trong tay Anh Quân. Tôi thở hắt ra, vò vò cái đầu con mèo, cố gắng nhếch miệng lên tạo thành một nụ cười. Chưa bao giờ trong đời nụ cười của tôi lại nặng trĩu như thế.

– Mày đi được không đấy? – Anh tôi ẩy đầu tôi một cái hỏi. Tôi nhíu mày nhìn lên rồi gật gật một cách yếu ớt.

Đến khoảng 11h30 tất cả mọi người gồm gia đình tôi, gia đình bác Lâm và chị bảo Khánh cùng ngồi trên tầng thượng của một quán cafe ở bờ hồ. Mọi người cùng nhau cười nói vui vẻ bàn tán chuyện phiếm còn tôi thì ngồi im một góc nhìn cốc sinh tố đã vơi 2/3 của mình. Anh Quân đang đứng cùng Bảo Khánh ở chỗ lan can, hai người họ đứng ncahj nhau trông mới đẹp đôi làm sao, tôi có tư cách gì mà xen vào? Tôi thì có gì mà dám mơ mộng mình với Anh Quân? Hoàn toàn chẳng có gì. Ngay từ đầu vẫn là tôi cố chấp, vẫn là tôi bướng bỉnh ngang ngạnh, là tôi ấu trĩ để con tim mình rong ruổi chạy theo anh để rồi chạy hoài chạy mãi thì ngã nhào. Tôi như người đi trên sa mạc lâu ngày nhìn thấy hình ảnh lấp lánh của nước nhưng khi chạy lại gần thì ở nơi đó chỉ toàn là cát khô, còn anh giống như dòng nước mát khiến tôi lầm tưởng. Đó người ta gọi là hiện tượng ảo giác ốc đảo trên sa mạc.Tưởng rằng vậy nhưng thực ra không là không có thật. À ừ thì đúng rồi, ảo giác mà, đã là ảo giác thì có thật bao giờ đâu. Ngay lúc này tôi chỉ muốn về nhà và ngủ một giấc, sáng mai dậy tôi sẽ coi như chuyện này chưa bao giờ xảy ra hoặc đây chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ kinh khủng mà tôi chẳng bao giờ muốn gặp lại nó lần hai.

Những tia pháo hoa lóe sáng trên bầu trời rồi tắt lịm như những vệt màu của sự hy vọng trong tôi, đẹp đẽ, lấp lánh nhưng rồi vụt tắt rất nhanh. Bầu trời đêm lại nuốt lấy tất cả, bao gồm cả những tia pháo hoa đẹp đẽ lấp lánh ấy, chúng chỉ đẹp khi xuất hiện vào ban đêm và trở nên mờ nhạt khi mặt trời lấp ló sau những đám mây. Mọi người đều hướng lên trời để chiêm ngưỡng vẻ đẹp chớp nhoáng ấy, họ trầm trồ khen ngợi, họ quay phim chụp ảnh, họ chỉ chỏ cho nhau xem, họ cười nói với nhau. Còn tôi khác hẳn với tất cả mọi người, tôi nhìn những tia pháo hoa đẹp đẽ ấy một cách lãnh đạm , chẳng ai có thể tìm thấy một tia thích thú trên khuôn mặt tôi, đơn giản vì tôi không hề lấy làm thích thú, tôi không vui. Pháo hoa có đẹp thế chứ đẹp nữa tôi cũng không thể nào mà vui cho nổi. Tôi đã quá mệt khi ưứ giữ mãi nụ cười trên mặt, đây là lúc cho tôi quay trở về với tâm trạng thực của mình, bởi mọi người xung quanh đều đang ngước mắt nhìn lên bầu trời, sẽ không ai để ý tới nét mặt của tôi, như vậy tôi buồn sẽ dễ hơn. Nhưng tôi đã lầm, một khi đã quay trở về với tâm trạng buồn ủ dột thì sẽ rất khó để có thể cười lại như trước và thế là tôi gục đầu vào vai mẹ giả vờ ngủ, tôi không muốn bị tra hỏi về đôi mắt đỏ hoe của mình, tôi không muốn Bảo Khánh dùng con mắt ấy để nhìn tôi hiện tại. Và thế là tôi ngủ trên vai mẹ.

Tạm biệt năm cũ. Năm cũ qua đi chớp nhoáng như những tia pháo trên bầu trời đêm huyền ảo. Mọi thứ hãy trôi đi nhé, xui xẻo hãy trôi đi, chuyện cũ hãy qua đi và có lẽ tôi cũng sẽ đặt lại con tim này rồi tiếp tục tiến về phía trước.

Hạnh phúc ở đâu đó quanh ta…

Hạnh phúc tắc đường nên đến muộn…

Hạnh phúc là một thứ chỉ có ở trong truyện cổ tích mà hồi bé tôi hay nghe bố kể trước khi đi ngủ…

Hạnh phúc không phải tôi…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện