Gió Từ Trên Biển Tới

Chương 3: Mối tình đại chúng



Năm ấy, bên gối Tang Nhu luôn có một quyển “Truyền thuyết thần thoại Trung Quốc” bằng tranh. Những khi trời mưa, cô lại lật giở từng trang dưới ánh sáng trời âm u. Đầu giường có một cây tiên nhân cầu lặng lẽ nở những đóa hoa vàng.

Sấm chớp đùng đoàng, cơn mưa tầm tã như trút, bầu trời trầm nặng tưởng rơi, tất cả đều khiến Tang Nhu nhớ tới những câu chuyện bố từng ngồi bên mép giường kể cô nghe hồi bé. Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, Tinh Vệ lấp biển, những truyện kể chân thực mà xa xưa ấy sẽ khiến cô tạm thời quên đi rằng con người chẳng qua chỉ là một cái túi da chứa thịt nát, cứ bóc tách từng lần thì sẽ chẳng còn lại gì.

Cô không muốn trọ lại trường, không muốn bị khóa chặt trong cuộc sống tập thể. Một là không tin người khác, hai cũng chẳng tin chính mình. Nhưng mẹ đã quyết đoán thu dọn sẵn hành lý cho cô, tước mất chìa khóa nhà, cưỡng chế nhét cô lên xe buýt đồng thời ném lại một câu, Nếu tự mày vô tích sự chạy về thì không có cửa đâu.

Các bạn cùng phòng ngủ đều là người từ phương Bắc đến đây học tập, cứ luôn miệng than mùa mưa Nam Kinh mưa hoài không dứt. Tang Nhu trốn trong màn cười trộm. Lại có thể may mắn trốn làm hướng dẫn viên khổ sai rồi. Từ khi khai giảng, cô luôn có cảm giác mình đang học ngành du lịch.

Cái hôm vô tình gặp Giang Diên ấy, cơn mưa tầm tã phủ kín đất trời Nam Kinh.

Sau giờ học môn Sơ cấp cứu, Tang Nhu ôm hộp dụng cụ đã mượn đi tới bệnh viện trường để đóng dấu trả. Trên tấm bảng trắng dán thông báo tập thể bác sĩ trường đi tập huấn học tập. Cửa các phòng khám đều đóng chặt. Tang Nhu cau mày quay người định đi. Giang Diên với cái đầu chảy máu ròng ròng, toàn thân ướt đẫm nghiêng người lách qua trước mắt cô, dáng người cao to sừng sững trên hành lang vắng lặng chợt có nét như người anh hùng đến hồi cùng đường mạt lộ.

Cô ngoảnh lại nhìn, trong tiếng mưa xối xả, mọi thứ tựa như một cảnh kịch câm nhấn nét, “Cậu… gì ơi… Không có ai… tớ giúp cậu sơ cứu vết thương nhé…”

Bạn nam quay đầu sang, đánh giá cô bạn có vẻ nhút nhát nọ, bước chân khập khiễng tiến tới gần cô rồi ngồi xuống băng ghế màu trắng trên hành lang. Cô lục tìm trong hộp sơ cứu, lôi bông y tế, vải gạc, cồn và kéo ra bắt đầu sơ cứu vết thương ngoài da tuy không nghiêm trọng nhưng lại be bét máu thịt của cậu. Rõ là mới đánh nhau với người ta đây. Sườn mặt nghiêng của cậu trông tuyệt đẹp, nếu để lại sẹo ở đó thì thật đáng tiếc.

Cơn mưa mỗi lúc một dữ dội. Ngoài cửa, dòng nước cuồn cuộn xối xuống cống rãnh. Họ đứng dưới hàng hiên phía ngoài, cô đưa cây dù cho cậu, “Vết thương không thể dính mưa.”

Cậu liếc nhìn Tang Nhu, bất chợt khom lưng vác cô lên lưng mình, nhiệt độ cháy bỏng thoáng chốc nhấn chìm tiếng mưa thanh vắng. Cậu nói, “Cậu mở ô ra đi.” Tang Nhu há hốc miệng, định nói mà không thốt nổi thành lời.

Cô cứ cúi đầu thật thấp, vất vả giương ô, dáng vẻ như đang phải chịu hình. Lúc thả cô xuống trước tòa nhà kí túc, cậu cười bảo: “Tớ là Giang Diên.” Đoạn xoay người chạy sâu vào trong màn mưa mịt mùng.

Tang Nhu nghĩ, nếu không vì khuôn mặt đẹp trai sắc cạnh của cậu, chắc cô sẽ quay phắt người bỏ đi mặc hết mớ y đức. Những người ưa sạch sẽ thì không thích hợp làm bác sĩ, cô đã biết điều đó ngay từ lúc điền nguyện vọng.

Chữa lành tật bệnh, hành y giúp đời, gió xuân mang mưa tới, diệu thủ hồi xuân, có rất nhiều từ ngữ tốt đẹp để miêu tả về nghề nghiệp cao thượng này. Nhưng mỗi ngày, khi nghe giảng viên cứ ra rả về những chuyện như giúp người bệnh hút máu, mủ ở chỗ bị lở, loét ra, trong đầu Tang Nhu lại ngập tràn suy nghĩ rằng cô sẽ không bao giờ trở thành kiểu bác sĩ như thế.

Nếu trong các bác sĩ không có vài tên biến thái thì hẳn mới là bất bình thường. Tang Nhu nhìn lên vị giảng viên môn Giải phẫu, người đang cầm một đoạn xương chân như cầm cây thước dạy học, hết chỉ chỗ này đến chỗ kia trên màn hình trình chiếu. Bất chợt, cô thở dài.

Thầy đang cầm một đoạn xương mác gõ mấy nhịp xuống bàn, nói, “Tự nhớ rồi viết lại đi, viết không được thì tháo luôn xương ra đưa tôi làm thước.”

Cả lớp lập tức cắm đầu viết toàn bộ các tên xương mình nhớ được. 206 khúc xương, mỗi lần nhớ đến, Tang Nhu đều nảy sinh một cảm giác đau đớn tưởng như xương cốt toàn thân mình bị tháo dỡ. Cô khá thích xương lệ, xương đậu và xương nguyệt, bởi so với xương ức, xương trụ, xương chẩm thì nghe có vẻ dịu dàng hơn.

Cô lia bút nhanh như gió, nộp cho giảng viên rồi bưng mô hình khung xương đặt bên cạnh lên, cúi gằm mặt lủi ra khỏi phòng. Cô có thói quen cúi mặt đi đường, tựa như nếu không cúi nhìn thì lúc nào cũng có thể trượt ngã. Chợt, mắt cô liếc thấy một đôi giày đá bóng màu trắng trên nền sàn bằng đá granito và chiếc quần jean cắt ống ngang mắt cá chân. Một tiếng nói vọng tới từ phía sau: “Tang Nhu.”

Tang Nhu ngạc nhiên quay phắt người lại. Giày đá bóng màu trắng, quần jean, áo sơ mi ca rô, và khóe mắt bầm tím. Giang Diên huơ huơ đoạn mứt vỏ hồng trong tay, nở một nụ cười bướng bỉnh.

“Còn chưa học bài giải phẫu cơ thể sống nữa.” Tang Nhu quay lại, tiếp tục ôm bộ xương bước đi, chen qua giữa đám sinh viên xô lấn, một cảm giác khôi hài kì quặc bỗng nảy sinh.

Giang Diên đuổi sát phía sau: “Sao cậu lại ôm cái… đầu lâu…”

Tang Nhu chợt nhớ tới tiết học giải phẫu đầu tiên. Dưới ánh đèn sợi đốt sáng trắng, nụ cười xảo quyệt trên mặt giảng viên có gì đó như một con ác thú trong lốt người. Thầy nói người học y chẳng cần gì, chỉ cần lá gan phải lớn, rồi hỏi có ai vừa vào đây đã sợ rồi không? Sau đó, chỉ có mình Tang Nhu đang ngồi trong góc lớp dè dặt giơ cánh tay gầy còm lên.

Cứ như thế, cô trở thành lớp trưởng lớp Giải phẫu. Chẳng biết sau này có cần phải tiếp tục ôm xác chết đi đi về về nữa không nhưng nỗi sợ với sống và chết đã dần phai nhạt đi trong những cái ôm như thế.

Trước sự trầm mặc của Tang Nhu, Giang Diên chỉ cười hệt như lúc tạm biệt trong ngày mưa hôm nọ. Trong mắt Tang Nhu, nụ cười ấy luôn có gì đó rất khó nói rõ.

Ánh nắng buổi ban trưa bị tấm rèm cửa xanh màu nước biển ngăn lại ngoài nhà kho. Trong không gian không mấy rộng rãi cất giữ vô số mô hình khung xương và bộ phận cơ thể, có cả các tiêu bản đã được làm cứng. Tang Nhu đặt bộ xương vào một góc, nơi đã có sẵn một mô hình cấu trúc cơ y thật. Cô ngoảnh lại nói với Giang Diên “Cậu có chuyện gì hả?” Hình như Giang Diên bị giật mình, loạng choạng lùi về sau một bước. Tựa như lần này ngoảnh lại, bộ da người của cô đã bị lột trần.

“Có chuyện gì sao?” Tang Nhu hỏi lại lần nữa.

“Không có… Có… Cậu không cần tái khám cho bệnh nhân sao?”

Tang Nhu nghiêm túc đánh giá cậu, vươn tay bảo: “Phải lấy số trước.”

Giang Diên đặt cuộn mứt vỏ hồng vào tay cô: “Lo trước khỏi họa.”

Lúc cất cuộn mứt vỏ hồng vào ngăn bàn, Tang Nhu lại nhớ đến gương mặt hoạt bát của cậu, chợt thấy hơi nghi hoặc. Sau này, trong ngăn bàn luôn cất đầy mứt vỏ hồng, bởi một tuần hai lần, cứ đến tiết Giải phẫu là Giang Diên lại cầm khăn giấy và thứ chế phẩm làm từ sơn tra mà Tang Nhu không thích này đứng đợi trước cửa. Nhưng Tang Nhu chưa từng nói ra điều ấy.

Lần đầu tiên vớt tiêu bản xác người ra khỏi bồn chứa formalin, rất nhiều nam sinh quay vội đi nôn mửa như chưa được nôn bao giờ, các nữ sinh thì bịt kín miệng mũi. Tang Nhu chỉ nuốt nước miếng, dạ dày như bị ấn nút tạm dừng, không còn nhu động ruột, không co thắt, không buồn nôn. Có lẽ không phải cô không có cảm giác mà chỉ là khi đối mặt với cái xác đã bị vải trắng che kín mặt, đại não cô đã dừng hoạt động rất lâu, rất lâu.

Cô đờ đẫn nhìn giảng viên thành thạo mở ổ bụng, lấy các bộ phận ra, giảng giải xong rồi lại đặt về chỗ cũ, nhân tiện than thở rằng tại bây giờ thi thể khan hiếm chứ ngày xưa thầy còn từng được may mắn giải phẫu xác người mới chết cơ, các em giờ thì không còn cơ hội đó rồi.

Bốn bạn nam lại dùng móc sắt thả cái xác vào lại bồn formalin. Nhìn xuống dưới, bất chợt Tang Nhu thấy người ấy sao cô đơn quá. Ngày qua ngày, năm qua năm, lẻ loi trầm mình trong hóa chất, đơn độc trong căn phòng thí nghiệm này, hoàn toàn bị linh hồn vứt bỏ.

Cô nói Cậu xem, nãy giờ tớ chưa nôn luôn nhé. Cậu bảo Nhưng sắc mặt cậu tệ lắm.

Cô ngẫm nghĩ rồi đáp, Tớ thấy người cô đơn nhất trên thế giới hẳn chính là xác chết. So với xác chết, không ai có tư cách nói mình cô đơn lẻ loi lạnh lẽo cả. Tớ cũng đồng cảm với họ phần nào nên không thấy ghê tởm.

Đến lượt Giang Diên tái trắng mặt mày, sau lại dúi cho cô cuộn mứt vỏ hồng, “Không sao, cậu chỉ cần biết là nếu lỡ có chuyện gì, cậu vẫn còn có tớ là được.”

Tang Nhu nói Cậu sến quá, đi viết tiểu thuyết được rồi đấy. Cậu đáp trả Sao cậu biết vậy, tớ đang tính thế đây này. Tớ muốn viết một cuốn tiểu thuyết kinh dị lấy bối cảnh ở khoa y, nữ chính chắc là cậu, nam chính đương nhiên là tớ.

“Viết tiểu thuyết đâu được coi là nghề nghiệp chính.” Tang Nhu lườm cậu: “Tớ hỏi mượn giúp cậu mấy hình về mà nghiên cứu, trực quan hơn nhiều đó.”

“Tớ chỉ muốn nghe cậu nói thôi.”

Tang Nhu chưa từng chụp hình trong lớp học. Dù vậy, mỗi một chi tiết cô đều khắc ghi rõ trong đầu. Đôi lúc chiêm bao, cô còn mơ thấy một đàn ếch xanh không có nội tạng đang hát đồng ca.

Thế là cô chỉ cho cậu cách để ghim kim vào cổ ếch, cách chọc để phá hủy trung khu thần kinh (hủy tủy) của nó rồi cố định nó trên bàn mổ, “Thí nghiệm điện sinh vật là công việc cần kĩ thuật, phải mổ ếch, lấy nội tạng ra, tiêm dịch dinh dưỡng vào chỉ trong khoảng vài giây ngắn ngủi. Làm thế thì cậu sẽ nhìn thấy trái tim – sau khi rời khỏi cơ thể vật chủ – vẫn nảy đập như bình thường.”

Cô cũng chỉ cậu cách để xử lý những con chuột bạch dùng cho thí nghiệm, “Một tay giữ chặt gáy, một tay nắm chắc đuôi, sau đó kéo mạnh về hai phía, con chuột sẽ chết ngay.”

Cô nói: “Không thì để tớ dẫn cậu đi xem các tiêu bản đặc biệt vậy. Ở đó toàn là các mẫu vật đặt trong bình thủy tinh, có trẻ sơ sinh hai đầu, có mấy quả tim bị dị dạng như hình quả lê hay hình cái ủng…”

Đương nhiên Giang Diên chưa từng đi chiêm ngưỡng những tiêu bản đặc biệt tới độ có vẻ cô đơn ấy. Chỉ là qua những lời kể chắp vá của cô, cậu đã dần hiểu rõ về cái sự cô đơn cô vẫn nói. Cái cảm giác cô độc khi mọi sức sống và sắc màu trong sinh mệnh trôi tuột đi ấy, cái cảm giác lạc lõng khi cạo xương lóc thịt, chỉ để lại mỗi chân tướng ấy.

Đại học Y có khu nuôi động vật quy mô nhỏ riêng, chuyên nuôi các động vật phục vụ việc giảng dạy và thí nghiệm. Cứ đúng 6 giờ sáng, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy từ khu tứ hợp viện lại vang khắp bốn phía. Các sinh viên vẫn rỉ tai nhau một câu chuyện bí hiểm, rỉ đến tận tai Giang Diên. Với tố chất ham khám phá của sinh viên ngành báo, cậu lẻn vào khu tứ hợp viện nhỏ nọ, bấm đồng hồ, bắt lấy biến hóa trong chớp mắt. Kết quả là, trong tiếng chó sủa bỗng vang lên inh ỏi, cậu trông thấy Tang Nhu xuất hiện, trong ngực còn ôm thức ăn cho chó.

“Cậu cho bọn nó ăn lâu thì sẽ có tình cảm, sẽ không xuống tay làm thí nghiệm được.”

“Nếu cậu là bọn nó, chẳng lẽ cậu không thấy mỗi ngày sống đều là đày đọa sao? Đồng loại cứ từng người biến mất, không biết một ngày nào mình cũng sẽ ra đi. Ăn uống thì toàn cơm thừa canh cặn, còn phải hi sinh cho sức khỏe mạng sống của con người.” Cô gửi số thức ăn lại chỗ nhân viên, mỗi ngày đều đến cho chúng ăn đúng giờ, nếu cuối tuần về nhà thì còn đem cả thịt theo. Mãi rồi đám chó cũng quen, đã biết lúc nào cô sẽ đến.

Về sau, Giang Diên cùng đi cho chó ăn với cô, cuối tuần cũng mang rất nhiều đồ ăn từ nhà lên trường.

Hôm vị giáo sư môn Thực hành mang mười mấy con chó và sinh viên cả lớp đến Căn cứ Nghiên cứu Quân y, Tang Nhu trốn vào nhà vệ sinh ngồi khóc. Sau khi nhận biết bao cuộc gọi thúc giục của lớp trưởng, Tang Nhu mới cúi đầu lê từng bước lên xe, chẳng ngờ lại nhìn thấy Giang Diên đang ngồi ở dãy ghế cuối trên xe buýt, còn vẫy tay với cô.

Các bạn đều biết Giang Diên đang sốt sắng theo đuổi Tang Nhu, cũng biết tuy cậu lấy cái cớ hoa mỹ là viết chuyên đề y học cho tập san của trường nhưng kì thực lại có ý đồ khác hẳn.

Cậu rất tâm lý chiếm sẵn cho cô ghế ngồi bên cửa sổ. Cô ngồi xuống đó, ngoảnh mặt ngóng ra ngoài cửa xe, hai tay xoắn chặt vào nhau, giữ im lặng suốt cả đoạn đường. Đồ ăn vặt Giang Diên đem tới cũng được chia cả cho các bạn trong lớp.

Đến doanh trại, mười mấy con chó được anh lính trẻ tuổi dắt vào phòng thí nghiệm. Ở đó khá hỗn loạn. Nhân lúc không ai để ý, Tang Nhu lẻn ra ngoài, ngồi thẫn thờ trong khu huấn luyện không một bóng người.

Giang Diên ngồi xuống cạnh cô, đưa cho cô một chai nước khoáng, “Nay làm thí nghiệm gì vậy?”

“Thí nghiệm dược lý, một loại thuốc gây mê…”

“Vậy thì sẽ không gây tổn thương lớn lắm, mấy con chó ngủ một giấc là xong rồi mà.”

“Động vật dùng cho thí nghiệm đều phải xử lý hết. Cậu từng nghe tới những người làm nghề thử thuốc chưa? Hiệu quả cũng cỡ như đám chó này thôi, khác biệt duy nhất chính là họ không thể giết hết những người ấy.”

“Giang Diên…” Tang Nhu dừng một lát rồi lại tiếp: “Cậu biết việc đáng sợ nhất trên đời này là gì không?”

“Là cái gì?”

“Là như đám chó này ấy. Đến tận khi chết đi vẫn không biết được cảnh ngộ của mình.”

“Có lẽ chính do không biết nên cũng đỡ được rất nhiều sợ hãi và đau khổ, như những lời nói dối thiện ý vậy.”

“Chẳng có cái gì là lời nói dối thiện ý hết. Nói dối chính là nói dối.”

Giang Diên im lặng rất lâu, sau đó quay sang cô, dằn từng chữ trịnh trọng: “Tớ, muốn khiến cậu, được hạnh phúc hơn.”

Buổi thí nghiệm hôm ấy kết thúc, các chiến sĩ trẻ kín đáo tới tìm giảng viên, định xin giữ mấy con chó đáng nhẽ phải bị xử lý này lại để làm một bữa thịt chó, bổ sung thêm chút hương vị cho những ngày tháng phải ăn cơm trộn với ớt chưng Laoganma bình thường.

Ngày hôm sau, cô lại đi cho bọn chó ăn như thường lệ. Giang Diên nói Tớ đã thực hiện vài thủ thuật điện thoại để theo dấu điều tra việc hôm qua, cậu muốn nghe vài chuyện thú vị không?

“Chuyện gì?”

“Không biết có phải do mấy con chó bị tiêm thuốc mê quá liều không mà sau khi ăn xong bữa thịt chó tối qua đã có tới hai anh lính trẻ nằm liệt giường không dậy được, một vài người có triệu chứng tiêu chảy, những người khác cũng cảm thấy mình mẩy bứt rứt khó chịu. Chắc là bị ảnh hưởng thuốc mê gián tiếp rồi.”

Hẳn là do tâm lý, Tang Nhu bất giác bật cười.

“Cười rồi thì phải đồng ý với tớ một việc. Tối thứ Năm chúng ta cùng đi xem phim nhé.”

Tang Nhu không rõ liệu đây có phải khởi đầu của một mối tình bình thường không, hay ngay từ hôm vô tình gặp cậu, mối tình ấy đã bắt đầu? Tối thứ Năm, cô khoác chiếc áo gió, đeo khăn quàng cổ đứng đợi cậu ở trung tâm thương mại, bỗng thấy lòng sao bối rối. Giang Diên cứ như chẳng hề quan tâm tới mọi vẻ xa cách cô bộc lộ ra, ngang nhiên xộc vào thế giới của cô.

Đèn đuốc thắp sáng đêm cuối thu. Dòng người tấp nập qua lại. Cảm giác đặt mình vào đám đông để chờ đợi một người quả thật mông lung quá.

Vì thế, sau khi quá giờ hẹn nửa tiếng đồng hồ mà Giang Diên vẫn chưa đến, Tang Nhu lại cảm thấy, chắc sẽ không ai đến đâu.

Điện thoại không người nghe máy. Nửa tiếng nữa lại trôi qua. Tang Nhu lên xe buýt về nhà. Cô ngồi dưới ngọn đèn đường trong tiểu khu, nhận cuộc gọi từ Giang Diên. Cậu xin lỗi Tang Nhu, xin lỗi rất nhiều, nói nhà cậu có việc đột xuất, nói có người đang cấp cứu trong bệnh viện, cậu không kịp báo cho cô.

Bệnh viện… cấp cứu… Trước mắt Tang Nhu lướt qua một bức tranh hỗn loạn. Ánh đèn đỏ chóe, ga giường trắng vô hồn, những bóng lưng vội vã. Cô đứng người dậy, đôi chân như nhũn ra, suýt nữa đã ngã xuống.

Về sau, Giang Diên không bao giờ nhắc lại chuyện đêm đó nữa. Như để chuộc lỗi, cậu tìm một chỗ thuận tiện đi lại để xem phim, một quán cà phê ngay gần trường, nơi có một phòng chiếu phim cỡ nhỏ. Cứ mười giờ tối mỗi ngày, chỗ đó sẽ chiếu các bộ phim liên tục, hội viên thì có thể hẹn trước. Tang Nhu nói Tớ muốn xem “Before Sunset”, lúc đến nơi lại đổi thành “15 lần hẹn đầu tiên”. Tang Nhu nói Tớ muốn xem “Lạc lối ở Tokyo”, lúc đến nơi lại đổi thành “Madagascar”. Tang Nhu nói Tớ muốn xem “Chocolat”, lúc đến nơi lại đổi thành “Charlie và nhà máy sô cô la”. Tang Nhu nói Tớ muốn xem “Đại dương xanh (1988)”, “Nhưng tớ biết rồi tớ sẽ lại đổi thành “Đi tìm Nemo” thôi.”

(1) Các phim, sách, địa danh… được nhắc trong truyện đều là thông tin có thật, các bạn có thể gg để tìm hiểu thêm. Trường hợp tìm kiếm không ra, thường do tác phẩm chưa được dịch và phát hành ở Việt Nam, tên trong truyện chỉ là tên tạm dịch.

Lần nào, những cuộc hẹn xem phim cũng kéo dài tới tận bốn giờ sáng. Mấy lần chọn phải phim không hay, Tang Nhu cứ uống hết nửa ly cà phê rồi đặt xuống bên tay, ngả người dựa vào Giang Diên thiếp đi mất. Đến khi tỉnh lại, đôi chân co cụm dưới chiếc bàn gỗ thấp sẽ tê cứng khó bề cử động.

Thi thoảng, họ cũng đi du lịch mấy nơi gần ấy, như Tô Châu, Hàng Châu, Thượng Hải. Kí ức còn lại trong cô sau những chuyến đi ấy chỉ là ánh nắng chói chang như đổ lửa, tuyến xe khách đường dài chòng chành rung lắc và tiếng hít thở của những hành khách ngủ say. Và nụ cười của Giang Diên phía sau ống kính. Lần nào chụp hình, Giang Diên cũng bảo Tang Nhu, cười tươi lên nào, tươi thêm tí nữa. Và chẳng mấy sau đó, khóe miệng cô sẽ nhanh chóng toét lên tận mang tai.

Họ luôn cười rất nhiều, và nói rất ít.

Cứ như là, cậu ấy luôn biết hết, rằng cô yêu quý sự yên tĩnh tuyệt đối, căm ghét những câu chuyện phiếm ồn ào. Điều đó chỉ khiến cô muốn đổ bệnh.

Lần ấy, có lẽ do cơn sốt đã ủ sẵn trước đó mà cô đột ngột sốt tới tận 39 độ, cứ bọc kín chăn nằm co tròn trên giường. Nhưng mấy cô bạn cùng phòng thì vẫn mải buôn mấy chuyện đại loại như cô nàng phòng bên cướp bạn trai của bạn thân rồi bị tạt sữa đậu nành nóng trong căn tin, hăng say tới độ nước miếng văng tứ tung, tiếng ồ òa, tiếng cảm thán, lúc thì thầm, lúc lên giọng. Tang Nhu cố gắng bịt kín đôi tai, tưởng như đầu óc mình sắp vỡ nát vì không chứa nổi mớ âm thanh ấy.

Cô gượng ngồi dậy, định vào nhà vệ sinh. Thấy cô có vẻ phờ phạc, ủ rũ, các bạn bèn ùa tới hỏi han, “Tang Nhu, cậu sao rồi?” “Cậu khó chịu chỗ nào vậy?” “Mình đi bệnh viện xem thử nhé?” “Uống ít thuốc nhé?”

Những lời hỏi han láo nháo ấy lại càng khiến đầu cô thêm nhức nhối, đã mấy lần toan mở miệng, định nói Chỉ cần các cậu không nói nữa là tớ sẽ ổn. Nhưng sau cô nuốt những lời ấy lại, vì ý thức vẫn chưa mụ mẫm đến mức ấy, và cô biết nghĩ như thế thì thật đáng ghê tởm. Trong đầu như có ngàn vạn đôi cánh côn trùng đang vo ve, đôi chân nhũn ra không còn đỡ nổi cơ thể. Vào cái khoảnh khắc khi ngón tay chạm đến tay nắm cửa ấy, não bộ cô bất chợt trắng xóa.

Khi tỉnh lại trong bệnh viện, cô đồ rằng phải chăng mình đã gặp ảo giác.

Bạn cùng phòng nói lúc cô ngã ra đất, các bạn còn tưởng cô sắp đập nát sàn nhà đến nơi, “Trông chẳng có tí mỹ cảm gì hết, làm hỏng cả ảo tưởng về hình ảnh nữ sinh té xỉu của tớ.”

Cô bị nhiễm vi rút dẫn tới sốt cao, lại cộng thêm chứng viêm a-mi-đan kết hợp vào nên phải luân phiên truyền thuốc kháng vi rút và thuốc hạ sốt. Tang Nhu lặng nhìn mũi kim trên mu bàn tay, ngỡ như thấy được cả biểu cảm buồn bã của những tế bào bạch cầu. Rốt cuộc bọn mày đang muốn tao sống hay tao chết đây.

Các bạn gọi điện cho Giang Diên, mãi không thấy ai nhận máy. Các bạn lại gọi cho bạn cùng phòng của cậu, nghe nói cậu đã đi đâu từ tận tinh mơ.

Bác sĩ bảo tốt nhất nên ở lại theo dõi một đêm, nếu bệnh thuyên giảm thì không cần xét nghiệm. Tang Nhu sống chết không nghe, cứ nhất quyết đòi về nhà. Đương nhiên là về rồi thì bị mẹ tế cho cả tăng. Cứ chốc chốc, cô lại ngó vào điện thoại, suốt đêm không có tin gì của Giang Diên.

Hôm sau, cậu gọi điện tới, hỏi thăm bệnh tình của cô. Cậu luôn miệng xin lỗi, bảo là nhà cậu có việc đột xuất nên phải về, không biết cô bị bệnh.

Có tiếng gõ cửa. Cô cứ tưởng là Giang Diên bất ngờ tới thăm, sau mới biết là nhân viên giao hàng siêu tốc đưa hoa đến. Lúc nhận bó hoa bách hợp cỡ lớn và túi trái cây, mẹ còn dặn, “Bạn trai không phải muốn quen ai là quen đâu, quan trọng là phải coi gia đình nhà nó thế nào.”

Tang Nhu nằm lì ở nhà trọn một tuần, vừa ngắm những bông bách hợp trên đầu giường nở rồi tàn vừa nhận từng tin nhắn của Giang Diên, thấy trong lòng có đâu đó chút chán chường khó nói rõ. Tựa như có một dòng sông nước xiết ngăn cách đôi bờ, tất cả mọi lời nói và tiếng gào thét của họ đều bị tiếng nước chảy ầm ĩ nhấn chìm, chỉ còn lại sự yên tĩnh có tiếng ra mà chẳng có tiếng về.

Hôm về trường, Giang Diên ra bến xe đón. Cậu đánh giá kĩ càng từ đầu đến tận dưới chân cô, dáng vẻ như có bao lời muốn thổ lộ mà không sao thốt được thành lời.

Cậu bảo Cậu mau về phòng cất đồ đi, tớ dẫn cậu đi ăn một bữa thịnh soạn, coi như bồi thường vì đã không làm tròn chức trách của bạn trai. Tang Nhu đồng ý rồi chạy vào trong tòa nhà kí túc, vô tình va phải một bạn đang cầm hộp cơm đi lấy cơm, “Tang Nhu,cậu về rồi đấy à? Tuần trước tớ ra sân bay tiễn anh trai, thấy Giang Diên cũng ở đó, mà không thấy cậu đâu nên còn tưởng cậu ấy đi tiễn cậu chứ.”

Tang Nhu gật đầu cười, chạy sượt qua cô bạn, nhưng rồi vẫn vô thức ngoảnh lại liếc ra Giang Diên đang đứng đợi ngoài tòa nhà, thấy bóng cậu cúi đầu nhìn vào điện thoại dưới nắng sớm. Một nỗi lòng hệt như khi ngắm những bông hoa dần bung nở rồi từng chút lụi tàn bỗng manh nha bén rễ trong cô.

Nhưng luôn là thế, luôn bình lặng yên ổn như thế. Những việc tương tự không còn tái diễn, họ dần trở thành đôi tình nhân bền vững nhất trong vườn trường. Chỉ là ngay trước khi tốt nghiệp, cậu bỗng nói Tang Nhu, tớ muốn đi Bắc Kinh, làm việc cho một công ty quảng cáo nổi tiếng. Cho tớ hai năm nhé, tớ sẽ cho cậu một tương lai tốt đẹp nhất.

Từ trong bóng lưng quay đi của cậu, Tang Nhu nhận ra một sự bùng nổ như vỡ đê sau thời gian đằng đẵng đợi chờ. Đúng vào khoảng thời gian Nam Kinh nóng nhất, nóng đến độ bờ hồ Huyền Vũ cũng như sắp tan chảy, cô ngồi trơ trọi dưới cái nắng chói chang, dường như không phải không nỡ mà cũng chẳng phải nỡ lòng. Hẳn nên để cậu đi, cô đã nghĩ như thế đấy. Chẳng dứt khoát mạnh mẽ chút nào, cũng chả may may lưu luyến ủy mị.

Giang Diên đi rồi, Tang Nhu liền lao đầu vào kì thực tập. Trong một bệnh viện lớn vào hàng bậc nhất của địa phương, khẩu trang kín mít mỗi ngày, luôn chân qua lại theo sau các bác sĩ, cái tốt duy nhất dường như chỉ hiện rõ mỗi khi có ai hỏi mẹ rằng con gái đang làm việc ở đâu. Họ sẽ nhìn mẹ bằng ánh mắt hâm mộ, bảo Vậy sau này có bệnh khỏi lo rồi, trong bệnh viện phải có người nhà mới yên tâm được, chị đúng là có phúc quá.

Có phúc, không có nghĩa là sẽ hạnh phúc. Tang Nhu chưa từng cảm thấy hạnh phúc. Tuy Giang Diên vẫn gọi điện, nhắn tin, kể chuyện cười, tán phét về đồng nghiệp, nhắc có phim nào mới ra rạp mỗi ngày, còn hẹn sẽ đi xem cùng giờ với nhau nhưng cô vẫn luôn cảm thấy mình không xứng với sự chờ đợi của cậu, cũng không hề vui vẻ như cô đã mong ước.

Hàng ngày, khi cô bước vào bệnh viện, đội ngũ xếp hàng lấy số thâu đêm đã dàn hàng dài tận mười mấy mét trong khu lấy số chờ sẵn. Cô luôn cảm thấy ánh mắt của người bệnh là nặng nề nhất, là nơi pha trộn biết bao cảm xúc tiêu cực bên trong khiến cả khuôn mặt có vẻ chết lặng. Cái chết lặng này, các bác sĩ đã nhìn nhiều đến độ quen thuộc. Cũng như mùi nước khử trùng phủ kín nơi đây vậy. Không đâu là nó không thể len vào, ẩn mình chờ thẩm thấu tận từng lỗ chân lông, đã là chuyện đương nhiên dù thấy nhưng chẳng ai để ý.

Lần đầu tiên tham quan thực tế phẫu thuật cắt ruột thừa, thầy hướng dẫn tỏ ra rất tin tưởng vào cô. Nhưng vừa xuống khỏi bàn phẫu thuật, cô đã lao ngay vào nhà vệ sinh nôn hết cả mật xanh mật vàng. Không có mứt vỏ hồng, không có quýt chua, không có nước khoáng, cũng không có Giang Diên.

Lần thứ hai là một ca phẫu thuật sinh mổ. Cô không nôn nhưng cả hôm ấy không nuốt nổi thứ gì, đến đêm còn mơ thấy ác mộng rồi lên cơn sốt cao.

Khiến thầy hướng dẫn cũng phải đau đầu theo, đành bảo cô đi cắt chỉ cho bệnh nhân. Cô nhắm tịt mắt, rút mạnh đường chỉ ra, bất chợt òa khóc nức nở. Dáng khóc hệt như một đứa trẻ sợ tiêm, còn khiến bệnh nhân phải dỗ ngược lại.

Cô có thể đọc ra vanh vách tất cả các bước chuẩn bị trước phẫu thuật, từ rửa tay thế nào, rửa bao nhiêu lượt, khử trùng thế nào, mặc áo ra sao cho tới chỉnh nhiệt độ kiểu gì. Song khi ánh đèn phẫu thuật vụt sáng, cô sẽ lập tức không ngăn được ý muốn chạy trốn.

Kiến thức cơ bản của cô rất tốt, khi làm việc riêng luôn cho ra chẩn đoán chính xác và phương pháp chữa bệnh hợp lý, chỉ tiếc là không nhìn được những vết thương máu thịt bầy nhầy, không thể làm phẫu thuật. Cô sẽ mãi mãi là một bác sĩ có khiếm khuyết.

Cô thương xót cho mỗi một người đến đây, nhưng cô không thể chữa trị cho họ. Nếu cô có thể chữa cho họ, vậy thì, ắt cô đã có đôi mắt hệt như đôi mắt của những bác sĩ khác. Trong đôi mắt ấy chỉ có những mẫu vật còn hoạt động. Còn sống và chết, vốn chẳng hề khác nhau là bao. Khi ai đó không còn nỗi sợ hãi với sự sống và cái chết, vậy họ nên sống tiếp thế nào đây?

Sau này, cô phát hiện mình mắc chứng chán ăn độ nhẹ: mỗi ngày chỉ ăn một bữa, thi thoảng lại hay bỏ ăn, cũng không có cảm giác đói và khi đi ăn với đồng nghiệp, nếu ăn thịt sẽ còn thấy buồn nôn. Chỉ trong chưa đầy một năm, cô đã giảm 7,5 kí. Lần nào chat video với Giang Diên, cậu cũng nghẹn ngào cả buổi, rằng Tang Nhu, tớ xin lỗi, tớ không nên bỏ cậu lại một mình. Cậu tới chỗ tớ đi, tớ sẽ chăm cho cậu đến béo trắng mượt mà.

Tang Nhu đáp lại Sao cậu cứ thích xin lỗi tớ mãi thế.

Người nên nói xin lỗi, có lẽ phải là cô. Trên bàn đã chất đống cơ man những sách vở về y học từ hồi còn là sinh viên đến khi học lên nghiên cứu sinh, phải làm sao để chứng minh rằng cô không thể đi nổi con đường hành y này được đây?

Thế là, để theo đuổi mục tiêu béo trắng mượt mà ấy, Tang Nhu đã rời bỏ Nam Kinh. Hẳn do cô đã gầy rộc đi trông thấy nên mẹ không hề ngăn cấm một lời nào, cũng không nói mấy câu đại loại như chọn bạn trai thì phải căng mắt ra mà nhìn cho kĩ.

Có lẽ trong con mắt của người ngoài, mẹ cô nên yêu thương con cái hơn, lưu luyến cô nhiều hơn, mong cô ở nhà với mình nhiều hơn. Nhưng trước nay cô vẫn luôn lớn lên theo cách hoàn toàn ngược lại. Mẹ chưa từng yêu thương quá nhiều hay can thiệp vào việc cá nhân của cô. Từ khi còn bé, mẹ đã dạy cô phải độc lập, không dựa dẫm. Được thế thì sẽ không sợ những mất mát xảy đến bất ngờ.

Có lẽ đây đã định sẵn là một cuộc tháo chạy, không phải một chuyến đi. Nhớ nhung, hẳn không phải tiếng lòng chân thật nhất. So với mở ổ bụng của ai đó, đi Bắc Kinh không phải việc nguy hiểm gì. Ở đó có một người yêu cô.

Chào đón cô tới Bắc Kinh là cái ôm thật lâu của Giang Diên. Cậu bất chấp len lỏi qua dòng người xuôi ngược, bế bổng cô lên cao. Trong sân ga chiều từ Nam ra Bắc, cậu nói Chúng ta sẽ cùng tạo nên tương lai tốt đẹp nhất. Hoặc một hồi ức tuyệt vời hơn.

Nhưng chỉ sau vỏn vẹn ba tháng, tòa thành phương Bắc ấy đã trở thành hồi ức.

Ngoài con đường đến chỗ làm mỗi ngày, cô vẫn chưa quen đường xá ở đây lắm. Cô chưa từng đi Cố Cung, Vạn Lý Trường Thành hay khu phố mua sắm Sanlitun. Cuối tuần, Giang Diên còn thích ôm cô cùng ngủ nướng hơn cả.

Cây dù có họa tiết hoa nhỏ cô mang theo lúc tới đã bị bỏ xó suốt ba tháng, chưa từng được ló mặt. Ấy vậy mà lại có một thành phố không bao giờ đổ mưa, chẳng thể tìm được chút hơi nước trong không khí, đến lá rụng cũng hệt những tiêu bản dễ hư. Trong cuộc họp lên kế hoạch, tổ trưởng nói, Tòa nhà này đã thấm đẫm nhịp thở của Bắc Kinh, các cô cậu nghĩ thử xem, Bắc Kinh là cái gì, cái gì mới là Bắc Kinh.

Tang Nhu liền vẽ vào cuốn sổ ghi một cái xác khô.

Dù đi làm hay tan ca, cô cũng phải ngồi rất lâu trên chuyến tàu điện đông lúc nhúc. May là cả đi hay về đều ngồi đến trạm cuối, có thể chiếm được một ghế ngồi đọc sách giết thời gian. Trong ba tháng ấy, cô đã đọc hết “Những mảnh vỡ” của Nanae Aoyama, “11 loại cô đơn” của Richard Yates, “Siddhartha” của Hermann Hesse, “Phố cá sấu” của Bruno Schulz, “Bệnh đời vỡ bút” của Sử Thiết Sinh. Cô có thể cảm nhận được cái tên của tác giả cũng giống như chính con người họ vậy. Rồi lại nghĩ về mình. Tang Nhu. Nghe giống tên một thầy thuốc Trung y đấy chứ. Hoặc có lẽ mình thật sự nên trở thành một nhà thơ.

Tiếc là cô không học ngành Trung y, cũng chẳng phải nhà thơ gì. Cô phải viết vô số các bài quảng cáo giới thiệu trái với lòng mình, phải biên soạn vô tận những lời dối trá không biên giới hòng qua mắt các khách hàng của bên A. Cô biết tính chất công việc của Giang Diên cũng không khác mình là mấy, chỉ là tên tuổi công ty cậu có vẻ bóng bẩy hơn, những người trẻ tài năng vào đấy có vẻ sẽ có tương lai hơn.

Thời tiết ngày càng lạnh dần, ngày càng trở nên hanh khô. Tâm trạng cô trở nên cáu bẳn, ở công ty thì không viết được bài, to tiếng với tổ trưởng; về đến nhà thì mệt rã cả người, cùng ôm máy tính chuyện ai nấy vui. Có lúc nằm lên giường mà cứ trằn trọc mãi, trước mắt lại hiện ra cảnh cánh đồng lúa nứt nẻ thành những kẽ, khô cằn dưới ánh nắng bỏng rát.

Mãi rồi cũng có một đêm mưa gió về. Trên phố, ô dù bung nở như những đóa hoa. Cô bắt đầu nhớ tới cảnh vật dính quánh trong màn mưa, nhớ bầu trời dầm dề nhỏ nước, nhớ cô gái Nam Kinh dưới tán ô che. Cô tắt máy tính, nói Tôi không làm nữa rồi cứ thế lao ra khỏi tòa nhà văn phòng, đắm mình trong cơn mưa.

Đẩy mở cánh cửa nhà, biển hoa hồng che kín mắt chặn đứng cô trước cửa. Người Giang Diên nhễ nhại. Những bông hoa tươi tắn đẫm sương nở rộ. Cậu nói, Ngày kỉ niệm.

Cậu không quên dù chỉ một ngày có ý nghĩa nào, nhất là ngày khi cậu cõng cô lên rồi không đặt xuống nữa ấy.

Tang Nhu im lặng nhận bó hoa, ôm nó vào phòng tắm, tách bó, cắm từng cành vào lọ hoa bằng thủy tinh. Cô từng nói rất nhiều lần. Hoa nở rồi sẽ tàn, chỉ còn đống mục rữa phải dọn dẹp. Cũng như cái tàn nhẫn khi tận mắt chứng kiến một kiếp người vậy. Thế mà cậu vẫn tặng hoa vào mọi ngày lễ, không bỏ ngày nào. Cậu nói thể hiện tình yêu khó lắm, không thể bỏ phương thức tốt nhất này được.

Chính trong hôm ấy, cô nói Tớ xin nghỉ việc rồi, chắc tớ không thể thích nghi với Bắc Kinh được. Tớ muốn về Nam Kinh trước, nghĩ kĩ xem rốt cuộc mình muốn làm gì.

Đôi mắt Giang Diên chợt lặng đi. Nhưng cậu nhanh chóng mỉm cười, vuốt dọc theo mái tóc của Tang Nhu, bế bổng cô lên đặt xuống chiếc sô pha đàn hồi, “Tang Nhu, tớ xin lỗi. Tớ bận quá, còn chưa dẫn cậu đi cảm nhận một Bắc Kinh thực sự. Cậu về nghỉ lễ Quốc khánh rồi quay lại nhé. Tớ dẫn cậu đi khu Bến Thập, đi Trường Thành cổ, đi Bắc Hải, đi thăm cả ngõ La Cổ nữa.”

Tang Nhu ngước lên, nhìn thẳng vào ánh mắt nghiêm túc của cậu, nhoẻn cười gật đầu, “Cậu đấy, sao lại xin lỗi nữa rồi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện