Hai Vạn Dặm Dưới Biển

Chương 32: Vũng biển Vi-gô



Đại Tây Dương! Đó là một đại dương mênh mông, diện tích hai mươi nhăm triệu hải lý vuông, dài chín ngàn hải lý, rộng trung bình hai ngàn bảy trăm hải lý. Đại Tây Dương bao la như vậy, nhưng thời cổ đại hầu như không được nghiên cứu. Nhiều con sông lớn nhất thế giới đổ vào đại dương này. Biết bao tàu thuyền mang cờ tất cả các nước chạy dọc đại dương này. Sau khi đã vượt khoảng một vạn dặm trong ba tháng rưỡi, tàu Nau-ti-lúx bắt đầu rẽ sóng Đại Tây Dương! Nói một cách hình tượng, nó đã đi được một chặng đường dài hơn xích đạo. Bây giờ tàu chạy đi đâu? Tương lai sẽ ra sao? Qua eo Gi-bran-ta, tàu chạy ra khơi và lại nổi lên mặt biển. Những cuộc dạo chơi trên boong lại tiếp tục. Tôi trèo lên boong để hóng mát. Nét Len và Công-xây theo tôi. Ngọn gió nam nổi lên khá mạnh. Biển động. Tàu bắt đầu bị lắc. Nước biển mặn sủi bọt bắn tung tóe lên chúng tôi. Chúng tôi vội lui xuống, tuy vậy vẫn kịp thở hít chút không khí trong lành. Tôi về phòng riêng. Công-xây cũng về phòng mình, nhưng Nét thì không biết có điều gì băn khoăn nên đi theo tôi. Chặng đường qua Địa Trung Hải diễn ra quá nhanh đã phá tan mọi kế hoạch của Nét, và anh ta cũng chẳng giấu giếm nỗi thất vọng của mình. Cánh cửa phòng vừa đóng vào, Nét đã ngồi xuống và lặng lẽ nhìn tôi. Tôi nói:

-ông Nét, tôi hiểu ông! Nhưng ông không thể tự trách mình được điều gì. Tàu Nau-ti-lúx đi nhanh như tên bắn mà nghĩ đến việc chạy trốn chỉ là một sự điên rồ! Nét im lặng. Đôi mắt anh ta mím chặt, lông mày nhíu lại, chứng tỏ anh ta đang tập trung vào một ý nghĩ. Tôi nói tiếp:

-ông Nét, ông hãy nghe tôi. Chớ vội buồn nản. Chúng ta đang đi dọc bờ biển Bồ-đào-nha, gần nước Pháp và nước Anh là nơi dễ tìm chỗ lẩn tránh. Nếu ra khỏi eo Gi-bran-ta mà tàu chạy về hướng nam, ra khơi, thì ông lo ngại là đúng. Nhưng chúng ta biết thuyền trưởng Nê-mô không lảng tránh miền biển châu Âu. Vì vậy, tôi không nghi ngờ gì rằng mấy ngày nữa điều kiện sẽ thuận lợi hơn, khi đó... Nét Len lại nhìn tôi chăm chú hơn, và cuối cùng bật ra:

-Ngay tối hôm nay... Tôi giật mình. Thú thực, đề nghị đó của Nét rất đột ngột đối với tôi. Tôi muốn trả lời Nét nhưng chưa biết nói thế nào. Nét nói tiếp:

-Chúng ta đã quy ước với nhau chờ đợi thời cơ thuận lợi. Bây giờ thời cơ đã tới. Tối nay, tàu sẽ cách bờ biển Tây-ban-nha mấy hải lý. Sẽ không có trăng. Gió thổi từ biển vào đất liền. Ngài A-rô-nắc, ngài đã hứa hẹn, tôi trông chờ ở ngài. Tôi im lặng. Nét đứng dậy và đi đến chỗ tôi:

-Chín giờ tối hôm nay!

-Nét nói.

-Công-xây đã được báo trước rồi. Vào giờ đó, Nê-mô sẽ ở phòng riêng và chắc sẽ đi ngủ. Bọn thủy thủ, bọn thợ máy chắc sẽ không nhìn thấy chúng ta. Tôi và Công-xây sẽ lẻn ra cầu thang giữa. Còn giáo sư thì hãy đến thư viện chờ ám hiệu của tôi. Chèo, cột buồm và buồm đã có sẵn trong xuồng. Tôi đã giấu vào đó một số lương thực. Tất cả đã sẵn sàng, xin hẹn giáo sư đến tối!

-Biển động, ông Nét ạ!

-Tôi nói.

-Tôi đồng ý với ngài, nhưng cũng phải liều thôi. Vả lại, chiếc xuồng khá vững chắc, xuôi gió mà chèo mấy hải lý cũng chẳng vất vả gì lắm! Nếu mọi việc trôi chảy thì khoảng mười đến mười một giờ đêm nay, ta sẽ đổ bộ lên một nơi nào đó ở biển... hoặc là chúng ta sẽ đi đứt cả. Thôi, xin hẹn ngài đến tối!

Nói đoạn, Nét đi ra, để tôi ngồi lại trong tâm trạng rối bời. Trước kia, tôi tự an ủi mình bằng hy vọng rằng còn khá lâu mới có được cơ hội thuận lợi, tôi sẽ có đủ thì giờ để suy nghĩ kỹ và cân nhắc tình hình. Nhưng anh bạn Nét đã không cho tôi thời gian. Tôi có thể nói gì với anh ta? Nét đã xử sự rất đúng! Cơ hội đến, anh ta chộp lấy ngay. Tôi có thể không giữ lời hứa và dám vì tâm trạng riêng của mình mà gánh lấy trách nhiệm về số phận của hai người cùng đi không? Đúng lúc đó, một tiếng rít khá mạnh báo hiệu nước đang vào các bể chứa, và tàu Nau-ti-lúx đang lặn xuống Đại Tây Dương. Tôi không ra khỏi phòng. Tôi chẳng muốn gặp thuyền trưởng Nê-mô vì sợ để lộ ra nỗi lo lắng của mình. Suốt một ngày mệt mỏi, phân vân giữa nguyện vọng muốn thoát ra tự do và sự luyến tiếc vì phải chia tay với tàu Nau-ti-lúx mà chưa hoàn thành việc nghiên cứu đáy biển! Sao tôi có thể rời bỏ Đại Tây Dương

-"Đại Tây Dương của tôi" như tôi thích gọi, -mà chưa được tận mắt thấy đáy biển sâu kín, chưa khám phá ra những bí mật của nó như ở ấn Độ Dương và Thái Bình Dương? Cuốn tiểu thuyết rơi khỏi tay tôi. Thời gian trôi qua nặng nề làm sao! Khi thì tôi mơ thấy mình đã thoát khỏi vòng nguy hiểm, đang vững bước trên mặt đất, cạnh Công-xây và Nét. Khi thì tôi lại rất cầu mong cho một chuyện gì đó bất ngờ xảy ra ngăn trở không cho Nét Len thực hiện ý đồ của mình. Tôi ra khỏi phòng khách hai lần. Tôi muốn dùng địa bàn kiểm tra xem tàu đang chạy gần bờ biển Bồ-đào-nha hay đã cách xa. Không, chúng tôi vẫn ở vùng biển Bồ-đào-nha. Tàu vẫn hướng về phía bắc, chạy dọc bờ biển. Đành phải phục tùng yêu cầu của Nét và chuẩn bị chạy trốn. Hành lý của tôi chẳng có gì ngoài những tài liệu ghi chép. Còn thuyền trưởng Nê-mô thì sao? ông ta sẽ xử sự thế nào trước hành động của chúng tôi? Cuộc chạy trốn của chúng tôi có thể sẽ làm hại ông ta đến mức nào? Nê-mô sẽ đối xử với chúng tôi như thế nào nếu âm mưu này thất bại nhỉ? ông ta đã làm tôi bất mãn ư? Trái lại! ông ta đã tỏ ra rất ân cần mến khách. Nê-mô không thể kết tội tôi là vô ơn vì đã bỏ trốn. Tôi có hứa hẹn gì với ông ta đâu. Nê-mô biết chúng tôi bị trói buộc với ông ta chẳng phải vì những lời hứa mà vì hoàn cảnh... Tôi không gặp Nê-mô từ khi thăm đảo Xan-tô-rin. Chẳng biết trước khi chạy trốn, chúng tôi có tình cờ gặp nhau không? Tôi vừa muốn gặp Nê-mô, vừa sợ phải gặp. Tôi lắng nghe xem có tiếng chân bước trong phòng bên không. Tai tôi chẳng thấy một tiếng động nhỏ nào. Trong phòng chắc không có ai. Tôi chợt nghĩ: chẳng biết người thuyền trưởng bí hiểm này có mặt trên tàu không? Từ cái đêm chiếc xuồng rời tàu Nau-ti-lúx đi làm một việc gì đó, tôi nhìn Nê-mô hơi khác trước một chút. Tôi biết mặc dù có tuyên bố này nọ, Nê-mô vẫn duy trì một mối quan hệ nào đó với mặt đất. Và có phải không bao giờ Nê-mô rời khỏi tàu Nau-ti-lúx không? ông ta đã chẳng từng vắng mặt hàng tuần lễ là gì? ông ta làm gì trong thời gian ấy? Tôi tưởng Nê-mô mang nặng tư tưởng chán đời, nhưng biết đâu ông ta chẳng đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật mà tôi không hiểu nổi? Những ý nghĩ ấy và hàng ngàn ý kiến khác nhau day dứt tôi. Tình huống đặc biệt này đề ra biết bao giả thiết. Tôi băn khoăn lo lắng vô cùng. Những giờ phút chờ đợi dài dằng dặc. Theo lệ thường, bữa tối được đưa vào phòng. Tôi chỉ ăn qua quít cho xong chuyện và đứng dậy khỏi bàn lúc bảy giờ. Chỉ còn một trăm hai mươi phút nữa -tôi đếm từng phút -là đến lúc tôi phải hành động theo Nét Len. Tôi ngày càng bồn chồn. Mạch đập thình thịch. Tôi không ngồi yên được nữa mà cứ đi đi lại lại trong phòng, hy vọng như vậy sẽ xua tan được nỗi lo âu. Tôi ít băn khoăn về ý nghĩ rằng mình có thể chết. Nhưng tim tôi thắt lại khi nghĩ đến kế hoạch chạy trốn sẽ bị lộ trước khi thực hiện, rồi tôi sẽ phải đứng trước mặt thuyền trưởng Nê-mô lúc đó nổi giận điên cuồng, thậm chí đau buồn vì hành động phản phúc của tôi. Tôi muốn nhìn vào phòng khách lần cuối cùng. Tôi theo hành lang hẹp vào phòng bảo tàng, nơi tôi đã có biết bao giờ phút thú vị và bổ ích. Tôi nhìn tất cả những vật báu ấy như một người nhìn những chốn thân yêu trước khi phải rời bỏ đi mãi mãi. Tôi nói lời "vĩnh biệt" với tất cả những tác phẩm nghệ thuật, tất cả những hiện vật diệu kỳ của thiên nhiên đang được giữ kín ở đó! Tôi muốn nhìn lần cuối làn nước Đại Tây Dương, nhưng ô cửa đóng kín, che khuất mất đại dương mà tôi chưa được nghiên cứu. Khi bách bộ trong phòng khách, tôi bước tới cánh cửa bí mật dẫn sang phòng thuyền trưởng. Tôi rất ngạc nhiên thấy cửa hé mở. Tôi bất giác lùi lại một bước. Nếu Nê-mô có mặt trong phòng thì ông ta sẽ thấy tôi. Nhưng xung quanh im lặng như tờ. Tôi bước tới gần hơn. Trong phòng chẳng có ai. Tôi đẩy cửa, nhìn quanh rồi bước vào. Đồ đạc trong phòng vẫn khắc khổ như phòng thầy tu. Cái đập vào mắt tôi là mấy bức chân dung -lần trước tôi không để ý nên không thấy. Đó là chân dung những nhân vật lịch sử nổi tiếng đã hiến thân cho tư tưởng cao đẹp của chủ nghĩa nhân đạo: Cốt-chút-xkô -người anh hùng đã đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng Ba Lan, O.Côn-nen -chiến sĩ đấu tranh cho độc lập của Ai-len, Oa-xinh-tơn -người sáng lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; Ma-nin -nhà yêu nước người ý, Lin-côn -tổng thống Mỹ, bị một tên chủ nô sát hại, và cuối cùng là Giôn Brao -người đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng những người nô lệ da đen. Bức tranh khủng khiếp vẽ Giôn Brao bị treo cổ, do chính tay Vic-to Huy-gô vẽ bằng bút chì!

Giữa thuyền trưởng Nê-mô và những người anh hùng này có thể có quan hệ gì? Chẳng biết những bức chân dung đó có hé mở ra bí mật của đời Nê-mô không? Phải chăng Nê-mô là người bảo vệ những dân tộc bị áp bức, là người giải phóng các bộ lạc bị bắt làm nô lệ? Hay ông ta là một trong những người anh hùng của cuộc nội chiến giữa các bang miền bắc và miền nam nước Mỹ? Đồng hồ điểm tám giờ. Tiếng chuông đầu tiên cắt ngang những suy tưởng của tôi. Tôi rùng mình, tựa như bị một con mắt nào đó nhìn thấu những ước vọng bí mật của mình. Tôi liền chạy ra khỏi phòng Nê-mô. Đến phòng khách, tôi đưa mắt nhìn địa bàn lần cuối. Kim địa bàn chỉ hướng bắc. Tàu đang chạy ở tốc độ vừa phải dưới độ sâu khoảng hai mươi mét. Đây là những điều kiện thuận lợi để thực hiện ý đồ của Nét Len. Tôi trở về phòng, mặc quần áo ấm rồi ngồi đợi. Trên tàu hoàn toàn im lặng, chỉ có thân tàu hơi rung rung vì chân vịt quay nhanh. Tôi cố gắng nghe xem trong khoảng tịch mịch đó có tiếng kêu của Nét nếu anh ta bị tóm cổ không. Tình trạng bồn chồn khủng khiếp đó hành hạ tôi quá chừng!

Tôi cố lấy lại tự chủ nhưng vô hiệu. Gần chín giờ tôi áp tai vào cửa phòng thuyền trưởng. Hoàn toàn yên lặng. Tôi lại sang phòng khách vẫn chìm trong bóng tối và không một bóng người. Tôi mở cửa vào thư viện. ở đây cũng tối om và vắng lặng như vậy. Tôi ngồi xuống gần cánh cửa thông sang cầu thang giữa và chờ ám hiệu của Nét. Lúc đó thân tàu bỗng rung nhẹ hẳn đi rồi hoàn toàn không rung nữa. Sự thay đổi có ý nghĩa gì? Tàu đỗ lại sẽ là thuận lợi hay khó khăn cho kế hoạch của Nét? Ai biết được! Tôi bỗng cảm thấy một va chạm nhẹ. Tôi hiểu đó là tàu đã lặn xuống đáy biển. Nỗi lo lắng của tôi tăng lên. Chẳng có ám hiệu gì của Nét cả. Tôi muốn chạy ngay đến chỗ Nét để xin anh ta hoãn cuộc chạy trốn đến lần khác vì tôi cảm thấy trên chặng đường này đang diễn ra những điều kiện không bình thường... Nhưng cửa phòng khách bỗng mở ra, thuyền trưởng Nê-mô xuất hiện! Thấy tôi, ông ta nói ngay, không có mào đầu:

-A! Giáo sư!

-Giọng Nê-mô rất đáng mến.

-Tôi tìm ngài mãi! Ngài có biết lịch sử Tây Ban Nha không? Nếu Nê-mô hỏi tôi có biết lịch sử nước Pháp không, thì trong lúc tâm trạng rối bời này, tôi cũng chẳng trả lời được.

-Thế nào, giáo sư có nghe thấy tôi hỏi không? Ngài biết lịch sử Tây Ban Nha chứ?

-Tôi biết ít lắm ạ.

-Nếu vậy thì mời ngài ngồi xuống, tôi sẽ kể ngài nghe một mẩu chuyện kỳ thú trong lịch sử Tây Ban Nha. Nê-mô nằm dài trên đi-văng, còn tôi thì ngồi xuống cạnh ông ta. Xung quanh tranh tối tranh sáng.

-Xin giáo sư hãy lắng nghe. Đối với ngài, trường hợp này không phải là không lý thú vì ngài sẽ tìm thấy ở đây lời giải đáp cho câu hỏi mà chắc ngài chưa tìm thấy câu trả lời.

-Vâng, tôi đang nghe, -tôi nói, nhưng chưa biết Nê-mô sẽ dẫn dắt tới đâu. Tôi tự hỏi: câu chuyện này có liên quan gì đến việc chạy trốn của mình không?

-Thưa giáo sư, nếu ngài cho phép, chúng ta sẽ lui về quá khứ một chút. Năm ấy là năm 1702. Chắc ngài còn nhớ năm đó vua Lu-i 14 quá kiêu ngạo cho rằng chỉ phẩy tay một cái là cả dãy núi Pi-rê-nê sẽ sụp đổ, nên đã đặt cháu mình lên ngôi vua Tây Ban Nha. Chàng hoàng tử ngớ ngẩn vừa lên ngôi lấy hiệu là Phi-líp thứ năm, đã phải đương đầu với những kẻ thù mạnh bên ngoài. Cần nói rằng trước đó một năm, các triều đình Hà Lan, áo và Anh đã ký kết lập một liên minh có mục đích lật đổ ngôi vua Tây Ban Nha của Phi-líp thứ năm và trao cho một vương công nào đó mà họ gọi trước là Sác-lơ thứ ba. Tây Ban Nha phải chống lại liên minh đó nhưng họ hầu như không có quân đội. Tuy vậy, họ lại có vô số vàng bạc lấy được ở châu Mỹ và rất cần cho các tàu chở châu báu đó cập được các bến cảng Tây Ban Nha. Cuối năm 1702, một đoàn tàu chở vàng bạc có hai mươi ba tàu thuộc hạm đội Pháp dưới quyền chỉ huy của đô đốc Sa-tô Rơ-nô đang tiến về Tây Ban Nha. Sở dĩ phải hộ tống là vì ở Đại Tây Dương đang có hạm đội của liên quân Hà Lan -áo -Anh. Lẽ ra đoàn tàu chở vàng bạc phải đến cảng Ca-đích, nhưng đô đốc Sa-tô Rơ-nô biết là ở vùng biển đó có tàu chiến Anh, nên quyết định cho đoàn tàu vào một cảng nào đó của Pháp. Các thuyền trưởng tàu Tây Ban Nha nếu không cập bến Ca-đích thì phải vào vũng biển Vi-gô ở tây bắc bờ biển Tây Ban Nha, nơi chưa bị hạm đội đồng minh phong tỏa. Đô đốc Sat-tô Rơ-nô nhu nhược nghe theo yêu sách của các thuyền trưởng Tây Ban Nha. Thế là đoàn tàu vào vũng Vi-gô. Chẳng may Vi-gô là vũng biển hở, không tiện cho việc phòng thủ. Đúng ra phải tranh thủ bốc dỡ hàng trước khi tàu đồng minh đến. Thời gian có đủ để làm việc ấy nhưng vì một cớ rất nhỏ mọn mà xảy ra một vụ tranh chấp.

-Ngài có theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự việc tôi đang kể không?

-Nê-mô hỏi tôi.

-Thưa có, tôi vẫn lắng nghe đấy ạ.

-Tôi trả lời, nhưng vẫn không hiểu Nê-mô kể cho nghe bài học lịch sử ấy làm gì?

-Tôi kể tiếp nhé! Bọn lái buôn ở Ca-đích vẫn có đặc quyền nhận tất cả các hàng từ Oét

-In-đi-a tới. Vì vậy, dỡ hàng xuống cảng Vi-gô là vi phạm đặc quyền ấy của họ. Họ liền về Ma-đrít kiện. Vua Phi-líp thứ năm nhu nhược bèn ra lệnh giữ nguyên đoàn tàu ở Vi-gô cho tới khi hạm đội địch rút khỏi vùng biển Ca-đích. Kiện cáo chưa xong thì ngày 29 tháng mười 1702, tàu chiến Anh tiến vào vùng Vi-gô. Mặc dù bị lực lượng địch áp đảo, đô đốc Sa-tô Rơ-nô đã chống trả rất anh dũng. Nhưng khi biết rằng số vàng bạc ông ta có trách nhiệm bảo vệ sẽ rơi vào tay địch, Rơ-nô liền cho đốt và đánh chìm cả đoàn tàu xuống đáy biển. Nê-mô ngừng lại. Thú thật là tôi vẫn chưa hiểu câu chuyện đó có liên quan gì đến tôi.

-Thưa thuyền trưởng, rồi sao nữa?

-Chúng ta đang ở vũng biển Vi-gô. Nếu giáo sư muốn, ngài có thể làm quen với bí mật của vùng biển này. Nê-mô đứng dậy và mời tôi đi theo. Tôi đã trấn tĩnh được và đành tuân theo lệnh Nê-mô. Trong phòng khách tối om, nhưng qua ô cửa pha lê vẫn nhìn thấy nước biển óng ánh. Tôi bước tới cửa sổ. Xung quanh tàu Nau-ti-lúx chừng nửa hải lý đường bán kính

-nước biển sáng chưng ánh điện. Nhìn thấy rõ cả đáy biển trải cát trắng. ở đó, giữa những xác tàu đắm, tôi thấy các thủy thủ của tàu Nau-ti-lúx mặc đồ lặn đang đi lại. Họ đang moi ra những hòm, thùng đã bị mục gỉ và phủ đầy đất bùn. Từ trong những hòm, thùng đó rơi ra những thỏi vàng, bạc và các thứ châu báu khác. Toán thủy thủ thay nhau vác nguồn của cải vô tận đó về tàu. Tôi hiểu rồi. Nơi đây, ngày 22 tháng mười năm 1702 là chiến trường. Nơi đây, đoàn tàu chở vàng cho vua Tây Ban Nha đã bị đánh đắm. Nơi đây, thuyền trưởng Nê-mô đã lấy vàng và tích trữ trong tàu Nau-ti-lúx. ông ta, chỉ riêng ông ta làm chủ được chỗ của cải đó. ông ta là người thừa kế duy nhất và trực tiếp những kho báu mà Phéc-đi-năng Coóc-tex đã chiếm đoạt của bộ lạc In-cơ. Nê-mô mỉm cười hỏi tôi:

-Thưa giáo sư, ngài có biết rằng biển cả giấu trong lòng mình nhiều của cải như vậy không? Tôi trả lời:

-Tôi biết nước biển hòa tan hai triệu tấn bạc.

-Đúng! Nhưng muốn tách bạc ra khỏi nước thì phải tốn kém rất nhiều. ở đây tôi chỉ thu lại những gì mọi người đã mất. Chẳng riêng gì vùng biển Vi-gô này mà còn ở hàng ngàn nơi khác có tàu bị đắm. Những nơi ấy đều được ghi trên tấm bản đồ đáy biển của tôi. Ngài đã tận mắt thấy tôi có bạc triệu, phải không ạ.

-Thưa thuyền trưởng, đúng vậy. Nhưng tôi xin phép được nói rằng trong việc khai thác vùng biển Vi-gô, ngài chỉ nhanh chân hơn một công ty cổ phần.

-à ra thế!

-Vâng, một công ty cổ phần được chính phủ Tây Ban Nha cho phép tìm kiếm những tàu chở vàng bị đắm. Những người của công ty này hy vọng sẽ phất to vì số vàng bạc bị mất trị giá tới năm trăm triệu!

-Năm trăm triệu cơ à!

-Nê-mô ngạc nhiên.

-Số vàng bạc đó trước kia ở đây, nhưng giờ thì không còn nữa!

-Nếu vậy thì ta nên làm phúc báo cho họ biết trước về chuyện đáng buồn đó. Ta chưa biết họ sẽ phản ứng như thế nào. Nhưng tôi thì thương hại hàng ngàn người nghèo khổ mà số của cải đó nếu được chia công bằng thì sẽ làm cho đời sống của họ đỡ vất vả hơn. Bây giờ thì họ đã mất sạch! Nói xong, tôi cảm thấy ngay là những lời tôi vừa nói đã chạm vào chỗ sâu kín nhất của Nê-mô.

-Sao lại mất?

-Nê-mô sôi nổi.

-Ngài cho rằng những của cải rơi vào tay tôi là mất ư? Tôi lấy chỗ vàng bạc đó đâu phải cho cá nhân mình? Ai bảo ngài là nó không được dùng để làm việc nghĩa! Chẳng lẽ tôi không biết rằng trên trái đất này có những người cùng khổ, những dân tộc bị áp bức hay sao? Những người bất hạnh đó, những nạn nhân đó cần được trả thù! Chẳng lẽ ngài không hiểu rằng... Nê-mô không nói hết câu. Có lẽ ông ta hối tiếc là đã nói quá sự cần thiết! Nhưng tôi thì đoán ra rồi. Dù bất kỳ nguyên nhân gì đã đẩy ông ta đi tìm độc lập, tự do dưới biển sâu, ông ta vẫn là một con người! Trái tim Nê-mô vẫn cảm thông với những đau khổ của con người và Nê-mô dang hai tay ra cứu giúp những kẻ bị áp bức. Giờ đây tôi mới hiểu là số vàng bạc trị giá hàng triệu đồng kia Nê-mô đã gửi cho ai trong cái ngày đáng ghi nhớ, khi tàu Nau-ti-lúx tiến vào vùng biển gần đảo Crét đang sôi sục phong trào khởi nghĩa!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện