Không Có Ngày Mai

Chương 1



NHỮNG KẺ ĐÁNH BOM TỰ SÁT dễ bị phát hiện. Chúng bộc lộ mọi dấu hiệu rõ ràng. Chủ yếu vì chúng lo lắng. Theo định nghĩa thì tất cả chúng đều lần đầu làm việc đó.

Phản gián Israel đã viết cẩm nang về phòng vệ. Họ cho ta biết về những điểm cần phát hiện. Họ vận dụng quan sát thực tế và kiến thức tâm lý học để lập ra một danh sách các dấu hiệu hành vi. Tôi học được danh sách này từ một đại úy quân đội Israel cách đây hai mươi năm. Ông ta cực kỳ tin tưởng nó. Vì vậy tôi cũng tin, bởi khi ấy tôi đang thực hiện một nhiệm vụ độc lập trong ba tuần hầu như chỉ cách ông ta một bước chân ở chính đất Israel, ngay Jerusalem, ở Bờ Tây, tại Lebanon, đôi khi ở Syria, có lúc là Jordan, trên xe buýt, trong trung tâm mua sắm, trên vỉa hè ken đặc người. Mắt tôi liên tục đảo quét, óc lướt qua tất tật các gạch đầu dòng.

Hai chục năm sau tôi vẫn nhớ danh sách đó. Và hai mắt tôi vẫn đảo quét. Thuần túy thói quen. Từ một số người nữa, tôi đã học được một câu thần chú khác: Hãy quan sát, đừng chỉ nhìn, hãy lắng nghe, đừng chỉ nghe thấy. Càng tập trung bao nhiêu, ta càng sống sót lâu bấy nhiêu.

Nếu ta quan sát một kẻ tình nghi là nam, danh sách sẽ gồm hai mươi điểm. Nếu là phụ nữ thì có mười một điểm. Sự khác biệt là lớp râu mới cạo. Những kẻ đánh bom là nam giới thường cạo bỏ bộ râu quai nón. Việc này giúp chúng lẫn vào đám đông. Làm cho chúng ít khả nghi hơn. Kết quả là phần da nửa dưới mặt nhợt hơn. Thời gian gần đấy không tiếp xúc với ánh nắng.

Nhưng tôi không quan tâm đến chuyện cạo râu.

Tôi đang nghĩ về danh sách mười một điểm.

Tôi đang quan sát một phụ nữ.

Tôi đang đi tàu điện ngầm, ở thành phố New York. Tuyến số 6, từ đại lộ Lexington, chạy về trung tâm thành phố, lúc 2 giờ sáng. Tôi đã lên tàu ở phố Bleecker, từ góc Nam của nhà ga vào một toa trống chỉ có năm hành khách. Khi đầy thì các toa tàu điện ngầm có cảm giác nhỏ và thân mật. Khi trống thì chúng có vẻ bao la hang hốc và trơ trọi. Ban đêm các bóng đèn trong toa có vẻ nóng và sáng hơn, mặc dù chúng cũng chính là bóng đèn được sử dụng vào ban ngày. Chúng là tất cả các bóng có ở đó. Tôi ngồi ườn trên băng ghế dành cho hai người ở phía Bắc cửa ra vào cuối cùng bên phía đường ray. Năm hành khách còn lại đều ở phía Nam so với tôi, trên các ghế dài, nhìn nghiêng, tạo thành hàng thẳng, cách xa nhau, chăm chăm vô hồn nhìn về phía đối diện, ba người phía bên trái và hai người bên phải.

Số toa xe là 7622. Một lần tôi đã ngồi chuyến tàu tuyến 6 chạy hết cả tám chặng cạnh một tay điên cứ nói về toa xe chúng tôi đang ngồi với sự hào hứng chẳng khác gì sự hào hứng mà hầu hết cánh đàn ông chỉ dành riêng cho đàn bà hay thể thao. Vì thế tôi biết rằng toa số 7622 là toa mẫu R142A, loại mới nhất trong hệ thống tàu điện ngầm New York, được đóng ở Kawasaki, Kobe, Nhật Bản, được chuyển đến bằng đường thủy, rồi thì xe tải chở tới sân ga ở phố 207, cẩu lên đường ray, đẩy tới phố 180 chạy thử. Tôi biết là nó có thể chạy hai trăm ngàn dặm[1] mà không cần phải chăm chút gì nhiều. Tôi biết hệ thống thông báo tự động của nó đưa ra hướng dẫn bằng giọng nam và cung cấp thông tin bằng giọng nữ, việc này họ nói là ngẫu nhiên thôi nhưng thực ra là bởi lãnh đạo ngành vận tải cho rằng phân công lao động như vậy về khía cạnh tâm lý là đáng thuyết phục. Tôi biết rằng các giọng này xuất phát từ kênh truyền hình Bloomberg, nhưng trước khi Mike[2] trở thành thị trưởng nhiều năm. Tôi biết rằng có sáu toa kiểu R142A đang hoạt động và mỗi toa chỉ chớm dài hơn mười sáu mét và rộng hơn hai mét rưỡi chút xíu. Tôi biết rằng toa thông thường chúng tôi ngồi khi ấy và toa tôi ngồi lúc này được thiết kế để có thể chở tối đa bốn mươi người ngồi và tối đa một trăm bốn tám người đứng. Tay điên rồ kia biết rõ tất cả những thông tin ấy. Tôi có thể tự thấy rằng ghế ngồi làm bằng nhựa xanh nước biển, cùng gam màu bầu trời cuối hè hay màu đồng phục Không quân Anh. Tôi có thể thấy rằng các tấm ốp tường được đúc từ sợi thủy tinh chống viết vẽ bậy. Tôi có thể thấy hai dải quảng cáo song song từ nơi các tấm ốp giao với trần toa chạy ra xa. Tôi có thể thấy những tấm poster vui nhộn chào hàng cho các chương trình truyền hình, dạy ngôn ngữ, các cơ hội kiếm bộn tiền hay lấy bằng đại học dễ dàng.

Tôi có thể thấy một bảng thông tin của cảnh sát đưa ra lời khuyên: Nếu bạn thấy gì đó, hãy nói gì đó.

Hành khách gần tôi nhất là một phụ nữ gốc Tây Ban Nha. Cô ta ngồi ở đầu kia toa tàu, bên trái tôi, chếch về phía hàng cửa đầu tiên, một mình trên hàng ghế dành cho tám người, xa hẳn phần giữa toa. Cô ta nhỏ bé, tầm ba mươi tới năm mươi tuổi, trông có vẻ rất nóng nực và rất mệt mỏi. Cô quấn một chiếc túi siêu thị cũ rích quanh cổ tay, nhìn trân trân vào khoảng trống đối diện bằng hai mắt quá mỏi mệt đến mức chẳng nhìn thấy gì mấy.

Tiếp theo là một người đàn ông ở phía còn lại của toa, cách hơn một mét. Ông ta hoàn toàn cô độc trên băng ghế dành cho tám người. Có thể người này xuất thân từ vùng Balkan hoặc Biển Đen. Tóc sẫm màu, da nhăn. Ông ta gân guốc, héo mòn vì công việc và thời tiết. Hai bàn chân ông như cắm rễ xuống sàn, người ngả về phía trước, hai cùi chỏ tì lên đầu gối. Không ngủ nhưng gần như vậy. Như thể đang hành động dang dở thì ngừng lại, ngưng đọng cùng thời gian, lắc lư cùng chuyển động của con tàu. Ông ta chừng năm mươi tuổi, mặc quần áo quá trẻ so với tuổi. Quần jean thùng thình chỉ chạm tới bắp chân, một chiếc áo sơ mi NBA[3] quá khổ in tên một tuyển thủ mà tôi không nhận ra.

Thứ ba là một phụ nữ có thể gốc Tây Phi. Cô ta ngồi bên trái, phía Nam cửa giữa toa. Mệt mỏi, chậm chạp, nước da đen của cô ta bị cái mệt và ánh đèn làm cho xám nhợt và bụi mốc. Cô mặc một chiếc váy đầy màu sắc bằng vải nhuộm tay, tóc quấn một mảnh khăn vuông hợp tông màu với váy. Hai mắt cô nhắm lại. Tôi biết khá rõ New York. Tôi tự gọi mình là công dân thế giới và New York là thủ đô của thế giới, thế nên tôi có thể hiểu về thành phố này như một người Anh biết về London hay một người Pháp biết về Paris. Tôi quen nhưng không thân với những thói quen của nó. Nhưng có thể dễ dàng đoán là bất kỳ ba người nào như thế mà ngồi trên chuyến tàu khuya tuyến 6 từ Nam Bleecker chạy về phía Bắc này thì đều là người lau dọn văn phòng trở về nhà sau khi kết thúc ca tối ở khu vực quanh Tòa Thị chính, hoặc là nhân viên nhà hàng làm ở khu Tàu hay Little Italy. Có thể họ hướng về Hunts Point ở quận Bronx, hoặc có thể ngược lên Pelham Bay, sửa soạn cho những giấc ngủ ngắn chập chờn trước khi bắt đầu thêm những ngày dài khác.

Hành khách thứ tư và thứ năm thì khác.

Người thứ năm là nam. Có lẽ ông ta trạc tuổi tôi, ngồi chéo bốn mươi lăm độ trên chiếc ghế dài dành cho hai người nằm chênh chếch đối diện tôi, tận đầu kia toa. Ông ta mặc loại quần áo bình thường nhưng không rẻ tiền. Quần cô tông chéo, áo sơ mi đánh gôn. Người này tỉnh rụi. Hai mắt ông ta gắn chặt vào điểm nào đó trước mặt. Hai mắt thay đổi điểm tập trung và nhíu lại liên tục, như thể ông ta đang cảnh giác và tính toán gì đó. Chúng khiến tôi nhớ tới mắt những người chơi bóng. Chúng chứa đựng sự khôn ngoan thận trọng có tính toán.

Nhưng hành khách số 4 mới là người tôi đang nhìn.

Nếu bạn thấy gì đó, hãy nói gì đó.

Người này ngồi ở phía bên phải toa tàu, hoàn toàn một mình trên băng ghế dành cho tám người, ở phía bên kia và tầm khoảng giữa người phụ nữ Tây Phi kiệt sức và người đàn ông có đôi mắt người chơi bóng. Cô ta là người da trắng, chừng bốn mươi tuổi. Cô ta không có gì nổi trội. Cô có mái tóc đen, cắt gọn gàng nhưng không sành điệu mà lại đen tuyền từ đầu tới ngọn đến mức không tự nhiên. Cô mặc toàn đồ đen. Tôi có thể trông thấy cô khá rõ. Người đàn ông gần tôi nhất về phía bên phải vẫn đang ngồi ngả về phía trước, khoảng trống hình chữ V giữa tấm lưng cong của ông và vách toa xe giúp cho góc nhìn của tôi không bị gì cản trở trừ một rừng tay nắm bằng thép không gỉ.

Không phải góc nhìn hoàn hảo, song đủ để gợi lại tất cả những gì quen thuộc từ danh sách mười một điểm. Các gạch đầu dòng sáng lên giống như những quả anh đào trên chiếc máy đánh bạc.

Xét theo quan điểm của phản gián Israel tôi đang nhìn vào một kẻ đánh bom cảm tử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện