Luật Công Bằng

Chương 3



7.

Tôi sững sờ.

Đúng sai đã quá rõ ràng, mẹ tôi, em tôi, tất cả họ hàng ở quê tôi hợp sức lừa tôi. Trần Quân còn cảm thấy tôi nên xin lỗi.

Tôi đã nghĩ đến việc gia đình ruột thịt đâm dao vào người tôi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến người bạn trai tôi chọn lại cắt đứt sợi dây cuối cùng.

Người bạn trai thế này, không cần cũng được.

Tôi mặc kệ anh ta, quay người đi thẳng ra cửa.

Trần Quân đuổi theo. Anh ta ngăn tôi lại, tựa như quyết tâm khuyên tôi hồi tâm chuyển ý.

“Cô mới mất chồng, em mất ba, những lúc thế này cần nương tựa nhau, tại sao em còn ăn nói khó nghe như vậy? Đừng làm loạn nữa, chúng ta quay về xin lỗi.”

Tuyệt vời.

Vì vấn đề với gia đình mình, tôi không giỏi xử lý với các quan hệ thân mật, bạn trai cũng tìm rồi chia tay, chia tay rồi tìm. Duy trì tình yêu với Trần Quân được nửa năm, tôi còn tưởng mình đã tìm được người thực sự phù hợp. Nhưng không thể nào ngờ, chỉ gặp một việc quan trọng thì đã lộ rõ giá trị quan chúng tôi khác biệt.

Tôi nhìn Trần Quân từ đầu đến chân. “Anh nhìn rõ vị trí lập trường của mình được chứ? Anh chỉ là bạn trai tôi, cho dù là chồng tôi anh cũng không thể can thiệp chuyện tôi với cha mẹ tôi. Hơn nữa, đừng thuyết phục người khác làm người tốt khi anh chưa từng chịu đựng những đau khổ của họ. Bây giờ anh chỉ nhìn thấy mẹ tôi khó chịu, anh có nghĩ đến việc bà ấy bất công như vậy thì tôi đau khổ thế nào không?”

Trần Quân dường như lại hoàn toàn không hiểu, còn khăng khăng: “Cô bất công thì chúng ta có thể sửa sai cho bà. Trên đời này không có cha mẹ sai.”

Đây là câu tôi căm hận nhất trong đời. Cứ như thể yêu ma quỷ quái, phủ lên lớp da người thì biến thành người.

Trần Quân sinh ra trong gia đình hòa thuận hạnh phúc, học hành công việc xuôi gió thuận nước. Anh ta không hiểu sự vất vả của tôi, tôi cũng không cần anh ta hiểu -- nhưng hãy tôn trọng tôi, đừng nghi ngờ về quyết định của tôi, điều đó khó làm lắm sao?

Tôi cảm thấy mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, gắng gượng nói: “Sự khác biệt về giá trị quan của chúng ta quá lớn, còn ở chung rất phiền. Trần Quân, chúng ta chia tay đi.”

Trần Quân nóng nảy. “Hứa Thiến, sao em không biết tốt xấu vậy? Chia tay là lời tùy tiện nói ra sao? Lòng anh chỉ toàn nghĩ cho em, ngàn dặm xa xôi đến đây, còn mua rượu mua thuốc chính là muốn làm tròn lễ nghĩa. Sau này chúng ta kết hôn không cần cô chúc phúc sao? Bây giờ anh giúp em hóa giải mâu thuẫn gia đình không phải rất tốt sao?”

Nói đúng.

Thời gian, công sức, Trần Quân trả giá không ít. Nhưng từ đầu tới cuối, người cảm động chỉ có mình anh ta.

Tôi lấy di động, chuyển cho Trần Quân 10.000, “Tôi không lợi dụng anh. Tiền chi phí đi lại và tiền quà tặng, tôi trả lại anh.”

Xưa nay tôi ghét dây dưa lằng nhằng, quyết định đã nói ra không rút lại.

Sau đó Trần Quân gọi tôi rất nhiều cuộc điện thoại. Tôi không quan tâm.

Cuộc đời tôi 20 năm đầu đã không ra gì. Người tôi yêu vốn không nhiều. Bây giờ lại ít đi một người, có điều không quan trọng.

Tôi có thể yêu bản thân mình nhiều hơn.

8.

Nghe tin tôi chia tay, nhóm bạn thân tôi lập tức tích cực lên. Mấy chị em đủ mọi dạng người, mỗi tuần dẫn tôi đi gặp những người đàn ông khác nhau.

Khi bị “lừa gạt” kéo đến một cuộc họp mặt lớp, tôi thật sự hết biết nói gì.

Bữa tiệc được tổ chức ở một nơi khá nổi tiếng trên mạng ở vùng ngoại thành. Ban đầu tôi tưởng là cuộc tụ tập của mấy cô gái, nhưng đến nơi nhìn thoáng qua thì hơn một nửa là đàn ông. Bạn thân cười ha ha giới thiệu với tôi: “Tụi tao đã chuẩn bị đủ loại đặc sắc cho ‘chị Thiến’ chúng ta, ngài tùy ý lựa chọn.”

Tôi cầm túi xách muốn về. Cô ấy ấn tôi xuống, không cho đi.

“Tao hơi ngại việc phát triển với giữ mối quan hệ thân mật, từ từ nói lại chuyện này sau được không? Mày cũng biết, ba mẹ tao…”

Bạn thân khịt mũi coi thường: “Mày là mày, ba mẹ mày là ba mẹ mày, người làm sai là họ chứ không phải mày, cần gì lấy lỗi lầm của người khác trừng phạt bản thân?”

Hai chúng tôi nói chuyện bên cạnh khách sạn, không ngờ bên ngã tư kia cũng có hai người đàn ông đang tranh cãi.

Một người nói: “Người anh em, tinh thần cậu căng quá, cần nới lỏng ra. Tôi nói thật, tôi sợ ngày nào đó cậu nhảy lầu.”

Một người khác nói: “Đừng nói mấy việc không có đó, tôi vui vẻ với sự độc thân. Tôi phải về.”

Cuộc đối thoại này có vẻ quen thuộc. Vừa mới diễn ra với tôi xong.

Tôi và bạn thân cùng cười. Xem ra hôm nay bị bạn bè lừa tới không chỉ có mình tôi.

Bạn thân kéo tôi, thoải mái đi tới: “Các anh cũng đến tham gia họp mặt của sinh viên trường đại học A sao?”

Hai người đàn ông liếc nhau, gật đầu.

“Đúng lúc quá, bạn tôi không muốn tham gia. Ở đây khó gọi xe, có thể làm phiền anh đưa cô ấy về không?”

Bị cô ấy đẩy, tôi loạng choạng hai bước, dừng trước người đàn ông đang chuẩn bị rời đi.

“Được, cùng đi.”

Cùng là bị bạn bè kéo vào “tổ chức”, cùng lâm trận bỏ chạy. Thuận lý thành chương, tôi ngồi xe người này đi nhờ về nội thành.

Người đàn ông này khoảng trên 30, cao ráo, đẹp trai. Tuy nhiên gương mặt lạnh lùng, có sự nghiêm nghị không tách rời giữa hai lông mày.

Nhìn dáng vẻ từ chối người xa vạn dặm, tôi tự giác thu mình trên ghế phụ, mắt nhìn mũi mũi nhìn tim, lấy những việc rắc rối trong công việc ra tính toán lại từng việc một.

Đường về nội thành hơi kẹt xe, đi đi dừng dừng, tôi dần chìm vào giấc ngủ. Nửa mơ nửa tỉnh, hình như nhạc trong xe được vặn nhỏ lại.

Cũng không biết qua bao lâu, khi tôi thức dậy thì xe đã ngừng. Nơi này là bãi đỗ xe bên bờ sông. Lọt vào tầm mắt là mặt sông mênh mông được ánh nắng hoàng hôn nhuộm đỏ.

Trong xe chỉ có mình tôi. Người vẫn còn còng queo, đắp một tấm chăn mỏng, chắc là vị tài xế tốt bụng kia đã đắp cho tôi.

Người đàn ông kia lúc này đang ngồi trên ghế dài bên bờ sông, nhìn về phương xa, đắm chìm trong suy nghĩ. Gió thổi mái tóc đen của anh rối tung. Tự dưng mang đến cho người khác cảm giác: Anh rất cô độc.

Tôi nhanh chóng xuống xe, chạy chậm đến xin lỗi: “Xin lỗi, tôi ngủ quên mất.”

Anh ấy nhìn tôi. “Thấy cô ngủ rất ngon nên không đánh thức cô. Nhà cô ở đâu, tôi lại đưa cô về.”

Đã làm mất thời gian người ta, sao lại tiếp tục làm phiền được? Tôi phất tay, “Không cần ạ, tôi ngồi tàu điện ngầm về là được.”

Đúng lúc này, màn hình di động tôi sáng lên. Chỉ trong nửa tiếng, liên tiếp mười cuộc gọi nhỡ, đều là dì tôi gọi.

Sở ở quê có việc, tôi bấm nghe, vừa kết nối đã nghe giọng bà ấy hét lên: “Hứa Thiến, cháu không thể nhẫn tâm tuyệt tình với gia đình như vậy. Mẹ cháu muốn đổi nhà, tiền này cháu phải trả.”

Lần trước ầm ĩ xong, tôi cắt hoàn toàn khoản trợ cấp về quê. Hậu quả à, đầu tiên là mẹ tôi gọi đến khóc lóc kể lể, nói bà đau lưng, đau chân, đi khám thuốc rất đắt.

Sau là Hứa Hân Duyệt đăng wechat, ám chỉ tôi chỉ lo sung sướng bản thân, không màng sống chết của mẹ ruột.



Tưởng tôi không đoán được phần lớn số tiền tôi gửi là cho Hứa Hân Duyệt tiêu xài sao?

Tôi nhắc nhở: “Mẹ, chuyện lần trước chúng ta còn chưa tính rõ ràng.”

Mẹ nói tới nói lui chỉ một câu. “Mẹ con ruột thịt, đâu nào mà ghi thù qua đêm?”

Tôi chặn số cả hai người, từ đây thiên hạ thái bình.

Nhưng mới yên ổn vài tháng, lại bày ra trò mới.

Lúc này hai mẹ con đưa dì đến làm thuyết khách, muốn tôi đưa tiền mua nhà. Câu “nhẫn tâm tuyệt tình” này dì nói với giọng điệu không hề tốt, ngay cả người đàn ông trước mắt mặt không cảm xúc cũng không khỏi nhướng mày. Việc xấu trong nhà bị phơi bày, tôi không biết anh ấy sẽ nghĩ thế nào về tôi. Tôi đỏ mặt, muốn giải thích vài câu. Lại cảm thấy bèo nước gặp nhau, không cần thiết.

Tôi che điện thoại lại, tạm biệt anh ấy, sau đó quay về phía tàu điện ngầm.

Theo lời dì nói, lớn tuổi rồi, lưng - chân mẹ tôi không khỏe, leo lên leo xuống cầu thang có hại, vì vậy muốn đổi nhà thành nhà có thang máy. Nhà cũ có giá 300.000, muốn mua nhà mới còn thiếu một ít. Vì vậy họ nghĩ tới tôi.

“Cháu và Duyệt Duyệt mỗi người đưa 100.000. Cháu đừng lo mất tiền, lần này mẹ cháu viết giấy ghi nợ.”

Viết giấy nợ thì có thể đảm bảo trả lại thì thiên hạ này không cần thưa kiện.

“Cháu không có tiền, hơn nữa giá nhà ở quê thì chỉ cần 400.000 là mua được nhà rồi.”

Tôi từ chối cũng không mang lại bình yên.

Bác, cô, bắt đầu thay phiên nhau điện thoại cho tôi. Thậm chí còn nói đến cả “trong nhà không có thang máy, người già có việc gì thì 120 cũng không lên được” (120 số cấp cứu). Như thể tôi mà không bỏ tiền ra hỗ trợ thì thành tội nhân thiên cổ.

Những người này là rảnh quá hóa xàm. Nhà họ hàng có việc thì họ vui vẻ xem trò. Vì thế tôi cũng xem họ như trò vui.

Điều đốt lên lửa giận hoàn toàn của tôi là mẹ điện thoại đến công ty tôi.

Sáng sớm vừa quẹt thẻ vào cửa đã thấy sếp tôi mặt rầu rĩ nghe điện thoại. Tôi đi đến, anh ấy đưa ống nghe cho tôi, tôi nghe giọng nói quen thuộc đó: “Lãnh đạo à, cô con gái này của tôi anh nói xem có phải bất hiếu, vô đạo đức không. Ngài giúp tôi dạy bảo nó, sao có thể mặc kệ mẹ ruột không cần biết sống chết.”

Tôi lạnh lùng ném ống nghe lại. Thực sự muốn đem lịch sử chuyển tiền ném qua, hỏi mẹ tôi cái này được gọi là “không cần biết sống chết” sao.

Lãnh đạo khó xử: “Hứa Thiến, em nói với mẹ mình, đừng ảnh hưởng công việc.”

Năm sáu năm làm việc, tôi toàn dựa vào sức mình làm việc cật lực, khách hàng mắng mỏ, đồng nghiệp chèn ép cũng không hề thấy phẫn nộ như giây phút này. Gần đây có công ty săn đầu người khác chào mời tôi, tôi vẫn còn do dự có nên nhảy việc không. Nhưng bây giờ, khi thay đổi công việc, tôi có thể làm một việc mà từ trước đến nay tôi chưa từng làm được.

Một lần là mãi mãi, hoàn toàn cắt đứt liên hệ với gia đình.

Trực tiếp cắt đứt không được, cần động não.

Tôi gọi điện thoại hỏi dì, mẹ tôi tìm căn hộ bao nhiêu phòng ngủ. Biết là ngôi nhà hai phòng ngủ, tôi giả vờ không hài lòng, “Tết nhất lễ lộc cháu về nhà, hai phòng thì ngủ ở đâu? Hơn nữa, sau này Hứa Hân Duyệt kết hôn, dẫn chồng con về càng không có chỗ ở. Đã làm thì làm luôn, mua bốn phòng ngủ đi. Dù gì tiền trả đợt đầu đủ rồi, hệ số quỹ tiết kiệm của Hứa Hân Duyệt cao, không khó để vay.”

Dì hơi kinh ngạc, “Thiến Thiến đúng là hào phóng, chị có phúc quá.”

Nhà đổi từ hai phòng ngủ lên bốn phòng ngủ, có lẽ mẹ với em gái tôi vui đến hỏng người.

Vậy cứ để hai người mơ đẹp, lâu hơn trong chốc lát.

9.

Việc để mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt mua một căn nhà vượt quá khả năng tài chính của họ là một phần trong kế hoạch của tôi.

Về phần khác...

Tôi hỏi những người xung quanh tôi, có ai có bạn bè là bác sĩ không?

Tôi thực sự tìm thấy.

Một đồng nghiệp đã giới thiệu anh họ hàng xóm của anh ấy, anh ấy tên là Thôi Ngộ, ba mươi mốt tuổi và là bác sĩ của một bệnh viện cấp ba.

Tôi rà soát sơ yếu lý lịch của anh ấy, chỉ nhìn vào trình độ học vấn và thành tích học tập của anh ấy thôi đã thấy kinh ngạc rồi, nhưng nhìn thấy con người thật của anh ấy, tôi còn sốc hơn.

Đây không phải là người đàn ông "lạc loài" đã chở tôi về thành phố sao?

Không ngờ anh là bác sĩ.

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê trong bệnh viện.

Sau vài câu hàn huyên, tôi hỏi thẳng: "Tôi cần anh cung cấp cho tôi một số kiến thức chuyên môn về y học, anh có thể giúp được không? Tôi có thể trả phí theo giờ."

"Nói thử xem."

Tôi đặt câu hỏi: “Có bệnh gì mà tốn kém lắm, không được bảo hiểm y tế chi trả, không chữa được mà chữa thì mãi không khỏi?”

Thôi Ngộ nhìn tôi một cách khó hiểu.

"Vấn đề này khá khó, cũng khiến người ta phải suy nghĩ -- Cô Hứa Thiến, tôi nghĩ tốt hơn là cô nên nói sự thật cho tôi biết."

"Sự thật có thể không..."

Thôi Ngộ dùng một tay đỡ bàn, làm động tác đứng dậy.

Bàn tay của anh ấy là điển hình của một bác sĩ với móng tay được cắt tỉa cẩn thận, nhìn là biết người ngăn nắp trật tự.

Đối diện với ánh mắt như đang cười nhạt của anh, đành thẳng thắn: “Tôi muốn gạt gia đình mình. Mẹ và em gái luôn cố tìm cách lừa lấy tiền của tôi, vì vậy tôi muốn lừa lạt họ, nói tôi mắc căn bệnh rất tốn kém, để họ tránh xa tôi ra.”

Kế hoạch này chẳng vẻ vang gì. Nào có ai trăm phương ngàn kế đối phó người nhà vậy chứ. Tôi rất sợ Thôi Ngộ sẽ từ chối. Nếu anh ấy từ chối thật, tôi sẽ tự mua vài quyển sách y học, chọn một “căn bệnh” phù hợp. Có điều tìm tư liệu thì dễ có sơ hở, tôi phải cẩn trọng một chút.

Nhưng Thôi Ngộ đỡ kính mắt, nói nhẹ nhàng: “Tôi đồng ý giúp cô.”

Lần này đúng là nửa mừng nửa lo.

“Tôi biết việc này có nguy hiểm, tôi sẽ không làm khó anh. Tôi cũng không cần giả mạo bệnh án hay thuốc men, chỉ cần lừa gạt người nhà một chút. Hơn nữa chi phí tôi sẽ…”

Bác sĩ Thôi giơ tay làm tư thế “Ngừng”.

“Tôi cũng cần cô giúp tôi một việc. Như vậy chúng ta huề nhau.”

Mọi việc bắt đầu thú vị. Tôi cười, “Tôi có thể cống hiến sức lực gì cho anh? Mời anh nói xem.”

Thôi Ngộ cầm tách café lên, chậm rãi nhấp một ngụm. “Mỗi nhà có một bài kinh khó niệm, nhà tôi cũng không dễ dàng. Giống như cô, tôi cũng cần một người đến lừa người nhà. Cô giả làm bạn gái tôi, đi cùng tôi đến gặp cha mẹ một lần.”

Thôi Ngộ là người đàn ông chất lượng cao vậy mà vẫn thiếu bạn gái? Không phải là mọi người tranh nhau giới thiệu sao?

Ngón tay anh ấy vòng quanh mép tách café, nói một câu đầy thâm ý: “Hoàn cảnh gia đình ruột của tôi cũng gần như không gì khác cô.”

Điều này hợp lý. Chỉ những ai đồng cảnh ngộ mới hiểu cảm giác bị người thân coi thường, tính kế là cảm giác thế nào.

Tôi chìa tay ra. “Thống nhất hợp tác.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện