Quyển 8 - Chương 24: Trong đất có núi
Chúng tôi chỉ biết nhìn vách núi mà thở dài. Tuy cũng biết có thể do mình chưa phá giải được sự ảo diệu của Quan Sơn thần bút nên cánh cửa vẽ ra mới không công hiệu, song chẳng ai nghĩ ra còn cách gì có thể khiến cánh cửa vẽ trên vách đá ấy mở ra được nữa. Tôi đành làm theo giao hẹn, bảo Tuyền béo trả lại nửa đầu quyển sổ ghi chép cho giáo sư Tôn, nửa quyển sau ghi lại những tâm đắc của lão ta khi nghiên cứu gương đồng Quy Khư tạm thời vẫn phải để lại trong tay chúng tôi.
Tuyền béo bảo giáo sư Tôn: "Ông đừng mặt ủ mày chau như thế, không trả sổ ghi chép cho ông nên ông cảm thấy chúng tôi không trượng nghĩa hử? Nhưng chớ có quên, đấy là do Tôn Cửu gia ông bất nhân trước đấy nhé, chùa miếu nào mà chẳng có hồn ma chết uổng, duy chỉ có Tôn Cửu gia ông xưa nay đã làm không ít chuyện dối trời gạt người, muốn kêu oan e rằng cũng không đủ tư cách đâu. Bởi vậy, hãy nghe lời khuyên của Tuyền béo này, gắng nghĩ cho thông, nhận lấy nửa quyển sổ trước đi đã."
Giáo sư Tôn tái mặt nhận lấy nửa quyển sổ ghi chép vào trong ngực áo, nói với Tuyền béo: "Sự việc đã đến nước này rồi mà các cậu vẫn nghĩ tôi để tâm đến quyển sổ ấy à? tôi đang lo không biết bước tiếp theo chúng ta sẽ làm thế nào đây?" Nói đoạn, lão ta ngoảnh đầu hỏi tôi: "Hồ Bát Nhất, cậu còn ý đồ quái quỷ gì nữa không đấy?"
Vào thời điểm như thế này, tôi đương nhiên không thể lộ vẻ ngượng nghịu lúng túng, đành vỗ ngực làm bộ tự tin nói: 'Chuyện Quan Sơn thần bút vẽ đất thành cửa sợ rằng nhất thời chúng ta không thể tham ngộ được, có điều ở dưới khe núi này không có tử thi, chính là đất dụng võ của món báu vật Nam Hải này. Nếu tình hình không đến mức vạn bất đắc dĩ, tôi cũng không muốn dùng đến chiêu này, nhưng đây đã là chốn sơn cùng thủy tận trong hẻm núi Quan Tài rồi, không sử dụng ngón nghề trộm mộ cổ xưa thì còn đợi đến lúc nào nữa?" Thuật trộm mộ, kỳ thực không đơn thuần chỉ là bí thuật phong thủy xem thế núi xét hình sông, mà còn có thể xem vét bùn, xem chất đất, xem dòng nước, xem sắc cỏ, lại còn có cả những phép ngửi đất, nghe đất, hỏi trời, dùng những phép này thì trăm lần không sai một.
Tôi bèn lập tức tìm một tảng đá bằng phẳng, lấy gương đồng Quy Khư và quẻ phù ra, chuẩn bị thi triển quyết chữ "vấn" trong bốn phép trộm mộ cổ xưa.
Giáo sư Tôn mê mẩn tấm gương cổ thần bí này đã lâu, khốn nỗi không biết sử dụng phép "thắp nén soi gương", lại không tín nhiệm phương pháp của tôi cho lắm, liền sấn tới hỏi han nọ kia không ngớt.
Shirley Dương cũng rất hứng thú với chuyện này, dẫu sao thì thuật "vấn mộ" cũng đã thất truyền hơn nghìn năm, đến giờ rất hiếm người có thể nói rõ được ngọn ngành bên trong, ngay cả lão Trần mù thủ lĩnh phái Xả Lĩnh năm xưa và Ban Sơn đạo nhân Gà Gô, củng hoàn toàn không hiểu gì về thuật này cả.
Tôi đành giải thích một cách đơn giản với giáo sư Tôn và shirley Dương rằng trong các thủ đoạn của Mô Kim hiệu úy thời Hán Đường, đã có phép hỏi trời bốc quẻ, cũng chính là thuật "vấn mộ", tùy theo dụng cụ sử dụng để chiêm bốc mà thuât này từ thời xa xưa đã phân ra làm hai phương thức, một là "thắp nến soi gương", một là "thắp nến xem mai rùa".
Nguyên tố cốt lõi của bí thuật Mô Kim là Dịch mà cốt lõi của Dịch chính là "trời và người tương ứng, sinh sôi nảy nở mãi không ngừng", nếu đổi thành khái niệm hiện đại, có thể lý giải thành mối quan hệ đan xen giữa "tâm" và "vật". "Tâm" tức là người, "vật" tức là trời, "tâm" và "vật" vốn là một thể, không thể chỉ duy tâm, cũng không thể triệt để duy vật.
Nguyên tố gắn kết tinh thần và vật chất, trong phong thủy học gọi là "khí", ở những nơi đất lành sinh khí dồi dào tràn ngập có thể sử dụng các loại pháp khí phong thủy để thăm dò tâng "sinh khí" vô hình vô chất này.
Những thứ có thể gọi là pháp khí phong thủy đa phần đều là đồ đồng xanh từ thời thượng cổ, hoặc các loại quy giáp, long cốt được chôn ở nơi huyệt báu phong thủy nhiều năm, vì những món bảo vật này không thể dùng đi dùng lại nhiều lần, bởi vậy sau thời Đường Tống, gền như không còn kẻ trộm mộ nào dùng phương pháp "hỏi mộ chiêm bốc" cổ xưa ấy để đổ đấu nữa. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến thuật này bị thất truyền.
Giáo sư Tôn nói, lão ta từng tra được chuyện này trong các tư liệu lịch sử không chỉ một lần, quyết chữ "vấn" này phỏng chừng đúng là sự thật chứ không phải truyền thuyết duy tâm gì. Có điều, quẻ kính Quy Khư không phải như những đó vật bằng đồng xanh bình thường, quẻ phù trong tấm gương cổ này đều được sắp xếp theo quẻ số Chu Thiên, néu không hiểu về quẻ đồ quẻ tượng cổ xưa thì làm sao biết được cách sử dụng ?
Tôi không trả lời ngay, mà lấy hai miếng quẻ phù hình cá và hình rồng ra cầm trên tay, nghiền ngẫm lại những gì sư huynh Trương Doanh Xuyên đã chỉ điểm. "Mười sáu chữ quẻ Chu Thiên" bao gồm ba hạng mục "quẻ tượng, quẻ từ, quẻ số", quan hệ giữa chúng là: từ "quẻ số" suy diễn ra "quẻ tượng", rồi lại dùng "quẻ từ" giải đọc "quẻ tượng", ba thứ này bổ trợ cho nhau, thiếu một cũng không được, rất khó nói cái nào là chủ yếu cái nào là thứ yếu.
Thứ ghi chép lại đẩy đủ và tường tận nhất vể vấn đề này có lẽ là "Chu Thiên thập lục quái toàn đồ(15)", nhưng tới giờ trên đời vẫn chưa ai đào được cổ vật nào có bức toàn đồ này. Họa may trong mộ cổ Địa Tiên vẫn còn một bộ "Chu Thiên toàn đồ", vì vậy giáo sư Tôn mới chịu bỏ nhà bỏ việc không quản ngại đường xa vạn dặm cùng chúng tôi đến đây mạo hiểm.
Trước đây, tôi gần như mù tịt về "Chu Thiên thập lục quái toàn đồ", nhưng hồi ở Nam Hải, tôi từng nghe Long hộ Cổ Thái đọc thuộc lòng toàn bộ quẻ số Chu Thiên. Đồng thời, tôi lại may mắn quen được sư huynh Trương Doanh Xuyên, nhờ sự giúp đỡ của sư huynh, sau nhiều lần suy diễn quẻ số Chu Thiên cũng như quẻ phù, quẻ kính bằng đồng xanh, rốt cuộc đã tìm ra phương pháp sử dụng tấm gương cổ Quy Khư này.
Tôi bảo giáo sư Tôn và Shirley Dương: "Quẻ phù Chu Thiên gồm mười sáu miếng, mỗi loại suy diễn đều có các ký hiệu khác nhau để biểu thị. Bốn miếng quẻ phù ngư, long, nhân, quỷ đại diện cho một vòng tuần hoàn tiểu Chu Thiên, chuyên dùng để chiêm đoán phương vị và không gian của các mộ cổ phế tích.
Giáo sư Tôn lắc đầu quầy quậy: " Vớ vẩn, hoang đường quá đi mất, nếu cậu nói bốn miếng quẻ phù đồng xanh này đều tương trứng cho hình thái của sinh mệnh hay sinh linh thì còn có mấy phần đáng tin, nhưng chúng làm sao có thể đại biểu phương vị và không gian được? Chẳng ra làm sao cả, cái vị Trương sư huynh kia của cậu chắc chắn là tay thuật sĩ giang hồ, chỉ nói bừa nói bậy. Gương đồng và quẻ phù bằng đồng đều là báu vật tuyệt thế, cậu ngàn vạn lần không được dùng bừa đâu đấy."
Những trải nghiệm ở núi Côn Luân dạo trước khiến Shirley Dương khá tin phục trình độ lý luận Dịch học của tôi, nhưng cô cũng cảm thấy chuyện này rất khó lý giải, bèn nói: "Em không hiểu đạo biến hóa của Dịch học, nhưng anh nói bốn miếng cổ phù bằng đổng xanh hình cá, rồng, người và quỷ có thể dùng để chiêm đoán phương vị không gian của mộ cổ, có căn cứ gì hay không?"
Tôi nói với cả bọn: "Đừng thấy giáo sư Tôn nghiên cứu Long cốt thiên thư nhiều năm mà tưởng lầm, ông ta là loại người ngoan cố, đầu óc không thể mở mang ra được. Ông ta chỉ có thể tưởng tượng bốn miếng quẻ phù ngư, long, nhân, quỷ là tượng trưng cho các hình thức của thể sống trong cõi trời đất, mà không nghĩ tới những tầng thứ sâu hơn nữa. Sự tồn tại của trời đất không gian, vừa khéo chính vì sự sống, đây là khái niệm vũ trụ toàn diện theo thuyết thiên nhân hợp nhất. Kỳ thực, bí mật này nằm chính trên miếng quẻ phù không có mắt bằng đồng xanh này đây."
Giáo sư Tôn nghiêm nghị nói: "Thành quả nghiên cứu của tôi tuy rằng không được coi trọng, nhưng xét cho cùng tôi cũng đã có không ít thành tựu trong nghiên cứu. Đó trước sau vẫn là một tồn tại khách quan, chẳng ai có thể bôi xóa đi được còn việc tôi có phải loại suy nghĩ cứng nhắc không mở mang được, đầu óc hay không, cũng không đến lượt mấy người trẻ tuổi các cậu phán xét. Cậu cứ thử nói xem miếng cổ phù không mắt này có quan hệ gì với không gian, phương vị? Tôi cảnh cáo trước, đừng tưởng tấm gương cổ Quy Khư kia do cậu vớt từ đáy biển Nam Hải về mà muốn làm gì thì làm, tôi đây tuyệt đối không thể chỉ vì mấy câu nói nhăng nói cuội của cậu mà để cậu tùy tiện hủy đi món báu vật hy hữu này đâu "
Tôi khinh khỉnh "hừ" khẽ một tiếng, nói với giáo sư Tôn: 'Tôi muốn hủy tấm gương cổ bằng đồng xanh này đi thì ông cũng chẳng ngăn nổi, có điều Hồ Bát Nhất này xưa nay vẫn ùung lý lẽ để thuyết phục người khác, hôm nay để tôi phụ đạo cho ông một lớp vậy, mau lấy giấy bút ra ghi vào, đừng có ngồi chót vót trong miếu đường mà lại thành ra tầm nhìn thiển cận, không biết giang hồ rộng lớn nhường nào."
Tôi chỉ cho giáo sư Tôn xem mặt sau tấm gương cổ Quy Khư, mỗi khoảnh trên mặt gương đều có một ký hiệu, các miếng quẻ phù phải lần lượt gắn vào vị trí tương ứng trên đó. Quẻ phù bằng đồng không có mắt, thực ra không phải không có mắt, mà đại diện cho tính hạn chế về không gian của sinh mệnh, nói một cách chuẩn xác phải là "không nhìn thấy".
Nhận thức của người Trung Quổc cổ đổi với không gian đã được hình thành từ mấy nghìn năm trước, vả lại còn rất gần với khái niệm của khoa học hiện đại. Cũng có thể nói, khoa học hiện đại phát triển mấy nghìn năm, nhưng về khái niệm vũ trụ không gian thì chẳng có tiến triển gì đáng kể.
Bốn miếng quẻ phù bằng đồng lần lượt là ngư, long, nhân và quỷ, trong quan niệm truyền thống từ xa xưa, cá không thấy nước, người không thấy gió, "gió" hẳn chính là không khí mà người hiện đại vẫn nói. Con người sống trong bầu khí quyển cũng giống như cá sống trong nước, đều là sống trong môt thứ vật chất mà bản thân mình không nhìn thấy.
Còn quỷ lại không nhìn thấy đất, trong quan niệm của người xưa, ma quỷ u linh là loài sống dưới lòng đất, ma quỷ ở trong lòng đất, giống như người ở trong gió hay cá ở trong nước. Đương nhiên, quỷ và rồng đều chỉ là một khái niệm trong văn hóa truyền thống Trung Quốc mà thôi.
Giáo sư Tôn nghe tới đây thì sực tỉnh ngộ, vội vỗ liên tiếp mấy cái vào đầu: "Đúng rồi... người không thấy gió, quỷ không thấy đất, cá không thấy nước, sao hồi đầu tôi lại không nghĩ ra nhỉ? Thế... thế còn rồng thì sao? Rồng và quỷ đều là khái niệm hư cấu, rồng không nhìn thấy cái gì vậy ? Mau nói đi, cậu mau nói đi.."
Tôi thấy giáo sư Tôn rối rít cả lên, phỏng chừng đã nóng lòng lắm rồi, lại e lão ta kích động quá mà lên cơn động kinh co giật, bèn thôi vòng vo Tam Quốc, nói toạc móng heo ra luôn: "Trong quan niệm của cổ nhân, rồng được coi là linh vật của vạn vật, còn bản thân rồng, lại hoàn toàn không nhìn thấy bất cứ vật chất nào. Rồng chỉ có thể nhìn thấy những vật thể sống, cũng có nghĩa là những tồn tại có linh hồn, những thứ còn lại, dẫu là gió hay nước hay đất, rồng đều không nhìn thấy. Điều này đã được cổ nhân nhắc đi nhắc lại... rồng không nhìn thấy mọi vật."
Vì vậy, bốn miếng quẻ phù ngư, long, nhân, quỷ, trên thực tế là một sự khái quát về không gian. Chỉ cần dựa theo các ký hiệu tương ứng "người không thấy gió, quỷ không thấy đất, cá không thấy nước, rồng không thấy mọi vật" gắn quẻ phù vào các khoảnh ở mặt sau tấm gương, rồi thắp một ngọn nến tinh luyện từ mỡ của giao nhân Nam Hải là có thể chiêm đoán ra phương vị của cổ mộ.
Shirley Dương nói: "Biết được nguyên lý thì tốt rồi, nhưng trên tay chúng ta chỉ có hai trong bốn miếng quẻ phù bằng đồng, bốn thiếu mất hai thì phải làm sao đây?"
Tôi cắn răng, không đủ bốn miếng có phù bằng đồng xanh quả rất khó khăn, năm xưa hai phái Ban Sơn, Xả Lĩnh hợp lực đào mộ cổ Bình Sơn ở Hà Tây, từng moi ra được hai quẻ phù hình người và quỷ, nhưng đến nay, cả hai quẻ phù đó và lò luyện đan trong mộ cổ Bình Sơn đều đã được đưa vào kho chứa đồ trân quý của viện bảo tàng Hồ Nam rồi, chúng tôi muốn nhìn thấy đồ xịn còn khó, đừng nói gì đến việc lấy ra mang đi tầm long đổ đấu.
May mà trong hai miếng quẻ phù tôi có trên tay, một miếng là "long phù" cũng chính là "tổng phù", thêm vào một miếng quẻ phù hình cá phụ trợ, ít nhất vẫn có thể suy diễn ra một nửa quẻ tượng, có lẽ sẽ không chuẩn xác lắm, nhưng chỉ cần một ám thị mơ hồ, chúng tôi đã thỏa mãn lắm rồi. Mà nói đi cũng phải nói lại, dẫu có đủ bốn miếng quẻ phù bằng đồng, có thể soi ra quẻ tượng hoàn chỉnh trong gương thì tôi cũng không biết quẻ từ, nhiều khả năng chỉ có tượng mà không giải ra được, còn không bằng một nửa quẻ tượng hậu thiên, dễ giải đọc hơn nhiều.
Giáo sư Tôn nghe tôi giải thích rõ ràng, bấy giờ mới yên tâm để tôi ra tay. Tôi gắn quẻ phù lên mặt sau của tấm gương cổ Quy Khư, bảo mọi người quây thành một vòng xung quanh, rồi đốt một ngọn nến mỡ giao nhân Nam Hải. Hốc mắt của quẻ phù vừa khéo lại chính là một "quẻ nhãn", ánh nến liền xuyên qua đó rọi lên đồ hình trên mặt sau của tấm gương.
Lúc này, còn phải tham chiếu với thiên can, địa chi, giờ giấc... để chuyển động các cơ số có thể chuyển động trên mặt sau tấm gương. Cuối cùng, bóng nến chiếu từ hai miếng bùa hình rồng, hình cá lần lượt hắt lên hai đồ hình cổ xưa, đồng thời chút hải khí ít ỏi còn sót lại trong tấm gương cổ cũng tiêu tán đi phần nào.
Tôn Cửu gia nghiên cứu Long cót thiên thư đã nhiều năm, sớm đã quen với những quẻ tượng và Hà đồ Lạc thư căn bản này, thấy quẻ tượng hiện lên, cứ tấm tắc khen lạ, mừng rỡ nói: "Đây là quẻ Khôn, cái kia là... Cấn, vậy nghĩa là sao? Mộ cổ Địa Tiên ở đâu?"
Tôi chăm chú nhìn vào quẻ tượng ở mặt sau tấm gương có Quy Khư, nói với mọi người: "Quẻ tượng này là Cấn ở trong Khôn, Khôn là đất, Cấn là núi, trong đất có núi, núi cũng có nghĩa là lăng, theo tôi, mộ cổ Địa Tiên chắc chắn nằm trong dãy núi lớn này."
Cả bọn nghe tôi nói xong liền lại ngẩng đầu lên nhìn ngọn núi cao trước mặt, núi non trong khu vực hẻm núi Quạn Tài này quả thực quá cao quá dốc, còn có mây mù vẩn vít che phủ, địa thế nguy nga hiểm trở, khó lòng thi triển thuật "nghìn thước xem hình, trăm bước xét thế, phân kim định huyệt, thẳng tiến trung cung" được, nếu chỉ dựa vào một câu "trong đất có núi" để tìm mộ cổ trong lòng đất, thì phạm vi tìm kiếm có phần quá rộng.
Tôi cũng lấy làm khó xử, nhất thời bó tay chưa nghĩ ra cách nào, chẳng lẽ phải lần dò từng mét từng mét một ư? Làm kiểu ấy, chỉ sợ phải nửa năm một năm may ra mới có kết quả, mà thứ chúng tôi thiếu thốn nhất bây giờ lại chính là thời gian. Có điều, trong cái rủi có cái may, ít ra chúng tôi cũng được an ủi rằng mình đã không uổng công lặn lội đường xa tới đây, đội thám hiểm của chúng tôi quả thực càng lúc càng đến gần mộ cổ Địa Tiên rồi.
Nhưng chúng tôi đều không biết quy mô và bố cục của mộ cổ Địa Tiên như thế nào, muốn đào hầm vào bên trong e rằng còn khó hơn cả lên trời. Chỉ tiếc lúc này lại không được thiên thời, bằng không giờ mà đổ trận mưa giông sấm sét, tôi cũng có thể học theo phép "nghe tiếng nhận huyệt", dùng ống tre áp xuống đất nghe âm vọng. Tiếng sấm lan đi dưới lòng đất, nghe tiếng vọng khoan nhặt nặng nhẹ, xa gần cao thấp, có thể đoan biết được rõ ràng tình hình bên dưới. Khốn nỗi, giờ vừa không có mưa gió cũng không có sấm sét, chúng tôi đành sốt ruột suông chứ chẳng có cách gì.
Tôi đột nhiên nhớ ra trong các thuật Ban Sơn trấn hải hình như có phép "Hô phong hoán vũ", nơi này thế núi ép lại, mây mù đều tụ tập trong các hẻm núi sâu, vừa khéo chính là hiện tượng dễ xuất hiện mưa giông. Có điều, phương thuật của Ban Sơn đạo nhân quá ư thần bí, không phải món nào chúng tôi cũng có thể dễ dàng lý giải được. Theo ghi chép trong cổ tịch, muốn cầu mưa giông lớn, ít nhất cũng phải có một quả "hùng thử noãn", đại khái là một hình bầu dục trăng trắng, bằng một nửa quả trứng cút, giống đá mà không phải đá, giống xương lại không phải xương, đem ngâm nó vào trong chén nước bằng sừng. Có điều, tôi chưa bao giờ nghe nói đến cái "hùng thử noãn" ấy, thư hùng âm dương thì có biết, suy ra có thể là trứng của con chuột đực, nhưng chuột đực thì làm sao đẻ trứng? Vả lại, kể cả chuột cái thì cũng không thể đẻ trứng được cơ mà. lòng đầy nghi hoặc, tôi liền quay sang hỏi Shirley Dương, lẽ nào phương pháp đơn giản như vậy có thể khiến trời giáng sấm sét đổ mưa xuống? Ông trời xưa nay vẫn khó tính khó nết, hơn nữa còn hỷ nộ vô thường, lẽ nào có thể nghe lời như vậy, bảo làm cái gì là làm cái đó ngay ư?
Shirley Dương có trí nhớ rất tốt, gần như nhìn một lần là không quên, cô bảo, cách nói cụ thể trong thuật Ban sơn phải là: m dương hợp rồi sau có mưa, âm dương chạm nhau cảm thành sấm, kích thành sét. Đây vốn là phép thuật của người Hung Nô, chỉ được sử dụng trong các hoạt động vu bốc trên đại mạc và thảo nguyên vào thời nhà Hán. Người ta dùng một chậu nước sạch ngâm những viên đá đặc biệt, không ngừng rửa đi rửa lại, bắt quyết niệm chú hồi lâu, sẽ có mưa đổ xuống. Những viên đá ấy gọi là "tra đáp", viên lớn nhất cỡ bằng quả trứng gà, nhỏ thì như hạt đậu. Những viên đá này đều được sinh ra trong bụng các loài thú biết đi biết chạy trên mặt đất, trong đó của ngựa và trâu bò là tốt nhất, cũng khó kiếm nhất. Về sau, thuật này được truyền đến tay Ban Sơn đạo nhân, tuy họ không biết chú ngữ, nhưng dựa theo đó dùng đá ngâm vào nước cũng có thể lam trời đổ mưa.
Về cơ bản tôi đã hiểu được quá nửa, thứ này cũng gần giống như "nội đơn" của xác cổ mà chúng tôi đang muốn tìm, khác chăng chỉ là một sống một chết mà thôi. Thứ báu vật trong bụng các loài thú này, cũng thuộc dạng "nội đơn", trên thực tế đều là một dạng két sỏi trong gan hoặc thận. Các loài phi cầm tẩu thú hấp thu tinh hoa của nhật nguyệt, trải qua nhiều năm tháng mới hình thành nên được. Tinh hoa của nhật nguyệt cũng chính là khí âm dương trong trời đất, đem ngâm tẩm ma sát hòa trộn trong nước, chính như trong điển tịch đã viết "âm dương hợp rồi sau có mưa, mới khiến mây mưa xung quanh tụ hợp lại, sinh ra sấm sét.
Shirley Dương lại tiếp lời nói, các loại sỏi thận sỏi mật trong bụng các loài thú, tuy được người xưa gọi chung là "nội đơn", nhưng mỗi loại đều có tên riêng. "Hùng thử noãn" chính là nội đơn của chuột, dùng "hùng thử noãn" để gọi mưa giông là hiệu quả nhất, có thế nói là trăm lần đều linh nghiệm cả trăm.
Sự kỳ diệu của tự nhiên thật khó dùng lẽ thường để xét đóan, chẳng hạn như sỏi thận trong bụng chuột đực, bên trên đều có hoa văn tự nhiên. Điều này đã được ghi chép rõ trong Bàn Thảo Cương Mục chứ không phải lời đồn đại huyễn hoặc để lừa gạt người đời. Lại chẳng hạn như dưới nách con nhím trăm năm tuổi có dấu ấn, sỏi thận sỏi mật của dê lợn có ấn triện. Trâu có ngưu hoàng, chó có khuyển khắc, trâu két sỏi trong cúi mạt, gọi là ngưu hoàng; chó kết sỏi ở thận, gọi là khuyén khắc. Ngoài ra còn có mã bảo, đà hoàng, lộc ngọc... mỗi thứ lại có công hiệu tác dụng khác nhau, nhiéu không ké xiết.
Cũng giống như thi đơn, những thứ này đều là vật trân quý chỉ có thể gặp chứ chẳng thể cầu, biết đào đâu ra bây giờ? Lại nói, những thứ người xưa lưu truyền lại, người hiện đại đa phần đều không sao hiểu nổi, vì vậy dù có tìm được cũng chưa chắc đã linh nghiệm. Shirley Dương khuyên tôi chớ nên nghĩ ngợi xa xôi làm gì, bây giờ không có manh mối nào, cứ cuống lên cũng chẳng ích gì, đi suốt cả chặng đường dài đến đây, mọi người ai nấy đều mệt mỏi cả rồi, chi bằng ngồi xuống nghỉ ngơi tại chỗ một lúc rồi tính sau.
Tôi thấy mọi người cả ngày nay chưa ăn gì, lục phủ ngũ tạng vườn không nhà trống đã lâu, đói đến nỗi da bụng dính vào da lưng, sắp không chịu nổi đến nơi, lại thấy sơn cốc này vắng vẻ u tịch, chắc không có mãnh thú gì xuất hiện, bèn quyết định tạm thời nghỉ ngơi tại chỗ một đêm, sau đó mới tính kế lâu dài.
Cả bọn lập tức tay năm tay mười trải túi ngủ ở chân vách ttúi, thậm chí còn lười chẳng buồn đốt lửa, chỉ ăn qua quýt chút lương khô và đồ hộp. Tôi ôm một bầu tâm sự, cũng chẳng ăn được mấy, sau khi bàn bạc phương án hành động ngày mai với Shirley Dương xong, bèn bảo bốn người kia đi nghỉ trước để tôi thức canh đêm ca đầu.
Tôi ngồi một mình dựa vào vách đá, cứ trăn trở mãi về ý nghĩa của "trong đất có núi", cảm thấy tượng này thuộc quẻ "khiêm", trong đó còn có ý "lấy tĩnh chế động, khiêm nhường nhất mực", xem ra phải tạm thời tiềm phục ẩn tàng, đợi thời cơ xuất hiện vậy.
Sau đó, cơn buồn ngủ bát giác ập đến, những năm gần đây tôi toàn ngủ mở một mắt, nhưng hôm nay không hiểu tại sao, mí mắt trên mí mắt dưới cứ đánh xáp lá cà díp lại với nhau, nhắm mắt vào là không sao mở ra nổi nữa. Giữa cơn mộng mị, trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ mơ hồ... ở khu lăng mộ âm u như hẻm núi Quạn Tài này, sao cả bọn có thể cùng lăn ra ngủ được?
Ngay lập tức, tôi giật mình tỉnh giấc. Trong núi, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhau rất lớn, chỉ thấy đêm lạnh như nước, ở dưới đáy hẻm núi sâu này cũng không thấy ánh trăng rọi xuống, bốn bề tối tăm mù mịt, thì ra tôi đã ngủ được một lúc lâu rồi. Tôi lắc mạnh đẩu đé mình tỉnh táo lại, cặp mắt dần dần thích ứng với bóng đêm. Tôi lờ mờ cảm thấy xung quanh có gì đó không ổn, vội căng mắt nhìn kỹ, trước mắt không ngờ lại xuất hiện một cảnh tượng hệt như kỳ tích: cánh cửa vẽ bẳng Quan Sơn thần bút trên vách đá, đang lẳng lặng, chầm chậm mở ra.
Bình luận truyện