Quyển 8 - Chương 29: Quỷ mị
Cùng lúc Shirley Dương nói câu ấy, tôi cũng nghe ra trong quan cài có sự lạ, Quỷ âm như tiếng khóc lóc thở than kia lại xuất hiện, vội kéo cô lùi lại một bước, âm thanh lúc có lúc không tựa hồ một bóng u linh, khiến người ta không khỏi rùng mình run sợ. Nhưng trong quan tài sao lại có âm thanh được nhỉ?
Tôn Cửu gia bị hiện tượng trái ngược hoàn toàn với thờng thức vật lý trước mắt làm cho run như cầy sấy, vũ trụ quan đã hình thành từ nhiều năm nay của lão ta chỉ trong một khoảnh khắc đã lung lay, lão vội vội vàng vàng lăn xuống khỏi quan tài, nấp sau lưng tôi hỏi: "Trong quan tài... là... là cái gì thế?"
Thoạt tiên tôi cũng có hơi hoảng hốt, nhưng ngay sau đó khí huyết dâng lên, thầm nghĩ trong quan tài có "người" nói chuyện, thì cũng không ngoài ba khả năng, thứ nhất là có ma thật; thứ hai là người trong quan tài chưa chết, vẫn sống từ đó đến giờ; thứ ba là trong quan tài có máy thu âm, đời này Hồ Bát Nhất tôi có sự lạ gì chưa từng thấy đâu chứ? Duy chỉ có ba chuyện này là chưa gặp bao giờ, thôi thì để hôm nay mở rộng kiến thức vậy, sau này cũng có thêm câu chuyện làm quà khi ngồi với anh em đồng nghiệp, vả lại lúc này không thể lộ ra vẻ kinh hoảng tránh để Út và giáo sư Tôn hoảng hốt theo. Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với cả bọn: "Tôi thấy trong cái quan tài này rất có thế có một cái máy thu âm cổ lỗ sĩ, nghe thử âm chanh nức nở ấy mà xem...có lẽ đang phát vở kịch góa phụ khóc chồng gì đấy cũng nên."
Giáo sư Tôn phản bác: "Giờ không phải lúc nói nhăng nói cuội cho vui, trong mộ cổ làm sao có máy thu âm được chứ?" Tuyền béo cũng thừa cơ lên tiếng: "Đây chẳng qua là những tư tưởng luận điệu nguyên thủy do đồng chí Hồ Bát Nhất thiếu tri thức, mê tín, mơ tưởng hão huyền mà nghĩ ra thôi, đúng là ấu trĩ đến khó thể hình dung, ai tin thì đúng là thần kinh nặng."
Tôi nói, sao trong mộ cổ không thể có máy thu âm chứ? Hồi còn làm bộ đội công binh, tôi từng nghe một chuyên gia địa chất nói, ở trong các hang động chốn thâm sơn cùng cóc, có một tầng nham thạch đặc biệt. Trong tầng nham thạch này chứa sắt ba ô xít với cả sắt bốn ô xít gì đấy, từ trường do những chất này sinh ra có thể trở thành một dạng máy thu âm tự nhiên, nhiều khi đang ngày nắng mà nghe trong sơn cốc có tiếng sấm ầm ầm, chính là do hiện tượng này gây ra. Tôi đoán, trong quan tài hẳn có món minh khí nào đấy chế tạo bằng loại vật chất này cũng nên.
Tuyền béo không biết tôi nói thật hay bốc phét, nhất thời tắc tị, không tìm được lời nào phản bác, chỉ nói: "Nếu đúng là có loại máy thu âm cổ đại ấy thật thì cũng đáng tiền lắm..."
Người đàn bà trong cỗ quan tài vẫn khóc lóc ỉ ôi không dứt, thật sự khiến người ta rởn cả gai ốc, tôi liền gọi Tuyền béo cùng tiến lên, định bật tung nắp quan ra xem cho rõ ràng. Chúng tôi đốt một cây nến, chuẩn bị ra tay, nhưng lúc lại gần nghe kỹ hơn, tôi mới phát hiện âm thanh kỳ quái kia không phải phát ra từ trong quan tài, mà là ở trong lớp gạch mộ bên dưới quan tài vẳng ra.
Vừa đẩy cỗ quan tài ra chỗ khác, tiếng Quỷ âm hư ảo kia lập tức ngưng bặt, tiếng khóc than thoạt có thoạt không ấy tựa như đến đi theo cơn gió, không để lại dấu vết gì trong không khí. Tôi và Tuyền béo nằm rạp xuổng đất lắng nghe hồi lâu, rốt cuộc cũng không tìm được nguồn phát âm, gạch mộ dày nặng kiên cố, chúng tôi bậy cả mấy viên lên xem, chỉ thấy bên dưới toàn bùn lắng ngập trong nước.
Shirley Dương nói: "Anh Nhất, thôi đừng mất công nữa, Quỷ âm kia thoắt đến thoắt đi rất không bình thường, em nghĩ không phải là âm thanh tồn lưu trong tầng nham thạch đặc thù kia đâu. Việc quan trọng trước mắt là tìm mộ cổ Địa Tiên đã." Giáo sư Tôn cũng nói: "Nói có lý lắm, thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện, địa cung của ngôi mộ cổ này đã bị trộm từ mấy trăm năm trước, giờ có còn gì nữa đâu, muốn tìm mộ cổ Địa Tiên không biết còn phải tốn bao nhiêu công sức nữa đây, phải rồi... bên dưới quan tài khắc chữ gì vậy? Có phải "Quan Sơn chỉ mê phú" không?"
Địa tiên Phong Soái Cổ tự nhận mình là tiên gia đắc đạo, vì vậy lăng mộ của ông ta không giống như người thường. Lăng mộ của người bình thường đều hy vọng có thể phong bế vĩnh viễn, để người ngoài không bao giờ thấy được những vật trong mộ, nhưng mộ cổ Địa Tiên của Phong Soái Cổ lại là nơi độ hóa chúng sinh đắc đạo. Ông ta từng để lại một bài "Quan Sơn chỉ mê phú", ngoài hậu nhân nhà họ Phong, những tín đồ một lòng cầu tiên cũng có thể theo chỉ dẫn trong đó để tìm vào mộ cổ, nhưng người ngoài không hiểu nội tình mà muốn vào trong mộ trộm báu vật thì khó hơn lên trời.
Dựa theo những gì chúng tôi đã gặp được trong hẻm núi Quan Tài này để phán đoán, bài "Quan Sơn chỉ mê phú" trong tay chúng tôi, chỉ có đoạn năm xưa trung đoàn trưởng Phong chính miệng nói với Tôn Cửu gia là thật, phần còn lại đều thật giả khó phân, thường đưa người ta vào cạm bẫy cùng đường tuyệt lộ. Vì vậy, tôi từng cho rằng, nếu đã không có cách nào phán đoán sự thật giả của "Quan Sơn chỉ mê phú", thì chi bằng cứ dựa vào kinh nghiệm của mình, để khỏi lạc lối bởi những gợi ý cố làm ra vẻ huyền hoặc kia.
Nhưng sau khi dùng Quan Sơn thần bút vẽ cửa mộ, chúng tôi mới biết kinh nghiệm và kiến thức mình tích lũy trước đây không hề có đất dụng võ trong mộ cổ Địa Tiên này, chẳng trách thủ lĩnh của hai phái Ban Sơn, Xả Lĩnh năm xưa đều bảo "cả thần tiên cũng không đoán được hành vi của Đại Minh Quan Sơn thái bảo". Có điều, bây giờ tôi lại muốn nói: "Chỉ có kẻ điên mới lý giải được hành vi của Quan Sơn thái bảo."
Lúc này, chúng tôi đã vào trong ngôi mộ cổ trống rỗng của Di Sơn Vu Lăng vương, tuy bên trong không có gì, nhưng những thứ kỳ dị khó hiểu lại liên tiếp xuất hiện, trang bị và tinh lực đều không cho phép chúng tôi mù quáng tìm kiếm khắp cả địa cung này. Gương cổ Quy Khư hình như còn có thể sử dụng thêm một hai lần nữa, có điều một khi hải khí trong gương tiêu tán hết thì bọn tôi hoàn toàn tay trắng, không còn con bài nào nữa, chuyện đã tới nước này, đành lại tập trung sự chú ý vào huyền cơ bên trong "Quan Sơn chỉ mê phú" vậy.
Tôi vừa đem ý nghĩ này nói với mọi người, Shirley Dương và giáo sư Tôn đều gật đầu tán thành, nhưng tiền đề là chữ khắc dưới đáy quan tài sơn son kia phải là "Quan Sơn chi mê phú" thật sự. Sau đó, cả bọn liền hợp sức lật cỗ quan tài lên, gạt hết bùn đất dính ở dưới đáy, xem xét kỹ lưỡng những con chữ khắc trên đó.
Xem xong mới biết, hai cỗ quan tài sơn son này giống hệt nhau, phần đáy đều khắc: "Vật nữ chẳng lành, áp táng giấu đi; Nam Đẩu mộ thất, soi tường giáng tiên; Nến xác tắt đèn, Quỷ âm chỉ mê".
Mấy cỗ quan tài sơn son thời Minh đều được chôn trong động loạn táng theo hình thức áp táng, riêng chúng tôi đã phát hiện ra có bảy tám cỗ như vậy rồi. Theo quy chế mộ táng thời xưa, đây có lẽ là quan tài của tù binh, tội phạm, nô tỳ, nhưng tôi hình như chưa từng nghe nói vật nữ là thứ gì, bèn hỏi giáo sư Tôn: "Tôn Cửu gia là bậc lão thành, trước mặt ông chúng tôi cũng không dám nói bừa, chẳng hay ông có biết vật nữ ở đây là chỉ ai không? Những chữ khắc dưới đáy quan tài này có phải 'Quan Sơn chỉ mê phú' không ?"
Tôn Cửu gia tuy là người khí độ hẹp hòi, cố chấp "hư danh" đến mức gấn như bệnh hoạn, nhưng lão ta nghiên cứu Long cốt thiên thư, chẳng những đã lục tung cả đống kinh sách sử liệu chất chồng như núi lên đọc hết một lượt, mà còn tranh thủ những cơ hội đi thu thập văn tự giáp cốt, thâm nhập các làng quê vùng núi, thăm hỏi được vô số thông tin truyền miệng ở nông thôn, nếu luận về kiến thức tạp học, thật tình tôi cũng chứa gặp ai sánh được với lão ta.
Giáo sư Tôn quả nhiên biết lai lịch của vật nữ. Lão ta nói, thời xưa ở vùng Trung Nguyên có lưu hành rất nhiều chuyện mời thần, giáng tiên, lên đồng, các vị tiên giáng xuống cũng có đủ mọi thành phần, bút tiên, hồ tiên gì gì đều không thiếu, nhưng chín chín phần trăm là bọn lừa đảo cố làm ra vẻ huyền hoặc chuyên đi lừa gạt đám ngu dân. Có điều, số người tin theo thực sự rất nhiều.
Nhiều năm về trước, khi giáo sư Tôn còn trẻ đã tận mắt chứng kiến một lần. Bấy giờ vẫn chưa giải phóng, hạn hán kéo dài, có một ông già ở Thiểm Tây tự nhận có thể mời Long vương nhập vào mình, chỉ cần các thiện nam tín nữ chịu trả tiền, đảm bảo trong ba ngày sẽ giáng mưa lành xuống. Để dân chúng tin rằng mình có thể mời được Đông Hải long vương thật, ông ta liền nuốt bùa niệm chú, lát sau đá trợn trừng mắt sùi bọt mép, miệng lầm bầm không ngớt, tự xưng mình là Đông Hải Long vương Ngao Quảng, ai hỏi gì đều đối đáp trôi chảy, nhất thời người tin theo đều ồ ạt đổ tới, tranh nhau quỳ bái.
Bấy giờ giáo sư Tôn nhìn mê mải, thoạt tiên cũng tin theo, nhưng sau đó nghĩ lại mới thấy có gì đó không ổn, không ổn ở đâu? Khẩu âm của Long vương không đúng, toàn là phương ngôn vùng Thiểm Tây, Đông Hải Long vương sao lại nói giọng Thiểm Tây được chứ? Chắc chắn là do lão bịp bợm kia không biết nói tiếng phổ thông, tuy làm bộ làm tịch cũng ra dáng ra dàng, song lại không thể sửa được cái giọng nhà quê kia.
Về sau, cũng gặp rất nhiều mánh khóe mời thần nhập đồng, nhưng giáo sư Tôn không bao giờ chịu tin nữa. Có điều phàm mọi sự trong thiên hạ, sợ nhất là gặp phải người có cách nhìn khách quan, vậy nên mới nói người trong cuộc tối, người ngoài cuộc sáng, mãi đến sau Giải phóng làm công việc nghiên cứu văn tự cổ, có nhiều cơ hội thâm nhập vào dân gian thu thập chỉnh lý văn vật, lão ta mới nghe nói phong tục nhập đồng này vốn lưu truyền từ tận thời Hán Vũ Đế đến nay.
Tương truyền, một người thiếp yêu của Hán Vũ Đế qua đời, khiến ông ta ăn không ngon ngủ không yên, bấy giờ, có một "dị sĩ" xuất hiện, nói rằng có thể mời vị phi tần kia từ chốn m tào lên dương gian gặp mặt. Dị sĩ treo một tắm màn trắng sau màn đốt nến, mời Hán Vũ Đế đứng vào trong, không lâu sau bỗng người phi tán liền hiện lên trên tấm màn, tưóng mạo giọng nói đều hệt như ngày trước, Hán Vũ Đế rất vui, liền trọng thưởng cho thuật sĩ kia. Đây chính là khởi nguyên của thuật mời tiên giáng, mời nhập đồng, về sau lại diễn biến thành kịch bóng, người biểu diễn đa phần đều rất giỏi "khẩu kỹ", có thể "một miệng hát ra muôn ngàn chuyện, hai tay điều khiển trăm vạn binh", nhưng cũng thường có các thuật sĩ giang hồ dùng thuật này đi lừa gạt dân chúng gạ lấy tiền tài.
Vì vậy, chuyện 'giáng tiên nhập đồng" này ít nhất cũng đã có lịch sử hơn hai nghìn năm ở Trung Quốc. Mọi sự trên đời, có thật ắt sẽ có giả, ngoài đám bịp bợm buôn thần bán thánh, cũng thường nghe có người kể chuyện thần linh hiển thánh, khiến người ta không thể không tin. Muốn mời được chân tiên, phải có dụng cụ để tiếp dẫn, vật nữ ở đây chính là xác đàn bà, có điều không phải xác người thường mà là xác của các "sư nương, bà đồng" khi còn sống chuyên để thần tiên ma quái nhập vào thân. Những người đàn bà này vì thường xuyên bị tiên, yêu, quỷ, quái nhập, nên được coi là thân thể thông linh, không phải thứ lành, bởi thế không thể nhập thổ vi an theo tang chế bình thường, bằng không xác chết sẽ bị yêu vật lợi dụng hại người. Nhưng, khi muốn mời chân tiên, nhất thiết phải đốt thi thể của họ để làm đèn dẫn cho thần tiên giáng xuống, ở vùng Tần Lĩnh Thiểm Tây và Ba Thục quả thực đã từng tồn tại tập tục này, chỉ có điều, giáo sư Tôn chưa từng tận mắt chứng kiến, nên không dám nói là thật hay giả.
Giáo sư Tôn lại nói, bài "Quan Sơn chỉ mê phú" này đọc nghe nửa hiểu nửa không, không văn nhã cũng không thô tục, bao hàm cả ngũ hành thuật số cùng rất nhiều điển cố trong các truyền thuyết dân gian, hạng phàm phu tục tử làm sao hiểu dược? Có lẽ thậm chí còn chưa nghe nói bao giờ! Những kẻ muốn tu tiên cầu đạo, nhất thiết phải giải khai dược những câu đố ẩn tàng bên trong, dọc đường không thể tránh khỏi những lúc gặp nguy hiểm, trải qua vô số khảo nghiệm sinh tử mới được. Nhưng nếu không đánh liều phá giải "Quan Sơn chỉ mê phú", chẳng lẽ lại chứa thành đã bỏ, quay đầu trở về chắc? Bao nhiêu nỗ lực nửa năm nay đều coi như đổ sông đổ biển hết cả, chi bằng cứ mạo hiểm làm đến cùng. Câu Nến xác tắt đèn kia, hẳn là muốn người ta hỏa thiêu xác khô của vật nữ hay cứ đánh liều làm theo để cho Quỷ âm trong mộ cổ xuất hiện, nghe xem tiên nhân kia chỉ điểm bến mê thế nào. Nhưng Nam Đẩu mộ thất kia ở đâu thì giáo sư Tôn chịu không đoán ra được.
Tôi nói, Nam Đẩu mộ thất xa tận chân trời, gần ngay trước mắt, nếu bố trí theo tinh đồ, các gian mộ thất trong mộ có sẽ tuân theo phép Bắc trên Nam dưới, mộ thất ở tầng dưới cùng này chính là ở ngôi Nam Đẩu, dùng để cất giấu các thứ binh khí, đao kiếm bồi táng. Vả lại, chúng ta cũng đều nghe thấy Quỷ âm ở nơi này vẳng ra, các vách tường xung quanh mộ thất còn khảm những mảnh đá đại diện cho tinh đồ, từ những điểm này có thể khẳng định chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa.
Tôi thầm nghĩ, chuyện này có chút huyền hoặc, có điều, xét sự việc từ đầu tới giờ, những ám thị trong "Quan Sơn chỉ mê phú" thường không thể suy đoán theo lẽ thường được, trước khi tận mắt chứng kiến thì rất khó đưa ra phán đoán, củng không thể nào phân biệt được ám thị ấy là thật hay giả, một khi làm nói không chừng sẽ chuốc lấy họa lớn gì cũng nên.
Tôi nghiến răng, tự nhủ cái trò đốt nến thắp đèn kia xưa nay vẫn là mánh khóe giữ nhà của Mô Kim hiệu úy, có năm người chúng tôi ở đây, sợ quái gì nữa? Vả lại, tôi cũng hết sức tò mò chẳng lẽ có vật dẫn, thì có thể mời chân tiên giáng xuống thật hay sao? Quỷ âm phiêu hốt bất định trong tường mộ kia, rốt cuộc là như thế nào?
Tôi hạ quyết tâm, lập tức bậy nắp cỗ quan tài đã bị va đập toác một góc kia ra, cái xác bên trong không nằm ngay ngắn, vả lại, quả nhiên là mặc phục sức đời Minh. Theo lời Tôn Cửu gia, trang phục này gọi là "tỷ giáp", là áo không tay của phụ nữ thời Minh, mặc bên ngoài áo dài, cũng chính là tiền thân của áo gi lê ngày nay. Bên trong, cái xác này mặc "thủy điển phục" hay còn gọi là "thủy điển y", là loại phục sức may bằng vải ghép của phụ nữ thời Minh, chân đi "cung hài". Phụ nữ thời Minh đa phần đều bó chân, "cung hài" là loại giày dành cho chân bó, hình dáng như cánh cung, có đế, những người không bó chân cũng có loại giày đế gỗ phỏng chế tương tự.
Tôi không còn tâm trí nào nghe Tôn Cửu gia thao thao bất tuyệt những chứng cứ lịch sử nữa, vì tình hình trong quan tài đã thu hút hầu hết sự chú ý của tôi. Chỉ thấy cái xác nữ trong quan tài há miệng trợn mắt, mặt mũi vặn vẹo dữ dội, mặt bên trong nắp quan chằng chịt vết cào xé cùng những vệt máu khô đen, xem ra hẳn người đàn bà này đã bị chôn sống, đến giờ trông thấy vẫn có thể tưởng tượng ra tình hình thê thảm lúc đó, bà ta tới khi chết rồi vẫn bị những kẻ vào mộ cổ tầm đạo lấy ra làm "đèn dầu" để mời chân tiên giáng nhập.
Shirley Dương thấy ở thắt lưng cái xác có đeo một miếng lệnh bài bằng đồng, bên trên khắc bốn chữ "Quan Sơn sư nương", không nén được tiếng thở dài, nói với tôi: "Những Vật nữ sư nương này, ăn vận phục sức đời Minh, trên người lại có lệnh bài chứng minh thân phận, chắc đều là đồng bọn của địa tiên Phong Soái Cổ năm xưa. Bọn họ có lẽ đến lúc chết mới biết mình bị Phong Soái Cổ coi là đồ tuẫn táng, hành vi tàn nhẫn như vậy sao có thể là của bậc tiên gia? Đúng là tà môn ngoại đạo. Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, "tiên" và "yêu" tuy khác nhau một trời một vực, nhưng thực ra, chỉ cách nhau một ranh giới mong manh như đường chỉ, tiến một bước thành tiên, lùi một bước sẽ đọa lạc thành yêu ngay."
Tuyền béo thấy trên người cái xác nữ ấy có khá nhiểu đồ trang sức, bèn nảy ý lấy một hai món về làm "kỷ niệm", Tôn Cửu gia vội ngăn cậu ta lại nói: "Việc lớn đang ở trước mặt, đừng nghĩ đến chuyên phát tài nữa, theo các ghi chép về phương thuật có đại, trang sức y phục của cái xác này có thể đã tẩm một thứ thuốc giống như hương thắp vậy, cùng đốt lên mới làm cho Quỷ âm xuất hiện, bằng không chỉ cần đốt xác người thường cũng mời được tiên giáng rồi, chớ nên vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm lỡ việc chính."
Tuyền béo nghiêm mặt nói: "Ai nghĩ đến chuyện phát tài chứ? Đại gia đây chỉ mốn thu gom lại cho người ta một chút thôi, ông thử nói xem, cái bà sư nương này có làm gì ông đâu, vậy mà chỉ vì một chút tư tâm, ông lại đòi châm lửa đốt người ta? Đã thế còn không cho tôi đây giúp người ta chỉnh trang lại tư trang quần áo ? Quân phiệt thổ phỉ trong xã hội củ hoành hành bá đạo ức hiếp nhân dân, nhưng bọn chúng cũng chưa đến nỗi bất chấp lý lẽ như ông..."
Giáo sư Tôn biết không thể nói lý với loại người như Tuyền béo, vội vàng nhún nhường rút lui, bảo: "Coi như tôi chưa nói gì, coi như vừa nãy tôi chưa nói gì, được không? Cậu mau châm lửa đi".
Lúc này tôi để ý thấy út có vẻ lo lắng, biết cô chưa bao giờ làm những chuyện này, khó tránh trong lòng hoảng sợ. Sau đấy tôi liền cùng Tuyền béo đặt cái xác người đàn bà ấy ra giữa mộ thất, rồi lấy bật lửa chuẩn bị châm đốt. Trước khi động thủ tôi đưa mắt ra hiệu cho Tuyền béo, bảo cậu ta khấn khứa với cái xác ấy vài câu, thực ra đều là nói cho người sống yên lòng. Tuyền béo cũng không chối từ, liền làm điệu làm bộ nói với cái xác ấy: "Lão sư ơi là lão sư, lão sư kính yêu của chúng tôi, chúng tôi biết linh hồn người sớm đã lên chốn thiên đường, nhưng mà... nhưng mà... nhưng mà... trong thế giới hiện thực lạnh lùng mà tàn nhẫn này, chúng tôi vẫn không thể rời xa người được, cần thân xác của người để xua tan bóng tối hòng kiếm tìm ánh sáng, để tìm kiếm ngày xuân tươi sáng, gót giày chúng tôi đã mòn nhẵn..."
Tôi thấy Tuyền béo cứ mồm năm miệng mười, lại còn gọi sư nương thành lão sư, mà nội dung cũng không đúng bài bản cho lắm, liền không cho cậu ta tiếp tục lảm nhảm nữa, đưa tay ra châm lửa. Y phục của cái xác đã khô như sáp nến, gặp lửa liền lập tức bùng lên, phát ra tiếng "lép bép lép bép".
Trước khi bắt tay vào việc, chúng tôi đã vắt óc nghĩ đến đủ loại phương án khấn cấp, vạn nhất có chuyện bất trắc xảy ra thì cũng không đến nỗi không thế rút lui an toàn. Từ đầu, cả bọn đã chắn cỗ quan tài sơn son còn lại trước cửa mộ thất để làm chướng ngại vật, sau khi cái xác bốc cháy, tất cả liền nấp ra phía sau, đồng thời tắt hết mọi dụng cụ chiếu sáng, bịt kín mũi miệng, nhìn chằm chằm vào ánh lửa bên trong mộ thất. Mặc dù biết rõ sắp có chuyện gì đấy xảy ra, nhưng trong lòng vẫn không khỏi có chút căng thẳng, tim người nào người nấy đều đập thình thịch, chỉ đợi "tiên nhân" trong cổ mộ xuất hiện.
Bình luận truyện