Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 36



Thím Lê mừng mừng tủi tủi khi thấy tôi bước vào nhà:

- Trời, con đi đâu mà mất biệt thế con?

- Dạ, con bận học thưa thím.

Tôi lí nhí đáp, không rõ thím ngạc nhiên thật hay giả vờ.

- Sao con về lúc này? Đã nghỉ hè đâu!

Thím lại hỏi, ánh mắt vẫn xoáy vào mặt tôi như thể tôi lại chuẩn bị nói dối.

Và đúng là tôi tiếp tục nói dối thật:

- Trường con đang sửa chữa nên tụi con được nghỉ học.

Tôi hỏi để thím không kịp hỏi thêm:

- Thằng Thục đâu rồi thím?

- Nó đi học trong Tam Kỳ, cuối tuần mới về.

- À, năm nay nó lên lớp mười hai rồi.

Tôi gật gù, tháo ba lô đặt trên góc phản. Làng tôi chỉ mở cấp một, lên cấp hai phải ra thị trấn Hà Lam, lên cấp ba phải vô Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng học. Tôi nhìn quanh, vắng bóng thằng Thục và cái miệng bép xép của nó căn nhà tự dưng trống trải kỳ lạ.

Hôm đó ăn cơm trưa xong, tôi ngủ một giấc tới chiều. Tôi ngủ mê mệt, vì suốt dọc đường nhồi xóc trên xe đò, tôi chẳng ngủ được bao nhiêu, cứ gà gật chập chờn mộng mị.

Thức dậy, không thấy thím Lê đâu, rôi ra sau hè rửa mặt rồi quay lên nhà trên bước lại chỗ bàn học của thằng Thục. Thấy con bọ ngựa tết bằng cọng dừa nằm chỏng chơ bên đống tập, tôi cầm lấy và bước ra cửa.

Tôi đi về phía sông Kiếp Bạc, lòng bồn chồn nghĩ đến con Rùa. Tôi không biết giờ này con Rùa đang làm gì, nó có nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến nó hay không. Tôi cũng không rõ khi gặp tôi, thái độ của nó sẽ như thế nào. Chắc nó sẽ nhìn tôi khinh bỉ như một kẻ lẻo mép, dối trá và phụ bạc. Nhìn xong, chắc nó sẽ phun nước bọt và quay lưng bỏ đi. Nếu nó đối xử với tôi như vậy, thú thật tôi không biết tôi sẽ nói gì với nó. Tôi không thể nói với nó rằng ba nó là con tư sinh giữa bà nội nó và ông nội tôi và đó chính là lý do khiến tôi không quay về làng như đã hứa.

Bí mật về cái chết của ba nó do chú Ngãi tiết lộ đã như một cú đánh mạnh vào trái tim nó, đến hôm nay có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai, bây giờ nếu nó biết được sự thật về thân thế của nó, chắc chắn trái tim nó sẽ trầy xước thêm lần nữa, và tôi biết rằng vết thương lần này sẽ không bao giờ thành sẹo.

Tôi ngồi dưới gốc cây sầu đông bên bờ sông, xem chiều rớt nắng, đầu nghĩ ngợi mông lung.

Làng Đo Đo vừa qua mùa nắp keng, tiếng ve đã bắt đầu nỉ non trong lá và dòng sông Kiếp Bạc vẫn khô cạn như lần trước tôi về. Những tảng đá giữa lòng sông vẫn mượt rêu xanh, chỉ có lòng tôi chiều nay lên sắc xám.

Sắp gặp lại con Rùa nhưng lần này tôi chẳng thấy vui. Lần này, tôi chờ gặp nó như chờ đối diện với sự đùa cợt độc ác của số phận, chờ xem rốt cuộc thì tôi (và cả con Rùa nữa) sẽ bị bánh xe của định mệnh nghiến nát như thế nào.

Một đứa con gái từ sau lưng tôi chạy xe về phía cầu treo khiến tâm trí tôi đột ngột lãng đi. Đứa con gái mặc áo dài trắng, mái tóc đen mượt xõa tung trong gió, cặp sách buộc ở yên sau, phóng xe lên chiếc cầu đong đưa với tốc độ khá nhanh khiến tôi tròn mắt kinh ngạc.

Tôi đang tò mò nhìn theo nó thì nó chợt ngừng xe lại giữa cầu. Trong khi tôi cố đoán xem đứa con gái gặp chuyện gì, nó thình lình leo xuống khỏi yên và dắt xe đi ngược trở lại.

Tôi thấy rõ đứa con gái đang nhìn về chỗ tôi ngồi nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Ánh mắt tôi chỉ lướt nhanh qua người nó rồi quay đi chỗ khác, rồi lại liếc trộm nó một cái nữa để lần này quay hẳn đi, thầm đoán nó bị hư xe nên quay về xóm dưới tìm chỗ sửa.

Tuy nhìn đi chỗ khác tôi vẫn cảm nhận được đứa con gái đang đi về phía tôi. Dù vậy tôi vẫn dán mắt vào bãi cát lấp lánh nắng trải dọc triền sông cạn, cố không quay đầu lại, bụng thầm nhủ: “Chắc nó định nhờ mình sửa xe giùm”.

Chỉ đến khi đứa con gái dựng xe vào thân cây sầu đông và ngồi xuống bên tôi, nhẹ giọng vui mừng:

- Em biết thế nào anh cũng trở về.

Tôi mới giật nảy người, hấp tấp ngoảnh mặt lại.

“Con Rùa”, một tiếng reo bật ra trong đầu tôi.

Con Rùa. Chắc chắn đứa con gái trước mặt tôi là con Rùa. Nhưng ngay cả khi biết rõ nó là con Rùa, tôi vẫn thấy ngờ ngợ.

Đang ngồi trước mặt tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi đây là một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng. Con Rùa mà tôi biết có nước da rám nắng. Mái tóc của con Rùa ngắn, lởm chởm và hoe hoe đỏ. Và quan trọng là con Rùa không biết đi xe đạp.

Con Rùa tôi đang nhìn thấy hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi. Vì vậy khi nhìn thấy đứa con gái tóc dài chạy xe qua cầu, tôi không có chút liên tưởng nào đến nó.

- Sao anh nhìn em sững vậy? Em lạ lắm sao?

Nghe con Rùa hỏi, tôi sực nhớ từ nãy đến giờ tôi chỉ mải nhìn nó, vẫn chưa nói tiếng nào. Tôi không nghĩ tôi gặp con Rùa trong tình huống này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để gặp nó, mặc dù tôi quay về làng chính là vì nó.

Tim đập thình thịch, tôi nói như người hụt hơi:

- Ờ… trông em lạ lắm.

Tôi nhìn con Rùa, lần này tôi nhận ra đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài từng làm tôi thao thức trong những đêm Sài Gòn trở gió. Đôi mắt đó, cộng thêm cách bắt chuyện tự nhiên của con Rùa giúp tôi dần trấn tĩnh.

Vui vẻ, hồn nhiên, thân mật, con Rùa nói chuyện với tôi như thể chúng tôi vừa gặp nhau hôm qua chứ không phải từ ba năm trước. Và dường như nó chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi bắt gặp tôi ngồi bên bờ sông lộng gió lúc này.

- Lúc nãy nhìn thấy anh từ phía sau, em không nghĩ đó là anh. - Con Rùa mỉm cười nói - Nhưng khi đi tới giữa cầu tự nhiên em tin đó là anh.

Nó ngưng một chút rồi nói thêm, giọng thoảng qua tai tôi như tiếng gió:

- Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em.

Tôi và con Rùa vẫn nhìn vào mắt nhau, nhưng gần như chỉ có nó nói. Tôi chỉ nói mỗi một câu rồi lặng thinh nhìn nó, tay mân mê con bọ ngựa bằng cọng dừa một cách vô thức, lòng rối tung như có ai vò.

- Em nhớ anh lắm đó.

Con Rùa thì thầm, vẻ rạng rỡ khiến gương mặt nó như tỏa nắng, nhưng tôi chợt thắt lòng khi phát giác đôi mắt đẹp của nó đang rưng rưng và đôi môi nó đột ngột méo xệch đi như sắp òa ra khóc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện