Những Vụ Án Kỳ Lạ Gặp Phải Khi Tư Vấn Tâm Lý

Chương 22: Mẹ



Trung tâm chúng tôi có một trưởng phòng Lưu quản lý hành chính. Người đàn ông này hơn bốn mươi tuổi, cao một mét năm mươi lăm, cơ thể nhỏ nhắn nhưng vô cùng khôn khéo. Trưởng phòng thường ngày hay trêu đùa chính mình “Đứng không bằng ghế cao, nằm không bằng ghế dài, ưu điểm duy nhất chính là chân ngắn não dài”. Trưởng phòng bình thường là một người rất vui vẻ, nhưng gần đây tâm tình của anh ấy không tốt lắm.

Giống như nhiều người bước vào tuổi trung niên khác, trên có cha mẹ ông bà, dưới có con cái, trưởng phòng Lưu cảm thấy cuộc sống quá áp lực. Con gái của chủ nhiệm năm ngoái đã đậu đại học Hồng Kông, học phí của trường này tuyệt đối không rẻ. Để con gái có thể suôn sẻ hoàn thành việc học, trưởng phòng Lưu cùng vợ của ông ấy xem như đã xoắn hết óc, tính toán tỉ mỉ chi li mọi chi phí sinh hoạt. Trưởng phòng Lưu có một người mẹ già, năm nay đã bảy mươi mốt tuổi. Bà chăm sóc sức khỏe rất tốt, thoạt nhìn giống chỉ khoảng sáu mươi tuổi thôi. Bà theo Cơ đốc giáo, ngày thường bà thích cùng hội bạn giáo dân đi chơi khắp nơi. Cơ thể xương cốt của bà xem như khỏe mạnh, chỉ có bị cao huyết áp. Trước tết âm lịch năm nay, bà nghe nói xoa bóp có lợi cho sức khỏe, thế là bà Lưu cùng hội bạn giáo dân đều xoa bóp mỗi ngày. Kết quả, việc này lại khiến bà bị tắc nghẽn mạch máu não.

Vì được cứu chữa kịp thời, nên mẹ của trưởng phòng Lưu không xảy ra di chứng nghiêm trọng. Nhưng sau khi xuất viện, bà Lưu đi lại trở nên khó khăn hơn. Vợ chồng trưởng phòng Lưu đều phải đi làm, bạn già của bà Lưu đều đã mất sớm. Vào ban ngày, vợ chồng trưởng phòng Lưu đi làm, trong nhà chỉ còn lại một mình bà Lưu, như vậy đương nhiên không ổn. Vì vậy, trưởng phòng Lưu buộc phải chi tiền thuê một cô giúp việc về chăm sóc cho mẹ.

Vì bà cụ đi lại bất tiện nên trưởng phòng Lưu định tìm một người phụ nữ nhà quê sức dài vai rộng về nhà để chăm sóc cho bà. Thế nhưng bà không chịu, nói ở nhà một mình buồn lắm, nếu muốn tìm người giúp việc thì bà định để một người bạn giáo dân của bà “nhận lời”. Người bạn giáo dân này bản thân cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi. Mặc dù người đó có thể tâm sự nói chuyện với bà Lưu, nhưng ngộ nhỡ bà Lưu ở nhà bị té ngã hoặc là xảy ra chuyện gì đó, thì người bạn giáo dân đó có thể làm được gì? Trưởng phòng Lưu kiên quyết không đồng ý, nhưng bà Lưu cũng sống chết không chịu, mọi chuyện rơi vào bế tắc. Trưởng phòng Lưu chỉ có thể vừa mời một người giúp việc khỏe mạnh, song song đó lại phải mất sáu trăm đồng để mời người bạn giáo dân đó của bà đến nhà chỉ để trò chuyện với bà cụ.

Trưởng phòng Lưu tưởng rằng chuyện này xem như kết thúc tại đây, thế nhưng, nó chưa dừng lại.

Sau khi Bà Lưu bị nhồi máu não xuất viện, mỗi ngày ở nhà đều phải truyền dịch, một loại thuốc có tên là “Cerebrolysin”[1]. Rất nhiều người già đều nói, Cerebrolysin rất tốt, loại thuốc này có hiệu quả trong việc phòng ngừa tắc nghẽn mạch máu não. Nhiều người cao tuổi không bị bệnh nhưng vẫn ham vui, chạy đi truyền Cerebrolysin, đồng thời tuyên truyền với người khác rằng: “Cerebrolysin tốt, rất tốt!”

[1] Cerebrolysin: là một loại thuốc thuộc nhóm dinh dưỡng thần kinh bao gồm các acide amine và peptide có hoạt tính sinh học cao, tác động lên não theo nhiều cơ chế khác nhau, tuy nhiên nó không phải là thuốc bổ não dành cho người khỏe mạnh.

Một ngày, lúc bà Lưu đang truyền Cerebrolysin, bà nhìn người bạn giáo dân vẫn luôn ở bên chăm sóc mình liền nói: “Cerebrolysin tốt lắm, hay là bà cùng truyền Cerebrolysin với tôi đi.” Bà Lưu thật ra là người rất hào phóng, giống như đang mời người ta ăn hoa quả vậy, nhưng ở đây là mời bạn mình truyền Cerebrolysin. Loại thuốc Cerebrolysin thật ra không gây chết người, chỉ có điều người bạn giáo dân của bà Lưu vừa mới bị huyết áp thấp. Vừa mới truyền Cerebrolysin, bà ấy lập tức ngất xỉu trong nhà bà Lưu. Bà Lưu vẫn còn nằm trên giường không thể đi lại, người vú em được mời tới lại ngất xỉu. Sau khi trưởng phòng Lưu nhận được điện thoại liền vội vàng gạt bỏ công việc để chạy về nhà đưa vú em đi bệnh viện. Cũng may tình hình của vú em không nghiêm trọng lắm, được xuất viện trong ngày, cuối cùng cũng không gây ra họa lớn.

Vội vội vàng vàng sắp xếp êm xuôi công việc ở nhà, trưởng phòng Lưu trở lại trung tâm làm việc đã kể lại chuyện này với bộ dạng dở khóc dở cười.

Trưởng phòng nói: “Đây là tấm lòng của mẹ tôi sao, muốn giày vò tôi mà! Một chuyện vừa mới dịu bớt, một chuyện khác lại xảy ra, thật không cho tôi thời gian để thở nữa.”

Mấy nhà tư vấn trong trung tâm đều là người trung niên, nghe xong câu chuyện gia đình của trưởng phòng Lưu, tất cả đều cười lăn lóc. Người đến tuổi trung niên, đối với những chuyện này dường như đặc biệt thấu hiểu. Họ nói, cái này giống như một giai đoạn trong cuộc đời mà nhất định sẽ trải qua. Lại nói thêm, đây cũng xem như là một phần “khó khăn” trước khi kết thúc câu chuyện “cuộc đời” này, cần phải hưởng thụ triệt để.

Chủ nhiệm Ngô nghe xong cười nói: “Có một câu rất hay, vay mượn thế nào, sớm muộn cũng phải trả. Nghĩ xem, khi anh còn bé đã giày vò mẹ anh ra sao. Bây giờ, đã đến lúc anh tập trung trả nợ rồi! Xốc lại tinh thần! Hầu hạ cho tốt đi!”

Sự việc “câu chuyện Cerebrolysin” yên ắng chưa được quá hai tuần, trải qua mấy ngày nghỉ của kỳ lễ ngắn tết Thanh Minh, sáng hôm đó trưởng phòng Lưu xin nghỉ phép không đi làm. Đến giờ ăn trưa, phó chủ nhiệm Y nói giỡn:

“Ây da, hôm nay anh Lưu không đến, phải chăng bà cụ nhà anh ấy lại gây họa gì mới rồi không?” Lời này của phó chủ nhiệm còn chưa nói xong thì điện thoại của chủ nhiệm Ngô vang lên.

Chủ nhiệm Ngô xem lướt qua màn hình điện thoại, cười đùa với chúng tôi: “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến. Điện thoại của lão Lưu.” Anh tiếp điện thoại, im lặng lắng nghe một lúc lâu, từ từ nhíu mày đen mặt.

“Lão Lưu, anh đừng hoảng, trước tiên phải lừa bác ấy. Bác gái nói với anh bác ấy là Tôn Ngộ Không, thì anh phải nói với bác anh là Quan Âm Bồ Tát. Nói chung phải tùy cơ ứng biến, vỗ về bác ấy nghe theo, nhưng đừng kích động bác ấy. Tôi đến ngay đây.” Chủ nhiệm Ngô nói xong câu đó, rồi ngắt điện thoại, quay đầu nói với tôi: “Lưu Hân Dương, chiều nay không có chuyện gì thì đi theo anh. Chỗ mẹ trưởng phòng Lưu xảy ra chút vấn đề, em theo anh đến nhà anh ta xem sao.”

Phó chủ nhiệm Y hẳn là không ngờ, cái miệng quạ đen của mình lại xui xẻo như vậy, vội vã hỏi chủ nhiệm Ngô: “Sao vậy? Xảy ra chuyện gì sao? Có cần chúng tối đến giúp luôn không?”

Chủ nhiệm Ngô rất khó xử mà thở dài: “Bác Lưu bị ma nhập, nghe nói là một hồn ma của đứa bé ba tuổi, bây giờ đang náo loạn trong nhà.”

Chuyện xảy ra ở biệt thự nhà họ Lưu đã qua đi, tôi vừa nghe đến hai từ “ma nhập” thì trong lòng tôi có chút run sợ. Dù sao, tôi cũng được xem là người đã từng trải qua chuyện thế này mà, lúc đó không cảm thấy thế nào, nhưng sau này càng nghĩ đến càng thấy sợ. Khi chủ nhiệm Ngô nói bà Lưu bị “ma nhập”, phản ứng của tôi không hưng phấn cùng hiếu kỳ như mọi khi. Tôi không nói một lời, chỉ im lặng theo sát chủ nhiệm Ngô đến bãi đỗ xe.

Sau khi lên xe, chủ nhiệm Ngô kể cho tôi nghe những chuyện trưởng Phòng Lưu đã trải qua mà thầy nghe được qua điện thoại ban nãy.

Chiều hôm qua, lúc bác giúp việc trung niên dân quê ở nhà của trưởng phòng Lưu ra ngoài mua ít đồ ăn, thì thấy một đôi giày da trắng đính đóa hoa nhỏ của trẻ con đặt bên cạnh vỉa hè ngoài khu nhà. Đôi giày này tuy bị người ta vứt bỏ nhưng thoạt nhìn hình dạng bên ngoài vẫn còn mới, cũng chẳng giống bị người ta mang hư rồi vứt đi. Lúc bác giúp việc thấy đôi giày da này, gót giày hướng vào trong vỉa hè, còn mũi giày hướng ra ngoài, được người ta đặt ven đường. Nhìn đôi giày bé bé xinh xinh kia, chắc là của một cô bé khoảng hai ba tuổi. Trong nhà của bác giúp việc nhà trưởng phòng Lưu vừa khéo có một bé gái ba tuổi. Trẻ em nông thôn mà, đều là được nuôi thả tự do, toàn chạy nhảy trong sân với đôi chân trần. Khi bác giúp việc thấy đôi giày trẻ em xinh đẹp kia, lập tức nhớ đến đứa cháu gái ở quê của mình. Bác ấy thấy đôi giày vẫn còn mới, kiểu dáng cũng đẹp không giống hàng rẻ tiền. Bác ấy nhìn ngó xung quanh, không có đứa trẻ nào cũng không có ai ẵm trẻ con cả. Bác ấy nghĩ có lẽ người ta không cần đôi giày này nữa, cho nên bác ấy mới nhặt đôi giày lên bỏ vào chiếc túi vải bạt của mình. Bác ấy định sẽ bớt chút thời gian đến bưu điện để gửi về nhà cho con gái mình.

Khi bác giúp việc nhà trưởng phòng Lưu về đến nhà, tự nhiên lấy đôi giày ra cho bà Lưu và người bạn giáo dân đến trò chuyện với bà Lưu xem. Bác ấy cũng kể đầu đuôi câu chuyện mình nhặt được đôi giày ven đường. Mặc dù bà Lưu đã luống tuổi, nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn. Sau khi bà nghe xong câu chuyện, lại nhìn ngó đôi giày kia, lập tức cảm thấy có chút quái lạ, liền nói: “Đôi giày này thật là đẹp, xem qua cũng rất mới mà. Mặc dù đã dùng rồi nhưng nhìn bên ngoài xem ra mang chưa được vài lần. Sao người ta lại vứt nó ven đường nhỉ? Hơn nữa, nếu trẻ con rớt giày thì cũng chỉ rớt một chiếc, mà cho dù rớt cả hai chiếc cũng không thể nào xếp ngay ngắn đặt bên đường được?”

Người bạn của bà Lưu nghe xong cũng gật gù đồng ý: “Đúng vậy, chuyện này quá kỳ lạ. Trẻ con mặc lại quần áo của con nhà người ta cũng tốt, nhưng đôi giày không rõ nguồn gốc này không nên tùy tiện để con nhỏ mang.”

Bác giúp việc nghe hai bà nói thế cũng có phần do dự. Nhưng bác ấy thấy đôi giày kia vẫn còn mới, bằng da thật, đế giày lại mềm mại, nên không nỡ ném đi, vẫn đem bỏ vào trong túi của mình.

Bà Lưu thích uống sữa đậu nành và ăn bánh quẩy. Sáng sớm hôm sau, cả nhà trưởng phòng Lưu đều chưa thức dậy, bác giúp việc ngồi dậy định xuống lầu mua bánh quẩy và sữa đậu nành. Bác ấy cầm chiếc túi vải bạt để ở đầu giường tìm tiền lẻ, lại phát hiện không thấy đôi giày trong túi đâu cả. Bác giúp việc nhớ tới những lời bà Lưu và dì giáo dân đã nói. Bác ấy nghĩ thầm phải chăng bà cụ cảm thấy đôi giày không rõ nguồn gốc xui xẻo, cho nên nhân lúc mình ngủ, bà lão đã lén vào phòng bác ấy lấy đôi giày trong túi vứt đi rồi hay không?

Nghĩ đến đây, bác giúp việc tới phòng của bà Lưu, muốn hỏi một câu là bà cụ có nhìn thấy đôi giày kia không. Nhưng vừa bước vào phòng đã thấy bà Lưu đang nằm ngủ trên giường, còn đôi giày trẻ em trắng kia mũi giày hướng vào trong, gót giày hướng ra ngoài, đang xếp ngay ngắn bên cạnh giường của bà Lưu.

Bác giúp việc cảm thấy có chút kỳ quái. Không hiểu sao, bác ấy vừa nhìn chằm chằm bà Lưu đang ngủ say trên giường, vừa khom lưng định nhặt đôi giày lên. Bà Lưu bỗng nhiên mở mắt, quay đầu lạnh lùng nhìn chòng chọc bác ấy.

“Cô làm gì đó?”

Lúc đó, ánh mắt của bà Lưu rất hung dữ, giống như người ta đang trộm đồ của bà vậy. Bác giúp việc nhìn ánh mắt của bà, nhất thời lúng túng.

Bác ấy nói: “Sao bà lại lén vào phòng con lấy đôi giày đi được chứ? Đây là giày trẻ em, bà không mang được đâu.”

Bác giúp việc vừa dứt lời, bà Lưu bỗng nhiên cao giọng hét toáng lên: “Đây là giày của ta!”

Mọi người thường nói “cụ trẻ, cụ trẻ” với người có tuổi tác lớn mà có đôi khi giống như con nít vậy thích đùa giỡn khiến người ta phát cáu, rồi ầm ĩ giận dỗi. Tình trạng của mẹ trưởng phòng Lưu bây giờ cũng giống thế, thường ngày bà Lưu giống một đứa trẻ, muốn làm cái gì sẽ làm cái đó, thường không để ý đến cảm nhận của con trai, con dâu, cũng không màng quan tâm đến tình cảnh gia đình. Bác giúp việc biết tính của bà Lưu không tốt lắm, tùy hứng và ngoan cố. Cho nên lúc bà Lưu nói như vậy, bác giúp việc rất bực nhưng đối phương dù sao cũng là người lớn, bác giúp việc đành dịu giọng khuyên giải.

Bác giúp việc nói: “Dì à, đôi giày này đúng đẹp, nhưng lại nhỏ như vầy, là cho em bé hai ba tuổi mang, dì có giữ lại cũng vô dụng. Hay là để con cầm cho em bé nhà con mang.”

“Không được! Không được! Giày của ta! Giày này là của ta!”

Giọng bà Lưu rất lớn, còn nằm trên giường đạp chân vung tay. Thấy bác giúp việc muốn đem đôi giày đi, bà Lưu vừa khóc vừa làm loạn, khiến cả nhà bị kinh động. Tiếp đó, sau khi trưởng phòng Lưu dậy cũng phát hiện mẹ mình có gì đó không ổn lắm. Bà ngày thường mặc dù rất tùy hứng, nhưng đạo lý, đúng sai gì đó vẫn hiểu rõ, đầu óc vẫn minh mẫn. Sao bà có thể biến thành một đứa trẻ vừa khóc vừa quậy, còn nhào đến đánh bác giúp việc chứ?

Bà cụ ném đồ đạc, đánh người, khóc lóc ầm ĩ, nằm xuống đạp chân vung tay. Thế nào đi nữa bà cũng đòi đôi giày kia. Trưởng phòng Lưu nhìn tình hình không bình thường này, quát lớn: “Ai đó?!”

Tiếng quát này không giúp bà Lưu đang gào thét tỉnh lại, mà còn khiến bà Lưu khóc to hơn. Bà lăn lộn trên giường, khóc nháo. Cả buổi sáng, trưởng phòng Lưu và vợ không cách nào đi làm được, ở nhà lăn qua lăn lại với mẹ già. Khi tới giờ trưa, cuối cùng cả nhà cũng dỗ được bà cụ ngừng khóc, còn ăn nửa bát cơm trứng gà trộn ngó sen. Lúc này, thấy tâm tình mẹ đã không còn kích động như trước, trưởng phòng Lưu hỏi bà cụ: “Cháu là ai thế?”

Bà Lưu ngước mặt lên, cười nói với trưởng phòng Lưu với bộ dạng ngây thơ: “Cháu là Muội Muội!” Vì lúc đó bà Lưu phát âm không được rõ lắm, nên trưởng phòng Lưu không nghe được bà Lưu rốt cuộc là nói “Muội Muội” hay là “Mai Mai”. Nhưng tên mẹ của trưởng phòng Lưu quả thực có một chữ “Mai”. Khi còn trẻ, bà hay được gọi là “tiểu Mai”. Trưởng phòng Lưu vừa nghe thế, liền nhíu mày hỏi bà:

“Cháu năm nay mấy tuổi?”

Bà Lưu cong môi cười trả lời: “Ba tuổi rưỡi ạ.”

Trưởng phòng Lưu tiếp tục hỏi bà: “Vậy cháu biết tôi là ai không?”

Bà cúi đầu nghịch ngón tay: “Chú!”

Chuyện thế này, trưởng phòng Lưu hoàn toàn luống cuống. Trưởng phòng không biết đây là di chứng nhồi máu não hay là sự tình gì khác, sao mẹ của mình lại gọi mình là chú? Lúc này, trưởng phòng nhớ lại trước đây chủ nhiệm Ngô từng kể nhiều chuyện về bệnh tâm thần. Nên anh ta liền đi gọi điện thoại cho chủ nhiệm Ngô, hỏi xem mẹ mình có phải mắc bệnh tâm thần hay không.

Khi tôi và chủ nhiệm Ngô bước vào nhà trưởng phòng Lưu, thì chủ nhiệm Lưu đang ngồi trên ghế sô pha ở phòng khách, trên tay cầm một quyển sách, miệng kể truyện cổ tích công chúa Bạch Tuyết cho mẹ mình nghe. Chúng tôi đến khiến bà Lưu không được vui, bà không ngừng nhõng nhẽo với trưởng phòng Lưu: “Ơ kìa, ơ kìa, chú kể nhanh lên! Chú kể nhanh lên chút đi!”

Trưởng phòng Lưu bất đắc dĩ cười trừ với chúng tôi, để vợ của trưởng phòng bắt chuyện với chúng tôi, mời chúng tôi ngồi xuống, còn mình trở lại ngồi bên cạnh mẹ, tiếp tục kể truyện công chúa Bạch Tuyết. Lúc đó, tôi ngồi ở một bên, tôi vô thức đưa tay nắm chặt mặt dây chuyền chày Kim Cang trên cổ tôi. Tôi thấy phía dưới sô pha chỗ ngồi của bà Lưu có đặt một đôi giày trẻ em màu trắng. Chủ nhiệm Ngô cũng thấy đôi giày kia. Thầy nhìn tôi một cái, lại nhìn trưởng phòng Lưu, dường như đang dùng ánh mắt bảo tôi làm làm cái gì đó “nữ tính”.

Nhận được ánh mắt ám chỉ của chủ nhiệm Ngô, tôi gật đầu tỏ ý đã hiểu. Tôi đến bên cạnh bà Lưu, ngồi xổm xuống.

“Ô, giày của ai mà đẹp thế!”

Bà Lưu vốn đang vui vẻ nghe truyện cổ tích bỗng nhiên quay đầu nhìn tôi.

“Giày của con.”

“Đôi giày này đẹp quá, cô cũng muốn mua một đôi.” Tôi nói, ngẩng đầu mỉm cười, nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt của bà Lưu, chỉ có thể nhìn hàng lông mày của bà, “Có thể nói cho cô biết, đôi giày này là ai đã mua cho con được không?”

“Mẹ con mua.” Bà trả lời.

“Ồ, vậy à.”

Tôi gật đầu, hạ quyết tâm ngẩng đầu nhìn bà Lưu, cao giọng hỏi:

“Vậy mẹ con đâu? Mẹ con đang ở đâu?”

Bà Lưu bị tôi hỏi thế liền sửng sốt. Bà quay đầu nhìn chung quanh, giống như đang tìm hình bóng của mẹ. Nhưng bà nhìn hồi lâu, dường như cảm thấy có chỗ nào đó không ổn, trong đáy mắt xuất hiện sự hoảng sợ, vẻ mặt sợ hãi.

“Mẹ?”

“Mẹ đâu?”

Bà lẩm bẩm tự nói.

Tôi thấy tình hình đó liền lớn tiếng hỏi dồn: “Đúng vậy, sao con lại ở đây? Còn mẹ con đâu? Mẹ con đi đâu rồi? Con không đi tìm mẹ sao?”

“Á!”

Bà Lưu sau khi nghe tôi hỏi đột nhiên từ ghế sô pha đứng bật dậy, kêu thất thanh một tiếng. Bà kêu xong lập tức hôn mê bất tỉnh. Chủ nhiệm Ngô, trưởng phòng Lưu, và vợ ông, cả bác giúp việc nhà họ thấy thế đều chạy đến vây quanh. Có người bấm nhân trung của bà Lưu.

Lúc này, tôi bất chấp và liều hơn nhiều. Tôi đường đường chính chính vào phòng bếp trong nhà trưởng phòng Lưu, cầm lấy chai dầu đậu phộng. Sau đó tôi lại tìm chiếc bật lửa trên bàn trà, nhặt đôi giày đặt ngay ngắn trên mặt đất kia, mở cửa đi đến chỗ cầu thang. Tôi đứng trên chỗ ngã rẽ ở cầu thang, đặt đôi giày lên mặt đất, đổ một ít dầu đậu phộng lên, sau đó dùng bật lửa đốt.

Đôi giày bị tôi thiêu hủy xong.

Khi tôi trở lại phòng khách nhà trưởng phòng Lưu, bà Lưu đã tỉnh lại. Bà thấy mọi người trong nhà đều vây quanh mình, thậm chí còn có hai người lạ mặt là tôi và chủ nhiệm Ngô. Bà Lưu dường như có phần khó hiểu.

“Sao thế? Làm gì mà mặt như đưa đám thế? Mẹ còn chưa chết mà!”

Sau đó, bà quay đầu nói với bác giúp việc: “Xuân Bình, bánh quẩy của dì đã mua chưa?”

Vừa thấy mẹ già đã bình phục như thường, trưởng phòng Lưu kích động ôm mẹ khóc lớn: “Ôi mẹ ơi, mẹ của con ơi, mẹ đừng làm con sợ. Tim gan con không thể chịu được nếu mẹ cứ giày vò con thế này.”

Bà Lưu cãi lại: “Giày vò? Con khi còn bé đã giày vò mẹ không ít đó!”

Tôi và chủ nhiệm Ngô ăn cơm tối xong mới rời khỏi nhà trưởng phòng Lưu. Trưởng phòng Lưu tiễn chúng tôi về.

Tôi hỏi chủ nhiệm Ngô: “Trước khi chúng ta đến nhà trưởng phòng Lưu, thầy đã dạy em làm như vậy. Nhưng thầy chưa hề nói sao thầy lại biết em chỉ cần hỏi mẹ cháu ở đâu, thì tình trạng của bà sẽ khôi phục đây?”

Chủ nhiệm Ngô nói, đây là kỹ xảo “bên trong” thường dùng trong tư vấn tâm lý. “Ma nhập” là một trạng thái thay đổi nhân cách. Người bệnh mắc “chiếm thân” thông thường do một chuyện hoặc một vật “gây ra”, ví dụ như đôi giày trẻ em trắng kia. Người bệnh thông qua ám thị bản thân tin chắc rằng mình là ai đó. Trong tình cảnh như vậy, em phải tìm thấy chỗ không ăn khớp trong sự tồn tại của “nó” để hỏi nó. Ví dụ như bà Lưu tự xưng là một đứa bé ba tuổi, một đứa bé ba tuổi thì không thể rời khỏi mẹ. Lúc này, em hỏi nó, mẹ nó ở đâu, sao nó không ở bên cạnh mẹ. Nó sẽ đột nhiên ý thức được, “mẹ” nó không ở quanh đây, sự tồn tại của nó ở đây là không thích hợp. Như vậy, đương nhiên là có thể khôi phục bình thường rồi.

Trưởng phòng Lưu là trưởng phòng hành chính, không có học chuyên ngành tâm lý. Trưởng phòng làm việc ở trung tâm đã nhiều năm, tai nghe mắt thấy không ít chuyện, biết thêm nhiều kiến thức tâm lý học. Nhưng hôm nay tận mắt chứng kiến bản lĩnh của chủ nhiệm, trưởng phòng vẫn không kìm được tán thưởng không thôi.

“Ngô Bán Tiên ơi là Ngô Bán Tiên, làm việc cùng nhau bao lâu, tôi thiếu chút nữa đã quên cái tên Bán Tiên của anh có nghĩa thế nào. Thật ra thì, việc này nghĩ lại có chút đáng sợ. Nhưng xem mẹ mình như một đứa trẻ rồi phải dỗ dành cả ngày, trong lòng tôi lại có đôi chút cảm giác khác. Trước đây, chẳng phải mẹ mình đã dỗ dành mình lớn lên từng ngày đó sao? Sau khi lớn lên, có con của chính mình, tôi cũng từng dỗ dành con gái, nhưng chưa từng dỗ mẹ mình giống như dỗ con gái.”

Chủ nhiệm Ngô cười lớn: “Người già lại sống trở lại, giống như đứa trẻ. Người già sợ nhất chính là cô đơn lạnh lẽo. Sau này, anh thỉnh thoảng cũng có thể xem mẹ anh như con gái, tin rằng bà sẽ vui vẻ cười toe toét.”

Sau khi chào trưởng phòng Lưu, chủ nhiệm Ngô lái xe đưa tôi về nhà. Trên đường về nhà, tôi hỏi chủ nhiệm Ngô: “Trước đây em cũng gặp tình huống ‘ma nhập’ tương tự thế, sao lúc đó thầy không lấy biện pháp đối với bác Lưu, áp dụng với em?”

Chủ nhiệm Ngô nói đùa: “Tình huống cụ thể phân tích cụ thể. Bác Lưu nói bà là Mai Mai ba tuổi, còn em thì sao? Em không nói gì cả, đúng ra là một trạng thái thất thần. Em không biểu lộ thân phận của mình, anh đương nhiên không cách nào hỏi em rồi.”

“Lão Ngô, thầy nghĩ tình trạng của em hôm trước, rốt cuộc là ma nhập hay là bệnh thần kinh?”

Chủ nhiệm Ngô cười hỏi ngược lại tôi: “Lưu Hân Dương, em nghĩ chuyện hôm nay là ma nhập hay là mắc bệnh thần kinh hả?”

Bị chủ nhiệm Ngô hỏi lại như thế, tôi chợt hiểu ra. Bệnh thần kinh cũng như bệnh tâm thần[2], có đôi khi nó chỉ có “triệu chứng” khi phát tác, nhưng không cách nào dùng phương pháp khoa học để “kiểm tra” sự biến đổi bên trong được. Thật ra, tư vấn tâm lý phần lớn phải đối mặt với vấn đề chỉ có “triệu chứng” mà không tìm được sự thay đổi bên trong não. Nếu như chúng ta nghi ngờ và phủ định nó, thì không có cách nào dùng biện pháp tâm lý để giải quyết nó. Giả sử, chúng ta có thể sử dụng phương pháp, cách thức tâm lý học để giải quyết vấn đề, thì suy cho cùng, đó có là vấn đề thần bí hay là vấn đề tâm lý cũng đâu còn quan trọng nữa.

[2] Bệnh tâm thần và bệnh thần kinh là 2 loại bệnh khác nhau, nhưng nhiều khi ta không phân biệt được rõ 2 loại bệnh này. Hệ thần kinh có 2 chức năng đó là chức năng bình thường và chức năng cao cấp. Chức năng bình thường như vận động, phản xạ, cảm giác và dinh dưỡng... Chức năng cao cấp của thần kinh đó là: tri giác, trí nhớ, trí tuệ, cảm xúc, ý thức, tư duy, tưởng tượng... Khi chức năng bình thường của hệ thần kinh bị rối loạn thì gây nên bệnh Thần Kinh ví dụ như: bệnh đau dây thần kinh tọa, liệt dây thần kinh ngoại biên, viêm não, viêm tuỷ sống, thoát vị đĩa đệm... Khi chức năng cao cấp của hệ thần kinh bị rối loạn sinh ra bệnh Tâm Thần ví dụ như: bệnh Tâm thần phân liệt - triệu chứng của bệnh là rối loạn tri giác, rối loạn tư duy, Rối loạn ý chí..., bệnh Trầm cảm - triệu chứng biểu hiện là rối loạn cảm xúc, rối loạn tri giác, rối loạn tư duy.

Hết chương 22

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện