Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 121: Người Đẹp Hạnh Hoa Xuân





Kim Cung Thiềm say mê Ngọc Hỷ đã đến lúc ăn không ngon ngủ không yên, nhưng không còn một xu dính túi.
Thiềm chỉ còn biết đứng ngoài cổng rạp hát mà ngó, mặt ngây ra như kẻ mất hồn.

Thiềm muốn đi cho khuất chốn này nhưng chân lại chẳng muốn rời.

Chàng muốn nghe theo lời người đẹp tới chỗ hẹn nhưng tiền chẳng có một xu thì đi đâu.
Thiềm quyết định… Chàng quyết đem cái áo sa đài tới tiệm cầm đồ, để lấy tiền mua một cái áo dài bằng vải bố rẻ tiền mặc thế cái áo sa kia.
Ngọc Hỷ nhìn thấy, mặt cười như hoa nở, bước tới đón Thiềm.

Vị sư phó thấy chàng chỉ là một anh thư sinh kiết xác, cũng có vẻ coi khinh, chẳng thèm để ý tới.

Ngọc Hỷ xem chừng mọi người trong phòng đã lạnh nhạt với chàng bèn quảng cáo với đám đông:
- Anh Thiềm vốn là sư phó trong nhà Lục vương gia rất có thế lực.

Các ngươi nếu có ý gì khinh khi, hãy coi chừng kẻo bọn mình khó sống tại đây đó.
Cả bọn trong nhà này đều giật mình kinh sợ, vội vã dọn rượu lên cho Ngọc Hỷ và Kim Cung Thiềm ăn uống trò chuyện.
Ngọc Hỷ ngồi bên cạnh Cung Thiềm, hai người vừa tình tự vừa ăn uống hết sức thân mật, âu yếm.

Người sung sướng nhất phải là Cung Thiềm.

Chàng có cảm nghĩ như mình bay bổng lên trời, đang đi vào thế giới đầy hoa thơm cỏ lạ, giữa các nàng tiên xinh đẹp.
Cơm rượu xong Thiềm móc trong ống tay áo ra mấy chục bạc để lên bàn đứng lên cáo từ định ra về, Ngọc Hỷ vội giơ tay nắm lấy ống tay áo chàng cười nói:
- Chàng quả thật là ngốc.

Ai cần đến tiền của chàng.

Chàng nhớ điều này nhé: hễ chàng tới với thiếp thì chàng không được quyền trở về nữa đâu.
Nói đoạn, Ngọc Hỷ kéo Cung Thiềm ngồi lại xuống ghế.
Thiềm ta sung sướng như điên, miệng mở to định nói lên điều gì mà không nói ra được, cũng chẳng đóng lại được nữa.
Hai người lại trò chuyện cười đùa trong phòng một lúc lâu nữa rồi mới chui vào màn the nệm gấm, cùng nhau hoàn thành mộng đẹp mơ ước bấy lâu.
Qua ngày hôm sau, Ngọc Hỷ lấy tiền của chính mình ra, lì xì cho bọn bồi phòng với bọn anh chị trong tửu quán, mất vừa, đúng một ngàn lạc bạc.
Bọn người chỉ biết có tiền này thấy có tiền thay đổi hẳn thái độ.

Chúng cám ơn rối rít, lại xun xoe không một điều gì là không tích cực chu toàn.
Từ đó tất cả đám nhân viên trong quán coi Cung Thiềm như một vị thượng khách.


Mỗi lần diễn hát xong, Ngọc Hỷ trở về đã thấy Cung Thiềm đứng đợi mình tại cửa phòng.
Mối tình của hai người lúc này đã mặn nồng lắm rồi, thế mà bọn vương tôn công tử vẫn còn như người nằm trong trống, chẳng biết tí gì, vẫn tung tiền ra chi cho người đẹp như tung qua cửa sổ, không đếm được là bao nhiêu.
Ngọc Hỷ lấy tiền của bọn vương tôn công tử đem về đưa cho Kim Cung Thiềm.

Về sau Ngọc Hỷ điều tra ra là Cung Thiềm chưa có vợ nên quyết định lấy chàng.

Nàng đem tất cả tiền của dành dụm được trong bao năm đưa cho Thiềm để chọn mua một ngôi nhà, mong xây dựng một cái tổ uyên ương ấm cúng trong tương lai.

Cả ngày chàng và nàng chỉ lo bày biện xếp đặt căn phòng như thế nào cho lịch sự, cho ấm cúng.
Họ đi mua bàn mua ghế, mua tủ, mua đủ bộ lệ để trang trí khiến cho căn phòng xinh đẹp ưa nhìn hết chỗ nói.

Họ tính chọn ngày lành tháng tốt để cưới nhau đàng hoàng rồi mới về nhà mới, tạo lập cuộc đời vợ chồng trăm năm đầu bạc như đã từng ao ước.
Ngày cưới và ngày về nhà mới đã tới, Kim Cung Thiềm mướn rất nhiều đầy tớ trai gái, để hầu hạ trong nhà.

Qua ngày hôm sau Thiềm đi thuê một cô xe đánh tới nhà Ngọc Hỷ đón nàng về nhà mới, làm cô dâu.
Nhưng không ngờ khi Thiềm tới nhà Ngọc Hỷ, thì chỉ thấy nhà cửa vắng hoe chẳng có một bóng người.

Chạy vào phòng ngủ của nàng Thiềm chỉ thấy phấn sáp ngổn ngang, chăn gối tiêu điều, ngoài một mụ già ngồi giữ căn phòng chẳng còn ai cả.
Thiềm vội hỏi mụ già, thì mụ ấp úng trả lời một cách ngớ ngẩn mơ hồ rằng nàng đã vào cung rồi!
Thiềm hỏi đi hỏi lại ba bốn lần nhưng cũng chẳng hiểu rõ được nguyên nhân đấy đủ.

Chẳng còn cách nào hơn chàng chạy tới rạp hát đợi khi vãn hát.

Khán giản xôn xao bàn tán bảo Ngọc Hỷ tối qua đã bị trong cung đem ba vạn lạng bạc tới mua nàng về làm phi tử mất rồi.
Thiềm nghe đoạn, hồn phách lên mây, mối tức hận tràn ngập trong lòng.
Ngọc Hỷ tiến cung là chuyện thật! Nguyên do Thôi tổng quản dò xét biết nàng đẹp, đem tiền tới bà bầu gánh hát nói rõ ý muốn mua nàng đưa vào cung, do đó mới có chuyện chia uyên rẽ thuý đau thương này.
Ngọc Hỷ vào cung, Hàm Phong hoàng đế thấy nàng đẹp, cặp má hồng thắm như cánh hoa hải đường, bèn đặt tên là Hải Đường Xuân.
Kim Cung Thiềm ở bên ngoài dò xét sự thể rõ ràng đích xác rồi, lặng lẽ về nhà, leo lên đầu giường thắt cố chết.
Hải Đường Xuân, sau khi bị đưa vào cung nhớ thương Kim Cung Thiềm quá đến nhuốm bệnh, suốt ngày không dậy được, uất ức đau khổ quá, cũng chết theo Cung Thiềm trong một buổi chiều mưa gió bão bùng.
Nhưng trong số "bốn cái xuân" của Hàm Phong hoàng đế, quốc sắc thiên hương nhất, da thịt nõn nà nhất, tươi tắn trẻ măng nhất phải nói là Hạnh Hoa Xuân.
Hạnh Hoa Xuân vốn con nhà lương thiện, cha mẹ mất sớm, nàng mồ côi từ lúc còn nhỏ tuổi.

Người chú ruột đem nàng bán cho một gia đình giàu cô họ Thạch để làm a hoàn.

Gia đình họ Thạch chỉ có mỗi một mụn con gái nên Hạnh Hoa xuân suốt ngày chỉ hầu hạ Thạch tiểu thư.

Thân phụ Thạch vào cung làm quan, đem theo cả quyến thuộc.

Dĩ nhiên Hạnh Hoa Xuân cũng phải đi theo.
Về sau Thạch tiểu thư được gả cho một cậu công tử con một vị thượng thư họ Từ.

Hạnh Hoa Xuân lúc đó cũng theo Thạch tiểu thư về nhà họ Từ hầu hạ, vẫn làm a hoàn như cũ bồi phòng.
Cậu công tử họ Từ làm quan đến chức thị lang thường gọi Từ thiết gia thấy Thạch tiểu thư nhan sắc xinh đẹp, hết lòng yêu thương cưng chiều.

Nhưng lại cũng vì quá cưng chiều, Từ thiết gia biến thành anh chồng râu quặp, khúm núm e dè trước phu nhân không dám ho he lấy một tiếng.
Hồi đó, Hạnh Hoa Xuân tuổi đã mười lăm, hiểu biết chuyện đời rồi.

Mắt nàng trong sáng như mặt nước hồ thu, má nàng như đôi trái đào chín, miệng nàng xinh như đoá anh đào đương độ xuân sang.

Chỉ một cái cười của nàng, cũng đủ để cho hàng vạn người mê say đắm đuối, hồn phách bay bồng chín từng mây.
Tiểu chủ nhân của Hạnh Hoa Xuân là Thạch thị lang thấy nàng quá đẹp, có ý thèm muốn, nhưng phu nhân nhà ghen quá, nên chẳng dám bờm xơm công khai mà chỉ âm thầm tính cuộc lâu dài.
Tuy chỉ là một con a hoàn, nhưng Hạnh Hoa Xuân được bà chủ mẫu cưng chiều, lại tự thấy mình có cái nhan sắc hơn người, nên chỉ muốn cưới một người chồng vừa ý.

Ông chủ trẻ dù có tán tỉnh bao nhiêu cũng mặc, nhất định không chịu.
Mãi về sau Thạch thị lang chịu không nổi nữa, đành phải quỳ gối trước mặt phu nhân, cầu xin cho phép lấy con a hoàn làm vợ bé.

Bà phu nhân nghe nói nổi cơn thịnh nộ rồi đem Xuân cất giấu đi một nơi.
Hồi đó, có một bà phúc tấn tôn thất chơi rất thân với bà phu nhân Thạch thị lang.

Bà phu nhân họ Thạch bèn đem Xuân gởi sang nhà bà phúc tấn tôn thất này.

Chồng bà phúc tấn là bối lặc tôn thất lại chơi thân với Thôi tổng quản rất tâm đầu ý hợp.

Ông được biết Thôi tổng quản lúc đó đang có sứ mạng tìm người đẹp Giang Nam cho hoàng đế.

Bởi thế ông vừa thấy Xuân đã tấm tắc khen đẹp, vội chạy đến phỉ báo cho Thôi tổng quản hay.
Thôi tổng quản đến nhà bối lặc tôn thất xem mặt cũng phải ưng chịu tức thì.

Thế là bà phúc tấn của ông bối lặc tôn thất lập tức đi mời bà phu nhân Thạch Thị lang tới để nói rõ câu chuyện.

Thôi tổng quản xin đem hai vạn lạng bạc mua con a hoàn đưa vào cung.

Bà phu nhân thị lang nghe thấy số tiền quá lớn, liền thuận ngay.


Hơn nữa, bà cũng nghĩ cái thứ "đồ chua" này mà còn để trong nhà, thì thế nào chồng bà cũng tìm mọi cách để chiếm đoạt chi bằng đưa tắp vào cung là êm chuyện, sạch mắt, khỏi phải ghen tuông khó chịu gì nữa.
Trước hôm Hạnh Hoa Xuân vào cung, Thạch thị lang làm một bữa rượu để thết đãi.

Xuân ngồi ghế nhất, rồi hai vợ chông quỳ lạy trước mặt, cầu xin khi ở trước vạn tuế gian nói tốt cho đôi điều.

Quả nhiên, Xuân được hoàng đế hết sức sủng ái.
Hạnh Hoa Xuân cũng nói tốt nhiều lần cho Thạch thị lang trước mặt hoàng đế.

Thạch thị lang nhờ đó thăng quan tiến chức vù vù, chưa đầy một năm đã leo lên đến chức chánh sứ tỉnh Hà Nam.
Hạnh Hoa Xuân tính hay cười, mà lúc cười thì nàng đẹp lắm.

Miệng nàng chỉ hé cười là đủ để cho người ta thần hồn bay bổng, tâm như mê, lòng như cuồng rồi.
Bởi thế, Hàm Phong hoàng đế giữa lúc giận tức đến đâu, mà thấy nàng cười một tiếng, là ngài hết giận làm lành ngay.
Hàm Phong hoàng đế tính vốn hay rượu, rượu say rồi thường cáu giận.

Lúc đã cáu giận thì ít ra cũng có một vài tên thái giám hoặc cung nữ bị hại, nhẹ thì roi đánh gậy quật, nặng thì bị giết tức thì.

Khi tỉnh lại, ngài hối hận quá đỗi, nhưng việc đã rồi, chỉ còn biết lấy hàng ngàn lạc bạc phủ tuất kẻ bị hại mà thôi.

Đặc biệt không bị hoàng đế khiển trách hoạ chỉ có Hạnh Hoa Xuân.

Mỗi lần ngài nổi giận, nếu được Hạnh Hoa Xuân cười lên một tiếng, rồi lăn vào lòng ngài, thì sự giận tức có lớn đến đâu chăng nữa cũng xẹp ngay.

Mặt ngài tươi tỉnh hẳn lên, lòng ngài như quên hết mọi chuyện đã qua, vội giơ tay kéo sát nàng vào mình, thì thầm:
- Thật là viên ngọc như ý của trẫm đây.
Cũng vì vậy nên có bà phi cô tần nào lỡ chọc giận hoàng đế, thì phải chạy ngay tới Hạnh Hoa Xuân cầu cứu.

Lúc đó, lỗi có lớn đến đâu chăng nữa, hoàng đế cũng gật đầu bỏ qua.
Toàn thể bà con trong cung nội mới tặng nàng cái biệt hiệu là Hoan Hỉ phật, cũng còn gọi là Lưu Hải Hỉ.
Hạnh Hoa Xuân cũng là người tốt, đối đãi với bọn cung nữ thật tử tế, hoà thuận.

Nhưng nàng có một tính xấu là rất thích tiền.

Trong phòng nàng đặt một cái rương lớn.

Hễ được hoàng thượng thưởng tứ vật gì là nàng bỏ ngay vào đó.
Nói đến tiên với nàng thì đừng hòng lấy được một xu, một đồng nào.

Dù cho kẻ đó có lừa, có bịp, có doạ, có nạt nàng nhất định cũng liều chết với rương tiền, không xuất ra một xu.

Hàm Phong hoàng đế biết nàng có tính này nên thường tứ cho nàng rất đặc biệt.

Do đó, nàng để riêng ra được rất nhiều tiền của châu ngọc.

Nàng giầu, nên rất sợ bạn hữu vay mượn.

Nàng ra ngoài thường giả bộ than nghèo kêu túng để chẳng ai vay mượn hoặc xin xỏ mình.
Suốt ngày ở trong cung, nàng chỉ nghĩ cách làm tiền.

Nàng ỷ vào cái thế hoàng đế sủng ái, có bà phi, cô tần nào bị ngài nổi giận khiển trách, trừng phạt, chạy tới cầu cứu thì nàng chìa tay ra đòi tiền, một lần mở mồm là ít ra cũng năm trăm hoặc một ngàn lạng, thiếu một đồng cũng không được.

Số tiền như thế kể ra quá lớn, nhưng vì tính mạng bà nào, cô nào cũng phải gật đầu cả.

Việc nguy cấp đến đâu, mà tiền không có hay không đủ số là nàng mặc kệ, nhất định không giúp.

Lúc đó, ai có việc mà thực sự không có tiền buộc phải viết một văn tự nợ thì mới có hy vọng nàng đi giùm.

Văn tự nợ đến kỳ hẹn là nhất định phải thanh toán, không thể khất lần được, dù chỉ chậm một ngày hoặc thiếu một đồng; nhất định phải đủ số và đúng hẹn, nàng mới chịu và mới hy vọng được nàng cứu giúp lần thứ hai.

Ấy cũng vì cái tính ham tiền mà nàng bị hầu hết bọn phi tần oán giận.
Mẫu Đơn Xuân tính gian xảo điêu ngoa, khác hẳn Hạnh Hoa Xuân.

Nàng thấy Hạnh Hoa Xuân như vậy, bèn nghĩ ra một kế để chơi cho biết mặt.

Nàng biết Hạnh Hoa Xuân rất thích đánh bạc, bèn mưu tinh với mấy tay bài bịp lừa Hạnh Hoa Xuân, để cho được lúc đầu rồi mới dốc túi vào phút chót.

Quả nhiên, Hạnh Hoa Xuân thoạt vào đầu ăn luôn một hơi năm bảy bàn, tiền vào như nước.

Nàng thích lắm, lúc nào cũng chỉ muốn gầy sòng, ngoài nhưng lúc bận hầu tiếp quân vương ra, đều có mặt tại sòng bạc, rủ rê hết người này tới, người kia nhập cuộc.

Nàng đã trúng kế Mẫu Đơn Xuân.
Ngày một ngày hai nàng thua, thua mãi, lúc đầu ít còn muốn lấy tiền trong rương ra trả, nhưng về sau thua nhiều quá, mỗi lần ít ra cũng vài ngàn lượng, nàng xót của thương tiền, quyết không xuất trả nữa.


Nàng khất lần, hết hạn này đến hạn kia.

Khi đến hẹn nàng lại thối thác lý do này, nguyên uỷ nọ để trì hoãn tiếp.
Một hôm, Hàm Phong hoàng đế đi bách bộ trong vườn, lững thững bước từ Tầm Vân tạ đến Di Lan đình… Ngài bỗng nghe tiếng nói xôn xao, quát tháo, rồi tiếng đàn bà quát mắng đánh đấm nhau túi bụi.
Ngài nhón bước, lẹ ra trước đình và thấy trên bãi cỏ một đám cung nữ đứng thành vòng tròn, bên trong có hai nàng phi mặc quần áo Hán đang ôm nhau vật lộn cấu xé, đánh tát nhau túi bụi.
Nhìn kỹ hơn, ngài thấy một nàng người mảnh mai bị một nàng khác to béo đè lên trên, đôi chân nhỏ xinh đang đạp giãy lung tung để cố thoát trong khi đó nàng vóc to béo thì chiếc quần hoa thạch lựu lấm bết trong vũng bùn nước ướt nhẹp.
Hàm Phong hoàng đế thấy hai người giằng xé kéo co, cũng phải phì cười.

Ngài rẽ đám cung nữ bước vào đích thân kéo cả hai nàng dậy.

Cả hai người đều đứng im cúi đầu lặng thinh, nhưng tay vẫn nắm chặt lấy tóc nhau, không chịu buông ra.
Nhìn kỹ Hàm Phong hoàng đế mới biết một người là Hạnh Hoa Xuân, còn người kia thì Mẫu Đơn Xuân.

Hai bên cung nữ lúc đó mới đồng thanh hô lên một tiếng:
- Vạn tuế gia tới đó! Không buông tay ra nữa sao?
Lúc đó hai nàng phi nọ mới chịu buông tay, đầu tóc rũ rượi, hơi thở hồng hộc, mặt mày xám ngoét.
Hoàng đế hỏi chuyện, Mẫu Đơn Xuân vừa thở vừa tâu:
- Hạnh Hoa Xuân đánh bạc thua, không muốn trả tiền!
Hoàng đế hỏi Hạnh Hoa Xuân thua bao nhiêu thì nàng tâu:
- Thua hết cả thảy là hơn sáu ngàn lạng bạc.
Hàm Phong hoàng đế nghe xong, bỗng phì cười bảo:
- Trẫm trả cho nhé.

Đừng gây lộn nữa.

Mau về hầu rượu cho trẫm đi.
Mẫu Đơn Xuân nghe hoàng đế nói vậy, chưa nén được cơn tức, hất hàm bĩu môi nói:
- Chỉ mình Hạnh Hoa Xuân được Phật gia sủng ái mà thôi.

Phật gia thế nàng trả nợ một lúc luôn sáu ngàn lạng.

Bọn thiếp quả thực không thể nào hiểu nổi.

Chả trách đã lâu lắm ngài chẳng có thưởng tứ một chút gì cho bọn thiếp.
Hàm Phong hoàng đế thấy Mẫu Đơn Xuân có vẻ hờn dỗi, bất giác cười lên sằng sặc, bảo nàng:
- Trẫm thưởng! Trẫm thưởng cho nàng mà! Cũng thương cho sáu ngàn lạng được không?
Bọn phi tần đứng cạnh thấy hoàng đế ban thưởng, cũng nghĩ ngay đến mình, đều nhất tề tiến lên xin thưởng.

Thế là hoàng đế phải thưởng hết tất cả, mỗi một cung nữ ngài thưởng ba trăm lạng.
Lời ban thưởng vừa chấm dứt, thì một loạt tiếng ca tụng ơn đức của hoàng đế vang lên:
- Đa tạ vạn tuế gia ân thưởng.
Hàm Phong hoàng đế được ca tụng, lòng vui sướng khoan khoái Ngài đi giữa, một tay ôm lấy vai Hạnh Hoa Xuân, một tay ôm lấy vai Mẫu Đơn Xuân, theo sau là cả một đoàn dài cung nữ phi tần, kéo thẳng tới gian chính thất mở tiệc vui say chè chén.
Đêm đó, Mẫu Đơn Xuân cùng với Hạnh Hoa Xuân, cả hai người đều được triệu vào lâm hạnh.

Từ đó về sau, Hạnh Hoa Xuân khởi đầu hẳn một cái lệ là hễ mình thua bạc thi hoàng đế phải trả.

Bọn phi tần cung nữ thấy vậy, bèn hùa nhau thông đồng để móc túi Hạnh Hoa Xuân, kỳ thực là móc túi Hàm Phong hoàng đế.
Ít lâu sau, Hạnh Hoa Xuân dành dụm riêng tây được một số khá lớn, lên tới mười vạn lạng bạc.

Nàng lén gọi thái giám đưa ra khỏi cung, giao lại cho chủ mẫu, bà bố chánh sứ họ Thạch, để giúp nàng cho vay lấy lãi.

Lãi càng ngày càng nhiều vốn càng ngày càng to, lúc đó, Hạnh Hoa Xuân lại sợ bà chủ mẫu manh tâm cướp mất của mình, nên lại bảo tên thái giám tới nhà bà chủ mẫu xin cho một mảnh giấy làm bằng cớ.
Bà bố chánh sứ nghe nói, tức giận sôi lên, lập tức đem số tiền trả vào cung.

Hạnh Hoa Xuân sợ quá, tình nguyện đem một vạn lạng bạc biếu kính bà chủ mẫu nhưng bà không chịu nhận.

Hạnh Hoa Xuân không còn cách gì khác, nên trước mặt hoàng đế, nàng xin cho người con trai bà chủ mẫu một chức nhỏ "tiểu kinh quan" gọi là để đền ơn.
Về sau, khi bọn ngoại quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Áo, Nga, kéo vào đánh phá Bắc Kinh, Từ Hi thái hậu phải dắt vua chạy ra Tây An thì Tây Thái hậu nhân dịp loạn lạc này sai thái giám đem Hạnh Hoa Xuân ra thắt cổ chết, cướp sạch tiền nong mà nàng đã tích cóp được từ bao năm..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện