Thiều Hoa Vì Quân Gả

Chương 14: Đông phủ



Edited by Bà Còm

Sau khi Lư thị đoạn thất, Tiết Thần liền chính thức bước lên con đường kiểm kê sổ sách. Mỗi sáng sớm giờ Thìn hai khắc rời giường, buổi tối giờ Hợi một khắc đi ngủ, sau bữa ăn sáng thì tản bộ một khắc, sau đó vào thư phòng tính toán sổ sách, giữa trưa ngủ non nửa canh giờ, buổi chiều nếu thích thì tiếp tục tính sổ, không muốn thì đọc sách. Trước khi Lư thị qua đời bà đã kiểm kê hoàn hảo chi thu của năm trước, tuy rằng Lư thị là người quá mức mềm yếu, nhưng đối với phương diện quản lý tiền tài cùng kinh doanh bà lại có thiên phú rất cao, sổ sách tính toán rất rõ ràng, vì thế Tiết Thần xem sổ sách bà để lại cũng không lao lực. Mà Lư thị tựa hồ quy định cho các chưởng quầy của cửa hàng và điền trang cứ mỗi nửa năm lại phải nộp sổ sách, cho nên Tiết Thần còn hai ba tháng để sửa sang nợ cũ.

Tiết Vân Đào cũng dâng tấu lên triều đình từ quan một năm để chịu tang cho vong thê Lư thị.

Tin tức về vụ xử trí Đồng ma ma và hai quản sự khố phòng bên người Tiết Thần truyền đến Đông phủ, bất quá bên ngoài cũng không biết đây là Tiết Thần ra tay, đều cho rằng đây là Tiết Vân Đào làm. Hôm trước Lão phu nhân Đông phủ phái người lại đây hỏi chuyện, Tiết Vân Đào không muốn để Tiết Thần gánh vác ác danh này bèn trả lời qua loa lấy lệ, đem hết thảy ôm tới trên người của mình lừa gạt cho xong.

Đến lúc này Tiết Thần mới biết hóa ra mẫu thân Lư thị thật không được Đông phủ thích, vì thế liên lụy đến nàng cũng không được thích.

Lão phu nhân Đông phủ là Đại tiểu thư dòng dõi thư hương ở Giang Nam, một lòng muốn thay nhi tử tìm một cô nương có tri thức hiểu lễ nghĩa văn từ thơ phú về làm thê tử, nhưng rốt cuộc Lư thị là nữ nhi của thương hộ lại dính trên người nhi tử của mình, làm ý niệm tìm một hiền phụ của bà bị chặt đứt. Bởi vậy, đối với Lư thị, thậm chí với nữ nhi của Lư thị sở sinh bà đều không có hảo cảm. Sau đó Từ Tố Nga xuất hiện, ả ta tri thư đạt lý, nhân tình hiểu rõ, uyển chuyển u nhã, càng thêm tài văn chương có thể so với nam tử trên thế gian, ả lập tức bắt được tâm Lão phu nhân, là mấu chốt để thúc đẩy Từ Tố Nga từ một ngoại thất lên làm chính thê, chẳng qua phương diện này còn có nguyên nhân gì khác hay không thì Tiết Thần không được biết.

Tiết Thần ở trong phủ cần cù hơn một tháng rốt cuộc đã đem tất cả sổ sách Lư thị lưu lại kiểm tra sắp xếp rõ ràng. Những cửa hàng trong của hồi môn của Lư thị phần lớn đều là tiệm thi họa, có lẽ người Lư gia lúc cấp Lư thị của hồi môn vì muốn phối hợp với dòng dõi thư hương của Tiết gia nên cố ý sửa đổi cửa hàng cho thích hợp, tuy là có nhã ý nhưng nếu đem tiệm thi họa so sánh với tiệm son phấn, xiêm y, tửu lầu khách điếm thì lợi tức nhất định ít hơn nhiều. Lư thị có thể đem những của hàng này duy trì ngần ấy năm không sụp cũng coi như có điểm tài cán. Tiết Thần muốn đem mấy cửa hàng này sửa sang thành tiệm khác, nhưng hiện tại trong tay của nàng không có dư thừa nhân thủ, một tiểu cô nương như nàng xác thật cũng không tiện xuất đầu lộ diện, cho nên tạm thời cũng chỉ có thể là ý tưởng mà thôi, trước tiên cứ duy trì như vậy, chờ đến khi nàng tìm được người thích hợp thì mới thay hình đổi dạng cho những cửa hàng đó cũng không muộn.

Tháng sáu thời tiết đã có chút oi bức. Giữa tháng sáu chính là ngày sinh thần của Lão thái gia Đông phủ, bởi vì Lư thị vừa mới mất nên Đông phủ cũng không tính tổ chức long trọng, chỉ là làm một bữa tiệc cho thân bằng quyến thuộc ngày thường không có dịp gặp nhau nay có cơ hội tề tựu mà thôi.

Tiết Vân Đào là nhi tử duy nhất của Lão thái gia, cho dù đang chịu tang, lại phân phủ sống một mình đã một thời gian, nhưng không có mặt trong ngày đó cũng không thích hợp, vì thế vài ngày trước đã kêu Tiết Thần chuẩn bị, vào ngày mười lăm tháng sáu sẽ cùng ông đến Đông phủ dập đầu mừng thọ Lão thái gia, còn yến hội thì cứ tránh đi là được.

Tiết Thần nhận lời xong liền đi khố phòng, chọn một bộ tranh mừng thọ thể hiện đạo hiếu, đính kèm hai tấm chữ bách thọ tự tay mình vẽ, vào ngày đó liền theo phụ thân đi đến Đông phủ.

Tiết gia ở phố Chu Tước tọa lạc ở phía đông nên được gọi là Đông phủ, còn Tiết gia ở ngõ Hoan hỉ tọa lạc ở phía tây nên kêu Tây phủ; đúng ra Tiết gia ở ngõ Yến tử mới thật sự là Đông phủ, chẳng qua đó là nhà cũ Tiết Kha cho Tiết Vân Đào, mà dinh thự ở phố Chu Tước là Ngự tứ, đối với Tiết gia mà nói thì đương nhiên càng thêm vinh quang, bởi vậy mới định danh hiệu như thế.

Tiết Kha hiện giờ là tứ phẩm Chưởng viện Hàn Lâm Viện, chức quan tuy không phải tối cao, nhưng văn thần bên trong Hàn Lâm Viện tuyệt đối đều là những nhân tài kiệt xuất, không nói mặt khác, chính là mỗi năm khoa cử, những vị được gọi là môn sinh của thiên tử, vị nào không phải trước tiên đều nhậm chức để rèn luyện ở Hàn Lâm Viện, nào là tân khoa Trạng Nguyên hay tam Nguyên thì lúc đầu đều chỉ có thể ở Hàn Lâm Viện làm biên tu, càng không nói đến những môn sinh khác, bất luận sau này chức quan lớn nhỏ, thấy Hàn lâm chưởng viện Tiết Kha đều phải kêu một tiếng lão sư vái chào theo lễ đệ tử, có thể thấy địa vị của Tiết Kha cao đến độ nào.

Cho nên đừng nhìn Tiết Kha chỉ là quan tứ phẩm, quan viên lui tới mừng thọ có không ít vị tà áo thêu tiên hạc, kỳ lân, chim trĩ, sư tử, có thể thấy được những quan viên nhất phẩm, nhị phẩm của đương triều cũng đều nguyện ý kết giao với Tiết gia thanh quý.

Đời trước Tiết Thần cũng chỉ tới Đông phủ vài lần vì Tiết Lão phu nhân không thích nàng. Lúc Lư thị còn sống thì nàng còn có thể đi theo mẫu thân lại đây, nhưng sau khi Lư thị qua đời thì chẳng còn ai chủ động muốn dẫn nàng đến. Trước đó hai năm còn có người hỏi thăm nàng, Từ Tố Nga cũng sẽ thuận miệng đưa lý do nàng sinh bệnh, dần dà liền không còn người hỏi thăm, thế nhân chỉ nhớ rõ Tiết gia ở ngõ Yến tử có một đích tiểu thư kêu Tiết Uyển, làm sao còn nhớ có một tiểu thư khác tên Tiết Thần?

Tiết phủ ở phố Chu Tước là phủ đệ Ngự tứ, bên trong phủ hết thảy đều trang trí theo quy chế, vào cửa đó là sân viện thư hương, phóng mắt nhìn ra sẽ thấy trúc xanh vờn quanh âm thanh rì rào; tường trắng ngói đen mái cong tám góc; một con đường nhỏ lát gạch xanh dẫn đến một sân viện khác rất yên tĩnh; vòng qua chỗ rẽ là một đường mòn được xếp bằng đá cuội cùng màu, hai bên đều là văn trúc nhã lan; cuối đường mòn là một tòa tiểu viện thủy mặc, bên cạnh cửa hình vòm trồng đầy hoa hải đường cành lá sum xuê, có mấy cành hoa rực rỡ che mất tấm biển tên viện, sau khi đến gần mới thấy tấm biển viết hai chữ "Thanh Trúc"; lướt qua cổng vòm là một vườn lan, trong vườn lan trang trí những mỏm đá lởm chởm hình thù kỳ dị xây thành núi giả; bên cạnh là một hồ nước nhỏ, nước hồ trong xanh điểm những cánh hoa lốm đốm đang lững lờ trôi.

Tiết Thần theo Tiết Vân Đào đến chủ viện, Tiết Kha đã ra bên ngoài đón khách, Tiết Vân Đào và Tiết Thần tiến vào từ cửa hông nên không gặp. Đi qua hành lang chủ viện thì có hai nha hoàn mỹ mạo tiến lên vén màn trúc, hai cha con Tiết Thần còn chưa có đi vào đã nghe thấy bên trong vẳng ra tiếng nói chuyện cười đùa vui vẻ.

Cuối cùng có bà tử đi vào thông truyền trước, tiếng cười trong phòng ngừng lại, nghe thấy Lão phu nhân vội vàng nói: “Mau mời mọi người tiến vào.”

Tiết Vân Đào dẫn Tiết Thần bước qua ngạch cửa, qua một tấm bình phong lớn bằng gỗ tử đàn khắc hoa lan Tiết Thần liền thấy cảnh trong phòng. Một phụ nhân hơn năm mươi tuổi mặc áo dài màu xanh lá sen với hoa văn Vạn Thọ ngồi xếp bằng trên giường La Hán gỗ đỏ khảm xà cừ khắc hình hoa mẫu đơn, vạt áo màu xanh đá cố định ở trên đùi, búi tóc chải cẩn thận không chút cẩu thả, trên búi tóc cắm trâm vàng hình hoa sen với hoa văn như ý cát tường, thoạt nhìn không lộ phú quý lại không mất vẻ đoan trang.

Nhìn thấy Tiết Vân Đào, Lão phu nhân tựa hồ thật cao hứng, chỉ có chút kiêng kị Tiết Vân Đào ăn mặc mộc mạc, đầu giày còn đeo vải bố, cũng không tiện kêu ông lại gần. Chờ Tiết Vân Đào hành lễ xong, Tiết Thần mới tiến lên, quy quy củ củ quỳ lạy Tiết lão phu nhân hành đại lễ.

Bên trái Lão phu nhân ngồi hai phụ nhân khoảng ba mươi tuổi, xem bộ dạng hẳn là di nương của Lão thái gia, lời nói cử chỉ không mất vẻ thanh nhã, nhìn liền biết là người có học. Phía bên phải của Lão phu nhân còn ngồi vài vị phu nhân trẻ tuổi, có một vị Tiết Thần nhận ra, là cô cô Tiết thị của nàng. Thời trẻ Tiết thị gả vào Đình Uy Tướng quân phủ, sau một năm thì sinh hạ nữ nhi, Đình Uy Tướng quân mang binh xuất chinh bị chết trận sa trường. Triều đình lo lắng cho Tướng quân vô tử không người kế thừa hương khói, liền tìm một nhi tử của thúc bá làm người truyền thừa huyết mạch cho ông ta, đem người này nhập dưới danh nghĩa của Tướng quân phu nhân Tiết thị, thành một đích tử cùng với nữ nhi, sau đó ban Cáo mệnh phu nhân cho Tiết thị với danh nghĩa trinh tiết.

Đây là cách làm nhìn có vẻ nhân đạo của triều đình, nói không dễ nghe một chút chính là triều đình muốn dùng "Trinh tiết" để trói buộc Tiết thị. Nữ nhi này của Tiết gia gả cho Tướng quân, Tướng quân chết trận, tuy rằng có nữ nhi nhưng lại vô tử, thế là triều đình tìm cho ông ta một nhi tử, dưỡng dưới danh nghĩa Tiết thị, lại cho Tiết thị Cáo mệnh cùng đền thờ trinh tiết, tất cả chỉ vì khiến Tiết thị chặt đứt tâm tư tái giá, cứ thế mà làm quả phụ suốt đời, thay Tướng quân nuôi lớn nhi tử thừa tự.

Hiện giờ Tiết thị đang cười tủm tỉm nhìn Tiết Thần, chờ nàng hành lễ xong, liền vẫy vẫy tay kêu nàng đi đến ngồi bên người bà. Tiết Thần nhìn thoáng qua Tiết Vân Đào, thấy ông gật gật đầu tỏ vẻ cho phép, Tiết Thần liền đi qua ngồi xuống bên cạnh Tiết thị. Tiết thị duỗi tay vuốt lại tóc mai cho Tiết Thần, sau đó mới thở dài thấp giọng nói: “Hài tử đáng thương! Mẫu thân con là người tốt, chỉ là phúc mỏng, sau này con có chuyện gì cứ nói với cô mẫu, cô mẫu sẽ làm chủ cho con.”

Đây là thân nhân đầu tiên nói câu ấm lòng với Tiết Thần sau khi Lư thị qua đời, mắt Tiết Thần lập tức đỏ lên, hàng mi run rẩy như chỉ cần chớp mắt vài cái là sẽ lã chã chực khóc. Tiết thị nhìn đau lòng, lôi Tiết Thần ôm vào trong lòng, ôn nhu vỗ nhẹ lưng nàng, nói: “Hài tử ngoan, đừng khóc!”

Lúc này Tiết Thần mới chớp mắt thu hồi dòng lệ, hôm nay là sinh thần của Lão thái gia, kiêng kị nhất là khóc sướt mướt. Tiết Thần trộm nhìn thoáng qua Ninh thị, thấy bà tuy rằng mặt vô biểu tình nhưng cũng không bởi vì Tiết Thần cảm xúc mà tức giận, chắc vẫn thông cảm cho tình cảnh tang mẫu của Tiết Thần.

Tiết Vân Đào hành lễ cáo lui với Ninh thị để đi gặp Tiết Kha, Tiết thị ôm Tiết Thần nói với Tiết Vân Đào: “Đại ca cứ đi đi, để Thần tỷ nhi lại nơi này được rồi, muội sẽ chăm sóc cho, chờ lát nữa kêu Ngọc tỷ nhi đưa con bé đi gặp các tiểu thư khác chơi đùa, sẽ không có việc gì đâu.”

Tiết Vân Đào đưa mắt nhìn nhìn Tiết Thần rồi mới gật đầu với Tiết thị, sau đó liền đi ra ngoài. Tiết thị rút khăn ra chậm chậm khóe mắt cho Tiết Thần, rồi kêu thị tỳ bên người tiến vào, sai nàng ta đi tìm Hàn Ngọc, biểu muội của Tiết Thần, kêu tiến vào.

Hàn Ngọc chính là nữ nhi duy nhất của Tiết thị cùng Hàn Tướng quân, nghe tên của nàng liền biết Hàn Tướng quân ký thác kỳ vọng cao vào nữ nhi này, chỉ tiếc ông ta chưa kịp đích thân giáo dưỡng thì đã chết trận nơi sa trường.

Đời trước Tiết Thần cũng không phải rất quen thuộc với Hàn Ngọc. Hàn Ngọc thường xuyên xuất nhập Đông phủ còn Tiết Thần thì lại cả ngày ở ngõ Yến tử, cho nên đối với biểu muội cũng không thân, chỉ cảm thấy nàng không giống như người Tiết gia, mặt mày có một cổ anh khí phóng khoáng. Khi Hàn Ngọc thấy Tiết Thần thì đưa mắt quan sát nàng từ trên xuống dưới sau đó ngoan ngoãn hô một tiếng chào hỏi Tiết Thần một cách thoải mái: “Đại biểu tỷ."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện