Chương 1-4
Chiều thứ ba, tiết thể dục.
Minh Nhật Lãng bình thường không đi học môn thể dục vì phần lớn những môn học đòi hỏi vận động cậu đều không tham gia được, nên mỗi khi có tiết cậu đều kiếm cớ xin nghỉ. Nghe nói giáo viên thể dục bận không đến được, cả lớp được hoạt động tự do, nên cậu cũng cùng mọi người ra sân vận động.
Lớp phó thể dục Tần Quảng Phong hướng dẫn cả lớp chạy ba vòng sân và sắp xếp các hoạt động cho cả lớp. Tần Quảng Phong lấy từ phòng dụng cụ ra rất nhiều dụng cụ thể thao như cầu lông, bóng rổ, bóng đá, dây nhảy… Cả lớp chia theo ba người một nhóm và tập môn mình thích.
Minh Nhật Lãng chơi cùng nhóm cầu lông, cậu đánh vài hiệp. Đường cầu của cậu nhẹ nhàng, tựa gió không thổi bay ngọn liễu, quả cầu chỉ nhẹ nhàng bay qua, không chút sát thương, không có khả năng tấn công và tiết tấu. Những nữ sinh không biết chơi cầu thường thích đánh với cậu. Nhưng Tiêu Tinh Dã nhìn thấy liền bĩu môi: “Con trai mà chơi cầu ẻo lả, thà mặc váy làm con gái còn hơn”.
Minh Nhật Lãng coi như không nghe thấy gì, nhưng ánh mắt cậu đượm buồn.
Tiêu Tinh Dã dẫn bóng cùng Tần Quảng Phong và mấy người nữa chạy ra ngoài sân. Minh Nhật Lãng trong lòng không vui, cậu đánh mấy hiệp nữa rồi nghỉ. Cậu rời khỏi đám đông và lặng lẽ về lớp học. Lấy một cốc nước rồi lặng lẽ quan sát các bạn chạy nhảy trên sân tập qua ô cửa sổ. Cậu có đôi mắt rất lạ, đồng tử đen như mực nhưng xung quanh lại xanh như màu trời.
Bạch Vân Tịnh cũng đi theo vào lớp, lấy nước rồi đến bên cạnh. “Minh Nhật Lãng, hình như cậu không thích học thể dục”.
“Tớ không có hứng thú với môn này”. Minh Nhật Lãng buồn rầu đáp.
“Nhìn cũng biết, cậu hầu như không học thể dục, thậm chí hội thao của trường cậu cũng không tham gia”.
“Tớ tham gia hội thao của trường làm gì, tớ không như Tiêu Tinh Dã, không có khả năng về môn này”.
Đôi mắt Minh Nhật Lãng vẫn dõi theo bóng các bạn đang chạy trên thảm cỏ xanh ngoài kia, trong đôi mắt sâu thẳm ấy là sự ngưỡng mộ, là nỗi buồn ẩn giấu.
“Tiêu Tinh Dã đích thực là một thiên tài, cậu ấy sinh ra để dành cho thể thao”. Bạch Vân Tịnh cũng nhìn theo ánh mắt cậu và nói.
Tiêu Tinh Dã đang dẫn bóng chạy khắp sân. Đây không phải trận đấu thực sự mà chỉ là vừa tập vừa chơi, nhưng những động tác linh hoạt và kỹ thuật chơi bóng điệu nghệ vẫn được Tiêu Tinh Dã thể hiện một cách hoàn mỹ, khiến các bạn nữ đứng ngoài cổ vũ nhiệt tình.
Ánh mắt Minh Nhật Lãng dừng lại một hồi lâu trên sân cỏ. Bạch Vân Tịnh cũng nhìn theo, uống xong cốc nước, cô nói: “Vậy cậu ở đây xem nhé, tớ xuống dưới đây”.
Minh Nhật Lãng gật đầu: “Ừ”.
Bạch Vân Tịnh và Minh Nhật Lãng dần dần thân nhau và trở thành bạn là do Bạch Vân Tịnh chủ động tiếp cận cậu. Cô không giống những nữ sinh khác chỉ đứng từ xa ngắm nhìn chứ không muốn bước vào thế giới của cậu. Cô giống như một cốc trà ấm, là sự kết hợp hoàn hảo của nóng và lạnh, khiến người ta cảm thấy rất dễ chịu. Minh Nhật Lãng bước ra từ một gia đình khép kín, cậu hầu như không có bất kỳ kinh nghiệm giao tiếp nào. Những người quá nhiệt tình khiến cậu cảm thấy khó gần, một cô gái dịu dàng như Bạch Vân Tịnh lại khiến cậu tiếp nhận một cách hoàn toàn tự nhiên.
Tiết thể dục đã kết thúc, Tiêu Tinh Dã mồ hôi nhễ nhại nhưng chân vẫn đều đều dẫn bóng. Tần Quảng Phong và Tiêu Tinh Dã vừa đi vừa chơi trò cướp bóng, đột nhiên lực chân quá mạnh khiến trái bóng bay vèo vào cây hòe non bên đường.
Bên cạnh dãy phòng học là một mảnh rừng hòe mới trồng năm nay. Hòe là một loài cây cảnh rất đẹp, nên được trồng với diện tích lớn trong khuôn viên trường. Khi xuân đến cành lá xanh non, khi hè về bóng cây râm mát. Tiêu Tinh Dã đá bóng vào, nhành cây non kêu rắc một cái rồi gục xuống như thiên nga gẫy cánh.
Nội quy của trường quy định phải bảo vệ môi trường, bảo vệ cây cỏ, vi phạm sẽ bị phạt. Tiêu Tinh Dã vừa mới thoát thân từ “sóng gió đánh nhau” nên cậu không muốn lại bị kiểm điểm lần nữa. Nhìn ngang nhìn dọc một hồi không thấy bóng ai, cậu liền nháy mắt với Quảng Phong và thu bóng rút lui, hòng “thoát tội”.
Hai người họ không biết rằng Minh Nhật Lãng đã thấy hết mọi chuyện từ cửa sổ tầng ba.
Bóng Tiêu Tinh Dã và Tần Quảng Phong đã mất hút từ lâu nhưng ánh mắt Minh Nhật Lãng vẫn dừng lại nơi cành cây bị gãy. Nỗi buồn dâng lên trong mắt cậu, cậu mím chặt môi, hai bàn tay đã nắm lại thành nắm đấm từ bao giờ, cốc nước trong tay bị bóp méo, nước chảy xuống theo kẽ tay.
Cành hòe mỏng manh, yếu ớt không chịu được sự va đập mạnh. Yếu ớt như thế, giống như…
Bên bìa rừng hòe, học sinh vẫn lục tục cười nói đi qua. Lâm Nguyệt Loan và nhóm bạn cũng cầm vợt, cầm dây đi qua đó. Nhìn thấy cành cây bị gãy cô liền kêu lên: “Ai làm thế này?”.
Trước khi Nguyệt Loan kêu lên thì hầu như chẳng ai để ý đến cái cây bị thương ấy cả. Không có một tâm hồn nhạy cảm thì sẽ chẳng bao giờ để ý tới những thay đổi nhỏ nhặt vốn diễn ra xung quanh chúng ta.
Mấy nữ sinh ngừng lại nhìn một lúc rồi đi tiếp: “Nếu không phải ai đó muốn bẻ cây chơi thì là có người cố tình phá hoại rồi”. Những giọng nói hờ hững vang lên.
Lâm Nguyệt Loan đưa dây nhảy cho bạn rồi nói: “Các cậu cứ đi trả đồ trước đi, tớ cứu cái cây này đã”.
“Lâm Nguyệt Loan, cậu biết cứu cây sao?”.
“Thử xem thế nào”.
Trong lòng Nguyệt Loan đã sớm nghĩ ra cách. Cô tìm được hai thanh tre, sau đó tháo một bên dây buộc tóc của mình ra và chuẩn bị “bó bột” cho cây. Cô cẩn thận nhấc cành cây bị gãy lên và tìm điểm nối thích hợp với đầu kia, giữ thẳng cành cây, cố định chúng bằng hai thanh nẹp rồi dùng dây buộc tóc màu xanh buộc lại, không cho nó lay động nữa.
Sau khi buộc xong Lâm Nguyệt Loan xoa xoa vết gãy và nói như an ủi trẻ con: “Chị đã cố gắng hết sức rồi, có thể sống tiếp được hay không phải dựa vào bản thân em thôi. Cố lên!”.
Một cơn gió nhẹ thổi tới, những chiếc lá non lao xao trước gió dường như đang vẫy tay nói lời cảm ơn với cô.
Từ cửa sổ tầng ba Minh Nhật Lãng đang nhìn cô gái vừa mới cố hết sức cứu chữa cho cành cây non. Từ nơi sâu thẳm, trái tim bỗng ngân lên khe khẽ, giống như ngọn đuốc đang tí tách cháy. Có một chút ấm nồng của lửa đỏ đang phát ra sức nóng…
Cây hòe non rất cố gắng, nó không phụ công cứu chữa của Nguyệt Loan. Một tuần sau chỗ nối đã liền. Lá vẫn xanh tươi, mầm non đã lớn dần lên. Nguyệt Loan cảm thấy vô cùng mãn nguyện, cô bé đứng khen cái cây nhỏ: “Sức sống của em thật là mãnh liệt, còn nhanh hơn chị tưởng tượng đó”.
Có điều cô hơi hoài nghi: “Ban đầu khi chị “nối xương” cho em là buộc bằng dây buộc tóc màu xanh lam, tại sao bây giờ lại biến thành dây giày màu xanh lam thế này? Ai đã “thay thuốc” cho em nhỉ?”.
Cây hòe nhỏ đương nhiên không trả lời, cành lá ve vẩy trong gió giống như những tiếng cười giòn tan của trẻ thơ.
Minh Nhật Lãng bắt đầu chú ý đến cô bạn cán sự môn văn học ngồi bên trái mình. Cậu ngồi bàn bốn, tổ năm, cô ngồi bàn ba, tổ năm. Trong giờ học, cô luôn nằm trong tầm ngắm của cậu.
Đây là một cô gái rất đặc biệt, cô cũng mặc đồng phục áo trắng váy xanh như các bạn. Nhưng trong các bạn nữ của lớp, thậm chí của trường, chẳng mất thời gian để nhận ra cô. Vì cô có mái tóc đen, dài, luôn tết thành hai bím thả trước ngực. Trước trán là một hàng tóc mái dày, đôi mắt nhỏ, hàng lông mày mảnh, làn da trắng như ngọc, toàn thân toát lên khí chất cổ điển của vùng thôn quê sông nước Giang Nam.
Vẻ bên ngoài của Lâm Nguyệt Loan có hơi hướng cổ điển nhưng tính cách của cô bé không giống như những thiếu nữ truyền thống, cả ngày chỉ biết u sầu, thở ngắn than dài. Cô không có thói quen đa sầu đa cảm, luôn thẳng thắn, chân thành, vui vẻ và hòa đồng. Ngay cả một người ít chơi với con gái như Tiêu Tinh Dã cũng có vài phần quý mến cô.
Tiêu Tinh Dã ngồi sau Lâm Nguyệt Loan, trước đây cậu không bao giờ để ý đến các bạn nữ ngồi trước mình. Nhưng sau lần ở phòng nghiên cứu Lâm Nguyệt Loan giúp cậu viết bản kiểm điểm, cậu đã đạp xe đưa cô về nhà. Hai người trước đây “chó gà không chung tiếng gáy, sống chết không thèm liên quan” thì bây giờ đã bắt đầu qua lại.
Giờ là tiết ngữ văn thứ hai của thầy Châu Tĩnh Bang, tiết trước là giờ kiểm tra. Sau khi giảng xong bài thầy liền công bố kết quả kiểm tra. Lâm Nguyệt Loan, Minh Nhật Lãng và Bạch Vân Tịnh là ba cái tên đứng đầu. Sau khi thầy vui vẻ tuyên dương ba người xong, thầy nói tiếp: “Có bài văn của một học sinh cá biệt thực sự khiến tôi tức giận, đáp án lung ta lung tung”. Thầy vừa nói vừa liếc nhìn Tiêu Tinh Dã, ánh mắt tràn đầy sự phẫn nộ.
Việc của mình, mình hiểu rõ nhất, Tiêu Tinh Dã chột dạ cúi đầu xuống. Sau khi phát bài kiểm tra tận tay, thầy giao cậu cho Lâm Nguyệt Loan: “Lát nữa tan học em xem bài của Tiêu Tinh Dã, giúp bạn ấy chữa lỗi sai”.
Lâm Nguyệt Loan quay lại nhìn Tiêu Tinh Dã, ra hiệu cho cậu đưa bài kiểm tra cho mình. Tiêu Tinh Dã ngập ngừng một lúc rồi mới đưa, còn dặn dò: “Trong bài có nhiều câu tớ đoán bừa, sai cấm cậu cười”.
Kết quả Lâm Nguyệt Loan đọc xong suýt nữa thì sặc. Các bài khác Tiêu Tinh Dã trả lời còn đúng tám, chín phần, chỉ có bài tập lớn là điền thơ thì quả thực là điền lung tung, khiến người khác không thể không bực mình.
Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh(6): “Lạc Dương thân hữu như tương vấn”, (...)
Trong ngoặc cậu ấy điền: Chính là nói tôi ở lầu Nhạc Dương.
Bài Điều Trương Tịch của Hàn Dũ(7): “Tỳ phù hám đại thụ”, (...)
Trong ngoặc cậu ấy điền: Không hề động đậy
Bài Ức cựu du thư của Lý Bạch(8): “Thanh thủy xuất phù dung”, (...)
Trong ngoặc cậu ấy điền: “Bích huyết rửa ngân thương”.
Đọc đến đây Lâm Nguyệt Loan đã không chịu được nữa, cô cố gắng đọc tiếp câu hỏi phụ: Tả Trung Nghị Công(9) tên thật là gì? Cậu ấy viết: Tả Lãnh Thiền. Cô muốn cười lớn nhưng cố gắng kiềm chế, chau mày nhìn Tiêu Tinh Dã: “Đọc đáp án của mấy câu này cũng biết cậu đọc không ít tiểu thuyết võ hiệp đấy nhỉ?”.
6. Vương Xương Linh (690 - 765) nhà thơ nổi tiếng đời Đường.
Nguyên tác là: Lạc Dương thân hữu như tương vấn, Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Dịch nghĩa: Nếu bạn bè ở Lạc Dương hỏi về tôi, Hãy nói với họ rằng lòng tôi vẫn thuần khiết như băng trong chiếc bình bằng ngọc (BTV).
7. Hàn Dũ (768 - 824) nhà thơ, nhà tư tưởng đời Đường.
Nguyên tác: Tỳ phù hám đại thụ, Khả tiếu bất tự lượng.
Dịch nghĩa: Muốn làm đổ cây to, con kiến đúng là không biết lượng sức mình (BTV).
8. Lý Bạch (701 - 762), thi nhân nổi tiếng đời Đường, được phong là Thi tiên, các tác phẩm nổi tiếng như Tương tiến tửu, Hành lộ nan, Tĩnh dạ tư...
Nguyên tác: Thanh thủy xuất phù dung, Thiên nhiên khứ điêu sức.
Dịch nghĩa: Đóa phù dung nở trên mặt nước, Điểm tô cho cảnh sắc thiên nhiên (BTV).
9. Tả Trung Nghị Công (1575-1626) tên thật là Tả Quang Đấu, quan ngự sử cuối đời Minh. Ông là một vị quan nổi tiếng trung nghĩa, tác phẩm tiêu biểu là tuyển tập thơ văn Tả Trung Nghị Công tập. Còn Tả Lãnh Thiền là một nhân vật tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung (BTV).
“Đương nhiên, tớ đọc nhiều tiểu thuyết võ hiệp lắm! Thực sự rất hay. Tung vó ngựa bốn phương, xách kiếm đi tới chân trời…”. Nhắc đến sở thích là Tiêu Tinh Dã bắt đầu ba hoa.
Lâm Nguyệt Loan không có tâm trí đâu mà nghe cậu ta ba hoa, cô vẫn tiếp tục đọc bài kiểm tra. Đột nhiên đọc đến một bài khiến cô không thể kiềm chế được nữa, cô cười lớn và nói: “Đáp án câu này làm sao cậu nghĩ ra được thế?”.
Tiêu Tinh Dã nhìn theo hướng tay cô chỉ: Hãy giải thích nghĩa của từ “Thệ thế”. Cậu ấy trả lời rất ngắn gọn phía sau: “Chết đi”. Thầy Châu đọc đến đáp án này là không chịu được nữa, bốc hỏa, thầy khoanh tròn rất to, nét bút còn chọc thủng cả giấy.
Cậu phát hiện ra liền vội giải thích: “Thực ra tớ định viết “chết”, thế nhưng viết ngược mất”(10).
Lâm Nguyệt Loan chỉ biết bịt miệng cười. Tần Quảng Phong ngồi sau Tiêu Tinh Dã thấy vậy liền nhoài người lên cướp bài kiểm tra: “Xem cái gì mà vui thế, tớ xem với”.
Tiêu Tinh Dã lo sợ liền giật lại: “Không được xem, trả tớ đây”.
Tiếc là cậu đã chậm một bước, Tần Quảng Phong đã nhanh tay hơn và giành được bài kiểm tra, vừa nhìn đáp án đã cười sặc sụa. Cậu ta vừa cười vừa đọc to thành tiếng: “Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão(11), câu sau là gì? Tài tử Tiêu đại của chúng ta điền là: “Nhân bất phong lưu uổng thiếu niên””.
Cả lớp cười nghiêng ngả.
Gương mặt Tiêu Tinh Dã đỏ gay, cậu đuổi theo Quảng Phong giành lại bài kiểm tra, hai người chạy hết dãy bàn này đến dãy bàn khác, Quảng Phong phải sử dụng mọi chướng ngại vật, để tạm thời tránh được sự truy bắt của Tiêu Tinh Dã. Vừa chạy vừa đọc: “Tác giả của tiểu thuyết Hồng nham (12) là ai? Trả lời: Trung Mỹ hợp tác sáng tác. Trời ơi, câu trả lời này độc quá đi, Tiêu Tinh Dã cậu có tài quá đi mất!”.
10. Trong tiếng Trung: 死去 Hán Việt: Tử khứ. Nghĩa: Chết, mất. 去死 Hán Việt: Khứ tử. Nghĩa: Chết đi. Tiêu Tinh Dã viết ngược hai từ này (BTV).
11. Câu thơ “Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão” có xuất xứ từ bài “Kim Đồng tiên nhân từ hán ca” của Lý Hạ (đời Đường), hay trong bài “Giản tự Mộc Lan hoa” của Âu Dương Tu (đời Tống), sau được Mao Trạch Đông dùng lại trong bài “Nhân dân giải phóng quân chiếm lĩnh Nam Kinh”. Câu sau cần điền là “Nhân gian chính đạo thi thương tang”.
Dịch nghĩa cả hai câu là: Nếu như ông trời mà có tình cảm thì cũng cảm thấy bi thương mà già đi; Chính đạo ở chốn nhân gian thực như bãi bể nương dâu. Còn câu của Tiêu Tinh Dã nghĩa là: Người không phong lưu, uổng phí tuổi xuân (BTV).
12. Hồng Nham (Nham thạch đỏ) là cuốn tiểu thuyết về cách mạng xuất bản năm 1962 của hai nhà văn Dương Ích Ngôn và La Quảng Bân, được đưa vào sách giáo khoa bậc trung học phổ thông Trung Quốc (BTV).
Cả lớp ôm bụng cười, có mấy bạn nam tên Lý Thiểm, Vệ Lôi, Trác Diệc Phàm vừa bảo vệ Quảng Phong vừa cười ngặt nghẽo.
“Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão, nhân bất phong lưu uổng thiếu niên. Vẫn đối nhau chan chát, Tiêu Tinh Dã, cậu đúng là bậc kỳ tài trăm năm có một đấy!”. Lý Thiểm trêu.
Vệ Lôi cười ha ha và đế thêm: “Tiêu huynh, tấm lòng ngưỡng mộ của tiểu đệ dạt dào như sóng nước Trường Giang”.
Trác Diệc Phàm tiếp lời ngay lập tức: “Lại giống như nước sông Hoàng Hà, nước trôi trôi mãi có về được đâu”.
Mấy nam sinh này cũng giống như Tần Quảng Phong, cùng trong đội bóng với Tiêu Tinh Dã, bình thường vẫn trêu đùa nhau, khiến cậu tức không được mà giận cũng không xong. Bây giờ chỉ còn cách cố hết sức để lấy bài kiểm tra lại. “Chiến trường” có thêm vài người nữa nên càng hỗn loạn.
Khi mới hỗn loạn, Minh Nhật Lãng định lặng lẽ ra khỏi lớp, nhưng mấy cậu bạn đó cứ chạy qua chạy lại phía cửa khiến cậu không đi được, chỉ còn cách tránh mấy người họ. Cậu lùi về phía cửa sổ, lưng dựa tường mà đứng, đó là cách phòng vệ tốt nhất.
Trận chiến “đoạt bài kiểm tra” của Tiêu Tinh Dã và Tần Quảng Phong giống như một cơn gió cứ cuốn đi cuốn lại trong lớp. Bàn ghế bị đẩy sang đông sang tây, bút sách rơi tung tóe. Tần Quảng Phong cứ thế là lùi dần lùi dần và nấp sau lưng các bạn để Tiêu Tinh Dã khó đuổi bắt. Chán chê cậu lại di chuyển về phía bên cạnh Minh Nhật Lãng. Minh Nhật Lãng giật mình, biết có chuyện không hay sắp xảy ra nhưng cậu chưa kịp tránh thì đã bị Quảng Phong túm lấy và đẩy về phía Tiêu Tinh Dã. Cậu ta học được mấy chiêu của Tinh Túc lão quái trong “Tiếu ngạo giang hồ (13)” nên đã dùng chiêu lấy người làm bia đỡ này để hóa giải sức tấn công của Tiêu Tinh Dã.
Nhìn thấy Tiêu Tinh Dã lao về phía mình như một viện đạn, Minh Nhật Lãng muốn né cũng không được. Gương mặt cậu trắng bệch, trong lòng hoang mang, trong đầu đột nhiên nhớ lại hình ảnh cây hòe non bị gãy rắc một cái…
13. Tác giả viết là Tinh Túc lão quái trong “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung nhưng thực chất nhân vật này lại xuất hiện trong bộ “Thiên long bát bộ” (BTV).
Đột nhiên Tiêu Tinh Dã lùi lại phía sau tránh được Minh Nhật Lãng đang bị đẩy tới. Mấy bước sau Minh Nhật Lãng túm được vào bàn giáo viên và đứng vững. Nhìn thấy nguy hiểm trước mắt được hóa giải một cách nhanh chóng, cậu tạm thời có chút hoang mang, chưa định thần được. Gương mặt xanh xao, đôi mắt sợ hãi nhìn Tiêu Tinh Dã. Sao cậu ấy làm được điều đó chứ? Động tác nhanh như thỏ, thoắt cái đã tránh được Minh Nhật Lãng.
Tiêu Tinh Dã không thèm nhìn cậu mà quay sang nói với Quảng Phong: “Cậu làm cái gì thế? Đẩy Minh Nhật Lãng về phía tớ làm gì? Cậu không biết là Minh đại thiếu gia ghét nhất là người khác đụng vào à?”. Nghe thì có vẻ quan tâm đấy nhưng thực chất là đang châm biếm Minh Nhật Lãng.
Lúc này Tần Quảng Phong mới để ý ra người mình đẩy là Minh Nhật Lãng. Cậu cũng biết “tính cách quái gở” của Minh Nhật Lãng: Cậu ấy không thích tiếp xúc chân tay với người khác, đặc biệt là không thích mấy trò đẩy đi đẩy lại. Vì thế từ trước đến giờ cậu ấy không tham gia bất cứ trò nô đùa ồn ào nào, ngược lại còn luôn luôn giữ khoảng cách với người khác. Nhận xét về tính cách quái gở này, có người nói là do cậu ấy sạch sẽ quá, có người nói là do ngạo mạn… nói chung nhiều ý lắm!
Tiêu Tinh Dã thì luôn lên giọng châm chọc: Chẳng qua là kiếm được vài đồng tiền thối tha thôi mà lên mặt, ra vẻ giàu có. Cậu ta không thích người khác chạm vào, tớ còn ghét chạm vào cậu ta ấy chứ!
Tần Quảng Phong không đồng ý với Tiêu Tinh Dã, vì ngoài chuyện không thích đụng chạm với người khác ra, Minh Nhật Lãng chẳng hề tỏ thái độ hay lên mặt gì. Cậu đối xử với người khác rất ôn hòa, nho nhã, chỉ là có phần ít nói. Đối với nhiều người thì việc ít nói nghĩa là cao ngạo, không coi ai ra gì, như Tiêu Tinh Dã chẳng hạn. Nhưng ấn tượng của Quảng Phong về Minh Nhật Lãng vẫn rất tốt đẹp nên cậu vội vàng xin lỗi: “Xin lỗi cậu, Minh Nhật Lãng. Tớ không để ý”.
“Không sao”. Hai tay Minh Nhật Lãng đầy mồ hôi, không biết nói gì lúc này.
Tiêu Tinh Dã coi như Minh Nhật Lãng không tồn tại, cậu ta lướt qua chỗ Tần Quảng Phong giành lấy bài kiểm tra rồi về chỗ ngồi. Minh Nhật Lãng cũng lững thững đi ra khỏi lớp, Bạch Vân Tịnh vội vã theo sau.
Tiêu Tinh Dã đưa bài kiểm tra đến trước mặt Lâm Nguyệt Loan rồi nói: “Còn chỗ nào sai nữa mau giúp tớ chữa đi”.
Lâm Nguyệt Loan cầm bài kiểm tra chữa một mạch, xong liền đưa lại cho Tiêu Tinh Dã: “Nhìn đáp án một lượt đi rồi học thuộc, sau này đừng gây trò cười nữa”.
Tiêu Tinh Dã làm bộ chắp hai tay vào nhau rồi nói: “Tuân lệnh”.
Lâm Nguyệt Loan cười, nghĩ một lúc sau cô nói nhỏ: “Sao… cậu lại thích đối đầu với Minh Nhật Lãng thế?”.
Gương mặt Tiêu Tinh Dã biến sắc, môi khẽ nhếch lên: “Tớ có sao?”.
Lâm Nguyệt Loan hỏi lại: “Cậu không có sao?”.
Im lặng một hồi lâu Tiêu Tinh Dã mới đáp: “Có! Là tớ ghét cậu ta, nhìn cậu ta không vừa mắt!”.
Im lặng một hồi, Lâm Nguyệt Loan mới chậm rãi nói: “Vì nhà cậu ấy có tiền, phải không? Cậu hận người có tiền phải không?”.
Tiêu Tinh Dã bị đoán đúng tim đen, cậu bật dậy khỏi ghế rồi trừng mắt nhìn cô: “Lâm Nguyệt Loan, cậu nghĩ cậu là ai? Cậu có tư cách gì mà chỉ trích tớ, phê bình tớ? Việc của tớ không cần cậu quan tâm”.
Nói xong cậu hậm hực đá ghế rồi ra khỏi lớp, bỏ lại bao con mắt lớn nhỏ kinh ngạc nhìn theo.
Vừa ra ngoài hành lang Tiêu Tinh Dã nhìn thấy Minh Nhật Lãng và Bạch Vân Tịnh đang trò chuyện. Đôi mắt sắc như dao của cậu lườm Minh Nhật Lãng một cái rồi cúi đầu đi tiếp.
“Lạ thật, hình như Tiêu Tinh Dã thích đối địch với cậu hay sao ấy?”. Nhìn thấy cảnh này Bạch Vân Tịnh liền nói như thế với Minh Nhật Lãng.
“Ngay từ ban đầu tớ đã cảm thấy thế”.
“Sao cậu ấy lại như thế?”.
Minh Nhật Lãng lắc đầu, cậu không hiểu vì sao Tiêu Tinh Dã thù địch nặng nề với cậu như vậy.
Bình luận truyện