Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 107: Lòng ta cứ mãi ưu sầu (thượng)



A Trì lanh lảnh giòn giã liên tục khen ngợi, sư công và Trương Mại lại càng phô trương, họ như hai luồng ánh sáng vây lấy nhau, A Trì không phân biệt rõ ai với ai. Sau đó, Trương Mại kêu một tiếng, nhảy ra ngoài, chắp tay cười dài:

- Cam bái hạ phong!

Sư công đắc ý khách sáo:

- Đa tạ, đa tạ!

Xong trận biểu diễn võ thuật này, sư công và Trương Mại mặt không đổi sắc, Trương Đồng là khán giả nhưng lại mệt muốn chết. Nàng nhảy lên nhảy xuống, cao giọng trợ uy, gương mặt đỏ bừng, trên trán rỉ ra mồ hôi hột.

A Trì cố ý gọi nàng đến bên cạnh, lấy khăn gấm giúp nàng lau mồ hôi.

- Được mỹ nhân như nhị tẩu hầu hạ, muội thật có diễm phúc.

Trương Đồng vừa hưởng thụ, vừa cảm khái. Trương Mại thấy mà thèm, hừ một tiếng:

- Ta ghen tị!

A Trì mỉm cười đưa tay vẫy hắn qua, đợi hắn ngoe nguẩy chạy tới thì lau lau tượng trưng cho hắn vài cái.

Trương Mại nhân lúc sư công và Đồng Đồng đang nói chuyện, lặng lẽ nhoài người đến bên tai A Trì oán trách:

- Ăn bớt ăn xén, một chút cũng không dịu dàng! Mẹ cục cưng không thắm thiết với cha cục cưng, cục cưng sẽ không vui.

A Trì nâng bụng hơi nhô ra, cho cha cục cưng một khuôn mặt tươi cười dịu dàng. Cha cục cưng thấy thế mừng rỡ:

- Biết sai rồi? Buổi tối cho nàng cơ hội lấy công chuộc tội, không thể bỏ qua.

Lại có chủ ý gì nữa đây? A Trì liếc hắn.

Sư công vẻ mặt trầm tư kéo Trương Mại qua:

- Mẹ con viết một đống chuyện xưa vương tử cùng công chúa, chuyện xưa này Đồng Đồng rất thích, đã vẽ ra rồi. Nhưng sư công cho rằng, tiểu Nhị là nam tử, không thích hợp nghe mấy chuyện phong hoa tuyết nguyệt mà nên nghiên cứu binh thư, bí tịch võ công cùng với chuyện chân nhân tranh đấu mới phải.

Trương Mại vẻ mặt nghiêm túc lắng nghe. Sư công hắng hắng giọng, tỉ mỉ lên kế hoạch:

- Tiểu Nhị sau này nhất định phải biết đánh nhau, biết đánh trận. Mô phỏng một trận chiến thì quá khó, tạm thời gác lại. Nhưng đánh nhau cho nó xem thì mỗi ngày đều có thể.

Trương Mại khóe miệng co quắp. Sau đó, hắn cũng trịnh trọng đáp ứng:

- Sư công yên tâm, mỗi ngày sẽ để nó quan sát chân nhân tranh đấu, không thiếu được.

Tính toán lại, phụ thân ra lệnh mỗi ngày kể chuyện xưa cho thai nhi nghe, nhạc phụ căn dặn mỗi ngày gảy đàn cho thai nhi nghe, bây giờ sư công lại còn thêm ý kiến, vì mục đích bồi dưỡng cao thủ hiếm thấy, khi còn trong thai phải được hun đúc rèn luyện như thế.

Mẹ cục cưng mang không phải là tiểu Nhị, rõ ràng là tổ tông.

Buổi tối, Trương Mại và A Trì thết đãi bữa ăn thịnh soạn. Sư công không coi trọng việc ăn không nói, ngược lại thích lúc ăn cơm náo nhiệt vui vẻ, ông thích ý húp cháo thịt dê củ từ bổ tì dưỡng vị (bổ dưỡng cho lá lách và dạ dày), cười hì hì đưa ra câu đố:

- A Mại, Đồng Đồng, tiểu cô nương, ba người tụi con đoán xem, chuyện đắc ý nhất trong đời sư công là gì?

Trương Mại giơ ngón tay cái về phía ông:

- Sư công là thiên tài võ học! Ngài tự mình sáng tạo ra quyền pháp Phi nhạn kiếm pháp, trở thành một trường phái riêng, phong cách độc đáo!

Đối với một lão nhân gia yêu võ thành si thì còn gì đáng để khoe khoang hơn thành tựu võ học của ông chứ.

Sư công đắc ý lắc đầu:

- Mại Mại đoán không đúng!

Trương Đồng cũng theo nịnh nọt:

- Sư công là nhất đại tông sư! Phái Hoa Sơn là danh môn chính phái ai ai cũng biết trong chốn giang hồ, ngài tuy tính tình tản mạn không chịu làm chưởng môn nhưng thực tế người làm cho phái Hoa Sơn phát triển rực rỡ chính là ngài!

Sư công vui vẻ:

- Lời này sư công thích nghe! Chẳng qua vẫn là đoán không đúng.

Trương Mại và Trương Đồng đồng thời đưa ánh mắt về phía A Trì. Hai chúng ta đều đoán không đúng rồi, mẹ cục cưng, dựa vào nàng đấy.

A Trì đặt đũa xuống, nghiêm mặt nói:

- Sư công ngài đã dạy dỗ ra được Chinh lỗ Đại nguyên soái xuất chúng nhất từ cổ chí kim! Đó là một anh hùng hào kiệt đánh đuổi người Thát Đát ra Mạc Bắc!

Sư công đặt mạnh chén cháo trong tay xuống, thở dài nói:

- Người hiểu ta chính là tiểu cô nương vậy.

Chuyện đắc ý nhất trong đời lão tử chính là dạy dỗ ra được đồ đệ Trương Tịnh này.

Dĩ nhiên A Kình, A Mại cũng rất không tệ nhưng so sánh với phụ thân chúng vẫn cảm thấy chưa đủ. Lão tử muốn nhân lúc trẻ tuổi khỏe mạnh, lại dạy dỗ ra một A Tịnh! Tiểu Nhị à, con sau này cũng không cần quá xuất sắc, cỡ cỡ như tổ phụ con là lão nhân gia ta đủ thỏa mãn rồi.

Trương Mại, Trương Đồng đồng thời đưa ngón tay cái về phía A Trì, mẹ cục cưng thông minh!

Gương mặt trơn mịn của A Trì rất nghiêm túc:

- Sư công, kỳ thực đại ca và Trọng Khải cũng giống như phụ thân, đều là rồng trong biển người! Chỗ duy nhất không may mắn của hai người họ chính là phụ thân đã đánh đuổi người Thát Đát đi rồi, cho nên anh hùng không có đất dụng võ.

Alexander khi còn làm thái tử, mỗi lần nghe phụ thân đánh hạ được một thành trì đều thở ngắn than dài, hết sức âu sầu. Ông chỉ sợ cả thiên hạ đều bị phụ thân chinh phục thì ông sẽ không có cơ hội để thi thố tài hoa của mình.

Trương Kình, Trương Mại cũng không phải kém phụ thân mà là phụ thân đã đánh đuổi cường địch đi rồi, hai huynh đệ bọn họ không có trận chiến ác liệt để đánh.

Trương Mại chắp chắp tay với A Trì:

- Phu nhân là tri kỷ của Trương Trọng Khải ta.

Đời người có được một tri kỷ là đủ, kiếp này xem như người thân mà đối xử. Mẹ cục cưng, buổi tối ta nhất định sẽ đền đáp nàng thật tốt, rất thân mật thắm thiết.

Nhị tẩu, muội quá sùng bái tẩu! Trương Đồng nhiệt tình nhìn A Trì, vô cùng kính ngưỡng. Nghe lời này của nhị tẩu, sư công, phụ thân, đại ca, nhị ca, ai cũng không bị hạ thấp, trong lòng ai cũng vui như nở hoa! Nhị tẩu, tẩu thật biết nói chuyện, hôm khác muội sẽ theo thỉnh giáo tẩu một chút.

Sư công hài lòng khỏi phải nói. Có mẫu thân như tiểu cô nương, tiểu Nhị sẽ không tệ! Ông vui phơi phới vùi đầu húp cháo.

Trương Mại và A Trì là chủ nhân tốt nhiệt tình chu đáo, chiêu đãi xong bữa tối lại thết đãi một buổi tiệc âm nhạc. Phu thê hai người hợp tấu “Bình sa lạc nhạn” và “Ngư tiều vấn đáp”, âm thanh kéo dài không dứt, nhàn nhã tự tại, khiến người ta có cảm giác như đang ở chốn núi rừng.

Tối nay là một buổi tối tốt đẹp.

Cuối năm, thân thể A Trì ngày càng cồng kềnh, không ra khỏi cửa. Nhà mẹ đẻ cũng thế, nhà chồng cũng vậy, mỗi ngày đều có người qua phủ thăm hỏi, cùng nàng cười đùa. A Trì tuy ở yên trong nhà nhưng cũng không cô đơn.

Nàng là quốc công phu nhân, theo lý thuyết thì trong tộc Trương gia có việc, nàng sẽ trốn không được. Nhưng nàng có mẹ chồng như Du Nhiên, cha chồng như Trương Tịnh, người nào so với người nấy lại càng bao che khuyết điểm hơn. Hễ trong tộc có chuyện gì, họ cũng thay nàng giải quyết, không để nàng nhọc tâm.

Bé Vũ - tôn tử thừa tự của thái phu nhân Lâm thị rất thông minh đáng yêu nhưng mẹ ruột bé là Chu thị cứ ở mãi không đi, khiến thái phu nhân Lâm thị rất phiền não. Bà và Chu thị cực kỳ không hòa thuận, cứ năm ba bữa ầm ĩ một bận, năm lần bảy lượt đến tố khổ trước mặt tộc trưởng, xin tộc trưởng làm chủ. Có Chu thị ầm ĩ với bà, thái phu nhân Lâm thị đã quên mất Ngụy quốc công phủ, quên mất vinh quang của quốc công phu nhân bà từng có.

A Trì thanh thản, yên tĩnh ở trong nhà dưỡng thai.

Trong hai tháng, ba pháp ti cuối cùng cũng định ra tội danh của Nghiêm Khánh, tội danh này cực kỳ nguy hiểm: “ý đồ mưu phản”. Nghiêm gia nguyên quán ở Phân Nghi, Nghiêm Khánh ở Phân Nghi dùng số tiền lớn mua một khu nghĩa địa, vì sao? Bởi vì có thầy tướng nói rằng khu nghĩa địa đó có vương khí!

Đặc biệt mua mảnh đất có vương khí, lòng của Tư Mã Chiêu*, người qua đường đều biết.

*Tư Mã Chiêu chuyên quyền định cướp ngôi của nhà Ngụy, chuyện này ai ai cũng biết. Về sau, câu “lòng dạ Tư Mã Chiêu” dùng để chỉ một việc gì đó mà mục đích quá rõ ràng, quá lộ liễu, ai ai cũng biết.

Không chỉ vậy, ông còn cấu kết với đạo tặc, trong nhà nuôi dưỡng kẻ lưu vong, mưu đồ bất chính. Đại lý tự làm việc thần tốc, bắt được một võ sĩ Nghiêm gia, tra được hắn từng phụng mệnh Nghiêm Khánh vào cung thám thính tin tức. Lúc đó, Vũ lâm vệ Chỉ huy sứ vẫn là Phùng Tuấn.

Tấu chương trình lên trên, hoàng đế liền biến sắc. Ông quả thật thương tiếc tài hoa của Nghiêm Khánh, cũng muốn để lại cho cựu thần Nghiêm thủ phụ vài phần mặt mũi nhưng có ý đồ mưu phản, nuôi dưỡng võ sĩ, thăm dò tin tức, những thứ này ông tuyệt đối không thể tha thứ.

Hoàng đế ngự bút thân phê, phán Nghiêm Khánh bị chém đầu thị chúng.

Nghiêm gia bị tịch thu gia sản, các nhi tử của Nghiêm Khánh bị lưu đày đi Tây Bắc, Nghiêm thủ phụ thì bị cưỡng chế trí sĩ, chọn ngày về quê.

Phụ tử Nghiêm gia khi đắc thế khống chế việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và thăng chức của các quan trong triều. Chức vị của quan viên, bất luận lớn nhỏ đều có định giá, không bàn năng lực mà chỉ xem có thể hiếu kính được bao nhiêu tiền. Bởi vậy, Nghiêm gia phú khả địch quốc. Lúc tịch biên tài sản, tra được trong Nghiêm gia hơn ba vạn lượng hoàng kim, hai triệu lượng bạc trắng, những món đồ trân bảo cũng giá trị hơn trăm vạn.

Nếu như nói hoàng đế vốn còn chút do dự thì sau khi tịch biên tài sản, ông thực sự nổi giận. Trẫm tín nhiệm ngươi mới phó thác chức thủ phụ cho ngươi mà ngươi lại tham lam như thế! Nhiều vàng bạc như vậy, ngươi đã vơ vét bao nhiêu nơi rồi.

Nghiêm thủ phụ tuổi già thê lương rời khỏi kinh thành, môn sinh, bạn cũ không người nào đưa tiễn. Nghiêm Khánh bị chém ở đầu chợ, dân chúng kinh thành chạy đi báo tin lẫn nhau, vô cùng náo nhiệt.

A Trì chỉ quan tâm một chuyện: Từ Tố Tâm thì sao? Muội ấy thế nào?

Lật đổ phụ tử Nghiêm gia là một chính khách khác, những đấu tranh chính trị này, A Trì không quan tâm. Phụ tử Nghiêm gia có lẽ bị oan uổng, nhưng trước đây chẳng lẽ bọn họ chưa từng oan uổng người khác? Gậy ông đập lưng ông thôi.

Từ Tố Tâm không nơi nương tựa, tội nghiệp đáng thương. Hiếm thấy là muội ấy tuy từ nhỏ chịu nhiều đau khổ nhưng chưa từng ôm lòng oán hận với ai, hễ có người hơi tốt với muội ấy một chút, muội ấy liền cảm động đến rơi nước mắt, khắc ghi trong lòng.

Cô nương như vậy không nên bị chính trị bẩn thỉu làm hi sinh tính mệnh tuổi thanh xuân.

Từ Sâm hốc mắt đỏ lên nói với A Trì:

- Tố Tâm được tổ phụ con sai người đón về đường Chính Dương Môn rồi. A Trì, tội nghiệp Tố Tâm, lần này về không biết sẽ chịu bao nhiêu khinh thường, bao nhiêu uất ức nữa.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân, người nào sẽ cho con bé sắc mặt tốt chứ. Từ Tố Tâm ở đường Chính Dương Môn, sợ là ngay cả bát cơm nóng cũng không được ăn.

A Trì nâng bụng đã nhô ra, từ từ đi bộ trong nhà:

- Nếu chỉ là chút ít khinh thường, vậy còn coi như tốt.

Từ thứ phụ đã được bổ nhiệm làm thủ phụ, đường làm quan đạt đến đỉnh điểm. Giờ này khắc này, ông ấy sao lại cho phép trong nhà có một tôn nữ từng làm thiếp Nghiêm gia, khiến ông mất mặt xấu hổ, thời thời khắc khắc nhắc nhở ông rằng trước đây ông đã phải khúm núm nịnh bợ, nhẫn nhịn chịu đựng như thế nào.

Kết cục tốt của Tố Tâm là bị đưa đến chùa miếu thanh đăng cổ phật cho đến cuối đời. Tệ hơn chút nữa, có lẽ là lụa trắng, có lẽ là rượu độc. Muội ấy muốn bị Từ gia xem thường cũng làm gì có cơ hội.

Từ Sâm vốn là một nam tử nho nhã nhưng lúc này lại nhảy lên, thần sắc hốt hoảng:

- A Trì, con nói là……..?

Suy nghĩ cẩn thận ý tứ trong lời của A Trì, mặt ông trắng bệch như tờ giấy.

A Trì thương xót, gật đầu khẳng định với ông.

Từ thủ phụ trong suy nghĩ của Từ Sâm vẫn luôn là từ phụ, là trưởng bối ông kính mến; nhưng trong mắt A Trì chẳng qua chỉ là một gã chính khách vô tình, vì đạt được mục đích mà không từ bất cứ thủ đoạn nào. A Trì đối với Từ thủ phụ không có kính ý nên không sợ dùng ý nghĩ xấu xa nhất để phỏng đoán ông ấy, nhưng Từ Sâm lại không thể, căn bản ông không dám nghĩ theo hướng này.

Từ Sâm ánh mắt ngây ra, ngã ngồi trên ghế.

A Trì day dứt trong lòng. Phụ thân, kỳ thực con rất muốn gạt người, che giấu người suốt đời. Nhưng, Tố Tâm không đợi được. Sinh mệnh một nữ tử trẻ tuổi bao giờ cũng quý giá. Thay vì đợi sau khi Tố Tâm gặp chuyện không may nhìn người hối tiếc, thà rằng trước đó nghĩ cách không để cho chuyện tàn nhẫn này xảy ra.

Từ Sâm thẫn thờ hồi lâu, khó khăn mở miệng:

- Ta không cho phép.

Tố Tâm đã đủ đáng thương, Từ gia đã có lỗi đủ với con bé rồi, không thể lại đối xử tệ với con bé nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện