Chương 44: C44: Chương 35
#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_biên_soạn
ĐÊM THỨ BA MƯƠI BA: "CỐ CUNG" HAY "TỬ CẤM THÀNH"?
Bắc Kinh là thủ đô của ba triều đại lớn: Nguyên, Minh, Thanh. Vào thời Nguyên, Bắc Kinh trong tiếng Mông Cổ xưa là Khanbaliq - hay còn gọi là Đại Đô (tức "Thành phố lớn"), tới thời Minh mới đổi sang là Tử Cấm Thành, mà ba chữ "Tử Cấm Thành" này tự thân nó cũng mang nhiều tầng nghĩa phức tạp.
Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô đến Bắc Kinh, bắt đầu từ năm Vĩnh Nhạc thứ tư (1406) bắt đầu tu kiến Tử Cấm Thành, đến năm Vĩnh Lạc thứ mười tám (1420) thì xong. Trải qua hai đời Minh - Thanh với sự chấp chính của 24 thế hệ hoàng đế. Tử Cấm Thành trở thành cung điện của hoàng thất với kiến trúc và quy mô lớn, tường đỏ ngói vàng, rực rỡ tráng lệ. Song nếu đã vậy thì tại sao cổ nhân lại không đặt tên cho tòa cung điện này là "Hoàng Cấm Thành" mà là "Tử Cấm Thành"? Có ba giả thuyết lý giải được điều này.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng có liên quan đến điển cố "Tử khí đông lai". Tương truyền lúc Lão Tử rời khỏi ải Hàm Cốc thì có mây tía kéo đến từ phía đông, sau đó Lão Tử cưỡi trâu xanh bước ra. Doãn Hỉ - quan viên giữ ải - trông thấy tất thảy, cho rằng Lão Tử là thánh nhân, bèn ngăn lại cầu học, thỉnh Lão Tử truyền chữ cho. Năm trăm nghìn chữ đó của Lão Tử về sau trở thành cốt lõi của Đạo Đức Kinh vang danh thiên hạ. Bởi thế nên tử khí (mây tía) được xem như điềm lành, biểu thị cho sự xuất hiện của bảo vật và thánh hiền. Trong "Thu hưng", Đỗ Phủ có viết: "Tây vọng dao trì hàng Vương Mẫu, đông lai tử khí mãn Hàm quan", từ đó trở về sau, cổ nhân bèn gọi mây lành là "tử vân", chỗ ở của tiên nhân là "tử hải" (hải: biển) hoặc "tử tuyền" (tuyền: suối) và những con đường nhỏ ngoài ngoại thành là "tử mạch". "Tử khí đông lai" tượng trưng cho cát tường, lấy chữ "Tử" đó để đặt cho Tử Cấm Thành để thể hiện sự sâm nghiêm và may mắn.
Giả thuyết thứ hai có liên quan đến... mê tín. Thời nào cũng vậy, hoàng đế đều tự xưng là "chân mệnh thiên tử", muốn sánh ngang với Ngọc Đế trên trời, thiên cung là nơi ở của Thiên Đế nên tất nhiên cũng là nơi trú ngụ của bậc Thiên Tử. Trong sách "Quảng Nhã - Thích Thiên" có viết: "Thiên cung vị chi Tử Cung", vậy nên trong tên của hoàng cung cũng phải có một chữ "Tử".
Giả thuyết thứ ba có liên quan đến thiên văn học. Thời cổ, các ngôi sao trên trời được các nhà thiên văn học Trung Quốc chia làm "tam viên", hai mươi tám "tinh tú" và những "tinh tọa" khác. Tam viên gồm Thái Vi Viên, Thiên Nhị Viên và Tử Vi Viên. Theo như ý kiến của các nhà thiên văn học Trung Quốc cổ đại và theo cả sự quan sát trường thiên về vũ trụ, họ cho rằng Tử Vi Viên nằm ở giữa trời, đó là vị trí vĩnh hằng bất biến, mãi mãi không thay đổi. Thiên nhân đối ứng, cổ nhân lấy Tử Vi Viên ra so với Thiên Tử, vậy nên Tử Vi Viên cũng trở thành nơi tôn kính, bèn lấy chữ "Tử" đó mang đặt cho hoàng cung. Các hoàng đế ở đây đều mong muốn trong khoảng thời gian trị vì có thể ban ân cho dân, gầy dựng giang sơn vững bền và bảo vệ được mục đích thống trị trường kỳ của dòng tộc.
Xuất phát từ sự lo lắng giữ gìn quyền uy và tôn nghiêm, hoàng cung đã được xây dựng với sự tráng lệ ở bên trong và vững chắc ở bên ngoài. Tòa cung điện này không chỉ có mỗi cung điện, lầu các mà còn có cả những bức tường cao đến 10 mét và hệ thống sông đào sâu 52 mét, đồng thời bố trí dày đặc các trạm gác, nâng cao cảnh giới. Đừng nói là lê dân bách tính bình thường mà ngay cả các quan viên đại thần cũng chỉ có thể bước vào trong những trường hợp cho phép, thế nên bình thường nơi đây chẳng ai dám lai vãng, bởi vậy tòa cung điện này mang hai tầng nghĩa: một là Tử Cung - nơi ở của Thiên Tử, hai là cấm địa. Ba chữ "Tử Cấm Thành" cứ thế ra đời.
Tử Cấm Thành là tinh hoa kiến trúc cung đình cổ, cũng là kết tinh của trí tuệ cổ nhân, được ngợi khen đứng đầu ngũ đại cung trên thế giới. Ngũ đại cung gồm Tử Cấm Thành, cung điện Versailles của Pháp, cung điện Buckingham của Anh, Nhà Trắng (tòa Bạch Ốc) của Mỹ và cung điện Kremlin của Nga.
Chỉ tiếc, đến năm 1924, Phùng Ngọc Tường phát động "chính biến Bắc Kinh", thành công đuổi được hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc là Phổ Nghi ra khỏi Tử Cấm Thành, đồng thời tuyên bố triều Thanh đã hoàn toàn diệt vong, trong Tử Cấm Thành không còn tồn tại hoàng đế! Từ đó, ba chữ Tử Cấm Thành biến mất, ngày 10 tháng 10 năm 1925, chính thức đổi tên thành Cố Cung. "Cố" tức là "đã qua", hai chữ Cố Cung khoác lên mình sự tang thương, ý chỉ giờ đây, Tử Cấm Thành lừng lẫy đã trở thành tòa cung điện của những ngày xưa cũ.
Vật bất thị, nhân bất phi. Cảnh không còn, người cũng chẳng còn, họa chăng chỉ còn lại chút tan hoang...
Bên dưới là Thục phi Văn Tú. Tại sao lại lấy tấm ảnh này để thay cho lời kết của đêm hôm nay? Bởi vào những tháng năm loạn lạc ấy, dẫu thương hải tang điền, biến cố ập đến ra sao, là Tử Cấm Thành hay Cố Cung, thì tất cả đều chỉ là áng phù vân trôi qua cuộc đời của Văn Tú. Có lẽ bà là người lạc quan nhất Tử Cấm Thành, mọi yêu hận thương ghét đều không liên quan gì đến bà. Bà vẫn sống thoải mái vô tư, luôn tự tạo được niềm vui giữa tòa thành sâm nghiêm lạnh lẽo. Tòa thành này, đến tột cùng vẫn chẳng thể khuất phục được Văn Tú. Các bạn có thể vào album tìm đọc để hiểu rõ hơn về cuộc đời và con người bà.
-------------------------------
Bình luận truyện