Quyển 1 - Chương 7: Lời khi say
Lương Châu có khu thanh lâu, tuy không lớn lắm nhưng từ thực tài trà tửu đến đầu bếp ca kỹ đều được vận chuyển từ Trung Nguyên tới, gia cụ văn sức không gì không tinh mỹ, ngày nào cũng tấp nập những quan lại sĩ tử Lũng Tây không tiếc tiền bạc tới thưởng hoa ghẹo nguyệt, vì thế mà chẳng mấy chốc khu này càng ngày càng trở nên đắt đỏ xa hoa.
Chu Kỳ ngồi trong Việt Khê lâu, phẩm là trà Tước Thiệt thượng hạng Tây Hồ được mang tới từ Dư Hàng[1], trên bàn là hàng loạt những món ăn điểm tâm Trung Nguyên chính hiệu, bên trái có một nữ tử Tây Thục[2] cặm cụi chia thức ăn rót rượu, bên phải có một mỹ nhân Ngô Trung[3]đang nhẹ nhàng ngâm khúc tiểu ca.
Chu Kỳ dựa vào bờ vai mềm mại của mỹ nhân, ẩm mai tửu thuần thanh từ gia hương, khóe miệng ngậm ý cười, song trong sâu thẳm đôi mắt hoa đào lại ảm đạm u tối, ngay cả một nếp nhăn khi cười nơi đuôi mắt cũng chẳng có.
Ngô nữ dịu dàng rằng: “Từ lúc tới đến giờ vẫn thấy mặt mày công tử ủ chau, có gì phiền lòng hay chăng? Nếu công tử không ngại chia sẻ, biết đâu chúng em có thể phân ưu cùng công tử.”
Đầu ngón tay Chu Kỳ lướt trên khuôn trăng trắng hồng của nàng, như cười như không: “Nét cười tựa hoa, gặp chi mà quên sầu, ta ưu sầu vào đâu?”
Ngô nữ cười mắng: “Công tử lại không đứng đắn rồi.”
Chu Kỳ đặt chén rượu lên bàn, một tay ôm nàng vào lòng, hít hà hương thơm trên thân mỹ nhân, ngâm nga bằng chất giọng Tô Châu: “Thanh lâu nhi nữ độ trăng tròn, lược ngọc tóc vấn mây ngàn thướt tha. Ngàn vàng học vũ bái ca, mới được dạy khúc ca từ Lương Châu[4].”
Ngô nữ che miệng khẽ cười, đón lời: “Thiếu niên yên gấm lỡ hoa câu, say mang trâm ngọc ước cầu thảo hương. Tây phong lầu, nhạn vấn vương, vũ y tan tác hoa dường đảo điên.” – nàng duỗi ngón tay ngọc ngà thon dài, đặt lên trán Chu Kỳ, giọng mềm như lan mà rằng: “Không ngờ công tử cũng biết ca khúc thanh lâu chúng em. Ly hương ngàn dặm có thể gặp được công tử, xem như hữu duyên, chi bằng để em đàn tặng công tử một khúc được chăng?”
Chu Kỳ mơ màng mông lung ngắm nhìn nàng Ngô nữ gảy, búng, câu, tì[5], nghe khúc Hán cung thu nguyệt[6], tựa chừng như ngất ngây.
Một khúc vừa dừng, Chu Kỳ bỗng cất tiếng: “Muốn thỉnh cô nương tấu một khúc Hồ già thập bát phách, được hay không?”
Ngô nữ sửng sốt, gật đầu đáp ứng: “Tất nhiên là được.”
Tiếng đàn réo rắt uyển chuyển, song lại mất hùng hồn. Chu Kỳ nhíu mày, phất tay ngang chừng: “Âm sắc này không đúng.”
Ngô nữ có chút giận hờn: “Thứ cho em tài nghệ không tinh vấy bẩn tai công tử. Nếu công tử không muốn nghe thì em không đàn nữa.”
Chu Kỳ nhỏm dậy, khẽ phân phó với Tố Huyền đứng bên, Tố Huyền dùng dằng mãi mới không cam nguyện đi ra ngoài.
“Cô nương đàn rất khá, là cầm này không tốt.” – Chu Kỳ bình thản giải thích, vừa nhấp một ngụm rượu, gắp một chút thức ăn.
Một lát sau, Tố Huyền ôm theo một bao vải ì ạch bước vào. Chu Kỳ gật đầu, Tô Huyền hết mực cẩn thận mở bao vải ra, để lộ ra một cổ cầm toàn thân đen nhánh.
Ngô nữ vừa lại gần nhìn, thấy phần đuôi cầm hãy còn vết cháy xém thì không nén nổi kinh ngạc mà hô lên: “Tiêu đồng?”
Chu Kỳ túy ý gảy một dây cầm: “Thái Bá Giai thấy Ngô nữ đốt khúc gỗ ngô đồng làm củi bếp, nghe tiếng gỗ cháy mới vỡ nhẽ là gỗ tốt, làm nên một thân cầm này, cầm tấu lên thanh cao tao nhã, được thế nhân ca tụng là thiên hạ đệ nhất danh cầm, hậu thế xưng là tiêu vĩ cầm.”
Ngô nữ cẩn thận vuốt nhẹ tay lên, trộm liếc Chu Kỳ, ánh mắt hàm ẩn hâm mộ xiết bao.
Chu Kỳ có phần túy lúy, cười to: “Xưa có Tào Mạnh Đức tặng Quan Công ngựa Xích Thố[7], nay Chu Phượng Nghi ta lấy tiêu vĩ tặng mỹ nhân.”
Tố Huyền vội vàng la lên: “Công tử!”
Chu Kỳ ngậm lấy vành tai Ngô nữ, thấy mỹ nhân thẹn thùng liền thản nhiên: “Mỹ nhân cười, thắng thiên kim!”
“Hay cho một câu mỹ nhân cười thắng thiên kim!”
Ngoài cửa đột nhiên vang tiếng vỗ tay tán thưởng, Chu Kỳ nheo nheo cặp mắt đã ngà say nhìn sang, phát hiện hóa ra đó là người quen.
Lô Ngang đứng trước cửa, quần áo xốc xếch, cả người sực mùi phấn son, nhìn là biết mới chui ra từ nơi ôn nhu hương lý nào rồi.
Ngày thường Chu Kỳ cũng qua lại ít nhiều với hắn, thế nên mở miệng trêu hắn mấy câu: “Lô huynh thật phong lưu phóng khoáng, không sợ chị dâu ở nhà trách móc sao?”
Lô Ngang loạng choạng đi vào: “Nữ có nữ tắc, chuyện của đàn ông, đến phiên đàn bà chen mồm vào sao?”
Chu Kỳ thở dài, rót cho hắn một chén rượu.
Lô Ngang liếc xéo mấy ca kỹ, nói: “Ta có việc muốn bàn với Chu đại nhân, các ngươi lui ra cả đi.”
Mấy người nhìn nhau, ôm cầm bước ra.
Chu Kỳ ngẩn ngơ nhìn rượu sóng sánh trong chén, rõ một vẻ uể oải ủ ê.
Lô Ngang buồn bã kể lể: “Hồi ta mới đặt chân lên Bắc Cương, kỳ thật cũng chả khác ngươi bây giờ là mấy, ngày nào cũng ủ rũ chán chường.”
Chu Kỳ cố ý vặn lại hắn: “Có thể phục dịch dưới trướng Vương gia là hạ quan may mắn, ủ rũ ở đâu nào.”
Lô Ngang khẽ thở dài: “Rượu say nhả lời thật, đêm nay ta và ngươi tán gẫu cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi, sáng mai tỉnh lại chẳng ai nhớ rõ.”
Đáp lại hắn cũng chỉ có lặng im, Chu Kỳ gục mặt xuống bàn, gà gật rã rời.
Lô Ngang như hồi ức những năm tháng xưa cũ: “Đó là chuyện của hai mươi năm về trước, ngươi biết họa Nguyên hữu không?”
Không đợi Chu Kỳ trả lời, hắn đã tự lẩm bẩm: “Sau họa Nguyên hữu, Cam Châu[8], Qua Châu[9]đều về tay Đột Quyết[10], Thổ Phiên[11] cũng lợi dụng thời cơ cuỗm lấy Sa Châu[12], Túc Châu[13]và Khuếch Châu[14]. Lũng Tây mang tiếng là tọa ủng mười tám Châu, thực tế chỉ có Lương Châu, Tần Châu[15], Vị Châu[16] và mười một Châu còn lại.”
Chu Kỳ khẽ nhíu mày, chuyện này y biết, song không hiểu giờ phút này Lô Ngang đột nhiên nhắc tới là có dụng ý gì.
Nốc một ngụm rượu lớn, Lô Ngang lại tiếp tục nói: “Tiên Tĩnh tây vương là ấu đệ của tiên đế khi đó, từ nhỏ đã được sủng ái vô cùng.”
Chu Kỳ “A!” lên một tiếng, Lô Ngang cười khẩy đầy trào phúng: “Chắc chắn điều ngươi nghe được là ngài không được tiên đế coi trọng đúng không? Ta cho ngươi hay, nếu không phải đám sĩ tộc đương thời ủng hộ đương kim Thánh Thượng thì có lẽ ngôi vị Hoàng Đế này hiện thời đã là của Vương gia chúng ta rồi.”
“Bị gièm pha hãm hại, tiên Vương không còn cách nào khác là mang Vương phi và ấu tử lang bạt từ Trường An trù phú, bôn ba ngàn dặm tới Lương Châu. Lương Châu khi đó cũng không đông đúc trù phú như bây giờ.” – thấy Chu Kỳ chăm chú lắng nghe, hắn giải thích: “Ngươi có nhớ cảnh tượng khi chúng ta đi ngang qua Tần Châu không? Lương Châu khi đó còn thua xa, cả thành trần ngập ngụa bão cát như thành hoang.”
Giọng điệu Lô Ngang càng thêm bi phẫn: “Tiên Vương ý chí quật khởi, đại sự chỉnh đốn, không đến một tháng, tình hình Lương Châu đã khác trước rất nhiều. Sau đó, Tiên vương chiêu binh mãi mã với ý muốn thu hồi lại những mảnh đất bị mất. Ai ngờ, ai mà ngờ…” – hắn nức nở: “Chẳng biết là thứ ác tâm nào hãm hại, ko thấy tiên Vương vẫn dốc lòng vì dân vì nước đó sao…”
Chu Kỳ mẫn cảm hỏi han: “Chẳng lẽ trong cái chết của tiên Tĩnh tây vương có điều gì mờ ám ư?”
Lô Ngang căm phẫn hỏi ngược lại: “Ngươi đã gặp ai bệnh chết mà người be bét máu, chết không nhắm mắt chưa?”
Hắn hít sâu mấy hơi, bình ổn tâm trạng, bi thương thều thào: “Vương phi không chịu nổi đả kích quá lớn mà chẳng mấy cũng đi theo tiên Vương, tiểu Vương gia phải đứng ra tiếp quản tước vị, thêm cả cục diện rối rắm khi đó. Lúc ấy, tiểu Vương gia mới có sáu tuổi mà!”
Chu Kỳ âm thầm phác thảo lên hình ảnh Hiên Viên Phù sáu tuổi khi đó, tiếc rằng không có kết quả.
“Chúng ta đều là cựu thần theo tiên Vương từ Trường An, phụ tá tiểu Vương gia trông coi mảnh đất hoang lạnh này, mười năm âm thầm náu mình để có được Lương Châu hiện tại, lại thêm chục năm chiêu binh mãi mã mới có được quân đội Lũng Tây hiện giờ. Hết thảy có liên can gì với Hiên Viên Giản vênh mặt hất cằm an tọa tại Lạc Kinh kia chứ?”
Chu Kỳ thấy Lô Ngang càng nói càng quá đà thì lập tức cắt lời hắn: “Lô đại nhân, tuy đây là Lũng Tây, nhưng dẫu sao cũng tai vách mạch rừng, có mấy lời, bớt nói lung tung vẫn hơn.”
Lô Ngang giương mắt nhìn y, bật cười: “Ngươi cũng đâu phải trung thần của Thánh Thượng, Chu gia các ngươi có tính toán của riêng mình mà.” – đoạn hắn vỗ vỗ mu bàn tay Chu Kỳ, “Điều ta biết, tất nhiên Vương gia cũng biết.”
______________
1. Dư Hàng: thành phố của thỉnh Chiết Giang.
2. Tây Thục: thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.
3. Ngô Trung: là một quận thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
– Ngô nữ: ý chỉ nữ tử vùng Tô Châu.
4. Thanh Lâu khúc – Trâu Đăng Long
Thanh lâu nhi nữ độ trăng tròn,
Lược ngọc tóc vấn mây ngàn thướt tha.
Ngàn vàng học vũ bái ca,
Mới được dạy khúc ca từ Lương Châu.[*]
Thiếu niên yên gấm hoa câu,
Say mang trâm ngọc ước cầu thảo hương.
Tây Phong lầu, nhạn vấn vương,
Vũ y tan tác hoa dường đảo điên.
– Được biên soạn và hiệu đính bởi Miss & Miyukj
– Hoa: ý chỉ nàng kỹ nữ
– Lương Châu từ hay Lương Châu khúc là một điệu hát cổ của người Trung Hoa nói về chủ đề trận mạc, biên ải.
5. Gảy, búng, câu, tì: các kỹ năng đàn.
6. Hán cung thu nguyệt: Một trong thập đại tuyệt tác cổ cầm Trung Hoa. Khúc cầm kể lại tâm tình của cung nữ thời xưa thường bị áp bức, khóc lóc thê lương, gợi nên sự đồng cảm của mọi người.
7. Ngựa chiến Xích thố nổi tiếng của Quan Vũ vốn là ngựa của Đổng Trác. Trác mang tặng Lã Bố để mua chuộc Bố phản Đinh Nguyên về theo mình. Lã Bố bị giết, ngựa về chuồng của Tào Tháo(Tào Mạnh Đức). Tào Tháo muốn lấy lòng ông bèn tặng ngựa xích thố cho ông. Ngựa quý một ngày có thể đi ngàn dặm, sau này theo Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng và lập nhiều chiến tích khác.
8. Cam Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Trương Dịch, tỉnh Cam Túc.
9. Qua Châu: là một huyện của địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc.
12. Sa Châu: ngày nay là Đôn Hoàng – một thị xã thuộc địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc.
13. Túc Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Nó là một trong số 17 quận thuộc tỉnh Cam Túc.
14. Khuếch Châu: nay là bắc Tiêm Trát, Thanh Hải, giáp ranh tỉnh Cam Túc.
15. Tần Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc.
16. Vị Châu (Vị Nguyên): là một huyện thuộc địa cấp thị Định Tây, tỉnh Cam Túc.
10. Đột Quyết: là tên một liên minh các dân tộc du mục thuộc các dân tộc Turk ở khu vực dãy núi Altai và cũng là tên gọi một hãn quốc hùng mạnh ở Trung Á trong giai đoạn từ thế kỷ 6 tới thế kỷ 7.
11. Thổ Phiên: Thổ Phồn hay Thổ Phiền, là tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc từng thống trị Tây Tạng, khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9.
Bình luận truyện