Xuân Yến

Chương 1-3: Kỳ chiếu thư tín và sáng tác (2)



Trong không gian tổn thương ấy, trong phòng trọ đóng cặn những chất thải và cáu ghét, lưu cữu mùi vị ham muốn tiếng vọng và ký ức của người lạ, tôi bắt tay vào viết một cuốn sách mới.

Trên chiếc bàn viết bong sơn kê bên cửa sổ linh kinh sách vở, tách trà, gạt tàn, thuốc lá, chai rượu, bút viết các loại, giấy nhớ, hoa quả và sô cô la. Tôi không ăn quà vặt nào khác, không có nhiều đam mê với thức ăn. Làm việc nghỉ ngơi theo quy củ, sáng 6 giờ ngủ dậy, sang quán nhỏ gần đấy uống sữa đậu nành. Bữa điểm tâm là một bát cháo nóng. Về phòng, bắt đầu viết. Bữa trưa gọi cơm đến tận nơi. Ăn xong chợp mắt chừng hai mươi phút rồi mải miết làm việc đến tầm 6 giờ chiều. Giữa khoảng thời gian đó uống rất nhiều trà mạn và liên tục hút thuốc.

Bữa tối ở ngoài. Thả bước khá lâu quanh khu thành cũ. Đôi lúc đến quán bar trang hoàng diêm dúa uống một cốc rượu mạnh địa phương, xem dân bản xứ gào rống karaoke trong căn phòng nhập nhoạng ánh đèn.

Đêm khuya trở lại quán trọ, tắm nước nóng trong phòng tắm lốm đốm vết gỉ. Nước nóng bốc hơi ngùn ngụt, lâu lâu lại cầm vòi sen xịt vào tóc, lưng, vai, bụng, đùi, bắp chân. Thiếu vắng vuốt ve và âu yếm, tấm thân cô đơn chẳng khác nào ao nhỏ thả bạt ngàn bèo cái, trong ruột toàn những tĩnh lặng và tù đọng. Cũng là một dạng rữa nát, tôi cho là thế. Trong sinh hoạt và trong công việc, tôi thường lẫn lộn giới tính của mình. Đôi lúc cảm thấy mình là một tổng thể nam và nữ. Đôi lúc lại cảm thấy mình phi giới tính.

Cuối cùng rúc tấm thân đã tắm rửa sạch sẽ vào chiếc giường đơn trải chăm đệm cứng quèo, cứ thêm một vòng tuần hoàn tất cả những hành vi kể trên, thì lại hết thêm một ngày.

Lo âu và mất ngủ khiến tôi nhiều hôm hút đến hai bao thuốc. Viêm hầu, viêm amidan, viêm cuống phổi theo nhau hoành hành, nhưng kể cả thế cũng không thuyết phục nổi tôi cai thuốc. Con người ta mà bắt đầu tiếc mạng sống thì tức là đã đến lúc suy tàn, đây là câu một người đàn ông nói với tôi. Khi ấy tôi đến phỏng vấn, ông ta mời tôi một điếu thuốc và hỏi, cô không cai thuốc chứ? Không, tôi đáp. Tốt, ông ta nói, như vậy thì dù thời gian qua đi cô cũng vẫn trẻ trung. Ông ta là một ngôi sao điện ảnh hết thời, biết làm thơ, đã từng hoạt động trong một nhóm nhạc, mắc chứng trầm cảm nặng. Nửa năm sau, ông ta chọn cách nhảy lầu tự tử. Rơi tự do từ tầng thứ 28 xuống nóc một chiếc Porsche. Chết ngay tại chỗ.

Tôi không biết mình sẽ dừng chân ở đây bao lâu. Không biết bao giờ rời khỏi. Không biết phải làm thế nào mới đi được tới tận cùng thế giới.

Thành phố này đem lại cho tôi cảm giác an toàn khó tả, hơi hướm và tiết tấu của nó, thăng trầm và nhịp điệu do nó mang lại thấm thía hoàn hợp với nội tâm tôi. Có lẽ cuộc sống của tôi cần đến khai phá, thanh lọc, từ bỏ. Không nghi ngờ gì nữa, tôi biết chỗ thất bại của mình.

7

Có lúc đọc sách đến tận đêm khuya. Đọc Thái Bình ngự lãm, Sưu thần kí, Liêu trai chí dị, Cổ thi nguyên, Lễ kí... nghiền ngẫm những danh từ khó hiểu, chìm đắm trong tưởng tượng quỷ quái. Đọc hết số sách đó có tác dụng gì, sẽ đi đến đâu... dù lòng thắc mắc nhưng chẳng màng phân tích. Vì thâm tâm biết rằng, chúng không liên quan gì đến hiện thực quanh tôi cả.

Tắt điện thoại trong thời gian dài. Trước khi đi ngủ thì mở ra một lần. Ngoài lời thăm hỏi của biên tập viên nhà xuất bản, thư thúc bài của chuyên mục báo, bản tin bất động sản, không ai thử liên lạc hay hỏi han tôi. Lãnh địa sinh hoạt riêng tư của tôi là một vùng đất hoang. Không bạn bè, không hoạt động, không giao lưu, không trao đổi. Hễ không cần thiết, tôi không tìm ai, cũng không ai tìm tôi. Đối với người đời, thâm tâm tôi đã quen duy trì bản năng quan sát hơn là hứng thú thực sự.

Con người mà bị thế gian quên lãng, nhất định cũng sẽ chọn cách quên lãng thế gian. Trở thành một người không có gì để nói, đồng thời khiến trạng thái đó trở nên tự nhiên, hơp lý. Dần dần cảm thấy ngôn ngữ vô dụng, chỉ có hành động mới đáng quan tâm mà thôi. Đơn thuần tập trung vào công việc, không hỏi han chuyện gì khác cả. Khi sáng tác, bàn phím nảy lún dưới những ngón tay, câu chữ trong lòng ào ạt tuôn ra, thể xác như bộ biến áp truyền đưa năng lượng và nguồn điện.

Tôi cảm thấy sáng tác không phải là một hoạt động trí não thuần túy có thể sinh sôi nảy nở nhờ lý tính, kỹ năng và hưng phấn. Thực tế nó là mệnh lệnh do trật tự cuộc sống ban ra. Tôi mất ba năm sắp đặt xem xét, cuối cùng hiểu rằng sáng tác là một nhiệm vụ. Nó cần tôi. Nhờ đi con đường của nó, tôi tìm được chỗ đứng giữa trần ai. Nó trở thành một nghi thức và biểu tượng của cuộc sống.

Tôi nghĩ, nếu không sáng tác, chắc tôi chẳng tìm được chốn dung thân trên thế gian này.

Ngoài viết lách, cuộc sống của tôi hình như không còn gì nữa cả.

8

Ở Kỳ Chiếu đến ngày thứ bảy, tôi nhậ được thư điện tử của một cô gái xa lạ. Cô sống ở Laceys, một thị trấn nhỏ gần Brisbane. Có hai đứa con lai với anh chồng người Úc. Cô tự giới thiệu là độc gải của tôi.

Tôi viết thư này tại bàn ăn, trong bếp, trên lò đang đun một món chuẩn bị cho buổi tối. Lũ trẻ nô đùa rồi nghỉ mệt, tôi tạm thời có thể tách mình ra khỏi việc nhà lặt vặt, tranh thủ chút thời gian để viết thư cho chị. Từ cửa sổ nhìn ra là bầu trời xanh thẳm riêng có của Laceys, dãy núi đằng xa nhô lên một đỉnh nhọn, dòng sông lững lờ chảy qua ruộng đồng. Những cây sồi già như tán dù xanh xòe ra trên rìa đồng dã. Tôi sống ở đây đã năm năm rồi.

Năm mười sáu tuổi, ra nước ngoài du học, tôi tình cờ trông thấy sách của chị ở hiệu sách sân bay. Khi ấy chị mới phát hành ấn phẩm đầu tiên, sáu câu chuyện đơn thuần mà hoang đường, tên sách là Lục đoạn. Cuốn sách nhỏ ấy, mười ba năm sau có lẽ chị không muốn nhắc đến nữa. Một cuốn sách phơi bày ruột gan, không lấp liếm, không che giấu, y như một mối tình. Trên chuyến bay kéo dài mười hai tiếng, tôi đã bật đèn đọc sách đọc cho bằng hết. Tôi đem lòng yêu chị, nhưng hiểu rằng chị không màng biết đến. Chị sẽ cô đơn đến chết, dù được cả người lạ yêu thương.

Mười ba năm sau, tôi viết thư cho chị. Chị là người duy nhất trên đời này mà tôi có thể gửi thư. Nghe tiếng lách cách khe khẽ phát ra khi những ngón tay đậu xuống bàn phím, không hiểu vì sao tôi bỗng nhớ tiếng mưa chạm mặt biển, là cảnh thường gặp trên hòn đảo từng sống thời ấu thơ. Những hạt mưa ở đó dồn dập, đêm đêm ngày ngày, từ cửa sổ nhìn ra chỉ thấy nước biếc bao la trải đi xa mãi. Lớn lên, tôi muốn sống ở một nơi phong phú âm thanh hỗn tạp. Bẩn thỉu và đông đúc khiến tôi cảm thấy an toàn.

Tôi là trẻ mồ côi, được nhận về nuôi, bắt đầu sống với người ấy từ năm năm tuổi. Hồi nhỏ tôi chỉ muốn biết, người cứ một mình một bóng dạn dĩ liều lĩnh như bà thì sẽ có kết cục thế nào. Bà là bông hải đường thô tháp nở bung bên hàng giậu, tôi là bóng đổ trên nền cát của một đóa hoa có hình đám mây. Bà hơn tôi hai mươi hai tuổi, nhưng khoảng cách đó không ngăn được tôi chiêm nghiệm số phận của mình và bà.

Hai mươi tư tuổi chọn con đường khác với những cô gái đồng trang lứa, tôi kết hôn sớm, theo một người đàn ông đến Nam bán cầu, sinh con đẻ cái. Tôi có cảm giác, nếu chóng vánh làm cho xong những chuyện quan trọng từ khi còn rất trẻ thì đời mình sẽ được đẩy nhanh và thu ngắn. Nhiều khi thấy thời gian vùn vụt, chỉ buông thả chốc lát là trôi hết. Đôi lúc lại có vẻ rất dài, khiến người ta sinh ra chán ngán. Thi thoảng tôi vẫn băn khoăn, không biết nên sống tiếp thế nào cho hết cuộc đời này đây.

Chị đang ghi chép, viết lách, không chút rảnh rang. Chúng ta thật ra đều sống bấp bênh trên miệng vực của chúng mình, buồn tẻ lặng lẽ đến mức tưởng đâu không khí còn phát ra tiếng xèo xèo, thật khổ! Hôm nay, tôi định bắt đầu với chị, bất kể chị thích hay không, tôi vẫn tiếp tục kể cho đến hết.

Câu chuyện về mẹ và tôi.

Tên tôi là Thẩm Tín Đắc.

Cô đính kèm một tấm ảnh theo thư. Độ phơi sáng hơi cao, rìa ảnh cháy sém cả. Cảnh trong ảnh giống như ở vùng nhiệt đới, kiến trúc theo phong cách thực dân với cửa sổ lá sách màu lam tối. Bàn tay con gái nhỏ vịn trên bậu cửa kính ngóng ra ngoài, tóc suôn đen nhánh, mái chạm chân mày, váy bồng trắng bằng voan nhẹ. Những ngọn tóc anh ánh nơi đầu vai. Tâm gương hình bầu dục gắn trên tủ thấp phản chiếu hình dáng một cô gái đang chụp ảnh, mặc váy xanh trứng sáo, tóc tết rồi cuộn lại thành búi, chân trần, tay cầm máy ảnh tự động Hasselblad.

Cạnh gương là chiếc ghế gỗ sồi kiểu Pháp theo phong cách thời Napoleon, những hình vẽ hoa lá quấn quýt và đệm tơ lụa trông đã run rút. Lưng ghế máng một chiếc áo choàng bằng lụa mềm. Trên thảm đặt đôi giày vũ ba lê mũi tròn bằng lụa trắng. Bậu cửa sổ phủ đầy những cánh hoa rum chi chít như ngọn lửa.

Ở góc dưới bên phải, nơi diềm trắng của tấm ảnh, có một hàng chữ nhỏ viết bằng bút máy:

Lào, Luang Prabang, Naya, Tín Đắc năm tuổi.

Ngày tháng cho thấy tấm ảnh này chụp vào tháng Năm của hai mươi tư năm về trước.

9

Người lớn và trẻ con trong bức ảnh này trông hết sức quái lạ, như thể tách rời khỏi thời đại, không liên quan gì đến thế nhân.

Tôi vốn đã thôi hứng thú với chuyện của người khác từ lâu rồi. Khi độ từng trải và kiến thức đạt đến mức nào đó, nắm được kết cấu của tính cách con người thì sẽ dần dần hiểu ra, tất cả các câu chuyện trên đời đều na ná về đại thể, khác chăng là tiểu tiết, ví như thời gian, địa điểm, và duyên phận mà thôi. Chẳng còn gì mới mẻ dưới ánh mặt trời. Chúng ta không cần tò mò quá. Suy đến cùng, nguyên tắc và trật tự sống mà mỗi người áp dụng đều bắt nguồn từ một sức mạnh giống nhau.

Tuy thế, tấm ảnh này vẫn khiến tôi chú ý bởi vẻ xa xăm đẹp đẽ và phong vị nơi đất khách mà nó toát ra. Nét mặt và ngoại hình của hai mẹ con họ cũng không thuộc dạng bình thường có thể bắt gặp trên đường hay bất cứ đâu. Họ không giống người Trung Quốc, cũng không giống người nước ngoài. Không có sự khác biệt về biên giới. Là hai người tự nhiên, bị xô đẩy bởi dòng chảy tâm linh nội tại và phiêu bạt theo nó.

Vì thư này mà tôi lập riêng một ngăn trong máy tính để lưu trữ. Ở đô thành đã bị thế gian lạnh nhạt, ở hoàn cảnh đã bị người đời lãng quên, không ai nhớ nhung hỏi han vỗ về yêu mến, bỗng có tin tức từ nơi xa gửi tới, vượt qua đại dương và biên giới, tìm đến hộp thư điện tử của mình, đây chính là một vườn hoa nhỏ để ta tạm thời chìm đắm luyến lưu. Nếu có vòi phun, có bóng râm, có bụi hoa, có chim ca, thì tôi vui lòng ở đây ngơi nghỉ. Nghe một câu chuyện đại đồng tiểu dị. Đến từ hồi ức của một phụ nữ xa lạ ở mé kia địa cầu, bên bờ đại dương.

Có lẽ hồi ức của Tín Đắc cần đến sự cất giữ của một người tương tự cô, một người chọn cách lãng quên nhân thế và để nhân thế lãng quên.

Cùng lúc cất giữ, tôi vẫn tiếp tục ở lại thành phố tồn tại một mình một kiểu này, cặm cụi viết tiểu thuyết.

10

Tôi trông thấy nữ chính trong truyện, Chu Khánh Trường, nổi lên khỏi nền trắng của màn hình soạn thảo văn bản đang từng ngày tăng dần số chữ.

Cô là một phụ nữ sống trong thế giới hiện đại. Cô bước vào câu chuyện lúc hai mươi bảy tuổi. Tạm thời đặt ở bối cảnh Thượng Hải đi. Thượng Hải là thành phố đậm chất Trung Quốc nhất mà ta có thể gặp được ở vùng duyên hải Đông Nam. Giống như một hòn đảo bế quan và cách biệt, lại như một lãnh thổ không biên giới, quá khứ từng va chạm với và bị phương Tây ồ ạt tấn công, hiện tại bừng bừng tham vọng về kim tiền và theo đuổi vật chất một cách vừa ráo riết vừa chán nản, tương lai như biển khơi dào dạt trên màu nền hư không. Nó là một thành phố bảo thủ vững vàng hoa lệ và quyền lực, cũng là một thành phố kiêu ngạo tổn thương nhẫn tâm và bền bỉ. Gánh trên vai một lịch sử đứt gẫy, biến đổi bởi một đám đông ý chí bừng bừng mà tinh thần hoang mang.

Năm hai mươi bảy tuổi, Chu Khánh Trường sống ở Thượng Hải. Sứ mệnh bấy giờ của cô là yêu và được yêu. Đây là một hành trình quan trọng nhưng không có nghĩa là duy nhất và cuối cùng, chỉ là một trong mấy nhiệm vụ ít ỏi và tính định mệnh mà cô đặt ra cho một cuộc sống bình thường. Nó sắp tìm tới nơi.

Cầm bút trở lại sau ba năm gián đoạn, tôi không lựa chọn những chủ đề rộng lớn và nhiều cao trào. Có lẽ tôi sẽ hướng về nội tâm của người bình thường, trong nội tâm đó cũng chứa đựng một thế giới sóng gió chìm nổi lớn lao vô hạn. Tình cảm và tâm hồn của Chu Khánh Trường đã mở ra với tôi từ lâu, qua vùng tưởng tượng và ám thị nào đó. Giống như vật chất tối (*) trong vũ trụ, nó xuất hiện thế nào thì chẳng ai hay biết nhưng quả thật nó đã huy động hết sự tồn tại và tĩnh tại trong không gian thời gian của mình, để đợi tôi tiến vào.

Đợi tôi đối chiếu, xác nhận, lắp ghép, thành hình cùng nó.

Lúc này.

Tôi trông thấy ánh mắt u uất ít niềm vui của cô, trông thấy bờ vai mỏng manh, xương quai xanh gồ lên như đôi cánh, những sợi tóc dài ngan ngát hương chân xỉ. Dáng cô chênh vênh, mỗi bước mỗi xa, thân thể và linh hồn bung ra âm thanh của sóng nước, ngọn lửa, dung nham, kim loại và hạt giống.

Tôi trông thấy cô năm mười bốn tuổi vô ý bước vào một đường hầm chỉ có thể dò dẫm độc hành, cuối đường thấp thoáng nguồn sáng, bóng hoa và cánh chim. Dáng vẻ lẻ loi ương ngạnh đi xuyên qua đó bằng tình yêu và ý chí.

Tôi trông thấy những con chữ lọt xuống từ kẽ tay, kéo theo bấp bênh và u ám, vừa tuôn ta đã chảy chìm vào nước, nứt vỡ bòm bọp. Giống như một dạng chết chóc. Một dạng khai sinh.

Tôi trông thấy sự bất lực của mình.

Tôi nhận ra rằng lúc này, ba người chúng tôi – một phụ nữ xa lạ nơi dị quốc tha hương đang hoài niệm, một cô gái trẻ trong tưởng tượng hư ảo, và tôi – sở hữu những vận mệnh với khuôn dạng và thuộc tính vừa tách rời vừa gắn bó. Mỗi người giống một bông trong cụm hoa trắng sum sê hình tán ô bung nở độ cuối xuân. Mỗi người tồn tại sinh sống ở một bình diện cách biệt nhau về thời gian và không gian, chẳng qua chỉ để thể hiện thế gian này nhỏ nhoi về hình thức mà lại chứa đựng một tổ hợp sinh mệnh lớp lang đầy ý nghĩa.

Và lúc này. Từng người chúng tôi đều đã xuất phát.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện