Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 5: Tiếc thay nước đục bụi trong



Thiều Hoa về đến trang trại thì mặt trời đã lên cao. Trời tháng chín bắt đầu lạnh. Hơi thu theo gió heo may len lỏi trong không gian, lá úa màu rơi lả tả. Nàng ngước mặt nhìn những đám mây trắng trôi lang thang trên sườn núi ngả màu đỏ mà lòng se lại:

– Ta mồ côi từ nhỏ. Chú ta thương ta, nhưng thím ta tàn nhẫn, đày đoạ ta chăn trâu khổ sở. Ta mải chơi, để trâu ăn lúa, thím ta đuổi ta đi, còn đánh ta tàn nhẫn. Ta lang thang tứ cố vô thân, thì gặp sư phụ. Người đem ta về nuôi ta, dạy ta, thương yêu ta như con đẻ. Sư phụ ta là người nghiêm khắc, hay trách phạt con cái người. Tiểu sư đệ là con út, thông minh, khôi ngô, hiếu thảo, mà còn bị người mắng là thường. Còn ta thì người thương yêu, lúc nào cũng ngọt ngào với ta. Suốt bảy năm ở với sư phụ, sư mẫu, ta chưa bị quở trách bao giờ. Ta là nữ đệ tử, người tin ta, đi đâu cũng mang theo. Ta nghĩ, nếu cha mẹ ta còn sống thì cũng chỉ thương ta đến thế là cùng. Ta sống hạnh phúc bên cạnh sư phụ, sư mẫu, sư huynh, sư đệ, thì xảy ra biến cố. Không biết nay sư phụ, sư mẫu ở đâu? Mấy tháng nay ta nhớ người, đêm ta thường khóc. So sánh nỗi buồn xa sư phụ, sư mẫu, với nỗi buồn cha mẹ chết, ta thấy cũng giống nhau. Nhưng... sư phụ ta thuộc dòng giống Âu-lạc, thù hằn người Hán. Người lại hay nhắc nhở truyện Mỵ Châu, lấy chồng ngoại tộc, làm mất nước. Trong trận chiến cảng Bắc, ta gặp Nghiêm Sơn, y là người có địa vị cao bậc nhất Lĩnh-nam, nếu y muốn, thì thiếu gì mỹ nữ, hầu xinh. Nhưng y đối với ta bằng cả một mối nhu tình. Ta phải làm sao bây giờ? Ta nghĩ lại mà thấy bất hiếu với sư phụ, sư mẫu. Trong lúc nhà tan, cửa nát, ta cứ nhờ y tìm sư phụ, sư mẫu, đưa người trở về Cửu-chân, rồi ta thú tội với người. Người tha tội thì thôi. Còn người không tha tội, ta đành tìm cái chết để đền đáp mối tình của Nghiêm Sơn.

Nàng trở về phòng nằm nghỉ, lơ đãng nhìn cảnh đẹp trời chiều, nông dân đốt rẫy, khói bay lên bầu trời trắng xanh. Nắng chiếu xuyên qua khói, rọi xuống đất thành màu tím. Nàng riu riu ngủ được một giấc, thì tiếng gõ cửa làm nàng tỉnh dậy. Nàng hỏi:

– Ai đây?

Tiếng nữ đệ tử ngoại đồ Phi Vân nói:

– Sư tỷ! Tất cả đệ tử, tráng đinh họp, mời sư tỷ ra dự.

Thiều Hoa mệt nhoài nói:

– Em nói với nhị sư huynh rằng ta mệt, không dự được.

Phi Vân ra một lúc rồi lại vào:

– Sư tỷ! Nhị sư huynh mời sư tỷ phải ra họp ngay.

Thiều Hoa nghĩ thầm:

– Tại sao sư huynh lại bắt ta phải ra họp? Chắc có tin tức gì về sư phụ, sư mẫu đây.

Nàng theo Phi Vân đến chỗ họp, thì không phải là đại sảnh, mà là ngọn đồi phía sau trang trại. Gần 100 anh em Đào trang ngồi thành vòng tròn, vũ khí bên cạnh. Người nào mặt cũng sát khí đằng đằng. Họ nhìn Thiều Hoa với con mắt thiếu thiện cảm.

Nàng hỏi Phi Vân:

– Có biến cố gì sao?

Phi Vân nhìn nàng với vẻ lạnh lùng đáp:

– Sư tỷ chờ một lát sẽ biết.

Mọi người đều dồn con mắt nhìn nàng, như muốn gây sự.

Thiều Hoa hoảng:

– Cái gì đã xảy ra?

Trịnh Quang đứng lên trịnh trọng nói:

– Các vị sư đệ, sư muội, hôm nay ta mời tất cả quý vị tới đây để giải quyết một vấn đề, đó là vấn đề sống còn của sư môn và chúng ta. Từ hôm xảy ra biến cố đến giờ, không hiểu sư phụ, sư mẫu ở đâu? Các vị sư huynh, sư đệ ra sao? Thứ nữa đến cái chết của sư muội Tường Loan. Hôm đó sư huynh đau mê man, khắp người không cử động được, nên không thể nào tra xét cho ra manh mối. Tuy vậy ta vẫn có mối nghi ngờ rằng trong chúng ta, có kẻ gian tế trà trộn để hại ngầm. Từ hôm qua đến giờ, ta đã tìm ra manh mối, biết được tung tích kẻ thù.

Đám sư huynh, sư đệ nhao nhao lên:

– Xin sư ca nói cho chúng tôi rõ.

Trịnh Quang liếc nhìn Thiều Hoa rồi hỏi:

– Sư muội! Sư muội là người biết hết tất cả. Sư muội có thể cho chúng ta biết được chăng? Sư môn chúng ta nhà tan cửa nát, kẻ chết người bị thương, gia đình ly tán. Chính bản thân ta, giờ này không hiểu vợ con còn sống hay chết? Điều đó không quan trọng lắm. Điều quan trọng nhất là sư môn chúng ta có kẻ gian ẩn náu, bán chúng ta cho giặc Hán.

Thiều Hoa nhìn thẳng vào mặt Trịnh Quang, tự nghĩ:

– Tại sao sư huynh lại cật vấn ta? Không lẽ sư huynh nghi cho ta giết Tường Loan hay sao? Có lý nào lại đa nghi, hại người chết đuối trên cạn được?

Nàng vốn là người thuần hậu, nhu nhã, nên trả lời:

– Có gì mà không hiểu? Sư muội Tường Loan bị kẻ gian ám hại, chứ không phải ngã. Bởi với võ công Tường Loan, tại sao sư muội có thể chết vì ngã ở một triền núi thoai thoải? Hôm đó tôi đã khám thi thể, thấy miệng ứa máu, ngực có vết âm kình khá nặng. Tôi không hiểu đó là võ công của môn phái nào, và ai đã ra tay. Suốt vùng Cửu-chân, không có môn phái nào lại luyện thứ võ âm nhu ấy? Sư phụ và Đinh sư thúc đã bàn rằng: Võ công Văn-lang có một thứ gọi là Phục ngưu thần chưởng, cứ một chiêu dương lại một chiêu âm, độc địa vô cùng. Hiện võ công âm nhu đã thất truyền. Ngay chưởng môn là Đặng Thi Sách cũng không sử dụng được. Không lẽ... không lẽ sư muội Tường Loan bị giết bằng võ công âm độc đó? Tôi thấy kẻ ra tay học chưa đến nơi đến chốn, nên sư muội vẫn có vết thương tím ở ngực. Chứ nếu thật là Phục ngưu thần chưởng thì người không một vết trầy, mà tạng phủ nát ra mà chết ngay.

Mọi người kêu ồ lên:

– Phong-châu song quái.

Thiều Hoa nói:

– Hôm tiểu sư đệ đánh nhau với Song-quái ở Cao miếu, có sử dụng một thứ võ công hết sức quái dị. Chính Song-quái cũng kêu lên là Phục ngưu thần chưởng, rồi bắt tiểu sư đệ đi. Tôi gần tiểu sư đệ từ lâu, chưa từng thấy y sử dụng võ công âm nhu bao giờ. Dù tiểu sư đệ có biết sử dụng chăng nữa, thì quyết không giết Tường Loan. Vậy trong chúng ta có gian tế của phái Tản-viên, đã ra tay giết Tường Loan. Phái Cửu-chân chúng ta không thù, không oán với phái Tản-viên, không lẽ họ lại gây hấn với chúng ta? Giữa chưởng môn phái Tản-viên Đặng Thi Sách với sư phụ là chỗ giao tình thâm trọng, quyết... phái Tản-viên không giết Tường Loan. Sư huynh là người kinh nghiệm nhiều, có cao kiến gì không?

Trịnh Quang cười khẩy:

– Được! Sư muội đã nói như thế thì ta phải tìm cho ra hung thủ. Sư phụ vắng mặt, ta là người lớn nhất ở đây, ta phải tìm cho ra và giết nó trả thù cho Tường Loan.

Thiều Hoa thở dài nói:

– Hôm ở Cao miếu, tôi ngủ trên chiếc võng ngoài sân, nửa đêm thấy một bóng đen chạy ra đường. Tôi theo dõi, thì thấy bóng đen đó vẽ lên tảng đá ven đường mấy dấu hiệu. Ngặt vì đêm tối, tôi không biết đó là dấu hiệu gì. Sáng hôm sau tôi ra xem thì thấy là chữ Vạn, dưới ghi địa danh chúng ta sắp đi qua. Tôi biết gian tế chỉ đường cho đồng bọn theo dõi chúng ta nên tôi xoá đi hết.

Trịnh Quang cười nhạt:

– Sư muội thật là người tinh tế. Những việc như vậy sao sư muội không cho ta biết? Sư phụ vắng mặt, ta là người có vai vế cao nhất ở đây mà?

Thiều Hoa luống cuống cau mày:

– Hôm ấy sư huynh đau chưa khỏi. Tôi có nói với sư huynh cũng vô ích.

Trịnh Quang đứng ra giữa sân, nói lớn:

– Sư muội! Đến giờ phút này mà ngươi còn muốn che dấu ư? Đêm đại chiến ở trong rừng, sư muội đã cùng một người Hán đấu kiếm, sư muội liếc mắt đưa tình với nó. Các vị huynh muội ở đây đều thấy. Tên Hán quan đó là Nghiêm Sơn, võ công rất cao cường. Chính mắt ta đã trông thấy y đấu chưởng với sư thúc. Chỉ một chưởng, sư thúc bị bại, ngã trên ván thuyền. Thế mà hôm đó y lại thua sư muội, cám ơn sư muội cho y mượn đường. Thực tế hắn chỉ dơ tay một cái là bắt được sư muội. Phất tay một cái là bắt hết chúng ta. Tại sao lại kỳ lạ như vậy?

Thiều Hoa nghe nhắc đến chuyện này, mặt nàng nóng bừng lên:

– Tôi... Tôi... cũng không biết nữa.

Trịnh Quang quát lên:

– Có gì mà không hiểu? Chỉ nhìn sư muội với nó liếc qua, liếc lại với nhau, thì đủ biết rồi. Theo sư muội nói, kẻ nào đó để dấu lại, cho nên Song-quái, Nghiêm Sơn mới biết đường chúng ta đi. Cũng vì thế Nghiêm Sơn mới đón đường gặp sư muội. Chúng ta đều nhìn tận mặt sư muội với nó nhìn nhau đắm đuối. Hắn lại tặng cho sư muội con ngựa chiến nữa. Giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt chúng ta, sư muội cùng hắn ruổi ngựa vào rừng tâm tình. Sư muội làm như thế mà đòi che mắt chúng ta sao? Nếu ta có đui mù, ngu si, thì hằng mấy trăm con mắt ở đây đâu có để sư muội mang voi mà bảo rằng thỏ được?

Trịnh Quang nói với mọi người:

_ Nước Âu-lạc ta hùng mạnh và lớn hơn nước Nam-việt của Triệu Đà. Võ công Âu-lạc ta bỏ xa Triệu Đà. Nỏ thần của ta bắn một phát cả ngàn mũi tên, quân Triệu Đà tan nát. Nhưng tại sao Âu-lạc bị bại? Chỉ vì Mỵ Châu bị gian tế Trọng Thuỷ đưa vào tròng tình ái, hại nước, hại cha, hại dân, rồi bản thân cũng chết. Đó là mối di hận của Âu-lạc chúng ta trải qua 184 năm. Cái hoạ Mỵ Châu trước chưa hết, thì cái hoạ Mỵ Châu thứ nhì đang tái diễn. Sư muội ơi, thế từ qua đến giờ, ngươi đi đâu vậy?

Thiều Hoa giận run người lên:

– Tôi... Tôi... đi cứu tiểu sư đệ.

Trịnh Quang hỏi:

– À thì ra thế. Ta thấy sư muội vượt đồi phía sau đi với một người, ta vội theo dõi. Sư muội, ta thấy hết rồi, ngươi cùng Nghiêm Sơn tình tự suốt đêm, sáng mới về.

Thiều Hoa uất người lên:

– Ta không có đi tình tự với Nghiêm Sơn, ta đi cứu tiểu sư đệ.

Trịnh Quang nói:

– Cứu tiểu sư đệ! Phong-châu song quái bắt tiểu sư đệ đi, võ công chúng còn cao hơn sư phụ, sư mẫu. Với bản lãnh sư muội thì làm sao mà cứu tiểu sư đệ?

Thiều Hoa hỏi vặn lại:

– Sư huynh bảo theo ta, thế thì phải biết rõ chuyện ta cứu tiểu sư đệ chứ? Tiểu sư đệ được ta cứu xong liền đi với Nghiêm đại ca, tìm sư phụ, sư mẫu.

Trịnh Quang thở dài:

– Đào trang tan nát vì quân Hán. Quân Hán muốn trừ diệt hết chúng ta, thế mà bảo tên quốc công dẫn sư đệ đi tìm sư phụ, sư mẫu thì con nít cũng không tin được. Nghiêm đại ca của sư muội tử tế nhỉ? Tại sao y lại tử tế với sư muội như vậy?

Thiều Hoa chảy nước mắt:

– Tôi cũng không biết nữa.

Trịnh Quang cười ha hả:

– Có gì mà không biết! Hắn muốn tìm một Mỵ Châu thứ nhì cho hắn mà thôi. Sư muội, Đào trang vì ngươi mà tan nát, Tường Loan vì ngươi mà bị giết, tiểu sư đệ vì ngươi mà mất tích. Hôm nay ta vì Âu-lạc mà giết một Mỵ Châu, vì Đào trang, Tường Loan mà đòi nợ sư muội. Ngươi rút kiếm ra đi.

Ghi chú của thuật giả:

Trong lịch sử các dân tộc trên thế giới, không một dân tộc nào mà lại có tính kỳ thị chủng tộc về phương diện hôn nhân như dân tộc Việt Nam. Nguyên do khởi từ Mỵ Châu lấy chồng ngoại tộc, rồi vì nhất tâm nhất chí với chồng, làm mất nước. Từ khi Thục bị diệt vong, dân Lĩnh-nam thường rất căm thù cái hận Mỵ Châu, nên giáo dục con cái thành kẻ thù, khinh ghét những người con gái Việt lấy chồng Trung Hoa. Sau này dù Trưng-vương đã dành được độc lập, nhưng tinh thần đó vẫn kéo đài trong lịch sử cho đến nay. Tiếp theo người Pháp, người Mỹ đến Việt Nam, các gia đình Việt Nam lại giáo dục con cái khinh ghét những người con gái Việt có chồng Pháp, Mỹ. Hiện nay cái di sản tinh thần này vẫn còn, dù chúng ta sống ở hải ngoại, dù người chồng Pháp, Mỹ rất lịch sự, tử tế với vợ Việt.

Trịnh Quang hô lớn:

– Sư đệ, sư muội, bao vây lấy nó. Đừng để nó chạy thoát.

Lập tức tiếng vũ khí loảng xoảng, trên 100 người bao vây kín xung quanh Thiều Hoa.

Thiều Hoa suy nghĩ:

– Tiểu sư đệ không có ở đây. Hôm nay ta khó mà đối chất được với sư huynh. Nhưng ta muốn thoát thân, thực là thiên nan vạn nan.

Nàng rút kiếm ra nói:

– Sư huynh, tôi xin thề trước đất trời là tôi không giết sư muội, không làm gian tế cho người Hán.

Trịnh Quang cười gằn:

– Sư muội tưởng chúng ta ngây thơ như trẻ con hẳn? Ta không thể tin lời thề của sư muội được nữa.

Thiều Hoa khóc:

– Khi tôi 11 tuổi, mồ côi cha mẹ, đi ở cho người chú, làm nghề chăn trâu. Chẳng may để trâu ăn hết một đám lúa, bị thím đánh đập tàn nhẫn rồi đuổi đi. Tôi đi ở với người ta, bị hiếp đáp trăm bề cay đắng May gặp sư phụ cứu về, nhận làm đệ tử, dạy dỗ cho đến ngày nay. Tôi làm sao mà phản sư môn được.

Có tiếng một sư muội nói:

– Mỵ Châu được An Dương vương cưng chiều biết là bao? Chỉ vì mù quáng trước bã tình yêu, mà đem bí quyết chế nỏ thần cho Trọng Thuỷ. Thị còn rắc lông ngỗng đưa đường cho giặc. Chúng ta mất nước vì Mỵ Châu. Bọn Hán cai trị chúng ta, coi chúng ta như thú vật. Tên Nghiêm Sơn của Hán, thân cầm quân đánh Đào trang tan nát. Thế mà sư tỷ, đội ơn sư phụ như sơn, lại nháy mắt đưa tình, kêu kẻ thù là đại ca. Tình đấy nhỉ? Ngươi chỉ vì tình mà làm chúng ta khốn khổ đến thế này, mà còn chối được ư?

Thiều Hoa rút kiếm ngẫm nghĩ:

– Ta không phản sư môn. Cũng không hại sư muội Tường Loan, ta không để dấu hiệu cho giặc. Trong lòng ta trong sáng, nhưng sự thể như thế này, ta đành chết để tạ ơn sư phụ, sư mẫu.

Nàng đưa kiếm lên cổ tự vẫn. Vèo, một ánh thép sáng loáng bay tới đánh choảng một tiếng, hất tung lưỡi kiếm của Thiều Hoa ra ngoài. Một người từ trên cây gần đó nhảy xuống, y nhô lên thụp xuống mấy cái đã cắp Thiều Hoa vào nách trái. Tay phải đâm ba thế kiếm xoẹt... xoẹt... xoẹt... gạt kiếm của Trịnh Quang và mấy sư đệ ra ngoài, rồi phóng lên ngọn đồi.

Trịnh Quang hô lớn:

– Nghiêm Sơn, để sư muội lại. Các vị sư đệ, sư muội, chúng ta mau đuổi theo tên quan Hán, cứu sư muội.

Đám đệ tử, sư muội reo hò đuổi theo. Nhưng Nghiêm Sơn và Thiều Hoa đã mất hút ở chân đồi xa xa.

Nghiêm Sơn cắp Thiều Hoa chạy một lát, tới khe suối thì ngừng lại, để nàng xuống, an ủi:

– Cô nương, cô nương có sao không?

Thiều Hoa nước mắt đầm đìa, lắc đầu:

– Không sao cả. Nghiêm đại ca, sao đại ca biết tôi bị nạn mà đến cứu?

Nghiêm Sơn thở dài:

– Trên đường đi tìm sư phụ, sư mẫu cô nương, tôi cùng tiểu sư đệ của cô đàm luận. Tôi suy ra rằng trong đám người Đào trang có kẻ gian tế. Tiểu sư đệ cật vấn tôi kẻ gian tế đó là ai. Tôi phải thề với y rằng tôi không cài một người nào vào làm gian tế trong Đào trang. Y tin tôi. Từ cái chết của Tường Loan, và việc Song-quái theo sát đoàn người của cô, tôi đoán gian tế đó là của Song-quái. Tôi để tiểu sư đệ đi trước với người của tôi. Tôi trở lại dò tìm xem gian tế đó là ai. Nhưng chưa dò ra được thì gặp việc cô nương bị nạn, tôi ra tay cứu.

Thiều Hoa nước mắt ênh ếch:

– Nhị sư huynh bảo tôi là Mỵ Châu, tôi chưa rửa được tiếng oan, thì đại ca cứu tôi, thế là tôi trở thành Mỵ Châu thực sự với mọi người. Từ nay tôi không còn đất sống nữa.

Nghiêm Sơn là người khẳng khái, võ công chàng cao cường, đầy tinh thần nghĩa hiệp. Tuy là đại quan người Hán, song y nhìn người Hán, người Việt đều giống nhau. Trong cách đối xử, chàng không phân biệt. Đi đến đâu gặp bọn quan người Hán tàn ác, lập tức chàng ra lệnh xử tử. Vì vậy từ ngày chàng sang Lĩnh-nam, dân chúng được tự do, bớt cơ cực rất nhiều.

Hồi nhỏ chàng đọc sách của Khương Thái-công, của Tôn Ngô, Khổng Mạnh. Chàng mơ màng một ngày kia mang ra áp dụng. Chàng sang Lĩnh-nam, với uy quyền lớn, lòng tràn đầy thiện cảm với người Việt. nhưng... sự việc xảy ra không như chàng muốn.

Chàng nghe lời báo cáo của Thái-thú Nhâm Diên, rằng đất Cửu-chân có hai ổ cướp tụ tập trong Đào, Đinh trang, chàng bàn cùng thái thú Tích Quang, mang quân vào trợ chiến. Không ngờ sau trận chiến, chàng được biết Đào, Đinh chính là đất của anh hùng nghĩa hiệp.

Chàng khẳng khái nói với Thiều Hoa:

– Cô nương hãy gạt bỏ sầu muộn. Tôi không phải là kẻ ngu đần như Trọng Thuỷ. Cô nương cũng không phải là Mỵ châu. Việc chúng ta, chúng ta cứ làm, ai hiểu thì hiểu. Ai không hiểu thì mặc. Thời gian sẽ trả lời.

Mặt trời đã đứng bóng. Thiều Hoa hỏi:

– Đại ca đói không, để tiểu muội kiếm cái gì ăn đã.

Nghiêm Sơn hỏi:

– Giữa rừng núi bao la thế này, kiếm đâu ra thực vật bây giờ?

Thiều Hoa chỉ xuống suối nói:

– Đại ca không thấy sao? Kìa dưới suối đầy cá đang nhởn nhơ bơi lội, bắt lên nướng ăn, cũng đỡ đói.

Thiều Hoa sống ở vùng rừng núi, ven biển, quanh năm đầy cá, nên nàng rất thạo cách bắt cá. Nàng rút kiếm cắt một cây trúc ven suối, chặt lá, cành đi rồi vót nhọn. Nàng đứng trên mỏm đá giữa suối, nhìn đàn cá bơi lội qua, rồi phóng cành trúc xuống suối. Cứ mỗi lần phóng lại được một con cá. Nhìn dáng điệu thanh tú, tươi như hoa của nàng, Nghiêm Sơn nhủ thầm trong lòng:

– Ta có người vợ như Thiều Hoa thì dù chết đến mấy lần cũng cam tâm. Nhưng ta lại là người Hán. Người Hán tàn ác, coi người Việt như súc vật. Mới đây sư môn của nàng tan nát vì người Hán. Chính ta là người chỉ huy quân đánh phá. Thành ra giữa ta với nàng có cả mấy ngọn đồi ngăn cách.

Chàng ôn lại trong trí nhớ:

“Năm nay ta đã 26 tuổi rồi. Kể từ khi giúp nghĩa huynh Lưu Tú trung hưng nhà Hán, đến giờ đã 9 năm trời. Nghĩa huynh xưng Quang Vũ hoàng đế, lấy niên hiệu là Kiến Vũ. Có thể nói, ta là đệ nhất công thần nhà Hán. Kể từ khi khởi nghiệp, ta vào sinh ra tử, đánh dư trăm trận, đã chiếm được Trung-nguyên, ta chỉ huy các đại tướng Sầm Bành, Đặng Vũ chiếm chín quận thuộc Kinh-châu. Nhưng Kinh-châu thì phía Tây có Ích-châu, phía Nam có Lĩnh-nam đều không phục tùng nhà Hán. Ta đề nghị với nghĩa huynh, cần phải đánh chiếm Lĩnh-nam hầu có một cơ sở vững chắc. Từ đó mới tiếp tục đánh Liêu-đông, Ký-bắc, Lũng-tây được. Nghĩa huynh đồng ý, cầm gươm cắt đất thề rằng sau khi được thiên hạ, thì anh em sẽ chia nhau giang sơn, hưởng phú quý. Nhưng ta khẳng khái nói rằng: “Ta là người nghĩa hiệp. Giúp nghĩa huynh cũng chỉ vì nghĩa hiệp. Sau khi đại nghiệp thành, ta sẽ một người, một ngựa, tiêu dao sơn thuỷ giúp khốn phò nguy.” Nghĩa huynh đề nghị ta đánh Lĩnh-nam. Ta đưa ra ý kiến rằng Lĩnh-nam là đất xa xôi với Trung-nguyên, không cần mang quân đánh. Ta xin đem Hợp-phố lục hiệp theo, để kinh lược. Nghĩa huynh phong ta làm Lĩnh-nam công, lĩnh Bình-nam đại tướng quân, coi như cho ta làm vua Lĩnh-nam.

Ta âm thầm đến Lĩnh-nam. Ta cùng Hợp-phố lục hiệp thuyết phục các thái thú Nam-hải, Tượng-quận, và Quế-lâm đầu Hán. Hai thái thú Nam-hải, Tượng-quận theo gió mà quy phục, nên ta để nguyên cho họ ở ngôi vị cũ. Thái thú Quế-lâm chống lại, ta giết chết y và cử sư thúc của ta thay thế.

Ta tiếp tục tiến xuống Nam. Thái thú Giao-chỉ là Tích Quang, Thái-thú Cửu-chân là Nhâm Diên khoanh tay quy phục. Thái-thú Nhật nam chống lại, ta cũng giết chết, và cử một người thân tín thay thế. Vì vậy... trên thực tế, ta chỉ được có hai quận Quế-lâm, Nhật Nam. Còn bốn quận, thì Thái-thú vẫn nắm binh quyền, cắt cử các quan văn võ, luôn luôn trái ý ta. Nếu ta cử quân đánh chúng, thì hoá ra rối loạn, khiến cho Trung-nguyên lâm nguy. Bây giờ, ta cần thu phục anh tài Lĩnh-nam, đề cử họ vào những chức vụ quan trọng. Khi cơ sở đã vững chắc, ta mới có thể dùng quyền với bọn thái thú, hầu cải cách cho dân chúng được hưởng hạnh phúc. Trước mắt ta, Hán cũng vậy, Việt cũng thế, nếu ta tạo được hạnh phúc cho họ, thì mới đáng gọi là người nghĩa hiệp. Nhưng ngoài Hợp-phố lục hiệp ra, không ai hiểu được ta. Người Hán thù hằn ta tại sao lại đi bênh vực dân Việt. Người Việt coi là “con chó Ngô”, là bọn “Tàu phù kinh tởm.” Không ngờ trong lúc đánh Đào, Đinh trang, ta được một chú bé Đào Kỳ hiểu ta. Y không thù oán ta làm cho y nhà tan cửa nát, mà lại có ý tác thành vị sư tỷ sắc nước hương trời cho ta”.

Thiều Hoa trở lại với một xâu cá. Nàng chặt củi khô, đốt lên, nướng. Mỡ cá gặp lửa cháy xèo xèo thơm nức, làm Nghiêm Sơn nuốt nước miếng không ngừng.

Nàng nướng xong một xâu, giơ tay vẫy Nghiêm Sơn:

– Xin mời Bình-nam đại tướng quân lại xơi cá nướng.

Tuy là câu nói đùa, nhưng nó cũng như nhát búa đập vào ngực Nghiêm Sơn, chàng bước tới cạnh Thiều Hoa cầm lấy con cá nướng, mỡ cháy béo ngậy bóng loáng.

Thiều Hoa vẫn đùa:

– Đại nhân đã xơi cá rô ở đất Nam-man bao giờ chưa?

Nghiêm Sơn nghiêm nét mặt lại;

– Cô nương! Tôi là thằng con trai thô kệch, tên võ phu, được cô nương nhìn mặt đã là quý rồi. Huống chi cô nương không coi tôi là cừu thù, cùng tôi nói chuyện bên suối hoang này. Dù tôi có chết đến hai lần cũng không uổng cuộc đời. Huống hồ cô nương còn nướng cá cho ăn. Xin cô nương đừng gọi tôi là đại nhân, đại quan nữa. Giữa chúng ta, phải xoá bỏ tất cả những gì là Nam-man, ác Hán đi, có phải là đẹp biết bao không?

Thiều Hoa rung động toàn người, nàng không dám đùa nữa:

– Tôi đùa vậy thôi, đại ca đừng trách làm gì? Tôi còn bé nhỏ mà.

Câu “tôi còn bé nhỏ mà” thốt ra từ khuôn mặt đẹp như ngọc, với đôi mắt thành khẩn, làm Nghiêm Sơn ngây ngất. Chàng thấy trong ánh mắt trong đen trên khuôn mặt nhu nhã của nàng có hình ảnh mình. Chàng tự nhủ:

– Ta thực vô dụng. Nếu ta là Khuất Nguyên, ta sẽ làm một bài Sở từ để ca tụng nàng:

Nàng cùng ta bên bờ suối hề,

Bốn mắt đắm đuối nhìn nhau hề,

Ta thả hồn hề! Bơi lội trong lòng mắt nàng hề.

Chỉ có tình yêu là không cách biệt hề, thù hận mà chi.

Hán mà chi, Việt mà chi hề, ta nguyện yêu nàng.

Ta ước được quỳ dưới chân nàng hề, để tỏ yêu thương.

Nếu ta được ôm chân nàng hề, rồi chết cũng can tâm.

Thiều Hoa thấy Nghiêm Sơn đăm đăm nhìn mình, vội cúi đầu quay đi phương khác. Hai người ngồi im ăn cá nướng.

Trên đời Nghiêm Sơn, đã từng thưởng thức không biết bao nhiêu sơn hào hải vị, đây là lần đầu tiên chàng được ăn một bữa ăn giữa rừng, uống say rượu tình. Hồn phách chàng bay theo áng mây trắng trôi trên đồi xa xa.

Ăn xong Thiều Hoa nói:

– Nghiêm đại ca, bây giờ tôi không thể trở về với sư huynh, sư đệ của tôi nữa. Tôi đi tìm tiểu sư đệ của tôi, rồi cùng đi tìm sư phụ, sư mẫu. Còn đại ca! Đại ca về đâu?

Nghiêm Sơn thấy nàng như không muốn đi cùng mình, thoáng vẻ buồn ra nét mặt:

– Làm cho Đào, Đinh nhị trang bị tan nhà nát cửa là Nhâm Diên. Nhưng đại trượng phu phải quang minh lỗi lạc, tôi nhận mình có phần lỗi ở trong đó. Vậy tôi xin cùng cô nương và tiểu sư đệ của cô đi tìm sư phụ, sư mẫu cô. Người Đào, Đinh đông như vậy, mà thủ hạ của tôi cũng nhiều, tìm đâu khó?

Hai người lên đường, quẹo qua hốc núi, thì thấy Hợp-phố lục hiệp đang ngồi chờ ở đó. Nhất hiệp cung kính:

– Quốc công, chúng tôi tìm người suốt từ sáng đến giờ mà không gặp. Nay Quốc-công trở về thực may quá. Thôi chúng ta lên đường đi Long-biên.

Thiều Hoa hỏi Nghiêm Sơn:

– Đại ca! Đại ca là người kinh nghiệm nhiều, thử đoán xem ai là thù phạm giết Tường Loan, và họ ẩn nấp ở Đào trang để làm gì?

Nghiêm Sơn biết Thiều Hoa hỏi câu đó thì đã hết nghi ngờ chàng là thủ phạm gài người vào Đào trang, nên vui vẻ đáp:

– Tôi nghĩ chưa ra. Trong đám huynh đệ của cô, thì chỉ có cô với Trịnh Quang là có khả năng đánh một chiêu kết liễu tính mạng Tường Loan. Võ công nhà cô thiên về dương cương thì nhiều, mà âm nhu thì ít. Nhưng chiêu thức mà Tường Loan bị giết hoàn toàn âm nhu. Nội công âm nhu ấy tôi nghĩ không phải của Đào trang, mà là của phái Tản-viên. Hơn nữa muốn có âm kình đến trình độ đó, thì phải trải qua ít nhất là bảy, tám năm luyện nội công. Cô nương, cô nương đến Đào trang được mấy năm rồi?

Thiều Hoa đáp:

– Tôi là đứa trẻ mồ côi, tứ cố vô thân, bị người đời làm nhục, được sư phụ cứu về nuôi dạy từ năm 11 tuổi, đến nay là bảy năm. Còn nhị sư huynh là con người tỳ nữ của sư phụ tôi, đến Đào trang từ năm 13 tuổi, đến nay là 12 năm. Lúc đầu tôi nghĩ Trịnh Quang giết Tường Loan. Nhưng sau tôi thấy không phải vì hôm ấy Trịnh Quang bị thương rất nặng, không ra tay được. Còn trong đám sư muội, sư đệ của tôi võ công đều ngang Tường Loan, không ai đủ công lực giết nàng. Cuối cùng tôi nghĩ, có lẽ người của phái Tản-viên ẩn náu đâu đó giết Tường Loan. Bây giờ thì các sư huynh, sư đệ của tôi kết tội tôi giết sư muội... Ha! Thực là “Nước đục bụi trong là thế đó.”

Thiều Hoa thở dài nhắc lại:

– Dù tôi là nước bị tiếng là đục. Mà kẻ sát nhân lại được tiếng là trong. Đời chán quá nhỉ? Người ta đổ cho tôi giết sư muội, làm gian tế cho người Hán, và là... và là... Mỵ Châu.

Nghiêm Sơn an ủi:

– Cô cần tỉnh trí, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hung thủ, giết y trả thù cho sư muội cô, rửa tiếng oan cho cô. Còn cô không làm gian tế cho người Hán thì là đương nhiên rồi. Còn bảo cô là Mỵ Châu ư, cái đó... cái đó...

Thình lình có tiếng cười khúc khích:

– Mỵ Châu là Mỵ Châu! Thiều Hoa là Thiều Hoa! Mỵ Châu là một cô gái ngu xuẩn, khác với Thiều Hoa là một cô gái khôn ngoan. Trọng Thuỷ là anh chàng chung tình, sang làm phò mã Âu-lạc để mưu cướp nước. Còn Nghiêm đại ca sang đây với hoài bão diệt bọn Hán, Việt tham ô nhũng lạm. Muôn ngàn lần khác nhau. Trong con mắt tiểu đệ thì Nghiêm đại ca là một đại hiệp.

Thiều Hoa nhận ra tiếng tiểu sư đệ Đào Kỳ, mừng quá nàng reo lên:

– Tiểu sư đệ!

Đào Kỳ từ trên cây nhảy xuống. Nó múa cây côn đồng lấy ở đền thờ Cao Nỗ nói:

– Sư tỷ, chúng ta trở lại trang Cao hầu để tiểu đệ rửa tiếng oan cho sư tỷ. Tiểu đệ chắc không ai làm khó dễ sư tỷ đâu. Liệu nhị sư huynh dám giết tiểu đệ sao?

Nghiêm Sơn bảo Kỳ:

– Không được! Hoàn toàn không được! Chúng ta hiện chưa biết gian tế là ai. Sư đệ trở lại, có khi bị hại là khác. Thôi chúng ta đi Long-biên rồi đến Cổ-loa tìm người của Đào, Đinh trang đã.

Nghiêm Sơn bảo Hợp-phố lục hiệp:

– Lục vị sư huynh, sư đệ! Khi chúng ta khởi hành đi Lĩnh-nam, đã có lời hứa với nhau là làm sao ta cho dân chúng sáu quận được hạnh phúc. Hiện chúng ta mới nắm được hai quận. Còn bốn quận, quyền bính vẫn nằm trong tay bọn tham ô. Bây giờ nếu chúng ta bắt chúng cải cách, thì chúng sẽ trở mặt làm phản. Vậy tôi đề nghị thế này: Chúng ta áp dụng lối tằm ăn dâu, cải cách từ quận một.

Hợp-phố nhị hiệp Lư Dương hỏi:

– Theo ý sư đệ, thì bây giờ chúng ta kinh lược quận nào trước?

Nghiêm Sơn đáp:

– Giao-chỉ thì thế lực của Tích Quang quá lớn, chưa thể ra tay được. Cửu-chân thì qua trận đánh Đào, Đinh trang, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Nhâm Diên đã bị lộ. Trong chín thế lực Cửu-chân, có đến bảy, tám khinh ghét y. Trận đánh vừa qua, Đào hầu, Đinh hầu tuy người ít, thế cô, mà đốt phá phủ thái thú, giết vợ, con, mẹ già của y. Y hiện kinh hồn táng đởm. Trong trận đánh, hai sư trưởng thân tín của y bị đại đệ tử của Đinh hầu là Quách Lãng giết chết. Một bị trưởng nam của Đào hầu là Đào Nghi Sơn giết chết. Đệ nhân đó, cắt cử hai người thân tín thay thế. Sẵn giữa lúc y kinh sợ, tiểu đệ lên tiếng trách cứ y giữa các quan văn, vũ về tội “cáo gian.” Hiện binh quyền đệ đã nắm được. Y bị cô thế.

Hợp-phố tam hiệp Hà Thiên hỏi:

– Quan trọng nhất là phủ Đô-sát. Vậy hiền đệ phải cách chức Chu Khải. Rồi một trong anh em chúng ta nắm lấy.

Nghiêm Sơn cười:

– Không được. Đô-sát là chức vụ cần nhiều chân tay. Nếu bây giờ chúng ta giết Chu Khải, rồi nhảy vào thay thế thì hệ thống Tế-tác sẽ bị tê liệt. Tốt hơn hết tiểu đệ sẽ cử Vũ Hỷ vào chức vụ đó.

Hà Thiên ngạc nhiên:

– Chúng ta dùng tên ma đầu đó ư? Như vậy chúng ta sẽ tàn hại nhân dân không ít.

Nghiêm Sơn tủm tỉm cười:

– Tam ca ơi! Tam ca chưa quen dùng người. Đệ đã từng cắt cử trăm vạn người ở Trung-nguyên, nên rất thạo. Song-quái tàn ác, ta cử chúng vào chức vụ Đô-sát, chúng sẽ thẳng tay trừ khử bọn tay chân của Nhâm Diên, đưa người của chúng vào. Thế là hai phe Nhâm Diên, Song-quái chống nhau. Ta ở giữa thấy người của phe nào có tài, có khí tiết, thì thu phục lấy mà dùng. Sau khi Song-quái cầm quyền ít lâu, tính ác đã quen, y tàn hại dân chúng, ta dùng quân pháp chặt đầu y rồi anh em ta nắm lấy toà Đô-sát, thế thì mọi chuyện mới yên. Vậy... bây giờ các vị sư huynh âm thầm dùng binh phù của tiểu đệ, kinh lược Cửu-chân. Gặp Huyện-úy, Huyện-lệnh nào ác đức thì bí mật giết chết. Tiểu đệ sẽ cử người khác thay thế. Như vậy chỉ cần mấy tháng, ta sẽ nắm được đất Cửu-chân.

Lục-hiệp đi rồi, Nghiêm Sơn, Thiều Hoa, Đào Kỳ lên đường. Phải mất hai ngày mới tới Long-biên. Long-biên là vùng đất phì nhiêu, bờ xôi, giếng mật, cây cỏ tốt tươi. Trời đang tiết thu, lá vàng rơi vụng khắp nơi. Cây cỏ tiêu sơ, gió heo may hiu hiu đem cái lạnh len lỏi vào không gian.

Trưa hôm đó thì tới một con sông.

Đào Kỳ hỏi:

– Sông này là sông gì vậy?

Nghiêm Sơn nói:

– Đó là sông Hồng-hà. Sông Hồng-hà chẻ một nhánh đổ vào một cái hồ rất lớn, đó là Dâm-đàm, phong cảnh rất đẹp, chúng ta nên qua đó chơi cho biết. Có điều chúng ta phải cải trang thành người Việt để không bị chú ý.

Nghiêm Sơn lấy trong bọc ra bộ quần áo Việt mặc vào.

Chàng bàn với Đào Kỳ:

– Chúng ta đi tìm thân phụ của đệ thì cần tránh con mắt tò mò của mọi người. Ta giả xưng là Lạc tướng, còn Thiều Hoa với đệ giả làm em ta.

Thiều Hoa thấy Nghiêm Sơn bảo mình với sư đệ là em, có điều không ổn, vì hình dáng ba người quá khác nhau. Nhưng tính tình nàng vốn nhu thuận, nên không phản đối. Đoàn người tới bến đò.

Đào Kỳ nói:

– Nghiêm đại ca, nước ở đây chảy xiết quá, thuyền đi muốn không được. Hồi ở Cửu-chân, tiểu đệ thích lội lắm, có lần tiểu đệ bơi từ bờ đến đảo Nghi-sơn. Đại ca có biết lội không? Chúng ta nhảy xuống lội sang bờ bên kia đi.

Nghiêm Sơn sống ở vùng rừng núi, có khi quanh năm không nhìn thấy sông, chàng lội rất dở. Chàng thấy sông Hồng mênh mông chảy siết thì trong lòng đã sợ rồi, thì còn nói gì đến bơi sang bờ bên kia nữa.

Chàng lắc đầu:

– Ta bơi rất dở. Và dù có bơi giỏi đến mấy chăng nữa, nước sông chảy siết như thế này, làm sao bơi qua được.

Thiều Hoa cười khanh khách:

– Đại ca không biết đâu. Nó là con rái cá đất Cửu-chân đấy. Trong tất cả sư huynh muội trong nhà, nó là người lội giỏi nhất. Bọn chúng “em” chỉ luyện võ trên đất mà thôi, chứ tiểu sư đệ chuyên nhảy xuống nước luyện võ. Đánh nhau trên cạn thì “em” hơn nó, chứ đánh nhau dưới nước thì không lại nó đâu.

Vô tình nàng xưng “em” với Nghiêm Sơn, chợt nghĩ lại mặt nàng đỏ như gấc.

Thời bấy giờ, tại mỗi bến đò, đều có người chở thuê. Bến đò sông Hồng vùng Long-biên là nơi khách qua lại suốt ngày, trên bờ có mấy quán nước, bán hoa quả, bánh trái. Nhà đò có năm, sáu nhóm khác nhau. Đò ở đây lớn như thuyền đinh. Bến đò có năm cái thuyền lớn đậu sẵn. Phu đò thấy một người đàn ông, một thiếu nữ và một đứa trẻ, cưỡi ngựa, trang phục theo người Việt. Họ đoán đây là một Lạc-hầu, Lạc-tướng, nên lễ phép hỏi:

– Chẳng hay Lạc-hầu cần dùng mấy đò?

Thiều Hoa đã dặn Nghiêm Sơn không nên nói nhiều, sợ bị lộ hình tích, mọi sự do nàng và Đào Kỳ xếp đặt:

– Chúng tôi có ba người và ba ngựa, thì cần mấy đò? Giá chở bao nhiêu tiền?

Người chủ đò nói:

– Thưa cô nương, cần một đò cho ngựa, và một đò cho người. Xin cô nương cho một trăm đồng.

Sự thực giá thuê một đò qua sông như vậy giá có 20 đồng. Nhà đò đòi gấp năm lần, mà Thiều Hoa vẫn vui vẻ:

– Được, tôi trả cho ông 150 đồng. Thôi, dắt ngựa xuống đò đi.

Đò bắt đầu rời bến, nước sông đỏ như màu máu, dập dềnh chảy siết. Lần đầu tiên Đào Kỳ được đi đò trên con sông chảy siết như thế này, nó thích lắm.

Thiều Hoa là người tinh tế, nàng chú ý đến đám nhà đò. Con thuyền lớn như vậy mà chỉ có một người lái, hai người chèo. Mỗi lần người chèo kéo mái, con thuyền vọt lên trước như cưỡi trên sóng.

Nàng nghĩ thầm:

– Có lẽ họ chèo đò lâu rồi thành quen như mình luyện nội công vậy chăng? Hay là họ có võ công cao cường? Khó mà biết được.

Đò đã đến giữa sông.

Đào Kỳ hỏi người chèo đò:

– Này anh, anh cho tôi chèo một tí được không?

Người chèo đò hỏi:

– Tiểu công tử, công tử đã chèo đò bao giờ chưa? Nếu chưa thì đừng chèo, lỡ ra thuyền bị lật úp thì chết hết.

Đào Kỳ nói:

– Tôi đã chèo thuyền trên biển nhiều lần, nhưng chưa chèo trên sông bao giờ. Bởi vậy mới xin anh cho chèo thử.

Con đò tự nhiên đổi hướng, trôi theo giòng, chứ không sang ngang nữa.

Thiều Hoa bảo người lái đò:

– Này ông lái, chúng tôi muốn sang ngang sông, chứ không muốn đi xa, xin ông quay lại cho.

Người lái đò không trả lời, cất tiếng hát, giọng rất cao:

Ba mươi tết, tết lại ba mươi,

Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách.

Đây là bài hát của dân gian. Thời bấy giờ Việt bị Trung Hoa cai trị đã 184 năm, mối uất hận không nơi phát tiết, họ thường đặt ra những câu ca dao để châm biếm những người Việt xu phụ người Hán. Mục tiêu đầu tiên của họ là những người con gái Việt lấy chồng Hán. Họ gọi người Hán là “Thằng Ngô,” là “Chú Khách.” Ngô nguyên là một nước nhỏ ở cạnh nước Việt hồi Chiến– quốc, sau bị Tần đồng hoá, một số người Ngô chạy sang tỵ nạn ở nước Việt. Người Việt gọi họ là “Thằng Ngô.”

Thiều Hoa nghe câu hát chột dạ:

– Không lẽ người lái đò đã biết Nghiêm đại ca là người Hán, nên hát câu này để chửi xéo ta?

Người lái đò vẫn cho đò xuôi giòng nói:

– Cô nương không biết đấy thôi, nước chảy thì mạnh, mà sức người có hạn, nên phải cho chạy xuôi giòng, mũi hơi hướng sang bên kia bờ.

Ông dùng chân kẹp tay lái, mắt mơ màng nhìn về hạ lưu mịt mờ xa xa tận chân trời, rồi rút ra ở sau lưng một ống tiêu bằng trúc, đưa lên miệng thổi. Tiếng tiêu bay ra xa, dội vào sóng nước, vang trở lại hợp với tiếng tiêu thành một âm điệu kéo dài, sầu thảm dằng dặc. Khi thì bay bổng lên cao tản ra bầu trời xanh biếc mùa thu.

Đào Kỳ nói với ông lái:

– Này bác ơi! Tôi thấy ở mỗi con đò ngang, có người kéo nhị, có người đánh đàn, mà chưa bao giờ thấy người thổi tiêu. Bác lái ơi, bác vừa lái vừa thổi tiêu mà tiếng tiêu khi thì như khóc, như than của mối hờn vong quốc. Khi thì sầu thảm của người anh hùng không gặp thời. Có lúc lại đổi giọng hùng tráng như Hạng Võ từ Sở vượt sông đánh Tần. Khúc này tôi chưa từng nghe qua bao giờ.

Người lái đò:

– Tiểu công tử. Tôi nghe công tử nói tiếng hơi nặng, dường như ở miền Cửu-chân mới ra. Công tử còn nhỏ, mà đã nhận được tiếng tiêu mang giọng sầu thảm vô tận của người anh hùng, quả thực công tử là người tài tử vậy. Công tử có biết bài tiêu vừa rồi tên gì không?

Đào Kỳ nói:

– Tôi không biết âm nhạc, vả lại khúc tiêu vừa rồi tôi nghe lần đầu, nên không biết tên. Cứ nhìn nét mặt say sưa của bác, tôi biết bác là người soạn ra khúc nhạc này vậy.

Người lái đò chắp tay vái Đào Kỳ:

__ Thực là tri âm hạnh ngộ. Khúc đó tên là Cổ-loa di hận vậy. Đây là tiếng của những anh hùng khi qua Cổ-loa, nhìn bia tàn cây cỗi, nghe tiếng quốc kêu, như dục đã, như bồi hồi nhớ lại thời An-dương vương thủa xưa anh hùng là vậy, mà nay thì đâu? Để tôi thổi một khúc nữa, nhờ tiểu công tử phẩm bình.

Ghi chú của thuật giả:

Khúc Cổ-loa di hận được lưu truyền cho đến nay. Hồi thơ ấu, thuật giả thường được nhũ mẫu tấu đàn tranh và hát cho nghe khúc này nhiều lần dù bà là người... Trung-quốc. Tương truyền, tác giả là anh hùng dân tộc Nguyễn Tam Trinh sáng tác ra. Nguyễn Tam Trinh cũng là tổ của môn vật tộc Việt.

Người lái đò lại thổi một khúc khác, lần này tiếng tiêu nồng nàn, nhưng buồn man nác, đầy vẻ yêu đương. Tiếng tiêu dứt, mà Nghiêm Sơn, Thiều Hoa vẫn còn ngồi ngơ ngẩn xuất hồn.

Người lái đò hỏi Đào Kỳ:

– Xin công tử dạy cho ít lời.

Đào Kỳ nói:

– Khúc này khác khúc trước. Khi thì đầm ấm như tình yêu đôi lứa trên sông. Khi thì nỉ non như thiếu nữ phòng khuê một mình nhớ tình quân. Khi thì nức nở như đôi trai gái yêu nhau mà tình chẳng tròn. Này ông lái, đó là khúc gì vậy?

Người lái đò chắp tay vái một lần nữa:

– Tiểu công tử thực thông tuệ khác thường, đúng là tri kỷ của ta. Từ ngày ta soạn khúc này đến giờ, chưa một ai hiểu ta. Người hiểu ta đầu tiên là công tử đó. Khúc nhạc này có tên Trường hận Trương Chi. Công tử, công tử có thể cho ta biết quý danh được không?

Ghi chú của thuật giả:

Khúc Trường-hận Trương Chi tương truyền do Trương Chi sáng tác. Sau được anh hùng Nguyễn Tam Trinh sửa đổi, gọi là Trường-hận Trương Chi. Nay thất truyền.

Đào Kỳ vỗ tay khen:

– Thì ra là khúc Trường-hận Trương Chi. Tôi nghe nói thời Hùng vương có một người đánh cá tên Trương Chi. Người chàng thực xấu, nhưng tiếng tiêu, tiếng hát của chàng thì thực hay. Một ngày kia chàng đánh cá trong đêm trăng, thả đò giữa sông, thổi khúc tiêu vào với mây nước. Khúc tiêu bay đến phòng Mỵ Nương, con quan thừa tướng. Nàng Mỵ Nương yêu thương người nghệ sĩ, mà không thấy mặt. Rồi có thời, Trương Chi bị bệnh không đánh cá đêm, tiếng tiêu không còn đưa tới lầu Mỵ Nương. Nàng tưởng nhớ tiếng tiêu, tiếng hát mà thành bệnh. Các thầy thuốc đều không tìm ra bệnh Mỵ Nương, tưởng rằng nàng phải chết. Không ngờ đêm trăng sáng, Trương Chi lại chèo đò đánh cá, thổi tiêu. Mỵ Nương nghe tiếng tiêu của chàng trăm bệnh đều khỏi. Quan thừa tướng tìm ra cội rễ bệnh của con, người cho gọi Trương Chi đến để coi mặt. Khi Trương Chi bước vào, Mỵ Nương thấy mặt chàng xấu xí thì đuổi ra. Trương Chi bị đuổi, cảm thấy nhục nhã, nhảy xuống sông mà chết. Từ đó đêm đêm, hồn chàng hiện về, thổi tiêu, hát vang vang bên sông. Mỵ Nương thấy chàng chết, hối hận, đêm núp bên bụi trúc bên sông, để nghe tiếng tiêu của chàng. Nước mắt nàng nhỏ vào bụi trúc, nên ngày nay trúc đều có vằn như giọt lệ.

Người lái đò gật đầu:

– Công tử nhỏ tuổi, mà đã biết được những kỳ tích của thời Hùng vương. Công tử vẫn chưa cho tôi được biết cao danh, quý tánh?

Đào Kỳ nói:

– Cao danh thì không có đâu. Tôi họ Đào, tên Kỳ.

Ông lái đò giật mình:

– Chẳng hay công tử với Lạc-hầu Đào Thế Kiệt, nổi danh là Cửu-chân song kiệt có liên hệ gì?

Thiều Hoa liếc mắt chờ Đào Kỳ, nó hiểu ý sư tỷ, đáp:

– Cửu-chân có tới năm trang họ Đào, gia phụ tuy họ Đào, nhưng không phải là Cửu-chân song kiệt.

Người lái đò nói:

– Tôi hằng ngưỡng mộ danh tiếng Đào hầu từ lâu. Nghe ngài là người võ công bậc nhất vùng Cửu-chân. Dường như mới đây Đào trang bị quân Hán đánh phá, không hiểu ngài có còn tại thế không?

Đào Kỳ hỏi:

– Thì ra ông cũng là người có tâm huyết với đất nước. Chúng tôi cả gan dám thỉnh quý tính đại danh?

Đáp:

– Tôi họ Nguyễn, tên Tam Trinh.

Thiều Hoa, Nghiêm Sơn cùng úi cha lên một lúc. Còn Đào Kỳ nói:

– Thì ra là Đệ-tứ thái-bảo Sài-sơn, Nguyễn tiên sinh, sấng tổ về môn vật. Chúng tôi có mắt không ngươi, thực là khiếm lễ.

Đào Kỳ, Thiều Hoa đồng chắp tay hành lễ.

Ông lái đò chắp tay đáp lễ:

– Không dám! Không dám! Chẳng hay nhị vị đến Long-biên có chuyện gì? Đường Cửu-chân đến Long-biên xa diệu vợi, đất Long-biên là nơi rồng nằm hổ phục, phải cẩn thận.

Thiều Hoa nói:

– Cảm tạ lão bá có lời dạy dỗ, chị em chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ.

Tam Trinh nói:

– Các anh hùng Lĩnh-nam đều tụ ở đất Long-biên. Bọn chó săn tai mắt người Hán cũng không ít. Chư vị phải cẩn thận. Chư vị cải trang như thế này, che mắt dân chúng thì được, chứ che mắt những hào kiệt thì không được đâu, họ nhìn sơ là biết liền.

Đào Kỳ lễ phép hơn, nó tự xưng là cháu, không dám xưng tôi nữa:

– Lão bá, chẳng hay chúng cháu hoá trang có chỗ nào sơ hở?

Tam Trinh cười:

– Công tử cùng sư tỷ thì không có chỗ nào sơ hở cả. Nhưng vị đại nhân đây thì sơ hở nhiều. Thứ nhất là ba con ngựa đều là giống ở phương Bắc, không phải ngựa của Âu-lạc, Văn-lang. Kiếm của hai vị đúng là kiếm Âu– lạc, dài mà nhỏ. Còn kiếm của vị đại nhân đây là kiếm của vùng Hợp-phố. Ha... ha... các phái võ ở Cửu-chân đều chống giặc Hán. Hai vị là đệ tử danh gia, cớ sao lại nhẹ thể đi cùng với tên quan Hán này?

Thình lình, Tam Trinh đứng dậy phát chưởng hướng Nghiêm Sơn đánh liền. Nghiêm Sơn tuyệt không đề phòng, vì Tam Trinh đang nói, không có dấu hiệu, triệu chứng gì cả. Chiêu phát như vũ bão. Nghiêm Sơn xuất chưởng đỡ.

Bình một tiếng cả hai lảo đảo lùi lại. Nghiêm Sơn bị thuyền lắc lư đứng không vững.

Tam Trinh kêu lên:

– Giỏi! Thì ra một cao thủ người Hán. Tiếp một chưởng nữa của ta.

Ông lão phóng chưởng ra. Nghiêm Sơn vận đủ mười thành công lực đánh lại. Bùng một tiếng, con đò nghiêng đi. Nghiêm Sơn nhảy lên để khỏi bị ngã. Tam Trinh quét một cước ngang chân y. Trong khi đó, hai người chèo thuyền cũng cầm chèo làm vũ khí giao chiến với Thiều Hoa và Đào Kỳ.

Con đò không người lái, quay tròn giữa sông, rồi lật úp. Cả bọn chìm xuống sông. Đào Kỳ lặn ra xa, rồi trồi lên. Nó thấy Nghiêm Sơn đã bị bắt.

Thiều Hoa còn đang chống trả.

Đào Kỳ kêu lớn:

– Mai-động lão bá, đừng hiểu lầm, người nhà cả mà.

Còn con thuyền chở ngựa đã chèo đến, vớt bọn Tam Trinh cùng hai người chèo đò. Họ lôi Nghiêm Sơn, Thiều Hoa lên.

Tam Trinh gọi Đào Kỳ:

– Đào công tử, nhảy lên thôi!

Đào Kỳ nhảy vọt lên thuyền đáp xuống bên sư tỷ, thì thuyền đã cập vào một thôn bên sông.

Tam Trinh hỏi Thiều Hoa:

– Xin cô nương cho biết quý tính phương danh?

Đào Kỳ đáp:

– Sư tỷ của cháu họ Hoàng, tên Thiều Hoa.

Tam Trinh nói:

– Đào tiểu công tử là tri kỷ của ta. Ta không làm khó dễ công tử cùng sư tỷ đâu. Bèo mây gặp nhau, xin ghé thôn trang để cùng uống trà nên chăng?

Đào Kỳ thấy Tam Trinh võ công cao cường. Bắt người mà vẫn nói năng nho nhã, từ tốn, khiến nó tự nhủ thầm:

– Cha ta thường nói, phái Sài-sơn là đời sau của Phù-đổng Thiên-vương. Hiện phái này có tám vị Thái-bảo, võ công đạo hạnh khó ai sánh kịp. Họ là người tập võ, nhưng tiêu dao, phơi phới như tiên. Vị này là vị thứ tư, hèn chi nói năng nhẹ nhàng, hành động lịch sự.

Nó nói:

– Được cao nhân cho nghe nhạc, lại chở qua sông, ở đời dễ mấy khi có duyên kỳ ngộ. Nhưng còn vị đại ca của chúng tôi, tiên sinh định đối phó như thế nào đây?

Nguyễn Tam Trinh cười:

– Tôi cần biết y là ai đã? Dù là ai chăng nữa, thì cũng phải nộp trâu, bò để chuộc mạng theo thể lệ Lĩnh-nam. Nhưng y là quan Hán, thả ra thì dễ, lỡ ra y mang quân đến trả thù thì sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện