Ánh Trăng Trong Lòng Hắn

Chương 14



Nửa bên má Hạ Hứa rát rát đau nhói, không cần nhìn cũng biết là đã sưng lên. May là mũ trùm của áo lông rất lớn, viền mũ còn lót một vòng lông dày, nên đội nó lên thì người ngoài khó mà nhìn thấy mặt anh. Mấy hôm nay ông nội anh lại bệnh, giờ đang ở bệnh viện của khu tập thể, trong nhà không có ai hết.

Anh vội vàng về nhà, lấy khăn lạnh đắp lên má, tay còn lại châm điếu thuốc. Trong suốt cả quá trình này, anh không hề liếc qua gương trong phòng lần nào.

Anh sợ phải nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của mình.

Nếu Dụ Thần không tát anh lần này, thì tự anh cũng sẽ tát. Không có gì phải buồn phiền cả – đây vốn là một mối quan hệ tội lỗi, đã muốn chặt đứt thì phải chặt đứt hoàn toàn, tuyệt đối không được lưu luyến. Anh không thể mù quáng thêm nữa, dù có đau lòng đến mức nào… thì cũng không thể rơi nước mắt.

Hút liên tiếp gần nửa bao thuốc lá, thay hai cái khăn lạnh, cuối cùng cảm giác bỏng rát trên mặt anh cũng vơi bớt đi. Hạ Hứa nhìn đồng hồ — sắp đến giờ đến bệnh viện thăm ông nội rồi. Giơ điện thoại lên soi, không thấy dấu bàn tay nữa, chỉ còn hơi hồng hồng.

Không sao cả. Mùa đông lạnh thế này, anh cứ nói là má anh bị lạnh đỏ lên là được.

Mắt anh cũng hồng hồng. Anh dúi đầu lọc xuống gạt tàn, nghĩ bụng sẽ nói là mắt mình bị khói hun đỏ.

Bệnh viện rất gần khu tập thể. Ông nội anh đã già lắm rồi, người gầy nhất trong phòng bệnh đó, nhưng lại rất có tinh thần, đang nằm trên giường nhưng vẫn luôn miệng khoe với giường bên cạnh rằng cháu mình là một đặc công tài giỏi. Lúc Hạ Hứa mang cơm nước đến, ông nhìn mặt anh hồi lâu, đương lúc anh định nói “Bên ngoài lạnh quá” thì ông lại bảo: “Sau này đánh ai thì để ý một chút, đừng để người ta đánh vào mặt mình.”

Anh giật mình, vội vàng đáp: “Không đâu ạ, cháu có đánh nhau với ai đâu!”

“Không thì sao mặt lại hồng thế kia?” Ông nhận lấy cà mèn trong tay anh, quay sang bảo giường bên cạnh: “Thằng cháu nhà tôi có đẹp trai không? Hoa khôi của Cục cảnh sát đấy, sau này thế nào cũng cưới được vợ hiền! Chẳng qua lại không biết quý trọng bản thân mình chút nào cả, ông xem xem, đi bắt cướp thế nào mà lại để người ta đấm vào mặt mình thế kia, đấm vỡ rồi thì bắt đền ai bây giờ…”

Hạ Hứa lúng túng đứng đó một lúc, thấy túi táo trên tủ đầu giường thì mang đi rửa. Trong WC có một chiếc gương rất lớn, anh ngẩng lên nhìn người trong gương, trong lòng như bị cái gì chặn lại, rất khó chịu.

Ông nội anh vẫn mang tư tưởng truyền thống như những người ở thế hệ trước – ông vẫn mong anh sớm ngày cưới vợ, sinh con, sống một cuộc sống bình đạm. Anh luôn lấy cớ bận công việc, hoặc không có đối tượng vừa ý để từ chối ông. Nhưng thực tế là — từ khi gặp người nọ hồi cấp 3, anh đã biết là mình không thích phụ nữ rồi.

Cơm nước xong, ông nội đuổi anh về nhà nghỉ. Anh ở lại với ông thêm chốc nữa rồi mới rời đi. Trên đường về có đi qua một ngân hàng, anh chợt nhớ ra gì đó, vào đấy rút 2 vạn tiền mặt ra rồi đến một ngân hàng khác, gửi 2 vạn đó vào, rồi mới về nhà.

Đương nhiên anh ở với Dụ Thần không phải là vì tiền, nhưng nếu anh không đòi gì từ hắn thì chắc chắn người khác sẽ nghi ngờ. Vậy nên, anh lấy danh nghĩa báo hiếu cho ông nội để đòi tiền của hắn, thỉnh thoảng lại rút một khoản ra, nhưng thực tế lại chưa dùng tới xu nào.

Lần đầu tiên đi rút tiền, anh phải làm một thẻ thanh toán* mới rồi để tiền vào, lâu dần trong đó phải có gần 10 vạn. Anh không thể dùng số tiền này, nhưng cũng không kiếm được lý do gì để trả cho hắn. Bây giờ, mối quan hệ phi đạo đức này đã kết thúc, nếu anh còn giữ tiền trong tài khoản thì kỳ lắm.

May là vừa nãy anh chợt nghĩ ra — cách thích hợp nhất để tiêu số tiền này.

Về nhà mở máy tính lên, Hạ Hứa vào trang web của trường cấp 3 số Một thành phố. Ở nơi dễ thấy nhất trong web là bốn chữ lớn — “Giúp đỡ học sinh”.

Trường cấp 3 số Một là trường trung học tốt nhất trong thành phố An, tập hợp con cháu nhà quyền quý và học sinh ưu tú trong cả thành phố. Nhằm giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm nhà trường vẫn thường cấp học bổng cho các đối tượng này. Một phần tài chính cho quỹ học bổng này được trích ra từ phí tài trợ lúc nhập học của nhóm học sinh nhà giàu, một phần là từ lượng quyên góp của xã hội. Mà mục “Giúp đỡ học sinh” này chính là nơi tiếp nhận phần tài chính từ xã hội đó.

Hơn mười năm trước khi còn học ở đây, Hạ Hứa đã đạt được học bổng nọ nhiều lần, số tiền học bổng khá lớn. Nhất là với học sinh nhà nghèo, số tiền này cực kỳ có ý nghĩa.

Dụ Thần cũng từng là học sinh của ngôi trường này, lấy danh nghĩa của hắn để quyên góp 9 vạn 7 ngàn nọ cho trường thì cũng hợp lý lắm chứ.

Hạ Hứa vào mục “Giúp đỡ”, tích ở ô “Học sinh cũ”, điền tên và lớp học hồi xưa của Dụ Thần vào, còn lại để trống hết, rồi chuyển 2 vạn mà mình vừa chuyển vào tài khoản cho trường.

Lúc đầu anh muốn gửi hết một lượt, nhưng thẻ thanh toán online của anh lại có giới hạn chuyển tiền mỗi ngày là 2 vạn, nên anh chỉ có thể chia ra gửi làm 5 lần.

Đồng nghiệp nữ ở Cục cảnh sát vẫn thường trêu anh, bảo anh “nhà quê” chẳng giống vẻ bề ngoài gì cả. Thời đại nào rồi, còn ai không làm thẻ tín dụng* nữa? Có ai là chưa đến ngân hàng điều chỉnh hạn mức chi tiêu đâu? Chẳng ai chỉ có mỗi một tấm thẻ thanh toán như anh, mỗi lần muốn mua gì là lại phải đi rút tiền rồi gửi lại, phiền chết đi được.

Bao nhiêu năm rồi anh vẫn thế, vẫn không đi làm thẻ tín dụng mà chỉ có một tấm thẻ thanh toán. Dù trong mắt người ngoài thì anh có vẻ hơi cổ hủ lạc hậu thật, nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của anh hết.

Chuyển khoản xong, Hạ Hứa nhìn chằm chằm vào dòng chữ “Trợ giúp thành công” mới hiện lên trên màn hình. Tên Dụ Thần được trang trí bằng một đóa hoa hồng lớn, cạnh đó là tấm thiệp sặc sỡ ghi lời cảm tạ.

Người ta thường nói — thời gian ở trong sân trường dường như đã được đọng lại; mặc cho bên ngoài gió táp mưa sa thế nào, thì dưới mái trường vẫn luôn bình yên như thế. Hoặc có lẽ chỉ là… sự quê mùa ngàn năm không đổi mà thôi.

Nếu không thì sao đóa hoa hồng và thiệp cảm ơn kia vẫn y hệt như mười năm trước thế?

Hạ Hứa cười khổ, tắt web đi. Anh thở phào nhẹ nhõm, ngồi ngẩn ra một chốc, chẳng hiểu sao mà bên má bị tát lại nong nóng lên, dường như huyết mạch sôi trào toàn thân anh đang tập trung hết về đó.

Anh che nó đi, nhưng lòng bàn tay lạnh băng vẫn không sao xóa tan nhiệt độ trên má được. Anh đứng lên, mở tủ đầu giường lấy ra một chiếc hộp màu lam sẫm, mở nó ra.

Trong hộp là một viên ngọc lớn cỡ bàn tay trẻ con.

Anh cầm nó lên, áp vào má mình để giảm nhiệt. Mặt ngọc gồ ghề, khắc một con rồng đang cưỡi mây đạp gió. Ngón tay anh run run, hầu kết cũng khẽ chuyển động.

Trông nó chỉ là một mảnh ngọc rất đỗi bình thường.

Sinh nhật năm ấy, nhà Dụ Thần mở tiệc rượu, mời hết bạn bè là con nhà giàu đến, ai đến cũng được tặng một viên ngọc thượng hạng — đương nhiên là Hạ Hứa không được mời. Mấy ngày sau, hắn đưa miếng ngọc tầm thường này cho anh, nói là hắn đã tặng hết ngọc đẹp cho người khác rồi, chỉ còn một miếng này, anh thích thì cứ giữ lại.

Anh vứt nó vào cặp mình, tỏ vẻ như chẳng quan tâm; nhưng về nhà rồi thì lại tìm hộp quà đẹp nhất trong nhà đến, cẩn thận đặt miếng ngọc này vào.

Thoắt cái đã mười mấy năm trôi qua, anh chưa từng đeo miếng ngọc này lên người, thậm chí còn không cho ai biết là mình đang có nó.

Ngọc được giấu kín trong hộp, cũng như nỗi lưu luyến từ năm lớp 12 mà anh chưa từng nói ra.
*thẻ thanh toán (debit card): loại thẻ mà người nắm giữ cần cho tiền vào rồi mới rút ra được khi cần (chỉ rút trong khoảng đã cho vào), có thể thực hiện chuyển tiền, làm sổ tiết kiệm v.v Không cần chứng minh tài chính.

*thẻ tín dụng (credit card): loại thẻ mà người nắm giữ có thể chi tiêu quá lượng tiền đã cho vào (trong một mức độ nhất định) và sẽ trả NH trong tương lai. Nói cách khác là NH đang cho người này vay tiền. Phải chứng minh tài chính.

Thanh niên Hạ Hứa chắc kiểu không có nhu cầu tiêu quá bao giờ nên không làm credit card. Lập debit card mới để rạch ròi tiền mình với tiền của Dụ Thần ra?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện