Bí Thư Tiên Kiếm

Chương 10: Đánh lầm người, Công Tôn một phen khiếp vía



Nhắc lại Thanh Y sau khi trốn thoát nơi Huyền Phong sơn, chàng lần về Thiểm Tây để gặp Tố Hoa vì chàng có ý nhớ mong nàng.

Nhưng chàng về đến Thiểm Tây là Tố Hoa cũng không thấy đâu mà cô chàng cũng bặt tích, nhà cửa khi xưa cũng không còn.

Thanh Y hỏi dò hàng xóm thì được biết cô chàng vì kháng cự với tên thổ hào Vạn Ác mà bị chúng giết chết, còn em gái chàng không chịu nhục nên cũng liều thân.

Tin đâu sét đánh ngang đầu, Thanh Y choáng váng giây phút, chàng thương cô và em gái mà giận tức tên Vạn Ác.

Chàng quyết lòng giết nó để trừ hại cho dân lành và trả mối thù cay độc.

Đêm ấy chàng nai nịch gọn ghẽ, lần đến nhà của Vạn Ác và nhảy tường vào. Chàng vừa đặt chân đến đầu tường thì bỗng một chiếc vòng dưới tường bậc lên khóa chặc chân chàng và tiếng chuông đâu đấy reo ầm lên rồi có tiếng ai thét to :

- Quân gian tặc sao dám đến đây làm chuyện ám muội.

Tức thì đèn đuốc bên trong của Vạn Ác sáng rực cả lên.

Thanh Y thấy chúng đề phòng cẩn mật và sắp đặt cơ quan nguy hiểm như vậy, chàng biết đêm nay mình khó lòng làm gì được, liền rút thanh Thủy Thư ra cắt đứt chiếc vòng sắt dưới chân, rồi chuyển hết thần lực đá thật mạnh vào tường.

Bức tường chuyển động nhưng không ngã đổ, mà Thanh Y phải nhảy vút lên cao như chiếc pháo thăng thiên vì muôn ngàn mũi tên tẩm thuốc độc từ trong các cơ quan bắn vụt ra, nếu chàng không đề phòng chắc phải bỏ mạng.

Vừa lúc đó một tên râu quai nón dưới sân trông thấy chàng, hắn rút một mũi phi xoa và ném vèo theo chàng, Thanh Y gạt phi xoa bay ra và chao mình nhảy xuống dùng thế Thiên Vương Xuất Thế chém vút lưỡi kiếm xuống đầu hắn.

Đại hán râu quai nón vung chiếc côn nặng linh ngàn cân lên gạt mạnh một cái.

Choeng... một tiếng làm long óc những kẻ đứng bên ngoài. Bọn bộ hạ của Vạn Ác trong nhà đều đinh tai choáng óc.

Thanh Thủy Thư thần kiếm là một thanh kiếm chí báu mà muốn cong lại, còn cây côn của đại hán râu quai nón đúc toàn thép tốt mà cũng bị hớt một miếng.

Cả hai tê chồn hổ khẩu tay, nhưng họ chỉ gờm nhau một chút là xông vào quyết hạ nhau.

Thanh Y vung kiếm như quỷ khốc thần sầu, lấp lánh muôn đạo bạch quang xoắn tít quanh người đại hán râu xồm như sắp chém tan hắn như cám.

Nhưng đại hán râu xồm nào phải tay vừa, hắn vung cây côn như mưa sa gió táp, quanh mình hắn như có một vách thành bao phủ, lưỡi kiếm của Thanh Y không làm sao xâm phạm được.

Bọn bộ hạ của Vạn Ác kéo vây quanh người Thanh Y càng lúc càng đông như nêm, như không để cho chàng chạy thoát được.

Thanh Y thấy đánh mãi chỉ cầm đồng là cùng, chàng nghĩ có kéo dài thì giờ cũng vô ích, âu là trốn về đợi khi khác sẽ tái chiến với bọn Vạn Ác cũng chưa muộn.

Nghĩ vậy, chàng xử thế Thần Hổ Nhập Động nhảy vút tới chém vèo vào mặt đại hán râu xồm và khi hắn vung côn lên đỡ, chàng biến sang thế Ma Vương Tróc Quái đâm xéo lưỡi kiếm trở lên yết hầu hắn rồi phóng chân đá vào hông kẻ địch. Bị lâm vào thế độc ấy, đại hán râu xồm quát lên một tiếng, hắn nhảy lùi lại tránh thì hai mũi tiêu đã bay vèo đến cổ họng hắn làm hắn kinh hoảng vội vàng cúi xuống để né tránh thì Thanh Y như một luồng gió bay vèo lại một góc sân.

Thanh Thủy Thư trong tay chàng như một vầng bạch quang ào đến làm bọn bộ hạ của tên Vạn Ác chém giạt ra.

Thanh Y toan nhảy qua tường chạy cho rồi, nhưng vừa lúc ấy một luồng lục quang từ bên ngoài bay vụt vào hiện ra một người đầu râu cổ quái, hắn trỏ tay vào mặt chàng và thét lớn :

- Tên khốn kia, mi là ai mà dám đến đây thị hùng. Ta quyết lấy đầu mi..

Thấy bọn bộ hạ reo lên “A! Chủ nhân đã về. Phen này mi có chạy lên trời” thì Thanh Y đoán chắc tên ấy là Vạn Ác chàng quát hỏi :

- Tên kia mi có phải là Vạn Ác không?

- Chính tổ sư mi đây, mi muốn hỏi làm gì?

Thanh Y cười sàng sặc và đáp :

- Ta đến để mổ tim mi vì cách đây không bao lâu mi giết chết cô ta và làm em gái ta tự hủy mình. Tội ác của mi dẫy đầy. Ta thay công lý loài người để trừng trị quân khốn kiếp.

Nói xong thanh Thủy Thư đã thành một luồng bạch quang bay ào xuống đầu Vạn Ác khi thế dữ dội.

Vạn Ác không ngại vì hắn rút lưỡi kiếm đeo bên mình và đưa lên gạt mạnh một cái.

Ghê thay cho thần lực của hắn, Thanh Y bị cái gạt ấy, chàng phải lùi lại mấy bước, tay tê chồn đau buốt cả hổ khẩu, chàng nắm chặc kiếm lại thì lưỡi kiếm của Vạn Ác đã bay vèo đến.

Thanh Y giật mình, chàng khiếp sợ tài lực của Vạn Ác và nghĩ thầm: “Ta vào đây một mình mà phải chiến đấu với bọn nó thế này là nguy. Ta phải phóng kiếm quang đánh nó để chạy cho rồi”.

Nghĩ vậy Thánh Y không đánh nữa, chàng phóng Thủy Thư thần kiếm lên trên tức thì một tiếng kêu như lụa xé phát ra. Chỉ trong vòng vài giây luồng bạch quang to rộng ra và bay ào xuống khí thế vô cùng dữ dội.

Vạn Ác xem thấy tài nghệ của Thanh Y tầm thường, hắn có ý khinh dể chàng, nhưng khi thấy chàng phóng kiếm lợi hại quá, hắn giật mình vội nhảy lùi lại để tránh.

Luồng bạch quang phạt nhằm lũ bộ hạ của Vạn Ác làm chúng ngã quay ra kêu khóc inh tai, đà của nó bay đến chém sạt một góc tường, tức thì một tiếng nổ kinh thiên phát lên muôn ngàn tia lửa vọt lên lan rộng ra, pháo đạn nổ ầm ầm miểng bay rào như mưa làm lũ bộ hạ của Vạn Ác kẻ bưu đầu, người vỡ trán.

Thanh Y biết nhà của Vạn Ác đặt toàn là cơ quan máy móc ác hiểm nên kiếm chém nhằm nó gây ra việc ghê gớm như vậy, chàng điều khiển kiếm quang chém sạt một góc nhà và quay kiếm về bao phủ quanh mình.

Thật là kinh hồn khiếp vía, một tiếng nổ như xé trời, phi đạn nổ ầm ầm không ngớt, lửa khói bốc lên mịt trời, chỉ trong một loáng, tòa nhà to lớn như dinh thự của Vạn Ác bốc hỏa lên thiêu đốt dữ dội.

Thanh Y có đề phồng trước nên không bị hại, còn Vạn Ác với đại hán râu xồm cùng lũ bộ hạ đều bị thương tích cả.

Đây giờ Vạn Ác mới hoàn hồn, hắn căm giận Thanh Y vô cùng liền nhảy lại quát to :

- Tên khốn kia dám phá phách nhà ta. Ta quyết cùng mày một phen còn mất.

Nói xong hắn phóng kiếm lên đánh Thanh Y dữ dội.

Thanh Y thấy Vạn Ác cũng phóng được kiếm quang chàng vội điều khiển luồng bạch quang lên đỡ và che cho mình và lừa cơ nhảy vụt ra xa đến mấy trượng

Thấy kẻ địch bỏ chạy, Vạn Ác khi nào chịu thôi, hắn gầm lên và nhảy theo ra ngoài, cả tên đại hán râu xồm cũng thế.

Còn lũ bộ hạ kẹt trong nhà nên đều làm ma chết cháy cả.

Vạn Ác nhảy liều đến đánh với Thanh Y, nhưng Thanh Y nào để cho hắn đến gần, chàng vận khí Thiên Cương thúc kiếm đánh chặn trước mặt hắn.

Thủy Thư quả là một báu kiếm trấn động của Công Tôn, nó hoành hành dọc ngang và phá tan luồng kiếm của Vạn Ác.

Bây giờ Thanh Y trở nên dữ tợn, chàng dùng hết sức lực phóng kiếm chém xuống đầu Vạn Ác làm hắn kinh hồn vội nhảy tránh và chạy đi.

Thanh Y cả giận quát :

- Tên ác bá kia mi định chạy đâu. Ta quyết giết mi trừ hại cho dân lành.

Nói xong chàng phóng kiếm theo chém sạt xuống đầu hắn.

Vạn Ác vừa phi thân lên ngọn cây thì đà kiếm bay xuống nhanh như gió, hắn né tránh không kịp nên bị kiếm chém trúng vai, hắn rú lên một tiếng và ngã lăn xuống đất, cánh tay mặt hắn rời ra khỏi mình.

Thanh Y đưa kiếm xuống chém Vạn Ác đứt làm hai..

Vừa lúc ấy luồng hồng quang bay sà xuống đầu chàng. Thanh Y đâm liều phóng kiếm lên địch, nhưng chàng nào phải tuy đối đầu với Thần Phong Tử, một người tài nghệ vào hàng sư phụ nên chỉ trong vài phút chàng thấy cơ nguy sắp đến nơi.

Thanh Thủy Thư không sao hoành hành được, còn luồng hồng quang mỗi lúc một dữ dội thêm chục bay xả xuống đầu chàng.

Thanh Y kinh hồn khiếp vía chàng nghĩ trăm nghìn phương chỉ có dĩ đào vi thượng nên thu hết tàn lực phóng luồng bạch quang gạt mạnh luồng hồng quang rồi thu ngay kiếm về dùng thuật phi hành trốn chạy.

Thần Phong Tử khi nào chịu thôi, hắn quát to :

- Mi có chạy lên trời cũng không thoát. Ta quyết lấy đầu mi.

Nói xong hắn nhảy vút lên dùng thuật phi đằng đuổi theo.

Thanh Y nghe sau lưng gió ào ào chàng biết Thần Phong Tử đuổi theo nên chạy hết tốc lực và rút ra ba mũi tiêu cầm sẵn trong tay phòng khi hữu sự.

Tài phi đằng của Thần Phong Tử quả nhiên hại phi thường. Chỉ trong nháy mắt hắn đã theo kịp chàng và quát lên như sấm :

- Tiểu tử, mi định chạy đâu cho thoát. Mau cúi đầu chịu chết cho rồi.

Thanh Y quay nhanh lại và nhân lúc bất ngờ chàng ném vút ba mũi tiêu vào yết hầu kẻ địch.

Thần Phong Tử quả là tay tài giỏi tuyệt diệu, hắn thoáng nghe hơi gió đã cúi đầu né tránh và toan nhảy đến thưởng cho chàng một kiếm nhưng khi ngẩng đầu nhìn lên thì hình ảnh chàng đã khuất dạng.

Hắn căm tức, lục lạo tìm tòi, nhưng hoài công vì chàng hiệp sĩ áo xanh đã lẩn mất.

* * * * *

Từ lúc Tố Hoa được đức Thái Hư sư nữ đem về Phù Dung tiên đảo truyền dạy võ thuật đến nay thấm thoát đã hơn một năm.

Hôm nay kiếm thuật của nàng đã đến chỗ xuất chúng siêu phàm, võ thuật của nàng gầm trời không người đối địch.

Nhờ nàng có sẵn căn bản và đức Thái Hư sư nữ hết lòng truyền dạy, ngài đem hết đạo pháp cao diệu của mình chỉ bảo cho Tố Hoa nên Tố Hoa ngày nay là một bậc siêu phàm.

Những phép phi đằng kiếm độn nàng đều lầu thông, các món binh khí từ phép thần công vận khí nàng đều xem thường. Đức Sư nữ truyền cho nàng thuật ngự phong đi nghìn dặm trong một giây lát. Tài phóng kiếm của nàng trong đời có một.

Đức Thái Hư sư nữ dùng Ngọc Kiếm Xà Vương luyện kiếm cho nàng nên Ngọc Kiếm của nàng lợi hại vô cùng, gầm trời không ai hơn được. Mỗi lần phóng ra khí lạnh ghê hồn, ánh sáng rục rỡ hằng trăm dặm có thề phá đổ một dãy núi như chơi.

Hằng ngày đứng trên Phù Dung tiên đảo, nàng phóng kiếm xuống bể chém loài đại ngư dễ như bỡn. Sức mạnh của Ngọc Kiếm đi đến đâu, nước rẽ ra đến đấy, có thể chém kẻ địch trốn tránh dưới nước dễ dàng như lấy đồ trong túi.

Đức Thái Hư sư nữ hài lòng về đứa trò yêu, ngài giảng đạo pháp cho nàng và điểm hóa cho nàng tất cả các môn võ thuật và kiếm thuật trong đời.

Thỉnh thoảng đức Thái Hư Chân Quân ghé qua giảng dạy cho nàng thêm nên tất cả điều bí ẩn trong nền võ thuật, kiếm thuật nàng đều rõ cả.

Đôi khi Tố Hoa dùng thuật ngự phong bay dọc ven bể phóng thử Ngọc Kiếm Xà Vương và biểu diễn kiếm pháp làm bể nổi sóng ba đào, gió đùng đùng nổi dậy, hải điểu kinh hoảng không dám bay đến gần.

Hôm nay đức Thái Hư sư nữ đi vắng, Phù Dung tiên đảo chỉ có một mình Tố Hoa Nương. Nàng rảo bước xem hoa Phù Dung đua nở và ngắm trời mây nước bao la.

Không hiểu sao nàng thấy buồn khi nhớ đến bao nhiêu người còn đang sống trong cảnh khổ của đời.

Nàng nhớ lại mới ngày nào còn là một ca nữ bị người đời húng hiếp rẻ khinh, nếu không nhờ có Thanh Y hiệp sĩ cứu giúp nàng thì còn đâu thân ngọc vàng tiết trong giá sạch.

Ngày nay nàng đã trở thành một bậc tài ba tối thượng nhưng có khi nào nàng quên được lúc khổ sở trong bể trầm luân của thế đời

Tố Hoa bỗng nhớ đến Thanh Y hiệp sĩ đã liều thân cứu nàng và liều thân cùng đời làm việc nghĩa, nàng thầm phục chàng và chép miệng :

- Tài nghệ của chàng có là bao mà chàng dám xông pha vào trường nguy hiểm. Thật đáng khen thay cho kẻ có lòng.

Tố Hoa còn đang suy nghĩ bỗng nghe tiếng gió ào ào từ xa ùa đến rồi một đoàn chim lớn vỗ cánh rầm rập trên không bay đến đảo nàng. Tố Hoa giật mình, thầm nhủ: “Sư mẫu ta thường nói vùng hoang đảo này thỉnh thoảng có giống chim đại bàng xuất hiện. Ngày nay ta mới thấy được giống ấy. Quả thật đại bàng là giống to lớn, từ xưa đến nay ta chưa hề thấy giống chim nào to hơn nó được”.

Vì lạ mắt nên Tố Hoa xem mãi không thôi, nàng muốn thần động mình có vài đôi chim ấy cho vui, nhưng vì chưa xin phép sư mẫu nên nàng không dám bắt.

Ngay khi ấy con đại bàng lớn nhất trong đoàn bỗng đâm bổ xuống đầu nàng, xòa móng chân ra toan bắt nàng bay đi.

Tố Hoa bừng nổi giận quát to :

- Nghiệt súc vô lễ. Không biết đây là nơi nào mà đám làm càn như vậy.

Nàng đứng yên đưa cánh tay trắng như ngọc gạt phắt móng vuốt của con đại bàng.

Ghê thay cho thần lực của nàng, bị cái gạt ấy đại bàng ngã lộn nhào như bị một sức mạnh vô biên xô đẩy.

Đại bàng hung hăng nó chồm ngay dậy và vỗ cánh rầm rầm làm cây cối muốn ngã đổ vì hơi gió mạnh ở cánh nó phát ra như bão tố.

Tố Hoa sợ nó làm hư hoa Phù Dung, nàng quát to lên :

- Nghiệt súc chớ làm càn. Mau bay đi ta còn tha cho. Nếu cứ phá phách chớ trách ta.

Lạ thay tiếng quát của nàng có mãnh lực lạ thường con đại bàng hung hăng như vậy mà nó trở nên nhát sợ. Nó toan cất cánh bay thì một con khác bay ào xuống mổ vào mặt Tố Hoa.

Tố Hoa vẫy tay một cái tức thì một trận lãnh phong bay ào ra đẩy bật con đại bàng lên cao, nàng rảo bước lại đưa tay nắm cổ con đại bàng nọ và quát :

- Nghiệt súc. Ta quyết vật chết mày.

Lạ lùng thay bàn tay nhỏ nhắn của nàng nắm vào cổ con đại bàng to lớn gấp trăm nàng mà nó không vùng vẩy nổi.

Tố Hoa nhún mình lên cao xách bỗng con đại bàng toan vật xuống, nhưng nàng động lòng hiếu sinh liền thả nó ra và quát to lên :

- Nghiệt súc mau bay đi. Ta tha chết cho lần này. Chớ đến đây làm hung nữa mà khốn đó.

Nhưng con đại bàng không bay đi, nó đáp xuống Phù Dung tiên đảo và kêu lên mấy tiếng thật to rồi đứng ngay trước mặt nàng như hàng phục.

Thấy bầy đại bàng bay đi cả, chỉ còn một con ở lại, Tố Hoa lạ lùng thầm nghĩ: “Loại đại bàng là loại chim hiếm thấy trong dời. Sức mạnh của nó ghê gớm vô cùng. Nếu gặp phải người khác thì đã chết với nó. Mà sao nó không bay đi. Hay nó muốn theo ta chăng?”

Con đại bàng bỗng vươn cánh nghển cổ lên múa một lúc và gục mỏ trước Tố Hoa như chào mừng nàng.

Tố Hoa thường nghe thầy nói về giống chim linh này, nàng độ chừng nó hàng phục và muốn theo mình liền cất tiếng hỏi :

- Đại bàng điểu, mi muốn theo ta chăng?

Lạ lùng thay đại bàng điểu gật đầu và cúi cổ xuống trước mặt nàng.

Nhìn thân hình to lớn vô cùng của đại bàng, Tố Hoa nghĩ thầm: “Nếu ta hàng phục được con đại bàng này và dùng nó làm chân thì đi đâu mà không đến. Thật tiện biết bao”.

Nghĩ vậy nàng bước lại và vuốt ve cổ đại bằng và bảo :

- Nếu ngươi theo ta thì nên ở đảo này trấn động, đợi thầy ta về sẽ hay.

Đại bàng xòe cánh ra gần khuất cả thần động làm Tố Hoa vui mừng nghĩ thầm: “Nay thần động có đại bàng, ta cũng đỡ cô độc khi sư mẫu đi vắng”.

Vừa lúc đó một luồng gió từ hướng Bắc ào đến hơi lạnh lan đến mấy mươi dặm.

Đại bàng vươn cổ lên cao nhìn và kêu to mấy tiếng.

Tố Hoa nghe hơi gió nàng biết thầy đã về đến liền bảo đại bàng :

- Sư mẫu đã về. Ngươi phải giữ lễ cho lắm đó.

Luồng gió vừa tắt là đức Thái Hư sư nữ đã oai nghiêm đứng trước mặt Tố Hoa. Nàng vội quỳ xuống, cúi đầu nói :

- Kính lạy sư mẫu.

Thái Hư sư nữ nhìn Tố Hoa và bước đến kéo tay nàng dậy rồi bảo :

- Con khá lắm đó. Đại bàng là giống chim linh sức phá rừng chuyển núi mà con thu phục được một cách dễ dàng thì tài nghệ con có thể áp đảo chúng anh hùng trong thiên hạ được.

Ngài quay lại nhìn đại bàng và nói :

- Thầy về đây cho con hạ sơn. May mà con thu phục được chim linh, vậy nó sẽ là chân của con đó.

Tố Hoa nhìn đức Thái Hư sư nữ rồi nói :

- Con từ ngày theo hầu sư mẫu, may mà được địa vị ngày nay. Dù nát thân để đền ơn sư mẫu trong muôn một con cũng vui lòng. Nhưng con không biết chuyến đi này lâu mau, xin sư mẫu từ bi chỉ dạy.

Đức Thái Hư nhìn trời và nói :

- Tố Hoa con. Phàm là bậc theo đạo chánh thì lấy điều thiện mà làm gốc. Đạo pháp con ngày nay đến chỗ nhiệm mầu, con phải xuống núi để giúp cho dân lành trong cơn khổ. Ngày nay bốn phương lỵ loạn, bọn ma tăng ắc tặc hoành hành vùi dân lành trong nước lửa. Ta đau lòng thấy lê dân đồ thán nên cùng sư huynh định cho con hạ phàm để trừng trị bọn ma tăng quái đạo cho rõ lẽ chánh tà, gỡ ách lầm than cho dân được phần nào hay phần ấy. Vậy con hãy sửa soạn lên đường vì hôm nay là ngày con xuống núi.

Ngài quay nhìn đại bàng và nói :

- Giống chim linh nay là đại cầm trong thế. Thầy sẽ làm nó khỏe mạnh vô cùng để giúp con và trung thành cùng con.

Nói xong đức Thái Hư sư nữ bước đến, bàn tay nhăn nheo của ngài cầm lấy chiếc mỏ to lớn của đại bàng và bỏ vào mồm nó ba viên thuốc đỏ hồng.

Thuốc này vừa vào khỏi cổ là đại bàng kêu lên mấy tiếng, nó vùng nhảy lên không và đập cánh rầm rầm bay vút một loáng là mất dạng.

Đức Thái Hư sư nữ quay lại bảo đứa trò yêu :

- Rồi nó sẽ bay về con ạ! Con vào lấy hành lý lên đường cho sớm.

Tố Hoa bịn rịn chưa nỡ rời chân, nhưng đức Thái Hư giục nàng :

- Con mau lên cho kịp giờ. Chúng anh hùng trong thiên hạ đang bị bọn quái tặc hoành hành hãm khốn. Con xuống trễ lúc nào là họ nguy lúc ấy.

Tố Hoa đành vào trong, nàng mặc bộ tiên y của đức Thái Hư sư nữ ban cho, cài ngọc kiếm vào mái tóc rồi bước ra.

Đức Thái Hư nhìn nàng rồi nói :

- Lành thay. Con sẽ thay ta mà làm chủ các phái võ trên đời, nhưng lúc đầu chớ xuất đầu lộ diện làm gì. Phải nên kín tiếng là hơn cả.

Nói xong đức Thái Hư sư nữ trao cho nàng bầu linh đan và bảo :

- Đây là tiên đan của thầy luyện nên. Nó có thể trừ được tất cả các bệnh tật. Con đem theo phòng khi cứu trị cho những người bị nạn.

Vừa lúc ấy một giọng cười trong trẻo nổi lên và một cụ già râu tóc bạc phơ tiên phong đạo cốt hiện ra, người cầm tràng hạt trong tay, sau lưng có hai vị đồng tử theo hầu.

Thoạt thấy vị đó, Tố Hoa vội qùy xuống cúi đầu làm lễ, còn đức Thái Hư sư nữ cũng cúi đầu chào và nói :

- Sư huynh huệ cố đến thăm, chắc có điều chi chỉ bảo.

Đức Thái Hư Chân Quân đỡ Tố Hoa dậy và nói :

- Con thay mặt chúng ta xuống núi làm việc nghĩa. Ta đến để chỉ bảo con đôi điều.

Tố Hoa kính cẩn nói :

- Sư bá thương tình dạy đỗ, con xin ghi tâm khắc cốt đời đời.

Đức Thái Hư sư nữ cũng nói :

- Sư huynh đã có lòng dạy bảo, chính bần đạo cũng có lòng cám ơn thay.

Đức Thái Hư Chân Quân bảo Tố Hoa :

- Ngày nay con xuống phàm chắc gặp bao nhiêu tay kiệt liệt bên Tây Tạng và bên Mông Cổ sang hoành hành. Ta đã giao tập Bí Thư Tiên Kiếm cho một người có đạo cốt là Công Tôn đại sư học trò của Linh Hư sư tổ, nhưng nghiệt oan còn vương vấn hắn, hắn phải rời bỏ non xanh đi phiêu du trong thiên hạ, còn phải bỏ trốn tránh vì chẳng những kẻ địch mà cho đến người trong môn phái cũng oán giận hắn. Tội nghiệp thay cho Công Tôn, ít ra vài mươi năm nữa nghiệt oan mới dứt thì hắn có thể làm xong sứ mạng cao cả được.

Ngài quay sang bảo đức Thái Hư sư nữ :

- Công Tôn phải làm một nghìn việc thiện mới giữ được tập Bí Thư Tiên Kiếm, và khi ấy ta mới truyền dạy đạo pháp cho hắn, nhưng dù sao hiện giờ hắn cũng có thể cầm cự được với chúng quái tặc. Nếu có dịp nào xin đức Thái Hư sư nữ ra tay độ hắn vài phần thì ta cám ơn lắm.

Thái Hư sư nữ nói :

- Nếu có dịp bần đạo sẽ điểm hóa cho hắn thêm.

Bây giờ đức Thái Hư Chân Quân mới bảo Tố Hoa :

- Sau này có lẽ con được gặp Công Tôn thì con hãy vì ta mà bảo vệ cho hắn. Hiện giờ có một điều tối nguy hiểm là tên Ma Phong Tử cầm đầu bọn Vạn Hoa thất quái đang giữ Ngọc Kiếm Xà Vương. Tố Hoa con hãy cố thu cho được Ngọc Kiếm ấy nếu con thu được rồi thì chỉ đôi Ngọc Kiếm con có thể là tay vô địch trong đời. Đạo pháp con không biết đâu mà đo lường được. Con cố nhớ lời ta nhé? Mười năm sau, nếu con không thu được Ngọc Kiếm Xà Vương của Ma Phong Tử thì chúng anh hùng lụy hết mà có lẽ bọn ta cũng bị phiền.

Tố Hoa cúi đầu nói :

- Con xin nhớ lời sư bá.

Đức Thái Hư Chân Quân quay lại chào đức Thái Hư sư nữ rồi phẩy tay áo dùng thuật vô hình độn kiếm bay vút lên không. Chớp mắt hình ảnh ngài khuất trong ngàn mây.

Đức Thái Hư sư nữ bảo Tố Hoa :

- Thôi con hãy lên đường cố mà đoạt cho được Ngọc Kiếm Xà Vương của Ma Phong Tử và bảo vệ Công Tôn giữ vẹn tập Bí Thư Tiên Kiếm.

Lúc ấy đại bàng đã vỗ cánh bay về đáp xuống trước mặt đức Thái Hư.

Tố Hoa lạy thầy rồi nói :

- Kính lạy sư mẫu ở lại bình an.

Đức Thái Hư sư nữ truyền lệnh :

- Ba năm con chỉ được về đây một lần. Nếu con làm không được một nghìn điều thiện thì cửa sơn môn khép chặc lại, con không sao bước vào động được.

Tố Hoa khấu đầu lạy thầy một lần nữa rồi bước lên lưng đại bàng. Đại bàng gật đầu như từ giã đức Thái Hư và bay vút lên ngàn mây tung theo gió.

Tố Hoa ngậm ngùi, nàng nhìn lại thì Phù Dung tiên đảo đã biến đâu mất. Xung quanh nàng chỉ có trời và bể bao la.

* * * * *

Nhắc lại Công Tôn đại sư từ lúc bị Khốc Tiểu Quái Sư đánh đuổi, ông bỏ chạy một mạch cho đến lúc trời mờ mờ sáng ông mới tìm một chỗ tạm nghỉ.

Công Tôn có ngờ đâu hàng quán của ông ở trọ là hắc điếm, người cầm đầu hắc điếm ấy là một tay vô cùng lợi hại trong bọn quái tặc, hắn chiếm cứ nơi này đã nhiều phen sát hại khách qua đường để chiếm đoạt tài vật và lấy thịt làm bánh bán cho khách.

Hỗn danh hắn là Tứ Đại Trùng, tài nghệ hắn vào hàng ghê gớm, từ phép nội công phi kiếm quyền thuật vận khí phi đằng hắn đều tinh thông cả.

Từ lúc thấy Công Tôn vào hàng quán hắn đã để ý đến ông vì hắn thường được tin bọn Dương Bưu và Đại Ác hòa thượng bảo phải trừ khử bọn Công Tôn.

Tứ Đại Trùng biết tài nghệ Công Tôn không vừa nên hắn ra hiệu cho bọn bộ hạ phải giả vờ tiếp đãi ông cho lịch sự và ngầm bỏ một chất thuốc mê ghê gớm vào món ăn để hại ông.

Thứ thuốc mê này ghê gớm thật. Nó không màu sắc cũng không mùi vị gì nên Công Tôn lầm ăn phải. Thế là tự dưng ông mang họa vào thân.

Sau khi bắt trói được Công Tôn rồi, bọn bộ hạ đem ông xuống hầm kia và cột ông vào một cây cột to trước bàn án và báo cho Tứ Đại Trùng hay.

Bây giờ Tứ Đại Trùng mới truyền cho bọn thủ hạ cứu tỉnh Công Tôn lại và quát hỏi :

- Tên kia mi có phải là Công Tôn đại sư chăng?

Công Tôn thấy mình bị trói, ông cả giận liền di chuyển hết thần công vận mình toan bứt dây, nhưng quái thay đường dây ấy vẫn như thường mà tay chân ông đau nhói lên. Ông cả giận quát :

- Tên khốn nạn kia mi há không biết ta sao? Chính ta là Công Tôn, đồ đệ của Linh Hư sư tổ. Bọn ngươi muốn chết sao mà dám chạm đến ta.

Tứ Đại Trùng cười dòn rồi nói :

- Ngươi đem thằng già Linh Hư ra dọa ta à? Nhưng ngươi lầm rồi, ta nào sợ ai đâu. Ngày nay ta bắt được ngươi thì ngươi phải chết để đến tội ác đã giết chóc lũ bộ hạ ta. Ta chính là Tứ Đại Trùng vốn là đại huynh của bọn Dương Bưu và Thiết Đầu Tử.

Công Tôn biết cơ nguy sắp đến ông thấy mình khó mong sống sót vì bọn chúng đã cướp mất thanh Ngũ Lôi thần kiếm, vả lại bị trói thế này còn trông gì thoát thân được.

Trong lúc nguy ngập ông nghĩ ra một kế liền thở dài than thở :

- Ta chết cũng đành, nhưng uổng thay tập Bí Thư Tiên Kiếm đành bỏ mục ngoài rừng.

Tứ Đại Trùng toan phóng kiếm chém quách Công Tôn, nhưng khi nghe đến tập Bí Thư Tiến Kiếm hắn lật đật hỏi :

- Mi nói gì tập Bí Thư Tiên Kiếm. Chính mi giữ tập ấy?

Công Tôn vờ giận quát to :

- Quân khốn nạn. Ta không bao giờ giao cho mi báu vật ấy, dù ta chết.

Tứ Đại Trùng thường nghe nói tập Bí Thư Tiên Kiếm là một vật chí báu trong thế gian. Kẻ nào giữ được tập ấy sẽ làm đầu môn kiếm quang trong trời đất, hắn vội vàng nói :

- Nếu mi trao cho ta tập Bí Thư Tiên Kiếm thì ta tha cho mi khỏi chết. Bằng không ta sẽ giết mi ngay tức khắc.

Công Tôn nhắm mắt lại không thèm nói năng gì, ông vờ như không nghe lời Tứ Đại Trùng.

Tứ Đại Trùng dậy lòng tham, hắn đứng dậy quát hỏi :

- Mi có chịu giao cho ta tập Bí Thư Tiên Kiếm không? Nếu mi giấu thì chớ trách.

Nói xong hắn bước lại đưa hai ngón tay kẹp vào cổ Công Tôn và quát to :

- Thất phu, mi có nói không?

Công Tôn giả vờ đau rú lêu, ông nói mau :

- Xin chớ làm thế. Tôi xin nói.

Đại Trùng bóp mạnh vào gáy Công Tôn rồi lại quát bảo :

- Nói mau. Nếu không ta vặn cổ ngay tức khắc.

Công Tôn vờ co rúm lại, ông nói như van lạy :

- Xin ông nới tay, tôi xin nói, xin nói.

Tứ Đại Trùng cười gằn nói :

- Mi là kẻ hữu danh vô thực. Mau chỉ cho ta chỗ giấu tập Bí Thư Tiên Kiếm thì ta tha cho tội chết.

Nói xong hắn toan nắm cổ Công Tôn làm Công Tôn luôn miệng kêu xin.

Thế là cả bọn mở trói cho Công Tôn và đem ông lên khỏi miệng hầm.

Công Tôn giả vờ sợ sệt trước Tứ Đại Trùng làm hắn tự kiêu đưa ông ra khu rừng rậm để lấy tập Bí Thư Tiên Kiếm. Hắn mang thanh Ngũ Lôi thần kiếm cạnh sườn với vẻ dương dương tự đắc.

Đến giữa khu rừng đá gai lởm chởm Công Tôn dừng lại nơi một phiến đá to có đến vạn cân trỏ tay nói :

- Tập Bí Thư Tiến Kiếm sư phụ tôi giấu kín dưới tảng đá này. Khi nào cần lấy lên người vác tảng đá bỏ tránh qua một bên. Các ông nên khiêng nó qua để lấy là xong.

Tứ Đại Trùng buông Công Tôn ra và nói :

- Giá gì viên đá con mà phải khiêng vác. Bọn ngươi có danh mà không thực còn hòng làm gì cho nên.

Nói xong hắn ngồi xổm xuống dùng thế Tọa Mã hai tay ôm sốc tảng đá lên khỏi đầu. Thật khiếp cho Tứ Đại Trùng là tay sức khỏe thế gian hiếm thấy, hắn ôm tảng đá như một tấc núi vậy.

Bọn bộ hạ hắn vỗ tay ầm lên khen phục.

Nhân cơ hội ấy, Công Tôn nhanh như cắt rút thanh Ngũ Lôi thần kiếm đoạt về cho mình và nhảy ra xa.

Tứ Đại Trùng cả giận, hắn quát lên một tiếng và lao tảng đá vào đầu Công Tôn.

Một tiếng rú vô cùng ghê rợn nổi lên...

Mọi người tưởng đâu tiếng ghê gớm ấy của Công Tôn, không ngờ người rú lại là Tứ Đại Trùng. Nguyên khi Công Tôn bị hắn quăng khối đá vào đầu, ông kinh hãi nhảy tránh đi và rút hai quả phi tiêu ném đúng cổ họng hắn.

Tứ Đại Trùng thét lên và né tránh, hắn cả giận rút kiếm nhảy bay lại chém véo vào đầu Công Tôn một nhát theo thế Hoàng Không Thám Huyệt.

Công Tôn vội vung thanh Ngũ Lôi thần kiếm lên đỡ tức thì một luồng hắc khí bay lên, nghe đánh choeng một tiếng thanh kiếm của Tứ Đại Trùng gãy tan như cám.

Hắn vừa sợ vừa giận vội lùi lại quày tay ra sau lưng rút thanh Mai Hoa kiếm ra vung lên thành một đạo bạch quang chém xả xuống đầu Công Tôn khí khế dữ dội.

Công Tôn không dám coi thường, ông vội xuống tấn và đưa thanh Ngũ Lôi lên đỡ. Một tiếng choeng làm long óc mọi người, lũ bộ hạ của Tứ Đại Trùng ôm đầu vì nhức tai choáng óc.

Mai Hoa kiếm của Tứ Đại Trùng là một lưỡi kiếm vô cùng báu, Tứ Đại Trùng tốn bao năm mới luyện được, thế mà lúc ấy tóe lửa xanh như sắp gãy vậy

Tứ Đại Trùng thấy kiếm tóe lửa xanh, hắn kinh hồn nhảy lui lại xem kiếm và nhủ thầm: “Trời! Công Tôn lấy đâu thanh kiếm ghê gớm vậy. Nếu ta còn tiếp chạm vào nó một lần nữa chắc kiếm ta tan tành mất”.

Nghĩ vậy Tứ Đại Trùng vừa giạn vừa sợ, hắn xông vào đem bài Ngũ Hoa kiếm ra để áp đảo Công Tôn. Hắn quả là một tay lợi hại phi thường, bài Ngũ Hoa kiếm của hắn đen ra áp dụng loang loáng như muôn ngàn ánh hào quang lấp lánh vây xung quanh người Công Tôn không hở tí nào.

Công Tôn thấy Tứ Đại Trùng giở bài kiếm ấy ông kinh sợ nghĩ thầm: “Ta may nhờ có thần kiếm mới thắng được Tứ Đại Trùng chứ thật ra tài nghệ hắn còn trên ta một bậc. Ta tài nào thắng được nếu cứ giao đấu thế này”.

Nghĩ thế ông chuyển hết thần oai, múa thanh Ngũ Lôi như gió thảm mây sầu đem bài Phong Sa kiếm ra đón đỡ và nhân một cơ hội tốt ông nhảy ra ngoài thét lớn :

- Tứ Đại Trùng, ta nghe mi là tay kiệt liệt trong đời tài tình xuất chúng nào ngờ tài nghệ mi chỉ có vậy thôi sao? Nếu giao đấu như thế bao giờ mới định đoạt sự hay dở của chúng ta. Vậy mi có tài gì hơn cứ giở ra xem nào?

Cơn giận Tứ Đại Trùng như lửa được đổ thêm dầu, hắn quát to lên :

- Thất phu. Tài cán mi là bao mà hòng cùng ta đối địch. Nào, mi xem thần kiếm ta lấy đầu mi đây.

Nói xong hắn phóng thanh Mai Hoa kiếm lên trên tức thì tiếng kêu như lụa xé, một luồng bạch quang bay ào lên và to rộng vô cùng bay xà xuống đầu Công Tôn.

Công Tôn không một chút chậm trễ, ông đứng tấn và phóng thanh Ngũ Lôi thần kiếm lên tức thì một tiếng nổ vang ầm như sấm phát ra, luồng hắc khí từ tay ông bay ào lên cản bật luồng bạch quang lại, hơi nóng làm bọn bộ hạ của Tứ Đại Trùng phải ôm đầu lủi ra xa.

Trong chớp mắt luồng hắc khí lan rộng và đè bẹp luồng bạch quang như một đám mây đen che phủ một đốm sáng như vậy.

Công Tôn biểu lộng oai thần, ông vận khí Thiên Cương thổi vào luồng hắc khí và giữ quyết Ngũ Lôi quát to lên :

- Thần kiếm chưa ra oai còn đợi đến bao giờ nữa.

Mấy tiếng nổ ầm lên như sấm chuyển làm Tứ Đại Trùng giật mình kinh sợ, trong chớp mắt Ngũ Lôi thần kiếm to rộng vô cùng và đánh tan tuồng bạch quang và bay xuống chém xả vào đầu Tứ Đại Trùng.

Tứ Đại Trùng kinh hồn mất vía hắn đâm hoảng, liền nhảy lùi lại để tránh thì đà kiếm bay ào xuống chém tan một tảng đá lớn bay rào rào như mưa vì chém ngã đổ cây rừng nhan nhản.

Tứ Đại Trùng kinh hồn, hắn chưa bao giờ thấy ai phóng kiếm ghê gớm như vậy. Đến nước liều hắn đành đem hết tài ba ra chống đỡ, nên hắn ngửa mặt lên trời nhả ra hai luồng kiếm lên chống cự lại với luồng hắc khí.

Công Tôn thầm phục tài phóng kiếm của Tứ Đại Trùng, ông nghĩ nếu không hạ hắn thì anh hùng trong thiên hạ phải lụy nên vội thúc luồng hắc khí đánh dữ dội.

Trong chớp mắt luồng hắc khí tỏa rộng ra và rồi một tiếng nổ như trời long đất lở phát ra thì hai luồng kiếm của Tứ Đại Trùng tan như cám.

Tứ Đại Trùng rú lên một tiếng hắn uất ức quá nên té xuống chết ngất. Luồng kiếm Ngũ Lôi bay ào xuống như một tia chớp nhoáng dù Công Tôn có theo về cũng không kịp nữa.

Thế là một tay siêu đẳng trong hàng đạo tặc trong chớp mắt đã hồn về Địa phủ.

Công Tôn giật mình thầm nhủ: “Cha chà! Tứ Đại Trùng chết đi là ta đã gây một mối thù vô cùng sâu với bọn đạo tặc. Hắn là học trò của Đạt Ma sư tổ nào phải là người thường. Các sư huynh hắn lẽ nào để ta yên đâu”.

Ông thu kiếm về và quay lại thì thấy lũ bộ hạ của Tứ Đại Trùng reo to lên :

- Cô nương mau mau giết tên ắc tặc Công Tôn báo thù cho gia chủ. Chính nó giết chết gia chủ rồi.

Công Tôn định thần nhìn kỹ ông thấy một thiếu nữ mặt đẹp như ngọc, tay cầm trường kiếm chạy đến như bay để chém mình, ông vội đưa kiếm lên đỡ và quát hỏi :

- Nàng kia ngươi là ai?

Thiếu nữ cười gằn rồi nói :

- Ta đấy à? Ta là Bách Hoa Nương có thâm giao cùng Tứ Đại Trùng. Mi cả gan giết hắn thì hãy ngửa cổ ra mà chịu chết.

Công Tôn giật mình kinh sợ. Từ lâu ông thường nghe nói Bách Hoa Nương là một tay siêu đẳng, tài nghệ tuyệt vời, liánh tình dâm đãng.

Nàng thường đi tìm bọn trai đẹp để thỏa lòng dục và sau khi chán thì hạ sát ngay người tình. Bọn giang hồ hiệp khách nhiều phen toan trừ bỏ nàng, nhưng không làm gì được còn bị nàng đánh cho đại bại.

Linh Hư sư tổ có phen chạm trán với nàng, đánh đuổi nàng, nhưng không trừ khử được. Nay vô tình gặp Bách Hoa Nương liệu ta có thắng nàng được không?

Nghĩ vậy, Công Tôn hơi gờm, nhưng ông tin mình đã cự lại Khốc Tiểu Quái Sư thì có lý nào không cự lại với Bách Hoa Nương, ông lên tiếng quát mắng :

- Bách Hoa Nương, từ lâu ta nghe mi là một đứa dâm đãng nên định tìm trừ khử. Nay mi đến nạp mình thì còn gì hay bằng.

Bách Hoa Nương cả giận quát lên một tiếng rồi xuất bộ dùng ngay một thế tối diệu trong bài Nghê Thường kiếm ra quyết hạ ngay kẻ địch

Bài Nghê Thường kiếm là một bài kiếm lợi hại, nó có phần ghê gớm hơn cả bài Phong Vũ, Mai Hoa nữa, mỗi khi múa lên nó có vẻ ẻo lả như các cô gái múa hầu vua, như cánh liễu mềm thướt tha trước gió, nhưng sức công hiệu của nó thật là ghê gớm vô cùng.

Kẻ địch dù là tay bản lãnh đến đâu mà không am hiểu bài kiếm ấy thì chắc chắn phải vong mạng trong giây lát.

Công Tôn tuy là người vào hàng đạo pháp cao diệu, nhưng thật ông chỉ nghe sư phụ giảng giải sơ về môn kiếm ấy chứ tuyệt nhiên không học đến bao giờ.

Đến lúc Bách Hoa Nương dùng bài kiếm ấy, tay kiếm của nàng ẻo lả thướt tha thì ông giật mình thầm nghĩ: “Nghê Thường kiếm, một bài kiếm tối diệu trong đời, ta không phải là trang địch thủ với Bách Hoa Nương âu là ta phóng kiếm đánh với nàng còn hơn”.

Nghĩ vậy Công Tôn vận hết thần công lên tay và dùng tận lực gạt mạnh một kiếm.

Thật ghê thay cho thanh Ngũ Lôi thần kiếm, lưỡi kiếm của Bách Hoa Nương là vật báu thế mà lúc ấy gãy làm đôi, còn trơ lại trong tay nàng một khúc ngắn.

Công Tử nhảy ra ngoài và thét lớn :

- Bách Hoa Nương, nàng hãy tự liệu sức mình. Mau quỳ xuống lạy ta và hứa chừa tánh dâm ác thì ta tha cho tội chết. Nếu không chớ trách ta sao vô tình.

Bách Hoa Nương tính nóng như lửa đốt, có khi nào nàng sợ như vậy. Nàng gầm lên một tiếng tức thì trông lỗ mũi của nàng tia lên hai đạo hoàng quang tiếng kêu như lụa xé, chỉ trong khoảnh khắc đạo hoàng quang to rộng ra và đâm bổ xuống đầu Công Tôn như chớp nhoáng.

Công Tôn không hề rung sợ, ông giữ vững quyết Ngũ Lôi và dùng tận lục phóng kiếm lên, tức thì một tiếng nổ xé trời phát ra một luồng khí đen ào lên như vũ bão đè bẹp luồng hoàng quang và chỉ trong chớp mắt luồng hoàng quang của Bách Hoa Nương tan tành như tro bụi.

Công Tôn quyết hạ con người dâm đãng để trả thù cho bao nhiêu người bị hại, ông thúc kiếm Ngũ Lôi bay ào xuống chém phạt ngang người Bách Hoa Nương.

Thật là vô cùng nguy hiểm. Bách Hoa Nương kinh hồn khiếp vía, nàng từng giao đấu với khắp một anh hùng trong thiên hạ, đến các vị sư tổ còn phải nể mặt nàng thay nay nàng gặp phải một kẻ tầm thường mà tài phóng kiếm sao ghê gớm như vậy.

Không một giây chậm trễ, Bách Hoa Nương vội phóng lên hai luồng thanh quang đón đỡ và dùng phép phản phong đánh bật hơi nóng ra xa.

Hai luồng thanh quang của nàng vừa phóng lên thật vô cùng lợi hại, nó đương cự với kiếm Ngũ Lôi một cách dữ dội không thua kém gì bao nhiêu.

Công Tôn ngại đánh lâu Bách Hoa Nương sẽ dùng đến tuyệt điểm công phu, dùng những món tối diệu đánh mình thì dù Ngũ Lôi kiếm có ghê gớm thế nào cũng khó thắng được nếu nàng biết rõ chỗ yếu của ông.

Nghĩ vậy ông giữ vững tay quyết đảo bộ bước lên ba bước vận thêm khí Thiên Cương thổi vào luồng kiếm tức thì những tiếng nổ ghê hồn nổi lên, trong một loáng luồng hắc khí bao trùm cả một vùng che khuất hai luồng thanh quang của Bách Hoa Nương và rồi một tiếng nổ vang trời làm chuyển động cả một vùng, hai luồng thanh quang của Bách Hoa Nương tắt phụt đi.

Bách Hoa Nương hồn vía lên mây, nàng tưởng kẻ phóng kiếm địch với mình là tay ghê gớm nhất trên đời liền nhảy lùi lại phía sau có đến hai trượng rồi ném về phía Công Tôn mấy quả phi đạn.

Công Tôn tuy đánh nhưng ông đề phòng kẻ địch lắm, vì ông thừa biết Bách Hoa Nương là tay ghê gớm nên loạt phi đạn bay tới ông đều tránh khỏi cả.

Phi bay rào rào chạm vào đá phát lên nhưng tiếng nổ ghê hồn làm Công Tôn bị miểng văng rách cả áo nếu ông không phải là tay thần công tuyệt giỏi thì bị nguy rồi.

Ông cả sợ vội quay kiếm về bảo vệ quanh mình tức thì trước mặt ông như có một vách thành kiên cố vô cùng, phi đạn của Bách Hoa Nương ném đến chạm vào kiếm Ngũ Lôi nổ ầm lên và tan tành như tro bụi.

Công Tôn cả giận ông quát to lên một tiếng và điều khiển luồng kiếm to rộng ra bay ào đến chém Bách Hoa Nương như chớp nhoáng, nhưng hình ảnh của nàng đã khuất đâu mất từ lúc nào.

Công Tôn giận quá, ông toan đuổi theo, nhưng sực nhớ lại là phải phá tan gian quán ác nghiệt của Tứ Đại Trùng nên vội quay trở lại và phóng kiếm hủy phá ngôi quán.

Trong chớp mắt ngôi quán to lớn tan tành như xác pháo. Bây giờ Công Tôn mới lên đường đi nơi khác, nhưng vừa lúc ấy ông thoáng thấy một bóng trắng nhẹ nhàng bay vút qua.

Công Tôn thoạt thấy, ông độ chừng bóng trắng là Bách Hoa Nương nên vội chạy bay theo.

Tài phi đằng của ông cũng không hơn kém thế mà lúc ấy ông không làm sao theo nổi bóng trắng kia.

Công Tôn cả giận vì bóng trắng đi như một kẻ nhàn du, hai chân bóng ấy nhẹ nhàng như không chạm đến mặt đất mà sức đi nhanh của bóng đó vô cùng kỳ diệu, thỉnh thoảng bóng đó dừng lại và nhìn xung quanh mà khi ông cố gắng chạy đến là bóng đó chỉ chuyển mình một cái là hình ảnh đã tuyệt mù xa.

Công Tôn uất ức quá, ông dùng kiếm độn bay nhanh theo như gió cuốn quyết theo cho kịp kẻ thù địch để diệt trừ nó cho rồi vì ông tin bóng trắng là Bách Hoa Nương, nhưng khi ông dùng kiếm độn thì bóng trắng bỗng bay vọt lên không và đi nhanh hơn gió không tài nào theo nổi.

Công Tôn theo như thế có hơn ba giờ mà vẫn lẽo đẽo ở xa bóng ấy không biết bao nhiêu thét rồi bóng ấy chỉ còn là một chấm trắng mờ ở chân trời mà thôi.

Công Tôn dùng cả tuyệt điểm công phu đuổi theo, đường ngàn dặm thoát một lúc là đã vượt qua, ông đã qua không biết bao nhiêu rừng núi mà vẫn theo không kịp con người kỳ dị ấy.

Nhiều lúc ông rủa thầm: “Bách Hoa Nương hỡi? Ta mà theo kịp thì ta quyết trừ bỏ mầy ngay”.

Nhưng ông không còn làm sao theo kịp nữa. Chấm trắng ở chân trời biến mất.

Bây giờ Công Tôn uất ức quá đành phải thôi đuổi vậy. Ông ngừng kiếm độn hạ xuống và đi lần về phía có nhà cửa thì đấy là một trấn nhỏ.

Công Tôn phần đói phần mệt, ông vào một tửu lầu to lớn và lên tầng thượng ngồi, gọi đem rượu ra uống.

Tửu bảo đem rượu thịt ra cho ông ngay vì nơi đây tiếp khách rất lịch sự.

Bây giờ Công Tôn mới để ý đến cách trưng bày trong hàng ăn, ông gật gù khen thầm: “Đây là Anh Hùng quán, chủ nhân nó người gì mà đặt tên quán như vậy”.

Trong quán bây giờ khách ăn rất đông, phần nhiều là người ăn mặc lịch sự, vương tôn công tử, phú gia nhiều hơn là kẻ giang hồ.

Công Tôn bỗng giật mình vì thấy Xuyên Vân Yến Khách và Vạn Thanh Vân bước vào, hai người chọn bàn ngồi rồi cùng gọi rượu ra uống.

Hai người không nhận được Công Tôn vì ông giả trang thay hình đổi dạng.

Bỗng Công Tôn chú ý đến một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần bước vào quán. Nàng là một trang tuyệt sắc giai nhân, vẻ đẹp của nàng thật hoa nhường nguyệt thẹn.

Nàng ăn mặc theo nhà võ, lưng thắt gọn đeo bảo kiếm, bên ngoài võ y xem đẹp lạ thường.

Trên mái tóc nàng như lóng lánh hào quang, mặt nàng trắng tinh, mắt sáng như sao băng, môi đỏ như son mọng.

Có lẽ nàng không quen vào quán nên có vẻ e lệ thẹn thùng, nàng chưa biết ngồi đâu thì tửu bảo ra mời nàng vào ngồi nơi bàn giữa quán.

Bao nhiêu đôi mắt trong quán đều đổ dồn về phía nàng, ai ai cũng trầm trồ khen nàng đẹp, các vương tôn công tử bay hồn mất vía như gặp tiên nga.

Tửu bảo đem đồ ăn ra cho nàng và nàng ngồi ăn tự nhiên không nhìn ai cả.

Bỗng tửu bảo chạy ra đón mấy người vừa vào có vẻ sợ hãi và cung kính lắm. Công Tôn ngước mắt nhìn, ông thấy như ngờ ngợ gương mặt của họ dường như đã gặp đâu vài lần.

Còn Xuyên Vân Yến Khách và Vạn Thánh Vân thì quay mặt đi không nhìn họ.

Thấy tình hình như vậy Công Tôn đoán chừng bọn này là kẻ đạo tặc chi đây. Ông gọi tửu bảo lại và hỏi :

- Chẳng biết nơi đây là đâu vậy.

- Đây là Anh Hùng quán còn thôn tên Vạn Hoa.

Công Tôn giật mình nghĩ thầm: “Té ra ta lọt vào vùng của bọn Vạn Hoa thất quái rồi”.

Ông hỏi nhỏ tửu bảo :

- Có lẽ mấy ông vừa vào là người trong Vạn Hoa trang.

Tửu bảo có vẻ sợ sệt nói nhỏ :

- Chính vậy.

Nói xong nó lui ra chỗ khác và có vẻ sợ sệt lắm.

Công Tôn nghĩ thầm: “Ta vào đây gặp phải loài ác quỷ, như vậy tránh sao khỏi sự tranh đấu lôi thôi. Cha chả sự đời đã thế có trốn đâu cho khỏi bây giờ”.

Công Tôn còn đang nghĩ ngợi bỗng bên trong một người râu tóc bạc phơ bước ra, chào mọi người rồi nói lớn lên :

- Lão phu kính chào liệt vị anh hùng bốn phương. Lão phu là chủ tửu lâu Anh Hùng quán này, có vài lời tỏ bày cùng quý vị.

Mọi người vỗ tay tán thưởng thì chủ nhân nói tiếp :

- Từ lâu nay quán Anh Hùng có lệ là quý khách đến ăn toàn là những bậc anh hùng, kẻ tài văn người võ giỏi. Nếu ai có tài thơ phú, hay có sức bạt sơn cử đảnh thì được thưởng ba bầu Thần Tiên tửu và khỏi phải trả tiền trọ và tiền ăn quán, nhưng người giỏi văn phải đối được một bài thơ, mà kẻ võ phải nhấc nổi chiếc đỉnh nặng muôn cân. Hôm nay chư quý vị, có vị nào ra tài xin cứ cho những anh hùng nơi đây đều biết.

Lão chủ quán nói dứt lời tức thì tiếng hoan hô nổi dậy lên, thiên hạ vui sướng vì sẽ chứng kiến nhiều cảnh lạ mắt.

Bốn tửu bảo kéo tấm bình phong ngăn phía sau ra khiến mọi người nhìn thấy một chiếc đỉnh đồng to lớn như một quả núi, sức nặng có trên mười cân thật là một chiếc đỉnh to lớn xưa nay không hề có.

Công Tôn giật mình nhủ thầm: “Chiếc đỉnh to như quả núi ai mà cử nổi. Ta chưa chắc làm lung lay nó huống gì cử lên”.

Lúc ấy Lục Yêu Tử, Trấn Ma Tử, Hồng Phong Tử đều mỉm cười. Lục Yêu nói với hai anh :

- Lảo già mục này không kể anh em ta ra gì nên có ta ngồi đây mà lão dám cả gan nói lớn lối. Nhị vị huynh trưởng hãy cho lão một phen khiếp

Vừa lúc đó Linh Quang Tử đi vào ngồi cạnh họ và nói :

- Liệt vị hiền đệ đến đây ăn uống rồi về trang trại. Ta sợ chư vị hiền đệ ra ngoài gây sự nên phải theo đây. Đại sư huynh ta thường nói lão Đạt Ni Phật là tay bản lãnh siêu việt, tánh khí anh hùng, các hiền đệ chớ làm mích lòng lão làm gì. Nếu đến Anh Hùng quán mà gây sự thì ta không tha đó.

Lục Yêu Tử chếnh choáng hơi men liền nói :

- Nào chúng đệ có làm ngang. Lão Đạt Ni Phật thách ai cử nổi chiếc đỉnh kia lão sẽ thưởng cho ba bầu Thần Tiên tửu và ăn khỏi trả tiền. Đệ định cử chiếc đỉnh ấy xem sao?

Linh Quang Tử nhìn quanh rồi nói :

- Phàm kẻ cao diệu không nên vì chuyện cỏn con mà thi thố tài năng. Ta khuyên quý hiền đệ chứ ra tay để mặc cho ai cử đỉnh thì cử.

Lúc đó có một người khách lực lưỡng, cánh tay bắp thịt nổi vồng lên, ông ta bước ra khỏi bàn ăn và nói lớn :

- Chu mỗ vốn không tài sức. Nay chủ nhân đã dạy bảo, Chu mỗ xin thử xem sao? May mà cử nổi đỉnh thì đỡ bữa rượu, nếu không xin quý vị chớ cười.

Nói xong hắn vào vén tay áo, vận nội công và dùng thế tọa mã, hai tay cầm chặc chân đỉnh thét một tiếng to cố nhấc lên.

Nhưng hắn đỏ mặt tía tai mà chiếc đỉnh vẫn trơ trơ không hề nhúc nhích tí nào cả.

Thiên hạ trong quán vỗ tay cười ầm lên, nhất là Lục Yêu Tử và Hồng Phong Tử. Lục Yêu Tử nói oang oang lên :

- Quả thằn lằn đeo cột đá. Họ Chu chỉ là con mối trước quả núi mà thôi.

Chàng họ Chu tức tối quát to lên một tiếng, nhảy đến trước mặt Lục Yêu Tử và thét lớn :

- Tên khốn nạn kia sao dám khinh người vậy. Ta nhân vui vẻ mà ra cử đỉnh, nổi cũng được mà không cũng được, không gì là nhục là vinh sao mi ở miệng nói càn như vây. Mi giỏi hãy ra cử chiếc đỉnh xem sao? Nếu mi cử nổi hãy chê ta là dở.

Lục Yêu Tử tính như lửa đốt, có khi nào hắn để ai động đến mình, nghe họ Chu nói vậy hắn cả giận đứng dậy trỏ tay vào mặt chàng ta và nói lớn :

- Thất phu mi không tài cán gì mà dám ra cử chiếc đỉnh nặng muôn cân. Cái thây mập của ngươi chỉ làm anh đồ tể là phải, chứ học đòi chi việc võ nghệ.

Họ Chu thét mắng lại :

- Mi cố giỏi hãy thử xem. Nếu mi cử nổi đỉnh ta sẽ phục ngươi làm thầy.

Lục Yêu Tử không thèm nói, hắn bước đến chiếc đỉnh và đứng tấn rồi thét lên một tiếng nắm chân chiếc đỉnh giở mạnh lên.

Ghê thay cho thần lực của hắn, chiếc đỉnh nặng muôn cân to như quả núi theo tay hắn lên bổng mặt đất. Mọi người vỗ tay ầm lên như sấm và reo lên :

- Hão thần lực. Hão thần lực

Bỗng một tiếng rầm chuyển động chiếc đỉnh trêu tay Lục Yêu Tử rớt đánh sầm xuống làm tầng thượng lầu rung rinh như nắp đổ, thì ra Lục Yêu Tử không đủ sức cử nổi đỉnh lâu mới để chiếc đỉnh rơi xuống như vậy.

Bây giờ thiếu nữ ngồi đấy mỉm cười nói nhỏ :

- Thật bọn bị thịt, đầu voi đuôi chuột. Thà không cử nổi như chàng họ Chu còn hơn.

Lục Yêu Tử làm rơi chiếc đỉnh, hắn kinh hoảng nhảy lùi lại để tránh thì nghe thiếu nữ nói như vậy hắn giận lắm, phần thì bọn khách vỗ tay ầm lên như trêu ghẹo.

Lục Yêu Tử sấn vào tát thiếu nữ làm mọi người thất kinh vì e cho thân bồ liễu không chịu đựng được cái tát của kẻ thứ sáu trong hàng Vạn Hoa thất quái, Xuyên Vân Yến Khách toan đứng lên can thiệp thì thiếu nữ nhẹ nhàng đứng lên đỡ tay Lục Yêu Tử rồi kéo hắn trở lại bàn và nói :

- Anh hùng làm gì thế. Định hiếp đáp một cô gái hay sao?

Xuyên Vân Yến Khách, Vạn Thanh Vân và Công Tôn rùng mình khiếp sợ, không hiểu thiếu nữ là ai mà tài tình ghê gớm như vậy. Lục Yêu Tử là một tay bản lãnh siêu việt trong đời, chính các ông còn chưa chắc hơn thay mà một thiếu nữ lôi được hắn như kéo trẻ con vậy.

Hồng Phong Tử cả giận, quát lên một tiếng, rút thanh Điện Quang kiếm chém xả xuống đầu nàng như một quả núi sa xuống khí thế vô cùng dữ dội.

Xuyên Vân Yến Khách cả kinh ông toan đứng dậy để giúp thiếu nữ thì nàng cả cười nói to lên :

- Cha chả! Năm ba người định dùng võ lực áp bức tôi chăng. Xin các ngài hãy ngồi xuống uống rượu và có giỏi thì cứ thử chiếc đình kia xem sao?

Lạ lùng thay! Thanh Điện Quang kiếm sa xuống dữ dội như vậy mà chưa đến đầu thiếu nữ đã bị dội lại như có tấm vách vô hình ngăn lại.

Thiếu nữ kéo tay Hồng Phong Tử và nói :

- Anh hùng ngồi xuống là phải, chớ giận dỗi làm cho tổn tinh thần.

Lạ thay Hồng Phong Tử là tay bản lãnh siêu việt như vậy mà phải theo phép, hắn không dám làm gì cả.

Bây giờ thiếu nữ về ngồi chỗ cũ và nói với mọi người :

- Tiện nữ nhân qua đây và hân hạnh được ghé Anh Hùng quán. Rất may mà chư vị anh hùng đều có mặt nơi đây. Vậy ngài nào nên ra tài cử đỉnh để tiện nữ được nhìn xem đôi chút thì tiện nữ cảm đội muôn vàn.

Linh Quang Tử từ nãy giờ lấy làm kinh dị, ông ta không hiểu thiếu nữ là hạng người nào mà tài tình ghê gớm như vậy.

Từ xưa nay hắn là người rất điềm đạm, đã từng chu du khắp nước, đã từng đọ kiếm với khắp mặt anh hùng trong thiên hạ, nhưng chưa hề thấy ai có bản lãnh kỳ diệu như thế.

Tình thế đã đến hồi gay go, ông dành phải ra tay để bảo vệ cho danh tiếng bọn Vạn Hoa thất quái. Ông đứng lên và nói :

- Thưa liệt vị anh hùng. Hai vị nghĩa đệ của tôi vừa rồi vì nóng tính có ý làm phiền cô nương đây. Vậy tôi xin cử thử chiếc đỉnh kia để cô nương và quý vị xem hầu có chuộc lỗi lại.

Nói xong hắn bước lại bén chiếc đỉnh muôn cân và cúi xuống nhấc chân đỉnh lên roi đi ba Vòng quanh rồi trở lại để chiếc đỉnh chỗ cũ mặt không hề đổi sắc.

Mọi rgười vỗ tay rầm lên khen tặng.

Công Tôn kinh sợ nghĩ thầm: “Nhân vật Vạn Hoa thất quái ghê gớm thật. Ta không phải là tay đối thủ của họ”.

Còn Vạn Thánh Vân với Xuyên Vân Yến Khách cũng kinh hồn bảo nhau :

- Thằng Linh Quang Tử ghê gớm thật. Bọn ta không khéo thì nguy với chúng nó chứ chẳng chơi.

Vạn Thánh Vân nói mau :

- Bọn nó đã thấy chủng ta rồi, chắc chúng ta khó khỏi một phen tranh đấu. Âu là sư huynh nên biểu lộng thần oai cho chúng một phen khiếp hãi rồi sẽ hay. Lẽ đâu lão anh hùng Đạt Ni Phật lại không ra tay giúp bọn ta. Khi nãy đã để ý đến bọn mình nhưng đệ làm ngơ như không biết.

Xuyên Vân Yến Khách nói :

- Thiên hạ đồn lão ta là tay ghê gớm trong đời, về ẩn dật nơi thôn Vạn Hoa khiến bọn Vạn Hoa thất quái cũng phải kiêng nể. Ma Phong Tử thường hay đi lại tỏ ý kính lão lắm đó.

Hai người cũng không khỏi bàn luận đến bản lĩnh ghê hồn của thiếu nữ và không ai hiểu nàng là hạng người gì mà ghê gớm như vậy.

Linh Quang Tử cử đỉnh rồi hắn chào mọi người và lui về bàn ngồi như cũ, nhưng mắt hắn luôn luôn nhìn về phía Xuyên Vân Yến Khách và Vạn Thánh Vân.

Còn lũ Hồng Phong Tử, Lục Yêu Tử, Trấn Ma Tử cứ nhìn chầm chập thiếu nữ, như muốn ăn gan uống máu nàng mới hả giận.

Xuyên Vân Yến Khách biết thế nào cùng một phen chiến đấu lệch trời nghiêng đất, nên ông bước ra chào mọi người và nói :

- Ngu mỗ cũng người ở xa đến, nhân đến đây được xem liệt vị anh hùng cử đỉnh thật là may mắn vô cùng. Ngu mỗ tài hèn sức yếu nhưng cũng học đòi theo liệt vị mà cử đỉnh xem sao. May mà cử được thì đỡ một bữa ăn, còn không cũng làm trò vui cho quý vị.

Nói xong ông bước đến cầm chân đỉnh xách lên như xách một vật nhẹ và đi mấy vòng rồi đem đật lại chỗ cũ rồi trở về bàn rượu.

Bọn Lục Yêu Tử thấy Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách thì máu đã sôi lên, nhưng chưa muốn sanh sự, đến lúc thấy Xuyên Vân cử đỉnh chúng càng giận thêm nhất là Trấn Ma Tử xưa nay vốn có cừu thù cùng hai người, nhưng bọn họ gờm thiếu nữ và Linh Quang Tử nên chưa giở thủ đoạn gì.

Đạt Ni Phật tuy biết rồi đây sẽ có xảy ra chuyện hơn thua, nhưng ông vui mừng vì hôm nay có nhiều kẻ kỳ tài hội đến.

Là một tay từng trải việc đời, ông biết bọn Vạn Hoa và bọn Xuyên Vân sao sao cũng sanh ra một trường huyết chiến, nên ông cố tìm cách ngăn lại.

Ông tuyên bố với mọi người bữa ăn trong quán hôm nay ông không tính tiền và đem rượu thêm cho mọi người.

Xuyên Vân và Linh Quang Tử được thưởng ba bầu Thần Tiên tửu

Bây giờ thiếu nữ mới đứng lên nói :

- Tiện nữ đến đây chưa được biết Thần Tiên tửu ra sao, mà cũng không đủ tiền trả trọ một đêm vậy xin chủ nhân Anh Hùng quán cho cử đỉnh để trừ tiền vậy.

Mọi người lạnh toát mồ hôi. Ai ai cũng lo thiếu nữ làm trò cười cho thiên hạ, nhưng nhớ hành động nàng vừa rồi nên cũng hơi ngờ vực đôi chút.

Thiếu nữ rảo gót sen đến bên chiếc đỉnh và không cần dùng tay nàng ấy chân hất chiếc đỉnh lên và cầm lấy chân dỉnh, nhảy vút lên tầng trên lọ hoa giữa bàn.

Mọi người kinh hồn khiếp vía, mồ hôi toát ra như tắm tưởng mình sống trong cơn mộng.

Cử được chiếc đỉnh đó lên phải là người có sức khỏe muôn cân, bước được một bước đã khó khăn lắm huống gì nhảy lên đứng trên nhành hoa là một sự trong đời không thể có được.

Người biểu diễn được như vậy phải là người tài nhất trần đời, sức khỏe trùm trời đất, phép khinh thân đề khí phải đến chỗ tuyệt đích mới mong được.

Thiếu nữ là ai mà nàng có hành động ghê gớm như vậy.

Công Tôn và bọn Xuyên Vân Yến Khách bay hồn mất vía, không ngờ trong đời có người tài tình như vậy.

Trong lúc ấy thiếu nữ cất tiếng cười, nàng chao mình nhảy ra ngoài cửa và tung mình lên cao như một chiếc pháo thăng thiên. Chớp mất không còn ai thấy hình dung nàng nữa.

Mọi người ngồi đấy mọc óc cùng mình không ai tưởng mình đang sống thật. Chính lão anh hùng Đạt Ni Phật là người từng trải khắp giang hồ, đã biết hầu hết anh hùng trong thiên hạ mà cũng sững sờ như chiêm bao.

Có ai ng

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện