Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 11: Giấc mơ thiên tài



Trong trường hợp không phải giao tiếp với con người, tôi tràn ngập niềm vui cuộc sống. Nhưng tôi không thể vượt qua nổi nỗi phiền toái cỏn con gặm nhấm mình mỗi ngày, sinh mệnh là một chiếc áo gấm hoa lệ, trên đó đầy những con bọ nhung nhúc.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Cuộc đời mỗi người đều cần gặp gỡ vài mối duyên phận hoặc sâu đậm hoặc nhạt nhòa. Chỉ là thời gian ngắn dài, bèo tụ mây tan, không do bạn làm chủ. Trong dòng người lướt qua nhau, duyên phận sẽ chỉ dẫn cho bạn, tìm được người thấu hiểu tâm ý mình. Có lẽ, trên thế gian này không ai có thể thực sự đi cùng bạn đến điểm cuối cùng, nhưng chúng ta vẫn nên cảm ơn những cuộc tương phùng sâu sắc ấy.

Sinh mệnh là một chuyến viễn hành dài không thể dự đoán trước, gió sớm trăng lạnh, dương liễu hoa rơi, đều chỉ là phong cảnh trong khoảnh khắc mà thôi. Những người bạn đồng hành ấy, không chỉ là tình yêu, mà còn không thể thiếu vắng tình thân hay tình bạn. Dù một ngày có trở thành những người qua đường quay người lại một cách lạnh lùng hay không, thì chúng ta cũng đều phải trân trọng bất cứ một mối duyên phận nào.

Vốn cho rằng một cô gái cô độc và cao ngạo như Trương Ái Linh, hẳn sẽ chỉ coi văn chương chữ nghĩa làm tri kỷ, chỉ bầu bạn với cô đơn. Kỳ thực chúng ta đều biết, một cô gái yêu văn chương, về tình cảm chắc chắn sẽ sâu sắc hơn người bình thường. Trương Ái Linh là kiểu phụ nữ ẩn chứa trong mình muôn vàn tình cảm yếu mềm, người có thể khiến cô động lòng, thực sự không nhiều. Cô lúc thì lạnh lùng tựa hàn mai, lúc lại yểu điệu như hải đường, lúc lại thâm trầm như khói ráng, lúc lại thoang thoảng như gió mát. Những người đã từng đọc văn của cô hẳn đều biết, cả cuộc đời cô không chỉ gặp gỡ hai người đàn ông khiến cô yêu đến khắc cốt ghi tâm, mà còn có những người bạn bên nhau qua cơn mưa gió.

Ở Đại học Hương Cảng, trong trường học gấm hoa rực rỡ này, Trương Ái Linh luôn bị nỗi cô độc không tên làm tổn thương. Ngoài miệt mài học tập, đi đến thư viện đọc sách văn học ra, một ngày của cô cực kỳ đơn giản. Nhưng có một cô gái vô tình đi vào cuộc sống của cô, khiến nỗi cô độc đeo bám ấy, càng lúc càng xa dần. Cô ấy tên là Viêm Anh, một đứa con lai, cha là người Tích Lan (nay là Sri Lanka), mở cửa hàng đá quý Moshi Austin, mẹ là người Thiên Tân, vì cuộc hôn nhân với người ngoại quốc mà cắt đứt quan hệ, đoạn tuyệt với gia đình, Viêm Anh có màu da đen, thân hình thấp mà đẫy đà, đường nét trên gương mặt rõ ràng. Cô cởi mở, nói nhanh như bắn tên, lại cực kỳ hoang dại thú vị. Chính cô bạn học nhiệt tình này đã thay đổi sự lạnh lùng và u uất của Trương Ái Linh, mang đến nhiều tiếng cười, niềm vui và sự thú vị cho cuộc sống ở Đại học Hương Cảng của cô.

©STENT

Đến nay, ở ban công trên sân thượng nhà Viêm Anh vẫn còn một tấm ảnh chụp chung của Trương Ái Linh và Viêm Anh. Vì năm tháng đã xa, bức ảnh đen trắng giờ đây nhìn càng nhạt nhòa không rõ. Dẫu cho tuế nguyệt lưu lại những dấu ấn loang lổ trên tấm ảnh, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của hai cô gái trẻ mặc váy đó. Rất nhiều tấm ảnh khác của Trương Ái Linh, có được mấy tám cô mỉm cười từ tận đáy lòng như thế?

Sau này, cái tên Viêm Anh đã xuất hiện trong nhiều trang viết của Trương Ái Linh, cô ấy trở thành người bạn tri kỷ quan trọng nhất cuộc đời của Trương Ái Linh. Có lẽ Viêm Anh không phải là người không thể thiếu vắng trong cuộc đời của Trương Ái Linh, nhưng sự tồn tại của cô ấy lại giống như bình minh xua tan đi mây mù, thêm một ráng mây rực rõ. Trương Ái Linh vốn là một cô gái lạnh lùng, nhưng đối với Viêm Anh, cô không thể nào lạnh nhạt nổi.

Trương Ái Linh từng viết thiên về Viêm Anh ngữ lục, kể về những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống của Viêm Anh, qua đó chúng ta hiểu rõ hơn sức hấp dẫn trong nhân cách của cô gái lạc quan này.

Ở sạp báo, Viêm Anh đọc họa báo, lật đi lật lại chúng, nhưng cuối cùng không mua quyển nào. Chủ sạp báo mỉa mai: “Cảm ơn cô!”. Viêm Anh đáp: “Đừng khách sáo thế!”.

Viêm Anh mua đồ, khi thanh toán vẫn luôn phải bớt một chút số lẻ. Cho dù là trong cửa hàng của người Do Thái, cô vẫn làm như vậy. Cô lộn hết mặt trái của túi da ra, nói: “Đây, chú nhìn đi, hết rồi, thật sự, cháu chỉ có chừng này…”. Một cô gái thú vị dễ thương như thế, khiến các ông bà chủ cửa hàng đều phải buồn cười vì tính khí trẻ con của cô.

Viêm Anh thông minh nhạy cảm, có tư chất văn học trời phú. Trương Ái Linh nói cô ấy cũng từng có suy nghĩ trở thành tác giả văn học, tích cực học tiếng Trung, thậm chí còn từng nói một câu hàm chứa đầy thi ý lẫn triết lý: “Mỗi một con bướm đều là hồn ma của một đóa hoa trước đây, giờ quay về để tìm lại bản thân.” Dường như câu nói này khiến chúng ta hiểu ra rất nhiều điều. Trương Ái Linh thích chơi với Viêm Anh không chỉ để được lây lan sự vui vẻ của cô ấy, mà nhiều khi, cô ấy có thể nhìn thấy sự yếu mềm và cô độc trong sâu thẳm nội tâm của Trương Ái Linh.

Họ có quan điểm giống nhau về định mệnh, cùng tin rằng có kiếp trước kiếp sau, tin rằng gặp gỡ là do duyên, không phải là trùng hợp, mà là định mệnh. Có lẽ rất nhiều người không biết lần đầu Trương Ái Linh đến Hương Cảng, một trong những hành khách đi cùng thuyền với cô, là Viêm Anh. Khi đó họ chưa quen biết nhau, nhưng những người thực sự có duyên với nhau, thì cho dù phải trải qua non nước trùng điệp, rồi cũng sẽ gặp nhau.

Viêm Anh may mắn được là một trong số bạn bè thân thiết của Trương Ái Linh. Hay có lẽ, chính Trương Ái Linh mới là người may mắn, có thể gặp được một cô gái nhiệt tình phóng khoáng như thế trong lúc quạnh quẽ cô đơn. Trong thời gian học ở Hương Cảng, người cùng Trương Ái Linh đi xem phim, dạo phố, mua đồ ăn vặt, là Viêm Anh. Người cùng Trương Ái Linh tản bộ trong vườn trường, tâm sự, cũng chính là Viêm Anh, Viêm Anh biết, Trương Ái Linh trầm mặc cô độc ngạo nghễ, nhưng kỳ thực nội tâm lại tinh tế sâu sắc. Cho nên, với Trương Ái Linh, Viêm Anh không chỉ trân trọng, mà thương xót nhiều hơn.

Còn tình bạn của Trương Ái Linh đối với Viêm Anh cũng không phải là tầm thường. Thường nói con gái đa tình thì mau nước mắt nhưng Trương Ái Linh lại rất hiếm khi khóc. Sau này cô từng nói, bình sinh chỉ khóc lớn hai lần, trong đó có một lần là vì Viêm Anh. Có một kỳ nghỉ hè, Viêm Anh đã đồng ý ở lại Hương Cảng cùng Trương Ái Linh, nhưng không hiểu vì sao, lại không từ biệt mà đi, khiến Trương Ái Linh buồn bã khôn nguôi, òa khóc nức nở, có lẽ vì cô quá cô độc.

Hai người họ còn có chung một sở thích, đó chính là hội họa. Từ nhỏ Trương Ái Linh đã say mê hội họa, còn Viêm Anh vừa khéo lại có tài năng bẩm sinh về lĩnh vực này. Sau này, khi Hương Cảng thất thủ, để ngày tháng qua đi, họ thường cùng nhau vẽ tranh. Một người vẽ phác thảo, một người tô màu, có thể gọi là “Châu liên bích hợp”[1]. Trang bìa tập truyện ngắn Truyền kỳ của Trương Ái Linh do Viêm Anh thiết kế hai lần, ý tưởng của cô ấy vừa mới mẻ vừa sinh động, khiến Trương Ái Linh cực kỳ yêu thích.

[1] Trân châu xâu thành chuỗi, ngọc bích xếp thành hàng, ví von những cái tốt đẹp hội tụ với nhau.

Đúng là “quân tử tri giao đạm nhược thủy”[2], tình bạn giữa Trương Ái Linh và Viêm Anh tuy sâu đậm, nhưng vẫn luôn giữ một khoảng cách nhất định. Sau khi chia tay ở Hương Cảng, hai người lại có duyên tái ngộ lần nữa ở Học viện St John’s. Sau đó, lại ly tán, mấy độ chìm nổi, cũng lại được trùng phùng. Khi ở cạnh nhau, họ trân trọng một cách lý trí, khi không bên nhau, họ nhớ nhung nhau một cách nhẹ nhàng.

[2] “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Nghĩa là: Tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo giữa kẻ tiểu nhân ngọt ngào như rượu ngọt; tình cảm giữa người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào nhưng dễ đoạn tuyệt.

Quãng thời gian ở Đại học Hương Cảng, có một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Trương Ái Linh. Đó là một lần duy nhất cô đã viết một bài văn bằng tiếng Trung. Đây chính là bài văn xuất sắc nhất, nổi tiếng nhất trong những tác phẩm thời kỳ đầu của cô – Giấc mơ thiên tài của tôi. Tôi tin rằng, chỉ cần nhắc đến Trương Ái Linh, thì đều không quên được câu nói nổi tiếng của cô: “Tôi là một cô gái cổ quái, từ nhỏ đã được đánh giá là thiên tài, ngoài phát triển thiên tài ra, tôi không có mục tiêu sinh tồn nào khác…”.

Trương Ái Linh viết Giấc mơ thiên tài của tôi để tham gia cuộc thi viết theo chủ đề của tạp chí Tây Phong. Khi viết bài văn này, cô chỉ mới mười chín tuổi, thế nhưng sự tài tình xuất chúng của cô đã khiến người ta phải kinh ngạc, văn phong đặc biệt tinh tế và câu kết kinh hãi thế tục, ý tứ sâu xa: “Sinh mệnh là một chiếc áo gấm hoa lệ, trên đó đầy những con bọ bò lúc nhúc”, khiến người ta phải suy ngẫm khôn cùng. Sau khi cuộc thi kết thúc, các bài văn được tập hợp và xuất bản, đề tài Giấc mơ thiên tài của cô đã được chọn.

Nhưng Trương Ái Linh cực kỳ bất mãn với kết quả bình chọn của tạp chí Tây Phong, và đã nhắc lại nhiều lần sự kiện này trong cuộc đời. Những năm bảy mươi, khi biên soạn Trương Khán (Những quan điểm của Trương Ái Linh) cô đã viết thêm một đoạn phụ lục đằng sau đoạn kết của Giấc mơ thiên tài như sau: “Giấc mơ thiên tài của tôi đạt giải khuyến khích thứ mười ba của cuộc thi viết theo chủ đề của tạp chí Tây Phong. Cuộc thi giới hạn số chữ, cho nên bài văn này phải cực kỳ tiết chế, hàm súc, thế nhưng bài đạt giải nhất lại dài hơn quy định gấp mấy lần. Không phải sau mấy chục năm tôi vẫn còn tính toán chi li, mà chẳng qua vì ảnh hưởng bởi nội dung và độ tin cậy của bài văn này, nên tôi buộc phải lên tiếng”.

Theo lời kể của Trương Ái Linh, bài dự thi gửi đi không lâu, ban biên tập tạp chí Tây Phong đã thông báo cô “đoạt giải nhất, giống như trúng số độc đắc vậy”. Ai ngờ đến khi nhận công bố chính thức “toàn bộ danh sách đoạt giải, bài đoạt giải nhất là Vợ của tôi, tên họ tác giả tôi không nhớ rõ. Tôi bị xếp cuối cùng, giống như trên danh nghĩa ‘giải đặc biệt’, thực chất chỉ tương đương với được Tây Phong ‘vinh dự nhắc đến’ mà thôi. Trương Ái Linh còn nói: “Tây Phong xưa nay chưa bao giờ giải thích với tôi bằng văn bản. Tôi chẳng qua cũng chỉ là một sinh viên đại học”.

Thời gian qua đi, không còn ai tìm hiểu về cuộc thi viết đó nữa. Thực ra Trương Ái Linh không phải là một người hay rêu rao, nội tâm của cô giống như hoa sen yên tĩnh, sở dĩ cô vẫn canh cánh trong lòng là bởi cô quá trân trọng yêu quý văn chương của mình. Thế nhưng, độc giả thực sự yêu thích văn chương của cô, sẽ không để tâm cô có được giải thưởng gì hay không, mà sẽ lưu ý đến những ý vị khôn cùng toát lên từ những trang sách.

Trương Ái Linh là một thiên tài, đối với một thiên tài, người đời càng phải nhân từ và khoan dung hơn nữa. Cho nên, sự lập dị, sự cô độc và lạnh lùng, và cả sự xa cách của cô đối với thế gian này, đều đáng được tha thứ, đáng được tôn trọng. Nếu chúng ta nhìn Trương Ái Linh bằng ánh mắt bình thường, để yêu cầu cô, vậy thì cô đã không còn là một truyền kỳ trong giới nữ lưu nữa.

Có lẽ Trương Ái Linh không phải là một cô gái theo đuổi cái đẹp một cách thuần túy. Ngay từ khi còn rất nhỏ, cô đã hiểu, cuộc đời là để chém giết, là để cắt gọt. Cho nên, cô chưa bao giờ sợ sự đổ vỡ. Nước xuân chảy về đông, trăng thu phải tàn khuyết, biết bao câu chuyện tình ấm áp đều bị dồn ép đến khô kiệt, tháng năm mang lại những ký ức đỉnh cao, và cũng có thể rút cạn tất cả.

Khi chúng ta khoác lên mình chiếc sườn xám hoàn mỹ, soi dáng vẻ dịu dàng xinh tươi trong gương, tự cho rằng mình phong tư vạn chủng, thì Trương Ái Linh đã lạnh lùng nhìn ngắm từ rất xa. Có lẽ, đã từng im lặng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng câu nói mà cô không nhẫn tâm nói ra đó, rốt cuộc vẫn phải thốt ra, rõ ràng biết bao, dứt khoát biết bao, triệt để biết bao!

Sinh mệnh là một chiếc áo gấm hoa lệ, trên đó đầy những con bọ bò lúc nhúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện