Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 23: Tình duyên nửa cuộc đời



Chúng ta không thể quay trở về được nữa, không thể quay trở về nữa. Có lẽ tình yêu không phải là nhiệt tình, cũng không phải là hoài niệm, chẳng qua chỉ là năm tháng, năm lâu tháng dài đã trở thành một phần của cuộc đời.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Người ta nhận xét rằng, cuộc đời của những cô gái thời Dân Quốc đều không được như ý. Tiêu Hồng có số mệnh đau khổ, Lục Tiểu Mạn qua đời trong lạnh lẽo cô đơn, Thạch Bình Mai là đóa quỳnh vụt nỡ, Tô Thanh chịu kết cục buồn thảm. Còn có rất nhiều cái tên mà chúng ta biết hoặc không biết, dường như họ đều không vui vẻ, đều để những năm tháng thanh xuân như hoa trôi đi trong khổ đau lầm lỡ. Đến Trương Ái Linh, cũng như vậy. Nếu nói tuổi xuân tươi đẹp là một canh bạc, vậy thì bọn họ đều là những cô gái tình nguyện thua bạc, cô độc qua đời trong mùa hoa rực rỡ, không cần hỏi đến nhân quả.

Có người từng nói, Trương Ái Linh là kiểu con gái đi giữa dòng người, chỉ cần liếc mắt cũng có thể nhận ra. Thân hình cao gầy, tâm sự bị buộc chặt trong lớp áo sườn xám, có chút cao ngạo, có chút xa cách, có chút khiêu khích, lại có chút lạnh lùng. Mất Hồ Lan Thành, chịu đựng sự biến chuyển của thời đại và sự trách cứ của dân chúng, rồi bỏ lỡ tình cảm như có như không của Tang Hồ. Trương Ái Linh chỉ cảm thấy đời người càng thêm lạnh lẽo tiêu điều; hồng trần với cô, không còn mùi vị gì nữa.

Mỗi đêm, dưới ánh đèn quạnh quẽ, làm bạn với cô vẫn là những con chữ. Mà thứ cô tin tưởng, cũng chỉ là con chữ. Chỉ có khi làm bạn với văn chương, cô mới cảm thấy yên ổn như thuở xưa. Những tháng ngày này, Trương Ái Linh vẫn ở cùng với người cô, họ dọn nhà ra khỏi chung cư Eddington, đến ở trong căn hộ số 11 gồm một phòng khách hai phòng ngủ ở căn nhà hai tầng ở tiểu khu Trùng Hoa Tân Thôn. Thời gian này, mẹ cô, Hoàng Dật Phạn, lại từ nước ngoài trở về. Người phụ nữ từng tài hoa nở rộ này, trải qua mấy độ dâu bể, cũng không chống đỡ lại được thời gian.

Cuộc sống của cha cô, Trương Đình Trọng, cũng không còn được như xưa. Ông và Tôn Dụng Phàn không thể thiếu được ả phù dung, chỉ dựa vào việc bán dần bất động sản, cầm cố đồ đạc để duy trì món chi phí khổng lồ đó. Nhà ở càng ngày càng nhỏ, cuối cùng đến mức phải trú thân trong một căn phòng nhỏ rộng có khoảng chục mét vuông. Tòa nhà hào nhoáng năm xưa, đã bị lịch sử trời long đất lở chôn vùi, chỉ còn lưu lại một nắm đất bụi, để cho họ hoài niệm.

Lần này mẹ cô về, bà dọn đến ở cùng cô và Trương Mậu Uyên. Ba người phụ nữ thê lương ấy, dựa vào nhau để tìm hơi ấm. Nhưng Hoàng Dật Phạn lưu lại Thượng Hải chỉ có hai năm rồi lại ra nước ngoài. Đã từ lâu bà không quen với môi trường sống hỗn loạn ở thành phố Thượng Hải này, linh hồn của bà đã tìm được chốn về thanh tịnh ở nước ngoài, lần ra đi này sẽ không quay về nữa. Trước khi đi, Hoàng Dật Phạn đã có một cuộc nói chuyện rất dài với Trương Ái Linh, bà đề nghị Trương Ái Linh rời Thượng Hải, đi Hương Cảng. Bà cho rằng sự phức tạp của Thượng Hải không thích hợp cho công việc sáng tác của Trương Ái Linh.

Mẹ đi rồi, vạn nước nghìn non, từ đây chân trời cách biệt, thân ai người nấy yên ổn. Nhớ lại, Trương Tử Tĩnh kể: “Năm 1938, chị tôi trốn khỏi nhà cha. Năm 1948, mẹ tôi rời hẳn Trung Quốc. Họ đều không ngoái đầu nhìn lại”. Là vận mệnh không cho phép họ ngoái đầu, là thời đại không cho phép họ ngoái đầu. Bọn họ chỉ có thể bắt đầu một cuộc sống mới, diễn một câu chuyện mới, trong một môi trường mới. Bất luận có tình nguyện hay không, có hạnh phúc hay không.

Lịch sử giở qua trang viết nặng nề đó, tất cả lại đều mới mẻ. Thượng Hải đổ nát chờ thời cơ tái sinh, đã khuấy động biết bao nhân vật nhiệt tình. Lúc bấy giờ, Hạ Diễn, một trong những nhà tiên phong của cuộc vận động văn hóa mới Trung Quốc, là nhà văn, nhà làm phim, biên kịch nổi tiếng, rất chú ý đến hiện trạng của giới văn nghệ Thượng Hải. Chính vào lúc đó, Kha Linh đã tiến cử tiểu thuyết của Trương Ái Linh với ông. Hạ Diễn rất tâm đắc với tác phẩm của cô. Sau này, ông tìm đến Đường Kỷ Thường và Cung Chi Phương, mời họ hợp tác cùng mở một tờ báo nhỏ về sức khỏe.

Được sự ủng hộ của Hạ Diễn, Đường Kỷ Thường và Cung Chi Phương lập ra tờ Diệc báo. Họ mời Trương Ái Linh gửi bản thảo và cô đã đồng ý, nhưng Trương Ái Linh có một yêu cầu, đó là dùng bút danh để đăng bài. Có lẽ người đã lướt qua ngàn cánh buồm như Trương Ái Linh không muốn gây thị phi, sự việc của Hồ Lan Thành đã gây tổn thương quá lớn cho cô, cô cần một cuộc sống an ổn. Dùng bút danh để che chắn mưa gió của hồng trần, là một cách tự bảo vệ mình của cô.

Bút danh của Trương Ái Linh là Lương Kinh. Cô học tập tiểu thuyết gia Trương Hận Thủy viết tiểu thuyết chương hồi, vừa viết vừa đăng báo. Cuốn tiểu thuyết cô viết lần này Mười tám mùa xuân là tác phẩm được độc giả yêu thích nhất, kể từ sau khi cô bặt tăm. Đến nay, trong số độc giả của Trương Ái Linh, có rất nhiều người vẫn cực kỳ yêu thích Mười tám mùa xuân. Mười tám mùa xuân kể về một câu chuyện ở Thượng Hải, xảy ra cùng thời với Trương Ái Linh. Mười tám mùa xuân, tức là câu chuyện bắt đầu viết từ năm 1949 trở về mười tám năm trước.

Chỉ riêng tên gọi của bộ tiểu thuyết này đã thu hút sự tò mò của độc giả. Đăng liên tiếp mấy ngày, đã bắt đầu có độc giả nhiệt tình chú ý tới Mười tám mùa xuân. Cung Chi Phương đánh giá rất cao bộ tiểu thuyết này, mấy ngày sau liền cho đăng dự báo, nói rõ đây là tác phẩm của một nhà văn nổi tiếng. Có lẽ có những độc giả trung thành của Trương Ái Linh, đã đoán ra Lương Kinh chính là cô. Nhưng những điều này dường như không còn quan trọng nữa, họ chỉ say mê tình tiết câu chuyện trong tiểu thuyết, lật đọc trang báo đã trở thành sự chờ đợi không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

Mười tám mùa xuân kể về mối tình khắc cốt ghi tâm của cô gái bình dân Cố Mạn Trinh và công tử thế gia Thẩm Thế Điếu, họ vốn là nam thanh nữ tú, một cặp trời sinh. Nhưng vận mệnh trớ trêu, Thẩm Thế Điếu vì cha bệnh nặng nên vội vã quay về Nam Kinh, còn Cố Mạn Trinh bị người chị luôn nuông chiều cô là Cố Mạn Lộ hãm hại, rơi vào tình thế cực kỳ đáng sợ, từ đây bắt đầu cuộc đời muôn vàn đau khổ nối tiếp. Mạn Lộ vì muốn trói buộc trái tim của người chồng là Chúc Hồng Tài, không muốn anh ta đi hỏi liễu tìm hoa, đã giam lỏng quản thúc em gái như hoa như ngọc của mình một cách không thương tiếc. Chúc Hồng Tài đã nhúng chàm, đến nỗi khi Mạn Trinh sinh con mới chịu thôi.

Đối mặt với sự mất tích đột ngột của Mạn Trinh, Thẩm Thế Điếu lòng muôn phần lo lắng. Anh hỏi thăm tung tích của Mạn Trinh từ chỗ của Mạn Lộ, nhưng Mạn Lộ lại nói dối là Mạn Trinh đã đi lấy chồng, sẽ không bao giờ quay lại nữa. Trong lúc đau lòng, Thẩm Thế Điếu đã lấy một cô gái con nhà gia thế khác, còn Mạn Trinh tự biết mình là hoa tàn liễu úa, sau khi Mạn Lộ chết, cô gạt nước mắt lấy Chúc Hồng Tài. Câu chuyện trăm chuyển ngàn hồi này, vở bi kịch khiến người ta phẫn nộ căm giận, khiến độc giả đều phải theo dõi tờ báo mỗi ngày, hận không thể cùng chung vui buồn với các nhân vật.

Mười tám năm sau, Cố Mạn Trinh và Thẩm Thế Điếu gặp lại nhau, hai người khóc lóc nức nở. Thẩm Thế Điếu hy vọng còn có thể làm lại từ đầu, nhưng vận mệnh đã sớm chia cắt họ thành người của hai thế giới khác. Mười tám năm, biển xanh mấy độ thành nương dâu. Cố Mạn Trinh rưng rưng nước mắt nói: “Thế Điếu, chúng ta không thể quay trở về được nữa, không thể quay trở về nữa”. Chỉ một câu nói này, đã khiến độc giả khóc òa, thở dài không ngớt. Thẩm Thế Điếu hồi tưởng chuyện cũ, nỗi tiếc nuối không gì lấy lại được đó, khiến anh ngậm ngùi muôn phần.

Bộ tiểu thuyết Mười tám mùa xuân sau này đã được Trương Ái Linh đổi thành Bán sinh duyên (Mối duyên nửa cuộc đời). Một lần bỏ qua, là lỡ tình duyên nửa cuộc đời. Nếu như không phải mười tám năm sau không hẹn mà gặp, có lẽ cả đời này Thẩm Thế Điều cũng không thể nào có được lời giải đáp. Còn đối với Cố Mạn Trinh gặp lại người yêu cũ, có thể nói rõ nguyên nhân trước đây, bày tỏ hết thảy nỗi lòng, cũng là một sự giải thoát. Cho dù kế cục này khiến vô vàn độc giả đau lòng, chỉ là quá khứ như mộng, những năm tháng đã đi qua, ai có thể quay đầu lại được? Trương Ái Linh không để họ sống đến già với một câu đó, đã là từ bi lắm rồi.

Mười tám mùa xuân vừa được đăng lên, đã gây chấn động toàn Bến Thượng Hải. Tiểu thuyết miêu tả quá sức chân thực, khiến độc giả đọc say mê không dứt. Thậm chí họ còn bộc lộ rất nhiều phản ứng lạ thường khác nhau, vui buồn giận dữ bất định. Rất nhiều danh nhân văn hóa đương thời cũng tìm đọc bộ tiểu thuyết này. Tang Hồ viết một bài giới thiệu gửi tới độc giả, trong đó anh cực kỳ khen ngợi, nói: “Lương Kinh không những có tài hoa sáng tác tuyệt vời, thái độ sáng tác của anh ta cũng hết sức nghiêm túc tỉ mỉ, quả thực hiếm có. Về mặt phong cách, tiểu thuyết và tản văn của anh có những nét độc đáo đặc biệt… Tôi đọc sáng tác mới của Lương Kinh, Mười tám mùa xuân, dường như cảm thấy anh ta đang thay đổi. Tôi cảm thấy anh ta vẫn giữ được sắc điệu tươi sáng, đẹp đẽ vốn có, nhưng đồng thời, trên phương diện suy tư cảm xúc, anh ta cũng thể hiện sự trầm mặc mà yên ổn hơn so với trước đây, đây chính là tiến bộ đáng mừng của anh ta”.

Khi ấy, mỗi ngày Diệc báo đều nhận được một lượng lớn thư của độc giả, lúc này thậm chí còn vượt qua thành tựu mấy năm trước của Trương Ái Linh. Đường Kỷ Thường nhận thấy thành quả to lớn như thế của Mười tám mùa xuân, bèn nhân đà thắng lợi, gấp rút hối thúc Trương Ái Linh viết một tiểu thuyết đăng liên tiếp khác. Nhưng Trương Ái Linh không đồng ý, trong lòng cô hiểu rất rõ, vinh quá hóa nhục. Trong thời gian ngắn viết tiếp một bộ tiểu thuyết còn vượt trội hơn cả Mười tám mùa xuân là điều không thể.

Nửa năm sau, Trương Ái Linh lại viết một bộ tiểu thuyết vừa Tiểu Ngải, đăng liên tiếp nhiều kỳ trên Diệc báo. Nhưng cùng với sự thay đổi của thời cuộc, chủ đề và phong cách sáng tác của Trương Ái Linh cũng thay đổi theo, điều này đối với cô cũng có chút khó làm, cho nên cuối cùng cô lại vội vã thu bút. Cô nhìn lại những biến cố dâu bể mấy năm qua của mình, cũng cảm thấy chua xót khôn tả. Kể từ khi Hồ Lan Thành bị khoét ra khỏi trái tim của cô, những gì mà anh mang lại chỉ là sỉ nhục và đau thương, nay cũng đã trở thành quá khứ. Nỗi lòng phải kiềm chế biết bao nhiêu năm, cuối cùng đã được giải phóng. Nhưng tại sao, cô không thể khiến bản thân thực sự an tĩnh, thực sự vui vẻ.

Cô cần quay người một lần nữa, quay người một cách vừa diễm lệ vừa cô đơn, lần này, không liên quan đến ai khác. Cô không muốn vì bất cứ người nào mà tàn úa rơi xuống bùn lầy, cũng không muốn vì bất cứ người nào mà vô cớ bừng nở. Hay nói cách khác, xưa nay, Trương Ái Linh chưa từng cúi đầu vì người khác. Ban đầu, nguyện trở nên hèn mọn vì Hồ Lan Thành, cũng bởi vì cô muốn thực sự yêu một lần, dùng tình yêu để thiêu cháy bản thân, để tác thành cho tuổi xuân của mình. Cho nên, từ đầu đến cuối, cô đều không hối hận. Dẫu cô đã vì người đàn ông này chịu nỗi oan khuất, thiệt thòi lớn bằng trời bằng bể, cô đều cam lòng.

Trong con mắt độc giả, văn chương của Trương Ái Linh là một bình rượu nồng, những người từng uống đều nguyện uống thỏa thê, say đến túy lúy, bất tri nhân sự mới chịu ngừng; văn chương của cô là một chiếc áo sườn xám hoa lệ thướt tha, những người đã ngắm đều nguyện làm cỏ cây dưới gấu váy ấy. Cho nên, tác phẩm qua mỗi thời kỳ của Trương Ái Linh, đều đạt đến một cảnh giới tuyệt vời, đều làm mưa làm gió ở Bến Thượng Hải. Cô không thể nào làm ra vẻ lặng ngắt như tờ được, bởi vì độc giả thích một Trương Ái Linh tài hoa tuyệt đỉnh, thích ngạo khí phi phàm và cách biểu đạt nhiều màu sắc của cô. Nếu như Trương Ái Linh trút bỏ chiếc sườn xám, đổi một bình trà trong, vậy thì cô không còn là Trương Ái Linh mà độc giả yêu thích nữa.

Cô sợ hãi rồi, cũng mệt mỏi rồi. Cô cảm thấy mình đã không còn thích hợp với sân khấu hiện tại, cho dù cô đã thành công trong việc mở màn, nhưng cô không thể diễn tiếp, cô cần rút khỏi sân khấu sớm. Chỉ là khi trút bỏ chiếc sườn xám che thân này, rời khỏi sân khấu quen thuộc này, rửa hết mọi phấn son trang điểm, cô sẽ đi đâu về đâu?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện