Cuộc Đời Của Pi
Chương 14
Tôi trở lại thăm ông ta.
“Tín ngưỡng của bác là về cái gì vậy ạ?” Tôi hỏi.
Mắt ông vụt sáng. “Về chuyện Được Yêu Thương,” ông trả lời.
Đố ai đã hiểu được đạo Hồi, hiểu được cái tinh thần của nó, mà lại không yêu nó. Đó là một tín ngưỡng đẹp đẽ của tình anh em và tinh thần dâng hiến.
Đền thờ Hồi giáo quả thực là một cấu trúc mở, về phía Thượng đế và gió trời. Ta ngồi xếp bằng lắng nghe vị thầy cả cho đến giờ cầu nguyện. Lúc ấy, ta không còn ngồi thành nhóm ngẫu nhiên với nhau nữa mà cùng đứng dậy xếp hàng vai kề vai, cho tới lúc mỗi hàng người trở thành đặc lại quánh với nhau và tất cả thành một khối cầu nguyện lớn. Cảm giác thật tốt lành khi vầng trán ta chạm xuống mặt đất. Ngay lập tức, nó như một tiếp xúc tín ngưỡng sâu thẳm.
Ông ta là một suphi, một nhà thần bí học Hồi giáo. Ông tìm kiếm phana, sự đoàn tụ với Thượng đế, và có một quan hệ riêng tư đầy yêu thương với Thượng đế. “Nếu ta bước hai bước về phía Thượng đế,” ông thường bảo tôi, “Ngài sẽ chạy đến với ta.”
Ông là người không có nét gì đặc biệt, vẻ ngoài và áo quần ông chẳng có gì khiến ta chú ý và ghi nhớ. Cũng chẳng lạ khi lần đầu gặp nhau tôi đã không nhận ra ông. Cả khi đã rất quen với ông rồi, đã gặp nhau hết lần này đến lần khác rồi, tôi vẫn thấy khó khăn để nhìn được ra ông trong đám đông. Tên ông là Satish Kumar. Một cái tên rất phổ biến ở Tamil Nadu, nên việc trùng lặp đó cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, tôi thấy rất hay là người làm bánh ngoan đạo ấy, sơ sài như một cái bóng đen và rất khỏe mạnh, và cái người cộng sản nhiệt thành với khoa học và là thầy dạy sinh học của tôi kia, cái quả núi treo trên cọc, từ thủa nhỏ đã từng bị bại liệt kia, lại trùng tên nhau. Ông Kumar ấy và ông Kumar ấy đã dạy tôi môn sinh học và đạo Hồi. Ông ấy và ông ấy đã dẫn dắt tôi vào môn động vật học và nghiên cứu tôn giáo tại đại học Toronto. Hai ông Kumar này đã là những nhà tiên tri của tôi thuở thiếu thời.
Chúng tôi cầu nguyện cùng với nhau và tập các bài dhikr, nghĩa là xướng lên chín mươi chín cái tên đã được tiết lộ của Thượng đế. Ông là một haphiz, người thuộc lòng kinh Khôngran, và ông tụng bằng một giọng hát trầm. Tiếng Ảrập của tôi chưa bao giờ khá cả nhưng tôi yêu cái âm thanh của nó. Những âm bật từ sâu trong thanh quản và những nguyên âm chảy trôi quay tròn ngay bên dưới tri giác của tôi như một dòng suối đẹp đẽ. Nó không rộng, chỉ vừa một giọng người, nhưng nó sâu thẳm như vũ trụ.
Tôi đã mô tả chỗ ở của ông Kumar như một túp nhà tuềnh toàng. Vậy mà không có một thánh đường, nhà thờ, đền miếu nào đã từng khiến tôi cảm thấy linh thiêng đến thế. Đôi khi tôi bước ra khỏi xưởng bánh ấy với một cảm giác tràn đầy vinh hiển. Tôi nhảy lên xe đạp và đạp sự vinh hiển ấy qua không trung.
Có một bận như thế tôi đã đạp tuốt ra khỏi thành phố, và khi quay trở về, ở một chỗ đất cao có thể nhìn thấy mặt biển ở phía trái con đường tít tắp ở phía dưới, tôi đột nhiên cảm thấy như mình đang ở trên thiên đường. Tôi đã đi qua chỗ ấy nhiền lần và nó vẫn hệt như thế, nhưng tôi đã nhìn nó bằng một con mắt khác. Cảm giác lúc ấy, một sự lẫn lộn rất nghịch lý của năng lượng đang đập dồn dập và trạng thái bình yên sâu thẳm, là một cảm giác thật mãnh liệt và sung sướng. Trước đó, con đường, biển cả, cây cối, không khí và mặt trời, mỗi thứ nói với tôi bằng một ngôn ngữ riêng. Còn bấy giờ tất cả chúng nói với tôi bằng cùng một ngôn ngữ hòa đồng. Cây cối để mắt đến con đường; con đường biết rõ sự có mặt của không khí, và không khí thì tràn ngập những suy tưởng về biển cả, mênh mang một niềm tin chia sẻ với mặt trời. Mỗi nguyên tố trong mối quan hệ hài hòa với các hàng xóm của chúng, và tất cả đều là anh em ruột thịt. Lúc quỳ xuống tôi còn là một kẻ phải chết; lúc đứng dậy tôi đã thành bất tử. Tôi thấy mình như tâm điểm của một vòng tròn nhỏ đồng tâm với một vòng tròn lớn hơn nhiều. Atman đã gặp được Allah(1).
Có một lần khác tôi cũng cảm thấy Thượng đế rất gần gụi với mình. Đó là ở Canada, rất lâu về sau này. Tôi đang đến thăm các bạn ở nông thôn, khi ấy là mùa đông. Tôi đã đi dạo một mình trong khu điền sản rộng lớn của họ và đang trên đường về nhà. Đêm hôm trước đã có tuyết rơi và trời hôm đó thật trong trẻo, sáng sủa. Thiên nhiên đắp chăn trắng. Khi đang bước lên ngôi nhà, tôi quay lại nhìn. Có một khu rừng và trong khu rừng đó có một quãng cây thưa. Một làn gió mà cũng có thể là một con vật, đã làm lay động một cành cây. Những hạt tuyết mịn đang rơi xuống trong không khí, lấp lánh trong ánh nắng mặt trời. Trong đám bụi vàng đang rơi trong quãng rừng thưa đầy nắng ấy, tôi nhìn thấy Mary Đồng trinh. Tại sao lại là bà, tôi cũng không biết nữa. Lòng ngưỡng mộ Mary chỉ là thứ yếu trong tôi. Nhưng chính là bà. Da bà tái xanh. Bà vận một bộ váy trắng và một áo choàng xanh da trời; tôi vẫn nhớ ấn tượng rất mạnh của mình lúc đó về những nếp váy áo của bà. Khi tôi nói tôi đã nhìn thấy bà, tôi không có ý nói theo nghĩa đen mặc dầu quả thực bà có thân thể và màu sắc hẳn hoi. Tôi cảm thấy đã nhìn thấy bà, một nhỡn ảnh bên kia nhỡn ảnh. Tôi sững người, nheo mắt. Bà thật đẹp và có một dáng vẻ vương giả cao quý cực kì. Bà mỉm cười với tôi, đầy vẻ phúc hậu. Vài giây sau, bà biến mất. Lòng tôi tràn ngập sợ hãi và vui sướng.
Sự hiện diện của Thượng đế là phần thưởng đẹp đẽ nhất.
Ghi chú:
(1) Atman: tiểu vũ trụ, linh hồn thế giới ngự trong từng cá nhân, một quan niệm Hinđu. Allah: Thượng đế trong đạo Hồi. Atman gặp Allah cũng có nghĩa là một người Hinđu đã giác ngộ được chân lí của đạo Hồi.
“Tín ngưỡng của bác là về cái gì vậy ạ?” Tôi hỏi.
Mắt ông vụt sáng. “Về chuyện Được Yêu Thương,” ông trả lời.
Đố ai đã hiểu được đạo Hồi, hiểu được cái tinh thần của nó, mà lại không yêu nó. Đó là một tín ngưỡng đẹp đẽ của tình anh em và tinh thần dâng hiến.
Đền thờ Hồi giáo quả thực là một cấu trúc mở, về phía Thượng đế và gió trời. Ta ngồi xếp bằng lắng nghe vị thầy cả cho đến giờ cầu nguyện. Lúc ấy, ta không còn ngồi thành nhóm ngẫu nhiên với nhau nữa mà cùng đứng dậy xếp hàng vai kề vai, cho tới lúc mỗi hàng người trở thành đặc lại quánh với nhau và tất cả thành một khối cầu nguyện lớn. Cảm giác thật tốt lành khi vầng trán ta chạm xuống mặt đất. Ngay lập tức, nó như một tiếp xúc tín ngưỡng sâu thẳm.
Ông ta là một suphi, một nhà thần bí học Hồi giáo. Ông tìm kiếm phana, sự đoàn tụ với Thượng đế, và có một quan hệ riêng tư đầy yêu thương với Thượng đế. “Nếu ta bước hai bước về phía Thượng đế,” ông thường bảo tôi, “Ngài sẽ chạy đến với ta.”
Ông là người không có nét gì đặc biệt, vẻ ngoài và áo quần ông chẳng có gì khiến ta chú ý và ghi nhớ. Cũng chẳng lạ khi lần đầu gặp nhau tôi đã không nhận ra ông. Cả khi đã rất quen với ông rồi, đã gặp nhau hết lần này đến lần khác rồi, tôi vẫn thấy khó khăn để nhìn được ra ông trong đám đông. Tên ông là Satish Kumar. Một cái tên rất phổ biến ở Tamil Nadu, nên việc trùng lặp đó cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, tôi thấy rất hay là người làm bánh ngoan đạo ấy, sơ sài như một cái bóng đen và rất khỏe mạnh, và cái người cộng sản nhiệt thành với khoa học và là thầy dạy sinh học của tôi kia, cái quả núi treo trên cọc, từ thủa nhỏ đã từng bị bại liệt kia, lại trùng tên nhau. Ông Kumar ấy và ông Kumar ấy đã dạy tôi môn sinh học và đạo Hồi. Ông ấy và ông ấy đã dẫn dắt tôi vào môn động vật học và nghiên cứu tôn giáo tại đại học Toronto. Hai ông Kumar này đã là những nhà tiên tri của tôi thuở thiếu thời.
Chúng tôi cầu nguyện cùng với nhau và tập các bài dhikr, nghĩa là xướng lên chín mươi chín cái tên đã được tiết lộ của Thượng đế. Ông là một haphiz, người thuộc lòng kinh Khôngran, và ông tụng bằng một giọng hát trầm. Tiếng Ảrập của tôi chưa bao giờ khá cả nhưng tôi yêu cái âm thanh của nó. Những âm bật từ sâu trong thanh quản và những nguyên âm chảy trôi quay tròn ngay bên dưới tri giác của tôi như một dòng suối đẹp đẽ. Nó không rộng, chỉ vừa một giọng người, nhưng nó sâu thẳm như vũ trụ.
Tôi đã mô tả chỗ ở của ông Kumar như một túp nhà tuềnh toàng. Vậy mà không có một thánh đường, nhà thờ, đền miếu nào đã từng khiến tôi cảm thấy linh thiêng đến thế. Đôi khi tôi bước ra khỏi xưởng bánh ấy với một cảm giác tràn đầy vinh hiển. Tôi nhảy lên xe đạp và đạp sự vinh hiển ấy qua không trung.
Có một bận như thế tôi đã đạp tuốt ra khỏi thành phố, và khi quay trở về, ở một chỗ đất cao có thể nhìn thấy mặt biển ở phía trái con đường tít tắp ở phía dưới, tôi đột nhiên cảm thấy như mình đang ở trên thiên đường. Tôi đã đi qua chỗ ấy nhiền lần và nó vẫn hệt như thế, nhưng tôi đã nhìn nó bằng một con mắt khác. Cảm giác lúc ấy, một sự lẫn lộn rất nghịch lý của năng lượng đang đập dồn dập và trạng thái bình yên sâu thẳm, là một cảm giác thật mãnh liệt và sung sướng. Trước đó, con đường, biển cả, cây cối, không khí và mặt trời, mỗi thứ nói với tôi bằng một ngôn ngữ riêng. Còn bấy giờ tất cả chúng nói với tôi bằng cùng một ngôn ngữ hòa đồng. Cây cối để mắt đến con đường; con đường biết rõ sự có mặt của không khí, và không khí thì tràn ngập những suy tưởng về biển cả, mênh mang một niềm tin chia sẻ với mặt trời. Mỗi nguyên tố trong mối quan hệ hài hòa với các hàng xóm của chúng, và tất cả đều là anh em ruột thịt. Lúc quỳ xuống tôi còn là một kẻ phải chết; lúc đứng dậy tôi đã thành bất tử. Tôi thấy mình như tâm điểm của một vòng tròn nhỏ đồng tâm với một vòng tròn lớn hơn nhiều. Atman đã gặp được Allah(1).
Có một lần khác tôi cũng cảm thấy Thượng đế rất gần gụi với mình. Đó là ở Canada, rất lâu về sau này. Tôi đang đến thăm các bạn ở nông thôn, khi ấy là mùa đông. Tôi đã đi dạo một mình trong khu điền sản rộng lớn của họ và đang trên đường về nhà. Đêm hôm trước đã có tuyết rơi và trời hôm đó thật trong trẻo, sáng sủa. Thiên nhiên đắp chăn trắng. Khi đang bước lên ngôi nhà, tôi quay lại nhìn. Có một khu rừng và trong khu rừng đó có một quãng cây thưa. Một làn gió mà cũng có thể là một con vật, đã làm lay động một cành cây. Những hạt tuyết mịn đang rơi xuống trong không khí, lấp lánh trong ánh nắng mặt trời. Trong đám bụi vàng đang rơi trong quãng rừng thưa đầy nắng ấy, tôi nhìn thấy Mary Đồng trinh. Tại sao lại là bà, tôi cũng không biết nữa. Lòng ngưỡng mộ Mary chỉ là thứ yếu trong tôi. Nhưng chính là bà. Da bà tái xanh. Bà vận một bộ váy trắng và một áo choàng xanh da trời; tôi vẫn nhớ ấn tượng rất mạnh của mình lúc đó về những nếp váy áo của bà. Khi tôi nói tôi đã nhìn thấy bà, tôi không có ý nói theo nghĩa đen mặc dầu quả thực bà có thân thể và màu sắc hẳn hoi. Tôi cảm thấy đã nhìn thấy bà, một nhỡn ảnh bên kia nhỡn ảnh. Tôi sững người, nheo mắt. Bà thật đẹp và có một dáng vẻ vương giả cao quý cực kì. Bà mỉm cười với tôi, đầy vẻ phúc hậu. Vài giây sau, bà biến mất. Lòng tôi tràn ngập sợ hãi và vui sướng.
Sự hiện diện của Thượng đế là phần thưởng đẹp đẽ nhất.
Ghi chú:
(1) Atman: tiểu vũ trụ, linh hồn thế giới ngự trong từng cá nhân, một quan niệm Hinđu. Allah: Thượng đế trong đạo Hồi. Atman gặp Allah cũng có nghĩa là một người Hinđu đã giác ngộ được chân lí của đạo Hồi.
Bình luận truyện