Cuộc Đời Của Pi

Chương 3



Dân tộc già nua và tốt đẹp của chúng tôi được tròn bảy tuổi trong thể chế cộng hoà thì lớn thêm ra với một lãnh thổ nhỏ. Pondicherry gia nhập Liên minh Ấn Độ ngày 1 tháng 11 năm 1954. Thành tựu dân sự này dẫn đến một thành tựu dân sự khác. Một phần đất của vuờn bách thảo Pondicherry được chính quyền khoanh riêng ra, tạo một cơ hội làm ăn mới, lại không phải trả thuế thổ trạch, và thế là, như một phép lạ, Ấn Độ lại có một vuờn bách thú mới toanh, thiết kế và quản lý theo những nguyên tắc sinh học lành mạnh và hiện đại nhất.

Đó là một vuờn bách thú khổng lồ không biết là bao nhiêu diện tích đất, đến nỗi phải có hẳn một đường tầu hỏa để cho người xem đi cho hết, mặc dù khi lớn lên tôi cũng thấy nó cứ nhỏ dần, kể cả đoàn tàu. Giờ thì nó nhỏ đến độ nằm vừa xoắn trong đầu tôi. Hãy mường tượng một vùng nóng ẩm tràn ngập ánh nắng và rực rỡ màu sắc. Hoa nở liên miên, ào ạt. Cây cao bụi thấp, và dây leo xoắn xuýt đủ các loại, nếu không có các bảng tên rõ ràng gắn dưới gốc chúng thì chẳng ai có thể biết được chúng là cây gì.

Có những chiếc ghế dài. Trên những chiếc ghế dài ấy ta thấy những người nằm ngủ duỗi dài, hoặc những cặp trai gái, những đôi trẻ măng vẫn còn thẹn thò đầu mày cuối mắt và giật mình khi tay chạm phải tay. Bất thình lình trong đám cây cao mảnh dẻ trước mắt, ta nhận ra một cặp hươu cao cổ đang nhìn ta chăm chú. Chưa hết, chỉ ngay sau đấy thôi, ta giật nảy mình vì những tiếng kêu váng óc của một đàn khỉ bất thần ở đâu ào tới, quện lẫn với những âm thanh lảnh lót đinh tai của các loài chim gì nữa chẳng biết. Ta đến chỗ soát vé, lơ đãng trả một món tiền nhỏ, rồi đi tiếp. Ta thấy một bức tường thấp. Có thể thấy gì sau dãy tường lè tè ấy? Chẳng nhẽ lại là chuồng tê giác? Ấy thế mà là chuồng tê giác thật, hai con tê giác Ấn Độ hùng vỉ trong một hố đất nông. Khi ta quay sang bên thì thấy ngay một con voi, đã lù lù ở đó từ bao giờ nhưng vì to quá mà ta không nhìn ra. Rồi thì ta nhận ra những con hà mã đang bập bềnh ngay dưới ao. Càng nhìn càng thấy. Hết cảnh này đến cảnh khác. Ta thực đang ở vuờn bách thú có cái tên Zootown (1).

Trước khi dọn đến Pondicherry, cha tôi quản lý một khách sạn lớn ở Madras. Lòng ưa thích động vật khiến ông chuyển qua nghề vườn thú. Một bước quá độ tự nhiên, ta có thể nghĩ vậy. Nhưng cũng không hẳn thế. Về nhiều phương diện, cai quản một vườn thú là cơn ác mộng của một người quản lý khách sạn. Này nhé: Khách trọ không bao giờ rời phòng đi đâu cả, chúng đòi hỏi không phải chỉ một nơi trú chân, mà thực sự là nơi ăn chốn ở hẳn hoi, chúng lại luôn luôn có khách đến thăm, lắm bọn rất ồn ào và bừa bãi. Muốn dọn chuồng cho chúng, ta phải chờ lúc chúng quá bộ ra ngoài bao lơn, rồi lại phải chờ cho chúng chán cảnh ngoài bao lơn, quay vào buồng rồi thì mới lại quét dọn bao lơn cho chúng được. Phải dọn dẹp liên miên, vì khách trọ đứa nào cũng bẩn thỉu như bọn nghiện rượu cả. Khác nào cũng đòi hỏi một chế độ ăn uống riêng, suốt ngày kêu ca là phục vụ chậm, và tuyệt đối không bao giờ cho tiền boa. Nói thật tình, nhiều khách trọ còn là bọn bệnh hoạn tình dục, hoặc bị nhịn quá mà thỉnh thoảng lại lên những cơn động cỡn điên cuồng, hoặc công khai bậy bạ khiến những cuộc mây mưa đá lở đất long không khuôn phép gì hết và cả những vụ loạn luân công khai ầm ĩ. Có ai làm khách sạn mà muốn có những loại khách như thế không chứ? Vườn bách thú Pondicherry là nguồn vui thú và cũng là nguồn đau đầu của ông Santosh Patel, người sáng lập, chủ sở hữu, giám đốc, ông chủ của năm mươi ba người làm công, và là cha tôi.

Với tôi, nó là chốn địa đàng. Tôi chỉ có những ký ức đáng yêu của quãng đời lớn lên trong vườn bách thú đó. Tôi sống cuộc sống của một ông hoàng. Có đứa con trai nào của một vị vương giả nào có được một sân chơi mênh mông và xum xuê như thế? Lâu đài nào mà có được một bầy thú nuôi trong nhà như thế? Suốt thời niên thiếu, bầy sư tử đã là những chiếc đồng hồ báo thức của tôi. Chẳng cần đến những đồng hồ Thuỵ Sĩ làm gì. Sáng nào cũng thế, khi bầy sư tử cất tiến gầm vang dội của chúng, ấy là đã đến 5 rưỡi 6 giờ rồi. Bữa điểm tâm diễn ra trong những tiếng kêu lảnh lót và kéo dài của bầy khỉ to mồm, các loài yểng, sáo và lũ vẹt Moluccan. Tiễn tôi đi học không phải chỉ có ánh mắt dịu hiền của mẹ, mà còn có những cái nhìn lưu luyến của bọn rái cá mắt sáng như sao, con bò rừng Châu Mỹ khổng lồ, và đám khỉ độc đang vươn vai duỗi chân và ngáp ngắn ngáp dài. Tôi phải trông chừng khi chạy qua dưới đám cây của bầy chim công vì chúng rất hay thích phóng uế xuống người tôi. Tốt nhất là chạy qua dưới rặng cây của bọn dơi rừng vì giờ đó sẽ chỉ có tiếng chí choé chói tai của chúng mà thôi. Trên đường ra tôi có thể dừng lại chỗ nuôi các loài trên cạn để ngắm những con ếch như được tráng men xanh biếc, hoặc vàng với xanh nước biển sẫm, hoặc nâu với xanh lá cây nhạt. Cũng có khi bọn chim ở đó khiến tôi phải để mắt đến chúng: những con hồng hạc màu hồng rực, đàn thiên nga đen, bầy đà điểu một mào, hoặc những con chim nhỏ hơn như bọn bồ câu lông bạc, những con tình điểu có bộ mặt giống như trái đào tơ, hoặc đàn vẹt to mồm có những đám lông màu da cam trước ngực.

Rất ít khi thấy đám voi, hổ báo, gấu hoặc hải cẩu dậy vào giờ sáng sớm đó, nhưng khi bọn khỉ đầu chó, vượn bạc má, vượn đít đỏ, hươu nai, hươu cao cổ và các con lama (2) là những bọn dậy sớm. Sáng nào cũng vậy, tôi bước ra khỏi cổng chính với một ấn tượng cuối cùng vừa bình dị vừa không thể nào quên. Đó có thể là hình ảnh bầy rùa xếp lên nhau thành một kim tự tháp, cái mõm óng ánh của một con khỉ đầu chó, dáng im lìm oai vệ của một con hươu cao cổ, cái miệng béo mỡ và vàng óng đang há ra của một con hà mã, một con vẹt macaw đang dùng mỏ và chân từng bước leo lên hàng rào, tiếng chép miệng lanh lảnh của một con lạc đà. Tất cả những hình ảnh và ấn tượng ấy kéo qua tâm trí tôi thật nhanh chóng. Chỉ lúc từ trường trở về, tôi mới có thời gian khám phá từ từ những cảm giác khi được một chú voi hít ngửi khắp người một cách thân thiện như thể muốn xin một vài củ lạc có thể có trong túi tôi, hoặc khi một chú khỉ độc vần vò tìm chấy trên đầu tôi, kết thúc bằng một tiếng thở dài khi chẳng thấy món gì chén được. Giá mà tôi có thể truyền đạt được cái hoàn hảo của một con hải cẩu trườn mình xuống nước hoặc của một con khỉ nhện tung người đu từ chỗ này sang chỗ kia, hoặc chỉ đơn thuần là cái vẻ quay đầu của một con sư tử. Ngôn ngữ không thể truyền đạt nổi những cái đó. Tốt hơn cả là khi nào người ta muốn cảm lại được sự hoàn hảo ấy, ta hãy tưởng tượng lại đúng những cảnh đó ở trong đầu.

Trong vườn thú cũng như ngoài thiên nhiên, thời gian tốt đẹp nhất để thăm viếng là bình minh và chiều tà. Đó là lúc hầu hết các loài vật trở nên sinh động nhất. Chúng động cựa và rời nơi ẩn nấp của mình để rón rén đến những mép nước. Chúng khoe lông khoe cánh. Chúng hát những khúc hát riêng của mình. Chúng tìm đến nhau và cử hành các nghi lễ của giống loài. Phần thưởng cho những ai biết ngắm nhìn và lắng nghe thật lớn lao. Tôi đã có những giờ phút triền miên không thể đếm được chỉ để im lặng chứng kiến những biểu hiện phong phú và đẹp đẽ cực kỳ của sự sống đã đem phúc lành cho hành tinh của chúng ta. Đó là một cái gì thật tươi sáng, vang dội, kì bí và tinh tế khiến cho các giác quan của ta phải tê dại.

Tôi đã nghe nhiều chuyện phi lí về các vườn thú, cũng nhiều như các chuyện phi lí về Thượng Đế và các tôn giáo. Những người có thiện chí nhưng bị thông tin sai lầm tưởng rằng các loài vật hoang dã ngoài thiên nhiên sống rất "hạnh phúc" bởi vì chúng được "tự do". Khi nói vậy, họ thường nghĩ đến một con thú to lớn và đẹp, ví dụ như sư tử hoặc loài báo cheetah (đời sống của một con sơn dương hoặc một con thú ăn kiến mõm dài thì ??? có ai mường tượng làm gì). Họ tưởng tượng cảnh con thú hoang dã đó đang thả bộ sau khi đã ăn hết con mồi vừa ngoan ngoãn chấp nhận số phận bị ăn thịt của mình, hoặc đang chạy nhịp nhàng trong tư thế luyện tập để giữ cho cơ thể thon thả sau một bữa ăn quá đà. Họ tưởng tượng như con thú ấy coi sóc bầy con của nó một cách dịu dàng đầy tự hào, cả gia đình đang cùng nằm trên những cành cây và thoả mãn ngắm nhìn cảnh mặt trời đang lặn. Cuộc sống của loài vật hoang dã thật giản dị, cao thượng và đầy ý nghĩa, họ tưởng tượng vậy. Thế rồi những con vật ấy bị bọn người xấu bắt nhốt vào những chuồng lồng nhỏ xíu. "Hạnh phúc" của chúng bị tiêu tan. Chúng khao khát "tự do" và tìm đủ mọi cách để chạy trốn. Bị chối bỏ "tự do" quá lâu, chúng trở thành như những cái bóng của chính mình, tinh thần chúng bị bẻ gẫy. Một số người đã tưởng tượng thế.

Thực tế không phải vậy.

Các loài thú hoang dã có một đời sống khắc nghiệt để sinh tồn trong một kỉ cương xã hội không khoan nhượng và một môi trường trong đó nguồn sợ hãi thì nhiều mà nguồn thức ăn thì ít, và chúng phải luôn luôn bảo vệ lãnh địa của mình, suốt đời chịu cảnh rỉa rói của các loài kí sinh. Tự do có nghĩa gì trong hoàn cảnh ấy? Thực tế các loài thú hoang dã không hề được tự do trong không gian, thời gian, và cả trong các quan hệ giữa chúng với nhau. Lý thuyết mà nói, một con vật có thể bỏ bầy đàn mà đi, phớt lờ tất cả những lề thói xã hội và những cương toả vốn có của giống loài. Nhưng chuyện đó hiếm hơn cả khi ta so với chính chúng ta, ví dụ như chuyện một người chủ tiệm chẳng hạn, với tất cả những ràng buộc bình thường- với gia đình, bạn bè, xã hội - tự nhiên bỏ tất cả để ra đi với vài đồng bạc lẻ trong túi và bộ quần áo trên người. Nếu một con người, là loài vật thông minh và mạnh dạn nhất, còn không muốn lang thang làm lữ thứ, làm kẻ lạ mặt trong thiên hạ để chẳng có ai mong ai đợi, thì một con thú hoang dã muốn thế làm gì, nhất là khi ta nghĩ rằng loài vật bao giờ cũng bảo thủ hơn nhiều so với loài người. Quả thật loài vật bảo thủ, còn có thể nói là phản động nữa. Chỉ một thay đổi nhỏ xíu thôi cũng khiến chúng lo sợ rồi. Chúng chỉ mong mọi thứ cứ y nguyên như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Những điều ngạc nhiên trong các quan hệ về không gian của chúng. Một con vật chiếm cái chỗ ở của nó, cho dù trong vườn thú hay ngoài hoang dã, cũng giống như một quân cờ chiếm cái chỗ của mình trên bàn cờ, nghĩa là rất trọng đại. Vị trí của con tướng trên bàn cờ ra sao, thì chỗ ở đó của một con thằn lằn, một con gấu hoặc một con hươu cũng như vậy, không hề có tí tự do lựa chọn nào trong việc này. Cả quân cờ và con vật đều bị ràng buộc bởi tình thế và mục đích. Trong hoang dã, các con vật đi theo những đường nhất định vì những lý do bắt buộc, mùa này qua mùa khác. Trong vườn thú, nếu một con vật không có chỗ bình thường của nó, với dáng điệu mà nó vẫn có vào giờ đó, thì tức là đã có chuyện. Có thể chỉ là những phản ứng của con vật đối với một thay đổi rất nhỏ trong môi trường. Một đoạn ống nước cuộn tròn bị quên ở ngoài kia khiến cho con vật lo sợ. Một vũng nước vừa đọng làm cho nó không yên. Cái bóng của một cái thang. Nhưng cũng có thể là một nguyên nhân gì khác nghiêm trọng hơn. Mà sợ nhất đối với một người chủ vườn thú đó có thể thực sự là một "triệu chứng", phải kiểm tra phân con vật ngay, phải hỏi kĩ người chăm sóc con vật đó về mọi chi tiết, phải mời bác sĩ thú y. Tất cả những cái này chỉ vì một con cò không thấy đứng ở chỗ nó vẫn thường đứng.

Nhưng gượm đã, hãy cho phép tôi tiếp tục đề cập đến chỉ một khía cạnh của vấn đề mà ta đang bàn bạc

Nếu như ta vào một nhà nọ, phá cửa trước, rồi đuổi mọi người trong nhà ra ngoài phố và nói " Đi đi! Các người được tự do! Tự do như chim trời! Đi! Đi!" - Liệu họ có nhảy nhót vui mừng hay không? Làm gì mà có chuyện đó. Chim chóc đâu có tự do. Những người mà ta vừa giải phóng ấy sẽ cự lại "Các người có quyền gì mà đuổi chúng ta? Đây là nhà ta. Ta sỡ hữu nó. Ta đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi. Ta sẽ gọi cảnh sát. Chúng mày là đồ lưu manh!"

Chúng ta chẳng có câu, Chẳng đâu bằng ở nhà mình đấy ư? Đó cũng chính là cảm thức của loài vật. Chúng có ý thức sâu sắc về lãnh thổ. Lãnh thổ là chìa khóa để hiểu các hành vi của chúng. Chỉ có một lãnh thổ quen thuộc mới cho phép chúng đáp ứng được hai đòi hỏi thường trực của cuộc đời hoang dã: né tránh kẻ thù và kiếm được thức ăn nước uống. Một khuôn viên vườn thú lành mạnh về sinh học - cho dù đó là một cái chuồng, một cái hố, một hòn đảo nhân tạo, một bãi thả, một hồ nước - cũng là một lãnh thổ, chỉ khác về kích thước và sự gần cận với lãnh thổ của loài người. Việc nó rất nhỏ so với hoang dã cũng chẳng có ý nghĩa gì. Các lãnh thổ trong hoang dã rộng lớn không phải do thị hiếu mà là vì bắt buộc. Trong một vườn thú, ta làm cho các con vật điều mà ta làm cho chính chúng ta ở nhà: ta đem vào trong một không gian nhỏ hẹp những thứ nằm rải rác ở khắp thế giới hoang dã. Ngày xưa với chúng ta chẳng hạn, cái hang thì ở đây, dòng sông thì ở đàng kia, chỗ săn bắn thì phải đi hàng dặm, nơi rình mồi ở gần đó, rừng dâu thì lại ở một nơi khác - mà nơi nào cũng đầy rẫy sư tử, rắn rết, kiến, đỉa và lá độc - còn bây giờ thì con sông chảy luôn qua vòi nước có thể với ta là đến và ta có thể tắm rửa ngay cạnh chỗ nằm ngủ, ăn ngay nơi nấu nướng, có thể rào kín tất cả bằng một bức tường bảo vệ, giữ lãnh thổ của ta sạch sẽ và ấm áp. Mỗi ngôi nhà là một lãnh thổ thu nhỏ trong đó các nhu cầu cơ bản của ta được thỏa mãn an toàn và gần gụi. Một khuôn viên trong vườn thú lành mạnh cũng là một ngôi nhà như thế đối với con vật ở trong đó (nhưng không có những thứ như là lò sưởi chẳng hạn). Tìm thấy trong đấy tất cả những gì nó cần - một nơi để canh chừng, một chỗ để nghỉ, để ăn, uống, tắm, chải chuốt... - và thấy không còn cần phải săn mồi nữa vì thức ăn ngày nào cũng có, con vật sẽ chiếm lĩnh một không gian mới trong hoang dã, thăm dò và đánh dấu không gian ấy theo cách thường làm của giống loài mình, chẳng hạn như đánh dấu bằng nước giải. Một khi cái nghi lễ dọn vào đó đã xong và con vật đã ở yên, nó sẽ không cảm thấy như một kẻ thuê nhà hồi hộp, càng không như một tù nhân, mà như một chủ nhà hẳn hoi, và nó sẽ hành xử như hệt khi nó ở ngoài hoang dã, nghĩa là sẽ bảo vệ cái lãnh thổ ấy của nó cho đến cùng nếu bị xâm phạm. Chủ quan mà nói, một khuôn viên như thế không tốt hơn mà cũng chẳng tồi hơn so với một lãnh thổ của con vật ngoài hoang dã. Chừng nào còn đáp ứng được các nhu cầu của con vật, thì một lãnh thổ, hoang dã hay nhân tạo, chỉ đơn thuần là một thực tế, không phải đánh giá gì hết, cũng như những chấm đen trên da con báo mà thôi. Ta cũng có thể lí luận rằng nếu một con vật có thể lựa chọn bằng trí khôn, nó nhất định sẽ chọn cuộc sống trong vườn thú, vì cái khác biệt chính giữa một vườn thú và thế giới hoang dã là vườn thú thì vừa không có kí sinh và kẻ thù lại vừa thừa thãi thức ăn, còn ngoài hoang dã thì ngược lại. Cứ thử nghĩ mà xem,. thà ở khách sạn Ritz với các dịch vụ không mất tiền và tha hồ gọi bác sỹ còn hơn lang thang không nhà và chẳng có ma nào để mắt đến mình. Nhưng các con vật thì không có khả năng phân biệt được như thế. Trong những hạn chế của bản chất mình, chúng thỏa mãn với những gì chúng có mà thôi.

Một vườn thú tốt là một chung cư được tổ chức chu đáo: nơi mà con vật bảo chúng ta Đừng có vào! bằng dấu hiệu nước giải hoặc bài tiết khác, thì chúng ta cũng bảo Đừng có ra! bằng các loại rào chắn của chúng ta. Trong điều kiện như vậy của một nền ngoại giao hoà bình, tất cả các con vật đều hài lòng và chúng ta có thể yên tâm nhìn ngắm lẫn nhau.

Có rất nhiều những câu chuyện trong sách vở về các con vật có thể trốn chạy khỏi vườn thú mà lại không trốn, hoặc trốn rồi lại quay trở về. Có trường hợp một con khỉ độc, cửa chuồng của nó người ta quên không khóa và để mở toang. Con khỉ lo lắng đến nỗi kêu gào thảm thiết và bắt đầu lấy tay đập cánh cửa ầm ầm, cho đến khi người coi chuồng, được 1 khách thăm gọi, vội chạy đến khóa cửa chuồng lại cho nó. Một đàn hươu sao trong 1 vườn thú châu Âu kéo nhau ra khỏi khi trại vì cửa rào không đóng. Những người khách làm cho chúng hoảng sợ chạy vào 1 khu rừng gần đó. Trong khu rừng cũng có hươu sao sống và có thể nuôi dưỡng được đàn hươu này. Thế mà đàn hươu vườn thú lại nhanh chóng tìm đường về trại của mình. Trong một vườn thú khác, một người làm công đang đi đến chỗ làm của mình vào lúc sáng sớm, vác theo các tấm gỗ, thì thình lình thấy 1 con gấu từ đám sương mù buổi sớm bước ra và đi thẳng về phía anh ta. Người ấy vất các tấm gỗ xuống và ù té chạy trốn. Lập tức người ta bổ đi tìm con gấu xổng chuồng. Ho thấy nó đã lại ở trong chuồng, thì ra nó leo ra leo vào nhờ một cành cây mới gẫy. Chắc là tiếng các tấm gỗ rơi xuống đất đã làm con gấu sợ và vội quay lại chỗ ở của nó.

Nhưng tôi không dám khăng khăng đâu. Tôi không định bảo vệ các vườn thú đâu. Nếu muốn thì ta cứ việc đóng cửa tất tật chúng lại (và hy vọng là các loài vật hoang dã có thể sống sót trong những gì còn lại của thiên nhiên ngày nay). Tôi biết rằng các vườn thú không còn là niềm vui của con người nữa. Tôn giáo cũng đang đối mặt với vấn đề này. Có những ảo tưởng nhất định về tự do đang giết chết cả hai.

Vườn thú Pondicherry không còn nữa. Người ta đã lấp hết các hố nuôi, tháo dỡ hết các chuồng trại. Giờ đây, tôi chỉ thám hiểm nó tại một nơi duy nhất còn lại là kí ức của tôi mà thôi.

(1) Nghĩa là "thành phố bách thú" (ND)

(2) Lama: tên một loài lừa có lông giống như lông cừu, cổ dài, đầu nhỏ, gốc gác ở vùng núi cao Peru, Nam Mỹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện