Chương 111-120
Chương 111: Tửu lâu
Edit: heo con
nguồn: Congchuakhangiay
Hà Dục sửa sang lại áo lụa màu bạc thêu lá trúc rồi mới xuống xe ngựa. Ngẩng đầu nhìn biển gỗ đen sơn son thiếp vàng ba chữ "Túy Tiên lâu", góc phải có một con dấu nho nhỏ khắc bốn chữ Lệ "Thanh Khê Lão Nhân", đó là biệt hiệu của nguyên viện trưởng viện Hàn Lâm – học sĩ Lâm Quan Lan.
Hộ vệ tùy tùng đi tới, nhỏ giọng bẩm báo: "Công tử, có cần tiểu nhân đi theo..."
"Không cần." Không đợi hộ vệ nói xong, Hà Dục đã cắt lời hắn, "Kỷ Kiến Minh không phải là người như vậy. Nếu hắn muốn hại ta thì thiếu gì cách, không cần phải hẹn đến tửu lâu làm gì."
"Vâng!" Hộ vệ đáp lời rồi lui ra, cùng mấy người còn lại đánh xe ngựa ra bãi của tửu lâu.
Hà Dục dẫn tùy tùng thân cận vào Túy Tiên Lâu.
Tùy tùng của Kỷ Vịnh là Tử Thượng đang ở trong đại sảnh chờ Hà Dục, thấy hắn đi vào thì tiến lên cười hành lễ, mời hắn lên lầu ba: "Thiếu gia nhà tôi đang ở Thương Hải các chờ Hà công tử."
Thương Hải các là nhã phòng bậc nhất Túy Tiên lâu, chiếm toàn bộ lầu 3 Túy Tiên Lâu, muốn ăn cơm ở đó, không có 2,3 trăm lạng bạc thì đừng mở miệng nói chuyện, mà còn phải hẹn trước nữa cơ.
Hà Dục cười khẽ.
Kỷ Kiến Minh này phô trương như vậy, rốt cuộc muốn làm gì?
Có người tiến đến chào hỏi Hà Dục.
Hắn cũng là khách quen ở đây.
Hà Dục bất an chào hỏi lại, nghĩ đến ánh mắt Kỷ Vịnh nhìn Đậu Chiêu lúc viết câu đối xuân ngày đó.
Sáng bừng rực rỡ như ngọn lửa đang thiêu đốt.
Trong lòng hắn hiện lên cảm giác khác lạ. Nhưng nhanh chóng, hắn ném cảm xúc bất an này ra sau gáy.
Lấy làm vợ, chạy trốn làm thiếp.* (Ý là gái dễ dãi quá, bỏ trốn được theo trai thì sau này trai nó cũng khinh, coi như thiếp mà thôi)
Chuyện nhân duyên, đương nhiên phải nghe lời cha mẹ, theo lời mối mai.
Hà Dục thoáng an lòng, mỉm cười đi lên lầu.
Kỷ Vịnh chắp tay sau lưng, đứng trước cửa sổ rộng mở, khung cửa sổ có tráng men hoa văn xinh đẹp lại nạm thủy tinh lấp lánh làm nổi bật Kỷ Vịnh trong bộ áo dài màu tím nhạt bằng vải mịn kia, càng khiến vóc dáng hắn trông cao lớn hơn.
Nói lại, Kỷ Kiến Minh này cũng là người có tiếng tăm.
Hà Dục nghĩ bụng.
Kỷ Vịnh đã xoay người lại, gương mặt anh tuấn không hề mỉm cười, thần sắc lạnh lùng chào hỏi hắn: "Ngươi đã đến rồi!"
Hà Dục thản nhiên gật gật đầu, lững thững, thoải mái đi tới bên cửa sổ. Mở quạt giấy đánh "xoạt" một tiếng, khẽ phe phẩy mấy lượt rồi cười chỉ vào một cửa hàng đối diện Túy Tiên lâu đang tấp nập người qua lại, nói: "Đây là lần thứ mấy Kỷ huynh đến Túy Tiên lâu? Nhà họ Diêu đối diện có món đậu phộng chao đường rất tuyệt, những người đến Túy Tiên lâu uống rượu đều phải mua một túi về. Túy Tiên lâu làm thế nào cũng không ngon được như bên đó, mấy lần muốn mua đứt lại cũng không được. Mọi người đều nói, Túy Tiên lâu có tiếng là nhờ vào đậu phộng chao đường của nhà họ Diêu..." Trong lời nói của hắn mang theo sự tự tin của người bản địa, muốn đè ép khí thế của Kỷ Vịnh.
Kỷ Vịnh nghe vậy thì hơi bĩu môi, cười như không cười, sai Tử Thượng: "Đi mua cho Hà công tử một túi đậu phộng chao đường đi!"
Tử Thượng đáp lời mà đi.
Kỷ Vịnh xoay người vung quyền đánh vào mặt Hà Dục.
Hà Dục không tránh kịp, "Á" một tiếng rồi vội ôm mặt, lảo đảo ngã xuống ghế thái sư ở bên, ghế bành còn chưa di chuyển thì chung trà, ấm trà trên bàn lại "loảng xoảng" rơi xuống đất. Hà Dục lại "Ối" một tiếng, vịn vào tay vịn của ghế, gập cong người, cũng không ôm nổi mặt nữa, lúc này mọi người mới phát hiện mặt hắn dính máu, khiến cho người ta không nhìn rõ rốt cuộc là vì sao mà bị thương.
Từ lúc Kỷ Vịnh vung quyền, hai tên tùy tùng đi theo Hà Dục lên lầu đã kêu to "Công tử!" rồi nhào về phía Kỷ Vịnh. Đột nhiên ở bên có 7,8 đại hán xông ra, không chỉ đè tên tùy tùng của Hà Dục lại mà còn đem hai miếng vải bố trắng đã chuẩn bị từ trước, nhét vào miệng hai người kia.
"Ân oán cá nhân, các ngươi không được nhúng tay vào!" Kỷ Vịnh rất hung dữ quát hai tùy tùng kia rồi lại vung quyền về phía Hà Dục.
Chơi ưng cưỡi ngựa đã lâu, thân thủ Hà Dục cũng trở nên linh hoạt hơn, hắn xoay người trốn ra sau ghế bành, cao giọng gọi hộ vệ của mình. Nhưng cũng không tự làm mất mặt mà đi hô mấy câu "cứu mạng!"
Kỷ Vịnh cười lạnh trong lòng.
Công tử thế gia chỉ được điều này là tốt, chính là chết đến nơi rồi mà vẫn cần sĩ diện.
Hắn đuổi theo, nắm áo Hà Dục rồi lại đánh một quyền vào bụng Hà Dục.
Lúc này Hà Dục đã phản ứng lại, vừa rồi Kỷ Vịnh đánh vào mặt hắn khiến cho mũi hắn đau đớn, mắt cay cay nên tầm nhìn trở nên mơ hồ. Lúc Kỷ Vịnh nắm vạt áo hắn thì theo bản năng hắn co gối thúc vào dưới bụng Kỷ Vịnh.
Hai người đều "hự" một tiếng, nghiêng ngả lảo đảo ngã xuống đất, lại không hẹn mà cùng xông lên nhào vào nhau... xông vào đánh đấm.
Kỷ Vịnh và Hà Dục trạc tuổi nhau, một người luôn nhất quán "quân tử động khẩu không động thủ", một người thân kiều thịt quý, cơm ngon áo đẹp, sức lực ngang nhau, khó phân thắng bại.
Cũng may khách ở Túy Tiên lâu đều là những người có thân phận, địa vị, lầu ba đánh nhau ầm ĩ nhưng cũng chẳng có ai chạy lên xem trò vui, cùng lắm chỉ có mấy tùy tùng phụng mệnh đứng ở bên ngoài thập thò nhìn vào mà thôi.
Đợi đến khi hộ vệ của Hà Dục ầm ầm xông vào thì hai người đều đã là nỏ mạnh hết đà.
Hộ vệ của Hà Dục muốn cứu chủ, hộ vệ của Kỷ Vịnh sớm đã được dặn dò, không được cho ai nhúng tay vào nên đương nhiên là xông đến ngăn cản, hai bên cũng bắt đầu đánh lộn.
Theo sau hộ vệ của Hà Dục là đại chưởng quầy, cũng không biết nên cản ai thì tốt – hai người đều là con em thế gia, Kỷ công tử là cử nhân, là người đọc sách, nhã nhặn, chắc chắn không phải là do hắn động thủ trước; Hà công tử trông có vẻ là lượt, lại là người vô cùng hào sảng, không phải là loại người không biết đạo lý. Lại nhìn thấy hộ vệ hai bên cũng đánh lộn, bảo tiêu của tửu lâu định nhúng tay cũng không thể xen vào nên ông ta sai nhị chưởng quầy: "Đóng cửa lại, bao giờ bọn họ gọi thì chúng ta lại vào."
Nhị chưởng quầy hiểu ý, tự tay đóng cửa Thương Hải các lại.
Hà Dục thấy người của mình đã đến thì lòng cũng thoải mái, đẩy Kỷ Vịnh ra, đặt mông ngồi xuống đất rồi mới mở miệng nói: "Con mẹ nó, Kỷ Vịnh, đánh người không đánh mặt, tên Vương bát đản này lại dám đánh vào mặt lão tử!"
Kỷ Vịnh cũng mệt mỏi, thấy đạt được mục đích rồi thì không đuổi đánh Hà Dục nữa, cũng ngồi trên đất như Hà Dục, thở gấp nói: "Ngươi có thể đánh lên mặt người khác, ta lại không thể đánh vào mặt ngươi?"
"Con mẹ nó ta đánh vào mặt ai?" Hà Dục lau máu trên mặt, căm giận nói: "Ngươi đừng ngậm máu phun người!"
"Ta ngậm máu phun người?" Kỷ Vịnh vừa đánh Hà Dục được hai đấm, tâm tình bình ổn lại nhưng giờ nghe thế lại kích động, "Đậu gia Tứ tiểu thư và Ngụy gia đã có hôn ước, ngươi lại đứng giữa ngáng chân khiến giờ Đậu tứ tiểu thư bị người chỉ trỏ bàn tán, thiếu chút nữa là thắt cổ tử tự!"
Đậu gia Tứ tiểu thư thắt cổ?
Đó là không thể!
Theo trực giác Hà Dục nghĩ vậy nhưng thấy Kỷ Vịnh nói năng hùng hồn, dù sao hắn cũng chỉ gặp Đậu Chiêu mấy lần nên cũng không dám chắc chắn.
Kỷ Vịnh thấy thế thì nhân lúc này truy kích: "Không phải ngươi muốn tìm ngọn núi để dựa sao? Nam nhân tốt không ăn cơm được chia, nữ nhân tốt không mặc áo khi cưới*. Ngươi không thể có tiền đồ hơn chút sao? Nhờ một nữ nhi đấu với các ca ca của mình..."
(*Câu nói trên xuất phát từ "Nho lâm ngoại sử", ý từ là ví von những người có chí khí thì sẽ không cần dựa bóng cha mẹ để sống qua ngày. Đàn ông có chí khí không tham, không đòi chia tài sản cha mẹ để lại, con gái có chí khí không tham lam của hồi môn. Áo mặc khi cưới cũng là đồ của cha mẹ cho)
Hà Dục lập tức xấu hổ đến độ tai đỏ bừng, cãi chày cãi cối: "Ngươi nói bậy bạ gì đó? Đậu gia tứ tiểu thư là người tốt..."
"Đương nhiên!" Kỷ Vịnh khinh thường nói, "Hai gốc cây bách cổ ở trước cổng Quốc Tử giám cũng không tồi đâu, sao ngươi không bưng về nhà mà trồng?"
"Ngươi..." Hà Dục thẹn quá hóa giận. "Chuyện Đậu gia đến lượt Kỷ gia nhà ngươi lo từ bao giờ thế?"
"Ta đâu có như ngươi, ngoài việc là con của Hà các lão thì chẳng có thân phận gì khác." Kỷ Vịnh ngạo nghễ nói: "Ta là Kỷ Kiến Minh ở Nghi Hưng. Chuyện Kỷ gia liên quan gì tới ta? Ta muốn hỏi thì hỏi, không muốn hỏi đến thì đó cũng chỉ là người qua đường mà thôi."
Thực sự là quá cuồng vọng!
Hà Dục cứng họng, lại không hiểu vì sao, đột nhiên đổi ý muốn kết giao với Kỷ Vịnh.
Hắn lẩm bẩm: "Ta mà muốn dựa vào nữ nhân thì còn đầy, đâu nhất định phải là Đậu gia tử tiểu thư, ta không có ý làm khó nàng... Ngụy gia kia cũng đâu có tốt đẹp gì..."
Kỷ Vịnh thấy Hà Dục nói năng thành khẩn, biết hắn đã hiểu vấn đề, khẩu khí cũng hòa hoãn lại: "Ta cũng biết, chẳng qua ta giận quá nên nói thế thôi. Ngụy gia kia quả thực cũng chẳng tốt lành gì, rách nát như tổ đỉa. Nếu Đậu Chiêu gả qua đó chỉ sợ sẽ phải làm trâu làm ngựa để chống đỡ cho bọn họ, so với vào nhà ngươi thì đúng là cách biệt một trời. Nhưng vấn đề là Đậu Chiêu lại một lòng nhớ thương mẫu thân mất sớm, ngươi cũng không thể không để ý đến ý nguyện của nàng chứ?" Nói xong, hắn thở dài, buồn bã nói: "Nàng mất mẹ từ nhỏ, nơm nớp lo sợ sống dưới tay mẹ kế, còn phải nhìn sắc mặt trưởng bối bên Đông Phủ, sống đã chẳng dễ dàng gì. Ngươi lại làm ầm ĩ như vậy, nghĩ lại xem, nàng còn sống được sao! Không từ mà biệt, chỉ là mỗi người đàn bà nhổ một bãi nước bọt cũng đủ dìm chết nàng rồi."
Hà Dục cúi đầu, hồi lâu không nói gì.
Hắn không nỡ buông tha Đậu Chiêu sao?
Kỷ Vịnh nhìn nhìn, lòng thầm mắng Hà Dục đến một ngàn lần, lửa giận vô danh trong lòng mới thoáng giảm đi, nói: "Ngươi nói đi chứ! Giờ Ngụy gia quyết định không trả tín vật cho Đậu gia cũng không giao cho Hà gia, ai đặt giá cao người đó được... Có phải ngươi sợ còn chưa đủ ầm ĩ sao? Đến lúc đó phụ thân ngươi cảm thấy không ổn, vỗ mông chạy lấy người thì Đậu Chiêu phải làm sao đây? Nàng làm cái gì? Nếu không phải phụ thân nàng là môn sinh của phụ thân ngươi thì đâu có dây phải ôn thần không thể thoát thân thế này. Ngươi có còn là nam nhân không! Cùng lắm sau này ta giúp ngươi đối phó với mấy ca ca kia là được..."
Hà Dục nghiến răng hỏi Kỷ Vịnh: "Nếu ta rút ra, Đậu gia Tứ tiểu thư sẽ gả cho Ngụy Đình Du sao?" Trong giọng nói mang theo mấy phần không cam lòng, không hỏi Kỷ Vịnh sẽ giúp hắn đối phó với các ca ca thế nào, chỉ muốn biết tương lai của Đậu Chiêu.
Lòng Kỷ Vịnh thoáng khó chịu, nói: "Đương nhiên nàng sẽ gả cho Ngụy Đình Du! Chẳng lẽ còn gả cho ai khác sao?"
"Được!" Hà Dục lớn tiếng nói, "Chuyện này ta nhận!" Cũng rất rõ ràng, dứt khoát, rất có chí khí nam nhi.
※※※※※
Lúc này Trần Khúc Thủy đã về tới Thực Định, ông đứng trong nhà ấm trồng hoa của Đậu Chiêu, nhìn gốc mẫu đơn đang nở rộ trước mắt, có chút lo lắng nói: "Nếu Ngụy gia đến cầu thân, chẳng lẽ tiểu thư thực sự phải nhận mối hôn sự này sao?"
Đậu Chiêu dùng bình tưới hoa tưới bụi bẩn trên lá những cây lan núi, hỏi sang chuyện khác: "Ta bảo ông đưa dược liệu cho Tế Ninh hầu, bọn họ có nhận không?"
"Nhận." Trần Khúc Thủy đáp, "Nhưng tôi thấy dáng vẻ của Tế Ninh hầu... hình như rất bình thường..."
Trước khi đi Đậu Chiêu có bảo ông mang theo hai cây nhân sâm 30 năm đưa cho Tế Ninh hầu, ông nghĩ đến thâm ý trong hai cây nhân sâm này, kết quả Tế Ninh hầu chẳng qua chỉ cười nói cảm ơn rồi bảo người ta nhận lấy. Ông còn tưởng rằng Tế Ninh hầu không hiểu được dụng ý của Đậu Chiêu, cố ý nói đôi câu ám chỉ, ngược lại còn khiến Tế Ninh hầu tỏ vẻ khinh thường.
"Đưa đến là được rồi." Đậu Chiêu buông bình tưới hoa, không chút để ý nói, "Về phần dùng thế nào là việc của bọn họ."
Chương 112: Bí ẩn
Lời Đậu Chiêu nói mơ mơ hồ hồ, Trần Khúc Thủy không đoán được nàng có dụng ý gì. Lòng tự trọng lại không cho phép ông chưa nghĩ kĩ đã hỏi nàng. Thế là vấn đề này được bỏ qua.
Sau khi tiễn Trần Khúc Thủy, Đậu Chiêu đứng ngẩn ngơ mãi ở ngoài hiên chính phòng. Kiếp trước, vào ngày mùng chín tháng năm năm Thừa Bình thứ mười ba, Tế Ninh hầu đột nhiên ốm rồi qua đời. Sau khi mãn tang Tế Ninh hầu, ngày mười chín tháng tám năm Thừa Bình thứ mười lăm chính là ngày nàng "tình cờ gặp gỡ" Điền thị đến chùa Khai Nguyên cầu siêu cho trượng phu.
Giờ là tháng ba năm Thừa Bình thứ mười ba, nếu không có gì bất ngờ thì hơn một tháng nữa, Tế Ninh hầu sẽ chết vì bệnh, Ngụy Đình Du phải chịu tang ba năm, hôn sự này đương nhiên sẽ bị hoãn lại. Ba năm sau, ai mà biết lúc ấy tình cảnh sẽ ra sao.
Nàng không hề lo lắng.
Mấy ngày sau mưa xuân liên miên. Đậu Chiêu đang bận chăm sóc mấy khóm mẫu đơn thì Trần Khúc Thủy đến báo tin, Tằng Di Phân ốm nặng, vừa mất.
"Cuối cùng đã trống một vị trí trong Nội các." Đậu Chiêu mời Trần Khúc Thủy ngồi xuống bên chiếc bàn đá ấm hình hoa, tự tay pha một ấm Bích Loa Xuân, cười nói: "Không biết ai sẽ trở thành Thủ Phụ? Vị Thị lang nào sẽ được vào Nội các đây? Mấy hôm nay trên kinh nhất định có người mất ngủ."
Trần Khúc Thủy nhận chén trà từ tay Đậu Chiêu, phân tích: "Khả năng lớn là Diệp Thế Bồi và Diêu Thời Trung, có điều Đới Kiến được Thái giám bỉnh bút Uông Uyên của Tư Lễ giám ủng hộ, cũng có khả năng lắm."
Đậu Chiêu kinh ngạc nói: "Hóa ra Đới Kiến đó có Uông nội thị chống lưng..."
Trần Khúc Thủy nghe Đậu Chiêu gọi Uông Uyên là "Uông nội thị" thì ngạc nhiên hơn cả nàng, hỏi: "Sao người lại biết Uông Uyên?"
Sao nàng lại không biết Uông Uyên.
Kiếp trước Liêu vương đoạt quyền, Uông Uyên là thái giám tâm phúc của Tiên đế mà cuối cùng lại bình yên vô sự. Sau khi Liêu vương đăng cơ, tuy không tiếp tục làm Thái giám bỉnh bút nhưng lại thành Đại Tổng quản cung Từ Ninh. Phi tử được Hoàng Thượng sủng ái nhất là Giang thị chỉ vì đắc tội với Uông Uyên mà bị Hoàng Thượng hắt hủi, cuối cùng hai người con trai của Giang thị cũng bị đưa đi nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của đối thủ lớn nhất đời nàng là Hiền phi Tề thị. Uông Uyên ghét nhất bị người ta gọi là "công công", thế nên bất kể Nội mệnh phụ hay Ngoại mệnh phụ khi gặp đều tôn xưng hắn là "Uông nội thị". Đậu Chiêu cũng là thuận miệng gọi ra.
Nàng giả vờ không biết nói: "Tôi đọc trong sách thấy những người này đều được gọi là 'nội thị' thì gọi theo thôi." Sợ Trần Khúc Thủy hỏi tiếp, nàng vội đổi đề tài: "Diệp Thế Bồi không phải là Thứ Phụ sao? Bây giờ Tằng Di Phân đã qua đời, theo lẽ hẳn là ông ta sẽ tiếp nhận chức Thủ Phụ, sao ngài lại nói chỉ có thể thôi? Diêu Thời Trung và Đới Kiến là ai?"
Đây đều là chuyện Trần Khúc Thủy thấy hứng thú, hơn nữa Đậu Chiêu giải thích cũng rõ ràng nên ông không nghĩ gì thêm, cười nói: "Theo lý mà nói, Tằng Di Phân không còn thì Diệp Thế Bồi sẽ được nhậm chức. Nhưng lúc còn sống, Tằng Di Phân chèn ép ông ta rất kinh, một số chính sự tương đối quan trọng mà có vấn đề đều do ông ta chịu trách nhiệm. Uy tín bị tổn hại, tuổi tác thì đã cao, tinh lực không đủ, chức Thủ Phụ này với ông ta rất có thể là miếng ăn đến miệng còn rơi".
"Diêu Thời Trung bắt đầu làm từ chức Hộ bộ Thị trung, là một kế tướng (kế trong kế sách) nổi tiếng. Mấy năm gần đây, để đại tu lăng tẩm, Hoàng Thượng đã mượn từ Hộ bộ không ít bạc, Giang Nam lại hai lần cháy lớn, thuế thu về ít ỏi, quân lương và lương thảo dành cho lực lượng phía nam diệt Oa[4] thì không thể cắt xén một phần nào. Quốc khố nguy nan, có lẽ Hoàng Thượng sẽ để Diêu Thời Trung làm Thủ Phụ, giải quyết lỗ hổng trong quốc khố."
"Về Đới Kiến, Uông Uyên có thể đuổi Đại Thái giám hầu hạ Hoàng Thượng thời trước đến Thiểm Tây làm Đốc quân, nghe đã biết người này lợi hại cỡ nào. Nghe nói Đới Kiến cho cháu mình lấy nghĩa nữ của Uông Uyên, hai bên thành thông gia. Người này có tài học, có năng lực, không để ý mặt mũi. Nói không chừng sẽ có sự bất ngờ."
Người khác chắc sẽ hoài nghi suy đoán của Trần Khúc Thủy nhưng Đậu Chiêu biết rõ sự lợi hại của Uông Uyên nên thấy ông ta nói rất có lý.
Bình luận truyện