Dệt Kén

Chương 17: C17: Nhưng tôi chưa từng đón sinh nhật



Sau buổi liên hoan các vận động viên, quả nhiên cô Lưu chủ nhiệm lớp 11A1 bắt đầu đôn đốc lũ học trò bớt ham chơi lại, tiết thể dục tuần này cũng không được học.

Điểm thi tháng lần hai đã có, xếp hạng khối của Lê Đường tăng hơn một trăm hạng, mặc dù xếp hạng lớp không tăng mấy nhưng cô Lưu vẫn dành lời khen ngợi và khích lệ.

Cuối cùng cũng nếm được quả ngọt trong học tập, dạo này Lê Đường ít đi muộn vào giờ truy bài hẳn. Tuy nhiên điểm Ngữ văn của cậu vẫn dở tệ, viết lạc đề làm giáo viên Ngữ văn nhức đầu không thôi, còn nước còn tát giới thiệu cho cậu vài bộ tiểu thuyết nổi tiếng bảo cậu đọc ngoài giờ học.

Ngày 9 tháng 11 là thứ sáu, Lê Đường dậy sớm, vệ sinh cá nhân rồi rời phòng, bất ngờ nhận ra phòng Trương Chiêu Nguyệt mở cửa, nhưng mẹ không có bên trong.

Cậu xuống tầng, gặp bác giúp việc đang lau bàn.

Bác giúp việc chỉ phòng bếp: "Bà chủ đang nấu mì."

Lê Đường từng ăn mì do Trương Chiêu Nguyệt nấu, sợi mì dai mềm đẫm nước dùng ninh từ xương lợn thêm bột ớt, bên trên có thịt bò và rau mùi, không đặc biệt nhưng ngon hơn ngoài quán.

Song đã rất lâu Lê Đường không được ăn bát mì ấy, thành thử khi nhìn thấy bóng dáng Trương Chiêu Nguyệt bận rộn trước bếp, cậu lại có cảm giác như đã cách mấy đời.

Mì được dọn lên bàn rất nhanh, Trương Chiêu Nguyệt nấu ba bát, gọi bác giúp việc ngồi ăn cùng. Bác giúp việc giữ phép tắc, vẫn bê mì vào bếp ăn vì không quen ăn cùng mâm với chủ.

Đã một thời gian không ăn cùng mẹ nên Lê Đường hơi dè dặt không quen, mới ăn vài miếng đã sặc bột ớt phải quay đi ho, lúc quay lại thấy trước mặt có một cốc nước.

"Ăn chậm thôi." Trương Chiêu Nguyệt nói.

Lê Đường "dạ" rồi cúi đầu, gần như cắm mặt vào bát mì.

Bắt đầu từ khi nào mà ngay cả sự quan tâm của mẹ cũng khiến cậu vừa mừng vừa lo?

Lê Đường ăn sáng xong đi học, nhớ ra quyển sách tối qua đọc trước khi ngủ vẫn vứt ở đầu giường, cậu lại lộn vào nhà chạy lên tầng.

Vừa lên tầng hai cậu đã thấy phòng Trương Chiêu Nguyệt khép hờ cửa, bên trong vẳng ra tiếng nói chuyện.

"Chính anh sắp xếp để em về Tự Thành, em chưa từng nghĩ sẽ đi gặp nó, cũng không còn mặt mũi nào gặp nó, em chỉ muốn biết bây giờ nó sống ra sao..."

Hình như mẹ đang gọi điện thoại.

Nhạy bén nhận ra có người ngoài cửa, Trương Chiêu Nguyệt ngẩng đầu nhìn rồi che ống nghe: "Sao lại quay về?"

Lê Đường đáp: "Con về lấy đồ."

Cậu nhìn thấy vẻ hoảng hốt từ nét mặt mẹ, cũng trông thấy hai mắt mẹ ngấn lệ. Cậu muốn hỏi vì sao mẹ khóc, lại sợ hỏi rồi sẽ làm mẹ buồn hơn nên chỉ đưa cho mẹ một tờ khăn giấy.

Trên đường đến trường Lê Đường vẫn không kìm được suy nghĩ, "anh" là Lê Viễn Sơn, cho nên mẹ đang nói chuyện điện thoại với bố.

Vậy thì "nó" trong lời mẹ là ai?

Người như thế nào có thể khiến mẹ lo lắng tới vậy?

*

Năm nay mùa thu ở Tự Thành đến cực kỳ sớm, nhưng sang tháng 11 Dương lịch thì mùa thu mới thực sự bắt đầu.

Tháng trước vẫn còn các bạn nữ thích đẹp kiên trì mặc váy đồng phục mùa hè, tháng này đã không hẹn mà cùng chuyển thành đồng phục mùa thu dày dặn, áo len tất bông không thiếu thứ gì.

Chỉ có Tô Thấm Hàm lớp 11A2 vẫn mặc váy như không sợ lạnh, cũng chẳng kéo khóa áo khoác đồng phục.

Lúc xuống sân thể dục hai lớp ở gần nhau, Lê Đường trông thấy chủ nhiệm giáo vụ đi đến chỗ Tô Thấm Hàm, mặt nặng mày nhẹ mắng cô bạn ăn mặc không phù hợp.

Tô Thấm Hàm mỉm cười nói: "Châm chước đi mà thầy, chỉ hôm nay thôi ạ."


Có lẽ Lê Đường biết vì sao hôm nay Tô Thấm Hàm phải mặc váy.

Hết tiết buổi sáng, bạn cùng bàn Lý Tử Sơ nói trưa nay không ăn ở căng tin mà phải ra ngoài trường có việc.

"Đi làm gì?" Lê Đường hỏi.

Lý Tử Sơ đáp: "Làm tóc."

Nghe nói vậy Lê Đường mới ngỡ ra mái tóc húi cua ban đầu của Lý Tử Sơ đã dài ra nhiều, tóc mai sắp chạm đến tai rồi.

Trong ấn tượng của cậu cả lớp chỉ có Lý Tử Sơ để đầu đinh, tương đối nổi bật.

"Không cắt đầu đinh nữa à?" Lê Đường hỏi.

"Không, sắp sang mùa đông rồi, để dài còn giữ ấm được." Lý Tử Sơ xoa đỉnh đầu như chổi cọ của mình: "Xì, sờ hơi đâm tay."

Nhưng ai khi không lại sờ đầu người khác chứ? Lê Đường nghĩ, dù sao tôi cũng không đâu.

Giờ nghỉ trưa, Lê Đường ăn tạm ở căng tin rồi đến tòa nhà tổng hợp. Tới cầu thang cuối cùng dẫn lên sân thượng, cậu cố ý bước chậm và cẩn thận.

Để không quá lộ liễu, thậm chí cậu còn mang theo quyển "Bá tước Monte Cristo" dày cộp nổi tiếng mà giáo viên Ngữ văn đề cử, kẹp trong khuỷu tay.

Khi chỉ còn ba bậc, Lê Đường nghe thấy tiếng nói chuyện loáng thoáng.

"Cậu còn muốn giả vờ tới khi nào?" Đây là giọng Tô Thấm Hàm.

"Giả vờ gì." Người còn lại dĩ nhiên là Tưởng Lâu.

"Cả trường đều biết tớ đang theo đuổi cậu, cậu định bao giờ cho tớ câu trả lời?"

"Nhất định phải có à?"

"Đúng!"

Tưởng Lâu ngừng một chốc mới đáp: "Tôi không tốt đẹp như cậu nghĩ."

"Tốt đẹp hay không cái gì, cậu tốt hay không không phải cậu nói là được."

Dường như Tưởng Lâu bật cười.

Chính tiếng cười ấy chọc tức Tô Thấm Hàm, cô bạn nói to hẳn lên: "Ý là từ chối tôi đúng không?"

"Xem như là vậy." Tưởng Lâu vẫn cất giọng thờ ơ.

"... Được, tớ biết rồi."

Lê Đường nghe ra sự run rẩy trong giọng Tô Thấm Hàm.

Cô bạn sắp khóc.

"Con người cậu, thật sự..." Tô Thấm Hàm không nói tiếp, có lẽ là lòng tự trọng không cho phép.

Tuy nhiên Tưởng Lâu không hề thương hoa tiếc ngọc, chỉ gọi Tô Thấm Hàm lại khi cô bạn xoay người định đi: "Cái này..."

Hắn đang cầm một hộp quà.


Tô Thấm Hàm hoàn toàn nổi khùng, vung tay hất hộp quà xuống đất.

"Quà sinh nhật tặng cậu, cậu nhận cũng được, vứt cũng được, xử lý sao tùy cậu!"

Cô bạn đi mấy bước lại quay đầu: "Cậu yên tâm, tôi sẽ không nói với bố tôi, không hại cậu bị gọi lên phòng giáo vụ nghe hỏi nữa đâu."

Tưởng Lâu "ừ" hờ hững: "Vậy thì cảm ơn cậu."

Trong hoàn cảnh này thật sự không tiện lộ mặt, Lê Đường quay trở lại hành lang tầng dưới, dựa vào tường giở sách nửa tiếng mới xuống tầng.

Vừa xuống tầng tiếp theo cậu đã gặp đằng nữ trong hai đương sự. Tô Thấm Hàm ngồi trên bậc thang tầng ba dẫn xuống tầng hai, hút điếu thuốc mảnh.

Cô bạn ngoái đầu, trông thấy Lê Đường thì lại có một giọt nước mắt lăn xuống gò má.

Đây là người con gái thứ hai khóc mà cậu bắt gặp trong ngày. Mascara của cô bạn nhòe đi, son cũng lem luốc, đủ thấy làm dáng cho người mình yêu không phải lúc nào kết quả cũng tốt đẹp.

Lê Đường đi đến ngồi cạnh Tô Thấm Hàm, cả hai im lặng rất lâu.

Người mở lời trước vẫn là Tô Thấm Hàm. Cô bạn liếc quyển sách trên đầu gối Lê Đường, hỏi bằng giọng mũi đặc sệt: "Hay không?"

Lê Đường suy nghĩ giây lát: "Hay."

"Kể về gì?"

"Đền ơn, với cả trả thù."

Tô Thấm Hàm nhoẻn cười, hút một hơi cuối cùng rồi nghiêng đầu khẽ nhả khói trắng, dí điếu thuốc lên bậc cầu thang.

"Không ngửi được mùi thuốc lá sao không nói?"

Lê Đường ngơ ngác một lúc lâu mới nhận ra cô bạn đang hỏi mình, bèn trả lời: "Thuốc lá cậu hút không mùi lắm."

Cậu nghĩ người có tâm tư nhạy cảm nhìn chung đều giỏi quan sát, bất kể bề ngoài tỏ ra sắc bén đến đâu thì họ cũng có một trái tim mềm yếu.

Vậy nên chưa hẳn Tô Thấm Hàm không biết thật ra Tưởng Lâu không hút thuốc, nói không chừng từ lâu cô bạn cũng đã đoán được Tưởng Lâu sẽ không đồng ý, tỏ tình nhân dịp sinh nhật hắn chỉ vì muốn nắm bắt một chút khả năng ít ỏi mà thôi.

"Cậu nói xem, có phải cậu ấy đang trả thù tôi không?" Tô Thấm Hàm hỏi: "Trả thù tôi suốt ngày bám lấy cậu ấy, trả thù tôi hại cậu ấy bị gọi lên phòng giáo vụ nghe hỏi?"

Lê Đường mím môi, không biết nên đáp thế nào.

Nhưng có vẻ Tô Thấm Hàm chỉ đang tự lẩm bẩm chứ không phải hỏi cậu.

"Con người cậu ấy ấy mà..." Tô Thấm Hàm thở ra một hơi rất nhẹ, giọng có phần nghẹn ngào: "Rõ ràng cậu ấy biết hết nhưng cứ giả vờ không biết gì, chờ người khác đâm đầu vào cái ngõ cụt là cậu ấy... Cậu ấy đứng yên một chỗ chờ tôi đâm đầu vào, như thể cậu ấy rất vô tội vậy."

*

Tan tiết tự học tối, Lê Đường đi theo dòng người ra cổng trường, gặp bạn cùng lớp Chu Đông Trạch ở điểm buýt.

Chu Đông Trạch lấy làm lạ khi hôm nay không có xe riêng tới đón cậu: "Cậu đi đâu?"

Lê Đường hơi chột dạ: "Có chút việc."


Nhìn từ xa thấy Tưởng Lâu đi đến, mắt Lê Đường sáng bừng như phát hiện mục tiêu, toan theo lên xe cùng thì Chu Đông Trạch ở đằng sau gọi với lại: "Muộn thế này đừng đi nữa, bọn mình đi ăn khuya đi."

Lê Đường đã giẫm một chân lên xe, ngoảnh đầu trả lời: "Lần sau nhé, hôm nay tôi có việc rất quan trọng."

Chuyến xe cuối khá đông khách, Lê Đường đứng trong lối đi vừa nhìn gáy Tưởng Lâu vừa bắt đầu suy đoán, mỗi ngày đi đi về về trên con đường này ba mươi phút, hắn đã nghĩ những gì.

Nghĩ lại chuyện xảy ra trong ngày, hay là chuyện từ xa xôi hơn?

Hay là hắn hoàn toàn không nghĩ gì?

Xe buýt đến điểm dừng, cửa khí nén đóng chặt, tiếng động cơ gầm rú cuốn tung bụi bặm lăn bánh đi xa, bấy giờ Tưởng Lâu mới ngoái đầu nhìn.

Hắn không hỏi Lê Đường đến đây làm gì: "Đói chưa?"

Lê Đường ôm cặp, ngẫm nghĩ: "Hơi hơi."

Tưởng Lâu không nói nữa, nhấc chân bước về trước.

Lê Đường theo hắn băng qua bụi cây cành lá xác xơ, giẫm lên con đường lát đá xanh đi về nơi sáng đèn gần nhất.

Tiệm tạp hóa không ghi mở cửa 24 giờ nhưng giờ này vẫn buôn bán, Tưởng Lâu đi vào lượn một vòng, lúc đi ra đưa cho Lê Đường một gói gì đó, Lê Đường phải một tay xách cặp nặng, một tay chìa ra nhận.

Cậu soi đèn trước cửa tiệm tạp hóa, đây là gói quà vặt có tên bim bim tai heo mà lần đầu đến đây cậu đã rất tò mò.

Vầng trăng sáng lấp ló sau tầng mây dày, tô nét mờ cho dãy núi nhấp nhô.

Vào nhà Tưởng Lâu, khi Lê Đường bóc gói bim bim tai heo ăn đến miếng thứ ba và chắc chắn rằng nó ngọt, Tưởng Lâu cất tiếng hỏi: "Sao lại đến đây?"

Lê Đường như tỉnh cơn mê, lấy khăn giấy lau tay rồi mở cặp móc ra một hộp giấy cỡ bằng bàn tay, một tay kéo một tay đỡ, lôi ra một chiếc đèn.

Đèn năng lượng mặt trời hình con thỏ, ban ngày hấp thụ ánh sáng mặt trời, tối đến tự động phát sáng.

"Chỉ mỗi cửa nhà cậu không có đèn."

Nói đoạn Lê Đường bật công tắc, đèn con thỏ sáng "vụt" lên. Lúc này Tưởng Lâu mới nhìn rõ tay con thỏ còn ôm quả bóng tròn vừa to vừa sáng, vô cùng giống trăng đêm rằm.

Lê Đường đã chọn chiếc đèn này rất lâu, không biết Tưởng Lâu có thể nhận ra tâm tư nho nhỏ trong đó hay không, rằng thỏ là con giáp của cậu, trăng là ảnh đại diện Wechat của cậu. [1]

[1] Năm thỏ ở Trung Quốc là năm Mão của mình.

Tưởng Lâu bật cười khẽ, duỗi ngón tay chọc tai thỏ: "Để ở cửa, sáng mai là mất."

Nơi đây toàn nhà cũ, không có quản lý nhà đất cũng không có bảo vệ, để món đồ đẹp đẽ như thế ở cửa thì chẳng mấy mà bị trộm.

Lê Đường đã nghĩ vấn đề này từ trước, như làm ảo thuật lấy trong cặp ra một sợi dây đay luồn vào giữa hai tai con thỏ, biến nó thành đèn lồ ng có thể xách.

Cậu đi đến cạnh cửa sổ, treo đèn lên cái đinh đóng trên tường, thế này thì ở bên ngoài cũng có thể nhìn thấy ánh sáng.

Lê Đường quay đầu lại hỏi: "Chỗ này ổn không?"

Nhưng thứ cậu nhìn thấy lại là ánh mắt trống rỗng của Tưởng Lâu, cùng với khuôn mặt góc cạnh tới mức gần như lạnh nhạt dưới ánh sáng ảm đạm.

Lê Đường thầm giật thót.

Bỗng dưng cậu cảm thấy đây mới là dáng vẻ chân thực nhất của Tưởng Lâu.

Biết bao ồn ào phù hiếm trên đời hắn đều chẳng buồn tham dự, càng chưa từng đặt bản thân vào.

Chính cậu, chính mọi người nhất quyết kéo Tưởng Lâu vào, cho nên Tưởng Lâu im lặng xa lánh sao lại không thể coi là vô tội?

Dù rằng sau đó Tưởng Lâu vẫn cười, không khác gì bình thường.

Hắn hỏi: "Đây là quà sinh nhật sao?"

Rồi hắn lại nói: "Nhưng tôi chưa từng đón sinh nhật."


Lúc này có lẽ nên hỏi "vì sao", nhưng Lê Đường không muốn hỏi, cậu có thể cảm nhận được đáp án sẽ lại là một câu chuyện đau lòng.

Vì thế cậu nói: "Vậy thì coi như quà kỷ niệm, lần thứ ba tôi đến nhà cậu chơi mà có mỗi lần này mang đồ."

Lê Đường treo đèn rồi ngồi xuống ghế bên cạnh Tưởng Lâu, cầm điện thoại chụp một tấm đèn con thỏ.

Cậu chụp xong lại ăn bim bim tai heo, đặt câu hỏi: "Ngày trước cái đinh này treo gì?"

Tưởng Lâu nhìn theo tầm mắt cậu, ánh mắt hơi thẫn thờ.

"Treo gì à?" Hắn lẩm bẩm lặp lại: "Chắc là treo lịch."

Loại lịch treo tường mỗi ngày xé một tờ. Bìa lịch in hình thần tài, giấy vừa mỏng vừa xuyên thấu, chi chít chữ Hán và sơ đồ bát quái, hôm nay là màu xanh lá, ngày mai có thể là màu đỏ.

Rất lâu trước kia, mỗi sáng người đàn ông làm chủ ngôi nhà này ra ngoài đều xé một tờ, đồng thời nói với con ông ấy: "Chờ xé hết lịch là mẹ về rồi."

Đứa con tin chắc không chút nghi ngờ, cậu nhóc sốt ruột muốn nhanh chóng nhìn thấy người mẹ chưa từng gặp mặt chỉ tồn tại trong truyện cổ tích, thừa lúc bố không có nhà bèn lén xé lịch, xé vài trang ở trước, vài trang ở giữa và vài trang ở sau cùng.

Đến nỗi mà trong năm đó, người bố thường xuyên phát hiện lịch bị thiếu, vừa buồn cười vừa bất lực an ủi đứa con: "Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, phải trải qua đều đặn từng ngày một."

Nhưng khi nhóc nhẫn nại đếm từng ngày trôi qua, mẹ lại mãi không quay về.

Bố lại bảo nhóc: "Chờ khi nào con mười tuổi, nhất định mẹ sẽ về. Đây là ước hẹn mười năm của bố mẹ."

Sau đó nhóc gặp được mẹ lần đầu tiên vào năm bảy tuổi, nhưng mẹ không ở nhà lâu, chẳng mấy đã lại đi.

Còn mang cả bố đi mất.

Sau đó nữa nhóc biết cái gọi là "ước hẹn mười năm" chỉ là một lời nói dối thiện chí.

Xé hết quyển lịch chỉ còn lại cây đinh rỉ sét trơ trọi trên tường, hệt như một trò cười.

Tưởng Lâu cứ lẳng lặng ngồi đó, mãi đến khi đã nhai nát quá khứ ấy đến khô khan mất vị.

Thấy Tưởng Lâu chống cằm buồn chán, Lê Đường tưởng hắn cũng đói, bèn nhón một miếng bim bim tai heo đưa cho hắn.

Tưởng Lâu cụp mắt, nắm cổ tay Lê Đường kéo đến miệng mình, ăn luôn trên tay cậu.

Răng chạm vào móng tay, ngón tay cũng cảm nhận được hơi thở nóng bừng ẩm ướt, Lê Đường vội vàng rụt tay lại, mặt ửng ráng chiều.

Không muốn Tưởng Lâu nhận sự khác thường ở mình, Lê Đường tìm chuyện để nói: "Nhưng sinh nhật mà, cũng có thể ước."

"Vậy sao."

"Ừ, cậu ước một điều đi."

"Được thôi."

Ngoài cửa sổ, vầng trăng mờ lại náu mình trong dải mây mỏng.

Qua một chốc, Lê Đường không dằn nổi tò mò: "Cậu đã ước gì?"

"Tôi..."

"Thôi đừng nói thì hơn, điều ước nói ra lại không linh nghiệm."

Tưởng Lâu cười: "Ngốc."

Cậu nên mong rằng nó không linh nghiệm chứ.

***

Tác giả có lời muốn nói: Đoán xem Tưởng Lâu ước gì.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện