Diễn Trò

Chương 22: Thời tiết hôm nay đẹp thật đấy



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Biên tập: Bột
Cậu Tư đã dặn a hoàn và bà đỡ trong nhà kỹ càng, vì thế Oanh Yến và mấy cô bé mười hai, mười ba tuổi chỉ hận không thể đính thêm trang sức lên tóc của Cận Tiêu. Vẻ quen tay hay việc của mấy cô bé kia giống như người trang điểm của tiệm phục sức vậy. Có điều, họ có tìm những món trang sức xinh đẹp trong rương kia nhanh nhẹn và khéo léo đến thế nào, Cận Tiêu vẫn thấy như mấy cô bé đang chơi đồ hàng vậy.

Lúc đầu Cận Tiêu còn thấy thú vị, nhưng sau đó nửa đầu cô bị quấn dây ngọc trai thành đồ trang trí tóc. Dây ngọc trai này được mệnh danh là từ chỗ của phu nhân công tước trôi dạt qua đại dương, qua tay nhiều người mới tới được đây. Theo như lời Oanh Yến thì cuốn vào tóc là bắt mắt nhất, vậy mới thấy được được tình sâu nghĩa nặng của cậu Tư.

Có lẽ lịch sử của những món trang sức này sóng gió và lâu đời vô cùng, thế nên chúng không chỉ thể hiện được tình sâu nghĩa nặng mà cũng vừa dày vừa nặng thật. Chúng khiến Cận Tiêu phải đỡ đầu phàn nàn: “Làm gì thế, trông như Bảo Thiềm đưa rượu vậy.” (1)

(1) Bảo Thiềm đưa rượu: là một tình tiết trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng. Hạ Kim Quế gặp Tiết Khoa là em họ của Tiết Bàn bèn đem lòng ao ước và muốn trêu chọc chàng. Nàng ta cử a hoàn Bảo Thiềm của mình tới thăm dò, ban đêm dâng rượu cho Tiết Khoa và mê hoặc đủ đường, nhưng Tiết Khoa không hề bị lay động, sau đó Bảo Thiềm phải thất vọng tràn trề mà ra về.

Cậu Tư đang đọc sách ở bên cạnh, lúc này lại vui vẻ hỏi: “Em muốn dâng rượu cho ai? Tiết Khoa nhà ai mà gan to bằng trời thế?”

Cận Tiêu chỉ mù mờ biết được tình tiết này từ một tiểu thuyết trong tập san «Tulip», trong đó kể một người vợ sợ chồng không đoái hoài tới cô ấy nữa nên đêm đến đã mặc quần áo lúc mới cưới, đeo vàng đeo bạc mà “Bảo Thiềm dâng rượu”, vì thế Cận Tiêu mới dùng nguyên cả cụm từ như vậy. Cậu Tư hỏi như vậy khiến cô sực nhớ tích Hạ Kim Quế phái Bảo Thiểm đi quyến rũ em của Tiết Bàn là Tiết Khoa, sau đó mới thấy so sánh như vậy thật không ổn chút nào. Mấy cô bé lúc này đã cười khanh khách thành tiếng và đang lặng lẽ dò xét hai người bọn họ.

Cô không muốn chịu thua cậu Tư trước mặt người ngoài nên liều lĩnh cứng miệng: “Cậu không có em, cần gì phải hoảng.”

Nhưng cô nói xong lời này lại lúng túng không thôi, vì thế mới lạnh tanh đổi chủ đề: “Em đọc thiệp mời nói là đến dự tiệc sinh nhật của cô chủ nhà họ Thư, sao lại để em mặc thành thế này? Như vậy em sẽ thành bậc bề trên không biết khách sáo.”

Cô vội vàng đổi chủ đề như vậy thật vụng về làm sao, nhưng cậu Tư cũng không so đo với cô mà chỉ nói: “Em không phải khách sáo với ai hết.”

Cận Tiêu không trả lời anh nữa mà đỡ đầu bảo Oanh Yến bỏ vòng vàng trong tay xuống, lúc này mặt cô đã mang vẻ cầu khẩn rõ rệt: “Mau bỏ xuống đi, nếu không bọn tôi còn chưa tới nơi thì đã gãy cổ phải vào viện rồi.”

Cô lên xe nhưng thỉnh thoảng vẫn tháo trộm mấy món đồ nho nhỏ trên tóc rồi nhét vào khe hở của ghế ngồi, mà cậu Tư chỉ cần liếc mắt một cái là đã nhìn ra tất cả. Vợ anh dám so thị lực với một sĩ quan đúng là không biết lượng sức mình chút nào. Nhưng anh cũng thấy mỗi lần Cận Tiêu vụng trộm giấu đi như mèo con trộm cá, khi làm vậy thành công cô đều nở nụ cười, một lúc lâu lại sợ anh nhìn thấy nên vội vã thu lại ý cười mà ngồi nghiêm chỉnh nói chuyện trời đất với anh. Tất cả những hành động này như một màn kịch không lời, nhưng lại đẹp đẽ hơn bất kỳ thước phim đen trắng nào khác. Thế là cậu Tư cũng giả vờ không nhìn thấy, để mặc cho cô rút mấy món đồ trang sức trên tóc kia ra.

Cận Tiêu cũng nhìn ra được ý cười của anh nên hỏi anh đang cười gì, cậu Tư chỉ sờ mũi nói: “À…” Anh siết tay thành quyền để kìm nén tiếng cười, sau đó cũng ngồi nghiêm chỉnh như vợ mình: “Thời tiết hôm nay đẹp thật đấy.”

Cận Tiêu ngước mắt nhìn trời đầy mây như muốn mưa kia rồi cũng gật đầu và không hỏi lại anh nữa.

Từ trước đến giờ Cận Tiêu đều đi dự tiệc theo cậu Tư, khi chào hỏi với mấy người chủ khách cô thường chỉ mỉm cười nên sẽ không có sai sót gì. Lúc trước cậu Tư không để ý đến quần áo của cô như vậy, vì thế Cận Tiêu cũng tinh ý biết chồng mình chạy ngược lên Thiều Quan vì có kế hoạch riêng của bản thân. Cận Tiêu chỉ cần không thêm phiền cho anh, giơ tay nhấc chân để lại mặt mũi cho cậu Tư là đã hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ rồi.

Có điều mấy năm dân quốc này vẫn có thể nhìn thấy quần áo của phụ nữ Mãn Thanh (1) trong buổi tiệc phương Bắc. Bà cả nhà họ Thư ra đón tiếp hai người họ, bà ấy là phụ nữ bó chân truyền thống nên đi lại có phần bất tiện, có điều cũng có thể nhìn ra vẻ yểu điệu khi còn trẻ của bà: “Vậy là cậu Tư cũng tới rồi, mấy người đàn ông đã đợi lâu lắm rồi đấy.”

(1) Quần áo của phụ nữ thời Mãn Thanh

trang-phuc-nu-doi-thanh

Đàn ông đến mấy buổi tiệc thế này phần nhiều là cần bàn chuyện, còn phụ nữ đến đây nếu không khiêu vũ thì cũng tụ lại chơi mạt chược, hoặc ganh nhau xem chiếc nhẫn nhập mới mua ra sao. Cận Tiêu đi ngang qua sân khấu với cậu Tư, sau đó được bà cả dẫn tới chỗ của mấy người phụ nữ tụ họp để nói chuyện với mọi người. Cậu Tư lại cười với bà cả nhà họ Thư mà dặn: “Vợ tôi không hay ra ngoài, phiền ngài quan tâm thêm một chút.”

Bà cả vốn đang mang ý cười thân thiện, lúc này lại cười càng tươi hơn: “Cậu Tư như vậy giống lúc tôi đưa con đến trường quá.”

Cận Tiêu cũng thấy anh chăm sóc như vậy khiến cô nhớ tới cha của bạn gái ngồi cạnh thời còn học tiểu học. Cha bạn gái kia đưa con đến trường rồi gửi gắm từng thầy cô một: “Con bé nhà tôi ở nhà từ nhỏ, phiền các thầy cô quan tâm tới cháu nó.”

Khi đó Cận Tiêu được mẹ đưa đến lớp rồi ngồi một mình trong đó, cô loáng thoáng nghe được mấy câu này thì mới hiểu thì ra mình không giống với người khác. Thuở nhỏ, cô cho rằng tất cả các cô bé khác ở nhà đều bị rẻ rúng như vậy, đàn ông trên đời này sai sử phụ nữ là chuyện đương nhiên. Thế nhưng khi tới trường rồi, cô lại phát hiện ra mọi chuyện không phải như vậy.

Có đôi lúc cậu Tư bù đắp tình cha cho Cận Tiêu, cũng vì thế mà vai trò của người này ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của cô, nhưng cũng vì thế mà càng khiến cô thêm sợ hãi, không muốn sa vào.

Cận Tiêu đang nghĩ vậy thì bị bà cả đưa tới chỗ tụ họp của mấy người phụ nữ, sau rồi chính cô cũng muốn hoàn thành vai trò của mình nên đã tươi cười trò chuyện với mấy cô ấy. Cô là vợ của quan lớn có quyền hành nhất ở Thiều Quan, lại thêm quần áo và trang điểm xinh đẹp như vậy nên dù có trẻ tuổi thì cũng rất được những người khác chào đón. Chào đón như vậy không nhất định là giả, chỉ là con người thường thích tỏ ra thân thiết, gần gũi với những vật hoặc người tỏa ra ánh hào quang và tốt đẹp mà thôi. Nếu muốn quy tội thì thật ra đó cũng là một loại thật lòng.

Lúc họ đang nói chuyện thì ông Thư dắt con gái út của mình ra, nghe nói cô gái được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa từ nhỏ, bọn họ tổ chức tiệc sinh nhật này cũng để tìm một chàng rể hiền cho cô ấy. Cô chủ nhà họ Thư mặc quần áo của phụ nữ thời Mãn Thanh màu trắng như tuyết, để trông không quá đơn điệu, trên đó còn thêu thêm áng mây xanh mướt xen vàng, cả ở cổ tay áo cũng được điểm một chút viền vàng nữa. Tuy cô ấy mặc quần áo kiểu cũ, nhưng xuất hiện trước mặt mọi người thế này cũng đã cho thấy đây là một cô gái thời đại mới rồi. Cận Tiêu nhìn ý cười ngây thơ của cô ấy thì cũng bất giác nở nụ cười.

Cho đến nay cô vẫn luôn hâm mộ những cô gái có xuất thân cao quý, không biết tới thói đời vô thường, đương nhiên cũng sẽ thật lòng đối tốt với người khác. Họ thường cho là con người khắp thế gian này đều biết đồng tình và thông cảm với nhau, vì thế cũng ít buồn phiền hơn người khác nhiều.

Cận Tiêu nghĩ vậy rồi khóe miệng lại mang chút cười khổ, có điều cô không phải kiểu người hay hối hận, vì thế chỉ chốc lát sau cô đã đánh mắt tới khu đồ ngọt kiểu Âu ở bên cạnh. Một dòng họ lớn trong thành nhỏ thường mở tiệc Trung – Âu kết hợp. Cơm Âu có thể không chính tông, nhưng đúng là Cận Tiêu muốn ăn chút đồ ngọt.

Cô vừa định đi thì nghe thấy người bên cạnh nói một tràng tiếng Anh lưu loát, khi nghe kĩ ra thì là: “Jenny, cô biết vì sao con gái chờ lấy chồng lại mặc váy trắng không?”

Giọng của người hỏi là giọng Anh – Mỹ chính gốc, giọng của người trả lời lại là giọng Anh – Anh pha thêm ngữ điệu Quảng Đông, rất đậm chất phía Nam chứ không phải giọng đất Bắc: “Cô lại định nói với tôi cưới xin mà một lần mua bán đấy à.”

“Thì đúng là mua bán mà.” Lúc này Cận Tiêu đánh mắt nhìn sang thì thấy một cô gái dong dỏng tóc vàng mắt xanh, cô ấy cũng mặc sườn xám ngắn rất hợp cảnh và nổi bật vô cùng. Có lẽ cô ấy ỷ vào việc mọi người không biết tiếng Anh nên trắng trợn nói: “Vì thế họ mới để cô gái chuẩn bị được bán đi mặc váy trắng, chứng minh cho người mua thấy đó là tấm thân trinh trắng, có thể sinh con cho nhà chồng.”

Lúc này Cận Tiêu đã thấy rất vui hơn rồi, cô cảm thấy hai cô ấy thú vị vô cùng, vì thế cũng quay đầu xen vào. Giọng của cô không mang vẻ trách móc hay chỉ trích nặng nề mà chứa ý đùa ôn hòa: “Nơi đây đâu phải phương Tây, chúng tôi chỉ mặc đồ màu trắng khi để tang thôi.” Cô lại liếc mắt nhìn cô gái được chủ nhà dẫn ra: “Nếu cô chủ nhà họ Thư mà biết hai cô nói vậy, cô ấy sẽ khóc đấy.”

Hết chương 22.
Tác giả: Thật ra đã viết xong thịt rồi, đi hết tiến độ truyện rồi mai đăng hai chương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện