Chương 13: Chương 13
Kể từ khi Diệp Trình chuyển đến sống ở lầu hai tiệm sửa giày, nó không còn dính lấy bác Tiền như trước nữa.
Phần cũng vì Diệp Trình đã dần quen thuộc hơn với thành phố này, nên bác Tiền không còn sáng sáng đưa nó đi, tối tối dẫn nó về nữa, chỉ có buổi trưa mỗi ngày là vẫn duy trì đều đặn mang cơm qua cho nó thôi.
Vì thế, Diệp Trình liền cùng Lục Minh Viễn ngồi xe, sáng cùng nhau rời nhà, tối cùng nhau trở về, buổi trưa cơm nước xong, hai đứa lại dạo khắp chung quanh xin ăn, dần dà cũng đi được gần hết thành C.
Nghe nói gia đình Trần Văn Miểu lại ra thành phố, nhưng lần này Trần Mĩ Mĩ không đi theo, cô nhóc ở nhà học tiểu học.
Mấy hôm trước Trần Văn Miểu còn qua nhà Tiền Hưng Lương làm khách.
Hai người lâu ngày mới gặp nên đặc biệt cao hứng, túm lại nói chuyện chỗ hàng lấy hồi cuối năm kiếm được bao nhiêu tiền, còn nói về sau nếu lại gặp được chuyện tốt như vậy, hai người nhất định phải rủ nhau làm.
Trần Văn Miểu còn dẫn theo một người trẻ tuổi, vẻ ngoài thanh nhã lịch thiệp, nghe nói là một sinh viên, học cái gì mà quản lý xã hội học.
Người nọ cầm theo một cái máy ảnh, giúp mấy người Tiền Hưng Lương chụp mỗi người một tấm, nói là bao giờ rửa xong sẽ mang qua cho các bác.
Diệp Trình với Lục Minh Viễn cũng chụp chung một tấm.
Hai đứa nhỏ đứng ở cửa, đám người lớn bên cạnh thi nhau hô hào kêu chúng cười lên, Diệp Trình nghe được hơi hơi mím môi, mỉm cười, còn Lục Minh Viễn thì vẫn một bộ người chết như thế, mặt trông như thể chuẩn bị đi đánh nhau tới nơi.
Quả nhiên vài ngày sau, Trần Văn Miểu liền cầm ảnh đã rửa sang, không chỉ mấy người Tiền Hưng Lương có ảnh, mà cả nhà Trần Văn Miểu cũng có.
Hắn mang cả ảnh nhà mình chụp tới đây.
Đám người lớn con nít lập tức hưng phấn vây quanh ảnh chụp líu ríu không ngừng.
Những năm ấy, chụp ảnh vẫn còn là một chuyện hết sức xa lạ, đặc biệt là với những người xuất thân nông thôn như họ, không mấy người từng bước vào tiệm chụp ảnh.
Diệp Trình để ảnh của nó và Lục Minh Viễn vào trong cái tay nải bà ngoại khâu cho, cạnh cuốn sổ tiết kiệm.
Không bao lâu sau, La Thành Phúc, ba của La Siêu Nghệ, và ba mẹ Tiền Bân đều nói muốn trở về thôn.
Mấy người họ không biết chữ, mà tiếng địa phương lại khác biệt khá nhiều so với tiếng phổ thông, bất đồng ngôn ngữ khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm, dù có tìm được, thì cũng đều là những loại công việc vừa mệt nhọc mà tiền lương lại thấp.
Người nhà quê lên thành phố đi đến đâu cũng không được coi trọng, cách sống lại khác biệt quá nhiều, hơn nữa chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, nên họ đều nghĩ muốn về quê.
Về lúc này có khi còn kịp cấy vụ xuân.
Trước đây ở quê quanh năm cày cấy cũng đủ ăn, không đến nỗi quá cần tiền, ra thành phố làm công cho dù kiếm được tiền thật đấy, nhưng gạo cùng thức ăn đều phải bỏ tiền ra mua, mà đồ trên thành phố lại đắt đỏ, vừa nghĩ như vậy, lại càng thêm kiên định quyết tâm trở về quê.
Nhưng họ không định dẫn con về.
Hai đứa nhỏ này ở thành phố quả thực kiếm được không ít tiền, thế nên liền nhờ Tiền Hưng Lương chăm sóc hộ.
Bác Tiền không muốn rước cục nợ này vào người, nhưng mấy người kia cứ khuyên can mãi, nói là hai đứa nhỏ đã quen với cuộc sống trên này, nên bác chăm nom cũng không quá tốn công, họ có ở lại đây cũng chẳng giúp được gì, không khéo còn làm liên lụy tới con cái mình ấy chứ, còn nói là tiền sinh hoạt phí Diệp Trình đóng bao nhiêu, bọn nhỏ cũng sẽ đóng y như thế.
Cuối cùng bác Tiền đành đồng ý, thực ra có muốn từ chối cũng chẳng được, lại nói, bác cũng có chút động tâm, giữ hai đứa nhỏ này lại, mỗi năm bác lại thu thêm được không ít tiền.
Nhưng dù đám người lớn đi rồi, Diệp Trình và Lục Minh Viễn vẫn không quay lại nhà bác Tiền.
Chính bản thân chúng không muốn về, bác Tiền cũng chẳng đề cập đến, lão Ngô cũng không đuổi người, thế nên hai đứa vẫn cứ ở lại căn phòng trên tầng hai tiệm sửa giày ấy.
Nếu nói trong tiệm sửa giày, thứ gì khó học nhất thì có lẽ chính là máy khâu giày.
Thứ này nguyên lý hoạt động không khác máy may lắm, thậm chí còn có phần đơn giản hơn, bất quá máy may dùng chân để đạp, còn máy khâu giày này lại phải dùng tay, tay trái đưa nguyên liệu vào, tay phải xoay bánh xe, cần phải phối hợp thực nhịp nhàng, thuần thục mới được.
Diệp Trình với Lục Minh Viễn đều còn quá nhỏ, bắt một đứa nhỏ mới mấy tuổi đầu làm loại việc này quả thật có chút khó khăn.
Nhưng hai đứa nhỏ cố tình lại rất thích cái máy này, buổi tối nếu như không có việc gì làm thì sẽ tìm vài miếng da giày cũ hỏng lão Ngô không dùng đến, một đứa nghịch máy khâu, đứa còn lại ngồi xem, có khi đang xem liền nóng nảy hô, "Ai da không phải như vậy, để tui để tui."
Tối ngày nọ, hai đứa nhỏ vẫn ngồi dưới lầu dày vò cái máy khâu giày, lão Ngô ở trên lầu nghe bọn chúng làm gãy đến cây kim thứ ba, rốt cuộc nhịn không được đau lòng hô, "Hai cái thằng nhóc này, còn không mau lên ngủ đi, đừng có làm hỏng hết kim của ông nữa!"
Sang đến mùa hè, người lớn trẻ con đều thích đeo dép xăng đan bằng nhựa.
Loại dép này sửa khác với giày da giày vải, cái bếp lò đặt trước cửa tiệm của lão Ngô cũng bắt đầu đốt lửa cả ngày.
Năm ấy dép xăng đan chủ yếu làm bằng nhựa, không như bây giờ có cả bọt biển, vải, da đủ loại.
Dép nhựa mà hỏng thì chỉ có hai kiểu, hoặc là đứt quai, hoặc là bung gót, muốn sửa rất dễ, chỉ cần tìm một miếng nhựa kích cỡ màu sắc không sai biệt lắm, rồi lấy gậy sắt nung trong bếp lò ra, hơ cho nhựa chảy vào chỗ bị bung là dán lại được.
Tương tự, mấy hộ dân xung quanh nếu như có bình nước, chậu rửa mặt linh tinh bằng nhựa mà bị hỏng, cũng đều mang đến tiệm lão Ngô sửa lại.
Khi ấy mọi người đều rất tiết kiệm, đồ dùng hỏng cũng không nỡ ném, có thể sửa thì sẽ sửa lại mà dùng.
Diệp Trình còn nhớ lão Ngô có một cái siêu nước đã bị thủng lỗ chỗ, năm ấy mọi người vẫn dùng than để đun, đại khái là đun nhiều quá nên mục hết cả rồi.
Đợi mãi mới có người tới sửa nồi niêu, lão Ngô liền mang cái siêu ra sửa.
Người nọ nói cái siêu này không sửa được nữa, đáy đều đã mỏng toẹt rồi, sửa chỗ này thì lại thủng chỗ khác thôi, nếu không thì thay đế đi vậy.
Lão Ngô nghe vậy liền hỏi thay đế hết bao nhiêu, người kia đáp năm đồng.
Năm ấy mua một cái siêu mới phải mất hơn mười đồng, thế nên lão Ngô liền quyết định thay đế, thay xong cái siêu chia thành hai nửa, phần đáy với phần thân màu sắc, độ mới cũ khác hẳn nhau, may mà không còn bị chảy nước nữa.
Cái siêu ấy lão Ngô sau này còn dùng mãi, tới tận trước khi ông mất một năm, Diệp Trình vẫn còn trông thấy nó trong nhà.
Thời gian cứ như vậy một ngày rồi lại một ngày trôi qua, tiết trời ngày càng nóng nực, mùa hè đã đến rất gần.
Chạng vạng một ngày nọ, Diệp Trình và Lục Minh Viễn trở về nhà bác Tiền, thấy bác không có nhà, cửa lại đóng chặt, liền ngồi xổm bên ngoài chờ, nhưng chờ mãi cũng không thấy bác Tiền về.
Một lát sau, lão Ngô đi đến, kêu hai đứa đừng đợi nữa, bác Tiền đã bị sở cảnh sát dẫn đi rồi, hai thằng nhỏ cùng thôn cũng bị dẫn đi theo.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn nhất thời trợn tròn mắt, "Vì sao lại bắt họ?"
"Hai thằng nhỏ kia thì không sao, bắt bọn chúng làm gì chứ? Chắc là đuổi về thôn thôi."
"Thế còn bác Tiền thì sao?" Diệp Trình lại hỏi.
"Ta làm sao mà biết được, đi thôi, qua chỗ ta ăn cơm."
Lão Ngô nói xong đi thẳng về phía trước, hai đứa nhỏ chỉ đành lo sợ bất an đuổi theo sau.
Buổi tối lúc ngồi ăn cơm, lão Ngô nói với chúng nó, có người chụp ảnh mấy người Tiền Hưng Lương, bây giờ ảnh chụp đều bị cảnh sát mang đi cả rồi, sau đó lại hỏi chúng nó có chụp không.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn nghe xong giật mình hoảng sợ, nhưng lại chỉ lắc đầu.
Đêm hôm đó, cơm nước xong hai đứa nhỏ cũng không như mọi khi ngồi nghịch máy khâu, mà chui tọt vào trong phòng.
"Bọn họ liệu có tới bắt chúng ta không?" Lục Minh Viễn hỏi Diệp Trình, dù sao hai đứa cũng có chụp ảnh mà.
"Không sao đâu, cùng lắm thì bị đuổi về thôn thôi." Diệp Trình cũng sợ, nhưng vẫn mở miệng an ủi Lục Minh Viễn.
"Tui không phải người thôn cậu." Lục Minh Viễn cúi đầu nói.
"Chẳng lẽ họ sẽ đưa cậu vào cô nhi viện sao?" Diệp Trình cũng có chút lo lắng, bọn chúng từng nghe người trong thành nói, trẻ con không cha không mẹ sẽ bị đưa vào cô nhi viện.
"Bọn họ nói mấy người trong đó đều là người xấu."
"Vậy phải làm thế nào?" Diệp Trình cũng không muốn Lục Minh Viễn bị đưa vào cô nhi viện, nó muốn dẫn Lục Minh Viễn về thôn cơ.
"Tui cũng không biết." Lục Minh Viễn vừa nói xong liền chảy nước mắt, nó thực sự rất sợ, những người đó nói người trong cô nhi viện không chỉ xấu thôi đâu, còn buôn bán trẻ con nữa cơ, bán đi làm đủ chuyện, rất đáng sợ.
"Đừng khóc mà." Mỗi lần Lục Minh Viễn khóc, Diệp Trình đều thấy trong lòng đặc biệt khó chịu, "Hay là chúng ta đi trốn đi, không để họ tìm thấy là được."
"Trốn đi đâu?" Lục Minh Viễn khịt mũi, hỏi.
"Dù sao cứ trốn đi đã." Diệp Trình nói xong lập tức đứng dậy thu dọn đồ đạc.
Kỳ thực cũng chẳng có gì để mà dọn, quần áo đều để trong nhà bác Tiền, lúc này chúng có muốn lấy cũng không lấy được, chỉ còn cái tay nải bà ngoại khâu cho cùng cái bát mẻ dùng để xin ăn thôi, đương nhiên phải cầm theo rồi.
Chúng đợi thời gian không sai biệt lắm, ước chừng lão Ngô đã ngủ say, liền rón ra rón rén đi xuống dưới lầu, lúc mở then cửa phát ra một tiếng cạch, làm hai đứa nhỏ sợ tới mức lập tức guồng chân bỏ chạy.
Đi đến ngã tư đường, hai đứa nhỏ không biết đi đâu.
Nhà ga, công viên, Diệp Trình nhất định sẽ không chọn, hồi trước bác Tiền từng nói với nó hai chỗ này tụ tập rất nhiều người xấu.
Hai đứa đi rồi lại đi, một hồi liền đến chợ.
Chợ trên thành phố được xây dựng không tồi, tường vách bê tông, mái lợp xi măng, bên trong còn mắc đèn.
Bất quá lúc này đã muộn, trong chợ tối đen như hũ nút, cái gì cũng nhìn không thấy.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn đều đã mệt, liền nắm tay nhau đi vào, vào rồi mới phát hiện cũng không tối đen đáng sợ như nhìn từ bên ngoài, thi thoảng còn có ánh đèn hắt ra từ mấy hộ dân ven đường, chỉ là mùi có hơi khó ngửi.
Lục Minh Viễn không biết tìm được ở đâu hai tấm bìa các-tông, trải ra đất.
Trước nó cũng có một thời gian sống lưu lạc đầu đường, nên chắc là học được từ ai đó.
Hai đứa tìm một góc tương đối sạch sẽ, nằm xuống ngủ.
"Ôi trời đất ơi, làm tôi sợ chết mất, hai đứa nhỏ này từ đâu chui ra vậy?" Hôm sau trời còn chưa sáng, Diệp Trình và Lục Minh Viễn đã bị một tiếng kêu sợ hãi đánh thức.
"Hai đứa là con cái nhà ai, sao lại ngủ ở đây?" Người vừa hỏi là một phụ nữ tóc xoăn trẻ tuổi, giọng vừa cao vừa trong, mặt mũi cũng rất ưa nhìn.
Diệp Trình chỉ nhìn cô, không nói, còn Lục Minh Viễn thì đến liếc cũng lười không thèm liếc cô lấy một cái.
Chỗ tối qua chúng ngủ chính là nơi mấy người bán hàng ăn cất trữ nguyên liệu nấu ăn, xung quanh được quây kín.
Ngủ ở chỗ này rất được, trời mùa hè vào đêm không nóng, mà lại được che chắn, mưa không tới mặt gió chẳng tới đầu.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn đứng dậy, thu dọn đồ định đi, bìa các-tông thì phải bỏ lại, chỉ cầm theo tay nải cùng cái bát mẻ.
Người phụ nữ thấy cái bát mẻ chúng cầm trong tay, đại khái cũng hiểu được, nói, "Ai da, đừng đi vội, cô mời hai đứa ăn sáng."
Nói xong liền quay sang sạp hàng đối diện, hét, "Cho tôi ba bát mì, trong đó hai bát bỏ thêm trứng gà."
"Ah, có ngay." Người bên kia lập tức hồi đáp, không bao lâu sau, đã có một thằng nhóc choai choai bưng ba bát mì nóng hôi hổi sang.
Sáng hôm đó, Diệp Trình và Lục Minh Viễn ăn đến no căng mới đi ra khỏi khu chợ.
Sạp mì ấy nấu vừa ngon lại vừa nhiều, người phụ nữ kia còn san phần của mình vào bát hai đứa nhỏ, ăn đến hai đứa suýt thì không thở được.
"Cái cô kia tốt nhỉ." Diệp Trình cảm thán.
"Tối nay chúng ta lại về đấy nhé?" Lục Minh Viễn hỏi.
"Không được, chúng ta đang đi trốn mà, không thể ở mãi một chỗ được." Diệp Trình nói.
"Vậy được." Lục Minh Viễn có chút rầu rĩ đáp.
- ---------------------------------------------------------------------
"Ai thèm nhà lớn chứ?" Lục Minh Viễn gấp không chịu được, nói chuyện đều hận không thể rống lên thật to.
Đúng lúc này Diệp Trình mang bánh thịt về, nó trông thấy liền chạy lại đạp cho Diệp Trình một cước, "Sau này tui mua nhà cho cậu ở! Không cho cậu lấy Hoan Hoan!".
Bình luận truyện