Diệp Trình

Chương 18: Chương 18




Sáng hôm sau, Thái Kim Chi từ sớm tinh mơ đã tới tiểu viện của Diệp Trình giúp hai đứa sửa soạn hành trang, máy kéo đầu tiên chạy vào núi khởi hành lúc chín giờ, thế nên bọn họ vẫn còn rất nhiều thời gian.
Lúc Diệp Trình dậy đánh răng phát hiện đầu nhà có hai cái săm máy kéo thì hỏi bà ngoại, "Mấy cái này từ đâu ra vậy ạ?"
"Mi nói mấy cái săm xe kia à? Còn không phải cậu mi, lần trước bà cầm mấy đôi giày hỏng sang cho mi sửa, lúc đem về nó với mợ mi ngồi nhìn cả buổi, sau đó cảm thấy mi sửa rất tốt, hôm qua nghe bà nói mi muốn tới Thập Bát Lĩnh, buổi tối nó liền ra ngoài đến tận nửa đêm mới về, sáng ra thì đưa hai cái săm này cho bà, kêu bà mang qua cho mi đấy.
Cậu mi chỉ được cái xấu miệng, thường ngày nói năng không kiêng nể gì thôi, chứ tâm địa tốt lắm.

Mi cứ nhớ kỹ những gì nó làm là được, chứ nó mà mắng chửi người á, đến ta còn nghe không nổi ấy, biết chưa?"
"Vâng." Diệp Trình gật đầu, đánh răng xong thì đem hai cái săm xe bỏ vào trong thùng sau xe đạp.
Lát sau Lục Minh Viễn cũng dậy, cầm lấy cái bàn chải Diệp Trình vừa mới dùng, bóp ít kem đánh răng ra, đứng cạnh vòi nước đánh răng.

Trước giờ nó thấy Thái Kim Chi chẳng chào hỏi lần nào, Thái Kim Chi cũng chẳng buồn để ý tới nó, chỉ tiếp tục lải nhà lải nhải với Diệp Trình.
Bà chuẩn bị ít dưa muối, thịt khô cho tụi Diệp Trình, còn dùng một cái túi nilon gói mấy cân gạo, cùng một cà men to cho hai đứa mang theo, "Nhớ bà dặn này, vào ở nhà người ta thì phải biết khách khí, đồ ăn với gạo đều phải tự mang theo, bao giờ người ta nấu cơm thì lấy ra nhờ họ nấu hộ cho, đừng ăn không uống không của người ta."
"Diệp Trình ơi, hai đứa đã xong chưa?" Lúc này mới chưa đến tám rưỡi, A Thanh đã đến trước cửa viện gọi.
"Sắp rồi, ra liền đây." Thái Kim Chi vội vàng thưa, sau đó nhanh nhanh chóng chóng gói ghém đồ đạc, dẫn tụi Diệp Trình ra cửa, "A Thanh, hai đứa nhỏ này phải làm phiền đến cô rồi, cô trông chừng tụi nó giúp tôi nhé."
"Ui trời, Diệp Trình nhà thím mà còn phải cần cháu trông chừng nữa à? Ô tô xe lửa đều đi cả rồi, Thập Bát Lĩnh có là cái gì đâu, đúng không Diệp Trình?" A Thanh nói.
"Cô nói gì thế chứ, chỉ từng đi ô tô xe lửa thôi mà, có phải lên được trời rồi đâu." Thái Kim Chi đáp lời.
"Ờ đúng là không thể thật, muốn lên trời phải ngồi máy bay cơ." A Thanh cười hì hì nói.
"Cái cô này." Thái Kim Chi cũng cười theo, "Hai đứa đi đường cẩn thận nhé, bà không đi theo được, bên chỗ Thủ Vạn còn mấy việc phải làm."
"Yên tâm đi thím Kim Chi, cháu ngoại cưng của thím không chạy mất được đâu, mấy ngày nữa sẽ dẫn về nguyên vẹn cho thím."
A Thanh nói xong thì dẫn tụi Diệp Trình ra cổng thôn, đi dọc theo đường ra quốc lộ, trong đó có một đoạn đường đầy sỏi đá, rất khó dắt xe, hai tên nhóc lại còn quá nhỏ, A Thanh liền nhận lấy công việc này.
Bình thường mọi người cũng không thường ra khỏi thôn bằng đường này, phía sau thôn còn một con đường nhỏ khác dẫn ra quốc lộ, bất quá đường đó toàn bậc thang, xe đạp không thể đi được.

Đợi ra đến đường cái thì vẫn còn khá sớm, bọn họ ngồi dưới tán cây đợi một lúc lâu máy kéo mới xuất hiện, lên xe rồi mới biết đã chật cứng người, bọn họ có ba người, còn nhét thêm một chiếc xe đạp, khiến cho máy kéo càng thêm chật ních.
Có mấy người đàn ông đứng phía ngoài, chân gần như rơi khỏi sàn xe, cả người đều lơ lửng bên ngoài, tay phải bám lên nóc mới giữ được thăng bằng.

Bất quá được cái lái xe miền núi lớn gan, ngày nào cũng đi bảy tám chặng đường núi, thành ra kỹ thuật khá tốt, một xe đầy chật người cứ thế xình xịch xình xịch chạy vào trong núi.
Xe càng chạy, người trên xe càng vơi bớt, lúc đến Thập Bát Lĩnh thì chỉ còn lại có vài người.

Đoàn người Diệp Trình xuống khỏi máy kéo, tiếp tục đi sâu vào trong núi.
Phong cảnh ở Thập Bát Lĩnh không tồi, nghe nói mấy năm trước nơi này còn định khai phá thành khu du lịch, nhưng sau lại vì giao thông không thuận tiện hay sao đó mà cuối cùng vẫn không có động tĩnh gì.

Nơi đoàn người Diệp Trình xuống xe là ở lưng chừng một ngọn núi, xuống xe đi thêm vài bước thì đến một thôn nhỏ.

Thôn này thoạt nhìn cực kỳ trống trái, một bên có khe suối chảy qua, trên khe là một đập nước khá lớn, vài người phụ nữ đang đứng bên đập giặt đồ.
Nhà mẹ đẻ A Thanh ở ngay trong thôn này, cô vừa xuống xe đã có rất nhiều người tiến lên chào hỏi, một đường cười cười nói nói tiến vào thôn, Diệp Trình và Lục Minh Viễn đi theo phía sau.

Người miền núi luôn rất nhiệt tình, mẹ của A Thanh hỏi cũng không hỏi tụi Diệp Trình tới đây làm gì, vừa thấy đã kéo hai đứa vào nhà, còn bảo luộc trứng gà cho tụi nó ăn.
"Mẹ, mẹ đừng luộc vội, hai đứa nó đến đây còn có việc đấy." A Thanh cười nói.
"Làm việc gì mà không thể ăn nổi hai quả trứng gà chứ?" Bà nói thế xong thì nhanh nhẹn kéo ổ trứng lại gần.
"Mẹ, mẹ có biết hai đứa nó tới đây làm gì không?"
"Ta làm sao mà biết được?" Mẹ A Thanh nhìn nhìn Diệp Trình và Lục Minh Viễn, hai đứa nhóc nhỏ thế này, không đến thăm người thân thì còn có thể là vì việc gì nữa chứ?
"Sửa giày." Lục Minh Viễn thực nghiêm trang nói.
"Cái gì? Sửa giày á?" Ông lão nãy giờ vẫn ngồi yên bên cạnh không nói chuyện đột nhiên lên tiếng, hẳn là cha của A Thanh.

"Ba mẹ không biết đấy thôi, tay nghề của hai tên nhóc này tốt nhất thôn bọn con đấy, thậm chí sư phụ trấn trên cũng chưa chắc sửa được đẹp như tụi nó ấy." A Thanh vội vàng tâng bốc tụi Diệp Trình.
"Mi đừng có mà thổi phồng nữa đi.

Với lại thôn bọn mi là thôn nào, hả?" Đều nói con gái gả ra ngoài như bát nước đổ đi, nhưng mà cha A Thanh rõ ràng vẫn chẳng thích nghe mấy câu này chút nào.
"Heheh, là thôn nhà Đại Cường." A Thanh vội vàng sửa miệng.
"Đừng để ý đến lão già ấy làm gì, con gái gả vào nhà người ta rồi, thì chả thành người nhà đó thì sao?" Mẹ A Thanh nhìn không vừa mắt, nói, "Lại nói, hai tên nhóc này biết sửa giày thật à?"
"Thật mà, trong nhà có đôi giày hỏng nào không? Ba mẹ nhìn tận mắt là hiểu ngay ấy mà."
"Có thì cũng có, cái đôi giày nhung lần trước con mua cho mẹ ấy, mẹ đi vừa chân lắm, mỗi tội lần trước giặt xong cất vào tủ lại bị mọt gặm, hại mẹ đau lòng gần chết." Mẹ của A Thanh nhăn mặt nói, như thể bây giờ nhắc lại vẫn còn cảm thấy đau lòng vậy.
"Đâu, bị gặm như thế nào?" A Thanh hỏi.
"Cả hai chiếc đều bị gặm, con xem, mặt giày đều bị gặm thành như vậy.

Mấy bữa trước mẹ cầm lên trấn trên, đem vào tiệm sửa giày xem thử, nhưng là chỉ nhà đó màu không giống, nên không nhận sửa, với lại quần áo còn vá được chứ mặt giày thì vá thế nào."
"Sao lại thế? Mẹ không để băng phiến trong tủ à, thế thì làm gì còn được bộ quần áo lành lặn nào?"
"Haizz, già rồi lẩn thẩn vậy đấy, quần áo cũng bị cắn rách mất hai bộ, cơ mà toàn quần áo cũ nên không sao, chỉ tiếc mỗi đôi giày này thôi."
"Diệp Trình, giày này còn sửa được không?" A Thanh cũng không quá nắm chắc hỏi, dù mọi người trong thôn đều bảo tay nghề hai tên nhóc này tốt lắm, nhưng mà trông thảm trạng của đôi giày này, muốn sửa được chắc chắn không dễ.
"Sửa được." Diệp Trình gật đầu tiếp nhận đôi giày.

Giày này ngoài mấy lỗ nhỏ trên mặt thì không còn vấn đề gì khác, lót vải đen xuống dưới rồi vá lại là được.
"Sửa được thật à?" Mẹ A Thanh vẫn không yên tâm lắm, sợ hai đứa nhóc này đụng vào lại làm giày hỏng nặng thêm, dù sao đôi giày này bà vẫn tiếc lắm, chưa muốn vứt đi đâu.
"Nó nói sửa được là sửa được, mẹ cứ yên tâm đi, thằng nhóc này không nói bừa đâu." A Thanh nghe Diệp Trình nói vậy thì vội vàng dắt xe ra đầu nhà, giúp Diệp Trình dỡ thùng đồ ở yên sau xuống, nắp thùng vừa mở, liền có vẻ chuyên nghiệp hơn hẳn, chỉ nói riêng chỉ thôi, đã có vài loại rồi, nào như thợ sửa giày trong thôn bọn họ, chỉ dùng mỗi chỉ trắng thôi.

Diệp Trình đầu tiên là nhờ người nhà A Thanh tìm giúp một miếng vải đen, màu càng gần với màu giày càng tốt, sau đó nó dựa theo hình dạng chiếc giầy cắt lấy một mảnh.

Về phần Lục Minh Viễn, nó đã xỏ xong chỉ đen vào máy khâu, chờ sẵn một bên rồi.

Khi Diệp Trình đưa giày và miếng vải qua, nó đưa tay tiếp nhận, đặt dưới máy khâu khâu thành từng vòng từng vòng chỉ.
Khâu kín cả mặt giày như này, thực giống hồi trước những lúc không có khách, Diệp Trình và Lục Minh Viễn luyện cách sử dụng máy khâu vậy.

Lão Ngô nói cứ luyện như thế đi, chỗ nào cũng khâu qua rồi thì sau này có gặp vị trí khó thế nào đi nữa cũng vẫn khâu được.
Mặt giày màu đen, miếng vải lót bên trong màu đen, chỉ dùng để khâu cũng màu đen nốt, lại phải khâu thành từng vòng từng vòng một, mắt cứ phải căng ra hết cỡ.

Lục Minh Viễn vất vả lắm mới khâu xong một chiếc, ngẩng đầu lên dụi mắt, chắc đã cay xè rồi, Diệp Trình kéo nó đứng lên, sau đó ngồi xuống sửa chiếc còn lại.
Mà lúc này, người vây xem càng lúc càng nhiều, có mấy bà mấy cô đã lớn tuổi, cầm chiếc giày đã khâu xong lên, chuyền tay nhau xem.
"Ui chao, nhìn đường may này mà xem, thằng nhỏ này giỏi thật đấy!"
"Tôi đứng xem thôi mà cũng thấy hoa cả mắt, sao mà mắt hai đứa nhỏ này tốt thế chứ, khâu thành từng vòng không lẫn tí nào."
"Tụi nó theo học một vị sư phụ trên thành phố đấy, thôn bọn tôi nhiều người đem giày tới cho tụi nó sửa lắm, ai cũng kêu sửa rất tốt." A Thanh lại bắt đầu thôn bọn tôi rồi, bất quá lần này cha cô không ca cẩm gì, chỉ ngồi thẳng người trên ghế dựa cạnh Diệp Trình, nhìn nó đưa từng đường từng đường chỉ.
"Hai đứa nhỏ này con cái nhà ai mà giỏi thế?" Có người nhịn không được hỏi.
"Diệp Trình thì chắc bác biết rồi đúng không? Chính là thằng nhỏ ba mẹ nghe nói đều chết vì Si-đa đấy." Có người đáp.
"Suỵt, mấy cái người này, nói cái gì thế hả."
"Thế cái thằng nhóc vừa ngồi khâu giày thì sao? Chưa trông thấy bao giờ."
"Nó được Diệp Trình dẫn từ thành phố về đấy, nghe nói cũng bị ba mẹ vứt bỏ."
"Mấy đứa nhỏ giỏi giang thế này, mà sao mệnh đều khổ thế chứ...."
Trong lúc đám người thì thầm to nhỏ, Diệp Trình cũng đã sửa xong nốt chiếc giày còn lại.

Mấy thím mấy bác ở đây cầm hai chiếc lên so với nhau, quả thực không nhìn ra được chỗ nào khác biệt, nếu không nói thì chẳng ai biết hai chiếc giày này lại do hai người khác nhau sửa hết.

"Hắc, con nói xem, sư phụ giỏi thế nào mới dạy ra được hai đồ đệ thế này chứ." Mẹ của A Thanh thực sự rất vui, lập tức đem giày xỏ thử vào chân, "Đi thoải mái lắm, không đau chân chút nào, bên trong lót vải bông đi còn êm hơn hồi trước nữa ấy."
"Mà chỉ thêu thành từng vòng bên trên cũng rất đẹp." Một người phụ nữ đứng cạnh đó cũng nói.
"Đôi giày này sửa cũng mất công thật, hết bao nhiêu tiền thế?" Cha của A Thanh hỏi.
"Một đồng." Lục Minh Viễn đáp.
"Ui ui sao thế được, mất nhiều công sức lắm mà." Mẹ A Thanh nói.
"Bà ngoại cháu bảo không được lấy tiền của nhà cô A Thanh." Diệp Trình vội nói, Thái Kim Chi đã dặn đi dặn lại là mấy bữa này hai đứa nó nhờ cậy nhà A Thanh, nên nếu có sửa giày thì tuyệt đối không được lấy tiền.
"Đứa nhỏ ngốc này, bà sao có thể để mi phải nhọc công vô ích chứ?" Mẹ A Thanh nói xong liền lấy tiền ra trả, không quan tâm Diệp Trình nói thế nào, không muốn cầm cũng phải cầm.
Sau đó, người đến tìm tụi Diệp Trình nhờ sửa giày dần nhiều lên, người dân miền núi tiết kiệm, giày có rách cũng không nỡ vứt, cứ cất sang một bên.

Thế nên lúc này, một người có khi còn mang tận vài đôi tới sửa, phần lớn là giày vải hoặc giày giải phóng, giày da rất ít, gần như không có.
Một đôi giày sửa hết từ ba đến năm mao tiền, nếu đôi nào phải sửa nhiều, giống như đôi giày giải phóng của Đại Cường mấy bữa trước, hay như đôi của mẹ A Thanh, thì mất một đồng.
Đến trưa lúc nhà A Thanh nấu cơm, Diệp Trình lấy gạo mình mang theo ra, cùng một ít thịt khô, dưa muối, nhờ mẹ A Thanh nấu giúp.

Kết quả lúc ăn cơm lại phát hiện trong cà men nhiều lên hai quả trứng chần nước sôi vàng óng, Diệp Trình thấy được trong lòng càng thêm khó chịu, càng cảm thấy lấy tiền sửa giày của nhà họ là không nên, nhưng mà bây giờ có muốn trả lại cũng không được nữa.
Hai đứa nhỏ an vị trong tiểu viện ôm một cặp lồng cơm thật lớn ăn chung, vẫn như trước đây, một đứa dùng hộp, một đứa dùng nắp hộp.
Sau đó suốt buổi chiều Diệp Trình và Lục Minh Viễn đều bận luôn tay luôn chân, phải thay phiên nhau mà làm, chủ yếu là vì sửa giày khá mệt, cúi đầu lâu mỏi cổ, mắt cũng cay xè, không đổi không được.

Đợi đến khi mặt trời khuất núi, hai đứa mới sửa xong hết mấy đôi giày khách mang tới.
Trong nhà A Thanh có phòng trống, mẹ A Thanh thay cho chúng nó một bộ chăn ga sạch, nhưng không để chúng đi ngủ sớm.

Ăn cơm chiều xong, phần đông người trong thôn đều tụ tập ngoài đình hóng mát, từng hàng ghế xếp ngay ngắn, bên cạnh đốt hương muỗi, rất có không khí lửa trại, người già trẻ nhỏ tụ lại từng nhóm nói nói cười cười, hoặc chơi đoán chữ, hoặc kể chuyện xưa, rất thú vị.
- --------------------------------------------------------------------------
Buổi tối lúc đi tắm, Diệp Trình phát hiện trên tay Lục Minh Viễn nổi lên hai bọng nước lớn, trong tay nó cũng nổi bọng nước, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có lẽ là vì từ trước Diệp Trình đã hay phải làm việc, nên da tay dày hơn một chút, cũng có thể là vì hôm nay nó nói chuyện với khách nhiều, làm lại ít hơn một ít..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện