Chương 12: Chương 12
Đô Thị Lương Nhân Hành
Tác Giả: Vũ Nham
Chương 12: Tiềm uyên (2)...
Dịch: Thiên Địa Nhân
Nguồn: Sưu Tầm
Diệp Tử nói:
- Chị Niệm Hân nói chị ấy thi cũng không đến nỗi nào. Cha mẹ chị đón chị ấy với ông nội và bà nội về Thiên Kinh. Họ mới đi mấy ngày trước.
Trong lòng Vũ Ngôn dâng lên nỗi chua xót không tên:
- Thiên Kinh ư? Mình vừa rời khỏi đó thì cô ấy lại đến. Có lẽ thế giới này thực sự có cái gọi là ý trời.
Diệp Tử nói tiếp:
- Chị Niệm Hân để mấy quyển sách giáo khỏa của chị ấy lại, bảo rằng nếu anh tiếp tục đi học thì chúng sẽ giúp ích cho anh.
Khóe miệng Vũ Ngôn hiện lên một nụ cười nhàn nhạt như một chiếc lá của mùa xuân nhưng lại nhẹ nhàng rơi xuống giữa mùa thu tiêu điều, lại vương vất chút ưu thương khó tả. Hắn vuốt vuốt mái tóc của cô em gái, gật gật đầu rồi đi ra cửa.
Từ xa, Vũ Ngôn đã thấy được căn nhà gỗ quen thuộc ấy, hắn giờ không nén nổi niềm vui sướng trong lòng, thân thể lao tới như bay, trong nháy mắt đã tới trước cửa. Vũ Ngôn đẩy cửa đi vào rồi kích động gọi một tiếng:
- Sư phụ ―
Lão nhân ngồi trên ghế, khuôn mặt trải qua nhiều bể dâu hiện ra nụ cười hiền lành, nhìn Vũ Ngôn cười gật đầu nói:
- Trở về là tốt rồi!
Vũ Ngôn như một đứa trẻ chịu oan ức nhào tới trước mặt lão nhân khóc lớn. Lão nhân cũng không ngăn cản hắn mà để mặc hắn mặc sức phát tiết. Đợi khi Vũ Ngôn thôi khóc, lão mới mở miệng nói:
- Tiểu Ngôn, con đứng lên!
Vũ Ngôn đứng dậy. Lão nhân quan sát tên đệ tử của mình. Trải qua một hành trình ba năm rèn luyện trong quân ngũ nhưng nhìn hắn lại không thấy vẻ thô lỗ mà dáng người trở nên cao lớn nho nhã, khuôn mặt tuấn lãng thanh dật, ánh mắt ngưng thần trong suốt như thiên trì, toàn thân tựa như một cây tùng trong khu rừng, thân thiết tự nhiên hòa vào trong trời đất, còn nữa, khóe miệng ẩn một nụ cười trông xấu xa như có như không kia lại càng tăng thêm mị lực và thần bí của hắn. Hai khi chất hoàn toàn khác biệt cùng hiển hiện trên người đồ đệ mình. Lão nhân mặc dù hoài nghi nhưng thấy đệ tử xuất sắc như thế cũng khiến lão an lòng.
Vũ Ngôn thấy những nếp nhăn dày đặc trên trán sư phụ cùng với gương mặt già nua ấy mà trong lòng đau xót. Ngẫm lại mình là một cô nhi, nếu không phải lúc năm tuổi gặp sư phụ thì giờ không biết bản thân đang lưu lạc nơi nào rồi, lòng cảm kích của hắn đối với sư phụ không lời nào có thể diễn tả được.
Lão nhân mỉm cười nói:
- Tiểu Ngôn, con có thành tựu ngày hôm nay làm thầy rất vui mừng.
Dừng một chút, lão nói tiếp:
- Con có biết thầy vì sao để con tòng quân không?
Vũ Ngôn lắc đầu.
Lão nhân nói:
- Tục ngữ nói, tam tuế khán đáo lão (1), khi con năm tuổi đã là một cô nhi, lo cho mình còn không nổi nhưng con lại có thể thu nhận và giúp đỡ cô nhỉ kia, rồi quan tâm cho nó, chiếu cố cho nó. Đây là phẩm tính của một con người. Thu con làm đồ đệ cũng niềm kiêu ngạo của thầy. Trước khi con mười năm tuổi thầy đã từng nghĩ để con trở thành một nhân tài có kiến thức uyên bác, cho nên thầy đã cho con học tứ thư ngũ kinh, học đạo của Khổng Mạnh, học thi nhã lễ tụng, học cầm kỳ thư họa. Tất cả những cái đó là gốc rể tu thân. Văn hóa truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc chúng ta mặc dù không ít thứ trong thời đại này có thể được coi là không hợp nhưng đa số những cái đó đều là tinh hoa của dân tộc ta. Nếu vứt bỏ tất cả thì thật đáng tiếc.
Vũ Ngôn gật đầu, trong lòng đã hiểu tất cả, sau lại nghe lão nhân nói tiếp:
- Con có thể dụng tâm để học, học những tinh hoa của dân tộc chúng ta làm thầy rất cao hứng.
Lão nhân nói tới đây liền thoáng cười:
- Và tất nhiên học tập như vậy có thể giúp con tu thân dưỡng tính nhưng lại dễ khiến cho người ta trở nên yếu đuối, làm việc thiếu mất sự quyết đoán dứt khoát. Cho nên sau khi con thi lên trung học thầy đã cho con tạm nghỉ rồi để Thiên Nguyên đưa con vào môi trường quân đội, đi mài luyện tính cách và ý chí của con, để con trở thành một người có thể làm được mọi việc và cũng là một người dám làm mọi việc. Thầy năm nay đã hơn trăm tuổi rồi, thời gian còn lại của thầy cũng không còn nhiều nữa. Mấy năm này, những chuyện của con Thiên Nguyên cũng kể cho thầy một số. Thầy đưa con vào trong mưa boom bão đạn, hy vọng con không trách sư phụ.
Nước mắt Vũ Ngôn đã vương đầy mặt, vừa khóc hắn vừa lắc đầu nói:
- Sư phụ, không đâu, người sẽ không chết đâu. Không có sư phụ sẽ không có con ngày hôm này.
Lão nhân cười hòa ái nói:
- Con đã mười tám tuổi rồi. Sinh ly tử biệt cũng đã trải qua không ít nhưng sao vẫn khóc như vậy. Về sau không được như một đứa trẻ nữa.
Vũ Ngôn lau khô nước mắt, xấu hổ cười.
Lão nhân lại nói:
- Phải nhớ kỹ, phàm là những việc thuận theo ý trời, thuận theo lòng người thì không thể cưỡng cầu.
Vũ Ngôn suy nghĩ về lời nói của sư phụ, rồi thưa:
- Sư phụ, nếu có một số việc con cưỡng cầu và đã có kết quả thì đó không được tính là ý trời.
Lão nhân thoáng phút sửng sốt rồi đột nhiên cười ha ha nói:
- Hảo tiểu tử, đúng là một tên thích vặn người khác. Vậy mọi sự con cứ cố gắng, nếu có thể cưỡng cầu mà có kết quả tốt thì đó được coi là ý trời.
Hai người nói chuyện với nhau, Vũ Ngôn nhớ tới còn có một chuyện quan trọng nhất còn chưa nói cho sư phụ. Hắn vội vàng mang chuyện trong thạch động ra, tất cả nói hết cho sư phụ. Lão nhân càng nghe càng giật mình, tới khi nghe nói có di huấn của tổ sư liền vội vàng quỳ xuống nhận lấy tấm vải trắng bằng tơ tằm trong tay Vũ Ngôn, giơ lên cao quá đỉnh đầu rồi đặt nó lên trên bàn, vái vài vái, miệng hô to:
- Đệ tử đời thứ mười bốn của Vân môn Bạch Nhất Xuyên cùng đệ tử đời thứ mười năm Vũ Ngôn xin lắng nghe di huấn của tổ sư.
Vũ Ngôn thấy sư phụ như vậy cũng ngoan ngoãn quỳ xuống với người lạy chín lần, làm một đại lễ.
Bạch Nhất Xuyên xem xong di huấn của tổ sư, những giọt nước mắt già nua lăn dài trên hai má, nói lớn:
- Tổ sư phù hộ, chí bảo của Vân môn ta cuối cùng cũng đã trở về.
Lại xá dài thêm lần nữa. Đối với Thúy Ngọc Mặc trúc Bạch Nhất Xuyên cũng chỉ nghe nói qua, giờ thấy Vũ Ngôn đã tu thành tầng thứ sáu Thiên Tâm quyết thì thoải mái cười lớn.
Vũ Ngôn còn nói chuyện của Ma môn cho lão nghe, Bạch Nhất Xuyên mỉm cười nói:
- Ma chỉ là một đạo. Cái quyết định là ở lòng người. Chỉ cần làm việc đoan chính thì còn phân ra làm thần ma gì nữa.
Đối với việc Vũ Ngôn hắn bái Ma tôn Cái Thiên làm sư phụ thì Bạch Nhất Xuyên cũng không hề trách cứ mà ngược lại lại rất tán thưởng, khen hắn không làm ra vẻ, khen hắn không bảo thủ. Và những viên dạ minh châu này giờ thực không có biện pháp xử lý tốt nên chỉ có thể đợi khi tới lúc cần thì mới đem ra dùng.
Vũ Ngôn cũng không nói nguyên nhân mình xuất ngũ và lão nhân cũng không có hỏi hắn, chỉ nói một cách đầy thâm ý rằng:
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Làm việc gì chỉ cần hết sức, không thẹn với lương tâm là được.
Thầy trò hai người ngồi nói chuyện với nhau. Bạch Nhất Xuyên thấy công lực cao cường của Vũ Ngôn liền cười vui vẻ. Vũ Ngôn về nhà thấy Diệp Tử đã làm xong mấy móm ngon. Hắn lấy ra một chai rượu Mao Đài mang từ trong quân về. Già trẻ hai người cứ thế thoải mái uống.
Bạch Nhất Xuyên đã hơn trăm tuổi, nhưng kể ra thì hôm nay là ngày ông vui vẻ nhất nên khó tránh khỏi uống nhiều hơn mấy chén. Uống xong ông nằm trên ghế ngủ luôn. Vũ Ngôn thấy thế vội đỡ thầy lên giường nằm xuống.
Vũ Ngôn nằm trên giường mình lăn qua lăn lại những vẫn không ngủ được, trước mắt hiện lên hình bóng của nữ hài tử kia nên đành phải xoay người ngồi dậy. Thoáng chốc suy nghĩ, hắn nhẹ nhàng nhảy xuống lầu, thi triển thân pháp như một làn khói nhẹ trôi đi trong bóng đêm.
Vẫn là căn nhà nhỏ quen thuộc của ba năm trước, vẫn cửa sổ quen thuộc kia nhưng ở đó giờ đã không còn nữ hài tử ngồi nghe hắn thổi sáo nữa. Trong lòng Vũ Ngôn dâng lên một cảm giác mất mát khi cảnh còn nhưng người thì đã xa.
Lúc hắn mười hai tuổi đã biết Hứa Niệm Hân. Khi đó cô ấy vừa tới nơi này, sống trong một căn nhà sàn dưới chân núi. Khi Vũ Ngôn chú ý tới cô thì lúc đó cô ấy vừa mới lên núi bắt được hai con bướm xinh đẹp. Vũ Ngôn còn kể cho cô câu chuyện vể điệp song phi, trong truyền thuyết hai con bướm là một đôi tình nhân nhưng do kiếp trước không thể đến được với nhau mà biến thành, nếu người nào được bọn họ chúc phúc thì nhất định có thể toại nguyện trong tình cảm và sẽ được hạnh phúc cả đời.
Dáng vẻ cầu nguyện rất thành kính của Hứa Niệm Hân lúc nhỏ đã khắc sâu trong lòng Vũ Ngôn. Khi Hứa Niệm Hân thả hai con bướm bay đi, báo đáp lại điều đó hắn đã tặng cô một bó hoa đỗ quyên đỏ thắm, vì cô bé đi hái củ ấu tươi trong hồ, dạy cô hái lá thổi kèn.
Thời gian dần trôi, hai người cũng lớn dần lên, từng có lần dưới ánh trăng, Vũ Ngôn ở dưới nhà của cô bé thổi một khúc sáo rồi nhìn cái bóng của cô ôm má lắng nghe. Sau khi vào bộ đội, hai người vẫn duy trì gửi thư cho nhau. Chỉ là lớn dần, lại mỗi người một nơi nên cái cảm giác mông lung này dường như cũng dần phai nhạt đi.
Mười tám tuổi nhưng Vũ Ngôn rất hoài niệm những ngày khi mình mười bốn mười năm tuổi, cái tuổi của mông lung với những cảm xúc tâm tình tựa như một tách cà phê đắng cho đường, một cảm giác hỗn độn nhưng mang hương vị ngọt ngào.
Vũ Ngôn tới thăm lại chốn xưa, tới nơi hắn chỉ cảm thấy giật mình như vừa tỉnh lại từ một giấc mộng, đang định tìm cây sáo thổi thì chợt nhớ cây sao ấy đã tặng cho nữ hài tử kia. Vũ Ngôn cũng không nghĩ tới chuyện hỏi thăm tung tích của cô, đối với những chuyện của tuổi mười bốn mười lăm ấy, có lẽ hồi ức mới là hoài niệm tốt nhất.
- Em ở trên cầu ngắm phong cảnh, người ngắm phong cảnh trên lầu nhìn em. Ánh trăng sáng là vật trang trí cho cửa sổ của em. Em làm đẹp giấc mộng của người.
Vũ Ngôn nhẹ nhàng đọc, đứng phía trước cửa sổ cười ảm đạm. Ánh trăng chiếu xuống khuôn mặt trong sáng của hắn. Hắn giống như một cái bóng cô đơn, một mình nhớ lại giâc mộng thủa niên thiếu đã mất kia.
Rạng sáng ngày thứ hai, Vũ Ngôn đi tới trước giường sư phụ thấy người vẫn còn đang ngủ, trong lòng lấy làm kỳ quái. Nhìn kỹ lại một lần nữa, sắc mặt lão nhân đã trắng bệch, hô hấp đã mất. Không ngờ người đã ra đi. Vũ Ngôn gào to một tiếng:
- Sư phụ ―
Rồi bổ nhào tới và cũng quên mất lời dạy của người. Nước mắt lăn dài. Lão nhân đã trăm tuổi, hôm qua tinh thần hưng phấn tới cực độ, lại uống chút rượu rồi ngủ bất tỉnh, cuối cùng đi vào cõi tiên.
Sự ra đi của sư phụ có ảnh hưởng rất lớn đối với Vũ Ngôn. Hắn ngồi trước mộ phần lão nhân suốt hai ngày hai đêm và cũng chẳng nói một câu. Diệp Tử thấy dáng vẻ của anh trai cũng vô cùng đau xót. Cô theo bên người hắn, pha trò tìm chuyện nói với hắn, ngay cả đồ mà Số 9 tặng mình là gì cô cũng không ngại xấu hổ nói ra nhưng vẫn thấy ánh mắt hắn ngơ ngác, thất thần, chút phản ứng cũng không có.
Diệp Tử ngủ tới nửa đêm thì nghe thấy bên ngoài truyền đến tiếng đàn nhị du dương. Cô rời giường thấy một cảnh tượng mà suốt đời cô khó quên.
Vũ Ngôn ngồi dưới đất tựa như một gốc cây hòa vào mặt đất, trong mắt bắn ra quang mang khi thì lạnh lẽo như băng khi thì nóng bỏng như lửa, cây đàn trong tay lúc thì nhẹ nhàng lúc thì chậm rãi. Tiếng đàn vang lên trong rừng núi trống trải, lúc như cuồng phong bão táp, khi thì nhẹ như nước chảy dưới cây cầu, chốc lại cao vút xao động, lát lại êm dịu động lòng người.
Diệp Tử nhớ lại khi mình ba tuổi đang kiếm chút cơm thừa trong đống rác rồi được anh thu nhận giúp đỡ mình:
- Từ hôm nay trở đi, em chính là em gái của anh.
Một câu vô cùng đơn giản thôi nhưng nó khiến một người cô đơn như Diệp Tử đã có chỗ dựa cả đời.
Dường như cảm nhận được nỗi thống khổ cùng sự cô độc của anh trai, trái tim Diệp Tử đau đớn như bị xé rách, tuyệt đối không thể để anh trai thương tâm. Diệp Tử trang trọng tự hứa với chính mình. Thấy bờ môi của Vũ Ngôn khẽ vẽ lên một đường cong ưu mỹ, Diệp Tử cảm giác thấy hình bóng vương vấn trong giấc mộng của mình bỗng chồng lên người trước mắt, cô cất tiếng gọi khẽ:
- Ngôn ca!
Nhất thời những giọt nước mắt của cô tuôn xuống như mưa.
Mất đi chiến hữu, bị ép xuất ngũ, giấc mộng thất lạc, sư phụ ra đi. Trong một thời gian ngắn nhưng đã xảy ra rất nhiều chuyện, mà mỗi một chuyện đều khiến hắn khó có thể buông. Vũ Ngôn vẫn chỉ là một người mới có mười tám tuổi nhưng bất chợt phải đối mặt với nhiều đả kích như thế này, mặc dù có thể khiến hắn nhanh trưởng thành hơn những cũng khiến hắn phải chịu nhiều áp lực hơn.
Trong buổi đêm yên tĩnh này, hắn buông thả bản thân, mặc cho dây đàn giải bày hết những tình cảm chân thực nhất của mình. Hắn hoàn toàn dung nhập vào âm nhạc, phát tiết tất cả cảm tình thông qua cây đàn nhị trong tay. Một khúc nhạc tấu xong, toàn thân hắn như ra một tầng mồ hôi lạnh, lỗ chân lông mở hết cỡ, thoải mái vô cùng. Hắn đứng dậy phất tay với Diệp Tử vẫn đang ngơ ngác đứng rồi lại nở một nụ cười như ánh mặt trời với cô.
(1) Tam tuế khán đáo lão: Đây tuy chỉ là một ngạn ngữ trong dân gian nhưng ý ẩn trong đó lại vô cùng sâu sắc. Ý của nó muốn nói, những người trẻ tuổi nhưng đã làm cha làm mẹ phải coi trọng giai đoạn khi trẻ đến ba tuổi,vì đó là thời kỳ giáo dục tốt nhất để con trẻ khi vẫn ở trong giai đoạn "nhân chi sơ" này nhận thức được những điều hay, giúp trẻ khỏe mạnh vui vẻ và có tính cách tốt đẹp.
Bình luận truyện