Đời Kỹ Nữ

Chương 16: Chương 09 part 1




Vào dịp lễ sinh nhật thứ 65 của tôi, một người gởi đến cho tôi một bài báo mà bà ta đã tìm thấy ở đâu đó, bài báo có nhan đề “Hai mươi nàng geisha vĩ đại nhất trước đây ở Gion”. Hay có lẽ là ba mươi nàng geisha gì đấy, tôi không nhớ rõ. Nhưng tôi có tên trong danh sách đó với một dòng ngắn viết về tôi, trong đó cho rằng tôi sinh ra ở Kyoto – dĩ nhiên điểm này là sai. Tôi còn xin cam đoan với anh rằng tôi không phải là một người trong số hai mươi geisha vĩ đại nhất nữa, có người sai lầm giữa cái vĩ đại với cái họ nghe nói đến. Nhưng dù sao, nếu ông Tanaka không viết thư báo cho tôi biết bố mẹ tôi đã mất và có lẽ không bao giờ tôi gặp lại chị tôi nữa, thì chắc tôi đã may mắn không trở thành nàng geisha không có gì đáng hãnh diện vì nàng là nàng geisha không được hạnh phúc.
Chắc anh còn nhớ có lần tôi đã nói với anh rằng khi tôi gặp ông Tanaka lần đầu là buổi chiều tuyệt nhất của đời tôi, mà cũng là buổi chiều tệ hại nhất. Có lẽ không cần giải thích tại sao lại là một buổi chiều tệ hại nhất, nhưng chắc anh thắc mắc tại sao tôi có thể nghĩ rằng đã có điều tuyệt vời xảy đến. Quả đúng là cho đến khi ấy, ông Tanaka chỉ mang lại cho đời tôi đau khổ mà thôi, thế nhưng ông ta đã làm thay đổi chân trời của tôi. Chúng ta sống trên đời giống như nước chảy xuống một ngọn đồi, đều chảy theo một hướng cho đến khi chúng ta gặp phải cái gì đấy buộc chúng ta phải rẽ sang một hướng khác. Nếu tôi không gặp ông Tanaka, thì đời tôi chỉ là một dòng nước chảy từ ngôi nhà ngà say cho đến biển. Khi ông ta xô tôi về chỗ xa lạ, ông đã thay đổi tất cả. Nhưng bị đẩy vào thế giới xa lạ không giống hẳn như rời bỏ gia đình của mình. Khi nhận được thư của ông Tanaka, tôi đã sống ở Gion hơn sáu tháng, thế mà trong thời gian ấy, tôi chưa bao giờ từ bỏ lòng tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cuộc sống ở đâu đó tốt đẹp hơn, với người thân yêu trong gia đình. Tôi chỉ sống ở Gion một nửa, còn nửa kia tôi sống trong các giấc mơ sẽ về lại nhà. Cho nên có thể nói những giấc mơ nhiều khi rất nguy hiểm, chúng như ngọn lửa âm ỉ, và nhiều khi thiêu rụi hoàn toàn chúng ta.
Suốt những ngày còn lại của mùa xuân, và cả mùa hè sau ngày tôi nhận được bức thư, tôi thấy mình như đứa trẻ lạc trong cái hồ bị sương mù bao phủ. Ngày nối ngày trôi qua trong một cảnh vô vị. Tôi chỉ nhớ cái được cái mất, nỗi khổ và lòng lo sợ triền miên ngự trị trong tôi. Khi mùa đông tới, tôi chỉ biết ngồi trong phòng gia nhân để nhìn tuyết rơi lặng lẽ ngòai sân. Tôi tưởng tượng ra cảnh bố tôi ho nơi chiếc bàn đơn độc trong ngôi nhà lạnh lẽo của chúng tôi, và mẹ tôi quá gầy trên chiếc nệm đến nỗi thân hình của bà không làm cho chiếc nệm xẹp xuống được tí nào. Tôi đi ra ngòai sân để giải sầu, nhưng sao khó quá.
Rồi mùa xuân lại về. Lúc ấy là tháng tư, hoa anh đào lại nở, chuyện lạ xảy đến đúng một năm sau ngày tôi nhận được thư của ông Tanaka. Tôi đã được 12 tuổi, đã bắt đầu trổ mã, mặc dù Bí Ngô vẫn còn vẻ bé bỏng. Người tôi phát triển theo chiều cao nhiều hơn. Thân hình vẫn còn gầy và thẳng đuột như cái que thêm một hai năm nữa, nhưng mặt tôi đã mất vẻ con nít. Cằm và gò má đã rõ nét trên khuôn mặt nở nang và cặp mắt có hình trái hạnh đào. Trước đây, mỗi khi ra đường , đàn ông không nhìn tôi, nhưng bây giờ mỗi khi tôi đi qua họ, họ đều nhìn tôi.
Không hiểu sao mà vào một buổi sáng sớm tháng tư, tôi thức dậy sau một giấc mơ kỳ lạ nhất, trong giấc mơ tôi đã gặp một người đàn ông có râu. Râu của ông ta rất rậm như thể ông ta muốn che dấu nét mặt của ông ta đi. Ông ta đứng trước mặt tôi, nói cái gì đấy mà tôi không nhớ được, rồi thình lình ông ta kéo cái màn giấy trên cửa sổ bên cạnh ông, làm phát ra một tiếng cạch lớn. Tôi giật mình thức dậy, nghĩ rằng tôi đã nghe có tiếng động trong phòng. Những người giúp việc thở dài trong giấc ngủ. Bí Ngô nằm yên lặng, cái mặt tròn vạnh lún xuống trên gối. Tôi thấy mọi vật không có gì thay đổi nhưng tôi có một cảm giác khác lạ. Tôi cảm thấy như thể tôi chìm vào một thế giới đã thay đổi phần nào so với thế giới mà tôi đã thấy vào đêm trước – nhất là khi nhìn ra ngòai qua chính cái cửa cổ đã được mở ra trong giấc mộng.
Tôi không lý giải được ý nghĩa của hiện tượng này. Sáng hôm ấy tôi cứ nghĩ mãi về giấc mơ đến nỗi đầu óc tôi kêu ù ù như con ong bị nhốt trong cái thẩu. Và rồi chuyện ấy hiện ra trong trí óc tôi, chuyện mà tôi không bao giờ nghĩ đến kể từ khi tôi đặt chân tới Kyoto.

Sau khi chia tay chị tôi vài hôm, vào một buổi chiều, người ta sai tôi đi giặt giẻ lau nhà. Bỗng một con bướm bay đến đậu vào tay tôi, tôi hất nó đi, nghĩ rằng nó sẽ bay di, nhưng thay vì bay đi, nó lại văng ra như hòn đá rồi rớt xuống sân, nằm trên mặt đất. Tôi không biết nó đã chết khi từ trên rơi xuống hay là tôi đã giết nó, nhưng hình ảnh con vật bé nhỏ nằm chết làm tôi xúc động. Tôi ngắm hình hoa văn xinh đẹp trên hai cánh của nó rồi tôi gói nó vào miếng giẻ và giấu nó dưới móng nhà.
Từ đó tôi không nghĩ đến con bướm này nữa, nhưng một hôm tôi nhớ đến nó, tôi đến quỳ xuống nhìn dưới móng nhà tìm nó. Rất nhiều chuyện trong đời tôi đã thay đổi, ngay cả thái độ tôi nhìn đời, nhưng khi tôi mở miếng giẻ gói con bướm ra, nó vẫn còn hình hài một con bướm rất đẹp y như cái ngày mà tôi chôn nó xuống mộ. Giá mà đời tôi y như những ngày tôi mới đến Kyoto.
Khi nghĩ thế, đầu óc tôi quay cuồng như cơn lốc. Tôi nghĩ rằng con bướm và tôi như hai thái cực. Cuộc đời tôi biến hóa như dòng suối , thay đổi hoài; nhưng con bướm trông không thay đổi gì hết. Trong lúc suy nghĩ, tôi đưa tay đụng vào thân hình mượt mà của nó, lập tức nó biến thành một nhúm tro mà không gây ra một tiếng động, thậm chí không thấy được cảnh nó sụm xuống thành một đống tro. Tôi quá sửng sốt đến độ thốt ra một tiếng kêu ngạc nhiên. Trí óc tôi quay cuồng, tôi cảm thấy mình đang ở trung tâm của cơn bão. Tôi thả tay iếng vải liệm bé xíu và nhúm tro rơi xuống đất. Bây giờ tôi đã hiểu điều gì làm cho tôi hoang mang cả buổi sáng. Mùi xú uế trong không khí đã hết, quá khứ đã qua rồi, bố mẹ tôi đã chết, tôi không thể làm gì được để thay đổi tình thế này. Nhưng tôi cứ tưởng tôi không đi tiếp được. Tôi không biết chuyện này đối với anh có ý nghĩa gì không, nhưng tôi thấy tôi đã quay một vòng nhìn sang hướng khác, hướng về phía tương lai. Và bây giờ vấn đề đặt ra cho tôi là cái tương lai ấy sẽ như thế nào.
Ngay khi câu hỏi ấy hiện ra trong óc tôi, tôi biết chắc chắn một điều là nội trong ngày hôm ấy thôi, thế nào tôi cũng thấy dấu hiệu lạ. Vì thế mà trong giấc mơ tôi thấy người đàn ông râu rậm mở cửa sổ. Ông ta như nói với tôi rằng “Hãy đợi điều xảy ra cho cô. Vì cái điều mà cô thấy sẽ là tương lai của cô.”
Tôi đang loay hoay như chưa kịp suy nghĩ điều gì thêm thì có tiếng bà Dì gọi tôi:
- Này Chiyo, lại đây.

Tôi đi trên hành lang đất như người mộng du. Khi ấy chắc tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bà Dì nói với tôi như thế này “Cháu muốn biết về tương lại của cháu như thế nào phải không? Được rồi, hãy lắng tai nghe cho kỹ…” Nhưng thay vì nói thế, bà đưa cho tôi hai vật trang sức trên tóc gói trong một miếng lụa vuông màu trắng, bà nói:
- Đem các thứ này đến cho Hatsumono. Có trời mà biết đêm qua có chuyện gì xảy đến cho cô ta. Cô ta về nhà với đồ trang sức của người khác. Chắc cô ta say quá vì uống nhiều sake hơn mọi khi. Đến trường hỏi cô ta và của ai thì trả lại cho họ.
Khi tôi lấy các món nữ trang, bà Dì đưa thêm cho tôi một mẩu giấy ghi những việc lặt vặt khác phải làm. Bà bảo tôi làm xong việc là phải về nhà ngay.
Mang đồ trang sức của người khác về nhà có lẽ không có gì kỳ cục, nhưng thực ra mang những thứ ấy cũng giống như mang đồ lót của người khác về nhà vậy. Giới geisha không gội đầu hàng ngày, chắc anh biết, vì họ sợ hư mái tóc. Cho nên vật trang sức trên tóc rất kiêng kỵ, ngay cả bà Dì mà cũng không muốn đụng đến những thứ ấy. Cho nên bà phải lấy một miếng lụa vuông để lót tay. Bà gói các thứ ấy rồi đưa cho tôi, cho nên nó giống như cái gói đựng xác con bướm đêm mà tôi cầm cách đấy mấy phút. Dĩ nhiên điềm báo hiệu nào rõ ràng quá cũng làm cho ta sửng sốt. Tôi đứng yên nhìn gói đồ trên tay bà Dì mãi cho đến lúc bà nói:
- Trời ơi! Cầm lấy mà đi đi chứ!
Sau đó khi trên đường đến trường, tôi mở cái gói ra xem một lần nữa. Một vật là cái lược sơn mài đen có hình như hình mặt trời lặn, chung quanh mặt trời là những đóa hoa bằng vàng, vật kia là một thanh gỗ vàng, hai đầu có hai hột ngọc được đính vào một quả cầu nhỏ màu hổ phách.

Tôi đứng đợi ngoài cổng trường cho đến khi tiếng chuông reo lên báo hiệu giờ tan học. Các cô mặc áo màu xanh trắng ào ra khỏi lớp. Hatsumono thấy tôi trước khi tôi kịp nhìn thấy cô ta, cô cùng đi với một geisha khác, cả hai tiến về phía tôi. Chắc anh thắc mắc tại sao cô ta còn đến trường, cô ta là một vũ công thành thạo và biết hết các môn cần thiết mà một geisha phải biết. Nhưng ngay cả những geisha có tiếng tăm cũng vẫn tiếp tục học những bài học nâng cao về bộ môn múa để áp dụng trong nghề, thậm chí có những geisha năm sáu chục tuổi vẫn đến trường để học hỏi thêm.
- Này chị, nhìn kìa – Hatsumono nói với bạn – tôi tưởng đấy là cây sậy. Cây sậy cao lêu đêu! - Đấy là kiểu cô ta chọc quê tôi, vì tôi cao hơn cô ta đến một lóng tay.
- Bà Dì sai tôi đến đây, thưa cô – tôi nói - để hỏi đêm qua cô đã cầm nhầm những thứ này của ai.
Nụ cười tắt trên môi Hatsumono, cô ta giật cái gói trên tay tôi và mở ra xem.
- Trời đất! Đồ này không phải của tôi! Cô lấy các thứ này ở đâu?
- Ồ chị Hatsumono – cô geisha kia nói - chị không nhớ à? Trong lúc chị và Kanako giỡn cợt với ông Chánh án Uwazumi, hai người đã tháo nữ trang trên tóc ra. Chắc Kanako đã mang đồ nữ trang của chị, còn chị thì mang đồ của cô ta về nhà.
- Tởm quá - Hatsumono nói - chị có biết Kanako gội đầu khi nào không? Vả lại nhà của cô ấy gần nhà chị, nhờ chị đem về cho cô ta giúp tôi, được không? Nhờ chị nói với cô ta rằng tôi sẽ đến lấy các món đồ của tôi và cô ta chớ có xài các thứ ấy.

Cô geisha kia lấy các thứ trang sức và bỏ đi.
Hatsumono nói với tôi:
- Này Chiyo, khoan hãy đi đã. Có chuyện này tôi muốn nói với cô, hãy nhìn cô gái đàng kia kìa, cô gái đang đi qua cổng đấy. Tên cô ta là Ichikimi.
Tôi nhìn Ichikimi, nhưng Hatsumono có vẻ như không có gì thêm để nói về cô ta, tôi bèn nói:
- Nhưng tôi không biết cô ấy.
 



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện