Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 128: Bursa đại hội chiến (2)









Lại nói, khi Miran Lazarevic hiến kế được Sultan Mehmed I Çelebi chấp thuận, mọi người đều tán dương Sultan anh minh thần vũ, Lazarevic đại nhân trí kế phi phàm, địch quân tất bại, quân ta tất thắng, … Mehmed I Çelebi nghe chúng quần thần tán tụng như thế, rất lấy làm hài lòng, vẻ lo lắng về quốc nạn không còn nữa, giống như địch quân đã bị đánh bại rồi vậy. Không chỉ riêng Mehmed I Çelebi mà cả quần thần đều lấy lại được lòng tin khi đối diện với địch quân. Đó là một điều may mắn lớn cho phía quân đội Ottoman. Chứ nếu chưa giao chiến mà tướng lĩnh đã sợ thua thì còn giao chiến gì nữa. Không chỉ có thế, Miran Lazarevic lại còn nói thêm :



- Nếu như quân ta may mắn đại thắng, đuổi chạy được địch quân thì chúng ta có thể nhân cơ hội đó chiếm lĩnh trận địa đại pháo của địch quân. Nghe nói địch quân có đến cả vạn khẩu thần công đại pháo. Nếu như quân ta mà chiếm được số đại pháo đó thì không còn sợ gì địch quân nữa.



Bọn họ đều biết thần công đại pháo rất nặng nề, nếu phải bỏ chạy thì khó mà kéo theo kịp. Mehmed I Çelebi cả mừng nói :



- Đúng thế ! Đúng thế ! Chỉ cần chiếm được số thần công đại pháo đó, dù cho có thiệt hại vài trăm nghìn quân cũng không tiếc. Địch quân mà thiếu đi đại pháo thì cũng giống như sư tử mà mất đi nanh vuốt, không còn gì đáng sợ nữa.



Thật sự thì Mehmed I Çelebi cũng không sợ gì việc tổn thất vài trăm nghìn binh sĩ. Trong hơn 1 triệu quân Ottoman ở đây thì có đến gần 75% là dân binh được chọn ra chiến trường làm bác hôi kia mà. Nếu không, duy trì một đạo quân đông đảo như thế, nhất thời triều đình Ottoman cũng không có đủ lương thực để cung cấp cho quân đội. Mehmed I Çelebi lại bảo Miran Lazarevic :



- Việc này ta giao cho ngươi toàn quyền an bài.



Miran Lazarevic cung kính nói :




- Vâng ạ. Thần sẽ an bài đâu vào đó cả. Bệ hạ cứ an tâm.



Mehmed I Çelebi lại quay sang quần thần nghiêm giọng nói :



- Ngày mai các ngươi phải đốc thúc quân binh hết sức chiến đấu. Khi có hiệu lệnh tiến quân, ai mà dám không tiến, lập tức xử trảm.



Chúng quần thần đều cung kính vâng dạ. Mọi người chia nhau đi chuẩn bị cho cuộc chiến ngày mai. Trong lòng cả bọn lúc này tràn trề hy vọng vào một trận đại thắng, mà không biết rằng ‘hành sự tại nhân, thành sự tại thiên’.



Cũng cùng lúc đó, trong soái doanh của quân đội Thần Thánh Đế quốc, Đinh An Bình triệu tập chúng tướng bàn bạc việc quân. Đinh An Bình nói :



- Quân giặc đông hơn trăm vạn, chiến đấu chắc chắn sẽ rất khích liệt. Để tránh tổn thất nặng nề, mọi người ai có chủ ý gì hay không ?



Tham mưu trưởng Trương Kỳ nói :



- Đại vương. Tối nay chúng ta có thể cướp doanh địch quân !



Đinh An Bình thoáng cau mày :



- Cướp doanh ? Có ổn không ?



Quân đội Thần Thánh Đế quốc luôn đề phòng bị cướp doanh, nên khi dựng doanh trại ở đâu đều có nhiều bố trí để phòng chống. Khó biết địch quân cũng có làm thế hay không. Trương Kỳ nói :



- Chúng ta có thể phân làm hai giai đoạn. Phái một đạo quân đi trước cướp doanh. Nếu như địch quân không có đề phòng thì thiêu hủy địch doanh luôn. Ngoài ra bố trí thêm một đạo quân mai phục ở phía sau, nếu như địch quân có đề phòng thì sẽ tấn công vào mặt sau địch quân. Bằng không thì sẽ làm đạo dự bị.



Một viên tham mưu lại hiến kế :



- Chúng ta có thể kết hợp với cả thần công đại pháo. Quân ta chỉ bao vây ở vòng ngoài, rồi pháo kích vào đại đội nhân mã của địch quân ở phía trong.



Đinh An Bình gật đầu bảo :




- Ban tham mưu lên kế hoạch đi. Rồi chư tướng sẽ theo đó thi hành.







Mây rất dày. Đêm nay trời âm u. Trên bầu trời chỉ có vài ngôi sao. Tinh quang chiếu xuống mặt đất mờ mờ ảo ảo. Nhiều chỗ giơ bàn tay ra không nhìn rõ năm ngón.



Đinh An Bình phái 9 vạn quân đi cướp doanh. Ngoài ra còn có 42 vạn quân mai phục ở hai bên trái phải địch doanh, chờ lệnh hành sự. Chỉ còn lại hơn 10 vạn quân ở lại bảo hộ bản doanh.



Thần Uy Tướng quân Hoàng Thắng dẫn đầu đội tiền quân lặng lẽ tiến sát đến bên ngoài địch doanh, chiến mã đều bị cột miệng lại, sĩ binh thì ngậm một thanh gỗ nhỏ trong miệng để khỏi gây ra tiếng động. Cũng may là địch quân không có bố trí cạm bẫy bên ngoài doanh trại, nên đội quân của Hoàng Thắng dễ dàng tiến sát đến bờ rào ngoài cùng. Nghĩ đến sự an bài của Đại vương, Hoàng Thắng trong lòng đại định, ngoài đạo quân của mình, vẫn còn có 6 vạn quân ở phía sau, bên ngoài lại còn có thêm 42 vạn quân và gần 1 vạn khẩu thần công tiếp ứng. Có mấy tầng bố trí như thế, lần này cướp doanh dù cho thất bại, chỉ cần xung thoát ra ngoài là vẫn an toàn.



Hoàng Thắng nhìn vào bờ rào phía trước mặt một lúc, rồi hỏi viên tùy tướng :



- Thám tử quay lại chưa ?



Viên tùy tướng lắc đầu đáp :



- Chưa ạ !



Nói đến đây, gã chợt chỉ về phía trước, hô khẽ :



- Tướng quân. Về rồi kìa !



Hoàng Thắng nhìn thấy hai gã thám tử đang rón rén quay lại, liền vội hỏi :



- Tình hình bên trong thế nào ?



Một gã thám tử nhanh nhảu nói :



- Hồi Tướng quân. Trừ một số ít canh phòng bên ngoài các địa điểm quan trọng, toàn bộ địch quân đều lăn ra ngủ trong các doanh trướng, căn bản chẳng có tuần canh gì hết. Thậm chí thuộc hạ thay đổi y phục, lẻn vào bên trong đi khắp một vòng mà chẳng ai chú ý đến thuộc hạ. Kẻ nào kẻ nấy đều ngủ như trâu, tiếng ngáy truyền ra đến tận ngoài này cũng còn nghe thấy thấp thoáng.




Hoàng Thắng ngạc nhiên nói :



- A ! Địch quân lại như thế ư ?



Gã thám tử nói chắc như đinh đóng cột :



- Thuộc hạ xin dùng tính mệnh đảm bảo. Những điều đó là do thuộc hạ tận mắt nhìn thấy. Hơn nữa, bọn thuộc hạ dạo quanh trong đó hết một vòng, toàn bộ địch doanh đều như thế cả, tuyệt đối không hề giả dối.



Hoàng Thắng ngạc nhiên không thôi. Bọn họ không biết rằng người phương tây, trong đó có cả người Thổ vốn quen dàn trận giao chiến, thổi kèn xung phong, mặt đối mặt chiến đấu, không có sử dụng nhiều âm mưu quỷ kế như người phương đông. Các trận chiến ở Âu châu đều như thế cả. Việc Miran Lazarevic nghĩ ra mưu kế mai phục trên ngọn đồi phía sau đã là thần mưu diệu kế trên đời hiếm có rồi. Nếu không phải gặp nguy cơ, có khi Mehmed I Çelebi cũng không chấp nhận sử dụng âm mưu, bởi theo văn hóa của bọn họ thì hành động như thế là không anh hùng, cũng giống như người phương tây tuân thủ tinh thần Hiệp sĩ vậy.



Thấy Hoàng Thắng mãi suy nghĩ, viên tùy tướng khẽ nhắc nhở :



- Tướng quân. Chúng ta tấn công thôi.



Hoàng Thắng giật mình, gật đầu bảo :



- Truyền lệnh tấn công.



Thế là đạo tiền quân 3 vạn người phá rào tràn vào bên trong, gặp người thì sát, gặp doanh trướng thì thiêu. Quân Ottoman vốn không đề phòng, nên khắp đại doanh hỗn loạn vô cùng. Hỏa quang xung thiên, liệt diệm bừng bừng. Quân Ottoman đang ngủ say sưa, tỉnh dậy trong lúc đại hỏa thiêu đến nơi, hoang mang hoảng loạn chạy ngược chạy xuôi. Thật thà một chút thì lo cứu hỏa. Lanh lợi một chút thì cảm giác thấy tình hình không hay, vội lo tìm đường thoát thân.



Thấy tình hình thuận lợi như thế, Hoàng Thắng liền vội đốt pháo hiệu tung lên trời. Các đạo quân bên ngoài lập tức reo hò xông đến, phá rào tràn vào địch doanh vừa thiêu vừa sát.



Giữa cảnh hỗn loạn đó, hỏa thế càng lúc càng lớn. Nguyên bản quân Ottoman xây dựng doanh trướng toàn bằng vải và gỗ, cũng không chuẩn bị đề phòng hỏa hoạn, bên trong cỏ dại khắp nơi, lúc này lại đang mùa hạ, khí trời oi bức, thành ra có muốn cứu hỏa cũng không xuể, mới dập tắt chỗ này thì càng có nhiều chỗ khác bùng lên. Thêm vào đó, quân Thần Thánh Đế quốc mang hỏa dược rải vào rồi mới phóng hỏa, nên hỏa thế càng dữ dội. Chẳng mấy chốc là toàn doanh trại đã chìm trong biển lửa. Phong trợ hỏa thế, hỏa tá phong oai. Hỏa thế hung hãn vô cùng, thiêu sạch mọi thứ mà nó tràn qua. Số quân Ottoman đang lo cứu hỏa cũng đành từ bỏ hành động vô ích của mình, bắt đầu tìm đường thoát thân.



Mehmed I Çelebi đang ngủ say trong vương trướng thì đột ngột bị thị vệ đánh thức, bẩm báo hung tin. Ban đầu ông ta còn cố gắng chỉ huy quân binh xung quanh cứu hỏa, đồng thời truyền lệnh quần thần chỉ huy quân binh chống cự, nhưng rồi xem ra hành động đó chẳng có mấy hiệu quả. Dù cho đốc chiến đội tuân lệnh giết chết một số kẻ bỏ chạy thì số quân Ottoman bỏ chạy lại càng nhiều hơn, xung tản cả đốc chiến đội. Hầu như cả doanh trại đều tháo chạy ra ngoài. Thật ra thì đầu tiên chỉ có dân binh bỏ chạy, số quân đội Hoàng gia vẫn tìm cách kháng địch, nhưng dân binh chiếm đến 75% toàn quân, nên khắp nơi đều thấy người bỏ chạy. Trước tình thế đó, cả doanh trại đều dần dần bỏ chạy theo cả. Chẳng ai muốn ở lại trong doanh trại để bị thiêu chết trong ngọn lửa hung hãn kia. Đến khi ngọn lửa tràn ngập cả doanh trại thì Mehmed I Çelebi cũng bị đám thị vệ trung thành đưa lên ngựa tìm đường thoát thân.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện