Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 85: Tình hình pháp lan tây









Lại nói, khi nghe Long nhi và lão quản gia Ferdinand Caracciolo bàn bạc về hạm đội, Đinh An Bình không khỏi bật cười, bảo :



- Hạm đội của Hải quân Đế quốc chiến đấu không phải bằng cách đụng chìm địch hạm, mà là bắn chìm.



Long nhi ngạc nhiên hỏi :



- Bắn chìm là sao ?




Đinh An Bình nói :



- Đương nhiên là sử dụng thần công đại pháo bắn chìm.



Long nhi ngơ ngác hỏi :



- Thần công đại pháo ?



Đinh An Bình chỉ vào dãy thần công đại pháo nằm dọc hai bên mạn thuyền, cười nói :



- Đó chính là thần công đại pháo.



Bọn họ đi trên chiến thuyền của Hải quân, nên đương nhiên có trang bị thần công đại pháo. Trừ Thần Thánh Đế quốc, đối với thời bấy giờ, ở cả phương đông và phương tây, hải chiến vẫn là sử dụng chiến thuyền đụng nhau, hoặc cung thủ và chiến sĩ quyết chiến. Long nhi nghe nói, liền chạy đến bên một khẩu thần công đại pháo, xem thử, sờ thử, rồi hỏi :



- Nó lợi hại lắm à ?



Đinh An Bình cười nói :



- Nó có thể bắn vỡ địch hạm cách chúng ta hơn 5 dặm, điện hạ nghĩ có lợi hại không ?




Long nhi mở tròn mắt, kinh ngạc nói :



- Lợi hại thế cơ à ?



Đinh An Bình lại nói :



- Trước đây, khi tấn công các thành trì duyên hải, thần công đại pháo của Hải quân còn được sử dụng để bắn sập thành tường của các thành trì nữa kia. Thành tường bị phá, quân ta chiếm thành sẽ dễ dàng hơn.



Khi ra đến căn cứ Hải quân ở Long Sơn, nhìn các chiến thuyền nằm đầy trong vịnh, Long nhi cứ ngần ngừ mãi không biết nên lựa chọn thế nào. Đây chỉ là tiểu hình, trung hình chiến thuyền mà trước đây Giang Phong đã định cho thoái dịch, bán lại cho thương nhân dùng làm vũ trang thương thuyền. Nhưng những chiến thuyền dài 60 mét, 80 mét thì đối với Long nhi cũng là rất lớn, so với các chiến thuyền của Âu châu thời bấy giờ thường chỉ dài hơn 10 mét, tối đa cũng chỉ 20 mét là đã rất lớn. Chỉ về những chiến thuyền trong vịnh, Đinh An Bình nói :



- Thuyền nhỏ có tải trọng khoảng 700 vạn cân, thuyền lớn khoảng 1.700 vạn cân. Ngoài ra chiếc thuyền chúng ta vừa đi đó có tải trọng hơn 3.000 vạn cân. Tùy ý điện hạ lựa chọn, miễn sao không quá 1 ức cân thì thôi.



Long nhi cùng lão quản gia bàn bạc một lúc rồi quyết định chọn 1 chiếc đại hình chiến thuyền (3.000 vạn cân), 2 chiếc trung hình chiến thuyền (1.700 vạn cân) và 5 chiếc tiểu hình chiến thuyền (700 vạn cân), tổng tải trọng là 9.900 vạn cân. Đây là những chiến thuyền thời kỳ đầu, mỗi chiếc chỉ có từ 10 đến 20 khẩu thần công đại pháo. Tiểu hạm đội có 8 chiến thuyền, được Long nhi đặt tên là “Hạm đội Angers”, theo tên lâu đài của nhà Louis tại Anjou, cũng còn được gọi là trái tim của Anjou. Kỳ hạm, tức chiến thuyền chỉ huy, được đặt tên là “René de Anjou”, theo tên em trai của Long nhi, người sẽ thừa kế lĩnh địa Anjou và danh hiệu Công tước sau này (do Long nhi nhường lại). Hai chiếc trung hình chiến thuyền được đặt tên là “Comte de Maine” (Bá tước của Maine) và “Comte de Provence” (Bá tước của Provence), đều là các tước vị mà René sau này sẽ được thừa kế.



Sau khi đã thành lập Hạm đội xong, Đinh An Bình điều thủy thủ đến phục vụ tạm thời trên Hạm đội Angers, chờ sau này đến Âu châu sẽ bàn giao cho nhà Anjou, và giúp bọn họ huấn luyện tân thủy thủ. Tiếp đó là lương thực và vũ khí được chuyển lên các chiến thuyền.



Sau 10 ngày chuẩn bị, George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo cùng đoàn tùy tùng lên thuyền trở về Âu châu. Đoàn thuyền rời Gia Định Giang, đi về phía nam đến Tân Thành, sau đó đi theo tuyến hàng hải đông tây, qua Tích Lan, Somali, Yemen vào Hồng Hải rồi đến Sinai. Đến thành Suez nằm bên bờ vịnh Suez, lương thực vũ khí được đưa lên bờ, rồi chuyển xuống thuyền nhỏ, theo kênh đào Suez đưa ra bờ Địa Trung Hải. Còn Hạm đội không thể vào kênh đào Suez, đành phải đi dọc theo bờ biển Phi châu, mất nhiều thời gian hơn.




George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo dẫn đoàn tùy tùng khẩn cấp đi sang thành Sinai ở bên bờ Địa Trung Hải, bên bờ vịnh Buhayrat al Manzilah. Bọn họ thuê thương thuyền để đưa lương thực vũ khí vượt Địa Trung Hải về Provence và Trento.



Khi Ferdinand Caracciolo về đến Provence thì đã vào cuối mùa đông năm Giáp Ngọ, theo Tây Lịch thì đã vào đầu năm mới 1415. Từ năm ngoái, quốc vương Anh Cách Lan Henry V (lên ngôi năm 1413) đã từ chối đề nghị giảng hòa của phe Armagnac đang nắm quyền nhiếp chính triều đình Pháp Lan Tây. Do đó, mọi người đều đang chờ đợi một cuộc chiến tranh quy mô lớn tái bùng phát.



Giai đoạn từ năm 1389 đến năm 1415 này được các sử gia phương tây gọi là “giai đoạn hòa bình thứ hai” của cuộc “chiến tranh trăm năm”. Gọi là hòa bình, nhưng thực chất Pháp Lan Tây lâm vào cảnh nội chiến giữa phe Armagnacs do Công tước Louis I de Orléans đứng đầu (khác Louis I de Anjou, ông nội của Louis III) và phe Burgundy do Công tước Jean I de Burgundy đứng đầu, với sự hậu thuẫn của Anh Cách Lan. Nguyên nhân của cuộc nội chiến là sự xung đột giữa Jean I de Burgundy với Louis I de Orléans trong cách điều hành quốc gia, rồi dẫn đến chiến tranh, kéo theo đồng minh của hai phe tham chiến.



Khi quốc vương Pháp Lan Tây Charles VI de Française bị bệnh tâm thần, đất nước được cai trị bởi một hội đồng nhiếp chính do vương hậu Isabeau de Bavière đứng đầu kể từ năm 1393. Vương hậu là người không có chủ trương và các thành viên có ảnh hưởng nhất trong hội đồng nhiếp chính là Công tước xứ Burgundy, Công tước xứ Orléans và Công tước xứ Anjou. Do Công tước xứ Anjou phải lo giành lại các đất đai của mình ở Napoli nên ít quan tâm triều chính, thành ra chỉ có Công tước xứ Burgundy và Công tước xứ Orléans tranh quyền với nhau (Công tước xứ Anjou có nhiều lĩnh địa nhất nên có địa vị siêu nhiên, Công tước phu nhân còn là người tài trợ cho những lực lượng chống quân Anh, trong đó có cả Joan de Arc sau này).



Trong thực tế, sự xung đột này là sự đối mặt giữa hai hệ thống kinh tế, xã hội và tôn giáo. Pháp Lan Tây là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với một hệ thống tôn giáo và chế độ phong kiến mạnh mẽ, các lĩnh chủ phong kiến có vai trò quan trọng và nhiều quyền lực. Trong khi đó, Anh Cách Lan có khí hậu ẩm, nhiều mưa, nhiều đồng cỏ và nghề nuôi cừu phát triển. Người Anh bán lông cừu cho xứ Flanders để dệt may thành quần áo. Do đó, ở Anh Cách Lan, giai cấp tư sản và các thành thị đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Công tước xứ Burgundy đồng thời cũng là Bá tước xứ Flanders, có quan hệ mật thiết với người Anh, ủng hộ mô hình kinh tế của người Anh với nền thương mại và giai cấp tư sản phát triển. Còn phe Armagnacs ủng hộ chế độ hiện thời, với sự thống trị quốc gia của các lĩnh chủ phong kiến. Ngoài ra, phe Armagnacs được sự ủng hộ của giáo chủ Clément VII ở Avignon, còn phe Burgundy được sự ủng hộ của giáo chủ Urbain VI ở Roma (người tiền nhiệm của Gregorius XII).



Sau khi Công tước Louis I de Orléans bị ám sát năm 1407, Paris bị kiểm soát bởi Jean I de Burgundy, và nội chiến quy mô lớn bùng phát. Sau nhiều cuộc chiến, song phương lúc thắng lúc thua, nên đã cùng ký kết hòa ước vào năm 1412. Đến mùa xuân năm 1413, Jean I de Burgundy tiến hành một cuộc cải cách ở Paris, gây ra cuộc nổi loạn Cabochiens, với xu hướng hạn chế quyền lực của chế độ quân chủ, tăng cường quyền lực cho giới tư sản. Nhưng sự lạm dụng của phe Burgundy và Capochiens, nhất là các cuộc thảm sát, đã khiến dân chúng bất mãn và nổi loạn. Khi bị đàn áp, họ đã kêu gọi phe Armagnacs về giải cứu Paris. Đến năm 1414, phe Armagnacs giành lại được quyền kiểm soát Paris và Công tước Burgundy bị đuổi chạy về vùng đông bắc. Đến lúc này, người Anh bắt đầu can thiệp giúp đồng minh của họ. Mọi người ai cũng biết chiến tranh giữa Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây chắc chắn sẽ tái diễn.



Trong hoàn cảnh đó, lão quản gia Ferdinand Caracciolo vội khẩn cấp chinh binh, tuyển mộ nông dân từ các lĩnh địa của nhà Anjou, trước mắt là ở Provence, tổ chức thành quân đội, khẩn trương huấn luyện chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới. Nhà Anjou tuy không tham gia vào cuộc nội chiến, nhưng vẫn phải chống lại sự xâm chiếm của Anh Cách Lan, bởi các lĩnh địa Anjou và Maine nằm không xa Paris. Ngoài ra, lão còn gửi 1.000 người sang Sinai nhờ Hồng Long phân hạm đội giúp huấn luyện thành thủy thủ, để tương lai có thể phục vụ ở hạm đội Angers.



Nhận được tin báo, Louis II de Anjou cũng cử Công tước phu nhân Yolande de Aragon và René đến Provence chủ trì đại cuộc. Một vạn quân đội là một lực lượng rất đáng kể, nhất là trong hoàn cảnh lúc này. Do các xứ Napoli sẽ do Louis III, lúc này là Long nhi, giải quyết nên nhà Anjou có thể rảnh tay lo việc trong nước. Người dân Pháp Lan Tây đã quá mệt mỏi với sự tranh giành quyền lực của hai phe Armagnacs và Burgundy.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện