Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 89: Trận calais









Lại nói, sau khi Hạm đội Anh Cách Lan đầu hàng, Hạm đội Angers bắt đầu tiến hành thu nhận hàng binh và thanh kiểm chiến lợi phẩm. Hơn nghìn tù binh là một vấn đề quan trọng cần phải giải quyết. Hạm đội Angers cần phải tấn công Calais, nếu như phái quân canh giữ tù binh thì lực lượng tấn công Calais sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng đến chiến sự. Cuối cùng, Đô đốc Frederick du Guesclin đã tìm ra phương án tốt nhất : tạm giữ tù binh Anh Cách Lan trên mấy chiến thuyền bắt được, mà chiến thuyền được chọn toàn là những chiến thuyền trọng thương sau trận hải chiến, không còn khả năng di chuyển. Như thế Hạm đội Angers chỉ cần phái 1 chiến thuyền canh giữ là đủ. Nếu tù binh trên chiến thuyền nào nổi loạn thì sẽ lập tức bắn chìm chiến thuyền đó, nhấn chìm tất cả xuống dưới biển. Nhờ thế, 1.000 thủy thủ của Hạm đội Angers dư sức canh giữ hơn nghìn tù binh đã bị tước vũ khí, không ảnh hưởng đến tình hình chiến sự.



Còn những chiến thuyền chiến lợi phẩm mất khả năng di chuyển, đã được bọn họ dùng dây nối vào những chiến thuyền có thể di chuyển, rồi kéo vào bờ. Những chiến thuyền bị hư hỏng, chỉ cần tu sửa là lại có thể sử dụng. Sau khi thành lập Hạm đội Angers, những chiến thuyền Balinger đối với Hải quân Anjou không thể gọi là chiến thuyền, nhưng sử dụng làm thương thuyền cũng tốt chứ sao. Nó còn tốt hơn các thương thuyền mà người Âu châu đang sử dụng lúc bấy giờ. Hoặc là sử dụng làm thuyền vận tải cũng được.



Ngoài ra, số lượng vật tư thu được cũng rất lớn, đủ cho 1 vạn quân sử dụng trong ba tháng. Hạm đội Anh Cách Lan có nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế cho quân viễn chinh ở Calais mà.



Ngày 31 tháng 12 năm 1415, Hạm đội Angers tiến vào vùng biển Calais. Quân Anjou đổ bộ lên bờ, tiến đến chiếm giữ các yếu điểm ở vùng bờ biển phía bắc thành phố. Calais là một thành phố cảng, nằm ngay bên cạnh bờ biển, nên cũng nằm trong tầm uy hiếp của Hạm đội Angers. Sau trận hải chiến trên biển Manche, thủy thủ trên Hạm đội Angers, cho đến các tướng lĩnh, đều rất hứng thú với việc pháo kích địch quân. Trong trận hải chiến, mỗi khẩu thần công trung bình bắn 15 phát, chiếm đến hơn 1 phần 3 số đạn dược phối cấp cho Hạm đội. Do vậy, khi trận hải chiến vừa kết thúc, Đô đốc Frederick du Guesclin đã sai người khẩn cấp hồi báo với Công tước Anjou, để liên hệ với Thần Thánh Đế quốc mua thêm đạn dược.



Quân Anh Cách Lan trong thành Calais chỉ có hơn 3.000 người, trong đó có hơn 2.500 là trường cung thủ (longbowman). Sau trận Agincourt, quân Anh Cách Lan có gần 500 người tử trận, và khi về đến Calais thì đã có khoảng 1.600 người bị thương và hơn 3.800 người bị bệnh (kiết lỵ) mất khả năng chiến đấu. Do đó, quân Anh Cách Lan chỉ còn lại hơn 2.000 người, cộng với thủ quân trong thành gần 1.000 người nữa, tổng cộng có được khoảng 3.000 quân. Do đó dù chiến thắng vang dội ở trận Agincourt, quân Anh Cách Lan không còn khả năng tấn công Paris mà buộc phải rút về Calais nghỉ ngơi dưỡng sức, và quốc vương Henry V of England đã phải về nước chuẩn bị thêm viện quân.




Khi 8.000 quân Anjou đổ bộ lên bờ biển, Bá tước xứ Marshall John de Mowbray chỉ huy quân Anh Cách Lan trong thành, nhận thấy quân Anjou quá mạnh, không dám ra đánh, mà quyết định cố thủ. Calais là căn cứ địa của Anh Cách Lan trong các cuộc tấn công Pháp Lan Tây, do đó thành trì kiên cố, đã từng đứng vững trước nhiều cuộc tấn công của quân Pháp.



Calais có bức tường thành kiên cố bao quanh, có con hào đôi và nhiều công sự. Ngoài ra, Calais nằm ngay bên bờ biển, dễ dàng nhận được hỗ trợ từ Hải quân, do vậy mới được phía Anh Cách Lan lựa chọn làm tiền đồn, căn cứ địa đánh Pháp. Nhưng lần này, việc nằm ngay bên bờ biển lại có lợi cho quân Anjou.



Nam tước Jean de Rais chỉ huy quân Anjou củng cố các cứ điểm bên bờ biển trước, sau đó mới tổ chức công thành. Lần này, cả hải lục quân cùng liên hợp tấn công. Đô đốc Frederick du Guesclin chỉ huy Hạm đội tiến đến ngoài khơi đối diện cổng phía bắc của thành Calais, rồi ra lệnh cho các xạ thủ khai hỏa. Cả 51 khẩu thần công luân phiên nhả đạn vào cổng thành. Do hỏa lực tập trung, chỉ sau 10 lượt pháo kích, cổng thành đã không còn đứng vững, đổ sụp xuống. Đến lúc này, Nam tước Jean de Rais mới suất lĩnh 8.000 quân Anjou tràn vào trong thành. Calais vốn là thành phố của Pháp Lan Tây, dân trong thành đa số là người Pháp Lan Tây, do đó quân Anjou kiểm soát được thành phố mà không gặp nhiều trở ngại. Khi quân Anjou nhập thành, quân Anh Cách Lan chống trả một cách yếu ớt, đến khi thiệt hại gần 1.000 người thì rút lui vào thành bảo bên trong thành phố tiếp tục cố thủ.



Thành phố Calais cũng giống như nhiều thành phố khác của Âu châu lúc bấy giờ, có trung tâm là một thành bảo, hay còn gọi là lâu đài, là nơi ở của lĩnh chủ địa phương. Gia đình lĩnh chủ, quân đội và bộ máy cai trị đều tập trung bên trong thành bảo. Dân chúng sống ở bên ngoài, tạo ra các khu phố. Và một khi dân cư phát triển đông đúc thì thành phố được hình thành. Chỉ các thành phố lớn, quan trọng mới có tường thành bao quanh. Một khi thành phố thất thủ thì thành bảo là cứ điểm cuối cùng của thủ quân.



Với một tòa thành bảo, diện tích không lớn, 2.000 quân hoàn toàn đủ sức phòng ngự. Thành bảo nằm sâu phía trong, đại pháo trên chiến thuyền không bắn đến được, do đó muốn chiếm được thành bảo thì chỉ còn cách cường công. Nam tước Jean de Rais sợ thiệt hại nặng, nên không công thành mà chỉ bao vây xung quanh. Quân Anjou chia ra 6.000 người vây thành, số còn lại chia ra kiểm soát thành phố.



Đến tối, Nam tước Jean de Rais và Đô đốc Frederick du Guesclin gặp nhau tại phòng chỉ huy trên chiến thuyền ‘Réne de Anjou’ để bàn bạc tình hình chiến sự. Đô đốc Frederick du Guesclin nói :



- Chúng ta nên nghĩ cách giải quyết thành bảo cho sớm, không nên để dây dưa kéo dài. Công tước Đại nhân còn muốn chúng ta tấn công xứ Flanders.



Nam tước Jean de Rais cau mày nói :



- Ta cũng biết vậy, nhưng thành bảo rất kiên cố, không có sự hỗ trợ của pháo hạm, quân ta tấn công sẽ tổn thất rất nặng nề. Chúng ta chỉ có 8.000 quân, nếu thiệt hại nặng, làm sao có thể đánh chiếm Flanders được.



Đô đốc Frederick du Guesclin gật đầu nói :



- Cũng phải. Sau khi chiếm Calais, chúng ta phải để lại ít nhất 2.000 quân để phòng thủ. Đến lúc đó …



Nam tước Jean de Rais quay sang hỏi chúng thuộc hạ :




- Mọi người có ý kiến gì không ?



Cả bọn vò đầu bứt tóc, cố gắng suy nghĩ. Hồi lâu, thuyền trưởng của chiến thuyền ‘Réne de Anjou’ đề nghị :



- Hay là chúng ta hỏa thiêu thành bảo. Chúng ta đem hỏa dược rải xuống dưới chân tường, rồi phóng hỏa.



Nam tước Jean de Rais cau mày nói :



- Như thế thì không thể bắt được tù binh rồi. Hơn nữa, nếu phóng hỏa, những chiến lợi phẩm bên trong thành bảo sẽ bị thiêu hủy hết.



Đô đốc Frederick du Guesclin lại nói :



- Ta thấy đó là ý kiến hay. Thiêu hủy còn hơn thiệt quân. Nên nhớ xứ Flanders rất giàu có đó nha.



Phải nha ! Mọi người nghĩ đến sự giàu có của xứ Flanders ở ngay bên cạnh, ánh mắt đều sáng rỡ, lập tức tán thành đề nghị phóng hỏa. Flanders là một lĩnh địa quan trọng của Công tước xứ Burgundy, nằm ngay phía đông Calais, là trọng điểm cần tấn công của quân Anjou.



Sáng hôm sau, quân Anjou được lệnh tìm gỗ, củi, rơm rạ, và những thứ dễ cháy tập trung lại xung quanh thành bảo. Thủ quân trong thành bảo thấy thế, lo sợ vô cùng. Đến chiều, nhiều đống gỗ lớn được ném xuống chân tường, chất cao hơn cả đầu người. Quân Anjou lại còn dùng cung tên bắn lên mặt thành, áp chế không cho thủ quân ló đầu lên. Chỉ riêng đội cung thủ 4.000 người đã đông gấp đôi số lượng thủ quân trong thành, tên bắn ra như mưa, áp chế hoàn toàn đối phương.



Đến tối, ngọn lửa được đốt lên, thông qua hỏa dược làm cho ngọn lửa bùng lên rất dữ dội. Hơi nóng tỏa ra ngùn ngụt, không ai có thể đến gần. Cả một khu vực rộng lớn gần cửa bắc của thành bảo sáng bừng dưới ngọn lửa khổng lồ cao hàng mấy mét. Quân Anjou không có ý định thiêu hủy hoàn toàn thành bảo, chỉ muốn phá hủy tường thành để có thể tấn công vào trong mà thôi. Do đó toàn bộ những vật dễ cháy đều được tập trung về đây. Ngọn lửa cháy lớn đến nổi cả ở Hạm đội ngoài biển cũng nhìn thấy rõ.



Khi ngọn lửa được đốt lên thì thủ quân trong thành bảo cũng bắt đầu hỗn loạn. Ngọn lửa quá lớn, nếu không được dập tắt thì có thể cháy lan ra cả thành bảo, rồi toàn bộ thủ quân sẽ bị thiêu sống. Nhưng những người muốn cứu hỏa lại bị đội cung thủ của quân Anjou ngăn cản, tử thương không ít. Bá tước xứ Marshall John de Mowbray chỉ khống chế được hơn một giờ, rồi thủ quân tan vỡ. Rất nhiều quân Anh Cách Lan mở cửa thành bảo bỏ chạy ra ngoài. Tình hình hỗn loạn đến mức Bá tước John de Mowbray không sao kiểm soát được. Cuối cùng, cả bọn đành mở cửa thành bảo đầu hàng.




Đến lúc này, một phần của bước tường thành phía bắc đã bị ngọn lửa nung nóng, sụp xuống. Nam tước Jean de Rais vừa lo tiếp thu đối phương đầu hàng, vừa sai người lo cứu hỏa. Chiếm được thành bảo rồi, bọn họ cũng không muốn thành bảo bị thiêu hủy.



Đến sáng ngày 1 tháng 1 năm 1416, sau gần 70 năm dưới sự kiểm soát của người Anh (kể từ năm 1346), thành phố cảng Calais chính thức rơi vào tay quân Anjou.



__________________________________________________ ______



chú : trong truyện tui dùng từ Anh Cách Lan là để phân biệt với khải niệm nước Anh mà mọi người vẫn hiểu bây giờ. Hiện nay, người Việt thường sử dụng nước Anh để chỉ United Kingdom (UK). Đó là cách hiểu sai, nhưng mọi người đã dùng quen rồi nên được coi như đúng. "Đã từ lâu người ta thường dùng England một cách nhầm lẫn để chỉ Britain và cả the United Kingdom; và hiện nay Great Britain và the United Kingdom được dùng để chỉ cùng một thực thể - tuy nhiên, đây chỉ là cách gọi không chính thức." (http://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_hi%E1%BB%87p_V%C6%B0%C6%A1ng_qu%E1%BB%91 c_Anh_v%C3%A0_B%E1%BA%AFc_Ireland). Ở Anh họ còn phân biệt rõ :



The English: người Anh;



The Welsh: người xứ Wales;



The Irish: người Ireland;



The Scottish hoặc Scots: người Scotland



"United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland" (Liên hiệp Vương quốc Đại Bất Liệt Điên và Bắc Ái Nhĩ Lan), tên gọi ngắn là United Kingdom (viết tắt là UK), gồm 4 phần chính là England (Anh Cách Lan), Scotland (Tô Cách Lan), Wales (Gan) và Northern Ireland (Bắc Ái Nhĩ Lan). Trước năm 1707 thì Scotland là vương quốc độc lập; trước năm 1800, Ireland cũng là vương quốc độc lập; Wales cũng chỉ bị sát nhập vào năm 1535. Do đó trong truyện nói Anh Cách Lan là chỉ phần England mà thôi. Còn vương quốc Scotland theo phe Pháp Lan Tây (cũng khác nước Pháp hiện đại). Bà con có thể xem trên bản đồ kèm theo ở chương 87.



Bà con ai coi bóng đá chắc cũng biết 4 xứ trên có 4 đội bóng đá quốc gia riêng khi tham gia World Cup hayro. Tóm lại, tui viết Anh Cách Lan là muốn chỉ xứ England.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện