Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 5 - Chương 82



- Không hẳn là cố tình hãm hại ta, vì triều đình Trung Nguyên vốn có truyền thống nhường lại ngôi báu.

Chân Kim vẫn còn rất tỉnh táo vì cậu ta không lớn tiếng thóa mạ kẻ dâng tấu chương đó, chỉ lắc đầu, ủ dột:

- Nhưng việc này không hợp với tục lệ của người Mông Cổ, người kế nhiệm ngôi vị Đại hãn phải được đại hội Kurultai bầu chọn sau khi Đại hãn tiền nhiệm qua đời. Trước khi ngôi vị Đại hãn mới có chủ thì thái hậu có quyền nhiếp chính.

Thấy cậu ta phiền muộn, âu sầu, tôi gạn hỏi:

- Phụ hoàng của cậu phản ứng ra sao?

Chuyện này là nghiêm trọng hay nhẹ tựa lông hồng, tất cả đều do thái độ của Hốt Tất Liệt quyết định.

Tôi không ngờ, câu hỏi của tôi đã khiến Chân Kim sợ tới mức mồ hôi vã ra đầm đìa, giọng nói run rẩy:

- Phụ hoàng vô cùng phẫn nộ. Gay go nhất là bè đảng của Ahama đã biết được chuyện này. Bọn chúng dâng tấu yêu cầu làm sáng tỏ.

- Trời đất ơi, bọn chúng muốn thừa dịp hãm hại cậu đây mà!

Hố sâu ngăn cách giữa hai cha con Hốt Tất Liệt và Chân Kim càng khó lấp đầy sau những điều tiếng thế này. Trong lịch sử, không hề hiếm chuyện cha con tàn sát lẫn nhau vì tranh giành ngôi vị!

- Phụ hoàng đã phê chuẩn bản tấu đó và lệnh cho Ngự sử đài phối hợp điều tra.

Toàn thân cậu ta run rẩy, vóc dáng cao lớn, lực lưỡng ngày nào bỗng trở nên hốc hác, héo mòn vì lo nghĩ.

- May mà đô sự Ngự sử đài là ngài Thượng Văn biết rõ việc này vô cùng nghiêm trọng, đã ra sức che đậy, để ngăn chặn những lời gièm pha không hay. Nhưng nếu bè đảng của Ahama kiên quyết đòi điều tra đến cùng, e rằng tính mạng của cả nhà ta sẽ nguy mất!

Tôi không thể tin nổi, một người lạc quan, tự tin như Chân Kim lại trở nên yếu đuối như chim sợ cành cong, hồn bay phách lạc chỉ vì một bản tấu chương bí mật. Tôi không biết phải an ủi cậu ta thế nào, đành an ủi bằng cách liếm láp gương mặt tiều tụy, râu ria lởm chởm của cậu ta.

- Chân Kim, đừng lo lắng, Mẫu hậu của cậu nhất định sẽ bảo vệ cậu.

Chân Kim thở dài:

- Mẫu hậu ngã bệnh rồi. Ta không muốn người phải vì ta mà ưu phiền thêm nữa.

Tôi không khỏi ngạc nhiên. Khabi ốm ư? Nếu cô ấy thật sự có bệnh, chắc hẳn muốn viện cớ đau ốm để làm việc gì đó. Triều đình đang trong cơn sóng gió là thế, cô ấy là hoàng hậu, không thể không biết chuyện. Vì sao đúng lúc nguy cấp này, cô ấy lại ngã bệnh?

Tôi không kịp đến gặp Khabi vì phải theo Dharma lên đường về Sakya. Tôi định lần tới về Đại Đô sẽ tìm cô ấy. Lúc ra đi, gió bấc nổi lên, nền trời xám xịt, lòng người nhức nhối. Tôi đâu ngờ rằng, chỉ mấy tháng ngắn ngủi sau đó, tôi đã mất đi tất cả người thân và bạn bè.

Mùa đông năm 1285, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đoàn người hộ tống Dharma về Sakya phải trải qua cuộc hành trình muôn vàn gian nan, giá rét cắt da cắt thịt. Dharma vốn gầy yếu, chẳng thể kham nổi nỗi khóc nhọc ấy. Thằng bé sốt cao liên miên, bệnh tình ngày một nghiêm trọng. Nhưng vì không muốn trì hoãn nhiệm vụ Hốt Tất Liệt giao phó, thằng bé đã cắn răng, tiếp tục lên đường.

Đoàn chúng tôi vừa đến Dogans thì đột nhiên nhận được tin cấp báo từ Đại Đô. Dharma đọc xong lá thư thì gào lên thảm thiết, hai mắt trợn ngược, ngã vật xuống. Tôi lao đến lá thư, huyết quản như đông lại khi đọc hết dòng tin, đất trời như nghiêng ngả. Điều tôi lo lắng nhất mà không có cách gì phòng bị đã xảy ra!

Sau khi Dharma rời khỏi Đại Đô, cuộc chiến không khoan nhượng tiếp tục diễn ra giữa Bối Đan và Jumodaban. Bối Đan tìm được một “danh y”, kê cho cô một đơn thuốc và bảo rằng có khả năng chữa bệnh vô sinh rất tốt. Sau một thời gian dùng thuốc, Bối Đan truyền ngự y trong cung đến khám, và phát hiện ra mình đã hoàn toàn mất khả năng sinh nở. Trong cơn phẫn uất, Bối Đan đã tóm được kẻ mệnh danh là thần y ấy và âm mưu của Jumodaban bị vỡ lở. Để trả thù, Bối Đan không từ thử đoạn, tẩm thuốc độc vào đồ ăn cho Jumodaban, giết hại cả hai mẹ con Deva.

Lúc này, Bối Đan đã bị nhốt lại, chờ đế sư quay về xử trí. Khi Dharma nhận được tin này thì hai mẹ con Jumodaban đã mất được hơn ba tháng, các đệ tử phái Sakya đã làm lễ hỏa táng cho cả hai. Còn việc chôn cất họ ở đâu, phải xin chỉ thị của Dharma.

Hay tin, Drakpa Odzer và Dampa vội vã chạy đến đỡ Dharma lên. Dampa ấn vào huyệt nhân trung của Dharma nhiều lần, thằng bé mới hồi tỉnh. Dharma đờ đẫn một lúc lâu mới nhớ ra mọi việc, nước mắt như mưa, nó hét lên quằn quại:

- Về Đại Đô, về ngay lập tức!

~.~.~.~.~.~

Chàng trai trẻ nhìn đồng hồ:

- Đã bốn giờ sáng.

Cậu ta lại gần cửa sổ, xoa hai má, giữ cho mình được tỉnh táo rồi dõi mắt về phía những đỉnh núi sừng sững nơi đường chân trời xa tít.

- Sắp sáng rồi!

Tôi đăm đăm ngó theo bóng dáng cậu ta, cố kiềm chế nỗi xúc động, điềm tĩnh hỏi:

- Sắp kết thúc rồi, cậu muốn nghe tiếp chứ?

Cậu ta quay lại, quay ngược chiếc ghế tựa, ngồi xuống, mỉm cười:

- Phải nghe hết chứ, tôi hết buồn ngủ từ lâu rồi.

- Trước đây, các nhà sử học thường phê phán Ahama rất nghiêm khắc, thậm chí cuốn Lịch sử triều Nguyên đã liệt Ahama vào “Truyện về các gian thần”. Nhưng người đời sau không còn khắc khe như vậy nữa. Tuy ông ta đã làm nhiều việc xấu nhưng sau khi chết, thi thể đã bị vằm nát, gia tộc bị liên lụy, trong khi nguyên nhân chính không phải do những việc ông ta đã làm. Bởi vì người kế nghiệm vị trí của ông ta sau này như Lô Thế Vinh người Hán, Senge người Tạng đều chịu chung kết cục bị thảm như Ahama: cả nhà bị chém đầu, chín họ phải chịu tội. Trong khi đó, những việc xấu của Lô Thế Vinh và Senge chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Ahama.

Chàng trai trẻ trầm tư suy ngẫm:

- Nếu chỉ mình Ahama phải chịu kết cục như vậy, người ta có thể đổ lỗi cho nhân cách của ông ta. Nhưng tất cả những người từng giữ chức tể tướng đều có kết cục bi thảm như vậy, có lẽ nguyên nhân chính nằm ở Hốt Tất Liệt.

Tôi gật đầu tán đồng:

- Cậu nói đúng lắm. Nguyên nhân thực sự là người Mông Cổ có thói quen ban thưởng hậu hĩnh cho các tướng lĩnh của mình sau mỗi trận đánh. Đây chính là lý do vì sao quân đội Mông Cổ tuy ít người nhưng ai nấy đều chiến đầu bất chấp tính mạng. Hốt Tất Liệt vừa lập nước, bao nhiêu công thần đang chờ để được ban thưởng, ông ta kiếm đâu ra chừng ấy ngân lượng bây giờ? Thế là, kẻ nào giúp ông ta vơ vét được nhiều của cải, ông ta sẽ trọng dụng người đó, bất kể hắn thuộc tộc người nào. Nhưng cách thức vơ vét của cải ấy chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của nhân dân và các nho sĩ người Hán. Khi nỗi oán hận của người dân mỗi lúc một dâng cao, Hốt Tất Liệt bèn tìm cách giết đi một quân tốt thí mạng để xoa dịu lòng dân, sau đó lại tìm một kẻ khác giúp ông ta tiếp tục vơ vét của cải.

Chàng trai trẻ đưa ra nhận xét sắc sảo:

- Bởi vậy Hốt Tất Liệt mới là kẻ chủ mưu gây ra tội ác.

Tôi đau xót, thở dài:

- Chân Kim và Hốt Tất Liệt luôn bất đồng quan điểm về vấn đề này. Mâu thuẫn giữa hai cha con họ càng lúc càng không thể cứu vãn, cuối cùng dẫn đến thảm kịch của Chân Kim.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện