Chương 30
Thái độ câng câng của chị Khuê khiến anh Kiệt rất vui.
Có người chồng nào không vui khi vợ mình thừa nhận mê mình, lại còn muốn độc chiếm mình đâu nhỉ? Anh tủm tỉm xoa đầu chị.
Khánh trông thấy cảnh đó tức lộn ruột.
Chị Khuê xấu tính từ nhỏ rồi.
Mỗi lần hai chị em xích mích, chị ngu dốt nên có bao giờ nói lý lẽ thắng Khánh đâu, toàn giở trò xin lỗi giả trân thôi, nghe chả có tí chân thành nào sất.
Khánh ấm ức nói:
- Nếu chị chỉ xin lỗi em để cho xong chuyện thì đừng xin lỗi ạ.
Lời xin lỗi không xuất phát từ cái tâm của mình thì chỉ là gió thoảng mây bay thôi chị à.
Chị Khuê quát ầm ĩ:
- Mợ cái con điên này nữa, năm hết Tết đến, tao đã xuống nước trước để cho cái gia đình này nó được êm ấm rồi, mày không biết điều thì thôi, còn muốn cái méo gì nữa? Là ai gây sự trước? Tao hay mày?
- Chị có lỗi với em trước.
- Lỗi của tao là gì? Tao dành cả thanh xuân bươn trải bên xứ người, vất vả kiếm tiền nuôi mày ăn học.
Giờ tao già rồi, ăn may vớ được tấm chồng ngon, tao giữ chồng tao chặt với cả bênh chồng tao một tí cũng là sai à?
Bà Hợt buột miệng hỏi chị Khuê:
- Sao con có thể ăn không nói có như vậy? Rõ ràng con làm ra đồng nào nốc hết đồng đó, con móc cống ra tiền à mà cho em Khánh?
- Ai bảo mẹ là con làm ra đồng nào nốc hết đồng đó?
- Thì… thì…
- Thì thì cái gì? Sao mẹ cứ phải ngập ngừng thế? Là ai? Ai? Để con táng sấp mặt nó ra vì tội điêu toa.
Khí thế hung dữ của chị Khuê khiến bà Hợt hơi sợ, liếc thấy Khánh cũng đang run cầm cập, bà nói xạo:
- Bà Lan bảo mẹ.
- Dì con suốt ngày ngồi lê la ở quán nước vối, chả có việc gì làm nên toàn bịa chuyện sốc để câu khách thôi, mẹ tin mấy lời ba xàm ba láp đấy làm gì?
Bà Hợt thấy ấm ức thay cho Khánh nên mới hỏi Khuê vậy thôi, ai ngờ lại khiến Khuê sồn sồn lên như con điên.
Khánh từng nhận xét cực chuẩn, Khuê là kiểu người rất sĩ diện, khi bị bóc phốt sẽ cảm thấy bẽ bàng và phản ứng quá khích.
Bà thở dài bảo con dâu:
- Thôi được rồi, con đừng nổi nóng nữa, chớ để dông cả năm.
Cứ coi như là con nuôi Khánh ăn học đi.
Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài việc nhận công nuôi em Khánh thì con cũng đâu có thành tích gì nổi bật đâu, nhỉ? Dù sao Khánh cũng quá giỏi giang rồi, em nó có bố thí cho con tí công lao nuôi nấng cũng chẳng hề hấn gì.
Câu nói mỉa mai của bà Hợt chạm mạnh vào lòng tự trọng của chị Khuê.
Mắt chị đỏ hoe.
Anh Kiệt buồn vô cùng, nhưng thi thoảng chị Khuê cũng ăn nói xấc xược với mẹ anh nên bây giờ anh mà bênh vợ thì thực sự không phải phép với mẹ.
Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu quả thật luôn là một câu chuyện dài.
Các chị em mới lấy chồng thường có phản xạ đứng về phía các nàng dâu bất chấp việc các nàng ấy đúng hay sai.
Nhưng cũng chính các chị em đó, sau này, họ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày rồi vất vả nuôi nấng cậu con trai thân thương của mình, đến lúc ấy mới thấm được thế nào là lòng mẹ.
Không có bà mẹ chồng hoàn hảo, cũng không có nàng dâu hoàn hảo, ở với nhau lâu dài, mâu thuẫn là điều tất yếu.
Mâu thuẫn có thể được giải quyết êm đẹp hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng ứng xử và dàn xếp của người chồng.
Có nhiều chuyện rõ rành rành, phân định ai sai, ai đúng rất dễ dàng.
Tuy nhiên, trong vụ cãi nhau giữa chị Khuê, Khánh và mẹ Hợt, cả ba người cùng thốt ra những lời khó nghe.
Mọi người đều rất đau lòng rồi, anh Kiệt cảm thấy anh không nên đổ thêm dầu vào lửa bằng cách bênh vực bất kỳ ai cả.
Anh nắm tay chị Khuê, kéo chị ra ngoài đi dạo.
Chị Khuê lẽo đẽo bám theo chồng.
Khoảng nửa tiếng sau, chị thấy anh dừng lại ở trước chiếc cổng bằng gỗ màu nâu sẫm.
Anh mỉm cười đưa cho chị một chiếc chìa khoá.
Chị hiểu ý mở khoá đi vào bên trong, thoáng sửng sốt khi thấy một khu vườn rộng thênh thang, xung quanh vườn được bao bọc bởi tường đá rất vững chãi.
Ở chính giữa khu vườn, có một chiếc chòi ngắm sao bằng gỗ.
Trong vườn trồng rất nhiều chanh.
Không phải giống chanh cây lùn, quả có vỏ mỏng, màu xanh mướt trồng ở nhà chị đâu.
Ở đây toàn những cây chanh tán rộng, tụi nó cao hơn chị nhiều, nom rất giống với cây chanh trong giấc mơ của chị.
Quả chanh chín có vỏ dày, màu vàng óng ánh, bấm vào vỏ có mùi thơm nhẹ thoang thoảng, tinh khiết và dễ chịu vô cùng.
Chỉ là… chẳng hiểu sao khi ngửi mùi hương ấy… nước mắt chị lại vô thức rơi.
Tết năm ngoái, anh Kiệt mua lại khu vườn này của cô Đoán với giá ba trăm sáu mươi sáu triệu.
Đây là một cái giá hời, cô Đoán trước khi về hưu từng là Giáo sư ngành Kinh tế của một trường đại học nổi tiếng bên Mỹ nên cô không thiếu tiền cho lắm.
Cô bảo cô thấy được nhân duyên đặc biệt của anh Kiệt với khu vườn này nên bán rẻ cho anh.
Cô kể cho anh nghe về sự tích khu vườn chanh, rằng thì ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông xa nhà ba trăm sáu mươi sáu ngày, vợ anh ta vì mòn mỏi đứng đợi chồng dưới gốc chanh nên sinh bệnh.
Khoảnh khắc nghe thầy lang nói mạch của vợ mình đập rất yếu, e rằng lành ít dữ nhiều, anh ta giận tím người.
Anh ta chặt bỏ luôn cây chanh.
Buổi đêm, anh ta ở lại gian buồng của vợ.
Khi trời tờ mờ sáng, anh ta cáu kỉnh ra lệnh cho người hầu xây một chiếc chòi để ngắm sao ngay tại chỗ cây chanh từng nở hoa.
Hai chục trai tráng dốc sức làm việc nên chỉ đến chập tối, chiếc chòi bằng gỗ kiên cố đã được hoàn thiện.
Anh ta hồ hởi chạy vào trong buồng rủ vợ dậy đi ngắm sao với mình, nhưng đáp lại anh ta chỉ là tiếng gió xào xạc ngoài hiên.
Đôi mắt người đàn ông đỏ quạch, anh ta buồn bã khoác chiếc áo choàng cho vợ rồi bế cô ấy dậy, đưa cô ấy ra chỗ chiếc chòi gỗ.
Anh ta chỉ cho vợ chòm sao yêu thích của cô ấy, nhưng người vợ chẳng hề có bất kỳ phản ứng gì cả.
Đôi môi cô ấy trắng bệch, một giọt nước từ khoé mắt người đàn ông lặng lẽ rơi xuống đôi môi lạnh lẽo ấy, anh ta cúi xuống, áp môi mình lên nơi đó.
Anh ta ôm vợ thêm nửa canh giờ rồi mới đưa cô ấy về buồng nghỉ ngơi.
Sau khi người đàn ông trở về biệt phủ, đây chính là đêm thứ hai vợ anh ta chào đón anh ta bằng sự tĩnh lặng.
Sang đêm thứ ba, trên đường đưa vợ ra chòi ngắm sao, tình cờ anh ta nghe thấy tiếng hai đứa người hầu thỏ thẻ tám chuyện với nhau ở đằng sau bụi chuối:
- Khổ thân mợ cả, mày nhể? Từ hồi hè sảy thai xong cơ thể mợ đã yếu đi nhiều rồi.
- Ừ, cũng tại vụ đó mà mợ buồn nhiều, mợ không những bị mất ngủ mà còn khóc suốt thôi, mày nhớ không?
- Điên à mà không nhớ? Bởi vậy nên mợ bệnh từ mùa thu rồi chứ có phải bây giờ mới bệnh đâu.
Người đàn ông sốc.
Anh ta quát lớn:
- Tụi bay nói linh tinh cái quái gì vậy? Mợ cả sảy thai khi nào? Có bầu lúc nào?
Hai đứa người hầu lấm lét đi ra quỳ trước mặt cậu.
Một đứa nhỏ nhẹ thưa chuyện:
- Dạ.
Bẩm cậu, cậu đi một tháng thì mợ có tin vui.
Mợ viết thư rồi gửi người đem xuống trấn Đoài để báo hỷ cho cậu.
Con nhớ khi ấy mợ mong thư hồi âm ghê lắm, cơ mà hình như cậu không viết thư trả lời.
Đoạn, nó quay sang huých tay đứa kia, hỏi han:
- Mày thấy tao nói có phải không?
Đứa kia đáp:
- Mày nói rất là chuẩn rồi.
Cậu không có hồi âm chi hết.
Tháng ba, mợ bị sảy thai.
Mợ khóc cạn nước mắt.
Mợ viết cho cậu có một lá thư thôi mà cứ bị nước mắt làm nhoè hoài, phải viết đi viết lại cả chục lần.
Rồi mợ lại nhờ người ta gửi thư xuống trấn Đoài, nhưng cậu cũng không hồi âm đấy ạ.
Cậu thấy con nói có chuẩn không ạ?
Người đàn ông cáu ầm ĩ:
- Chuẩn chuẩn cái đầu nhà tụi bay! Cậu có nhận được cái lá thư khỉ gió nào đâu mà hầm với chả ôi.
Một lũ ngu! Không thấy cậu hồi âm thì phải đưa mợ đi tìm cậu chứ! Cậu nuôi báo cô tụi bay thế hả?
- Bẩm cậu.
Oan cho tụi con quá! Tụi con từng rủ mợ xuống trấn Đoài tìm cậu, nhưng mợ bảo nếu như cậu muốn mợ xuống dưới đó thì ngay từ đầu cậu đã đem theo mợ rồi.
Cậu… có lẽ… chỉ muốn mợ ở nhà đợi cậu thôi.
- Cút! Tụi bay cút hết đi!
Người đàn ông giận dữ quát người hầu.
Tụi nó chạy biến.
Người đàn ông rầu rĩ bế vợ ra chòi ngắm sao.
Anh ta chợt nhớ vào cái đêm trước khi mình xa nhà, sau khi mặn nồng với vợ, anh ta dựa đầu vào vai cô ấy, khẽ thủ thỉ:
- Nửa năm sau, nàng đứng đợi ta dưới gốc chanh, như vậy ta sẽ nhìn thấy nàng từ rất xa.
Lời nói tuỳ hứng, ở dưới trấn Đoài nhiều việc, anh ta quên khuấy mất, còn người vợ thì vẫn luôn ghi nhớ.
Anh ta khổ sở đưa tay vào trong tấm áo choàng, lật chiếc yếm đào lên rồi áp lòng bàn tay ấm áp của mình lên bụng cô ấy.
Nơi đây, vốn đã từng có một sinh linh bé bỏng… là máu mủ của bọn họ, nhưng bây giờ đã không còn nữa.
Dù cho là tin hỷ hay tin dữ thì anh ta cũng không hề ở bên cạnh để chia ngọt sẻ bùi cùng vợ.
Cổ họng anh ta nghẹn đắng, trái tim anh ta đau đớn tột cùng.
Đêm thứ tư, trời đổ mưa rào.
Người đàn ông bế vợ đứng bên cửa sổ, dịu dàng hỏi cô ấy:
- Nàng có hay không nghe thấy tiếng mưa rả rích, buồn đến tê tái cõi lòng?
Người vợ không trả lời.
Người đàn ông u uất đặt vợ nằm trên giường.
Ánh nến dịu nhẹ hắt lên gương mặt nhỏ nhắn của cô ấy.
Vợ anh ta có hàng lông mày dày, đen nhánh, lông mi cong vút, chỉ tiếc rằng, làn da trắng hồng, mịn màng trước kia giờ đã chuyển sang màu nhợt nhạt.
Anh ta quỳ xuống dưới nền nhà, nắm tay người vợ rồi áp mặt lên bụng cô ấy, chua xót hỏi:
- Ở chỗ này… khi đó… vào mùa hè… từng rất đau đớn… phải không?
Vẫn không một lời hồi đáp, anh ta gào lên:
- Nàng làm cách nào để có thể chịu đựng?
Người vợ vẫn im lặng khiến anh ta nổi nóng:
- Xin nàng đừng giày vò ta nữa! Hoặc là nàng trả lời ta, hoặc là ta bóp chết nàng! Nàng chọn đi!
Người vợ không đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào cả.
Người đàn ông giận điên người.
Trong lúc cảm xúc ngổn ngang, anh ta ra sức hôn lên bụng người vợ, vừa hôn, vừa mất bình tĩnh nói năng lắp bắp:
- Ta… ta… xin… lỗi… ta… sai… rồi.
Nàng… đau… ở… những đâu? Ta… đền… cho… nàng…
Đêm thứ năm, người vợ có tỉnh lại một lát.
Cô ấy ho ra rất nhiều máu.
Cô ấy nhìn người đàn ông chảy nước mắt, sau đó lại lịm đi mà không kịp nói gì với chồng.
Mặc dù người chồng đã kể rất nhiều chuyện cho vợ nghe, nhưng đêm hôm đó, người vợ không tỉnh lại thêm bất cứ một lần nào nữa.
Đêm thứ sáu, khi người hầu dâng chén thuốc lên, người đàn ông theo lệ cũ đỡ vợ dậy, để vợ nằm dựa vào người mình rồi dùng tay ép vào má vợ.
Người hầu hiểu ý đút thuốc vào miệng cô ấy.
Nhưng lạ thay, mới chỉ uống được vài thìa thuốc, môi người vợ đã tím ngắt, ở đuôi mắt chảy ra một giọt máu đỏ.
Người đàn ông hoảng sợ cực độ.
Anh ta hắt bát thuốc xuống đất.
Mặt người hầu tái mét, nó vội vã quỳ xuống trình bày:
- Bẩm cậu, bữa nay, cá trong hồ tự dưng nổi lềnh bềnh hết lên mặt nước, lợn kéo nhau đi cả đàn, có mấy con quạ đen bu kín góc sân nên mợ hai nhỡ miệng phỏng đoán phủ ta sắp gặp đại hạn.
Bu cậu liền đổ ngay cho mợ cả, tại mợ cả bệnh lâu nên mới đem lại xúi quẩy.
Bà kêu mợ cả chịu đau đớn suốt một thời gian dài kể cũng đáng thương, thôi thì bà làm phúc cho cả phủ ta, bà sai con dâng chén thuốc ấm qua phòng mợ.
Cạn chén thuốc này, mợ ra đi thanh thản, phủ ta thì tránh được đại hạn, một công đôi việc ạ..
Bình luận truyện