Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 21: Đau đớn giảng lời Thiền truyền kinh lánh nạn Thê lương kể chuyện xưa mượn rượu tiêu sầu



Bốn cao thủ tạo thành thế ỷ giác, bao vây thầy trò Bản Vô ở giữa. Nếu luận về võ công thực sự, Bản Vô dù một địch bốn, không thể nắm chắc phần thắng cũng có thể chống cự nổi. nhưng không may ông ta đã trúng độc khổng tước đảm, một hồi sau mắt dần tối sầm, người đau như kim chích. Bản Vô hít một hơi, đè độc khí xuống, quát lớn một tiếng quét cây phất trần cuộc vào cây tị vân trợ của Hàn Trọng Sơn, Liễu Ân đã quét cây thiền trượng tới, Bản Vô lách người, vỗ một chưởng đánh bay Hàn Trọng Sơn ra ngoài, Thiên Diệp Tản Nhân vội vàng phóng tới đẩy chưởng, Bản Vô đã nhảy ra từ chỗ trống, trận thế của bọn Liễu Ân đại loạn, khi y hợp vây trở lại, Bản Vô đã nhảy đến rìa trướng.

Ấn Hoằng là đại đệ tử của Bản Vô, võ công đương nhiên không kém, nhưng so với bọn Liễu Ân thì còn thấp một bậc, ông ta đi sát theo sau Bản Vô đại sư, chỉ sai một bước đã bị Thiên Diệp Tản Nhân chặn lại. Bản Vô nghe phía sau có tiếng quyền chưởng giao nhau, trở tay đánh lại một chưởng, Thiên Diệp Tản Nhân chạy ra đứng góc phía Tây, đợi thầy trò Bản Vô đại sư hợp lại, cả bốn người lại tạo thành thế cậy giác.

Bốn người lại vây đánh một hồi, càng lúc càng gấp. Cây thiền trượng của Liễu Ân tựa như con quái mãng chặn ở trung lộ; cây tị vân trợ của Hàn Trọng Sơn quét ngang bổ dọc, chặn Ấn Hoằng; Thiên Diệp Tản Nhân và Đổng Cự Xuyên tấn công hai bên cánh, khiến Bản Vô không thể nào đối phó riêng từng người. Đấu một hồi, Bản Vô toát mồ hôi trán, biết không xong, chợt quát: “Ấn Hoằng, hôm nay ta chết ở đây, con về Tung Sơn báo với sư thúc, cứ mặc ta!” rồi đột nhiên phát hai chưởng về phía Đổng Cự Xuyên, Đổng Cự Xuyên mới trúng một chưởng, công lực đã giảm xuống, y nào dám tiếp, thế là lách người, cây thiền trượng của Liễu Ân đã quét thẳng tới, bổ vào đầu của Bản Vô. Lúc này Bản Vô vung cây phất trần chặn Thiên Diệp Tản Nhân, tay trái đánh lui Đổng Cự Xuyên, chưa kịp rút chiêu, xem ra muôn phần khó thoát!

Ngay lúc này, Bản Vô hích qua một cái, bốp một tiếng, cây thiền trượng của Liễu Ân tựa như đánh vào tấm sắt bật lên trở lại, Bản Vô quát lớn một tiếng lướt qua đầu Thiên Diệp Tản Nhân, bay thẳng về phía Niên Canh Nghiêu!

Bọn Liễu Ân cả kinh, bốn người quay trở lại, Bản Vô quát: “Ấn Hoằng chạy mau!” Ấn Hoằng hơi chần chừ, chỉ nghe Bản Vô lại quát: “Ngươi muốn ta chết mà không ai biết sao?” lúc này, Niên Canh Nghiêu đã lẩn vào trong trướng, Bản Vô vừa gầm thét vừa đuổi theo vào bên trong. Ấn Hoằng khựng người, tên hiệu úy bên trong trướng vung đao chặn ông ta lại. Ấn Hoằng nghiến răng, gầm lớn một tiếng giật một cây trường thương, quát: “Sư phụ, con đi đây!” rồi cây trường thương múa tít, đâm trái chọc phải tựa như mưa. Bọn hiệu úy võ nghệ thấp hơn, làm sao có thể chặn nổi? chỉ trong chốc lát ông ta đã xông ra ngoài. Bọn Liễu Ân đuổi theo sau Bản Vô, Niên Canh Nghiêu ném cái ghế ra ngoài!

Bản Vô đại sư vỗ hai chưởng bốp bốp đánh cái ghế vỡ nát, Liễu Ân vung cây thiền trượng điểm vào lưng ông ta, Bản Vô quát lớn một tiếng, quét cây phất trần cuộc lại, dù Liễu Ân thực lực kinh người nhưng cũng không khỏi rê nửa bước. Thiên Diệp Tản Nhân đẩy hai chưởng ra, vốn là tiếp chưởng trái của Bản Vô đại sư, Đổng Cự Xuyên và Hàn Trọng Sơn ở phía hai bên tấn công tới, Bản Vô rút chưởng trái, Thiên Diệp Tản Nhân loạng choạng, suýt nữa đã ngã xuống. Liễu Ân trầm cây trượng xuống, Bản Vô đã rút cây phất trần ra đánh về phía Hàn Trọng Sơn!

Niên Canh Nghiêu kêu lớn: “Đừng sợ, y đã uống độc khổng tước đảm, không sống nổi đâu!” Thiên Diệp Tản Nhân múa chưởng đến cứu sư huynh! Không đầy ba chiêu, lại bị Bản Vô đại sư đánh văng ra hơn một trượng!

Bản Vô đại sư buông giọng cười lớn: “Niên Canh Nghiêu, ngươi giỏi lắm!” dù Niên Canh Nghiêu là một tên kiêu hùng cũng không khỏi khiếp vía. Niên Canh Nghiêu thầm nhủ: “Ngươi tuy có ơn với ta, nhưng Tứ bối lạc sẽ san bằng chùa Thiếu Lâm, ta phải trừ ngươi trước”. Nhưng y lại không dám đứng xem nữa mà lui ra phía sau.

Trong tiếng cười rộ, Bản Vô nổi giận cùng cực, liên tục ra đòn sát thủ! Hàn Trọng Sơn đang đánh đến chiêu Khai Sơn Phá Thạch, Bản Vô đại sư chợt quát lớn một tiếng, hích vai lên, chịu một trượng của Liễu Ân, chưởng trái vẫy ra, đánh bay cây tị vân trợ của Hàn Trọng Sơn! Đổng Cự Xuyên đang phát chiêu ở sau lưng, Bản Vô đẩy chân trái về phía trước, quát: “Đi!” đánh Hàn Trọng Sơn lăn một vòng, cây phất trần từ vai quét ngược trở lại, cuộn cổ tay của Hàn Trọng Sơn. Liễu Ân vội vàng giải cứu, Bản Vô đột nhiên xoay người, giở Hàn Trọng Sơn lên, đưa về phía cây thiền trượng của Liễu Ân, Liễu Ân kinh hoảng rụt tay, chỉ nghe Bản Vô quát: “Đi!” rồi dùng lực quét một cái, ném Hàn Trọng Sơn ra ngoài trướng!

Trong khoảnh khắc điện chớp lửa xẹt ấy, Bản Vô liều mình tiếp hai trượng, đánh trọng thương Đổng Cự Xuyên và Hàn Trọng Sơn, khiến cả hai ngã xuống đất ngất lịm đi! Liễu Ân và Thiên Diệp đều kinh hãi. Bản Vô cười ha hả, quét cây phất trần và đầu Thiên Diệp Tản Nhân, Thiên Diệp vội vàng tung người vọt ra, Liễu Ân quét một trượng tới, Bản Vô phất tay phải, sau khi phất trần đánh ra, Thiên Diệp Tản Nhân không ngờ rằng ông ta còn mạnh như thế, kêu thảm một tiếng ngã ngay tại trận! Lúc này Liễu Ân vừa mới đánh tới một trượng. Bản Vô đỡ tay trái lên, quát: “Trúng!” tay phải giở lên tóm được cây thiền trượng của Liễu Ân, Liễu Ân bị kéo qua, y vội vàng buông tay toan bỏ chạy, Bản Vô tung người đá trúng một cước vào ngực của Liễu Ân, Liễu Ân bay ra ba trượng, ói ra một ngụm máu rồi ngã xuống đất.

Bản Vô đại sư cười ha ha, đột nhiên ngồi xuống đất, Niên Canh Nghiêu nghe thế kinh hãi, không dám bước ra nữa, bọn hiểu úy của sợ đến mất mật! Tiếng cười của Bản Vô chợt yếu dần, đột nhiên gục đầu xuống, miệng lẩm nhẩm: “Niên Canh Nghiêu ngươi giỏi lắm, Niên Canh Nghiêu ngươi giỏi lắm! Ngươi giỏi lắm...” tiếng nói dần dần nhỏ đi. Một hồi sau, có một tên lính lớn gan khẽ bước tới, lấy tay đẩy ông ta, Bản Vô chẳng hề nhúc nhích. Tên lính sờ vào ngực chợt kêu lớn: “Lão ác hòa thượng đã chết!” Niên Canh Nghiêu nghe thế bước ra mà chẳng dám bước tới gần, tên lính này bẩm: “Đại soái, lão ác hòa thượng đã chết!” Niên Canh Nghiêu chợt khóc lớn, nói với Nhạc Chung Kỳ: “Canh Nghiêu vì nước quên tình riêng toàn trung không thể tận nghĩa. Hòa thượng này tuy không phải là sư phụ của tôi, nhưng tôi đã được ông ta chỉ điểm võ nghệ; nay ông ta mưu đồ cướp phản tặc tôi không thể không giết, nhưng trong lòng vẫ thấy bất nhẫn”. Nói xong thì lau nước mắt, căn dặn bọn lính: “Mua một cỗ quan tài tốt để hậu táng cho ông ta”. Nhạc Chung Kỳ thầm nhủ: “Ngươi bày trò mèo khóc chuột cho ai xem?” từ đó y càng thấy rõ lòng dạ của Niên Canh Nghiêu, bởi vậy càng thêm giới bị.

Bọn Liễu Ân bị thương rất nặng, Thiên Diệp Tản Nhân bị chui phất trần đâm vào be sườn, bị thương càng nặng hơn. Niên Canh Nghiêu ra lệnh cho thủ hạ cứu tỉnh bọn họ, ai nấy đều rên ư ử chẳng nhúc nhích nổi. Cây thiền trượng của Liễu Ân bị Bản Vô đại sư bẻ cong vòng, vừa mới tỉnh dậy đã giận đến nỗi ngất đi. May mà bốn kẻ này công lực rất thâm hậu, tuy bị trọng thương nhưng vẫn không mất mạng, Niên Canh Nghiêu là đệ tử của Chung Vạn Đường, rất giỏi y lý, ra lệnh đưa bọn họ vào phòng kín chữa trị, đồng thời nghĩ cách đối phó với chùa Thiếu Lâm.

Bọn Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì nấp trong nhà Xa Đỉnh Phong, Xa Đỉnh Phong vừa mới thuyên giảm, Lữ Tứ Nương không phải trúng độc châm, dùng đá nam châm hút ra nghỉ ngơi hai ngày cũng đã đi lại như thường. Hôm nay họ đang ngồi trò chuyện trong nhà chợt có người vào báo: “Có một nhà sư áo quần rách rưới, mặt đầy máu xin được gặp Cam đại hiệp”. Cam Phụng Trì vội chạy ra mở cửa, một nhà sư loạng choạng xông vào, té sấp xuống đất, Cam Phụng Trì lật lên nhìn, thấy không phải là Bản Vô đại sư, Lộ Dân Đảm vừa bước ra đã kêu lớn: “Ấn Hoằng sư huynh, làm sao thế?” rồi vội vàng lấy nước lạnh phun cho ông ta tỉnh dậy. Ấn Hoằng khóc lớn: “Sư phụ của tôi e rằng đã gặp độc thủ!”

Lữ Tứ Nương lòng đau như cắt, vội hỏi sự tình. Ấn Hoằng kể lại mọi chuyện, Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì nổi giận nói: “Hừ, nếu Bản Vô đại sư có việc gì, chúng ta thề trả thù cho người”. Ấn Hoằng nói: “Niên Canh Nghiêu đang nắm đại quân, trong trướng cao thủ như mây, e rằng không dễ báo thù! Tôi muốn nghỉ ngơi rồi quay trở về Tung Sơn, báo cho chủ trì Phương trượng biết chuyện này”. Cam Phụng Trì nói: “Được, tôi đưa đại sư về Tung Sơn”.

Đêm hôm ấy, người của Xa Đỉnh Phong quay về báo tin Bản Vô thật sự đã chết, mọi người đau buồn lập bàn thờ. Đang lúc đó, chợt nghe tiếng “đinh đinh” từ xa vọng tới, Cam Phụng Trì đẩy cửa ra nhìn. Thọ Sương thư viện nằm ở chân núi, gió núi đưa tới càng rõ ràng hơn, Cam Phụng Trì lên cao nhìn ra, không thấy bóng người, đang ngạc nhiên chợt nghe tiếng chuông lại vang lên, có một bóng người xuất hiện ở eo núi, chỉ trong chớp mắt đã lên đến lưng chừng núi. Cam Phụng Trì cả kinh kêu: “Bát muội!” nói chưa dứt lời, người ấy đã ở trước mặt, đó là một lang trung giang hồ tay cầm gậy, râu dài ba chòm, người ấy hỏi Cam Phụng Trì: “Xa Đỉnh Phong lão tiên sinh có ở đây không?” Lữ Tứ Nương và Xa Đỉnh Phong từ trong bước ra, nhưng chẳng nhận ra người đó là ai. Cam Phụng Trì lấy làm nghi ngờ, đang định hỏi dò, Xa Đỉnh Phong nhìn thấy cây gậy trong tay ông ta, chợt kêu lớn: “Có phải Võ lão tiền bối đấy không?”

Lang trung giang hồ ôm quyền nói: “Tiểu sinh họ Võ, lão tiên sinh làm sao biết?” Xa Đỉnh Phong nói: “Lý công tử đã từng nhắc”. Lang trung nói: “Té ra tôn giá chính là Xa tiên sinh”. Xa Đỉnh Phong nói: “Không dám, lão tiền bối có gặp Lý công tử chưa?” lang trung lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn Cam Phụng Trì và Lữ Tứ Nương. Xa Đỉnh Phong vội vàng giới thiệu cho họ biết, Cam Phụng Trì nghe nói người này chính là Võ Thành Hóa, vội vàng lấy lễ vãn bối ra tham kiến, Võ Thành Hóa nói: “Từ lâu đã nghe danh Giang Nam đại hiệp, tôi và lệnh sư tuy có gặp mặt một lần nhưng môn hộ không liên quan với nhau, chi bằng chúng ta cứ coi như bằng vai phải lứa”. Cam Phụng Trì không chịu, Võ Thành Hóa đành nhận lễ rồi theo mọi người vào Thọ Sương thư viện.

Ngồi xuống xong xuôi, Võ Thành Hóa nói: “Lý Trị có ở đây không?” Xa Đỉnh Phong nói: “Chúng tôi đang tìm y”. Võ Thành Hóa nói: “Thằng bé này thật chẳng biết điều, tôi khó khăn lắm mới cứu được nó ra, bảo nó đừng đi lại tùy tiện, thế mà chớp mắt đã chạy mất”. Xa Đỉnh Phong ngạc nhiên hỏi: “Chuyện là thế nào?” Võ Thành Hóa kể lại mọi chuyện. Lữ Tứ Nương nói: “Ồ, Lý công tử quả nhiên đã đi tìm chúng tôi. Còn tiểu cô nương kia thì sao?” Võ Thành Hóa nói: “Tôi chẳng thấy tiểu cô nương nào cả”.

Rồi ông ta nhắp một ngụm trà, nói tiếp: “Hắn bỏ đi mà chẳng để lại nửa dòng thư, tôi tưởng rằng hắn đến Thọ Sương thư viện tìm cô nương!”

Xa Đỉnh Phong và Cam Phụng Trì nhìn nhau lo lắng, Lữ Tứ Nương nói: “Lý công tử rất thông minh, kiếm thuật lại cao chắc không có chuyện gì xảy ra”.

Võ Thành Hóa ở lại Thọ Sương thư viện mấy ngày chờ đợi mà vẫn chẳng có tin tức của Lý Trị.

Mấy ngày sau, Niên Canh Nghiêu cũng đã rút quân đi, lúc này họ vẫn chưa nhận được tin tức gì của Lý Trị. Võ Thành Hóa thở dài nói: “Xem ra chỉ đành nhờ bằng hữu trên giang hồ tìm hộ”. Cam Phụng Trì nói: “Ở miền Giang Nam tôi sẽ dốc sức”. Võ Thành Hóa nói: “Tôi muốn về quê của Niên Canh Nghiêu, đem xác của Chung Vạn Đường chôn nơi khác”.

Cam Phụng Trì nói: “Còn chúng tôi đưa Ấn Hoằng đại sư về Tung Sơn, vậy sẽ đi cùng đường với tiền bối”.

Hôm sau, bọn Cam Phụng Trì từ biệt Xa Đỉnh Phong, hộ tống Ấn Hoằng về núi, Võ Thành Hóa đi cùng họ đến huyệt Đăng Phong thì chia tay.

Tới chân núi Thiếu Thất, Hoằng Pháp đại sư đích thân ra nghênh đón, Hoằng Pháp là cao tăng chủ tọa chưởng kinh đường, đại vị chỉ kém Thiếu Lâm tam lão, Ấn Hoằng vội vàng chạy đến tham kiến. Hoằng Pháp đại sư sắc mặt nặng nề, khẽ nói: “Chủ trì đã biết tin xấu”. Ấn Hoằng nói: “Xin sư thúc bẩm hộ cho chủ trì, đệ tử Ấn Hoằng muốn gặp”. Hoằng Pháp nói: “Chủ trì đang giảng kinh ở Đạt Ma viện, ta đã để sẵn chỗ ngồi cho ngươi, ngươi hãy đến nghe, lần này e rằng có lẽ là lần giảng kinh cuối cùng của người ở bổn tư”.

Hoằng Pháp đại sư ngồi nói chuyện cùng khách, Ấn Hoằng đại sư lẳng lặng vào Đạt Ma viện ngồi xuống, chỉ thấy hai mươi đại đệ tử đang ngồi lắng nghe.

Ấn Hoằng vừa mới bước vào, Vô Trú thiền sư nói: “Mời Cam đại hiệp vào đây”. Một hồi sau, tri khách tăng đưa Cam Phụng Trì vào, Vô Trú thiền sư cung tay nói: “Cam đại hiệp nghĩa khí ngất trời, từ xa đến báo tin, chùa Thiếu Lâm chúng tôi rất cảm kích”. Cam Phụng Trì vội vàng trả lễ nói: “Bản Vô đại sư là một bậc tôn sư, thế mà bị ám hại, Phụng Trì đang ở Hàng Châu, không thể đến giúp đỡ thật là hổ thẹn”. Vô Trú thiền sư nói: “Kẻ kiêu hùng đang nắm quyền, một người khó tránh nổi hào kiếp, Bản Vô sư huynh tuy chết nhưng sự việc chỉ e vẫn chưa kết thúc!” Cam Phụng Trì im lặng không nói, Vô Trú nói: “Dận Trinh và Niên Canh Nghiêu ra khỏi Thiếu Lâm, nếu Dận Trinh lên ngôi báu, có Niên Canh Nghiêu giúp đỡ, chắc chắn Thiếu Lâm sẽ gặp đại kiếp”. Cam Phụng Trì nói: “Chả lẽ không có cách nào cứu vãn hay sao?” Vô Trú nói: “Trừ phi thay thời đổi thế, nếu không khó tránh trận hào kiếp”. Cam Phụng Trì nói: “Chắc là phải làm phản!” chỉ thấy Vô Trú thiền sư hai mắt sáng quắc, nhìn ra xa, biết ông ta đang trầm tư nên chàng không dám nói gì cả. Một hồi sau, Vô Trú chép miệng nói: “Bắt đầu từ ngày mai người trong chùa Thiếu Lâm sẽ dần dần tản đi, ta muốn đến Phổ Điền ở Phúc Kiến và Nam Hải ở Quảng Đông dựng lại cơ nghiệp, sau này e rằng sẽ nhờ đến Cam đại hiệp”. Cam Phụng Trì nói: “Nếu thiền sư cần gì cứ sai khiến”.

Bọn Cam Phụng Trì ở chùa Thiếu Lâm được vài ngày, thấy người trong chùa bận rộn liền từ biệt. Sau khi xuống núi, Lữ Tứ Nương nói: “Muội nghe Hoằng Pháp đại sư nói Tăng Tịnh đã đếnBắc Kinh”. Bạch Thái Quan nói: “Dù sao chúng ta cũng trở về Hà Nam, sao không lên Bắc Kinh một chuyến”. Tăng Tịnh là môn sinh đắc ý của Lữ Lưu Lương, mấy mươi năm qua phiêu bạt phong trần, mưu đồ phục quốc, là bằng hữu vong niên với Nghiêm Hồng Quỳ, Thẩm Tại Khoan. Cam Phụng Trì nói: “Tôi và Quan Đông tứ hiệp cũng có hẹn ở Bắc Kinh, đi thì đi, nhưng mọi người phải cẩn thận”.

Thu qua đông tới, thời gian đổi dời, lên đến kinh thành đã là thời tiết trọng đông, tuyết rơi như lông ngỗng bay. Mọi người vào cửa thành, chợt thấy có một toán Lạt ma đang đi đến hoàng cung. Họ nấp vào mái một căn khách sạn, nghe người trong khách sạn bàn rằng: “Nghe nói Hoàng đế đang bị bệnh, bởi vậy mời đại Lạt ma ở Tây Tạng đến niệm kinh”. Lữ Tứ Nương giật mình, nhưng lại không nói gì, đợi bọn Lạt ma đi qua mới khẽ nói với Cam Phụng Trì: “Chúng ta đến thật hợp lúc, có lẽ Dận Trinh sắp lên ngôi!” Cam Phụng Trì nói: “Huynh nghe bằng hữu trên giang hồ đồn rằng, mười mấy đứa con trai của Khang Hy đang đấu đá lẫn nhau, chưa chắc Dận Trinh sẽ lên ngôi”. Lữ Tứ Nương nói: “Dận Trinh suy tính đã lâu, thu nạp nhiều kỳ nhân dị sĩ, các bối lạc khác không phải là đối thủ của y”. Cam Phụng Trì cười nói: “Dù ai lên ngôi cũng chẳng có lợi cho người Hán chúng ta, cần gì phải nhọc lòng mà đoán”.

Cam Phụng Trì tuy chưa đến Bắc Kinh nhưng có nhiều bằng hữu ở đây. Nghe chàng đến, rất nhiều người mời chàng đến nhà, Cam Phụng Trì từ chối, chỉ ở khách sạn. Lữ Tứ Nương nói: “Tuy chúng ta đã thay đổi dung mạo nhưng không thể ở mãi trong khách sạn”. Cam Phụng Trì nói: “Huynh đoán còn có một người nữa mời đến chúng ta”. Lữ Tứ Nương hỏi là ai, Cam Phụng Trì cười rằng: “Có nói muội cũng không biết. Nhưng muội đã từng gặp sư phụ của người này”. Cam Phụng Trì chỉ cười chứ không hỏi nữa. Quả nhiên ba ngày sau, tên tiểu nhị vào báo có một nhà sư đến hóa duyên.

Cam Phụng Trì bảo mời ông ta vào. Một hồi sau, tên tiểu nhị dắt theo một hòa thượng sắc mặt xanh xao, trông khoảng năm mươi tuổi. Cam Phụng Trì đứng ở cửa cười ha hả: “Tôi còn tưởng là ai, té ra là ông. Sao ông làm hòa thượng thế?” người ấy nói: “Tôi đến đây hóa duyên!” thế rồi bọn Cam Phụng Trì trả tiền, cùng hòa thượng ấy ra ngoại ô.

Lúc này Cam Phụng Trì mới giới thiệu cho bọn chúng quen biết nhau. Té ra hòa thượng này tên gọi Chúc Gia Thụ, là truyền nhân duy nhất của Võ Thành Hóa. Đi một hồi, đến Tây Sơn, hòa thượng đi trước dẫn đường, bước đến một ngôi chùa tồi tàn ở chân núi, cười nói: “Đây là nơi ở của tôi”.

Hòa thượng quét sơ bụi, lấy ra hai cái hồ lô đựng đầy rượu, Cam Phụng Trì hỏi: “Còn chưa hỏi pháp hiệu của ông?” hòa thượng nói: “Tôi đã tự đặt cho mình một pháp danh, tên là Lãnh Thiền”.

Số là Chúc Gia Thụ vào cung tìm ý trung nhân nhưng thất bại, bởi vậy mới nhụt chí cạo đầu làm hòa thượng. Nhưng ông ta lại không biết ý trung nhân của mình đã chết nên tuy làm hòa thượng mà vẫn không nỡ rời khỏi Bắc Kinh.

Họ ở tại ngôi chùa ấy mấy ngày, một buổi tối nọ Lãnh Thiền vào Bắc Kinh trở về, báo rằng Hoàng đế Khang Hy đang bị bệnh, Thập tứ bối lạc đã trở về kinh đóng quân ở ngoài thành. Y còn bày hai lôi đài ở chùa Hộ Quốc để tuyển những người giỏi võ. Thế là bọn Cam Phụng Trì quyết định đến đấy xem sao.

Chùa Hộ Quốc là một trong những chùa lớn ở Bắc Kinh, vào những ngày lễ lớn rất náo nhiệt. Hôm nay tuy không phải là lễ lộc gì cả nhưng có rất nhiều người đến xem tỉ võ. Hôm nay là ngày tỉ thí đô vật, một tên võ sĩ Mông Cổ đứng trên đài, đánh cả nửa ngày mà chẳng ai hạ nổi y. Y toàn quay xuống, chợt một thiếu niên nhảy lên đài nói: “Ta xin lãnh giáo”.

Lữ Tứ Nương thất kinh, chàng thiếu niên này tuy đã thay hình đổi dạng nhưng giọng nói vẫn như cũ, nàng nhìn kỹ thì rõ ràng đó là Đường Hiểu Lan! Thầm nhủ: “Sao Đường Hiểu Lan lại đến đây?”

Võ sĩ Mông Cổ là tay giỏi đô vật, y nhìn Đường Hiểu Lan với đôi mắt khinh bỉ, hai tay tóm lấy tay của Đường Hiểu Lan, hai chân khuỳnh xuống, đầu gối hích về phía trước, quát: “Ngã!” Đường Hiểu Lan chẳng hề nhúc nhích, tên võ sĩ Mông Cổ thấy chân nhói lên một cái, đã bị Đường Hiểu Lan quật ngã xuống đất, y bật dậy nói: “Đây đâu phải là đô vật!” Đường Hiểu Lan nói: “Làm sao không phải? Rõ ràng ngươi đã bị ta quật ngã!” người xem bên dưới reo lên. Tên võ sĩ Mông Cổ rõ biết chàng không dùng thủ pháp đô vật nhưng cũng không biết tại sao tự nhiên mình bủn rủn tay chân, bị chàng quật xuống, tức giận nói: “Được, chúng ta thử lần nữa, nếu ngươi thật sự quật ngã ta, ta mới phục”.

Thật ra Đường Hiểu Lan không biết đô vật, lúc nãy chàng đã ngầm phất vào huyệt của tên võ sĩ Mông Cổ, bởi vậy mới quật ngã được y. Thấy y không phục, thầm nhủ: “Được, giờ đây ta sẽ quật ngươi”. Rồi chàng bắt chước tư thế của tên võ sĩ, hai chân khụy xuống, hai tay dang ra, nói: “Đến đây!” Tên võ sĩ Mông Cổ lao bổ tới, tóm chặt cổ tay của Đường Hiểu Lan. Lúc nãy Đường Hiểu Lan đã đứng xem bên dưới, thầm nhủ thuật đô vật cũng giống như thủ pháp Cầm nã, thế là chàng quyết định dùng chiêu số của y, tên võ sĩ Mông cổ này mạnh hơn Đường Hiểu Lan rất nhiều, y trầm cổ tay xuống, đầu gối hích về phía trước, rõ ràng là sắp quật ngã Đường Hiểu Lan, nào ngờ Đường Hiểu Lan rút tay ra trơ như cá chặt, người hơi lách qua, tay trái đẩy về phía trước, tay phải giật ra phía sau, chàng đã mượn lực đánh được, tên võ sĩ Mông Cổ bay xuống đài.

Chiêu này đúng là chiêu số lợi hại trong thuật đô vật, tên gọi là Tê Ngưu Vọng Nguyệt. Lúc nãy Đường Hiểu Lan đã học được từ tên võ sĩ này, lại ngầm dùng thêm nội kình, sử dụng thủ pháp Cầm Nã quật ngã y. Tên võ sĩ Mông Cổ bị chàng quật ngã, vốn tưởng rằng sức đầu mẻ trán, nào ngờ Đường Hiểu Lan ra tay rất vừa vặn, tựa như đẩy y xuống đất. Tên võ sĩ Mông Cổ phục lăn, giơ ngón tay cái: “Hay lắm!”

Đường Hiểu Lan mỉm cười, đang định lên tiếng, chợt một người nhảy lên, lạnh lùng nói: “Hay! Thuật đô vật pha lẫn thủ pháp Cầm nã, đúng là hiếm thấy, ta muốn tỷ thí với ngươi!” Đường Hiểu Lan thất kinh, chỉ trong chớp mắt người ấy đã thấy thủ pháp của chàng, chắc chắn là một đại hành gia. Chàng cung tay thỉnh giáo mới biết rằng y là giáo đầu của Thập tứ bối lạc tên gọi Vân Đại Bằng.

Đường Hiểu Lan không từ chối, thi lễ nói: “Xin mời Vân giáo đầu ban chiêu”.

Lữ Tứ Nương cũng lấy làm lạ, không biết Đường Hiểu Lan lên đánh lôi đài là có dụng ý gì.

Vân Đại Bằng thấy chàng ta khí định thần nhàn tựa như chẳng hề có chuyện gì, biết chàng là một nội gia cao thủ, thế là muốn thử công lực của chàng, tay phải xòa ra làm chưởng, tay trái nắm vào thành quyền, đẩy vù một chưởng tới trước ngực Đường Hiểu Lan, tâm chưởng cuộn vào trong, ngầm chứa Tiểu thiên tinh chưởng ngực, Đường Hiểu Lan trở tay đẩy ra một chưởng, chỉ cảm thấy chưởng ngực của đối phương đã thay đổi, không phải đẩy thẳng mà là kéo xéo, tay phải chàng vội vàng hất lên, hóa giải luồng câu kình của y, tay trái vẽ thành một vòng tròn đẩy vù ra, Vân Đại Bằng nói: “Hay!” rồi lách người, lao bổ đến chỗ trống bên mặt trái của Đường Hiểu Lan.

Lữ Tứ Nương thầm nói: “Hiểu Lan đã có tiến bộ nhiều”. Cam Phụng Trì ừ một tiếng, trong lòng rất không vui. Chàng ta chẳng đoán được ý của Đường Hiểu Lan như Lữ Tứ Nương, thầm nhủ: “Dù muốn thử võ nghệ của mình tiến bộ đến mức nào cũng không nên phô bày ở đây”.

Vân Đại Bằng thấy công lực của Đường Hiểu Lan tương đương với mình, y không dám coi thường, thế là năm ngón tay khép lại mổ vào sườn trái của Đường Hiểu Lan, chỉ pháp này được gọi là Điêu thủ, chuyên phá khí công nội gia, chỉ lực mạnh mẽ vô cùng; Đường Hiểu Lan xoay nửa vòng, cạnh chưởng dùng kình đẩy tới, quyền phải từ trong lòng tống ra, Vân Đại Bằng ngửa người ra phía sau, Đường Hiểu Lan đẩy chưởng trái, gạt điêu thủ của y qua một bên, đột nhiên tấn công, lách người đánh tới, chưởng trái lướt qua mặt quyền phải, quyền phải đấm vào mặt, chưởng trái chém xéo, Vân Đại Bằng lại kêu: “Hay!” rồi phá giải chiêu số hung hiểm của Đường Hiểu Lan, hai người vừa hợp đã phân, đôi bên đều giới bị.

Vân Đại Bằng kêu: “Tiếp nào!” rồi nhảy bổ lên, sau khi đôi bên thử chiêu, chưởng pháp đều thay đổi, Vân Đại Bằng xoáy hai cánh tay như bánh xay gió, tấn công về phía Đường Hiểu Lan. Loại chưởng pháp Phong Sa thủ này là do Quyền sư Địch Ngọc Đường sáng tạo, rất có lợi cho tấn công, Đường Hiểu Lan thối lui hai bước, hai tay vung lên dùng lối đánh trường quyền, tiếp hơn hai mươi chiêu, cảm thấy vất vả.

Lữ Tứ Nương nhíu mày, thầm nhủ: “Lẽ ra Đường Hiểu Lan chẳng kém gì kẻ này, nhưng sao lại không biết ứng phó với loại chưởng pháp này?” Một chốc sau, Đường Hiểu Lan đã bị đến mép đài, người xem gần mép đài vội vàng tản ra, nào ngờ Đường Hiểu Lan bốc người lên, lướt vù qua đầu Vân Đại Bằng, rồi chàng xoay người trở lại, chưởng pháp chợt thay đổi!

Người xem dưới đài reo ầm lên, Vân Đại Bằng thất kinh, chỉ thấy thủ pháp của Đường Hiểu Lan nhanh như gió, thủ pháp thần diệu kỳ ảo, chẳng thể nào lường nổi! Khi y tấn công tới phía đông, Đường Hiểu Lan đã lách tới phía tây, khi y đánh tới phía tây, Đường Hiểu Lan lại xuất hiện ở phía bắc tựa như đã hiểu rõ được chiêu số của y.

Số là Đường Hiểu Lan theo Dịch Lan Châu học được ba năm, chủ yếu là Thiên Sơn kiếm pháp, chưởng pháp thông mà không tinh. Tuy vậy, Thiên Sơn chưởng pháp rút tỉa tinh hoa của các nhà, chỉ cần vận dụng đúng đắn, đối phó với chiêu số của bất cứ nhà nào đều có thể không bại. Kinh nghiệm đối địch của Đường Hiểu Lan không nhiều, chưa từng thấy lối đánh kỳ lạ như Phong Sa thủ nên lúc đầu lọt xuống hạ phong. Đến sau khi hai ba mươi chiêu, chàng mới dần dần hiểu ra, thế là mới vận dụng Du Long chưởng trong Thiên Sơn chưởng pháp, chiêu khắc chế lối đánh sáp lá cà. Đường Hiểu Lan tuy chỉ học được mới năm thành nhưng vẫn dư sức đối phó với Vân Đại Bằng.

Đường Hiểu Lan càng đánh càng nhanh, Vân Đại Bằng đành quát dừng lại, bớt một tiếng, vai ra trúng một chưởng, may mà căn cơ của y rất tốt, người lại rắn chắc, chỉ lắc lư chứ không ngã xuống Đường Hiểu Lan kêu: “Đắc tội!” rồi thu hai chưởng lại, buông tay đứng chờ.

Người xem bên dưới reo ầm lên, một viên võ quan bước ra nói: “Vân Đại Bằng tôi xin tuyên bố cuộc đấu đô đài hôm nay kết thúc”.

Đường Hiểu Lan bước vào trướng, viên võ quan chìa tay ra nắm tay Đường Hiểu Lan, Đường Hiểu Lan chỉ thấy chưởng ngực của đối phương cực kỳ mạnh mẽ, năm ngón tay của chàng đau nhói. Người ấy cười ha hả, buông tay nói: “Quả nhiên là người có bản lĩnh!” rồi hỏi họ tên, Đường Hiểu Lan bịa ra một cái tên giả. Người ấy nói: “Tại hạ là Phương Kim Minh thống lĩnh cấm vệ quân của Thập tứ bối lạc, xưa nay xuất quân tây chinh, không thể kết giao với hào kiệt Trung Nguyên, xin đừng cười”. Đường Hiểu Lan nói: “Té ra là Phương thống lĩnh, thất kính!”.

Phương Kim Minh nói: “Xin tráng sĩ đợi một lát, để tôi bảo bọn chúng đem giải thưởng ra”. Đường Hiểu Lan nói: “Tôi thường ngưỡng mộ Thập tứ bối lạc là bậc anh hùng, lần này đến đây không phải để nhận thưởng”. Phương Kim Minh cười ha hả: “Xin mời vào trướng rồi hãy nói!” Thật ra Đường Hiểu Lan đã biết dụng ý dựng lôi đài của Thập tứ bối lạc, chàng hỏi như thế là cố ý che đậy cho mình.

Lại nói bọn Lữ Tứ Nương rất thắc mắc, đợi trước lôi đài rất lâu, chợt thấy Đường Hiểu Lan cùng một đám võ quan bước ra khỏi doanh trại, phóng lên lưng ngựa lao ra khỏi đám người, Cam Phụng Trì tức giận nói: “Chúng ta quay về!”.

Lữ Tứ Nương chẳng nói gì cả, sau khi về đến ngôi chùa của Lãnh Thiền, Cam Phụng Trì đang định lên tiếng, Lữ Tứ Nương đã cướp lời: “Muội thấy Đường Hiểu Lan không phải là người bán bạn cầu vinh!”

Cam Phụng Trì nói: “Bát muội, dầu sao y cũng là con rồng cháu phượng”. Lữ Tứ Nương nói: “Y sinh chưa đầy một tháng đã rời khỏi chốn cung đình, chúng ta làm sao có thể coi y như bối lạc của người Mãn Châu? Nếu y bán bạn cầu vinh, ngày trước khi gặp lại Hoàng đế y đã làm khác rồi”. Cam Phụng Trì nói: “Tuy là thế nhưng không thể không phòng”. Lữ Tứ Nương trả lời: “Tứ ca lo lắng không phải là không có lý, nhưng chúng ta phải đợi vài ngày rồi mới đoán chắc được”. Cam Phụng Trì nói: “Được, trong vòng ba ngày, ta sẽ dò la tin tức của y”.

Ba ngày sau, Cam Phụng Trì quả nhiên đem tin của Đường Hiểu Lan về, chàng ta bực dọc nói với Lữ Tứ Nương: “Ta đoán không sai, quả nhiên Đường Hiểu Lan đã theo Dận Đề, trở thành đô thống trong cận vệ quân của Dận Đề”. Lữ Tứ Nương nhíu mày, trầm tư một lúc lâu rồi nói: “Dầu là thế, chắc cũng có nguyên nhân khác”. “Không phải chuyện gì cũng nghĩ từ mặt tốt, trước kia ta đã biện hộ cho y, nhưng nay nếu y làm thế, chúng ta không thể coi y như trước”. “Vậy theo ý huynh phải làm sao?” “Nhân lúc y chưa nắm quyền lớn, hãy giết y!” “Giết y?” “Chả lẽ để cho y đủ lông đủ cánh hại chúng ta hay sao?” “Nhưng cũng phải gặp mặt y hỏi cho rõ ràng” “Bát muội cứ mềm lòng, thôi được nếu muội đã muốn gặp y, ngày mai chúng ta đến Minh Thập Tam Lăng”.

Minh Thập Tam Lăng nằm dưới chân núi Trường Thọ ngoại ô phía bắc của Bắc Kinh, đó là khu lăng mộ của mười ba vị Hoàng đế thời Minh, khu lăng mộ này nằm rải rác trong một thung lũng nhỏ khoảng một trăm dặm, ba mặt đông Tây bắc đều có núi che chắn, mặt phía nam tựa như cái loa hướng về bình nguyên Bắc Kinh, hai bên cái loa có hai quả núi đó là Long Sơn và Hổ Sơn tạo thành thế ôm lại. Gần mỗi khu lăng mộ đều có một thôn làng, thôn làng này lấy lăng làm tên, ví dụ thôn Vĩnh Lăng, thôn Lệ Lăng,... Sau khi người Mãn Châu nhập quan, cắt một phần Minh Thập Tam Lăng làm nơi săn bắn, người dân bình thường không được vào.

Sáng sớm hôm sau, Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì đến ngọn núi gần khu lăng mộ của Minh Thành Tổ chờ đợi. Khu lăng mộ này được gọi là Trường lăng. Trường lăng là kiến trúc to lớn nhất trong mười ba lăng mộ, tuy lăng mộ được liệt vào cấm khu nhưng từ trên núi nhìn xuống vẫn nhìn rất rõ ràng. Lữ Tứ Nương lên cao nhìn xa, không khỏi nhớ đến tình cố quốc, bất giác nước mắt tuôn trào.

Chính là:

Cố quốc sơn hà còn, đau lòng người mất nước.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện