Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 108: Phụng Hiệp (1)



Lúc quay trở lại thì ngã ba chợ có đám đông quay thành vòng tròn hứng thú nói cười. Hai đứa nhỏ chen vào xem, là Sơn Đông mãi võ. Gia đình này hơi quen, hình như là ba người biểu diễn ở Chợ Sông Lớn trước Tết. Bé gái vẫn giả trai đứng sau quầy bán hàng. Mấy tháng lang bạt làm da dẻ cô bé sạm đi. Đôi mắt đen hơn, mắt có vẻ to hơn, nhưng đuôi mắt vẫn có nét dịu dàng của nữ tử.

Gọi là Sơn Đông mãi võ vì những nhóm này đa số đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Họ biểu diễn võ thuật Sơn Đông cho mọi người xem. Sau đó giới thiệu rồi bán mấy loại thuốc gia truyền. Có nhóm còn tự làm bị thương rồi dùng thuốc để bà con tin công hiệu của thuốc. Thỉnh thoảng họ bán thêm mấy món đồ thiết yếu khác, hoặc bán trống, câu đối mấy ngày Tết. Các nhóm không sống cố định, họ lang bạt khắp các nơi.

Đứng xem một lát hai anh em ra về, Cơ ca ghé vào sạp mua rượu gạo. Mai quan sát xung quanh thêm lần nữa, vẫn chưa nghĩ ra cách bán gà vịt. Nhà ngoại có thể chịu vất vả đến đây bán gà vịt như hai sạp kia không? Đi gần hai canh giờ sợ là gà vịt mất sức, không bán được đem về sẽ phải tốn công nuôi mập lần nữa. Người lớn trong nhà còn lo làm ruộng, bán ghe. Việc đi lại này Hữu ca và Cơ ca khó xoay sở, cần kiếm cách khác mới được.

Mai dự dịnh chỉ ở lại nhà ngoại một hai tháng phụ giúp việc bán ghe. Những việc này cô chỉ có thể góp ý, các biểu ca phải tự lực mà làm. Cho nên trên đường về, ngồi trên ghe Mai cố tình diễn giải cho Cơ ca nghe và để bà ngoại, mợ hai cũng nghe.

– Muốn nuôi nhiều gà vịt, cần tìm cách bán ra đều đặn. Làng mình đa số đều có nuôi nên khó bán cho người trong làng. Không giống ở nhà muội trước đây.

Thấy a Cơ hơi rầu, Mai nói tiếp:

– Ca đừng nản. Từ từ nghĩ thêm.

– Ừ,

Miệng nói vậy nhưng hắn vẫn hơi thất vọng. Lần trước nghe thấy chuyện mấy anh em nhà Mai tích góp được tiền riêng, hắn rất thích. Nuôi gà vịt sao, hắn làm được; chỉ là phải có người mua mới được.

Mợ hai vừa chèo ghe vừa nghe hai đứa nói qua lại nãy giờ, cũng lên tiếng.

– Con lo học mặt chữ, tính tiền trước đi. Lỡ sau này bán được mà không biết tính tiền, bị người ta gạt còn không phải đáng lo hơn à.

Ha ha, ba bà cháu đều cười, mợ thiệt là!

Thời gian gần đây nhà Mai lo làm ăn, khấm khá lên làm cha nương và trượng phu vui mừng. Giờ còn giúp bên này mở tiệm bán ghe xuồng, là chuyện lớn. Rồi mấy đứa con trai học theo lo lắng việc nhà. Bà vui mừng nhìn con trai từng bước học hỏi, từ từ rồi hiểu chuyện hơn, sau này cuộc sống sẽ tốt.

A Bình đang tỉ mỉ đục bảng hiệu gỗ theo nét chữ viết bằng mực đen, chữ này là ông ngoại thuê lang y trong cửa tiệm dược ở trấn trên viết. Hắn đục sâu xuống nửa lóng tay rồi sơn màu đỏ lên là thành bảng hiệu đề ‘Phụng Hiệp’.

Đặt tên này vì người dân qua lại gọi ngả bảy sông này là ngả bảy Phụng Hiệp. Ông ngoại nói cũng không biết gọi vậy tự bao giờ. Người truyền người, miệng truyền miệng mà thành tên. Mai thì hớn hở trong bụng, Phụng Hiệp sẽ rất nổi tiếng trong nghề đóng ghe xuồng mấy trăm năm sau. Mình góp chút công, phải không?

Bà ngoại đã may xong phướn đỏ. Ngày mai giờ tốt sẽ kéo phướn, dựng bảng hiệu bắt đầu khai trương mua bán và sửa ghe xuồng.

Ông ngoại và cậu hai đã đi mời khách đến dự. Cha đang chỉ dẫn Sinh ca, Hữu ca làm mộc. Mỗi người đều có việc bận rộn mấy ngày nay. Tinh thần hưng phấn nên mệt nhọc bao nhiêu cũng không quản.

Sáng nay trời sắp mưa, mặt trời bị mây đen che lấp. Ông ngoại nhìn hướng đông vần vũ không lo lắng còn vui vẻ nói:

– Mưa đến giờ tốt là may mắn. Ta ra bên kia chuẩn bị tiếp khách.

– Dạ.

Cậu hai và cha đã ra cửa tiệm trước. Sinh ca và Bình ca đang chuyển thức ăn lên ghe đáp lời ông rồi khẩn trương chạy tới lui. Nhóm đàn bà con gái đều ở trong nhà, nấu nướng xong, dọn dẹp rồi hồi hộp chờ tin tức ngoài cửa tiệm. Dì năm cập ghe vào cầu nước, tươi cười bước lên nói:

– Cúng xong rồi nương, ngoài đó đông khách lắm.

– Vậy à? Con và con rể đến lúc nào? Abbott & Mosley Cream Carrara– Dạ, tụi con đến từ sớm, chờ cha cúng xong mới dẫn khách vào. Có người quen muốn đến xem cái ghe nhỏ, đang thương lượng với cha ngoài đó.

Nghe dì nói bà ngoại và mợ đều vui mừng. Cái này là dượng năm cố ý mời khách đến mở hàng cho tiệm rồi. Lúc nãy mưa không lớn, giờ trời đã hửng sáng. Người ở đây quan niệm mưa là lộc trời. Hàng năm mưa thuận gió hoà thì mùa màng sẽ bội thu; mưa mang đến sự sống cho vạn vật. Sáng nay khai trương có mưa nhỏ là điềm lành, cả nhà và khách nhân đều vui vẻ chúc mừng ông ngoại.

Qua giờ ăn cơm có mấy bà, mấy thím hàng xóm qua nhà chơi, bước vào cửa cũng nói mấy câu chúc mừng. Mọi người ngồi trên bộ ván nhà trên nói chuyện rôm rả, mợ hai và tam tẩu mang mâm trầu cau, bánh mứt ra đãi khách.

Dì năm thấy Mai đi xuống nhà sau cũng đi theo, kéo tay Mai ngồi trên sạp, mang bánh mứt ra ăn nói:

– A Cúc nói con biết làm bún gạo à? Ăn ngon lắm, chỉ dì làm đi.

– Làm bún hơi cực, dì ở trên ghe khó làm lắm. Con chỉ tam tẩu làm sẵn bún, dì chỉ nấu nước lèo thôi. Món này ăn nóng mới ngon.

– Ừ, trên ghe nấu nướng hơi bất tiện, hôm trước xém chút lửa bén sàn ghe. À, mà cửa tiệm mình có sửa ghe, cái này làm được sẽ có tiền đó. Cháu đúng là sáng dạ. Dượng cháu nói đầu óc cháu rất tốt đó. Làm ta được thơm lây.

Dì năm vui vẻ cười nói, ánh mắt long lanh nhìn Mai rất đắc ý. Tối qua trượng phu gặp khách, nghe chuyện nhà mình mở tiệm sửa ghe xuồng ở ngã bảy sông này không khỏi khen ý hay. Trước đây nhà mình bán bạch lạp cho các chùa lớn, nhà phú hộ quanh vùng này cũng khiến nhà chồng coi trọng hơn. Tuy rằng ngày thường mình hi ha không để ý chuyện chưa có con, nhưng gặp họ hàng nhà chồng không khỏi chột dạ. Nhờ chuyện này cũng đỡ mấy phần. Hơn năm nay thuốc thang bồi bổ vẫn không có tin gì, lo lắng cũng giấu trong lòng, phải tìm lang y giỏi mới được.

Thấy dì năm rơi vào trầm tư, Mai không nói tiếp. Trong lòng ai cũng có niềm riêng, người càng vui vẻ bên ngoài càng giấu trong lòng nhiều phiền muộn.

A, bún măng vịt; làng ở đây nhiều nhà, mấy làng bên cạnh cũng không nhỏ. Thay vì đem gà vịt lên trấn bán, nhà mình tự bán cũng được. Ngoài bún măng vịt, còn món gì cần gà vịt nữa? Món gì mà ở nhà người nông dân không thể làm mới bán được.

Đang miên man suy nghĩ, a Duyên và a Cơ chạy ào vào nhà:

– Cô, cháu đói bụng quá.

Dì cười kêu hai đứa ngồi xuống bàn tròn.

– Ngồi đi, cô bới cơm ăn.

Hai đứa nhóc này ham vui ở ngoài tiệm sáng giờ; chắc chưa ăn gì, đói bụng lắm mới chịu về. Hữu ca, Bình ca đi theo phía sau, ôm rổ đựng chén, nồi về.

– Vậy cô dọn cơm cho tụi con ăn luôn. Tiệc mãn rồi sao?

Thêm hai đứa lớn, dọn mâm cơm mới thoả đáng. Mai đứng dậy phụ dì làm. Bình ca đem nồi, chén đặt ở giàn sau bếp, trả lời:

– Vẫn còn vài người quen đang uống rượu. Khách của dượng mua một cái ghe nhỏ đó dì.

Thấy mấy đứa nhỏ về, mợ và tam tẩu vội xuống dọn rửa, nghe vậy không khỏi mỉm miệng cười. Vất vả mấy ngày nay cũng đáng. Mấy đứa con trai vừa ăn cơm vừa kể chuyện ở tiệm, ánh mắt lấp lánh vui vẻ. Trước đây cũng đi xem khai trương trấn trên, cũng không náo nhiệt như nhà mình làm.

Chiều nay cha vội vã về nhà, theo lời cậu hai dặn ghé ngủ đêm tại chợ Bàu Sen, gần sạp bán đồ gốm của bằng hữu cậu. Rời nhà hơn mười ngày cha cũng sốt ruột. Mai nhờ cha về nhà làm thêm cái khuôn đổ bún, khi nào dì dượng ghé thì mang vô nhà ngoại.(1): về địa danh và nghề đóng ghe xuồng ở ngả bảy sông Phụng Hiệp (xưa thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang), độc giả xem chính sử để hiểu rõ thêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện