Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 84: Ngã bảy – Nơi sông và người tương hội



Sáng hôm sau, tân nương dậy thật sớm, khi gà còn chưa gáy canh năm. Lúc Mai dậy thì đã có cơm sáng rồi, hai bàn ăn nhà trên, nhà dưới đều vui vẻ. Lúc ăn cơm xong dượng năm bước xuống mời bà ngoại và mấy người lớn lên nói chuyện, đám nhỏ cũng đi theo.

Dượng mở đầu:

– Hôm trước trong nhà lo việc thành hôn của a Sinh nên nhà tỷ phu và con chưa nói với cha nương và nhị cửu ca. Giờ có mặt cả nhà con xin thưa chuyện.

Ông ngoại và cậu hai thấy dượng nghiêm trọng vậy cũng thẳng lưng nghe. Mai nháy mắt cười với cậu hai làm cậu vui vẻ ngoắc tay. Mai chen lên đứng sau lưng cậu. Cha nương thay nhau kể chuyện làm đèn cầy, rồi chuyện dượng năm định nhờ nhà ngoại nhận chụp đèn để phân tán chú ý bên ngoài.

– Theo ước hẹn với Sùng thúc ở lò gốm, ngày mai thúc ấy làm xong, chở đến đây cũng mất ba ngày. Xin cha nương cho phép.

Nghe xong ông bà ngoại đều cầm xem cặp đèn cầy vàng nhạt Bình ca để trên bàn.

– Ta thấy chuyện này làm được. Hai đứa phải đi lại nhiều từ đây xuống Đông Hồ, vậy mấy chuyện buôn bán khác thì sao?

– Nếu buôn bán thuận lợi, mỗi tháng xuống Đông Hồ một lần. Con xin cha cho a Sinh đi. Mấy lúc thu hoạch thì vợ chồng con đi, cha đừng lo.

Dượng năm quả là khéo tính toán. Sinh ca vừa thành thân, cái này cũng tính là để ca ấy ra làm ăn, ông bà ngoại và cậu mợ đương nhiên đồng ý. Dì năm vui vẻ nháy mắt với Sinh ca, biết chuyện này tốt nên ca ấy cũng nhếch môi cười. Xem ra công lao dì năm không nhỏ, có câu ‘thổi gió bên tai’ của đàn bà công hiệu khôn lường.

– Là con nghĩ ra cách làm bạch lạp này sao?

Mai giật mình nhìn cậu, sao hỏi đúng ngay chỗ cha nương lơ mơ.

– Là có người cúng dường đèn này cho sư ông. Cháu đốt lên ngửi giống sáp ong nên thử.

Mai nhanh nhảu trả lời, rồi đánh trống lãng:

– Ở trấn trên có bán đèn này chưa dượng?

– Có hai nhà bán, một nhà bán hồng lạp, một nhà có bán thêm bạch lạp. Đều là thương lái mua từ Chánh Dinh hoặc Hội An Phố do các thương nhân ngoại bang mang sang.

Mai đoán đúng chuyện dượng năm đã thăm dò tình hình mua bán đèn này. Tin tức dượng có còn chi tiết hơn mình nghĩ.

– Ba mươi chụp đó con định cất giữ ở đâu?

Nhà ngoại tuy rộng nhưng cũng không thể để mấy chục cái chụp ở nhà trên hay nhà dưới được. Ông ngoại nghĩ nghĩ rồi đứng dậy.

– Theo ta ra xem chái nhà đi.

Thấy việc chính đã xong, nhóm đàn bà không đi theo ông ngoại mà xuống nhà dưới vừa dọn dẹp vừa nói chuyện. Chén dĩa hôm qua dùng có một ít là mượn của mấy nhà quen trong làng, rửa xong mang ra phơi nắng khô ráo đem trả. Bàn ghế cũng vậy, Sinh ca chỉ dẫn mấy đứa con trai khiêng lên ghe trả lại.

– Nhà con đóng ghe rồi giờ làm bạch lạp nữa, chịu nổi không?

– Dạ cũng ráng làm, có thất thúc và đường ca của a Bình làm phụ, rồi ngũ cô nữa. Lần này đi cũng nhờ nhà nội a Bình vô trông nhà. Đàn gà, đàn vịt không lỡ bữa được.

– Ừ, may có nhà sui gia hỗ trợ, con phải biết qua lại, biết không?

– Con biết nương, mấy đứa nhỏ hiếu thuận lắm.

Mai thấy Bình ca chống ghe ra cũng nhảy lên theo. Dù sao việc nhà cũng không cần cô làm, cô muốn đi xem khung cảnh xung quanh.

Mùa khô nên mực nước sông không cao, mấy bụi cây lát, dừa nước ven sông đều phô ra phần gốc ngập nước đen thui, xơ xác. Trên cánh đồng rải rác bóng người đang cuốc đất, làm cỏ. Có người đang gom cỏ khô, mồi rơm đốt đồng.

– Tới rồi a Bình,

Hữu ca kêu lên, xách năm cái ghế bước lên cầu ván mang vào trả. Mỗi nhà chỉ có bàn ghế đủ dùng hàng ngày, mỗi khi có tiệc đãi khách sẽ đi mượn xung quanh, đã thành nếp sống trong làng xóm. Đi xa hơn một đoạn Hữu ca lại trả thêm mấy nhà thì xong.

– Ca, mình ra ngã bảy kia chơi một chút đi.

Từ ngã rẽ ra ngã bảy con sông rộng hơn, a Bình chèo dọc theo bờ. Mai nhìn mấy con còng gió đủ màu chạy nhanh như gió vô hang, con mắt râu thậm thụt ở miệng hang như canh chừng kẻ thù. Mấy con cá thòi lòi nhảy lạch chạch trốn trong mấy bẹ dừa nước, loại ở đây nhỏ hơn ở Đông Hồ nhiều.

Gió từ sông lớn thổi vào mát rượi, mang theo vị ngọt, không làm rát da như gió biển. Ngược dòng bên kia sông có hai chiếc bè. Chiếc trước do người đàn ông chống kéo chiếc sau có hai đứa bé vui vẻ giỡn nước, đi được một đoạn họ rẽ vào nhánh sông nhỏ.

Đến gần ngã bảy, gió lộng tứ bề. Rìa đất rộng bên trái có gò đất cao, cây cối xanh um, có mấy gian nhà và vài chiếc ghe đang neo đậu.

– Chưa đến chợ phiên mà,

Mai nửa hỏi nửa nói với Hữu ca.

– Ừ, hai ngày nữa mới là chợ phiên. Thương lái thường đến đây mua bán nên họ neo lại chờ chợ phiên luôn. Chiếc lớn đó là họ hàng của dượng năm đó.

Ba đứa nhỏ không dám băng ngang sông mà theo lời a Hữu cập theo vàm sông quay lại nhà. A Hữu chỉ tay phía trước mặt nói:

– Theo sông này một đoạn là đến đầu nguồn lũ. Mấy năm nước lũ tràn bờ từ đó, đi ra đó hoặc theo phía trong này đều lên trấn trên.

– Ca lên trấn trên nhiều lần lắm hả?

– Không nhiều như cha với Sinh ca. Vừa rồi cha nương đi nhiều lần để chuẩn bị đồ cưới của Sinh ca.

Lúc về đến nhà thì thấy nhóm người lớn đang chuẩn bị cột, lá phía sau vườn. Ông ngoại muốn dựng thêm chái nhà làm chỗ đặt chụp đèn. Theo Mai nghe được, nhà Mai và dì dượng đều ở lại thêm hai ngày mới đi, dù sao cũng đã mấy năm mới có dịp gặp nhau.

Mai càng thích, cô muốn nhìn thêm xung quanh nơi đây. Lúc nãy ngồi trên ghe loáng thoáng thấy nhà nào ở đây cũng có nhiều cây cau, xoài trong vườn. Có thể tìm xem có cam, bưởi nữa không? Ở đây đất đai màu mỡ, phì nhiêu, cây trái sẽ đa dạng hơn ở Đông Hồ.

Sân sau phơi đầy những tấm vải màu chàm, lục, đỏ trên dây thừng giăng ngang dọc. Chen ở giữa là giàn cây phơi chén, dĩa, nồi. Ra đến vườn đã thấy Vĩnh ca và Cúc tỷ ở đây. Cúc tỷ đang hái mướp, rau dền xanh. Vĩnh ca thì săm soi đám cây bạc hà, cạnh chân là cái rổ nhỏ trống không, thấy Mai ra ca ngoắc tay nói:

– A Mai, mang bạc hà về nhà trồng?

Bạc hà có rất nhiều công dụng, làm gia vị rau mùi nấu ăn còn có thể trị bệnh vặt, chiết xuất tinh dầu.

– Được, mình đào cả gốc về chắc được, ca nhìn nè.

Trong vườn còn có cây lá quế, bụi ngò, bụi thơm còn có cải xanh nữa, trúng mánh rồi! Mai cười hớn hở nói:

– Ca, mình xin hết luôn đi, chút ca hỏi ông ngoại, cậu hai cách trồng.

– Được.

– Đi ra ngoài xem, lúc nãy muội thấy có mấy cây có trái to ăn được.

Cách vườn rau một đoạn là miếng đất gò trồng cây lớn theo hàng, hai đứa nhỏ đi vào trong. Vĩnh ca nhìn mấy hàng cây nói:

– Muội không nhớ à? Vườn này có lâu rồi, cây sa bô chê nè, cái này mãng cầu.

Vĩnh ca rành rọt chỉ từng cây nói.

– Cây này giống cây ô môi ở nhà Sao ca, phải không?

Trong góc vườn có hàng cây tán rộng, lá xanh um, đúng rồi, là cây ô môi. Những trái ô môi nâu nâu, cong cong, rụng xuống đất cũng sẽ lẫn vào trong đất. Đặt Mai vào giữa rừng cây xanh lá này cô sẽ không phân biệt được cây nào là nào. Chỉ khi nào chúng ra trái thì mới biết, đáng trách hay đáng thương cho những người trẻ sống ở thành thị!

Cúc tỷ hái rau xong đã vào bếp. Lát sau thấy a Phúc và con Mực lăng xăng chạy ra, a Duyên cũng theo sau. A Duyên lớn hơn Mai một tuổi, nhưng do vai vế nên Cúc tỷ cũng phải gọi hắn là Duyên ca. Dáng người hắn hơi giống cậu, kiểu thon dài nhưng gương mặt thì hơi giống bà ngoại Mai.

Theo lời nương kể, cậu rất mong có con gái nên hơi thất vọng lúc a Duyên sinh ra; còn bị ông bà ngoại la rầy chuyện này. Thời này có con trai nhiều mới tốt. Năm sau đó nương sinh Mai, lại có gương mặt hơi giống cậu nên được ưu ái.

Xế chiều mấy món đồ mượn hàng xóm được rửa sạch, phơi khô nên bà ngoại dẫn theo nương Mai đi trả, sẵn dịp nương thăm hỏi người quen trong làng. Có nhà của dì ba Hương ở chợ Sông Lớn. Mai nhờ Cúc tỷ giúp làm mấy sọt tre lớn nhỏ để đào gốc cây con mang về, tam tẩu cũng đến giúp.

Dù là ở Đông Hồ, Trấn Giang này hay trên dải đất rộng hơn của vùng sông nước hạ lưu sông Mekong đâu đâu cũng có tre. Đất màu mỡ phù sa hay đất nhiễm mặn tre đều có thể mọc thành rừng, thành luỹ, thật đáng nể!

Nhà nông luôn có sẵn trong nhà mấy bó lạt làm dây cột nhét trên vách lá. Mấy cây tre thẳng thớm phơi dốt trên sân. Thậm chí những lúc rãnh rỗi cũng đi chặt lá dừa lấy gân làm đủ loại chổi. Thấy mấy đứa nhỏ xúm nhau ngồi làm sọt tre, mợ lấy mứt gừng ra dĩa, chặt sẵn mấy trái dừa lấy nước. Mợ cũng ngồi xuống làm chổi bằng cọng lá dừa.

– Mợ, con thấy Lưu bá mẫu làm chổi rơm quét bếp, mợ dạy con làm đi.

– Ừ, chiều mát ra cây rơm với mợ.

– Dạ.

Chưa được nửa canh giờ thì có tiếng chân chạy bịch bịch xuống sân. Là hai bé trai cỡ tuổi Duyên ca, mặt mũi đen nhẻm, tóc dài qua vai buộc túm ra sau đầu, ánh mắt sáng lấp lánh, còn cười đưa hai cái răng cửa như răng thỏ. Mợ hai khoát tay nói:

– Đi chơi đi, ở đây làm rộn.

Vừa nghe mợ nói a Cơ, a Duyên đã đứng dậy, kéo theo a Vĩnh, a Phúc cùng đi. Sáu đứa nhóc và hai con chó thi nhau chạy bịch bịch ra hướng con sông trước nhà.

Vợ sinh ca cũng là người khéo tay, nhanh nhẹn vót nan tre, còn nhanh hơn Cúc tỷ. Mai nhìn mấy cây tre còn lại trên sân, sợ là không đủ làm, mợ cũng thấy vậy nói:

– A Mai ra nhờ cậu chặt thêm đi, cậu đang ở gò dừa nước bên kia.

Mai chưa kịp đi đã thấy An ca ôm tre vào, theo sau là cậu hai ôm bó lớn hơn. Cậu còn trêu Mai.

– Muốn nhổ hết cây vườn nhà cậu về Đông Hồ hả?

– Ha ha, cậu, mấy cây ăn trái kia làm sao?

Mai cười ha ha như là đúng ý, còn chỉ vườn cây ăn trái lớn.

– Để cậu tìm xem có cây nào còn nhỏ đào về trồng trước. Không có thì phải nhờ ông ngoại ươm hạt mới được.

– Vậy cậu dựng chái nhà xong, mình đi.

– Ừ, ha. Ta thấy a Phúc lội cũng giỏi hả,

Lúc trước cậu mợ đến nhà Mai còn thấy a Phúc bập bễnh kè bập dừa mới dám qua con rạch. Bây giờ thì không cần rồi, hắn còn lội đua với con Mực nữa. Trời còn nắng như vầy mà tụi nó cũng ào xuống sông, chẳng trách hai đứa bé kia đen nhẻm.

Khoảng qua giờ thân thì bà ngoại và nương về, chuẩn bị nấu cơm chiều. Nhìn hai nồi cơm lớn sôi sục sục trên bếp, Mai nghĩ về làm dâu nhà người ta mà không đủ sức nhắc nồi cơm sẽ ra sao? Chỉ có những nhà mới ra ở riêng thì mới ít người, chứ con cháu cưới dâu rồi thì nhà cũng đông. Cơm nấu bằng nồi đất thường sẽ cho nước hơi nhiều, lúc cơm sôi canh đúng lửa, gạo vừa nở thì ‘chắt’ nước cơm ra. Nước cơm này để dành cho mấy đứa bé trong nhà uống, rất bổ dưỡng. Người mẹ không đủ sữa cho con bú cũng hay dùng nước cơm thay sữa.

Có con dâu, giờ thêm cháu dâu và con gái nên bà ngoại không cần lo cơm nước. Bà ngồi xếp lại mấy lá trầu, chọn cau trên sạp tre. Bà ngoại, bà nội đều thương mấy anh em Mai nhưng cô cảm thấy thân thiết với bà nội hơn, có lẽ do thường xuyên ở chung. Hơn nữa bà ngoại cũng có vẻ thân thiết với Cúc tỷ. Cúc tỷ là con đầu lòng nên nương ở nhà ngoại lúc sanh, Cúc tỷ được bà ngoại chăm sóc khi vừa lọt lòng nên lưu luyến nơn.

Còn một nguyên nhân nữa Mai hơi ngại khi thân cận với bà ngoại là bà ngoại hay ăn trầu. Thời này đàn ông đàn bà lớn tuổi đều biết ăn trầu, đặc biệt trong lễ cưới gả. Hôm qua đãi khách, trưởng họ hai đàng, ông ngoại, cậu mợ đều ăn mấy miếng trầu. Lúc nãy nương theo bà ngoại đi thăm hỏi mấy nhà trong làng cũng có ăn ít trầu, theo thói quen Mai sẽ cách hơi xa chút.

– Con, sao không biết lớn nhỏ!

Nương phát tay vô hông Mai mắng nhỏ, ‘Nương nhận ra sao!’

– Miếng trầu là lễ là nghĩa với nhau, sau này gặp khách không được như vậy.

Mai dạ nhỏ, cô không bài xích chuyện ăn trầu, nhưng chắc chắn sau này cô sẽ không ăn. Tam tẩu có vẻ không hiểu sao ngoại lại rầy Mai, làm Cúc tỷ nhỏ giọng giải thích. Xem ra ở nhà ai cũng biết Mai không thích chuyện ăn trầu.

– Muội ấy có mấy tật lạ lùng, tánh kỳ, tẩu đừng để ý.

‘Ta thì dám ý kiến gì chứ’, Lâm thị tự nhủ, ‘cha chồng rất thương a Mai. Trong nhà cũng dung túng muội ấy, ai cũng nhận ra. Mình mới về làm dâu, nào có ý kiến. Mà muội ấy cũng không phải càn quấy, chỉ hơi lạ lùng chút. Ừ, đúng là lạ lùng, không giống mấy tiểu cô nương nhà khác, nhưng nghĩ kỹ ra không giống chỗ nào thì thật khó nói.’

Nghĩ như vậy nhưng Lâm thị cũng mỉm cười với a Cúc nói ‘ không có gì’.

Nhóm đàn ông đã mang cây, lá về sân trước. Cha và Bình ca thuần thục đục đẽo đầu cột, làm mộng gác kèo. Ông ngoại có chút ngạc nhiên, không nghĩ con rể và cháu ngoại có tay nghề khá vậy. Ừ, đã đóng được ghe tam bản, ngũ bản rồi, tay nghề đương nhiên không tệ. Ngày mai dựng cột kèo, lợp lá một ngày chắc xong được rồi.

Cậu hai cũng ngạc nhiên nhìn hai người làm. Thấy sắc trời còn sớm, cậu gọi lớn:

– A Mai ơi, có đi với cậu không?Dạ.Mai vội chạy ra, còn kéo theo An ca đi chung.

– Cậu, mình đi ra vàm, chỗ chợ phiên đi.

– Ừ, gò đất ngoài đó có mấy cây con hồi mùa mưa mới lên.

Lúc sáng Mai cũng thấy nhiều cây con, cao cỡ hai thước mọc ven sông. Hơn nửa có một việc Mai muốn hỏi cậu để xác định thêm. Chưa đến một khắc đã cập ghe vào cầu ván đầu chợ. Trên gò đất cao giữa chợ, có mấy đống lửa làm bếp của khách ở lại.

– Hữu ca nói mấy sông lớn đều đổ qua đây hả cậu?

– Ừ, từ đây có thể đi về các vùng khác.

Rồi cậu chỉ hướng sông đi về trấn trên, có thể đi tiếp đến Trấn Biên. Hướng sông kia đi về Giá Khê, hướng ra biển. Mỗi ngã đi đến một nơi, mình cũng sẽ theo các con sông “thăm lại” vùng đồng bằng châu thổ này.

– Mùa khô, nước kém mới có thể đi, đến lúc nước lên thì có nguy hiểm. Mấy chỗ cửa sông phía dưới kia rất xiết, có nhiều ghe bị lật, lũ cuốn đi luôn.

Vừa nói cậu vừa sải bước tìm mấy cây con trong vườn chưa có, nói tiếp:

– Nhà cháu nước mặn, chưa chắc cây này sống được. Ta nghĩ cháu trồng chỗ gò đất cao, mùa khô thì hai ba ngày phải tưới nước ngọt.

– Dạ.

Hai đứa nhỏ gật đầu nghe cậu dặn, cậu biết rất rõ mấy cây này. Tuy là không trồng trong vườn nhưng cậu hiểu rõ làm sao để chúng lớn lên ra trái. Có lẽ chung quanh có rất nhiều, nên không thấy hiếm lạ. Mà bọn chúng mọc hoang cũng rất say trái, không cần người chăm sóc vẫn ra hoa kết quả.

Cậu đào xong mỗi gốc thì Mai dùng dây cột cành lá cho gọn, An ca ôm xuống ghe. Đất ẩm nhão làm quần áo ba cậu cháu đều dính bùn. Lúc trở ra ghe, cậu lên tiếng chào người quen gần đó. Đợi ghe đi xa ra khỏi vàm một đoạn, Mai hỏi:

– Cậu, mình neo ghe bán ở đây được không? Ở đây nhiều người qua lại hơn.

Mỗi năm nhà Mai đóng cỡ mười hai chiếc ghe. Nếu chỉ bán ở Đông Hồ, sẽ khó bán hết nên Mai vẫn để ý tìm thêm khách. Vị trí này giao giữa các dòng sông, rất thuận lợi.

A An nghe Mai hỏi cũng chăm chú nhìn quanh vàm. Lúc nãy cô kéo a An theo là có ý muốn hắn biết chuyện này. Thấy cậu hai nhìn ra mặt sông ngã bảy phía xa, Mai yên lặng chờ cậu quay mắt lại nhìn cô mới nói ‘kế hoạch sản xuất’ ghe.

– Cậu thấy ghe lớn năm lá đó. Thành ghe cao có thể vượt sông lớn nhưng giá khoảng hai mươi lăm quan nên ở Đông Hồ khó tìm khách mua. Nếu dượng năm có thể bán bạch lạp xung quanh đây, ghe lớn cũng có thể bán được.

– Trấn trên đã có xưởng đóng ghe hai ba chục năm rồi, nhà mình ra bán có sao không?

– Dạ, con có thấy chiếc ghe nhà Lưu bá mua ở xưởng đó. Con nghĩ có thêm xưởng nhà mình, người ta sẽ dễ dàng chọn lựa. Hơn nữa nhà cháu có tới ba cỡ ghe, mười lăm quan, hai mươi quan và hai mươi lăm quan.

Cả cậu và An ca đều giật mình, đúng rồi. Quả thật xưởng ở trấn trên chỉ có một cỡ ghe giống nhà Lưu bá giá hai mươi hai quan. Chỉ là a An chưa hề nghĩ đến lợi thế này. Mai thêm một liều thuốc an thần nữa:

– Con đã nghĩ ra một cỡ ghe nữa dùng cho mùa nước nổi. Lúc về nhà con sẽ vẽ để cha và Bình ca làm thử trước.

Cậu cười ha ha:

– Giỏi, a Bình nói con vẽ rất giỏi.

– Đương nhiên, con học chữ cũng rất nhanh.

Mai nghênh cằm nhỏ nói làm cậu, An ca đều cười.

– Cái này là chuyện lớn, để cậu bàn với ông ngoại đã. Trước mắt để xem dượng con bán đèn cầy như thế nào.

Mai hiểu chuyện gật đầu, vẫn còn thời gian để chuẩn bị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện