Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 87: Tự nhiên thành bà Nguyệt



Lúc ở trên ghe Mai tính về nhà sẽ vẽ hình kiểu xuồng đi trong rừng nhỏ, nhẹ để cha và Bình ca đóng mẫu. Nhưng xem ra chuyện của a Cúc cấp thiết hơn, cô phải làm trước vậy.

Mai cùng An ca ghi chép lại chuyện mua bán gà ở nhà theo ngũ cô nói. Mười ngày này bán được hai chục con gà con. Gà của a Báo mang xuống mười hai bán được tám con.

– Gà rừng nuôi lâu lớn hơn, thịt ngon nhưng không nhiều như gà nhà. Cô thấy mấy con lai của nhà mình chắc ăn ngon, vừa mập mạp thịt cũng ngon.

Ngũ cô và a Phúc rất giống nhau, nhắc đến gà vịt là nói say mê không nghỉ. A Báo còn mang bán một tổ ong lớn, một tổ ong nhỏ.

– Hắn nói tổ ong nhỏ là cho nhà mình không lấy tiền, ta đưa hắn nhất định không nhận đó.

– Hôm nào nhớ chọn gạo muối đưa qua đó, không lễ không Tết cũng không thể nhận không.

Bà nội ngồi gần đó nói.

– Dạ, bà nội. Cháu tính hôm nay trồng xong mấy cây rau, cây ăn trái sẽ mang mấy chậu đất lên đó, mang đồ theo tặng luôn.

Tính xong tiền bán gà con, Mai rủ thêm a Hỉ, Bảo ca, An ca cùng đi trồng cây. Sáng nay Vĩnh ca đi học ở nhà lang y, nghỉ cũng lâu quá rồi, cha nương còn sợ hắn quên hết lời Đỗ lang y chỉ dạy..

Rau thì trồng trong vườn, tưới nước cho đất mềm, đào lỗ nhét cây xuống, lấp đất rồi phủ ít lá mục rơm khô để giữ đất ẩm lâu hơn. Mai còn ngắt bỏ bớt lá xanh, để cây phát triển rễ, chưa cần nuôi lá.

Hôm trước Mai làm dấu mấy cây ăn trái tán rộng, thân cao cần trồng cách nhau xa. Mấy đứa nhỏ tới lui chọn chỗ trồng cây. Cây nào trồng trong vườn, cây nào trồng dọc bờ đất hay trên gò. Chỗ gò đất cao đào lỗ sâu đụng đất cứng, Bảo ca phải dùng dao moi đất lên. A An cũng chạy vào bếp lấy dao mới đào được. Mặt trời đã lên, phải trồng nhanh hơn, nếu không cây sẽ khó sống.

Trồng cây xong thì nương cũng đã gói xong một ít bánh mứt, muối, khô mực để mang tặng nhà Hùng huynh. Mấy đứa nhỏ kéo nhau lên ghe đi. Bảo ca năm nay mười bốn tuổi, đã ra dáng thiếu niên. Ca ấy đã theo ông nội và nhị bá đánh cá mấy lần nên chèo ghe rất dứt khoát. Bà nội không cho a Phúc đi mà giữ ở nhà, hắn hơi nhăn nhăn nhưng không dám nói gì. Hắn cũng muốn đếm đi đếm lại gà vịt mấy lần nữa mới thoả mãn.

Nước trên con rạch này chỉ còn hơn nửa. Hai tháng nắng sắp tới sẽ hút dần nước ngọt, để lại nước phèn mặn. Cây lá mục tích tụ dưới đáy, lâu dần con rạch sẽ bồi thành ruộng. Quá trình này cũng rất lâu, tính bằng chục năm. Không như ở hiện đại, người ta có thể lấp sông, san núi trong vòng mấy tháng.

– Bảo ca muốn học đóng ghe không?

– Ta không biết, ông nội nói ta theo tứ thúc mấy ngày. Nếu làm được thì giống a Hân ở trong này học làm.

Ừm, Mai cũng đoán được ý ông nội đưa a Bảo vào đây. Nhà tam bá có Hân ca, nhà nhị bá có Bảo ca; học được hay không còn phải xem khả năng mỗi người. Nhà Lưu tam bá bên kia cũng đưa con trai thứ ba là Trạch ca qua học, chỉ là qua mấy ngày đi kéo gỗ, cưa gỗ vất vả, đau lưng, đau tay xin nghỉ mấy ngày. Sau đó nhà Mai đi về ngoại, sáng nay không thấy tới, không biết có muốn học tiếp không.

– Nếu Bảo ca vào ở luôn, ca xin cha dựng thêm hai chái nhà nữa.

– Ừ.

A An gật đầu trả lời. Mấy đứa nhỏ ngày càng lớn, chia ra ngủ hai bộ ván nhà trên. Lúc có khách hay nhà nội vào đều không đủ chỗ. Dựng thêm chái rất nhanh, giống nhà ngoại chỉ mất hai ngày, nhà mình lại có sẵn cây gỗ, cành nhanh hơn.

Gần một canh giờ thì đến làng dưới chân núi Bình San. Dãy núi không cao lắm, như lưng con trâu khổng lồ, cũng không có đỉnh nhọn, chắc vậy người ta mới gọi Bình San. Mấy đứa nhỏ mang theo mấy món đồ, đi về hướng núi, hỏi thăm thiếu niên đang chẻ củi trước cửa nhà ven đường mòn:

– La gia à, cứ đi theo đường mòn này, thấy nhóm nhà đó, thấy không? Ngay cây cổ thụ đó, ừ phải, nhà thứ hai đó.

Mắt nhìn thấy cây cổ thụ nhưng muốn đi đến thì không hề gần. Đường dốc thoai thoải, cứ vòng vèo gần nửa canh giờ mới đến, ước chi mình đi theo đường chim bay được thì tốt quá!

Lưng chừng núi là cây cổ thụ thân lớn, vỏ sù sì, tán xanh toả bóng xung quanh. Ngôi nhà thứ nhất nằm sát đường mòn, ngôi nhà thứ hai phải leo lên một con dốc nữa.

Trời ơi! Vị thiếu niên nói là nhà ‘ngay’ cây cổ thụ mà, sao lại như vầy!

Thật ra trong nhóm mấy đứa nhỏ chỉ có Mai là nhăn nhó, khổ sở. Tụi con trai rất vui vẻ đi dọc con đường mòn, càng lên cao càng hưng phấn chỉ trỏ mấy cây cổ thụ hình thù lạ mắt, mấy vực sâu sát đường. Mai là người đi sau cùng, cô lê chân từng bước một. Khi tới nhà a Báo, An ca bước lên chào bà nội a Báo, chỉ Bảo ca, Hỉ ca giới thiệu. Mai cũng thưa bà rồi cả đám theo bà vào nhà.

Ngôi nhà không rộng nhưng rất thú vị, vì nó không ở cùng độ cao. Người ta không thể san bằng đất để dựng nhà nên dựa theo độ cao triền đất mà dựng. Từ sân lên nhà chính phải đi mấy bậc thang lót đó. Nhà chính có bàn ăn, bếp và gian nhỏ là bàn thờ gia tiên. Cửa ở bếp chắc mở ra sân và mấy phòng ngủ phía sau.

– La bá bá và Hùng huynh đi săn sao? Có a Báo nhà không bà?

– Ừ, đi săn cũng sắp về rồi. A Báo đi gánh nước cho ta, nó về tới kìa.

Trên triền dốc là a Báo đang quảy hai thùng gỗ nặng trĩu. Thấy mấy đứa nhỏ hắn rất vui vẻ, bước nhanh về.

– Ngươi ở nhà ngoại về rồi à.

Đám con trai xuống sân đón, chỉ có Mai ngồi trong nhà xếp mấy gói đồ ra nói:

– Nhà cháu về thăm ngoại ở Trấn Giang. Nương cháu gửi bà chút quà ở nhà ngoại.

Bà lão không tiện từ chối, gửi lời cảm ơn nhà Mai. Bà cũng không cất đồ đi mà chờ a Báo vào. An ca đưa tiền bán gà con, nói chuyện tổ ong. A Báo vui vẻ nhận tiền, cầm trên tay một lát mới đưa cho bà nội mình.

– Các cháu ở lại ăn cơm, mấy món thịt rừng và rau rừng thôi.

Bà nội a Báo có ‘uy’ làm người ta không dám cãi lại, đặc biệt mấy đứa nhóc. Mai đang chờ gặp người nên vui vẻ đồng ý, muốn xuống bếp giúp nhưng bà và a Báo không cho.

– Cháu dẫn bằng hữu đi xung quanh chơi, lần đầu đến đây phải không?

Tụi nhỏ đều nói phải rồi cùng theo a Báo đi ra ngoài. Hai chân Mai rất mỏi, mới ngồi được có một chút. Vừa ra tới dòng suối nhỏ cô ngồi xuống tảng đá lớn có bóng râm. Nước suối chảy không xiết, giữa lúc trời nóng hơi nước mang đến cảm giác mát lạnh, thư thái. – Mùa mưa nó rộng đến đây, sâu qua khỏi đầu ta luôn.

Không chờ hỏi, A Báo chỉ đông chỉ tây, nói đủ thứ về con suối.

– Đi xem bẫy ta làm không?

Đương nhiên mấy đứa con trai muốn rồi, a Báo nhìn qua Mai như hỏi ý. A Hỉ cườ ha ha nói:

– A Mai không đi nổi nữa đâu. Lúc lên dốc muội ấy xiêu xiêu vẹo vẹo, còn chống gậy như bà già.

– Muội ngồi đây chơi, nếu về đây không thấy thì biết muội đi về nhà Hùng huynh rồi.

Mai quay sang nói với An ca. Cô không thèm chấp mấy đứa con nít đang cười nhạo mình, so về thể chất thì nói làm gì! Haiz, mà bình thường mình hơi ít vận động phải không? Cũng nên rèn luyện mới được.

Trong rừng luôn có tiếng động của đủ các loài, tiếng nước chảy, gió vi vu thật dễ chịu. ‘Bụp’ con khỉ nhỏ trên cây đằng kia chọi quả gì đó, tiếc là không trúng mà rơi xuống đất dưới chân Mai. ‘Ta cũng không chọc ghẹo gì, sao gây chiến vậy’ Mai lẩm bẩm. Trên cây xuất hiện thêm mấy con khỉ nữa, nhìn giống như một gia đình, khỉ cha to lớn đang đỡ khỉ con bé xíu tập leo cây.

– Chỗ đó là chỗ bọn nó hay nghỉ trưa, nó đuổi muội đi đó.

La Hùng đi đến thấy cảnh Mai đang trừng mắt nhìn nhà khỉ cũng buồn cười, lên tiếng giải thích.

‘Phải không? Chỗ nào ghi là của nhà ngươi’ Mai đứng dậy, ‘trả cho ngươi’. Thấy cô bé bĩu môi mất hứng đứng dậy, La Hùng đi lại đưa chùm trái xoài xanh, nói:

– Trái này hơi chua, muội chấm muối ăn ngon hơn.

Mai đương nhiên biết rồi, trong núi này có sao, có thêm một loại trái cây ăn rồi, thật tốt.

– La bá không đi chung với huynh sao?

– Lúc nãy gặp tụi a Báo giữa đường. Ta rẽ vào đây đón muội, cha về trước rồi.

– Trái này gần đây không? Muội muốn hái thêm, chua chua chắc tỷ sẽ thích ăn.

– Thật? Không xa lắm, đi, ta hái cho muội mang về.

Đâu cần phải sốt sắng dữ vậy!

Trời ơi, hôm nay là ngày gì mà tội nghiệp hai chân cô quá đi, vậy mà không xa? Còn không có đường mòn để đi nữa chứ!

Không phải chỉ một cây mà có tới bốn cây xoài lớn, trái sum xuê. Mấy nhánh trên cao có từng chùm lớn, nặng trĩu.

– Trái xanh chua nên lũ khỉ không ăn. Lúc chín rất ngọt bọn nó tranh nhau, còn giành nhau loạn xạ.

Hùng huynh đặt gùi sau lưng xuống, vừa níu cành thấp hái vừa nói.

– Nhà ngoại có tìm mối cho tỷ.

– Hả? Muội nói gì?

Vù! Nhánh cây được buông ra, quất ngang mặt may không trúng mắt huynh ấy.

– Tỷ năm nay hơn mười sáu rồi, sắp gả đi. Nhà ngoại xa xôi nên bà nội và cha chưa đồng ý. Có nhà nào gần hơn thì tốt.

Thật lâu không nghe tiếng gì cả, huynh ấy nghe rõ không ta? Khuôn mặt rối rắm, ánh mắt như không tiêu cự, hai tay hơi nắm chặt. Đợi một lát sau, huynh ấy mới tỉnh thần nhìn Mai, giọng hơi run hỏi:

– Nếu nhà đó làm nghề hạ bạc, nhà đơn chiếc. Muội, muội nghĩ cha muội có chê bai không?

Thợ săn giống như đánh cá, ở thời này đều bị coi là nghề hạ bạc vì cuộc sống bấp bênh. Còn sức khỏe, có thể vào rừng mới còn thức ăn, lại thêm luôn có nguy hiểm đến sinh mệnh nữa.

– Nhà ông nội muội cũng làm nghề hạ bạc mà. Cha làm sao chê chứ. Quan trọng là thực lòng, sau này còn phải đối xử tốt với tỷ.

– Cái đó đương nhiên.

Ha ha, Mai cười thầm, ‘lòi đuôi’ nhanh vậy. Hùng huynh tính tình thật thà, không quanh co vậy cũng được. Nếu yêu cầu người ta vừa thật thà vừa có tâm cơ, kiếm ở đâu ra? Sau này từng trải nhiều huynh ấy sẽ học cách giấu bớt suy nghĩ, không hiện hết lên mặt là được. Giống như cha Mai vậy, mấy tháng gần đây gặp nhiều người, nhìn dượng năm ứng xử cũng đã học không ít cách nói chuyện với khách.

Nhiệm vụ Mai đến đây thôi. Cô không nói gì nữa, vui vẻ gom từng chùm xoài, từ từ đi về nhà. Hùng huynh vẫn còn chìm trong suy nghĩ, bước từ từ theo cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện