Hậu Cung Chân Hoàn Truyện

Quyển 4 - Chương 21: Tử dạ ca[1]



[1] Tên một bài thơ Nhạc phủ, trong đó Tử Dạ là tên người – ND.

Tôi cứ ngồi ôm chăn như thế, chẳng hề nhận ra thời gian đang lẳng lặng trôi qua, từ sáng sớm tới lúc hoàng hôn, ánh sáng không ngừng biến đổi nhưng tôi lại chẳng hay biết.

Sự tĩnh lặng ấy ngưng đọng trên những bước chân dồn dập của thời gian. Hoán Bích thấy tôi như vậy thì vô cùng sợ hãi, bèn dè dặt cất tiếng: “Tiểu thư, nô tỳ nói sai điều gì rồi sao?”

Tôi khẽ đáp: “Không.”

Hoán Bích nôn nóng đến phát khóc. “Nếu nô tỳ nói sai chỗ nào, tiểu thư cứ việc đánh nô tỳ, mắng nô tỳ, ngàn vạn lần đừng để trong lòng mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe.”

Tôi chậm rãi lắc đầu. “Hoán Bích, ta không giận gì muội, ta chỉ muốn yên tĩnh suy nghĩ một số chuyện thôi.”

Hoán Bích không dám nói gì thêm, chỉ ngồi lặng yên bên cạnh tôi, bộ dạng ưu lo trùng trùng, khiến người ta nhìn mà thương cảm.

Sắc trời dần tối, Hoán Bích không biết làm thế nào, cũng không dám đi nói việc này với Huyền Thanh, chỉ đành đứng dậy thắp sáng từng cây nến, sau đó lại quay về ngồi bên cạnh tôi. Giữa căn phòng, ánh lửa sáng bùng lên, không ngừng nhảy nhót nhẹ nhàng, tựa như những trái tim tuy yếu ớt nhưng vẫn chưa thôi vùng vẫy.

Chợt nghe có tiếng bước chân khe khẽ vang lên, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Huyền Thanh đã bước vào phòng. Tôi không muốn để y biết tâm tư của mình, liền vực dậy tinh thần, khom người, nói: “Sao Vương gia lại đến đây vào giờ này vậy? Đã dùng bữa tối chưa?”

Y khẽ cười, đáp: “Ta vừa về vương phủ một chuyến, đã dùng cơm ở đó rồi.”

Tôi cũng mỉm cười. “Có thể đi lại được như vậy, chứng tỏ thân thể Vương gia không còn vấn đề gì nữa rồi.”

Y tự vỗ vai mình mấy cái, cất tiếng cười rộ. “Bao năm mới ốm một lần, bây giờ ta đã khỏe hẳn rồi!” Sau khi ngó quanh bốn phía, y lại hỏi: “Nàng thấy Tiêu Nhàn quán ổn chứ?”

Tôi trêu chọc y: “Lần nào tới đây cũng hỏi như vậy, Vương gia không thấy phiền thì ta cũng thấy phiền rồi. Ta chỉ nói thêm một lần nữa thôi đấy, Tiêu Nhàn quán rất tốt.”

Y rất tinh mắt, vừa liếc qua đã để ý thấy tôi chưa hề đụng đến cơm và thức ăn đặt trên bàn, không kìm được hỏi: “Sao lại chưa ăn gì thế? Đồ ăn ở đây không hợp khẩu vị của nàng sao?”

Hoán Bích đang định trả lời thay, tôi đã cười, nói: “Không phải là không hợp khẩu vị, mà là lúc này mồm miệng ta nhạt nhẽo, chẳng muốn ăn gì hết. Đồ ăn cứ tạm thời để đó đã, khi nào đói ta sẽ ăn.”

Huyền Thanh hơi cau mày, khẽ nói với giọng như dỗ dành trẻ con: “Mồm miệng nhạt nhẽo thì bảo nhà bếp làm một số thứ thanh đạm là được, đừng nên làm khó dạ dày của mình. Nếu ăn ít quá thì sao mà khỏe lại được.” Rồi y quay qua dặn dò Hoán Bích: “Đi bảo nhà bếp làm mấy món ăn thanh đạm mang tới đây, kèm thêm ít cháo trắng nữa. Để ta ở lại đây với tiểu thư nhà cô.”

Tôi vội cản lại, nói: “Việc gì phải phiền phức như thế, ta không ăn được đâu, Vương gia khỏi cần mất công làm gì.”

Y vén áo ngồi xuống, lại gọi A Tấn bê tới một chiếc bàn tròn đặt ngay trước giường tôi, cười tủm tỉm, nói: “Vừa rồi khi ở trong vương phủ, ta chẳng qua chỉ ăn cho xong bữa, vẫn chưa được no, bây giờ xin được mời nương tử cùng ăn với ta một chút, chẳng hay nương tử có chịu nể mặt không?”

Tôi biết y có lòng muốn tôi ăn lấy một chút gì đó, tâm ý như thế thực không tiện chối từ, đành mỉm cười đồng ý, ngoài miệng thì nói: “Trong vương phủ, thứ sơn hào hải vị gì mà chẳng có, vậy mà Vương gia còn quay về Thanh Lương Đài này để ăn thêm.”

Y cũng không giải thích, chỉ khẽ mỉm cười. “Ta chỉ nghĩ sao làm vậy mà thôi.”

Hoán Bích vâng lời rời đi. Huyền Thanh cũng không nói gì nhiều, chỉ chọn những chuyện tôi thích để kể. Tôi nói: “Thời tiết bên ngoài không tốt, Vương gia bất tất phải thường xuyên bôn ba qua lại làm gì”, rồi lại ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. “Cận Tịch ở một mình trong núi, chẳng biết bây giờ thế nào rồi.”

Y cười, nói: “Trên đường tới đây, ta có đi thăm Cận Tịch, mọi việc vẫn bình thường, có điều cô ấy rất nhớ nàng đấy.” Sau đó, y lại kể về tình hình của Cận Tịch, nói mình đã sai người đưa than và quần áo, thức ăn tới đó rồi. Tôi khẽ gật đầu, thầm cảm kích sự chu đáo của y. Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, tôi nghiêng đầu lắng nghe, thấy ngoài cửa sổ dường như có tiếng hát trong trẻo vang lại, có vẻ như là tiếng hợp ca của các nữ tử.

Tôi nghe được một lát, bất giác mỉm cười, nói: “Hình như là khúc Tử Dạ ca, các ca nữ của Thanh Lương Đài đang hát sao?”

Y hơi nhếch khóe môi, nở một nụ cười điềm đạm mà ấm áp, lại chậm rãi nói: “Tử Dạ tứ thời ca dựa theo bốn mùa mà hát những bài khác nhau, ta thường sai các thị nữ ở Thanh Lương Đài ngó cảnh bốn mùa mà ca hát. Bây giờ là mùa đông, do đó bọn họ đang hát đông ca[2] đấy.”

[2] Tử Dạ ca và Tử Dạ tứ thời ca kỳ thực là hai bài khác nhau, tương truyền đều là do một nữ tử người thời Tấn tên Tử Dạ sáng tác, lời ca rất đau khổ, ai oán, đều được thu vào Nhạc Phủ thi tập. Tử Dạ ca ra đời trước, Tử Dạ tứ thời ca phỏng theo đó mà ra, được chia thành xuân ca, hạ ca, thu ca, đông ca, mỗi mùa lại có rất nhiều bài nhỏ, mỗi bài bốn câu, mỗi câu năm chữ. Ở đây tác giả có vẻ như đã đánh đồng hai bài làm một, lời ca thì là của Tử Dạ tứ thời ca, nhưng giải thích thì lại dùng của Tử Dạ ca – ND.

Tôi không kìm được, nở một nụ cười vui vẻ. “Việc phong nhã thế này, cũng chỉ có Vương gia là làm được thôi!” Tôi dựa theo lời hát của bọn họ mà chậm rãi cất tiếng ngâm từng câu: “Vực băng dày ba thước, tuyết trắng phủ muôn nơi. Lòng thiếp như tùng bách, tình chàng liệu ra sao? Đường trơn không ai bước, chẳng quản lạnh tìm nhau. Nếu không tin lời thiếp, trên tuyết dấu còn in. Chim lạnh nép cây cao, rừng khô thoảng gió buồn. Lòng vui tan tiều tụy, dung nhan thêm mặn mà[3]…”

[3] Nguyên văn Hán Việt: Uyên băng hậu tam xích, tố tuyết phúc thiên lý. Ngã tâm như tùng bách, quân tình phục hà tự. Đồ sáp vô nhân hành, mạo hàn vãng tương mịch. Nhược bất tín nông thời, đãn khán tuyết thượng tích. Hàn điểu y cao thụ, khô lâm minh bi phong. Vi hoan tiều tụy tẫn, na đắc hảo nhan dung – ND.

Y nở nụ cười ấm áp như ánh nắng mùa xuân, dường như còn mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa ngọc lan, khiến tôi ngơ ngẩn. Y chậm rãi nói: “Đông ca có mười bảy bài, đây chỉ là ba bài đầu thôi!”

Tôi chăm chú lắng nghe, các ca nữ dường như đang hát ở phía xa, giọng hát không cao vang lắm mà lả lướt triền miên, giống như những sợi tơ bạc không ngừng quấn tới, tràn đầy ý vị, chầm chậm chảy vào trái tim người ta. Thế nhưng các ca nữ đó cứ cất tiếng du dương hát đi hát lại, mãi mà vẫn chỉ có ba bài đầu đó.

Tôi thấy có chút nghi hoặc, bèn hỏi: “Sao lại chỉ hát có mấy bài này, các bài tiếp theo thì sao?”

Y khẽ lắc đầu, sắc mặt như một ngọn lửa lóe lên, hơi ảm đạm, chỉ cười mà không nói.

Đúng lúc này, Hoán Bích bước vào, tươi cười, nói: “Đồ ăn đã làm xong rồi, tiểu thư và Vương gia nếm thử đi!”

Chỉ thấy trên bàn có bày bốn món ăn, gồm tùy gà xào nấm, canh rau rút, rau râu rồng luộc, ruốc thịt Phúc Kiến, ngoài ra còn có một đĩa tương hoa hồng, kèm theo đó là một bát cháo trắng bốc hơi nghi ngút. Huyền Thanh cười, nói với Hoán Bích: “Cô nương quả đã có lòng rồi!”

Sắc mặt hơi máy động, Hoán Bích bất giác nở nụ cười, nói: “Dạ! Rau râu rồng luộc và ruốc thịt Phúc Kiến là hai món mà Vương gia thường ngày thích ăn, do đó nô tỳ mới kêu nhà bếp chuẩn bị.” Hai gò má Hoán Bích hơi ửng hồng nhưng rất nhanh đã khôi phục lại vẻ bình tĩnh, tự nhiên. “Thái Lam từng có lần nói tới việc này.”

Huyền Thanh coi như không nghe thấy, chỉ nói: “Tiểu thư nhà cô rất thích ăn tùy gà xào nấm và canh rau rút, hơn nữa hai món ăn này dùng với cháo trắng đều rất hợp.”

Lần này thì đến lượt tôi ngạc nhiên, không kìm được hỏi: “Sao Vương gia lại biết vậy?”

Y bình thản đáp: “Thường ngày nàng ăn không nhiều, chỉ có hai món này là ngày nào cũng ăn, hơn nữa còn động đũa nhiều nhất.”

Lòng tôi thầm chấn động, bất giác sững người, nhớ lại cảm giác hồi nhỏ, khi đi theo di nương tới suối nước nóng. Kỳ thực nước suối không hề nóng, chỉ là có một dòng nước nóng từ trong khe đá dưới đáy suối chậm rãi chảy ra, khiến cả dòng suối không còn lạnh nữa. Lúc này, bộ dạng của tôi nhất định là đang đờ đẫn, sững sờ, Hoán Bích cũng đang ngây ra mà chẳng rõ vì sao.

Tôi nhất thời chẳng biết phải đối đáp thế nào, chỉ miễn cưỡng cười, nói: “Đa tạ Vương gia quan tâm.” Tôi cố tình lảng qua chuyện khác, quay sang cười nói với Hoán Bích: “Tương hoa hồng này đúng là rất thơm, ta mới ngửi đã muốn ăn rồi!”

Thần sắc có chút không tự nhiên, Hoán Bích gượng cười, giải thích: “Thứ này làm cũng dễ thôi, chỉ cần chọn cánh hoa hồng tươi bỏ đi nước sương, trộn lẫn với đường trắng và ô mai rồi giã nhuyễn ra là được. Nếu tiểu thư thích, nô tỳ sẽ bảo bọn họ mỗi ngày đều chuẩn bị sẵn.”

Tôi xua tay, nói: “Ta chẳng qua chỉ tiện miệng nói vậy thôi, không cần mất công như thế.”

Huyền Thanh cầm đũa lên, ôn tồn nói: “Nếu thích thì hãy ăn nhiều một chút.”

Nhất thời cả hai chúng tôi đều im lặng, thức ăn bỏ vào miệng đủ cả bốn vị chua cay mặn ngọt, khiến trong lòng chúng tôi trào dâng muôn vàn cảm xúc.

Hoán Bích lùi ra phía xa, đứng canh chừng bên dưới bức rèm bông dày trước cửa. Bức rèm ấy có màu vàng nhạt, bên trên thêu hình những khóm trúc biếc xanh, hết sức tinh xảo. Hôm nay, Hoán Bích mặc một chiếc áo màu xanh kiểu dáng bình thường, không thêu chút hoa văn, lại kết hợp với chiếc váy màu xanh sẫm, thành ra toàn thân đều là màu xanh, đứng ngay dưới bức rèm bông kia, cả người liền giống như đã hòa vào đó, người ngoài chỉ có thể nhìn thấy một chiếc bóng mơ hồ.

Tôi và Huyền Thanh đều rất trầm lặng, khiến tiếng ca du dương từ phía xa vang tới kia lại càng trở nên rõ ràng.

Tôi buông đũa xuống, đoạn dây bạc nhỏ gắn trên đũa phát ra những tiếng loạt soạt, tựa như lời rủ rỉ chuyện trò. Tôi mỉm cười, nói: “Ta đã nghĩ ra tại sao các ca nữ lại chỉ hát ba bài đầu của Tử Dạ đông ca rồi.” Nụ cười của tôi dần trở nên tịch mịch. “Bởi vì càng về sau, mối tình ấy lại càng trở nên thê lương, lại càng đi vào tuyệt lộ. Ví như ‘Nơi nào kết đồng tâm? Đồi tây ngay gốc bách. Lãng đãng giữa bốn bề, sương lạnh giá lòng em’, rồi lại ‘Giữa làn nắng tháng Ba, ve sầu vừa kêu lại. Nhớ về nỗi vui xưa, tóc bạc tự bao giờ[4]’.”

[4] Tử Dạ đông ca có mười bảy bài, đây là bài thứ mười ba và mười bảy. Nguyên văn Hán Việt: Hà xứ kết đông tâm, tây lăng bách thụ hạ. Hoảng đãng vô tứ bích, nghiêm sương đống sát ngã. Thích kiến tam dương nhật, hàn thiền dĩ phục minh. Cảm thời vi hoan thán, bạch phát lục tấn sinh – ND.

Y khẽ nở nụ cười, cũng buông đũa xuống. “Mối tình được kể ra trong mùa đông tất nhiên là phải xơ xác, tiêu điều, tựa như tuyết phủ mênh mang, không có chút sức sống, khiến người ta nhìn là thương tâm, tuyệt vọng.”

Tôi vẫn cười nhưng nỗi thê lương trong lời nói thì đã không thể kiềm chế được: “Tử Dạ tứ thời ca được làm ra theo bốn mùa, xuân hạ thu đông tuần hoàn không ngớt. Một đoạn tình ý có sự ấm áp của mùa xuân, sự nóng bỏng của mùa hạ, tất nhiên cũng phải có sự ưu sầu của mùa thu, sự tiêu điều của mùa đông. Giữa những tháng ngày đầy hoan hỉ, ai ngờ lại có lúc ‘tóc bạc tự bao giờ’. Cặp uyên ương nào mà không muốn cùng bay nhưng đâu phải muốn là được, chỉ đáng thương cho những người chưa già tóc đã bạc… Do đó, thà rằng ngay từ đầu đã vô tình, như thế sẽ bớt được vô số nỗi khổ não.”

Y có chút ngạc nhiên, lại nhanh chóng lộ vẻ thấu hiểu. “Điểm tận cùng của tình yêu chưa chắc đã là nỗi bi ai. Muốn tình yêu đạt được thành quả, vốn phải có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà bây giờ thiên thời, địa lợi đã có, còn yếu tố nhân hòa thì chỉ phụ thuộc vào con người mà thôi.”

“Vậy…” Tôi ngoảnh đầu qua chăm chú nhìn y, trong giọng nói mang theo mấy phần quật cường và khí thế: “Vương gia đã từng nảy sinh quan hệ yêu đương với nữ tử nào chưa?”

Y im lặng, một thoáng sau liền ngoảnh đầu qua hướng khác. “Chưa.”

“Ta thì đã trải qua rồi, cho nên hiểu rõ. Xin không biết thẹn mà nói một câu, ta là người từng trải.” Tôi nở nụ cười thê lương, liếc mắt nhìn ra khoảng không rét lạnh bên ngoài cửa sổ. Trong phòng, than vẫn không ngừng cháy, tôi bỗng thấy khóe mắt cay cay, đoán chừng là vì bị khói hun. Kỳ thực, trong chậu than kia là loại than bạc thượng hạng, làm gì có chút khói nào, lại được vứt mấy miếng vỏ quýt vào trong, mùi thơm dìu dịu tỏa khắp, không hề có tạp khí. Tôi chậm rãi nói: “Có một số việc nếu ngay từ đầu đã biết là không thể có kết quả tốt, vậy thì chớ nên si tâm vọng tưởng mà mang lòng cưỡng cầu làm gì. Giống như ta với y ngày trước, nếu ngay từ đầu ta đã mang tâm thái của một phi tần bình thường, chỉ mong có vinh hoa phú quý, chẳng cần để tâm tới chân tình, có lẽ bây giờ ta vẫn còn yên ổn trong cung, địa vị không ai lay chuyển được, lại càng không làm liên lụy tới cha anh để họ rơi vào cảnh ngộ như bây giờ.”

Khi nói chuyện, ngay đến tên của Huyền Lăng tôi cũng không muốn nhắc đến, chỉ thay thế bằng một chữ “y”, Huyền Thanh tất nhiên hiểu rõ. Mà ý tứ trong lời nói, tuy rằng tôi chỉ điểm đến là dừng nhưng tin rằng y cũng hiểu.

Trong mắt y lẳng lặng xuất hiện một lớp băng sương lạnh giá nhưng phía sau đó dường như lại thấp thoáng một ngọn lửa nóng bỏng bập bùng. “Nàng mới thương tâm một lần mà đã sinh lòng thất vọng với chtình’ trên thế gian này rồi sao?”

Tôi không trả lời y, chỉ đưa tay chống cằm, chậm rãi nói: “Vương gia đã nghe kể về Bạch Xà truyện chưa? Tương truyền thời cổ có một con Bạch Xà Tinh tu luyện ngàn năm hóa thành hình người, chỉ mong tìm được một mối tình phu thê bình thường nhất giữa nhân gian. Dưới làn mưa bụi Tây Hồ, nơi Đoạn Kiều gặp gỡ, ngồi chung một thuyền, định tình bằng ô giấy, Bạch Nương Tử và Hứa Tiên rốt cuộc đã kết thành phu thê. Cũng không phải chưa từng ân ái, chỉ là không chịu nổi mấy lời chia rẽ của Pháp Hải, để rồi ngay cả khi Bạch Nương Tử đã mang cốt nhục của mình trong người, Hứa Tiên cũng không chịu quay lại giúp đỡ, còn chính tay cho nàng uống rượu hùng hoàng. Thực khổ cho Bạch Xà vì một nam nhân như vậy mà dâng nước nhấn chìm Kim Sơn, ăn trộm linh chi, còn vì y mà lo liệu việc nhà, sinh con đẻ cái. Chỉ bởi vì nàng không phải là đồng loại, cho dù một lòng chân thành đối đãi với Hứa Tiên cũng không được tha tội, đến cuối cùng vẫn vĩnh viễn bị đè dưới tháp Lôi Phong.”

Y mỉm cười nhìn tôi nhưng nụ cười ấy lại không có lấy một tia ấm áp. “Ta từng nghe nói, hình như chỉ khi tháp Lôi Phong đổ, nước Tây Hồ cạn khô, Bạch Nương Tử mới có thể thoát ra ngoài.”

Tôi cười lạnh lùng, cất tiếng: “Có khả năng ấy sao? Đó chẳng qua là chút hy vọng nhỏ nhoi mà người đời sau trao cho Bạch Nương Tử thôi. Bây giờ phong cảnh Tây Hồ vẫn như xưa, tháp Lôi Phong sừng sững, nào có thấy ai trốn thoát được ra ngoài. Chỉ đáng thương cho Bạch Nương tử vĩnh viễn bị đè dưới tháp Lôi Phong, phải chịu nỗi khổ vô bờ, chẳng thể siêu sinh. Trong khi đó, Hứa Tiên lại được sống bình yên mãi tới lúc già, mà chỉ e y chẳng có khoảnh khắc nào nghĩ đến nữ tử từng vì y mà vào sinh ra tử, một dạ tình si kia nữa!” Tôi ngước mắt nhìn y, trong mắt bất giác trào dâng một tia oán hận, tia oán hận đó tựa như một lưỡi kiếm sắc bén, kiếm khí vun vút bay đi đâm vào người y, cũng đâm cả vào người tôi. “Sao có thể nghĩ đến được đây? Trong mắt y, Bạch Nương Tử dù tốt đến mấy cũng chỉ là một con rắn thành tinh mưu đồ chiếm đoạt gia sản nhà y mà thôi. Không biết trong quãng thời gian đằng đẵng bị đè dưới tháp Lôi Phong, Bạch Nương Tử có từng cảm thấy hối hận chút nào không, hối hận vì ngày đó khi gặp Hứa Tiên ở Đoạn Kiều đã nảy sinh tình ý, để đến nỗi sau này phải chịu cảnh cay đắng muôn vàn, vĩnh viễn không thể thoát thân.” Tôi cố sức kìm nén nhưng rốt cuộc vẫn nói thẳng: “Nếu ta là Bạch Nương Tử, ta nhất định sẽ hối hận. Ta thà rằng mình chưa từng gặp y, chưa từng quen biết y, cả đời không bao giờ qua lại.”

Lòng tôi trào dâng muôn vàn cơn sóng dữ, hết lớp này đến lớp khác, mang theo nỗi chua xót khó nói bằng lời. Những cơn sóng đó đều ánh lên một màu hồng kỳ dị, đó là màu hồng của cánh hoa hạnh, múa lượn khắp trời. Đằng sau những cánh hoa dày đặc bất ngờ lại là khuôn mặt của y. Giọng y rất trầm thấp, mà câu đầu tiên lại là: “Ta là… Thanh Hà Vương.”

Hóa ra, ngay từ lần đầu gặp mặt, y đã lừa gạt tôi rồi.

Sau cơn chua xót, tôi lại cảm thấy lòng mình tắc nghẹn, chỉ muốn nôn mửa. Tôi cơ hồ thấy hận bản thân mình, tại sao tôi vẫn nhớ chứ?

Trong mắt y lập lòe một ngọn lửa âm u, chiếu ra những tia sáng màu lam mờ ảo, giọng nói đầy vẻ xót thương và thấu hiểu: “Vậy nàng cũng hối hận vì ngày đó đã quen biết y trên danh nghĩa là ta, đúng thế không?”

Tôi cả kinh rồi lập tức giả bộ như không có việc gì, lạnh lùng nói: “Sao ngài biết?”

Y đưa tay phủi áo, đáp: “Là y tự nói với ta.” Sắc mặt y ngợp vẻ phức tạp khó tả. “Mãi đến sau này gặp nàng, được y nói cho biết nàng chính là nữ tử mà y gặp dưới gốc hạnh ở Thượng Lâm uyển, ta mới biết nàng và nữ tử đó là một.” Y khẽ cười tự giễu. “Chuyện trên đời này luôn phức tạp như thế đấy, giống như việc tranh vẽ nàng rõ ràng là ở trong tay ta, lúc y gặp nàng rõ ràng là dùng danh nghĩa của ta, lúc ban đầu rõ ràng…” Trong mắt y đột ngột bừng lên ánh lửa, nhưng sau nháy mắt đã trở nên ảm đạm. “Lúc ban đầu rõ ràng… nàng cho rằng người nàng thích là ta. Nhưng đến cuối cùng người có được nàng lại là y. Ta và nàng, dường như luôn vì những nguyên nhân gì đó mà để vuột mất nhau.”

Trong mắt y rõ ràng có thứ gì đó, tôi cũng nhìn thấy rõ ràng nhưng rốt cuộc vẫn không dám hoàn toàn tin tưởng. Lòng tôi thầm sợ hãi, nhưng vẫn cố duy trì vẻ hờ hững. “Ta chỉ biết rằng con người ta một khi đã vào cung, bất kỳ người hay việc gì cũng đành để vuột mất thôi.” Tôi chậm rãi dùng thìa khuấy bát cháo trước mặt, cúi đầu, dửng dưng nói: “Vương gia có những tao ngộ thế nào ta không biết, cũng không muốn biết. Còn tao ngộ của ta, ta chỉ muốn quên đi tất thảy, mong Vương gia đừng nhắc đến nữa.”

Khóe môi hơi máy động, y cất giọng xót xa: “Những việc đó ta cũng muốn nàng quên đi mãi mãi.”

“Phải!” Tôi hơi ngẩng lên, nói: “Vì không chịu tin nữa, ta mới muốn quên đi, và cũng sợ lại có chuyện gì khác nữa.” Tôi hạ giọng, buồn bã nói: “Thiên Nhạc chí sách Đường thư chép rằng, ‘Tử Dạ ca thuộc Tấn khúc. Đời Tấn có người con gái tên là Tử Dạ sáng tác ra khúc nhạc này, lời ca rất đau khổ’. Tử Dạ ca tuy được người đời sau thuộc làu làu, mang tới muôn vàn dư vị, nhưng thực chẳng rõ khi xưa Tấn nữ Tử Dạ đã phải trải qua những nỗi mừng vui, đau khổ và kỳ vọng, thất vọng thế nào, để rồi sau khi hoàn toàn tuyệt vọng về người thương thì mới có khúc Tử Dạ ca này. Nếu sớm biết như vậy, Tử Dạ nhất định sẽ không cam tâm chịu đựng những nỗi đau khổ như thế.” Trong khoảnh khắc ấy, tất cả mọi nỗi bi thương và đau đớn của tôi đồng loạt bùng phát. “Ái tình vất vả, trên đường tình gió mưa trắc trở thì nhiều, hạnh phúc vui tươi thì ít. Do đó thà rằng ngay từ đầu đã chẳng cần, như thế sau này sẽ không phải chịu những nỗi đau khổ vô biên.”

Sau một thoáng trầm ngâm, y chậm rãi nói: “Gió mưa trắc trở nhiều, hạnh phúc vui tươi ít, ấy là bởi con người kia không đúng, không thể mang lại cho nàng ánh nắng ấm áp suốt bốn mùa, mà chỉ đem đến mây mù phủ khắp. Nếu có người một lòng một dạ đối đãi với nàng, nguyện vì nàng mà hóa thành ánh nắng, giúp nàng che chắn gió mưa, nàng cũng không bằng lòng sao?”

Tôi nở nụ cười thê thảm, thổ lộ nỗi lòng: “Ta từng phải chịu đau khổ, đã sợ lắm rồi!” Tôi không dám nhìn y, cúi đầu, khẽ nói: “Còn có một bài Tử Dạ ca khác, Vương gia từng nghe nói tới chưa?”

Tôi hơi cụp mắt, nhìn đĩa tương hoa hồng kia đến ngẩn ngơ, nghe tôi nói vậy thì mới cười, hỏi: “Chẳng hay nương tử đang nói tới bài nào?”

Đĩa tương hoa hồng đó có màu đỏ sậm, được cẩn thận đặt giữa một chiếc đĩa trắng ngần, tựa như trái tim đã bị người ta giã nát. Tôi ngẫm nghĩ một chút, chậm rãi cất tiếng ngâm: “Đời người sầu hận đành khôn thoát. Tiêu hồn một khối, tình man mác! Cố quốc mộng quay về, tỉnh ra thêm não nề. Nhớ cùng ai lên gác, thu ngắm vầng trăng bạc. Việc cũ đã qua rồi, vèo như giấc mộng thôi[5]”, sau đó nói: “Đây là bài Tử Dạ ca của Lý hậu chủ, tuy không hợp cảnh nhưng lại có hai câu rất đúng. Việc cũ đã qua rồi, vèo như giấc mộng thôi. Với ta mà nói, việc cũ đã thành giấc mộng, việc tương lai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng, cứ thế bước tiếp là được, bất tất phải mơ mộng vu vơ làm gì.”

[5] Bài Tử Dạ ca này là tác phẩm của Nam Đường hậu chủ Lý Dục, được sáng tác sau khi bị bắt về nước Tống, thể hiện nỗi niềm bi phẫn của kẻ vong quốc cùng với nỗi nhớ về chốn xưa. Nguyên văn Hán Việt: Nhân sinh sầu hận hà năng miễn? Tiêu hồn độc ngã tình hà hạn! Cố quốc mộng trùng quy, giác lai song lệ thùy. Cao lâu thùy dữ thượng? Trường ký thu tình vọng. Vãng sự dĩ thành không, hoàn như nhất mộng trung. Dịch thơ Nguyễn Chí Viễn – ND.

Nỗi u sầu và buồn thương nơi đáy lòng tôi tựa như một lớp rêu dày bám trên gốc mai già trải mấy chục năm, đã nhuốm màu phong sương sâu sắc, dù ánh nến có soi rọi cũng không thể sáng lên được.

Y cũng không nói gì khác, chỉ hỏi: “Bao nhiêu nỗi uất ức khi xưa, thực sự đều đã thành không hết rồi sao?”

Tôi im lặng, dù có muôn vàn lời muốn nói cũng chỉ có thể như vậy mà thôi.

Rồi tôi quay qua hướng khác, nói: “Ta mệt rồi!”

Y khẽ nói một tiếng: “Được!”, lại tỏ vẻ thản nhiên như không có việc gì. “Nàng hãy nghỉ ngơi đi, hai ngày tới trong cung có việc, ta e là không thể thường xuyên tới chỗ nàng nữa.”

Tôi mỉm cười, đưa mắt nhìn y. “Được, ta sẽ tự chăm sóc bản thân thật tốt.”

Y cũng không tị hiềm, cẩn thận gài góc chăn cho tôi. Lòng tôi hơi xao động, chỉ coi như không biết, nhắm mắt chìm vào giấc mộng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện