Họa Quốc

Quyển 1 - Chương 17: Hồi thứ tư: Hoa trong gương



“Cành hoa hạnh này bao nhiêu tiền?”.

Bóng tối vô biên theo câu nói này mà sáng bừng lên. Ánh sáng đầu tiên là một đốm nhỏ như đom đóm, sau đó bùng lên như ngọn lửa, tỏa thành vầng sáng, dần dần lan rộng ra.

“Mười văn tiền”. Trong mông lung, có một giọng nữ trong trẻo mà non nớt đáp lại. 

Giống như tình tiết viết trong sách từ trăm nghìn năm trước, diễn ra theo cái cách nàng vừa quen thuộc vừa xa lạ đó.

Và rồi, trong vầng sáng đó xuất hiện một cành hoa, cành hoa màu đất, đài hoa màu đỏ sậm, cánh hoa trắng muốt, đóa đóa chen chúc, có đóa chum chím ngậm hương, có đóa nở rộ xinh đẹp. Vì còn đọng nước, nên nhìn càng long lanh diễm lệ.

Nàng nhìn thấy một bàn tay đưa tới, đón lấy cành hoa đó.

Những ngón tay thon dài như ngọc, tay áo màu trắng phơ phất bay bay.

Trong màn đêm, không nhìn thấy gương mặt người đó.

Nàng bỗng cảm thấy sốt ruột, muốn kéo ống tay áo đó, bóng hình đó rõ ràng gần ngay trong gang tấc, trong nháy mắt đã trôi ra xa mười trượng.

Khoảng cách mười trượng như là cách cả một đời.

Đừng đi. Đừng đi! Đừng đi… Nàng nhìn thấy bàn ta mình kéo thật dài, thật dài, vượt qua khoảng cách dài tựa kiếp phù sinh, nắm chặt lấy tay chàng.

Một khát vọng nào đó trào ra khỏi lồng ngực, cùng với nó còn có nước mắt, trong bóng sáng, người áo trắng đó tách biệt với thế gian, tựa như một vị trích tiên(*), mà nàng nắm thật chặt, bất chấp tất cả, cứ nắm chặt, không dám buông tay.

“Ta hy vọng…”, nàng nghe thấy giọng nữ trong trẻo, non nớt đó nói bằng một thanh âm già nua trong chớp mắt: “Ta hy vọng trong chốc lát mình sẽ tới mười sáu tuổi, mọi cay đắng phải nếm trên đời đều đã nếm hết, chỉ cần phút cuối yên lặng đợt chờ cái chết”.

“Không, trước tiên nàng nên đợi đến năm mười sáu tuổi”. Người áo trắng từ phía trước quay đầu lại, rõ ràng không nhìn rõ dung nhan, nhưng có thể cảm thấy rõ rệt ánh mắt của chàng rất dịu dàng, “Khi nàng mười sáu tuổi, ta sẽ cưới nàng”,

Trái tim nàng run rẩy, tràn ngập kinh sợ lẫn vui mừng, bắt đầu mỉm cười, cười đến lộ xỉ, cười đến cong mày, cười đến nhảy nhót, sau đó chạy về phía chàng: “Là chàng nói nhé, lời chàng đã nói, nhất định phải giữ lời! Không được chối bỏ đâu đó!”.

Vầng sáng lan rộng ra, sương mù đen tối trùng trùng dần ta đi, để lộ hình dáng hoàn chỉnh của người đó, nàng nắm lấy tay chàng, xoay người chàng lại, nói: “Vậy ta đợi chàng đến năm ta mười sau tuổi, năm mười sáu tuổi chàng…”

Giọng nói ngưng bặt.

Ánh sáng chiếu trên gương mặt người đso, mày mắt cong cong, cười thâm tình, nhưng không phải là chàng.

Người đó lên tiếng, giọng nói đê mê: “Không sai, trẫm lấy nàng năm nàng mười sáu tuổi, trẫm không nuốt lời.”

Nàng kinh hãi liên tục lùi về phía sau, lại bị y kéo lại, đầu kề sát đầu, mũi đối mũi, gần đến mức có thể cảm nhận được hơi thở của nhau.

“Không chỉ như thế”, người đó nói, từ phía sau rút ra một chiếc vương miện bằng vàng sáng lóa, không do dự đội lên đầu nàng, “trẫm còn phong nàng làm hậu. Hy Hòa, nàng sẽ là hoàng hậu của Bích quốc”.

Chiếc vương miện bằng vàng đó nặng tựa núi, đè úp xuống. Nàng bật lên tiếng kêu thảm thiết, đột nhiên choàng tỉnh.

Đêm lạnh như nước, ánh đèn ảm đạm, trong không khí lan tỏa mùi hương băng xạ long diên(**), nát rữa mà ngọt ngào.

Hy Hòa quấn chiếc chăn lụa mềm mại, đôi mắt thẫn thờ, một lúc sau mới biết mình đang ở đâu. Cuối cùng khi nàng nhớ ra đây là Bảo Hoa cung, nàng đang nằm trên chiếc giường bằng ngà voi của mình, liền thét lên một tiếng chói tai, nhảy xuống giường, điên cuồng lao ra ngoài.

Cung nhân bị tiếng thét đánh thức, vội vàng thắp đèn mặt áo xúm lại, thấy nàng đầu bù tóc rối từ trong nội thất lao ra, không khỏi kinh sợ kêu lên: “Phu nhân, phu nhân đi đâu thế? Phu nhân, xảy ra chuyện gì vậy? Người đi đâu vậy…”.

Hy Hòa vẫn mở cửa như thể không nghe thấy, chạy ào ra sân, như một đứa trẻ hết chạy từ đông sang tây, lại chạy từ tây sang đông, giống như đang tìm thứ gì đó.

Cung nhân thấy nàng xiêm y mỏng manh, đi chân trần, sợ nàng nhiễm lạnh, cuống quýt khoác cho nàng một chiếc áo khoác, vừa thắt đai áo vừa nói: “Phu nhân, người tìm gì?”.

Hy Hòa ngây dại nhìn khoảng sân trống trải, hỏi: “Cấy, cây hạnh…”.

“Cây hạnh?”. Một cung nhân trong đám đó nhíu mày, kinh ngạc tột độ nói: “Ngày thứ hai sau khi vào Bảo Hoa cung, phu nhân đã sai người chặt hết sạch cây hạnh trong hoàng cung, phu nhân quên rồi sao?”.

“Chặt, chặt, chặt hết rồi ư?”.

“Thưa vâng”. Cung nhân nói xong câu đó, liền nhìn thấy chủ tử của họ chầm chậm quỳ xuống, ánh mắt vẫn đờ đẫn nhìn về một hướng nào đó, sau đó…

Đột nhiên gào khóc.

Mấy canh giờ sau, ánh nắng ban sớm chiếu vào khung cửa màu xanh lục, Khương Trầm Ngư dậy sớm đang ngồi chải đầu,Hoài Cẩn từ bên ngoài bước vào, mang theo một bức thiếp, nói: “Tiểu thư, có thư của tiểu thư”.

Trên bì thư màu tím nhạt, một hàng chữ viết bằng thể chữ thanh mãnh mà mạnh mẽ:

Cẩm trình – Khương tam tiểu thư – thục lãm.

Là công tử!

Khương Trầm Ngư thầm vui trong lòng, lập tức bóc niêm phong ra, nội dung rất ngắn gọn, chỉ có một hàng chữ:

Hoa lê đã bay trong gió, kính cẩn chờ dấu thơm.

Công tử hẹn nàng đi ngắm hoa?

Nàng lúc này đầu cũng không kịp chải, đọc đi đọc lại lá thư đó, bắt đầu chọn lựa y phục. Màu vàng hoàng yến quá nổi trội; màu lá sen quá già; màu đỏ tươi quá lộng lẫy; màu xanh lam không tôn nước da của nàng… Lục tung tất cả các bộ y phục mùa xuân trong rương mà nàng vẫn không tìm được bộ nào vừa ý.

Hai a đầu của nàng sớm đã nhìn đến phát chán, dẩu miệng nói: “Tiểu thư, sao những bộ bọn em thấy đẹp, tiểu thư đều không vừa ý? Đến chiếc áp lụa bảy màu, lúc may xong tiểu thư vẫn còn khen đẹp, sao chưa thèm mặc mà tiểu thư đã chê?”.

“Lắm lời!”. Khương Trầm Ngư không thèm để ý tới họ, xem lại từ đầu một lượt nữa, nhớ tới mấy lần công tử gửi thiếp đều dùng màu tím nhạt, hẳn là chàng thích màu này, mình chọn một chiếc áo có ống tay rộng màu tím nhạt và chiếc váy dài màu trắng, không cần thêm trang sức gì, chỉ cài trên mái tóc bảy đó hoa lê vừa mới hái xuống vẫn còn đọng sương.

Cuối cùng, trước con mắt kinh ngạc của đám nô tì, nàng lên xe ngựa, đi đến Hồng viên.

Hồng viên tọa lạc ở phía Nam đế kinh, rộng chừng trăm mẩu, là phong cảnh tú lệ nức tiếng xưa nay, được mệnh danh là thiên đường trốn nhân gian, nó vốn là sản nghiệp của Vương gia, cùng với sự sa sút của họ Vương, khu vườn này đổi chủ mấy lần, sau được một thương nhân họ Hồ mua lại. Người đó thường xuyên không đến đế đô, vì thế mở cửa khu vườn để cho mọi người thưởng ngoạn.

Khương Trầm Ngư trước giờ mới nghe danh, chưa từng vào trong, bây giờ ngồi trong xe ngựa đi vào, chỉ thấy cây cối um tùm, hoa cỏ xanh tốt, lầu gác san sát, đình đài thấp thoáng, dường như hết thảy cảnh trí của mùa xuân đều ngưng tụ nơi đây. Cạnh đảo ở giữa hồ có mồ Anh Vũ, núi Lãm Thúy cùng rừng Trừng Quang tạo thấy thế chân vạc. Đi về phía Nam của hồ, là nhìn thấy rừng Tam Xuân nổi tiếng nhất ở đây.

Tam Xuân chính là ba loài cây hạnh, lê, đào.

Trong khu rừng này, ba loại cây trồng xen kẽ, um tùm mà đẹp mắt.

Xe ngựa của công tử đang đậu dưới gốc lê đầu tiên nàng nhìn thấy, công tử đứng bên cạnh xe, Bạch Trạch trên xe và áo trắng của chàng phản chiếu lẫn nhau, sống động như thật.

Bàn tay trong ống tay áo của Khương Trầm Ngư nắm lại thật chặt, cố gắng không để lộ ra quá nhiều cảm xúc phấn chấn, sau đó nàng mở cửa xe.

Cơ Anh quả nhiên tiến đến đỡ nàng.

Những ngón tay mềm mại thon dài, bàn tay đó mở ra trước mặt nàng với một tư thế tuyệt đẹp. Cho dù luôn tự nhủ rằng mình phải bình tĩnh, nhưng nàng vẫn không kìm được đỏ mặt, nhẹ nhàng đặt tay mình lên bàn tay đó, nhấc váy xuống xe.

Gió xuân hây hây, cây lê nở hoa, diễm lệ trời ban, trắng trong tựa tuyết, ý chí thanh cao.

Chính trong khoảnh khắc này, không có ai cũng say, huống hồ là ở bên cạnh người trong mộng.

Khương Trầm Ngư cắn môi, nói: “Trầm Ngư đến muộn, để công tử chờ lâu”.

“Không đâu”. Cơ Anh cười cười, “Là Anh hành sự đường đột, vội vã truyền tin, hy vọng không làm phiền đến việc quan trọng của tiểu thư”.

Khương Trầm Ngư lập tức lắc đầu:  “Không, ta không có việc gì quan trọng”.

Rồi hai người sóng bước, cùng đi về phía rừng cây.

Dưới bóng hoa, thi thoảng có thư sinh trải chiếu ngồi, nâng chén tẩy trang(***), vô cùng náo nhiệt. Từ xa nhìn thấy, Khương Trầm Ngư cười nói: “Trước đây từng đọc câu thơ ‘Cộng ẩm lê thu hạ, lê hoa sáp mãn đầu, thanh hương lai ngọc thu, bạch nghị phiềm kim âu’(****) trong sách, không thể tưởng tượng được quang cảnh đó như thế nào, nay tận mắt chứng kiến, đúng là được mở rộng tầm mắt”.

“Hoa lê vốn có khí thế ‘chiếm chọn màu trắng trong thiên hạ, ép hết hoa đẹp của nhân gian’, thế nhân yêu chuộng cũng là điều khó tránh”.

“Đáng tiếc hoa hạnh vẫn chưa nở, không thể ngắm hai loài hoa cùng nở, thật là đáng tiếc”.

Cơ Anh nhìn cây hạnh tiêu điều lẫn giữa đào, lê đang khoe sắc, khẽ thở dài một tiếng: 

“Đúng thế, hoa hạnh năm nay nở muộn thật”.

Khương Trầm Ngư nhìn dáng vẻ cô đơn của chàng, bèn an ủi: “Cũng không hẳn là vậy, công tử xem, trên cành cây này đã chum chím nụ, không chừng đến ngày mai là đã nở hoa rồi”.

Cơ Anh cười cười, không nói gì, tiếp tục đi lên phía trước.

Hình như, hình như có chút bối rồi… Tại sao rõ ràng là cuộc hẹn được mong chờ như thế, đến lúc thực sự gặp rồi, lại cảm thấy không biết làm thế nào, không có lời nào để nói? Lẽ nào nàng không phải ngừng nói về những cây hoa này sao? Khương Trầm Ngư quyết định đổi chủ đề: “Công tử, có một chuyện Trầm Ngư nghe nói đã lâu, luôn cảm thấy kỳ lạ”.

“Tam tiểu thư xin cứ hỏi”.

“Nghe nói bình sinh công tử sợ nhất là chơi cờ?”.

Cơ Anh tủm tỉm cười: “Anh lúc còn nhỏ cực kỳ nghịch ngợm, nhưng gặp phải gia tỉ, giảo hoạt cổ quái còn hơn cả ta, vì thế thường bị tỉ ấy trên đùa. Khi ấy ta thích nhất loại bánh điểm tâm tên là bánh đậu xanh, mỗi lúc đọc sáchđều đòi có một đĩa để bên cạnh, vừa ăn vừa đọc. Có một ngày, theo lệ thường ta cầm một chiếc bánh lên cắn, kết quả là bị gẫy hai cái răng cửa. Hóa ra, nhân chiếc bánh đó không nhồi đậu, mà là quân cờ…”.

Khương Trầm Ngư ”a” một tiếng.

“Từ đó về sau, mỗi lần thấy quân cờ là nhớ đến hai chiếc răng sữa đó, cảm giác đau đớn khôn tả. Cho nên không bao giờ động đến cờ nữa”.

Khương Trầm Ngư không thể ngờ còn có nguyên do này, nghĩ một lát bật cười: “Hóa ra công tử cũng là một người bướng bĩnh, quân cờ có tội gì? Nếu phải oán giận, thì oán giận người đã bỏ quân cờ vào trong bánh chứ”.

“Gia tỉ hung hãn, ta nào dám trách tỉ ấy”. Cơ Anh nói, thần sắc trong mắt trở nên mông lung, dường như còn nghe thấy một tiếng cười khanh khách lãng đãng bên tai: “Chơi cờ mà vất vả thế, thôi không chơi nữa. Sau này, chàng có thể ăn bánh đậu xanh  thiếp làm, đảm bảo không có quân cờ đâu”.

Giọng nói nhòa đi, trôi xa dần. Một giọng nói khác rõ ràng hơn dội tới: “Công tử! Công tử!”.

Cơ Anh bừng tỉnh, cảm thấy mặt hơi lạnh, ngẩng đầu lên, hóa ra trời đã đổ mưa. Hai người vội vàng chạy đến chiếc đình gần nhất, chàng nhìn cơn mưa đến bất chợt bên ngoài, có chút ngậm ngùi, nói: “Trời có mưa gió bất thường, cổ nhân thực không lừa ta”.

Khương Trầm Ngư sửa lại tóc tai, chúm chím cười: “Mưa xuân quý như dầu”.

“Tiểu thư thích mưa?”.

“Vâng”. Nàng nhìn hoa lê tắm trong màn mưa tựa sương mù, mỉm cười nói: “Không có mưa, sao những đóa hoa này nở được? Hơn nữa hoa lê trong mưa vốn là mỹ cảnh tuyệt vời chốn nhân gian”.

Ánh mắt Cơ Anh trầm xuống, giọng nói xa xôi đó lại lần nữa thoảng về bên tai: “Mưa? Thiếp ghét nhất là mưa! Vì hễ trời mưa, mẹ không thể mở hàng bán mì; hễ trời mưa, cha sẽ uống say túy lúy, mỗi lần đều phải đi đón ông; hơn nữa, hễ trời mưa, mặt đất lầy lội khó đi, khắp nơi bùn đất… Thiếp ghét nhất trời mưa!”.

Lúc đó, giọng nói ấy trong trẻo, thanh thanh, không giống sau này, đầy vẻ uể oải và khan đục.

Lại nhìn rừng cây trước mắt, hoa lê vẫn đang kì nở rộ, bừng nở rạng ngời, hoa hạnh vẫn đang chớm nụ, ảm đạm buồm bã.

Quả nhiên không phải là hai thứ giống nhau…

Khương Trầm Ngư nhìn lọn tóc trước trán chàng bị ướt mưa, đang rỏ từng giọt, bèn lấy từ trong tay áo ra một chiếc khăn tay, đỏ bừng mặt đưa cho chàng.

Cơ Anh cảm tạ, cầm chiếc khăn đang định lau, lại không kìm nổi sững sờ: “Đây là…”.

“Đây là khăn tay của công tử, công tử còn nhớ không?”. Cái ngày Hy Hòa trúng độc, bên ngoài Bảo Hoa cung, chàng từng dùng chiếc khăn tay nàu lau vết máu trên mặt cho nàng. Tuy khi đó nó đã bị chàng vứt đi, nhưng sau đó vì chàng đi trước, cho nên nàng nói với Chu Long muốn lấy đồ, nhân cơ hột đó nhặt về, giặt sặt rồi luôn mang bên mình. Đến nay, quả nhiên đã dùng tới.

Việc này dụng tâm cực khổ, Cơ Anh sao không biết, cầm chiếc khăn tay đó, chàng bất giác cũng trầm ngâm im lặng.

Trong khoảnh khắc, hai người đều không nói gì, không khí thoáng chút bối rối, mà trong sự bối rối đó lại có một sự đẹp đẽ lạ lùng.

Gió xiên mưa bụi, hoa lê ngập trời. Giăng mắc như châu ngọc trên hiên đình ngũ giác.

Cảnh nền là khu rừng, chàng và nàng trong đình há chẳng phải là một phong cảnh tuyệt mỹ nhất sao?

(*)Trích tiên: Tiên bị lưu đầy xuống hạ giới

(**)Băng xạ là băng phiến và xạ hương, long diên là long diên hương, một chất đốt tạo mùi thơm ngọt

(***)Vào tiết hoa lê nở, người xưa ưa thích tụ tập vui đùa dưới bóng hoa, gọi một cách trang nhã là “tẩy trang”

(****)Thơ của Nhữ Dương hầu Mục Thanh Thục (Đường), dịch nghĩa là: Cũng uống rượu dưới gốc lê, hoa lê rụng trắng đầu, mùi thơm thanh nhã từ cây ngọc tỏa ra,bàn chuyện giang sơn chỉ là uổng phí.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện