Khách Qua Đường Vội Vã

Chương 21: Ngoại truyện 3: Bố mẹ mình



Bình giấm chua1

Mẹ mình là người mẹ dịu dàng xinh đẹp nhất trên đời này, mọi người đều nói như vậy. “Mọi người” ở đây là ông ngoại mình, bác Tịnh Nhã, thím Luyến, ông nội Nhậm, bà nội Trần, thầy giáo Bạch, chú Lý, chú Trần, dì Tôn, thím Trương, còn cả đám bạn đã từng thấy mẹ mình nữa, rất nhiều rất nhiều người.

Bình giấm chua1: Nghĩa bóng ý chỉ ghen tuông. Xuất phát từ điển cố, thời Đường vua Đường Thái Tông muốn lung lạc lòng người đã bắt tể tướng đương thời Phòng Huyền Linh nạp thiếp, nhưng thê tử của ông này ngang ngược can thiệp, không đồng ý. Đường Thái Tông hạ lện cho thê tử của Phong Huyền Linh giữa việc nạp thiếp và uống thuốc độc chỉ được chọn một. Phòng phu nhân tính tình cường liệt liền cầm bát thuốc độc uống liền một hơi trước mặt Đường Thái Tông. Đến khi đó Phòng phu nhân mới biết thứ bà uống không phải rượu độc mà là giấm chua. Từ đó về sau ‘uống giấm, giấm chua’ còn được dùng với nghĩa ghen tuông, đố kỵ.

Nhưng mà, không có bố mình.

Vì có một lần mình nói với bố, bạn con khen mẹ xinh đẹp dịu dàng, bố nói: “Những người dịu dàng hơn thì không đẹp bằng mẹ con, đẹp hơn lại không dịu dàng bằng mẹ con, mẹ con chẳng qua có điểm trung bình hơi cao thôi, hơn nữa còn rất giỏi che giấu bản thân.”

Bố lúc nào cũng chê mình đọc sách ít hơn bố, nói với mình mấy câu líu cả lưỡi giống y chang tiếng nước ngoài, mình không hiểu, nhưng có một chuyện thì mình thừa biết, bố mình đang ghen.

Đúng rồi, mình tên là Trình Già Minh, tên này mẹ mình đặt cho, cũng là bố mình đặt. Nghe nói chuyện là như thế này. Có một người đàn ông trong một quyển sách tên là Trình Gia Minh, mẹ mình rất thích người đó, vì thế muốn đặt tên này cho mình. Lúc đầu bố cũng đồng ý, dù bố nghĩ cái tên này rất tầm thường, nhưng bố tôn trọng ý kiến của mẹ. Nhưng sau đó bố vô tình biết được nguồn gốc của cái tên này, vì thế vô cùng tức giận, nhất quyết sửa tên cho mình. Bố với mẹ bàn bạc mấy tiếng đồng hồ liền, cuối cùng tên của mình mới thành thế này đây.

Bố đúng là một bình giấm chua, dù bố thường giả vờ không quan tâm gì cả.

(2) Miếng đậu phụ to

Tối qua mẹ không thèm để ý đến bố, bố cũng vậy, chẳng ai chịu ai. Đến tối, mẹ vào phòng kể chuyện cổ tích dỗ mình ngủ. Bố cũng qua dỗ mẹ: “Đừng giận nữa mà, coi như anh sai rồi, được chưa nào?”

Mẹ bảo: “Cái gì mà coi như anh sai rồi? Vốn dĩ là anh sai mà.”

Bố nói: “Ừ ừ, em nói đúng, đúng là anh sai rồi.”

Bố mẹ tưởng mình đã ngủ say, thật ra mình đang giả vờ ngủ thôi. Vì mỗi lần mẹ tưởng mình ngủ say rồi đều khẽ xoa mũi, mắt với tóc mình, mỗi lần như thế mình thấy rất vui vẻ, hạnh phúc, vì thế mình thích giả vờ ngủ lúc mẹ dỗ mình.

Bố đúng là chẳng có chút lập trường của đàn ông gì cả. Còn đâu cái gì mà nam tử hán đại trượng phu, toàn là miếng đậu phụ mềm nhũn.

Nhưng mà bố chỉ giống miếng đậu phụ trước mặt mẹ thôi, trước mặt người khác thì rất giống đại trượng phu, đặc biệt là trước mặt mình, mỗi lần dạy dỗ mình đều đợi tới lúc mình sợ mới chịu tha cho.

Lúc bố không dạy dỗ mình, mình cũng yêu bố lắm.

(3) Tác dụng của tấm gương

Bố dạy mình, làm đàn ông con trai, có rất nhiều chuyện không thể làm, chẳng hạn như không được đánh con gái, không được hơi một tí là khóc, không được không có lý do chính đáng mà không đi nhà trẻ, không được kén ăn, không được nói dối, càng không được không thấy mẹ là chạy đi tìm mẹ khắp nơi.

Nhưng mà…

Cuối tuần nhân lúc mình không ở đó, bố gọi điện cho mẹ đang đi dạo phố với dì Thu Nhạn: “Bọn em đi cả ngày rồi, không thấy mệt à? Buổi tối còn muốn đi cùng nhau sao? Hôm khác ăn đi, hôm nay về sớm nhé, Già Minh tìm em cả ngày nay đấy.” Huhuhuhu… Mình thề là mình không tìm mẹ cả ngày nay, mình chỉ tìm mẹ cả ngày nay, mình chỉ tìm mẹ có đúng một lần. Rõ ràng là bố nhớ mẹ, thế mà còn dám nói dối.

Có một lần, mình phát hiện lúc ăn cơm bố nhặt hết rau thơm, gừng với thịt mỡ trong bát ra lén vứt đi.

Mình cũng không thích mấy món đấy, còn phát hiện động tác bố nhặt thịt mỡ ra rất phong độ, vì thế mình cũng học theo bố. Nhưng mẹ lại nói: “Già Minh, con mà không ăn là không cao được đâu đấy.” Mình không muốn chọc mẹ tức giận, đành ngậm ngùi cố nuốt mấy món khó ăn đó.

Sau đó mình lại phát hiện ra một bí mật, chỉ cần là mẹ nấu cơm, trong bát của bố sẽ không xuât hiện ba món kia nữa. Hừ hừ hừ.. mẹ thiên vị. Nhưng mà, bố cũng đã cao lắm rồi, không cần cao thêm nữa.

Cuối cùng có một lần… hôm đó bố mẹ và mình cùng ra ngoài ăn cơm, trong mì lại có rất nhiều miếng thịt mỡ bé xíu. Đúng lúc mẹ đi ra ngoài, mình thấy bố bắt đầu nhặt thịt mỡ ra, mình cũng lập tức nhặt của mình. Bố nhìn mình một cái, không nói gì, sau đó mẹ quay lại thấy mình nhặt thịt mỡ ra, nhẹ nhàng bảo: “Trẻ con ngoan không được kén ăn.”

Mình bảo: “Nhưng bố cũng có thích ăn thịt mỡ đâu. Vì con là con trai của bố, nên con cũng không thích ăn.”

Mẹ nói: “Ai bảo thế, bố con không kén ăn đâu.” Sau đó nghiêng đầu nhìn bố.

Vì thế, mình cực kì vui khi nhìn người bố thân yêu của mình, dùng vẻ mặt như đang uống viên thuốc đắng ngắt nhất trên đời, trước mặt mình bỏ rất nhiều thịt mỡ vào trong miệng, không dám nhai mà nuốt luôn.

(4) Phỏng vấn giữa chừng: Paparazzi nghiệp dư

Mình là phóng viên nhỏ tiểu nghiệp dư được đặc phái đến của tờ báo Phiêu A Hề Phiêu A Hề 7 + 1, sếp và thầy của mình là dì Phiêu thông minh, xinh đẹp, thanh lịch, hiểu lòng người, dịu dàng, hiền lành. Nhiệm vụ chính của mình là khai thác những thông tin riêng tư mất thể diện của bố mẹ cho dì Phiêu, có như thế dì Phiêu mới đảm bảo với mình sẽ không viết kịch bản vớ vẩn hại bố mẹ mình chia tay. Nhưng mà hình như dì Phiêu không hài lòng lắm, với công tác của mình thì phải… mình rất buồn.

(A)

Tiểu Tiểu Trình: Bố ơi, sao bố muốn kết hôn với mẹ?

Bố của Tiểu Tiểu Trình: Vì bố rất muốn kết hơn với mẹ con.

Tiểu Tiểu Trình: Mẹ ơi, sao mẹ muốn kết hôn với bố?

Mẹ của Tiểu Tiểu Trình: Vì… bố mẹ phải nuôi Già Minh mà.

Tiểu Tiểu Trình: (Người lớn nói chuyện kì lạ thật)

(B)

Tiểu Tiểu Trình: Mẹ ơi, nếu con với bố cùng rơi xuống biển, mẹ cứu ai trước ạ?

Mẹ của Tiểu Tiểu Trình: Mẹ không biết bơi…

Tiểu Tiểu Trình: Bố ơi, nếu con với mẹ cùng rơi xuống biển, bố cứu ai trước ạ?

Bố của Tiểu Tiểu Trình: Không phải con biết bơi rồi à? Đương nhiên là chúng ta cùng đi cứu mẹ con rồi.

(C)

Tiểu Tiểu Trình: Bố mẹ rất yêu nhau phải không ạ?

Mẹ của Tiểu Tiểu Trình: Câu này hỏi bố con đi.

Bố của Tiểu Tiểu Trình: Trẻ con sao lại hỏi câu không lành mạnh như thế hả?

(D)

Tiểu Tiểu Trình: Bố ơi, bố có thấy mẹ rất xinh đẹp không?

Bố của Tiểu Tiểu Trình: Trình Già Minh, làm người đàn ông không thể hời hợt như thế được, nhìn phụ nữ nhất định phải xem nội tâm của họ như thế nào, con có hiểu không?

Tiểu Tiểu Trình: Nhưng mà chẳng lẽ bố không thấy mẹ rất đẹp ạ?

Bố của Tiểu Tiểu Trình: Ờ, rất xinh đẹp.

Tiểu Tiểu Trình: (chỉ vào tivi đang chiếu Miss World) Mẹ với cô này ai đẹp hơn ạ?

Bố của Tiểu Tiểu Trình: … Trong mắt bố… đương nhiên là mẹ con.

Tiểu Tiểu Trình: Mẹ ơi, mẹ có thấy bố rất đẹp trai không?

Mẹ của Tiểu Tiểu Trình: Mẹ không để ý lắm… chắc là… tạm được

Tiểu Tiểu Trình: (chỉ vào một người đàn ông nghe nói đẹp đến nỗi quỷ khóc thần sầu trên tivi) Bố với người này ai đẹp trai hơn ạ?

Mẹ của Tiểu Tiểu Trình: Trình Già Minh, con không thể sỉ nhục bố con như thế được.

(5) Chồng xướng vợ họa

Mẹ thích làm ngược lại với bố, mình biết từ lâu rồi.

Chẳng hạn như mẹ giơ hai bình hoa mới cắm xong cho bố xem: “Phòng sách của anh bày màu vàng hay màu trắng đẹp hơn nhỉ?”

Bố nói: “Màu vàng.”

Mẹ bảo: “Nhưng em thấy màu trắng đẹp hơn.” Vì thế cuối cùng trong phòng sách của bố bày bình hoa màu trắng kia.

Bố ngốc thật, dỗ con gái cũng không biết. Hoa là mẹ tự tay cắm, bố nên bảo “đều đẹp cả”.

Có một hôm, mẹ lại giơ hai bình hoa hỏi bố, lần này bố rất thông minh, lập tức nói: “Đều đẹp cả.”

Nhưng mẹ lại bảo: “Hoa này có mùi thơm, dạo này phế quản của anh không tốt lắm, hay là không cắm nữa vậy.” Cuối cùng hai bình hoa đó bị mẹ quăng vào nhà vệ sinh.

Nhưng nếu người có quan điểm trái ngược với bố là mình, mẹ sẽ lập tức đứng về phía bố ngay, chẳng giúp mình gì cả.

Có một hôm mình chỉ phạm tí tẹo lỗi, thật sự chỉ là một lỗi nhỏ xíu. Kết quả bố gọi mình vào phòng sách dạy dỗ mình ít nhất ba trăm giây, lại còn bắt mình về phòng úp mặt vào tường một tiếng đồng hồ, viết một tờ tự kiểm điểm hơn ba trăm chữ, phải đi nhận lỗi với Tiểu Dương, còn không cho mình sáng mai sang nhà Tiểu Vy chơi nữa.

Mình không dám lên tiếng, cúi đầu ra khỏi phòng sách, đúng lúc đụng phải mẹ, mình lập tức ôm mẹ khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi, bố lại phạt con, rõ ràng là Tiểu Dương sai nhiều hơn. Bố xử bất công, mẹ phải bảo vệ công bằng cho con.”

Mẹ còn chưa kịp nói gì, bố đã lên tiếng: “Thêm hai hình phạt nữa, một tuần không cho ăn chocolate và kem, không cho chơi game nữa.” Mình ngoảnh đầu lại nhìn, bố đứng ở cửa phòng sách từ lúc nào thế? Vừa nãy vẫn còn ngồi trong phòng mà.

Ban nãy mình giả vờ khóc, nhưng bây giờ mình muốn khóc thật luôn. Sao bố không học bố của Tiểu Dương ấy, lấy gậy đánh mình một trận cho xong.

Mình ầng ậng nước mắt, đáng thương như cún con nhìn mẹ, muốn mẹ giúp mình nói vài câu để bố rút hai hình phạt sau lại, nếu không được thì rút cái cuối cùng lại cũng tốt.

Mẹ xoa đầu, nhéo mặt mình, dịu dàng nói: “Ngoan, nghe lời nào, cứ theo lời bố con mà làm đi.”

(6) Chiến tranh lạnh

A Ngu là chị họ của mình, tên Trung Quốc chính thức là Trình Thiển Ngữ, lúc nào cũng cậy lớn hơn mình ba tuổi ra vẻ chín chắn hơn mình, còn đặc biệt danh ‘A Bát1’ cho mình nữa chứ. Mình vừa phản đối, chị liền nói: “Em là em trai yêu quý nhất của chị mà, chị là A Ngu, đương nhiên em phải tên là A Bát rồi.” Được rồi, chị thích gọi thế nào thì gọi. Bố bảo rồi, đàn ông con trai không nên chấp nhặt với con gái.

A Bát1: trong tiếng Trung nghĩa là ngốc nghếch.

Chị A Ngu mỗi lần về nước đều thích giả vờ đứng lớp giảng bài cho mình. Một lần chị ấy bảo: “A Bát, A Bát, người lớn cãi nhau gọi là ‘chiến tranh lạnh trong gia đình’, không có lợi với sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ chúng mình.”

Theo lời chị A Ngu, nhà mình cũng có rất nhiều vụ ‘chiến tranh lạnh trong gia đình’, nhưng mình chẳng cảm thấy lạnh hay chiến tranh gì cả. Bố mẹ cũng cãi nhau, nhưng toàn cãi nhau lúc ông bà ngoại không ở nhà, đã thế còn cẩn thận tránh mình nữa. Chẳng hạn một giây trước bố mẹ còn đang tranh luận, vừa nhìn thấy mình liền tươi cười với mình ngay, cả hai cùng giả vời cười, tỏ vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra, bố còn dịu dàng khoác vai mẹ nữa chứ.

Các cô các chú trên tivi phải lúc rất tình cảm mới ôm nhau, nhưng khi bố ôm mẹ trước mặt mình, mình liền cảm thấy, ừm, nhất định bố mẹ vừa cãi nhau xong.

Mình rất thích bố mẹ cãi nhau. Mỗi lần bố mẹ cãi nhau xong, hai người sẽ cùng đưa mình đi khu vưi chơi, hoặc xem phim, chơi với mình rất lâu.

Bình thường lúc bố mẹ không cãi nhau, toàn là ông bà ngoại đưa mình đi chơi. Ông bà ngoại cũng cãi nhau, ông bà cãi nhau xong, bà ngoại sẽ nấu món mình thích ăn nhất, ông ngoại đưa mình đi mua đồ chơi mình thích nhất, còn cưng chiều mình hơn lúc bình thường. Mình cũng mong ông bà ngoại hay cãi nhau.

Vì thế mình thấy chị Thiển Ngữ nói chẳng đúng tẹo nào, người lớn phải thường xuyên cãi nhau mới có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ chứ.

Nhưng lần đầu tiên vô tình trông thấy bố mẹ cãi nhau, mình rất lo lắng, mình sợ bố mẹ sẽ ly hôn giống bố mẹ của bạn Tiểu Khiết, cả hai đều không cần mình nữa. Sau đó mình phát hiện mẹ không ngủ trong phòng của bố mẹ nữa, mà ngủ trong một phòng khác, mìn lại thấy vui vẻ, vì cuối cùng mình cũng có thể ngủ chung với mẹ rồi. Mẹ vừa mềm vừa thơm, lúc mình ngủ cạnh mẹ nằm mơ rất ngọt ngào.

Lúc mình đang ôm mẹ, nằm mộng đẹp, bố đột nhiên xuất hiện, xách cổ áo, ném mình lên giường trong phòng mình. Bố hay ỷ lớn bắt nạt nhỏ như thế đấy, cướp mẹ với mình y chang đám bạn mình cướp đồ chơi ấy, mình không đấu lại bố. Hơn nữa mẹ còn đang ngủ, mình sợ đánh thức mẹ dậy.

Mình lén nhìn qua khe cửa xem bố muốn làm gì, thấy bố ôm mẹ về phòng cũ. Mẹ chắc chắn vẫn chưa tỉnh, vì mẹ không giãy giụa gì cả.

Sáng hôm sau, mẹ không ra ăn sáng. Mình muốn đi xem mẹ thế nào, nhưng bố không cho, bảo mẹ bị ốm rồi, sẽ lây sang mình, nhưng bố lại vào với mẹ, còn bê bữa sáng vào phòng cho mẹ nữa chứ.

Chắc chắn là mẹ bị bố làm cho tức quá mà ốm rồi, vì thế bố mới phải bón cho mẹ ăn. Nhưng mà bố chưa bao giờ bón cho mình cả, dù mình chơi xấu thế nào bố cũng mặc kệ mình tự ăn, ông bà ngoại muốn bón cho mình bố cũng không chịu, bảo phải rèn cho mình tính tự lập. Hừm, trọng nữ khinh nam.

Mẹ khỏi bệnh nhanh lắm, mặt mẹ đỏ như quả táo, buổi trưa còn tự xuống bếp nấu canh cá viên mình thích ăn nữa. Ăn no xong mình mới nghĩ ra một chuyện, có thể không phải mẹ nấu cho mình mà là nấu cho bố, vì bố còn thích ăn canh cá viên hơn mình cơ.

Hôm sau, bố mẹ lái xe đưa mình đi leo núi ở một chỗ rất xa. Ngọn núi đó ngày trước ông bà ngoại đã đưa mình đi một lần rồi, mình tự leo được nữa cơ. Nhưng mình muốn trút giận cho mẹ, vì thế mới leo được một tí liền giả vờ hết cả hơi, ôm lấy chân bố không chịu đi tiếp nữa. Thế là bố phải ôm mình lên tận đỉnh núi, sau đó lại cõng mình về.

Núi rất cao, trời thì nóng, mình ôm bố rất chặt, sau lưng bố ướt đẫm mồ hôi. Mình thấy hơi không đành lòng, suýt nữa mở mồm nói bố ơi, con có thể tự đi, nhưng mình vẫn nhịn, ai bảo bố bắt nạt mẹ chứ? Hứm.

Mẹ ơi, con yêu mẹ. Có con ở đây, không ai bắt nạt mẹ được đâu.

(Hậu kí: Sau khi xuống núi, bố nói với mẹ, cổ và vai bố rất đau, vì thế lúc cả nhà quay vè, mẹ lái xe, Đến tối, mẹ lại giúp bố xoa cổ, đấm vai. Bố thật là yếu ớt. Chậc, rõ ràng mình đang phạt bố, sao lại mệt đến mẹ thế này? Thật là.)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện